Cà Na tn nguyen
-
Số bài
:
1717
- Điểm: 54
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 30.03.2009
|
RE: Những loài hoa đẹp
-
08.03.2011 01:21:10
Tình Mẹ... Tình Mẹ ( Ảnh chụp cùng tên của suoimohg ) Thuở nhỏ, tôi đọc sách rất sớm, nhưng tôi không chỉ đọc sách dành cho thiếu nhi, mà còn đọc cả những tạp chí văn-học dành cho người lớn ! Điều đó tốt xấu thế nào, chưa bàn luận ở đây, nhưng chắc chắn nó có 1 ảnh hưởng nhất định lên tâm hồn và cách suy nghĩ của con người tôi. Đặc biệt trong hàng trăm truyện ngắn đăng trên những tạp chí Văn học mà tôi đọc thuở ấy, có 2 câu truyện mãi mãi in đậm trong trí nhớ tôi. Năm tháng trôi qua, tôi có thể đã quên đi rất nhiều điều nhưng lạ lùng thay, 2 câu truyện ấy, mà một tôi sắp kể, có lẽ tôi sẽ nhớ mãi đến cuối đời . Đó là 1 truyện ngắn được dịch ra từ nguyên bản tiếng Nhật. Tên tác giả và tựa đề là gì, ngày ấy một đứa trẻ như tôi chẳng màng chú ý. Nhưng cốt truyện thì tôi còn nhớ. Và hôm nay xin dùng sự tuởng tượng và giọng văn của chính mình để viết lại câu truyện được ghi vào ký ức của một cô bé con chưa đầy 10 tuổi là tôi thuở ấy. Truyện kể rằng trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau một trận đánh khốc liệt, cả 2 bên, Nhật và bên đối nghịch, đều tổn thất nặng. Quân đội Nhật khi rút lui về bệnh viện hậu cứ đã mang theo rất nhiều chiến sĩ bị thương, trong đó có một cậu lính còn rất trẻ. Cậu còn trẻ lắm, như vừa tốt nghiệp Trung học xong, nhưng thương tích thì quá nặng ! Khi trận đánh tàn, người ta tìm được cậu đang nằm bất tỉnh, người bê bết máu, máu khô và cháy đen vì bỏng . Sức công phá của quả bom nổ quá gần khiến xương cậu bị gãy nhiều chỗ, mắt bị mù, tai bị điếc và phần lớn thân thể bị bỏng nặng. Mọi người hiểu rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh như thế, cái chết đối với cậu chỉ là vấn đề thời gian. Thế nhưng rồi cậu cũng tỉnh lại ! Từ khối băng bất động bao bọc toàn thân, chỉ chừa ra mũi miệng bỗng phát ra những tiếng rên nho nhỏ <M..ẹ , M..ẹ >. Người ta vội đổ cho cậu chút nước, chút sữa. Càng tỉnh, cậu càng đau đớn hơn, điều đó đuợc nhìn thấy khi khối băng trắng toát run rẩy, oằn oại...Nhưng tiếng gọi mẹ vẫn không dứt. Nó thê lương, day dứt làm cho người cứng rắn nhất cũng phải cúi mặt, dấu những giọt nước mắt...
Qua ngày sau, cậu càng yếu hơn, tiếng gọi Mẹ của cậu đã trở nên khàn đục khó nghe và những cơn run rẩy cũng yếu dần. Nhưng những tiếng gọi phát ra từ đôi môi khô cháy không còn sức lực của cậu lại đủ sức làm cho người khác hiểu rằng, cậu ao ước vô cùng, gặp lại mẹ cậu lần chót trước khi qua đời Cái ước muốn đó, qua tiếng gọi Mẹ đau đớn ngày đêm đã khiến người ta bồn chồn, cuống quýt, nên cuối cùng có người đành leo lên ngựa, bất chấp đạn bom, cố gắng tìm cách báo tin cho bà mẹ bất hạnh ở miền quê khá xa. Và suốt đêm người ta ngồi cạnh giường cậu, canh từng hơi thở và lo sợ nhói lòng khi những hơi thở đó yếu dần, như sắp ngừng hẳn... Nhưng không, khi những người chung quanh sắp bật khóc thì tiếng < Mẹ > yếu như hơi gió vẫn còn cất lên, cậu vẫn còn đang cố gắng dằng co với Tử thần để đợi mẹ. Và người mẹ tới thật ! Chỉ 1 khắc trước bình minh. Chỉ vài phút trước khi con bà vĩnh viễn lìa khỏi cõi đời . Mọi người vui mừng phát khóc. Ai cũng muốn kêu thật to, thật nhanh, báo cho cậu biết... mẹ cậu đã tới ! Nhưng, chỉ một giây thôi, bao khuôn mặt đều tối lại, rủ xuống ảm đạm. Người ta chợt nhớ ra, mắt cậu mù, tai cậu điếc, toàn thân bị bỏng nặng, chỉ trừ chiếc miệng còn có thể mấp máy, cậu hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài! Không cách gì báo cho cậu biết mẹ cậu đã tới ! Sự bất lực làm những người chung quanh không còn biết phải làm thế nào, mọi người như tê liệt ! Nhưng người mẹ quê mùa thì không. Chỉ 1 phút bà đã đoán ra sự việc. Nuớc mắt ràn ruạ, bà giật phăng hàng nút áo trước ngực, phô ra bầu vú già nua, khẻ khàng nâng đầu con lên, ôm vào lòng như khi con còn thơ dại, nhẹ nhàng đút chiếc núm vú nhăn nheo vào miệng con. Mọi người ngừng thở khi nhìn thấy đôi môi khô cháy mút nhẹ đầu vú người mẹ trước khi thở hắt ra hơi thở cuối cùng thật nhẹ nhàng. Người ta biết, cậu đã từ giả cõi đời thật bình yên, trong vòng tay của người mẹ . * * * Câu chuyện này, đã được giữ lại trong ký ức tôi nhiều năm qua. Dầu thời gian đã biến nó trở thành ngắn ngủi và mất dần nhiều chi tiết , chỉ còn lại cốt truyện nhưng sự xúc động thuở nào vẫn còn in đậm trong tâm tư tôi, cho tôi niềm cảm hứng để viết lại theo ý mình , để chia sẻ một câu chuyện đầy xúc động về tình Mẹ Con . Mới đây tình cờ đọc Thời báo Toronto, có 1 đoạn trong truyện ngắn của tác giả Vô Ngã khiến tôi không khỏi nhớ tới câu chuyện trên. Đoạn này kể về một câu chuyện khác mà tôi xin ghi lại theo trí nhớ, bằng cách hành văn của tôi, như sau : Tại một trại giam những thành phần cần < phục hồi nhân phẩm >, có một thanh niên bị đưa vào cải tạo vì tội ghiền sì ke ma túy.Vào trại giam một thời gian thì cậu đổ bệnh liên miên. Hết ho sốt tới tiêu chảy. Người gầy gò xanh xao. Những ngày ấy, cậu tâm sự với những người bạn tù của mình : - Đời em kể như tàn cũng là đáng tội. Nghĩ lại mà thương Má. Hồi đó em báo Má, Má khổ vì em biết bao nhiêu! Em chỉ mong có lúc Má nghĩ lại, tha tội cho em mà lên thăm em... Má lên thăm em là má tha tội cho em phải không anh ? > Nhưng gia đình không ai thăm mà cậu thì bệnh càng lúc càng nhiều. Bệnh xá trại tù bó tay, chuyển ra Bệnh viện huyện. Cuối cùng cậu được trả về trạm giam với chẩn đoán < Bệnh Sida > ! Từ đó cái con người, mà sinh mạng giờ còn thua giá trị của 1 con chó, nằm như một cái xác chết chưa chôn trong trại tù. Cậu yếu lắm, người vêu vao như bộ xương được gắn thêm chiếc xương sọ với đôi mắt sâu hoắm ! Mọi người lánh xa vì mùi hôi hám bốc ra từ cậu, vì ghê sợ căn bệnh chết người. Duy chỉ có người bạn tù lớn tuổi là còn tới gần để săn sóc cậu. Ở những giây phút cuối cùng đó cậu vẫn mong mẹ lên thăm mình 1 lần. Nhưng chẳng biết tin có được báo đi không nhưng cậu ngày càng yếu mà tin nhà vẫn bặt.. Tới khi cậu chỉ còn bập bẹ được những chữ cuối cùng thì nước mắt chảy ràn rụa, cậu thều thào < M..á e..m l.ên kh..ông ? E..m ch..ờ M..á . > Người bạn tù đau lòng, chịu không nổi, nói với cậu :< Mầy còn nhớ số phone nào để thử nhắn tin cho Má mầy không ? > Cậu yếu quá, không thể trả lời nhưng đôi mắt sáng lên, chớp nhẹ. Người bạn tù liền tìm vội mẩu viết chì. Ông biết cậu đuối lắm rồi, không còn nói được, nhưng ông cố tìm cách. Ông kiên nhẫn đọc 1 loạt số từ số 0 đến số 9, mỗi lần cậu chớp nhẹ đôi mắt là ông ghi lại con số và bắt đầu loạt số kế . Cuối cùng, ông có được số điện thoại mà cậu muốn nói. Chạy nhanh lên ban Quản giáo trại tù, ông năn nỉ cho ông thử liên lạc với gia đình cậu . Lúc ông trở về, cậu đã sắp ngưng thở, nhưng đôi mắt nhìn ông đau đáu . Ông lật đật nói với cậu < Má mầy đi rồi , sắp lên tới ! > Đôi mắt ấy bừng lên chút tia sáng mong manh rồi khép lại . Hôm ấy, người thanh niên chết. Chết trong thanh thản vì < Má đã tha tội >, nhưng cậu đâu biết, người bạn tù đã nuốt nước mắt dấu cậu một điều. Người mẹ mà cậu mong đợi đã nói như thế này khi nghe ông báo tin < Cái thứ ấy, đợi chết rồi tôi lên lãnh xác về chôn luôn chứ lên bây giờ làm gì cho mất công ! > * * * Có lẽ không ít người trong chúng ta nghe câu chuyện kể này và cảm thấy bất bình vì cách đối xử của người mẹ với đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau . Nhưng tôi thì thương xót cậu thanh niên và cả bà mẹ của cậu. Nếu vì hoàn cảnh, vì xã hội mà tình mẫu tử trong lòng người mẹ bị giết chết khi đứa con mình trở thành một thành phần ai cũng muốn chối bỏ, hoặc cũng do hoàn cảnh mà người phụ nữ ấy sinh ra và lớn lên với 1 ý thức hời hợt về thiêng chức làm mẹ thì nói cho tận cùng, đó cũng là một người đáng được thương hại ! Nhưng đây cũng là một vấn đề đặt ra cho mọi chúng ta . Nếu lỡ do bất hạnh, chúng ta cũng lâm vào tình trạng tương tự thì tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con hư hỏng ấy có còn như xưa không ? Qua câu truyện này, tôi đã suy nghĩ khá nhiều về tình yêu thương tự nhiên và tình yêu thương do lý trí của một người mẹ. Và yêu thương con mình mãi mãi, bất chấp đứa con ấy xấu xa tệ hại thế nào, có phải là điều mà tất cả mọi người mẹ sẽ xem là một tâm niệm phải giữ trọn đời mình ? NTN Tháng 9/2009
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.03.2011 22:07:55 bởi tn nguyen >
|