RE: Tình Chết Theo Mùa Đông
-
20.12.2010 03:39:26
Giai thoại về Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn)
Gloomy Sunday còn được gọi là Bài hát giết người ở thập niên 30 bởi hàng loạt vụ tự sát diễn ra liên tục từ khi nó ra đời. Tháng 2.1936, cảnh sát Budapest (Hungary) điều tra vụ tự sát của một người làm giày - Joseph Keller với lá thư tuyệt mệnh, trên đó có lời bài hát đang thịnh hành lúc ấy: Gloomy Sunday.
Việc một người ghi lại lời bài hát trong thư tuyệt mệnh cũng không có gì lạ. Thế nhưng, trong nhiều năm sau đó, bài hát ấy đã trực tiếp liên quan đến cái chết của hàng trăm người! Một người đàn ông đang ngồi trong quán cafe đông đúc tại Budapest đợi ban nhạc chơi bài Gloomy Sunday.
Vừa nhấp rượu champagne, ông vừa lắng nghe bài hát. Bản nhạc chấm dứt, ông rời khỏi quán vẫy một chiếc xe taxi và khi vào xe, ông lôi ra khẩu súng và tự kết liễu đời mình. Vài ngày sau đó, một cô gái bán hàng trẻ treo cổ tại Berlin (Đức), dưới chân cô là bài Gloomy Sunday.
Một thư ký xinh đẹp tại New York (Mỹ) tự tử trong căn hộ bằng hơi gas, để lại một mẩu giấy yêu cầu Gloomy Sunday sẽ được chơi vào lễ an táng cô. Rất nhiều người trầm mình xuống sông Danube, trong tay còn nắm chặt bản kỳ án bài Gloomy Sunday.
Sở cảnh sát Budapest quyết định cấm phổ biến ca khúc này. Thế nhưng, bài hát "giết người" đã lan rộng khắp châu Âu và cả Mỹ.
Nhiều người cho rằng lời ca khúc quá buồn nói về một mối tình tuyệt vọng là nguyên nhân khiến những người thất tình thêm đau khổ dẫn đến tự sát. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Chẳng hạn một ông già 80 tuổi đã nhảy lầu tự sát khi nghe bản nhạc này, hay một bé gái 14 tuổi đã trầm mình với Gloomy Sunday nắm trong tay.
Đỉnh điểm có lẽ thuộc về cái chết của một cậu bé ở Rome (Ý), khi nghe một người ăn xin ngâm nga giai điệu của Gloomy Sunday, cậu bé dựng xe đạp tiến đến chỗ ông ta đưa hết số tiền mình có rồi gieo mình xuống dòng sông gần đấy.
Tám tuần sau ngày Gloomy Sunday được phát sóng lần đầu tiên, đã có đến 157 người tự sát. Một số tài liệu khác cho rằng đã có 17 vụ tự tử liên quan đến Gloomy Sunday trước khi bài hát này bị cấm ở Hungary. Một nguồn tin khác cho biết có gần 200 vụ tự tử trên khắp thế giới liên quan đến Gloomy Sunday. Kết quả là bài hát này bị cấm phát trên radio. Các kênh phát thanh sau đó cũng tự nguyện không phát bài này.
Khi số người chết ngày một tăng đến mức báo động, đài BBC (London - Anh) quyết định ngừng phát sóng bài hát, các đài phát thanh Mỹ cũng lần lượt theo gót. Riêng đài phát thanh Pháp thuê một chuyên gia tâm thần học nghiên cứu ca khúc này nhưng vẫn không khám phá ra bí ẩn nào.
Người ta cho rằng bài hát có "sức mạnh" giết chóc như thế bởi nó được tác giả Rezso Seress sáng tác cho người bạn gái đã tự tử chết. Và khi bài hát được phát hành cũng chính là lúc ông qua đời vì tự tử. Có thể những câu chuyện kể trên chỉ là những lời đồn đại, nhưng cũng có những chi tiết rất thực về bản nhạc kỳ bí này.
Gloomy Sunday chào đời như thế nào?
Gloomy Sunday (bản tiếng Anh) hay Somber Dimanche (bản tiếng Pháp của Serge Gainsbourg) có bản gốc từ tiếng Hungary: Szomoru Vasarnap, được sáng tác vào tháng 12 năm 1932 bởi 2 người gốc Hung là Rezso Seress (phần nhạc) và Laszlo Javor (phần lời). Khi đó, Rezso Seress đang sống tại Paris, và theo các giai thoại thì bản nhạc được sáng tác vào một ngày Chủ nhật mùa đông ảm đạm, sau khi người bạn gái cự tuyệt tình yêu của anh.
Từ 1932 cho đến 1936, Gloomy Sunday được đưa vào Mỹ, do dàn nhạc của HalKemp trình bày. Từ đó nó đã được hát lại khá nhiều lần với các nữ ca sĩ tên tuổi như Billie Holiday, Sarah Vaughan, Carmen McRae... Về sau có Sinead O"Connor, Sarah Brightman, Sarah McLachlan, Bjork...
Ca khúc được chuyển sang nhiều ngôn ngữ khác nhau: Anh, Pháp, Thụy Điển, ngôn ngữ quốc tế Esperanto, Nhật, Hoa, Hàn và cả Việt Nam (bài Chủ nhật buồn - Phạm Duy viết lời). Để bớt đi vẻ bi quan, ảm đạm, khi Billie Holiday hát, một phiên bản mới bắt đầu bằng "Dreaming, I was only dreaming..." - Tôi chỉ đang mơ đã được thêm vào khiến bài hát bớt nặng nề.
Bên cạnh phần lời tiếng Anh quen thuộc được Sam M.Lewis và Desmond Carter viết, bản tiếng Anh còn có một phần lời được viết và trình bày bởi ca sĩ gốc Hy Lạp Diamanda Galas vào năm 1992. Các giọng nam trình bày ca khúc này cũng rất ấn tượng, từ Mel Torme cho đến Elvis Costello...
Sự thật
Hungary là quốc gia có tỷ lệ người tự tử thuộc hàng cao nhất châu Âu (năm 1984 lên đến 45,9/100.000 người). Một số nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hungary đều chấm dứt cuộc đời bằng tự tử. Cảnh vật ở Hungary cũng rất gần với nghĩa của từ "gloomy", tức buồn bã, ảm đạm.
Không quá lạ lùng nếu gắn cái chết với một bài hát, hay một bộ phim nào đó ở xứ sở này, và có thể là sự trùng hợp đã được báo chí thổi phồng lên. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác đáng về việc Gloomy Sunday bị cấm ở Hungary và Mỹ.
Tương tự, chi tiết người bạn gái của tác giả tự tử cũng không có chứng cứ cụ thể (chỉ là sự thêu dệt khiến giai thoại ly kỳ hơn?). Điều duy nhất đã được xác minh là tác giả bài hát - Rezso Seress đã nhảy lầu tự vẫn vào năm 1968 với kết luận: "Tác giả quá trầm uất vì không sáng tác được bài hát nào thành công bằng Gloomy Sunday"!
Thông tin thêm
Việc ca khúc gắn với giai thoại "Bài hát chết người" được xem như một chiêu thức tiếp thị của giới sản xuất âm nhạc. Vài năm gần đây Internet phát triển càng khiến bài hát cùng những giai thoại lan rộng.
Câu chuyện đã xuất hiện trên khá nhiều diễn đàn, kèm theo lời bài hát và có thể nghe trực tuyến (thường là version của Bjork) với các tiêu đề rất ấn tượng như "Nếu không muốn chết thì đừng nghe!"... Thực tế vẫn còn có rất nhiều người nghe bản nhạc tuyệt vời này, và tin vào các giai thoại (Nhiều người sợ lỡ nghe sẽ chết nên chẳng dám download! Huhu!!!).
Câu chuyện về ca khúc Gloomy Sunday cũng đã được Đức và Hungary hợp tác dựng thành phim có tựa đề: Ein Lied von Liebe und Tod (Khúc ca về tình yêu và cái chết) vào năm 1999.)
ST
Chủ nhật buồn
Chủ nhật buồn đi lê thê
cầm một vòng hoa đê mê
bước chân về với gian nhà
với trái tim cùng nặng nề
xót xa gì?
oán thương gì?
đã biết nuôi hương chia ly
trót say mê
Đã yêu thì dẫu vô duyên còn nặng thề
ngồi một mình nghe mưa rơi
mặc lệ tràn câu thiên thu
gió hiên ngoài
nhắc một loài dế giun hoài ru thương ru
ru ơi ru... hời
Chủ nhật nào tôi im hơi
vì đợi chờ không nguôi ngoai
bước chân người
nhớ thương tôi
đến với tôi thì muộn rồi
trước quan tài khói hương mờ
bốc lên như vạn ngàn lời
dẫu qua đời mắt tôi cười
vẫn đăm đăm nhìn về người
hồn lìa rồi nhưng anh ơi
tình còn nồng đôi con ngươi
nhắc cho ai biết cuối đời
có một người yêu không thôi
ơi hỡi ơi... người