THƯA LẠI VỚI GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN
Tư Tứ 19.01.2010 15:29:29 (permalink)
THƯA LẠI VỚI GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN
Nhà văn Hà Văn Thùy.



Tôi luôn chiêm ngưỡng Giáo sư Võ Tòng Xuân với sự kính trọng. Trước hết ở tài năng và những cống hiến của Giáo sư với đất nước, ở tấm lòng của Giáo sư với người nông dân Việt. Vì vậy, khi người bạn ở Luân Đôn gửi về cho tôi bài viết của Giáo sư đăng trên trang mạng Đàn chim Việt với nhan đề “Tết hội nhập tại sao không ?” tôi mạo muội thưa lại cùng Giáo sư đôi điều.

I. Ăn Tết Nguyên đán theo lịch ta hay lịch Trung Quốc ?

Trong bài viết, Giáo sư cho rằng, ta ăn tết Âm lịch là theo lịch Tàu. Có đúng vậy không, điều này cần phải làm rõ !

Lịch và ăn Tết là những sản phẩm của văn hóa. Muốn biết văn hóa đó của dân tộc nào, điều tiên quyết là phải biết được dân tộc ấy là ai và có lịch sử ra sao ? Trước đây có những thức giả cho rằng, người Việt có lịch riêng của mình từ rất sớm, đó là Lịch Mặt trăng, còn gọi là Âm lịch. Nhưng do chưa xác định được cội nguồn tộc Việt từ đâu và lịch sử ra sao cho nên dù muốn thì phần đông người Việt cũng không dám tin. Vì vậy, cứ theo sách cổ (của Tàu), cho Âm lịch là của Tàu mà ta mượn dùng nhờ (!)

Nhưng đến nay, những phát kiến của khoa học nhân loại khiến nhận thức của chúng ta phải thay đổi.

Theo những công bố mới nhất và đáng tin cậy thì Người Khôn ngoan (Homo sapiens) từ châu Phi, theo ven biển Nam Á tới Việt Nam 70 000 năm trước. Khoảng 40 000 năm cách nay, do khí hậu phía Bắc được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Khoảng 15 000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam cùng với Đồ đá mài, đã phát minh ra cây lúa nước và đưa nông nghiệp lên Trung Quốc. Ở thiên niên kỷ IV TCN, trên địa bàn Đông Á, người Việt cổ xây dựng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước tiến bộ nhất thế giới.

Khoảng 2 600 năm TCN, người Mông Cổ du mục vượt Hoàng Hà vào Trung Nguyên chiếm đất của người Bách Việt. Tầng lớp ưu tú Việt tộc theo Lạc Long Quân trở về Việt Nam dựng nước Văn Lang.

Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của tộc Việt. Do sống chung đụng, người Mông Cổ hòa huyết với người Bách Việt, sinh ra chủng mới Mongoloid phương Nam, là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện đại. Là con lai Việt, sống trong cộng đồng Việt chiếm đa số, người Hán học tập văn hóa Việt như ngôn ngữ, phong tục tập quán, âm dương, ngũ hành, Dịch lý… Trong đó có lịch pháp. Ta biết rằng, lịch pháp của người Việt cổ dựa trên thời vụ trồng trọt nên còn gọi là Nông lịch, điều mà người du mục không thể có được. Như vết dầu loang, người Hán bành trướng, chiếm nam sông Dương Tử. Sau đó diệt nhà Triệu, chiếm nước ta trong một nghìn năm. Do mất đất, chúng ta mất cả chữ viết cùng lịch sử. Trong khi đó, người Hán biến chữ viết của tộc Việt thành chữ của họ và ghi chép sử Trung Hoa chỉ từ khoảng 2300 năm TCN, bỏ qua thời trước đó nên cả lịch sử dài của tộc Việt bị quên lãng. Khi giành lại quyền tự chủ, do không có chữ viết, cha ông ta buộc phải dựa vào thư tịch Tàu để tìm lại cội nguồn của mình nên lịch sử ta có nhiều điều lầm lạc và ngộ nhận. Cũng do vậy, ta mặc nhiên coi Lịch Mặt trăng (Âm lịch) là lịch của Tàu! Trước đây, chúng ta hoàn toàn theo thời tiết Trung Hoa nhưng sau này, từ 1968, các nhà làm lịch tính lại giờ, đã xác định múi giờ theo giờ Hà Nội. Như vậy, Âm lịch đang dùng hiện nay là của Việt Nam. Tết Nguyên đán là ăn theo lịch Việt Nam.

Một điều nữa cũng cần phân định là, dân Triều Châu, dân Quảng Đông là người Việt, nói ngôn ngữ Việt. Hiện trong tiếng Triều, tiếng Quảng còn lưu giữ khá nhiều (khoảng 20%) tiếng Việt gốc, không phiên âm sang chữ Hán được. Vì vậy, về dân tộc học có thể nói chính xác họ là người Hoa gốc Việt. Do đó, Cải lương Hồ Quảng lại chính là sản phẩm Việt tộc !

2. Có nên bỏ Tết ta ?

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, ngày nay người châu Á hầu hết đã ăn Tết theo Dương lịch, chỉ còn Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam ăn Tết theo Âm lịch. Sự thật không như vậy. Bên ta, các nước Lào, Campuchia, Thái Lan vẫn ăn Tết cổ truyền của họ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu ra những điều bất lợi khi ăn Tết Nguyên đán như hiện nay là :

1- Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành.
4- Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng.
5- Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.

Phải nhận rằng, những bất lợi nêu trên là có thực, nhưng đó chỉ là “phản ứng phụ” của một phương thuốc hiệu nghiệm, cũng giống như mặt trái của cái huy chương. Đúng là trong khi ta ăn Tết Nguyên đán thì thế giới đang dốc sức làm việc. Nhưng tính ra, những người căng sức trên các công trường hay những người có điều kiện tiếp xúc với thế giới sôi động quả không nhiều, chắc chưa tới triệu người. Như vậy sẽ có 85 triệu người thoải mái vui Tết ! Đúng là lúc này nông dân chăm sóc lúa đông xuân nhưng thời nay, ruộng đất ngày hẹp lại, công việc cũng không nhiều mà chỉ dồn vảo dịp thu hoạch. Trong khi đo, miền Bắc đúng vào lúc nông nhàn Tháng Giêng là tháng ăn chơi…

Một điều nữa cũng không thể bỏ qua, trong thế giới hội nhập, tất cả đều giống nhau như đội quân đồng phụ thì… buồn quá! Nếu tổ chức Tết thật vui, thật đẹp, thật đa dạng, cho sắc thái văn hóa dân tộc lên hết sắc màu, hội hè diễn ra trong thời gian người khác qua mùa lễ hội, không sợ đụng hàng, Tết Nguyên đán sẽ là mùa du lịch bội thu. Một cách làm ăn hiệu quả !

Dù tất cả những điều trên là thật, thì theo tôi, chỉ một lý do này cũng khiến người Việt không bào giờ bỏ Tết Nguyên đán, đó là tình người, là tâm linh. Trong thế giới hội nhập, hàng triệu người Việt tỏa ra bốn phương trời. Tết là dịp người ta trở về dưới mái ấm gia đình, gặp lại ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn, nối lại sợi dây của mối tình máu mủ, quê hương… Chính nhờ mỗi dịp Tết như vậy mà tình người Việt kéo dài ra, bất tận. Với phần lớn người Việt, cái tết Tây chỉ là tờ lịch đầu tiên của cuốn lịch. Ngày 1 tháng Giêng Dương lịch chỉ đơn thuần là cái mốc thời gian, cũng trôi qua vô hồn…

Làm giầu là cần nhưng suy cho cùng, giầu để làm gì ? Dù có tới 36 tàn vàng thì vua Ngô khi chết cũng không mang đi được. Có gì bằng cuộc sống đầm ấm an lành trong tình người. May mà chúng ta chưa mất cái gia tài quý giá ấy. Biết đâu, đó lại là vốn quý nhất mà nhân loại nhận ra ta trong hội nhập ?

Cuối năm Sửu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.01.2010 15:34:48 bởi Tư Tứ >
#1
    Lai Ly Anh Van 24.01.2010 18:57:32 (permalink)
    Tết Nguyên đán là hồn Việt, là của quí riêng ta. Hãy giữ lấy nó như lời nói "Hòa nhập mà không hòa tan vậy". Nếu tết ấy chẳng còn thì con cháu lấy đâu làm nguồn cội.
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9