HỘI THẢO GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM RA THẾ GIỚI TẠI HÀ HÀ NỘI: Văn học viết về trái tim con người
Thanh Công 14.01.2010 07:48:11 (permalink)
VĂN HỌC – CUỐI CÙNG VẪN LÀ VIẾT VỀ TRÁI TIM CON NGƯỜI
                                                                                    Tác giả: Hoàng Hường
 
(TVN/VNN)Hội thảo "Giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới" đang diễn ra tại Hà Nội. Một sự kiện hiếm hoi để bạn bè quốc tế, cũng như các tác - độc giả Việt Nam soi lại kho tàng văn học của mình, nơi chứa đựng niềm tự hào dân tộc, cũng như bao điều trăn trở.

Văn là người
Trên diễn đàn quốc tế, vị trí của văn học Việt Nam còn quá khiêm tốn, nếu không muốn nói thẳng là rất nhỏ nhoi. Đó là khẳng định của hầu hết học giả trong và ngoài nước - tất nhiên - đó là sự thật.
"Nói vậy không có nghĩa là văn học Việt Nam không có những tác phẩm có giá trị đáng để thế giới ngưỡng mộ. Chìa khóa vấn đề nằm ở sự lựa chọn tác phẩm, và quan trọng nhất, vẫn là tìm được mẫu số chung giữa các nền văn hóa", Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu đến từ Trung Quốc, người thành công trong việc chuyển ngữ và giới thiệu tiểu thuyết Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai sang Trung Quốc, phát biểu.
GS Chúc đã có mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Ông từng cố gắng đưa tinh hoa văn học Việt về Trung Quốc. Trước khi "mời Ông cố vấn sang ở lại Trung Quốc" (lời GS Chúc), ông đã từng dịch Chí PhèoKẻ sát nhân lương thiện (tác giả Lại Văn Long) nhưng đều bị các nhà xuất bản từ chối với nhiều lý do. Đến Ông cố vấn, ông miệt mài dịch trong tâm thế "nếu không nhà xuất bản nào chấp nhận bản dịch, sẽ giữ làm tài liệu cá nhân để cho bạn bè và con cháu đọc". Tuy nhiên sau đó khi ông giới thiệu bản tóm tắt, Nhà xuất bản Quân sự nghị văn Trung Quốc xuất bản ngay và trở thành 1 trong 2 cuốn sách Việt Nam thành công nhất tại Trung Quốc (cùng Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc).
Lý giải thành công của "Ông cố vấn", GS Chúc cho rằng, tác phẩm này không dừng lại ở việc kể tả một điệp viên hay một nhân vật cụ thể, mà nó là cái nhìn chi tiết và chân thực về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam; về thái độ sống, chiến đấu và văn hóa của một dân tộc trong một thời đại lịch sử, và quan trọng nhất, nó khắc họa rõ nét con người Việt Nam trong đó.
"Văn học là nhân học. Nó bắt nguồn từ đời sống nhưng lại cao hơn đời sống. Độc giả nước ngoài muốn tìm hiểu Việt Nam qua tác phẩm văn học. Nếu là tác phẩm chung chung thì không thể gây hứng thú cho họ được. Phải là tác phẩm viết về nội dung rất Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam mới khiến độc giả nước ngoài thấy thú vị. Cái gì càng có sắc thái dân tộc thì cái đó càng có ý nghĩa quốc tế. Ông cố vấn có được những yếu tố đó". GS Chúc nói.
 
Tiến sỹ Đông Nam Á và Việt Nam học người Đức, Frank Gerke nghiên cứu tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ năm 1993. Frank Gerke mô tả sự hấp dẫn của các tác phẩm Nguyễn Quang Sáng chính là "tính công bằng và nhân đạo" trong tư tưởng  và góc nhìn.
 
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Quang Sáng gắn liền với nhiều đề tài chiến tranh, trong đó có hai tác phẩm nổi tiếng là Cánh đồng hoang và Đất lửa, tác phẩm gây nhiều tranh cãi về "lập trường chính trị" của Nguyễn Quang Sáng ở thời điểm được xuất bản khi miêu tả một cách trung lập sự kiện trong một ngôi làng thời chiến.
 
Nhưng khi khoảng cách thời gian càng lùi xa thời kỳ chiến tranh, giá trị cuốn sách được nhìn nhận công bằng hơn nằm ở yếu tố "con người" của nó - như TS Frank Gerke ca ngợi - Đất lửa "là một trong những tiểu thuyết Việt Nam thành công nhất sau khi Đại chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc".
 
"Tính nhân đạo" cũng được Frank Gerke trích dẫn một đoạn cuối trong tiểu thuyết Cánh đồng hoang: "Trong một vụ tấn công, anh Ba Đô hy sinh, chị Sáu Xoa, sau lưng là đưa con, tay cầm khẩu CKC đối phó với máy bay trực thăng Mỹ và bắn hạ nó, bắn chết phi công Mỹ. Khi rút ra từ túi tên Mỹ một bao thư chị tìm thấy trong đó một tấm ảnh có người đàn bà Mỹ tay bồng đứa trẻ. Đó là gương mặt người vợ đang đau khổ đợi tin chồng".

            "Chiến tranh thế nào, dù ai đúng ai sai, phe nào thắng phe nào thua, nhưng nỗi đau của con người đều như nhau cả. Nguyễn Quang Sáng đã không quên điều này, và nó làm nên giá trị của tác phẩm". Frank nói.
 

Văn học - cuối cùng là nói về trái tim con người
 
Giống như Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh, tiểu thuyết được các nhà phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong những tiểu thuyết chiến tranh hay nhất mọi thời đại, và đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ cũng không quên điều đó.

          Những khổ đau giằng xé mãi "kéo lê" trong cuộc đời Kiên - người lính quân đội Việt Nam giải ngũ - cũng xảy ra như vậy trong cuộc đời những cựu binh Mỹ. Những cuộc chiến có tên gọi khác nhau, nhưng sự hủy diệt thân xác và tâm hồn con người đều giống nhau.
Nhà báo Erik Burns của tờ The NewYork Times từng viết "Dù được tô điểm thế nào, chiến tranh vẫn là địa ngục. Cảm xúc con người là giống nhau, dù ở phe thắng hay bại. Bảo Ninh đã tìm được chìa khóa chung đưa tác phẩm của ông đến trái tim độc giả".
Erik Burns trích dẫn một đoạn trong Nỗi buồn chiến tranh mô tả Phán vô tình phải chung hầm cùng một lính Việt Nam cộng hoà bị thương. Trong tình cảnh đó không còn hai kẻ thù mà là hai con người. Phán nhảy lên mặt đất đi tìm băng gạc chữa vết thương cho người kia. Khi quay lại, Phán không tìm được căn hầm cho người lính Ngụy bị thương nữa vì nước mưa đã lấp hết, vùi lấp luôn người thanh niên khốn khổ. Erik Burns tả tiếng gọi thảm thiết của Phán giữa màn mưa Ngụy ơi, Ngụy ơi, mày ở đâu? là "cú đấm thắng vào mọi trái tim".
Ở một cách khác, những dòng chữ chứa đựng lý tưởng trong sáng và nồng nhiệt của bác sĩ Đặng Thùy Trâm - như cách nói của Giáo sư Phong Lê - đã hóa giải những điều ghê ghớm nhất để đi qua khói lửa chiến tranh để đi đến cái "tâm" của nhân loại. "Lửa" trong từng dòng chữ Đặng Thùy Trâm để lại đã lay động trái tim ở bên kia chiến tuyến khiến những con người cầm súng phải dành một vị trí để cất giữ nâng niu cuốn nhật ký nhiều năm trời.
"Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hoặc san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hay ngôn ngữ, cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc quốc kỳ, ngôn ngữ, hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học - cuối cùng vẫn là viết về trái tim con người". Một nhà phê bình từng viết.
 









Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh đã được dịch ra hơn
20 thứ tiếng (Ảnh: VNN)

 
 
 
#1
    Thanh Công 17.01.2010 10:55:14 (permalink)
    SÁCH VIỆT RA NƯỚC NGOÀI: ÍT ỎI ĐẾN SỐT RUỘT
    “Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản ở VN. Nhưng đến nay mới chỉ có 570 tác phẩm của VN được dịch. Với một cảm quan văn học bình thường cũng có thể thấy đó là sự bất tương xứng cần sớm được khắc phục một cách có tổ chức với tầm nhìn xa rộng”.

    Khai mạc hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam
    Hội nghị quảng bá văn học thu hút 108 đại biểu từ 34 nước
    Tại hội nghị quốc tế “Giới thiệu văn học VN” được tổ chức trọng thể từ ngày 5 đến 10-1-2010 với sự tham gia của 150 đại biểu quốc tế đại diện 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN, trưởng ban tổ chức - đã dẫn ra con số trên như một bằng chứng bày tỏ sự “sốt ruột” cũng như “tầm nhìn xa” của những người có trách nhiệm về việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài.

    Từ trái qua: dịch giả Nguyễn Bá Chung, ông Kevin Bowen - trưởng đoàn Mỹ, ông Larry Heinemann - cựu binh Mỹ, tác giả cuốn Núi Bà Đen (Black Virgin Mountain) và bà Minh Hà - đại diện NXB Phụ Nữ - Ảnh: Thu Hà
    Chúng ta muốn
    Năm 2002, hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN lần đầu tiên được tổ chức với sự có mặt của 25 dịch giả nước ngoài từ 12 quốc gia. Số lượng tác phẩm VN được dịch đã tăng, tập trung vào các tác phẩm Nhật ký trong tù, thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... và sách của các nhà văn cựu binh VN được Trung tâm William Joiner (Mỹ) tổ chức dịch và xuất bản. Các sách dịch này chủ yếu cũng chỉ đến với những độc giả “truyền thống” như Nga, Ba Lan, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc... qua con đường “trao đổi văn hóa”.
    Theo ông Kevin Bowen - giám đốc Trung tâm William Joiner, tập sách VN bán chạy nhất tại Mỹ vẫn là những bài thơ trong nhật ký, thư từ, ghi chép của các chiến sĩ quân giải phóng VN do quân đội Mỹ thu giữ, và tiểu thuyết VN được biết đến nhiều nhất ở Mỹ vẫn là Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh.
    Tập thơ hấp dẫn vì thơ dễ đọc, lại có tính tư liệu rất độc đáo. Tiểu thuyết, không nói thì ai cũng đã rõ, ngoài sức mạnh văn chương còn là sự tò mò của người Mỹ trước thế giới nội tâm của kẻ đã chiến thắng mình. Những tên sách VN đương đại khác, theo dịch giả Nguyễn Bá Chung, chẳng có cuốn nào in nổi trên 2.000 bản.
    Có mặt tại lễ khai mạc hội nghị với tư cách khách mời, KTS Hoàng Đạo Kính - thành viên Hội đồng lý luận phê bình trung ương - kể lại một câu chuyện khá nhiều ý nghĩa khi Hội đồng lý luận đi tham quan, công tác tại Ý. Trong cuộc gặp gỡ với đại diện một NXB ở Ý, nơi đã dịch và in tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư..., một thành viên đề nghị: “Chúng tôi có những nhà văn khác viết về nông thôn VN rất hay, sao các ông không dịch mà chỉ chăm chăm vào những cuốn này?”.
    Câu trả lời là: “Chúng tôi chỉ xuất bản những gì mà độc giả của chúng tôi thích. Và trước khi dịch cuốn nào, chúng tôi đều đã có điều tra thị trường”. Xem ra cái ta muốn và cái người ta muốn không hẳn đã giống nhau.
    Và cái “người ta” muốn
    “Người ta” ở đây không phải là một nhóm nhỏ học giả hay nhà nghiên cứu VN chuyên biệt, mà là công chúng rộng rãi ở những nước có thị trường văn học phát triển. Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ một câu hỏi:
    * Vấn đề gì phản ánh trong văn học Việt đủ gây thu hút ở nước ông/bà? Văn học VN nên làm gì để xâm nhập thị trường sở tại và những khuyến cáo mà những dịch giả đồng thời là những người bạn có thể dành cho những người làm văn học VN?
    Nhà thơ Kevin Bowen (giám đốc Trung tâm William Joiner thuộc ĐH Massachusetts - trưởng phái đoàn Mỹ):
    - Người Mỹ thích truyện ngắn, thơ. Ở Mỹ người ta thường đăng thơ lên blog, thoải mái chia sẻ quan điểm về cuộc sống, quan hệ giữa hai thế hệ, giữa các giới tính. Nhưng cái mà họ còn quan tâm hơn là VN đã làm gì để phát triển, người dân đang sinh sống như thế nào? Họ muốn biết nhịp điệu cuộc sống ở đây, những thay đổi trong 20 năm qua. Một số người luôn nghĩ đến VN với hình ảnh làng xóm, những cánh đồng lúa... Người Mỹ đã sớm mất đi những trải nghiệm tự nhiên đó, vì giờ họ chỉ biết tìm hiểu mọi thứ qua tivi.
    Câu chuyện chiến tranh đã biến VN trở thành một “điểm đến” kỳ thú với người Mỹ. Sau những cựu chiến binh, rất nhiều thanh niên Mỹ xách balô du lịch bụi tại VN. Các sinh viên của tôi hỏi về văn học, âm nhạc của VN. Chính độc giả cũng đang thay đổi và phát triển trong suy nghĩ, quan tâm hơn đến VN, đó là một lợi thế!
    Mỹ là một thị trường văn học rộng mở cho VN. Ở Mỹ rất nhiều quỹ hỗ trợ, quan tâm đến dòng văn học chưa được đánh giá đúng mức (under-represented literature), trong đó có VN. Nếu chúng ta thuyết phục được họ, họ sẽ chịu bỏ tiền ra, đốc thúc các NXB, xuất bản dưới dạng “thử” để một vài tác phẩm văn học Việt đến với bạn đọc.
    Bản thân tôi đang cố gắng tập hợp những tuyển tập truyện ngắn, thơ (Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ)... và một website văn học VN dưới dạng song ngữ Anh - Việt. Chính phủ Mỹ từng có chính sách hỗ trợ dịch thụât văn học và người học dịch thuật tại các trường học. Tôi đang hi vọng Tổng thống đương nhiệm Obama sẽ làm gì đó để tiếp tục giúp đỡ việc này.





    Triển lãm “Giao lưu văn học Việt Nam và thế giới”

    Dịch giả Lady Borton bên một tác phẩm của bà tại triển lãm - Ảnh: H.ĐIỆP
    Trong khuôn khổ của hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN diễn ra tại Hà Nội, chiều 5-1-2010, tại Thư viện Quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các tác phẩm sách báo, hình ảnh và hoạt động liên quan đến văn học với tên gọi Giao lưu văn học Việt Nam và thế giới.
    Triển lãm trưng bày khoảng 500 tác phẩm văn học dịch (một nửa là tác phẩm của VN dịch ra tiếng nước ngoài và một nửa là các tác phẩm quốc tế dịch sang tiếng Việt) và khoảng 600 hình ảnh cùng kỷ vật liên quan đến hoạt động giao lưu văn học giữa VN và các quốc gia trên thế giới.
    Triển lãm sẽ giới thiệu đến bạn đọc, các nhà nghiên cứu và bạn bè quốc tế về lịch sử và những giá trị của nền văn học VN trải qua cả ngàn năm lịch sử và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân VN qua các thời kỳ lịch sử.
    Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 10-1-2010.
    H.ĐIỆP
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9