Cõi Nhạc Lê Minh Hiền
Leo* 13.01.2010 11:09:50 (permalink)
“ Hạnh Phúc - Khổ Đau”   “Chia Lìa - Sum Họp”    
                                            Trong
                
                                                  
         Cõi Nhạc Lê Minh Hiền
                                      
 Người Viết: Sao Biển
 


        Với 30 tình khúc xanh màu kỷ niệm, đầy ắp những dỗ dành phủ dụ, những nâng niu  trìu mến, nhưng cũng nhiều oan trái, khổ đau về “ Quê hương- Tình yêu và Thân phận” đã được tung ra thị trường âm nhạc hải ngoại trong thời gian gần đây, với sự đóng góp của những tiếng hát thời danh: Quang Dũng- Võ Thu Nga - Hồng Nhung - Thanh Lam - Tuấn Ngọc- Diễm Liên- Johnny Dũng và những giọng ca đầy tình tự Quê Hương như Đức Tuấn - 5 Dòng Kẻ - Mỹ Lệ - Huy Sinh - Lê Hiếu - Nguyên Thảo - Phương Thanh - Cadillac - Nhạc sỹ Lê Minh Hiền đã phà hơi thở tình yêu cho những đứa con tinh thần của mình một linh hồn, một đời riêng, để sống, với hoài bão đóng góp một viên gạch vào lịch sử âm nhạc Việt Nam.
        Qua ba chủ đề được đặt tên cho ba CD & DVD: “Giọt Buồn Đêm Mưa” - “ Duyên Ngàn Năm”  - và “ Soi Bóng” - Lê Minh Hiền, người  Nhạc Sỹ mà tuổi đời vẫn còn nguyên vẹn những mộng mơ, lãng mạn nhưng vẫn thấp thoáng một u buồn sầu đắng giữa nền chiều úa.
        Đi vào cõi nhạc Lê Minh Hiền để nghe những thang âm cung bực trong 30 tình khúc của Anh, khán thính giả hãy cảm nhận bằng một hồn lắng, bằng một tâm trong, bởi cõi nhạc mang dấu ấn Lê Minh Hiền là nơi ươm giữ những hoài niệm một đời, những thiết tha một kiếp, không phải riêng với tác giả  mà có tất cả chúng ta, những người yêu thơ và nhạc tình.
        Ba trong mười tình khúc mở đầu cho những sáng tác đẫm buồn, ngay từ khi vừa bước chân qua ngưỡng cửa nghệ thuật “ Dấu Tình Không Phai”- “Tiếng Vọng Đôi Chân” và “ Giọt Buồn Đêm Mưa” qua  sự diễn đạt u hoài sầu lắng của Thanh Lam- Quang Dũng- Võ Thu Nga , Nhạc Sỹ Lê Minh Hiền đã quay lui tìm kiếm những nỗi niềm trổ hoa, những tỏ bày đơm trái bạt ngàn dấu yêu.
       Sau Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… những sứ giả của tình yêu, Lê Minh Hiền  cũng nồng nàn dâng hiến cuộc đời, những phiên khúc lụy tình ở thuở ban đầu : “ Vì Tôi yêu Em như hoa lá yêu mưa, đêm thâu đêm trông mong áng mây trời: Còn Em như Ong lang thang kiếm nuôn hoa, Em đem giông  đem bão cho đời tôi…” TríchCon Tim Dại Khờ”.
         Nghe một trong  những phiên khúc tâm cảm của Lê Minh Hiền, người nghe mường tượng một hành giả rao giảng thương yêu, trên đường về, cách gì cũng không thoát khỏi chiếc bóng đơn côi, chiếc bóng hiu quạnh trên bước chân đời mình . Đời nghệ sỹ, đời Lê Minh Hiền. Đời ai ? Trong đó có ta. Có cuộc đời, và cả cuộc tình, đôi ta (chữ nghĩa và ý tưởng của bạn tôi) Thi Sỹ Du Tử Lê.
        Ở một góc khuất kín nào của tâm hồn của khát khao đời mình, mỗi chúng ta đều gìn giữ, đều nâng niu, đều giữ lấy cho riêng ta những chiếc lá mơ ước_ “ dù cho những chiếc lá chưa rời chỉ như lời nói dối…” như nhà thơ  Du Tử Lê của chúng ta đã từng thổ lộ. Bởi vì quả thật, mỗi chúng ta sẽ trần trụi, bởi vì mỗi chúng ta sẽ tuyệt vọng, sẽ quay lưng, sẽ ly dị cuộc đời này một khi chúng ta không còn giữ được cho riêng mình, chiếc lá khát khao, xanh, chiếc lá mơ mộng, ngọc. Cũng vậy, Lê Minh Hiền, người Nhạc Sỹ đắm mình trong cõi đời ô trọc, đầy những mâu thuẫn giữa “Hạnh Phúc và Khổ Đau, giữa Chia Lìa và Sum Họp” đã bâng khuâng tự hỏi trong tâm trạng của một gã tình nhân chung thuỷ của đời buồn: “Lại đây gần Em, lại đây gần Em cho Em nồng nàn phút cuối, lại đây để nghe trái tim này còn đắm đuối. Anh ơi !  thôi chớ ơ thờ, cỏ cây buồn thiu hắt hiu vào long tê tái ... Lặng bên người yêu ôi nghe mộng đời hấp hối. Trời buông màn sương xuống che đường tình không lối. Chia tay Em về bên người.”
          Thuỷ chung với những nỗi niềm về một khung trời mộng ảo, Lê Minh Hiền tiếp tục gieo trồng trong cõi nhạc của mình, những đời cây tình yêu  thương tích, để chứng tỏ tự đáy tâm hồn khát khao thương yêu của nghệ sỹ, thuỷ chung vẫn là kẻ tình nhân dại khờ của những thiết tha tơ trời, của những nắng mưa quên lãng mà không chua chát mà không cay nghiệt. Lê Minh Hiền vẫn gọi kêu tình về, vẫn ăn nằm, vẫn sống, thở trong bầu không khí đẫm mùi hương tình cũ: “Dưới cơn mưa hoang lạnh, lê đôi chân em tìm về chốn cũ. Giá buốt đôi bờ vai, nhưng tâm tư đang ấm tình xa vắng…. Ngậm ngùi bên những nỗi đau hôm nao, một cơn dỗi hờn, một yếu đuối con tim, làm giông tố về xơ xác đời. Dạt trôi đi mãi bao năm tháng xa xôi, để giờ tình Em muộn màng và tiếc nuối, tái tê đứng ôm lòng đau…”
          Dùng một điệp khúc phù du, khép lại tâm tình mẫn cảm của mình, qua hoài khúc “ Soi Bóng” Lê Minh Hiền đã tự mở lấy một chân trời khác. Chân trời của những thú nhận đam mê, chân trời của những thú nhận bóng sắc tình yêu, bóng sắc dĩ vãng, vĩnh viễn là vết son giữa hoàng hôn hấp hối nơi ven rừng: “ Tình xưa còn đó xanh xao ngày tháng mong chờ, nhà xưa còn đó cô đơn vì vắng xa Em. Mở vòng tay lớn đón Em về. Về đi Em nhé với bao tình thân, cuộc đời rồi ai cũng qua một lần lỗi lầm. Biển trời lặng yên ấm êm đang chờ đợi Em”
          “ Trong một thoáng mơ hồ, không biết đâu chân tình thương, Em lạc bước xa nhà xuôi theo dòng huyền ảo. Nay một bóng giữa đường tan hết bao tia hy vọng. Ngồi bên bờ vắng, nghe giọt đắng rơi đầy trên môi.”
        Những nâng niu, những gìn giữ, những ấp ủ của mối tình đầu, hay những bến bờ yêu thương xa lạ…. Cuối cùng nơi mỗi trái tim chúng ta hay của Nhạc Sỹ Lê Minh Hiền ghi lại trong tình khúc của mình, cũng tựa dấu gần, xa trước mùa bão tới, như những đám mây lẩn khuất đâu đó trong đời tình riêng của mỗi một chúng ta… Để rồi xoá nhoà vào dĩ vãng, khi cánh chim trời đã bay qua, và những đám mây mọng nứt hơi mưa cũng sẽ quay đầu trở lại.
       Xin hãy nghe tiếng thì thầm gọi yêu dấu của đời mình trong phiên khúc  “Em Đi”:
        “ Em đi tìm mùa xuân ngát hương cho đời, tìm niềm vui chốn nao xa vời. Bỏ lại hàng cây buồn trông lá rơi…. Em đi bỏ màn đêm nắng lên ủ rũ, nhuộm vào đôi mắt sâu vàng võ. Xanh xao trông mây ngàn. Sỏi đá đầu non còn mang nỗi đau vụn vỡ. Bụi hồng theo gió phiêu du phương trời. Bụi hồng theo gió phiêu du ngàn thu”
       Với những ca khúc hoài niệm về quê hương, đất nước, ca từ của Nhạc Sỹ Lê Minh Hiền thổ lộ một niềm đau xót khôn nguôi. Quả thật bất hạnh thay cho kẻ nào không được lớn lên trong tiếng ru của Mẹ, thuở ấu thời, nơi quê hương ngập bóng dừa, ngàn thông. Nơi quê hương một thời gió mùa chinh chiến thổi lồng lộng làm đau lòng Mẹ. Do vậy cũng hạnh phúc thay cho những cuộc tình nào, được nuôi dưỡng trong bóng mát của lời ru từ chốn quê hương xa vời.
       Ca khúc “ Xin Đưa Em Cùng Về ” của Lê Minh Hiền là một thao thức, một hoài mong ở thân phận một người nữ lạc loài nơi xứ lạ, quê người:
                        “ Nghe rì rào sóng vỗ lên mảnh đất quê nhà
                             Em nơi miền xứ lạ, buồn một kiếp phù vân.
                             Nghe người về bên ấy, xây lăng miếu tôn thờ,
                            Mong linh hồn cát bụi, nghỉ ngơi cõi hư vô
                            Ai đi phương trời, lạc loài xa cách quê hương
                            Đang xôn xao về thăm lại quê cũ thân thương
                            Riêng Em đây nằm lạnh lùng nơi chốn tha phương
                            Ai, về làng quê, xin đưa em cùng về”.
       Một số những ca khúc lãng mạn muộn phiền mà Lê Minh Hiền sáng tác cho riêng mình hay cho yêu dấu, đánh dấu một ý niệm thời gian và nơi chốn, trở thành một bản ngã nhị trùng. Như những cặp nhị trùng “ Hạnh Phúc và Chia Ly”, “Đợi Chờ và Quên Lãng”.  Nhưng dù cho ở tình huống nào, trói buộc trong ảo ảnh trần gian nào, người ta vẫn nhìn thấy tác giả của những “ Giọt Buồn Đêm Mưa” hay của những tối “ Trăng Khuya” hiu hắt trong nỗi nhớ mong chờ. Người ta vẫn gặp Lê Minh Hiền đứng ở cuối đường nắng gió, đứng lại bên này, “ Lề phố chia tan”. ( chữ nghĩa của Du Tử Lê)
       Con người nghệ sỹ nơi Lê Minh Hiền, không chỉ nghệ sỹ với những tâm cảnh lãng mạn, với những tàn rữa mùa thu, mà con người nghệ sỹ Lê Minh Hiền đã hoà nhập trọn vẹn tâm hồn mình trong tình yêu  quê hương đất nước. Từ đó mỗi hoài khúc của Lê Minh Hiền, là một người tình, một đuối ngất khổ đau hay hạnh phúc lạc loài. Bởi vì, trong  mỗi bước chân đời nơi xứ người, những ngày mưa cuối cùng rồi sẽ bỏ ta, những ngày nắng
cuối cùng rồi cũng xa ta. Như những chia ly, như những tan tác làm thành cảnh đời mỗi một chúng ta.
       Có một điều đáng ngạc nhiên, dường như, qua những khổ đau, qua những bóng mây hạnh phúc thấp thoáng trong những chiều vàng úa, qua những muộn phiền khôn nguôi, ray rứt tự đáy lòng, người nhạc sỹ của tình yêu, Lê Minh Hiền, đã “Quay Về Nương Tựa Cõi Thiền”.
       10 nhạc khúc Thiền Ca reo vui, rộn rã hay thâm trầm, bình lặng mà nhạc sỹ Lê Minh Hiền vừa hoàn tất nhân mùa Vu Lan, là 10 tâm niệm thành kính trước khi “ Sám Hối”, trước “Đường Về Nẻo Giác”.
       Người viết vốn không phải là một Phật tử thuần thành, cũng chưa một lần bước vào thiền môn, cũng chưa dứt được mê đắm cuồng si, những ma mãnh  trong đời, nhưng trong tĩnh lặng một mình, dường như có một hơi mát thân yêu thoảng vào tâm hồn chai đá, khi nghe một hai nhạc khúc Thiền Ca của Lê Minh Hiền.
       Sau cùng không thể không viết về những tiếng hát thời danh đã diễn đạt đầy kịch tính qua 30 tình khúc và 10 nhạc khúc Thiền Ca của Lê Minh Hiền:
- Quang Dũng - Thanh Lam, hai tiếng hát ngọt ngào xa vắng của dòng  
  nhạc tiền chiến làm chúng ta gợi nhớ đến Minh-Trang, Mộc Lan của
  đầu thập niên 50.
- Diễm Liên - Võ Thu Nga, 2 giọng kim pha thổ đắm đuối và gợi tình.  
- Hồng Nhung - Mỹ Lệ chất chứa đong đầy những đam mê chua xót
  trên tình trường. Tuy nhiên phải thành thật mà nói, nữ danh ca  
  Hồng Nhung chỉ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trình diễn qua
  những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Giả như tiếng hát Hồng
  Nhung được thay thế bằng giọng ca Thanh Hà hay Trần Thu Hà,
  hoặc Thu Hà thì rất đạt.
-         Tuấn Ngọc - một danh ca - nhưng tiếng hát của Tuấn Ngọc quá điêu luyện với tình khúc chủ đề “Soi Bóng” làm người nghe không thấy “phê”  mặc dù kỹ thuật và ký âm pháp của Tuấn Ngọc là bậc thầy.
-         5 Dòng kẻ và Johnny Dũng tươi mát, yêu đời, và đam mê qua “ Tia
             Nắng Kỳ Diệu” và “ Hãy Thắp Sáng Niềm Tin”.
-  Phương Thanh - Huy Sinh  2 tiếng hát vọng về từ quá khứ ngậm
   ngùi thương đau. Nghe Phương Thanh - Huy Sinh là nghe tâm sự   
   não nề của tác giả ở một dĩ vãng vào một cuối Thu tàn úa.
-         Cadillac - Nguyên Thảo - Lê Hiếu là 3 giọng ca mang hơi ấm từ
   vùng trời quê hương yêu dấu. Với kỹ thuật luyến láy, với âm hưởng
   ngọt ngào, bâng khuâng từ một tiếc thương mơ hồ, Cadillac –
   Nguyên Thảo - Lê Hiếu, đã đưa người nghe về với hương đồng cỏ
   nội, về với lớp lớp phù sa, về với gió núi mây ngàn, mà chỉ quê
   hương Việt Nam mới có.
                                                                                                
                                                                                    Sao Biển
                                                                                 Nắng Hạ 2008




Lê Minh Hiền: Một dòng thiền ca thật sáng tạo và đa dạng

 




Tôi ghé đến trung tâm Ananda để nghe nhà nghiên cứu Toàn Không Đỗ Đăng Tiến thuyết trình về Nguồn Gốc Con Người Qua Nhãn Quan Phật Giáo.






Thế nhưng, tôi được hai “phần thưởng” ngoài dự liệu, đó là thưởng thức dòng thiền ca của hai ca nhạc sĩ trẻ là Tú Minh và Lê Minh Hiền.

Trong tuần rồi, truyenhinhvietnam.tv đã phát đi dòng nhạc thiền ca của ca nhạc sĩ Tú Minh, một nhạc sĩ trẻ khả ái và có tài, cũng là hiền thê của nhạc sĩ Trần Quảng Nam. Với hai ca khúc đầy chất triết học Phật giáo (có có không không) và đầy nghĩa hiếu của phận làm con (đoá hồng dâng mẹ), người nghe nhạc đặt nhiều hy vọng vào ca nhạc sĩ trẻ này trong tương lai và đang chờ đợi những ca khúc thiền ca mới của cô. Có thể nói rằng giọng hát của Ngọc Diệp đã thể hiện ca khúc Có Có Không Không nói trên thật tuyệt. Được biết, trung tâm âm nhạc và điện ảnh Ananda đã nhận nhiều nhận xét tốt đẹp về hai ca nhạc sĩ này, và dư luận nhìn thấy triển vọng từ hai ca nhạc sĩ trẻ nói trên.

Hôm nay, khi vào truyenhinhvietnam.tv, chúng tôi lại có dịp nghe lại 4 khúc thiền ca của nhạc sĩ trẻ khác – Lê Minh Hiền. Ngồi nghe lại 4 ca khúc mà anh cùng hai ca sĩ Thu Nga và Phương Trang trình diễn, chúng tôi càng nhận ra tính chất đa dạng của dòng nhạc thiền ca của Lê Minh Hiền. Có khi nhịp điệu chậm và đầy truyền cảm, chuyển tải một nội dung Phật chất như Quan Aâm Vô Lượng, Nụ Thương, Hoa Thanh Lương (Hoa Aên Chay) và cũng có khi thật sôi nổi, trẻ trung, nhanh, mang tính chất kêu gọi loài người hãy yêu thương nhau, bỏ qua những tị hiềm trong đời sống, để mở rộng vòng tay từ bi như Buông Xả, Sống,…

Điều khá lạ là Lê Minh Hiền sử dụng tiết tấu nhanh, trẻ, sôi động trong một số ca khúc thiền ca để gần gủi hơn với nhịp điệu sống nhanh của tuổi trẻ, và của hoàn cảnh sống tại Hoa Kỳ,…

Sự đa dạng không chỉ được thể hiện trong nội dung ca khúc mà còn cả trong tiết tấu, nhịp điệu và phong cách trình diễn…

Nghe những ca khúc thiền ca có tiết tấu nhanh, trẻ trung, chúng ta bất chợt nghĩ rằng Lê Minh Hiền đang thực hiện một công án thiền tông mới: Phá đi cái chấp, cái trụ vào thể loại âm nhạc thiền ca theo truyền thống, mang âm nhạc của kinh kệ vào đời sống…

Thiền ca của Lê Minh Hiền rất gần với hiện thực, bất ly thế gian pháp. Thấy một người bạn bị bệnh, đang được chữa trị trong bệnh viện, anh ta cảm thấy rằng bên cạnh tây y chữa trị, con người cũng cần đến tâm linh trị liệu, cần đến mầu nhiệm của Mẹ Hiền Quán Thế Aâm tầm thanh cứu khổ. Và anh đã viết ngay ca khúc Quan Aâm Vô Lượng và hát bên giường bệnh cầu nguyện cho bạn của mình… Phật ca, thiền ca tồn tại bên đời, theo dòng sinh tử, đúng như tinh thần Phật pháp bất ly thế gian Pháp… Tôn giáo hoà lẫn vào đời sống, quyện lẫn vào đời sống, như những mảnh đời không thể tách ly… Phật ca, thiền ca không chỉ đến từ tu viện, và không chỉ tồn tại trong tu viện mà thôi, giống như niềm tin đến bất cứ ở đâu, bất cứ ai, và bất cứ lúc nào,…

Chúng ta từng nghe 10 thương của ca dao Việt, trong đó, vẽ lên vẻ đẹïp của người phụ nữ Việt Nam, từ má lúm đồng tiền, từ tóc bỏ đuôi gà, cho đến ăn nói mặn mà có duyên,… Vẫn giữ những nét đẹp cổ truyền ấy, và nâng lên một chút: Người phụ nữ đẹp không chỉ nết na, không chỉ đức hạnh, không chỉ hình dáng, mà sẽ trở nên đẹp vô ngần nếu người phụ nữ đó còn thể hiện phẩm chất đạo hạnh, phẩm chất tâm linh,… 10 Thương của nhạc sĩ thiền ca Lê Minh Hiền đã tạo dáng đặc trưng của một phụ nữ Việt mang thêm tâm hồn đạo vị, anh kết hợp khá tài tình giữa hai hình ảnh: Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt và nét đẹp đạo hạnh của người phụ nữ thanh cao… Hai phẩm chất đó đang quyện vào nhau một cách dễ thương và bất ly… Thiền ca Lê Minh Hiền hấp dẫn ở chỗ sáng tạo ấy… Ca sĩ Phương Trang “thể hiện” ca khúc này đạt hơn, rung động hơn, tình cảm hơn, cuốn hút hơn ca sĩ đã trình diễn trong cuốn CD của anh, như lời của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng nhận xét khi nghe trình diễn.

Một sáng tạo khác của Lê Minh Hiền chính là Hoa Thanh Lương. Khi nghe ca khúc này, tôi tự hỏi: Hoa Thanh Lương là hoa gì? Khi nghe Lê Minh Hiền giải thích, tôi có sự liên tưởng đến chuyện “lá diêu bông”, một loại lá không thực hữu, một loại hoa không thực hữu, mà chỉ hiện hữu trong thế giới sáng tạo của anh. Và từ loài hoa “tưởng tượng” ấy, anh đã gửi cho đời một thông điệp từ bi của chư Phật là cấm sát sanh, tôn trọng sự sống của mọi loài…

Thêm một sáng tạo và đa dạng trongh giòng nhạc thiền ca của Lê Minh Hiền.

Và ca khúc cuối cùng mà tôi được nghe vào chiều hôm ấy tại trung tâm Ananda là ca khúc Sống, thật trẻ trung, thật sinh động… Từ những lời Phật dạy: Phá chấp, từ bi, thương yêu nhau,… anh đã dựa vào chất liệu kinh Phật ấy mà chuyển sang thành một ca khúc ai nghe cũng thích, thật sinh động và gần gũi với đời sống nhân sinh,…

Tôi biết Lê Minh Hiền khá lâu, và nhiều lần nghe nhạc thiền ca của anh, nhưng khi nghe 4 khúc thiền ca mới, tôi vẫn bị cuốn hút, và chứng kiến một bước đi khá xa, một bước nhảy thật dài của anh trong thế giới thiền ca…

Rồi ngày mai dòng nhạc thiền ca của Lê Minh Hiền sẽ như thế nào? Tôi đang lắng lòng chờ đợi…Cám ơn Hiền, Nga và Trang đã mang cho tôi một buổi chiều thiền ca dễ thương đến vậy…


Tâm Phương (Calitoday)


<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2010 11:17:11 bởi Leo* >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9