Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tín ngưỡng
Thanh Vân 24.01.2010 19:33:44 (permalink)
Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tín ngưỡng


Người Việt nói chung, người Nam Bộ nói riêng, vào những ngày quan trọng trong năm, đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán rất thận trọng trong nói năng, rất “kĩ tính” về việc bày biện, sinh hoạt…. trong nhà. Theo quan niệm Á Đông, những điều lành, gở trong ngày Tết thường liên quan đến may rủi, tốt xấu của cả năm. Tốt thì “đỏ” cả năm, xấu thì “giông” cả năm. Nhìn ở góc độ khác, con người đã gửi gắm những khát vọng tốt đẹp và cả thể hiện nỗi sợ hãi của mình trước sức mạnh siêu nhiên qua những sự vật cụ thể mang tính chất biểu trưng, qua lời ăn tiếng nói trong những ngày Tết.




1. Ưa thích và khát vọng

         Ở Nam Bộ, quả tử trưng trong ba ngày Tết thường là các loại trái cây: dưa hấu, bưởi, cam, quýt, phật thủ, đu đủ. Cả người Hoa và người Việt đều thích quýt vì quýt đọc theo người Hoa gần với “kiết” có nghĩa là lành. Quả phật thủ có tiếng phật gần âm với “phú 富” (giàu). Có người giải thích chữ “hấu” trong “dưa hấu”chính là chữ “hảo 好” (tốt đẹp). Màu đỏ bên trong của dưa hấu biểu trưng cho “vận đỏ” đầu năm.

Câu “Cầu vừa đủ xài” ghép từ tên các loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Ở Nam Bộ có sự lẫn lộn giữa hai phụ âm đầu V- và D-, do đó, “dừa” (loại trái đặc trưng miền Nam) hoặc “dưa” (dưa hấu – ở Bắc Bộ, ta chỉ được thưởng thức món ăn mát bổ này trong những ngày hè; tuy nhiên đây lại là thứ trái cây thường có mặt trong những ngày Xuân ở Nam Bộ) được nói chệch, hiểu sang “vừa” là điều hoàn toàn có thể chấp nhận. Từ “đu đủ” chỉ cần lấy một tiếng “đủ” nghĩa là không thừa, không thiếu. “Xoài” bỏ âm đệm cho thành “xài” (tức là tiêu xài, là dùng) để ghép vào câu cho hợp ý nghĩa. Theo quan niệm ngũ hành của phương Đông, nhiều gia đình Nam Bộ thêm trái sung vào bốn loại trái trên trưng trên bàn thờ ngày Tết cho có năm loại: mãng cầu, dừa (hay dưa), sung, đu đủ, xoài để thành mâm ngũ quả. “Sung” - trái sung, biểu trưng cho sự sung túc. “Cầu vừa sung đủ xài” có nghĩa đủ xài và sung túc.

“Cầu vừa đủ xài” là câu nói chệch từ sự ghép tên các trái cây là thể hiện mong ước, khát vọng của người Việt có một năm mới làm lụng vừa đủ ăn, không thiếu trước hụt sau là được. Một khát vọng bình dị của những người bình dân quanh năm tất bật với ruộng đồng, vườn tược…

         Tết đến xuân về, nếu ở đồng bằng Bắc Bộ, mọi người hay trưng hoa đào, loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, đầm ấm (màu đỏ ấm cúng, phù hợp với cái khí hậu se se lạnh đầu xuân) thì hoa mai là loài hoa tượng trưng cho sắc xuân vùng đất Nam Bộ. Màu vàng của hoa mai đồng sắc với màu của vàng, là của cải, là vẻ đẹp của sự sung túc, đầm ấm, cao sang – màu của bậc quân vương. Mặt khác, ở Nam Bộ, các tiếng có vần AY và vần AI thường không phân biệt, do đó, tiếng “mai” được hiểu thành “may” (may mắn), cũng là một mong ước mang tính tín ngưỡng dân gian khác.

         Ngày Xuân, nhiều gia đình Nam Bộ cũng thường mua hoa cúc vàng về để trưng bày. Những chùm cúc đầy đặn như mâm xôi được đặt trang trọng trước cửa nhà, bên bàn khách tạo cho không khí của ngày Tết thêm ấm cúng, gợi về sự no đủ, viên mãn. Cúc vạn thọ là hoa được ưa chuộng còn vì một lí do khác: chữ “thọ 壽”(sống lâu, sự vĩnh hằng) được chủ và khách nhắc đến khi thưởng lãm, được liên tưởng đến một trong ba điều mà nhiều người ưa dùng để chúc tụng nhau ngày Xuân, cũng là niềm mong ước, là khát vọng ngàn đời: Phước – Lộc – Thọ.

          Người Hoa hoặc người Minh Hương (đôi khi có cả người Việt nữa) ở Nam Bộ thường cúng một con gà, miệng ngậm một cọng hành. Gà tên chữ là “kê 雞”, “kê” gần âm với “kiết” (nghĩa là lành); hành còn gọi theo tên chữ là “thông 葱” (tức đồng âm với thông suốt).




IIKiêng kị


         Mong sung túc, no đủ và may mắn thì cũng là kị sự nghèo khổ và xui xẻo. Người Nam Bộ không dùng rau mồng tơi trong mấy ngày tết để năm mới không còn “nghèo rớt mồng tơi”, không ăn mướp để khỏi “rách như xơ mướp”.
         Trên bàn thờ gia tiên, có khi người ta thay quýt bằng quất (quất và quýt hai loại trái khá giống nhau về hình thức bên ngoài, quả quýt lớn và có khi quả không tròn bằng quất). Thế nhưng, có người lại kiêng chữ “quất” vì quất liên tưởng đến roi vọt đến đau đớn – điều mà năm mới thường phải tránh.
         Tiếng “cam” trong “quả cam” nghĩa là khổ nên một số gia đình không dám trưng trên bàn thờ.
         Cũng vì sợ xui xẻo nên không ai ăn cá mực vào năm mới để không phải đen đủi cả năm. Bởi vì không ai muốn cả năm làm ăn “tối đen như mực”.
         Người Việt ở Bắc Bộ thường trưng chuối trong ba ngày tết. Buồng chuối thường có sẵn trong vườn nhà, chủ nhân chọn lấy nải to, đều quả nhất làm “chân” để đặt các loại quả khác lên trên cho đẹp. Thế nhưng, người Nam Bộ lại kiêng vì “chuối” gần âm với “chúi” biểu trưng cho sự sụp đổ, đi xuống.
         Trái chôm chôm cũng không được người Nam Bộ ưa chuộng trong ngày Tết, bởi vì chôm chôm đồng âm với “chôm” trong “chôm chỉa”, một nết xấu không thể tồn tại trong gia đình nền nếp; mặt khác, người ta ghét cái sự gai góc, vướng mắc mà bề ngoài của loại trái cây này mang lại.
         Vào dịp giỗ kị hay lễ tết, người Việt phía Bắc thường cúng gà. Ngày 30 Tết cúng gà, mùng một không thể thiếu thịt gà, mồng ba Tết mở hàng cũng không thể không có con gà, mâm xôi để cầu buôn may bán đắt. Thế nhưng, người Việt ở phía Nam có khi lại không nhất thiết phải cúng bằng loài vật này. Người ta thay gà bằng vịt, bởi vịt kêu “cạp cạp” đồng âm với “cạp” – tiếng lóng với nghĩa là ăn. Còn gà có tiếng kêu “chiếp chiếp” nên dễ đọc chệch thành “chết” – tiếng tối kị dùng trong những ngày Xuân. Nghĩ cũng phải, vịt là loại thuỷ cầm – con vật nuôi thích hợp ở môi trường sông nước Cửu Long lẽ nào lại không có trên bàn thờ gia tiên trong ba ngày Tết ?
         Trong cuộc sống, hai thứ đại diện cho nhu cầu sinh tồn tối thiểu của con người là muối và gạo. Có câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Đầu xuân năm mới thì  mua muối, tức là mua cái ăn, mua cái sự đậm đà. Còn “cuối năm mua vôi”? Vôi khiến ta lại liên tưởng đến thành ngữ “bạc như vôi”. Đây không thể là mong ước đầu năm. Người Việt mua vôi cuối năm để sửa sang nhà cửa, vẽ cung tên trước ngõ trừ quỷ…
          Ba ngày Tết, người Việt nói chung đều cẩn trọng lời ăn tiếng nói của mình. Ngày Xuân, kị nhất là cãi nhau, to tiếng với nhau. Câu chào hỏi nhau ngày Tết cũng nhỏ nhẹ mà rõ ràng,  lời chúc tụng cũng là những lời tốt đẹp và chân tình.
         Rõ ràng, ngôn ngữ và tín ngưỡng dân gian ngày Tết của người Việt có mối quan hệ gắn bó.



(Nguồn: Hồ Xuân Tuyên - Tuyên Phatgiaobaclieu.com
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9