Năm Dần nói chuyện Hổ
Thanh Vân 20.02.2010 02:20:33 (permalink)
Chúa Tể Lên Ngôi
CHÚA TỂ LÊN NGÔI

Nguyễn Quý Đại

 


Năm cũ trôi qua năm mới lại về, chúng ta sửa soạn nghênh đón tên con vật mới, từ trước đến nay việc chọn tên các con gia súc và thú vật hoang dã làm biểu tượng mỗi năm gọi là 12 con giáp. Theo thời gian có sự liên hệ 12 cung Hoàng đạo cần phải nói đến Ngũ Hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người Tây phương tính theo chu kỳ sao Jupter (
木星 Mộc tinh) quay quanh mặt trời là 12 năm. Mỗi năm nó xuất hiện ở một phương vị nhất định, nơi đó do một trong 12 con giáp đang trấn giữ. Mười hai con vật được gọi là 12 địa chi tượng trưng cho chu kỳ một năm. Trong số các con giáp này mỗi con vật đại diện 2 giờ đồng hồ trong một ngày 24 tiếng. Con rồng là con vật thần thoại và Tí, Dần, Tỵ, và Thân là những con vật sống hoang dã và thường tránh gặp con người. Bảy con còn lại là gia súc, theo chu kỳ 12 năm thì lại mang tên con vật cũ.
Đời sống Việt Nam ảnh hưởng nông nghiệp nên sử dụng cả Âm Lịch và Dương lịch. Trong dân gian tính ngày âm theo phong tục: tế tự, lễ hội, ma chay, cưới gả, dựng nhà.. Năm 2010 theo Âm lịch ngày 14.2.2010 Dương lịch là ngày Mùng Một Tết năm Canh Dần. Hổ đứng thứ 3 trong 12 con giáp lên ngôi. Nhìn lại 12 tháng qua con Trâu siêng năng, làm việc mệt nhọc suốt ngày đêm, từ từ đưa cơn suy thoái kinh tế vượt qua vực thẳm, thế giới nhiều thay đổi, Tổng thống đầu tiên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là người da đen.

Hổ trong thiên nhiên

Trên rừng núi Hổ là một trong nhiều loài thú dữ, nhưng Hổ (cọp, hùm) to lớn di chuyển nhẹ nhàng có sức mạnh phi thường, có thể nhảy cao 2 m, dài 8 m nhanh nhẹn, bơi lội giỏi nên được gọi là Chúa Tể Sơn Lâm. Nhưng ngược lại Hổ có trí nhớ rất kém.

Thời xa xưa đời sống con người ở các vùng đồi núi chưa có vũ khí để chống lại Cọp, đành bó tay sợ hãi, làm miếu thờ đôi khi thần thánh hóa gọi Cọp là ông Ba Mươi, Hổ không thích ánh sáng, ban ngày lẩn trốn trong bụi cỏ, lùm cây hay ngủ, khi mặt trời lặn. Hoàng hôn về Hổ thường xuất hiện tìm mồi, mắt rất sáng trong đêm tối có thể thôi miên những con mồi nhỏ bé ăn cỏ như nai, hươu..

Một trăm năm trước trên thế giới có khoảng 100.000 con sống rải rác trên núi rừng, ngày nay Hổ (Cọp) không là mối đe doạ nữa, mà còn bị con người bắt giết lấy xương da, còn lại hơn 5000 con, nhiều loại bị diệt chủng! Cọp đứng chi thứ 3 trong 12 con giáp nên gọi là Dần, giờ Dần chỉ thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng. Cọp nay còn nhiều hay ít, hình ảnh và truyền thuyết về loài Cọp vẫn nằm trong tâm tý và văn hóa các dân tộc Á Đông.

Phân loại Hổ trong đời sống và khoa học

Giới (regnum), Animalia động vật
Ngành (phylum), Chordata loại có xương sống
Lớp (class), Mammalia động vật có vú
Bộ (ordo), Carnivora động vật ăn thịt
Họ (familia), Felidae họ mèo
Chi (genus), Panthera Beo báo

Hổ lớn nhất trong họ nhà mèo, nhưng có nhiều loại Hổ có một số đặc trưng khác nhau. Đuôi dài giúp nó quân bình thân thể khi lèo lái lúc rượt bắt mồi, râu dài giúp nó tìm mồi, đánh hơi như mèo. Hổ đực trọng lượng nặng từ 150 đến 310 kg và Hổ cái từ 100 đến 160 kg. Hổ đực dài từ 2,6 đến 3,3 m Hổ cái từ 2,3 đến 2,75 m. Trong các loại Hổ, giống Corbetts nhỏ, loại Hổ Amur lớn nhất. Màu của chúng có thể là bất kỳ màu nào trong khoảng từ vàng đen đỏ-da cam. Sau tai có đốm trắng, cằm và họng màu trắng, trên ngực, cổ, cũng như phần bên trong của chân màu trắng nhạt. Bộ lông có nền vàng màu da bò, vàng nhạt có nhiều sọc (vằn) màu đen hoặc màu nâu đen. Đuôi có vòng nâu đen không đều từ trong đến nút đuôi, một biến thể "gen" là Hổ trắng,

Các loài hổ khác nhau

*Panthera tigris altaica Hổ Siberia hay Hổ Amur, còn gọi là Hổ Mãn Châu (Trung Hoa gọi là hổ Đông Bắc 北虎 ), gần như toàn bộ sống trong những khu vực rất hạn chế của miền đông Nga, ở đó hiện nay chúng được bảo vệ. Trong thiên nhiên có ít hơn 400 con. Hổ Siberia là giống Hổ to con, con đực thường dài trung bình 2,7 mét và nặng khỏang 290 kg, với bộ lông dày và những đường vằn lớn màu vàng nhạt.

*Panthera tigris amoyensis - Hổ Hoa Nam.南虎, chữ amoyensis tên khoa học của nó xuất xứ từ tên địa danh Amoy, còn gọi là Xiamen tức Hạ Môn, đang nằm trong tình trạng nguy hiểm nhất, sẽ tuyệt chủng ...

*Panthera tigris corbetti - Hổ Đông Dương Indochina-Tiger (còn gọi là hổ Corbet), được thấy ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0o Mã Lai, Trung Hoa. Tại Việt Nam phần lớn hổ đã bị giết để lấy da xương nấu cao hổ cốt .

*Panthera tigris jacksoni Hổ Mã Lai đồng nghĩa: Panthera tigris malayensis), tiếng Mã Lai: Harimau Malaya, chỉ tìm thấy ở khu vực phía nam của bán đảo Mã Lai .

*Panthera tigris sumatrae - Hổ nầy sống ở đảo Sumatra (Indonesia) đảo hoang dã có khoảng 400 đến 500 con.

*Panthera tigris tigris Hổ Bengal sống trong rừng già và đồng cỏ của Bangladesh, Bhutan, Trung Hoa, Ấn Độ và Nepal. Còn từ 3.000 đến 4.600 con, phần lớn sống ở Ấn Độ và Bangladesh.

Ba loại Hổ đã tuyệt chủng:

*Panthera tigris balica Hổ Bali-Tiger,

*Panthera tigris sondaica Hổ Java-Tiger

*Panthera tigiris virgata loại Hổ Caspi-Tiger

Hổ sống trong môi trường thiên nhiên có tuổi thọ tối đa 25 nãm, phần lớn chỉ sống tới 17 hay 21 năm, tuy nhiên vì nạn săn bắn không tính được tuổi thọ! Hổ có thể sống thích hợp với thời tiết thay đổi theo từng điạ phương nóng +40 hay lạnh -40 độ Celsius, trên núi cao đến 3000m. Mỗi ngày đêm có thể di chuyển 30km, ít hoạt động ở một chỗ trong nhiều ngày, nó thường đi một mình, thích thịt bò, nai, heo rừng... mỗi ngày ăn từ 8 đến 50 kilo, phần thịt còn lại cất dấu một nơi, sau khi ăn no nó uống rất nhiều nước và nằm ngủ, răng Hổ còn dính thịt thường được các con công xiả răng, Hổ có mùi hôi vì ăn thịt sống máu còn dính hai bên miệng, râu mép. Bởi vậy râu Hổ rất độc có chất ptomaine, khi săn hay bẫy được Hổ, người ta thường đốt râu, sợ người khác lấy râu Hổ bỏ vào bẹ măng sẽ sinh ra loại sâu có phân rất độc tác dụng giết người.

Tuổi trưởng thành của Hổ từ 3-4 nãm, Hổ cái động dục 5 ngày theo chu kỳ 50 ngày, sau thời gian giao phối có chửa kéo dài khoảng trên dưới 100 ngày, sinh từ 2 đến 6 con, mỗi con lúc vừa sinh nặng chừng 900 Gramm đến 1400 Gr dài 40 cm. Từ 4-12 ngày thì mở mắt, 2 hay 3 tuần sau mọc răng sữa, một tháng rưỡi hổ con bắt đầu ăn thịt. Chúng bú sữa mẹ tới 6 tháng và theo mẹ tập săn mồi từ 2 đến 3 năm. Thời gian nuôi con hổ mẹ không giao phối, tuy nhiên nếu tách hổ con ra, thì hổ mẹ tiếp tục giao phối sinh đẻ, hổ mẹ có nhiệm vụ nuôi và bảo vệ con, hổ đực sống riêng biệt một vùng, và thường tranh dành ảnh hưởng với những con hổ đực khác...

Bạch Hổ là loại Hổ lông màu trắng có vằn đen rất hiếm, năm 1951 người ta phát hiện trong rừng của tiểu vương Rewa người ta bắt được 4 chú Hổ con, 3 con màu vàng đặc biệt, một con màu trắng lúc 9 tháng. Con Hổ màu trắng tên là Mohan đem về nuôi dưỡng ở lâu đài Govindgarth, khi truởng thành, người nuôi cho giao phối với con Hổ lông vàng tên Begun, sinh 4 con cái tên Radha được nuôi lớn cho giao phối với Mohan sinh ra 4 con Bạch Hổ là Raja, Rani, Mohine, Sukheshe. Hổ Radha sinh thêm 4 lứa được 11 con Bạnh Hổ. Chính phủ Ấn Độ tài trợ cho việc nuôi dưỡng, các con Bạch Hổ sinh sản nhiều hơn. Ngày nay các con Bạch Hổ ở sở thú hay các đoàn xiếc đều là giống từ Ấn Độ.

Hổ trong lịch sử và văn chương Việt Nam

Giai thoại ngày xưa Tả quân Lê Văn Duyệt cùng với sứ thần Xiêm La (Thái Lan) hay Chân Lạp ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ đấu với Hổ. Dân chúng chen chúc đứng chung sống hổ cho sứ thần xem. Lê Văn Khôi mình trần mặc quần cụt, tay cầm đùi heo. Không ngờ gặp con Hổ quá dữ tấn công ngay, ông né mình đánh ra một côn trúng Hổ ngã lăn một lúc rồi tắt thở. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi, nhưng Tả Quân nổi trận lôi đình truyền đao phủ bắt trói Lê Văn Khôi đem chém, vì theo lệnh đấu với hổ chỉ được bắt sống chứ không được đánh chết. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài xin tha tội vì không biết, xin được bắt sống Hổ khác để chuộc tội. Tả quân đồng ý ra lệnh thả Hổ ra, bên ngoài trống thúc vang trời. Cuộc tỷ thí lần này thật là gay go Lê V. Khôi đá trúng hàm dưới của Hổ. Hổ nằm bất tỉnh ông trói hổ và đặt dưới vòng đài làm lễ xin chuộc tội. Sứ thần Xiêm la thấy vậy khen không dứt lời. Tả Quân ung dung nói: Bọn tiểu tốt dưới trướng tôi đều như vậy cả, có chi đáng cho đại nhân khen. Đây là hình thức phô trương nhân tài về võ nghệ cao cường của người Việt Nam, dằn mặt quân Xiêm đừng sang quấy phá nước ta.

Ngày xưa các Vua Chúa còn thích xem Hổ đấu với Voi, ở cố đô Huế còn lại phế tích trường đấu Hổ Quyền xây dựng năm 1830. Trường đấu gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1,1m ở nền và 0,5m ở đỉnh. Đường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m. Từ dưới chân tường có hai cầu thang để đi lên con đường đất. Cầu thang thứ nhất có 20 bậc dành cho vua và hoàng gia. Khán đài là một khu đất hình chữ nhật, diện tích 96m² cao 1,5m so với mặt đường đất. Từ trên khán đài nhìn xuống người ta thấy khu lòng chảo của trường đấu. Cầu thang thứ hai có 15 bậc dành cho lính và dân xem. Khoảng giữa hai cầu thang là một lối vào rộng 1,9m, cao 3,9m dành cho voi vào trường đấu. Đối diện với khán đài dành cho vua, ở phía bên kia của đấu trường là 5 chuồng Hổ và Báo. Phía trên chuồng ở chính giữa có một tấm biển bằng đá chạm hai chữ Hán "Hổ Quyền", trận đấu cuối cùng giữa Voi và Hổ ở Huế dưới thời vua Thành Thái năm 1904.

Thi ca được truyền tụng trong dân gian về hình ảnh Chúa Tể Sơn Lâm:

-Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn
-Vuốt râu hùm - xỉa răng cọp: làm các việc nguy hiểm
-Rừng già lắm voi, rừng còi lắm hổ - kinh nghiệm của thợ sãn
-Hùm chết để da, người chết để tiếng - nói lên ích lợi của loài hổ và con người ngay cả sau khi chết
-Hổ đội lốt thầy tu, ám chỉ kẻ giả đạo đức, thành phần lợi dụng tôn giáo để được vinh thân.
-Trời sanh hùm chẳng có vây
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời
-Điệu hổ ly sơn dụ cọp ra khỏi núi, một sách lược để đối thủ yếu đi
-Hổ ngọa phùng nhân thực, nhân thực cùng khởi đạo tâm/con cọp đói gặp người bắt ãn, cũng như người nghèo khổ sinh ra lòng trộm cắp?
-Nam thực như hổ, nữ thực như miêu/ đàn ông ăn nhiều đàn bà ăn ít.
-Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt/ giống như trèo cao té nặng.
-Đuổi hùm ra cửa trước rước sói cửa sau! chống kẻ ác nầy nhưng rước kẻ ác khác vào.
-Hổ phụ sinh hổ tử/ hổ cha sinh ra hổ con.

Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã chỉ cái uy của con Hổ (hùm)

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này
Râu hùm, hàm én mày ngài

Giai thoại về câu đối, ngày xuân khách viếng Chùa (ông Hoàng Phan Thái? ) bị nhà sư ra câu đối, ông đã đối lại rất chỉnh:

Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy Tu

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với Phạm đình Hổ tức Chiêu Hổ ngày nọ đến chơi, chỉ có một mình Xuân Hương ông muốn giở trò suồng sã bị Xuân Hương mắng vốn:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay

Hùm là Hổ tức tên Chiêu Hổ cũng không thua họa lại

Này ông tỉnh, này ông say
Nay ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bằng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng chốc tay?

Trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến bài Nhớ rừng của Thế Lữ diễn tả tâm hồn thi nhân rất phóng khoáng, hoà vào thiên nhiên với những tiếng thở than trong khoảng không vắng lặng! bài nầy cũng là nỗi lòng của những Sĩ quan, Công chức miền Nam sau biến cố đổi đời 1975, hàng loạt người bị nhà cầm quyền mới tập trung vào các trại cải tạo mất tất cả tự do:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm....
.......................
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thuở tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già
Tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
.....................

Hổ sống trên rừng cao, trong sở thú, nhưng hình ảnh Hổ quen thuộc, gần gũi trong sinh hoạt con người. Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam phát hành ngày 25.8.1972 loại 500 Đồng màu vàng cam đen, mặt trước là Dinh Độc Lập mặt sau là con Hổ. Biệt Động Quân mũ nâu với phù hiệu đầu cọp trên ngôi sao 5 cánh màu trắng. Biệt Cách Dù mũ xanh phù hiệu con cọp vàng nhảy qua chiếc dù trắng, Thủy quân lục chiến là cọp biển. Trong quân đội có chuồng Cọp để nhốt phạt quân nhân vi phạm kỷ luật. Bọn thực dân Pháp gọi ông Hoàng Hoa Thám là con Hùm Yên Thế. Trong các đền, miếu thường thờ tranh Ngũ Hổ: Hoàng hổ, Hắc hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Thanh hổ. Ngoài ra có bia hay tranh điêu khắc hình, tượng cọp thật oai. Trong các phái Võ lâm có các bài Quyền về hổ: Mãnh Hổ quyền, Xà Hổ Hạc quyền, Long Hổ quyền, Phục Hổ quyền, Hổ quyền dưỡng sinh khí công.....

Hổ khẩu là tên huyệt đạo nằm giữa ngón cái và ngón trỏ huyệt nầy rất quan trong trong ngành châm cứu. Ngoài ra còn rất nhiều từ về hổ: Hổ cứ, Hổ lĩnh, Hổ môn, Hổ bộ, Hổ mang, Hổ thẹn, Hổ mặt, Hổ tướng, Hổ giấy...Tết có môn chơi Bầu, Cua, Cá, Cọp.Cười mỉn chi cọp, đọc sách cọp, xem hát cọp, Chùa cọp Watpa Luang bua nổi tiếng ở Thái Lan đã có công thuần hoá 50 con cọp sống trong vườn Chùa hiền như những con chó, tiền nuôi đàn cọp nầy nhờ du khách (hàng ngày mỗi con ăn hơn 6 kilo thịt). Nuôi cọp cũng không tránh được " sinh nghề tử nghiệp" như đoàn xiếc nổi tiếng của Sigfried and Roy ở Las Vegas, ngày 03.10.2003 ông Roy Horn điều khiển cọp trình diễn, bổng dưng con cọp trắng hằng ngày được ông huấn luyện tấn công ông ngay trên sân khấu. Ông bị trọng thương dù được chửa trị, nhưng ông trở thành phế nhân, đoàn xiếc 30 năm hoạt động phải ngưng!

Thế vận hội năm 1988 ở Seoul dùng biểu tượng con cọp, hãng dầu cù là Tiger Balm Singapore với hình cọp đang chạy. Năm 1945 hãng bia BGI có "Bière Larue" ở Việt Nam sản xuất bia nhãn hiệu đầu Cọp màu vàng, chai cao (0.66 lit). Singapore năm 1932 có hãng bia con cọp Tiger Beer. Truyện tranh Calvin and Hobbes của Bill Watterson. Tác giả A A. Milne trong truyện Winnie the Pooth diễn tả hổ luôn đem lại may mắn... tiểu thuyết Life of Pi/ cuộc đời của Pi viết về cậu bé sống sót trên Thái bình dương với con Hổ Bengal. Tuy nhiên con Hổ Shere Khan trong tác phẩm The Jungle Books là con vật nguy hiểm nhất của Mowgli. Tác phẩm cọp trắng của Aravind Adiga. Chuyện Khổng Tử trả lời Tử Lộ "nắm đuôi cọp mà giết" hay chuyện "Cọp Mặc Tử" là những triết lý rất hay nói về thế thái nhân tình. Trong dân gian còn khá nhiều truyền thuyết về Cọp như: Cọp mẹ chửa trị cho cọp con bằng lá đa (sự tích chú Cuội bay lên trời) Cọp 3 chân, Cọp một mắt, tại sao Cọp vằn, Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu, Cáo mượn oai hùm, thác hang Cọp có nhiều huyền bí ở Đà Lạt hay còn có tên là thác Đạ Sar. Ngày nay ở Hà Nội đất hẹp người đông nên có khu phố chuồng Cọp.......

Thảo dược mang tên Hổ

* Hổ Cao hay Hy Thiêm tên khoa học Siegesbeckia orientalis L. họ cúc có nơi người ta gọi là cỏ của trời, hái lúc cây chưa ra hoa, phơi khô dùng để chữa chân tay tê, lưng, đầu gối đau vì bệnh phong thấp.

*Hổ Kế hay Ô Rô còn gọi là đại kế tên khoa học Cnicus japonicus Maxim, họ cúc là loại cỏ mọc hoang ở Á Châu, hái cây đang lúc nở hoa, phơi khô. Trong dân gian dùng cây nầy để chữa chảy máu cam, thổ huyết, phù thận người ta dùng cây tươi giã vắt nước uống hay cây khô sắc nuớc uống như trà .

* Hổ Trượng Căng còn gọi là củ cốt khí Polygonum Cuspidatum họ rau răm, trong rể cây nầy có chất antraglucosid dùng làm thuốc chữa tê thấp do té ngã bị thương.

*Đơn lưỡi Hổ hay lưỡi cọp. Sauropus rostatus, họ thầu dầu còn gọi là cây Cam Xũng mọc hoang ở rừng núi, lá rễ hái về sấy chữa dị ứng tiêu chảy..

* Hổ Thiệt còn gọi là lưỡi hổ hay Lô Hội, (lô là đen hội tụ lại nhựa cây cô đặc có màu đen) tên khoa học Aloe Vera họ hành tỏi, loại cây thông dụng chế biến trong ngành mỹ phẩm, làm kem thoa da, dầu gội đầu... người ta cắt lá lấy nhựa, tinh dầu, nhựa, chất Aloin. Đây là vị thuốc dùng trong Đông và Tây Y, giúp tiêu hoá kích thích niêm mạc ruột......

* Hoa Hổ Ngươi là Hoa Trinh Nữ, còn gọi là Hoa Mắc Cở, nấu lấy nước uống theo Nam Y trị bệnh cao máu?

* Hổ phách được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, tên khoa học là succinum, là nhựa của các loài cây lá kim đã hóa thạch,

* Thạch anh mắt cọp (Tiger's Eye) người ta sử dụng như đá phong thuỷ và làm trang sức

* Hoa móng cọp tên khoa học strongylondonmacrobotry.L, còn gọi là hoa cẩm thạch (Jade Vine)

* Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng có loại cây hạt tròn (tigridies) là hổ vĩ thảo còn gọi là cây đuôi cọp

Những động vật có tên hổ đều nguy hiểm như: các loại rắn hổ, muỗi hổ Á Châu, kỳ nhông hổ, nhện hùm, cá mập da hổ, nhái cọp....

Ngoài ra xương Hổ dùng nấu Cao hổ cốt tên khoa học Panthera tigris L, dùng toàn bộ xương con Hổ, không thể thiếu miếng xương nào. Do đó phải có người biết xem và chọn lọc xương. Xương hổ quý nhất là xương tay (hổ hình cốt) rồi xương chân, xương đầu, xương sống liền với xương đuôi (không thể thiếu những xương này được). Xương tay hơi vặn ở khuỷu, có một lỗ 'thông thiên'; đặc điểm này dùng phân biệt xương hổ, xương beo với các xương khác: răng hàm có hình chữ 'tam sơn'. Hổ chết trong rừng lâu ngày xương trắng bợt, nếu ngâm nước lâu thì bị ải, hổ săn bắn được thì xương dính liền nhau, trắng ngà, để hơi vàng. Xương hổ tốt nhất nặng 10 - 15kg. Nếu có đủ 5 bộ xương cùng nấu thì tốt nhất. Một kg xương đã chế nấu được độ 230g cao mềm, cho nên nấu Cao hổ cốt người ta thường nấu lẫn với xương Sơn dương (tỷ lệ 1/5). Nếu được "ngũ dương nhị hổ" thì càng có lực mạnh. Xương sơn dương nấu với xương Hổ cũng phải làm sạch như gạc (sạch tuỷ, gân, thịt theo kinh nghiệm của Đông y sĩ thầy Ba Quế Sơn ở Bảy hiền cho biết). Ngày nay xương cọp hiếm nhiều người nấu cao hổ cốt giả để trục lợi.

Ngành Y học Tây phương chưa khám phá ra các chất bổ dưỡng trong Cao hổ cốt, họ chưa dùng các loại dược phẩm ngâm rượu hổ cốt như ở bên Tàu hay Việt Nam nhưng tuổi thọ họ rất cao. Chúng ta cần phải xét lại quan niệm của người Tàu ăn, uống để cường dương bổ thận ngay cả thai nhi? điều nầy không thể nào chấp nhận.

Các quốc gia Á Châu ăn Tết Canh Dần

Mỗi quốc gia có một phong tục riêng về quan niệm 12 con Giáp. Đại Hàn, Nhật, Hoa họ gọi là: Chuột-Bò-Cọp-Thỏ-Rồng-Rắn-Ngựa-Cừu-Khỉ-Gà-Chó-Heo. Người Việt thì chọn con đứng thứ 4 là Mèo là và thứ 8 là Dê. Đón Tết giống nhau về ngày Âm lịch, nhưng Nhật là quốc gia chọn Tết Dương lịch [1] theo các nước Tây Phương từ khi cuộc Duy Tân Minh Trị do Thiên Hoàng Meijig 6 năm 1873. Người Nhật chuẩn bị năm mới từ ngày 31.12 có tên gọi là Omisoka và đón mừng năm mới Oshogatsu, vui chơi 3 ngày Tết theo phong tục truyền thống của Nhật. Vào đêm giao thừa các chùa sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp. Lời chúc mừng năm mới mọi người quây quần bên nhau thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.

Thái, Lào, Campuchia ăn Tết theo Phật lịch năm mới bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật 15/4 và ngày lễ chính thức được mở đầu bằng lễ tắm Phật từ 13 đến 15 tháng 4. Ngày xuân với lễ hội té (tạt) nước người ta tin nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe, để cầu may, bình yên cho cả năm, người dân sẽ té nước lên nhau bằng cách xô... người được té nhiều nước càng may mắn. Tuy nhiên mỗi nước có nghi thức lễ hội và sinh hoạt khác nhau: Thái Lan ãn tết gọi là Songkran. Sau lễ tắm Phật trên chùa, bắt đầu mừng năm mới bằng lễ té nước. Các món ăn đặc trưng của Thái: cà ri xanh nấu với gà (gaeng kiao wan gai), canh chua tôm (tom yam), bánh gạo thịt gà và tôm, xôi ngọt sầu riêng... Tết Campuchia gọi là Chol Chnam Thmay (Chôl Chnăm Thmây). Ngày tết gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức món cà ri. Lào tết gọi là Bunpimay, món ăn Tết là Lạp được làm bằng thịt gà hay thịt bò, trâu tươi bằm nhuyễn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh, không dùng đường, vị chua cay. Người ta thường dùng Lạp chung với các loại rau như húng lủi, ngò gai ăn với xôi nóng...trong những ngày tết thường có lệ phóng sanh .

Người Philippines ãn Tết theo Dương lịch là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện diễn ra trong nãm qua, và cùng hướng về tương lai với những hy vọng tươi sáng. Đối với người Philippines ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hy vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp. Giao thừa bàn tiệc "Media Noche" để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình.

Dân tộc Indonesia và Malaysia là quốc gia, ảnh hưởng Hồi giáo có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách chào đón tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijriah), tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Saka) và tết cổ truyền theo kiểu Trung Hoa (Tahun Baru Imlek) hay còn được gọi là Imlek, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia.

Tuổi Dần tốt xấu

Người tuổi Dần thường có nét uy quyền tính can đảm, thích mạo hiểm. Họ có tính tập trung cao, luôn đem hết cả sức lực, tinh thần để làm việc. Đời sống tình cảm của họ rất phong phú, nên khi còn trẻ họ có lối sống khá lập dị, ham bay nhảy, du lịch đó đây. Người nữ tuổi Dần rất có duyên, hoạt bát, linh lợi, thanh lịch, họ không bao giờ hài lòng với bất cứ việc gì. Người tuổi Dần hợp với người tuổi Hợi, vì người tuổi Hợi điềm đạm, từ tốn, họ sẽ bổ túc, kiềm chế sự nóng nảy của người tuổi Dần. Dần ý hợp tâm đầu với người tuổi Tỵ vì cả hai đều rất đa nghi. Sự khác biệt là ở chỗ người tuổi Dần liều lĩnh trong khi người tuổi Tỵ thì thận trọng. Người tuổi Dần sẽ nếm hậu quả nếu đối đầu với người tuổi Thân vì người tuổi Thân nhanh nhẹn, tháo vát, lắm mưu nhiều kế. Người tuổi Dần mệnh Mộc có tài ngoại giao trọng danh dự, có thể tạo dựng nên sự nghiệp lớn.

Đời sống con người thăng hoa tốt đẹp cần giàu lòng vị tha chia sẻ buồn vui với đời, tính tốt con người rất hiếm trái lại thói hư tật xấu khá nhiều, những kiêu căng, oán giận tham tiền, háo danh, háo sắc... là những tật xấu đưa con người đến bại hoại thanh danh...như tục ngữ có câu "cọp chết để da người ta chết để tiếng ". Chúa Tể Sơn Lâm lên ngôi, nhưng con người thông minh là con của Thượng Đế, là Chúa của muôn loài, nhưng chúng ta phải bảo vệ thiên nhiên, để thú rừng còn nơi để sinh sống. Kính chúc gia đình qúy đọc giả mùa Xuân An Bình và nhiều Ân Phúc.

Tài liệu tham khảo

Tiger im Natur Lexikon và Wikipedia [1] - Lịch Julius do hoàng đế Julius Caesar đưa ra vào năm 45 trước Công nguyên. Lịch Julius chia thành 12 tháng với 365 ngày, cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 tạo thành năm nhuận. Vì vậy theo lịch Julius thì một năm có 365,25 ngày. Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây. Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Cho đến năm 1582, thì sự sai biệt đã lên đến 10 ngày. Giáo Hoàng Gregory XIII quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại. Sau ngày 4 tháng 10 năm 1582 là ngày 15 tháng 10. Và để tránh sai biệt, lịch lấy năm nhuận là năm có số thứ tự chia chẵn cho 4 (như năm 1964, 1980, 2004, ...) và các năm tận cùng bằng 00 phải chia chẵn cho 400 mới là năm nhuận (năm 2000 chia chẵn cho 4 và 400 nên là năm nhuận, những năm 1700, 1800 và 1900 chia chẵn cho 4 nhưng không chia chẵn cho 400 nên không phải là năm nhuận, ...). Lịch đã sửa mang tên lịch Gregory và được áp dụng cho đến bây giờ.
Dương lịch là loại lịch mà ngày tháng của nó chỉ ra vị trí của Trái Đất trong chuyển động của nó xung quanh Mặt Trời. Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường của người Việt nói tới lịch Gregory mặc dù trên thực tế có nhiều loại lịch khác có cách thức tính toán ngày tháng như đã nói trên.
#1
    Thanh Vân 20.02.2010 02:22:41 (permalink)
    Năm Dần Nói Chuyện Cọp




    (Canh Dần từ 14-02-2010 đến 02-02-2011)
    Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ (*)
    (Trích dẫn tác phẩm Tử-Vi & Địa-Lý Thực-Hành từ 561 đến trang 574 của Nguyễn-Phú -Thứ)
    Sau khi năm Kỷ Sửu chấm dứt, thì đến năm Canh Dần được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ bảy, 13-02-2010 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 02-02-2011. Năm Canh Dần này thuộc hành Mộc và mạng Tùng Bách Mộc, năm này thuộc Dương, có can Canh thuộc mạng Kim và có chi Dần thuộc mạng Mộc. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này "Can khắc Chi" tức Trời khắc Đất . Bởi vì: " Mạng Kim = Canh khắc mạng Mộc = Dn (mạng Kim tức Trời được khắc xuất, mạng Mộc tức Đất bị khắc nhập) . Do vậy, năm này xem như tổng quát rất xấu, bởi vì bị Trời khắc Đất giống như các năm : Giáp Tuất (1994), Nhâm Ngọ (2002), Mậu Tý 2008 đã qua. Được biết năm Dần vừa qua là năm Mậu Dần thuộc hành Thổ, nhằm ngày thứ tư, 28-01-1998 đến 15-02-1999. Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2010 = 4647, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 27 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm 2043. Do vậy, năm Canh Dần 2010 này là năm thứ 27 của Vận Niên Lục Giáp 78.

    Năm Dần tức Cọp cũng là Hổ, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :

    Dần là con Cọp đứng hạng thứ 3 của 12 con vật trong Thập Nhị Ðịa Chi, tuy là chúa tể sơn lâm, nhưng lại thua con Trâu to con, có cặp sừng trên đầu, đi đứng nặng nề chậm chạp và con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.

    Giờ Dần= là giờ từ 03 giờ đến đúng 05 giờ sáng hôm sau.Người xưa cũng có ghi vào sách đáng cho chúng ta suy ngẫm như :
    Nhứt niên chi kế tại ư Xuân,
    一 年 之 计 在 于 春
    Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần.
    一日之 计 子 于 寅
    (Muốn thực hiện kế hoạch: 1 năm phải sắp đặt bắt đầu vào mùa Xuân và 1 ngày phải sắp đặt vào giờ Dần tức giờ Cọp thức dậy nhìn mặt trời vào bình minh sáng). Đó là kế hoạch của người đặt ra, còn loài người sanh ra ở hội Dần, bởi câu : "Nhân sanh ư Dần" 人 生 于 寅

    Tháng Dần = là tháng Giêng đầu năm âm lịch, người ta cũng thường dùng chữ Dần Nguyệt để chỉ tháng Giêng.

    Cọphùm = Loại thú dữ hơn hết, nên thường gọi chúa sơn lâm.

    Vấu lưng Cọp = Móng vút Cọp.

    Cỡi lưng Cọp = Người ta mà cỡi lưng Cọp là người liều mạng, không dám xuống sợ Cọp ăn thịt.

    Ngọc Cọp = Người ta nói là ngọc trong miệng Cọp, người có ngọc ấy thì thú dữ khác sợ phải tránh xa.

    Đặc biệt, có những Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau :

    Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

    Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh

    虎 死 留 皮, 人 死 留 名

    Cọp cha dũng mảnh, đẻ ra Cọp con cũng dũng mảnh (tức Cha nào Con nấy).

    Hổ phụ sanh Hổ tử

    虎 父 生 虎 子

    Sợ Cọp sợ cả cứt Cọp.

    Cọp cha đẻ ra Chó con...v.v (tục ngữ).

    Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận.

    Treo thịt trước miệng Cọp.

    Nhục huyền Hổ khẩu.

    Nam thực như Hổ, nữ thực như Miêu.

    男 食 如 虎, 女 食 如 猫

    ¨Sa vào miệng Cọp.

    Rừng nào Cọp nấy.

    Tránh hùm mắc Hổ.

    Dưỡng Hổ di họa (*)

    养 虎 遗 祸

    Dưỡng Hổ thương sanh (**) ... v.v (thành ngữ).

    养 虎 伤 生

    ù(*) di = để lại.

    (**) thương sanh = hại mạng mình.

    Ngoài ra, chúng ta còn thấy tên Hổ = là loại Hùm Cọp hoặc loài Rắn Hổ, xin trích dẫn như sau :


    Hổ lang = Hùm sói.

    Hổ cốt = Xương Cọp.

    Hổ bì = Da Cọp.

    Hổ huyệt = Hang Cọp.

    Hổbộ = Bộ tướng hùng dũng như Cọp.

    Gươm đầu Hổ = Gươm tra cán chạm đầu Cọp.

    Hoạ Hổ hoạ bì nan hoạ cốt 画 虎 画 皮 难 画 骨 = vẽ Cọp chỉ vẽ được da, không thể vẽ được xương Cọp (ý nói biết người chỉ biết mặt, khó biết lòng)... v.v

    Riêng loài rắn cũng có tên Hổ, chúng nó rất độc và nguy hiểm đáng sợ như sau :

    Rắn hổ = là thứ rắn độc lớn con.

    Rắn hổ đất = là thứ rắn hổ độc có màu đen sám như màu đất, cho nên có tên rắn hổ đất để phân biệt các rắn hổ khác.

    Rắn hổ ba khoang = cũng là thứ rắn hổ màu đất, nhưng nó có ba khoan.

    Rắn hổ ngựa = là thứ rắn hổ, nhưng nó chạy mau như ngựa, thường ở trong bụi rậm hay rượt người ta, cho nên có tên rắn hổ ngựa.

    Rắn hổ mây = là thứ rắn có vảy lớn, màu đen trắng lẫn lộn, giống da trái mây, cho nên mới có tên rắn hổ mây.

    Rắn hổ hành = là thứ rắn có vảy màu hơi xanh; nó rất hôi hành, cho nên mới có tên rắn hổ hành, loại rắn này ban đêm thường đến những chuồng Gà Vịt cận kề nhà để bắt ăn.

    Rắn hổ chuối = là thứ rắn có vảy màu xám.

    Rắn hổ mang = là thứ rắn độc hay ở khe suối, khi gặp người hay thú vật khác, nó phùng mang ngẩn đầu cao phóng tới, cho nên mới có tên rắn hổ mang. Loại rắn này thường thấy nhiều ở nuớc Ấn Độ.

    Trong khi đó, chúng ta còn thấy các cây cỏ mang tên Hổ hay Cọp, xin trích dẫn như sau :

    Hổ mướp = Loại mướp có nhiều sọc rằn như da Cọp.

    Hổ phách 琥 珀 = là chất nhựa cây tùng hay thông cổ sống lâu năm, mọc thành rừng ở Âu Mỹ đã bị chôn vùi dưới đất trong các mỏ than hay dưới biển, chất nhựa nàyrất cứng rắn,có màu vàng ửng đỏ, thường dùng làm đồ nữ trang.Ngoài ra, thời xưa người ta lấy hổ phách đun nóng để làm thuốc chống co thắt dưới dạng thuốc xông hay rượu thuốc, có mùi thơm tỏa ra dễ chịu lại hết bịnh.

    Hổ kế = cây Ô Rô, trong dân gian thời xưa dùng cây này làm thuốc như : chảy máu cam, thổ huyết ...xem như loại thuốc cầm máu. Từ đó, lấy lá cây này đem đốt để lấy tro pha với dầu Dừa để trị ghẻ.

    Hổ cao 虎 膏= cây Hy Thiêm, trong dân gian thường hái lá khi cây chưa có hoa, rồi đem phơi khô dùng để trị bịnh chân tay tê bại, phong thấp, đau lưng, nhức mỏi tứ chi hoặc lấy lá đâm nát rồi đắp chỗ mụt nhọt để trị.

    Đơn lưỡi Hổ = Lưỡi Cọp cũng có người gọi cây Cam Xũng thường mọc hoang ở rừng núi, lá rễ hái về phơi khô để trị bịnh thổ tả hay trị bịnh dị ứng.

    Hổ thiệt 虎 舌= Lưỡi Cọp (bởi vì, cây này giống như Lưỡi Cọp) hay Lô Hội, trong dân gian ngày nay thường dùng cây này để làm dầu gội đầu hoặc làm kem thoa mặt, thoa da.Bởi vì, đặc tính của nó làm cho mềm mại tóc hay da.

    Hổ trượng căng = Trong dân gian thường lấy rễ để trị bịnh tê thấp hoặc trị những vết thương khi bị té ngã... v.v

    Đó là, những tên Hổ hay Cọp có liên quan đến các thực vật, đã trích dẫn đơn cử đại khái, không thể kể hết ra được, xin tạm ngưng ở đây.

    Đối với 11 con vật trong Thập Nhị Địa Chi đã dẫn vừa qua, mỗi con vật đều có huyền thoại liên quan đến con vật đó.

    Riêng năm Canh Dần do con Cọp cầm tinh này cũng có huyền thoại liên quan, xin trích dẫn như sau :
    Tại sao Cọp có bộ lông rằn ?

    Thuở xưa, khi thú vật còn biết nói chuyện tiếng người, có một hôm Cọp là chúa tể sơn lâm, đi đến gần bờ ruộng, thấy Trâu đang bị người dùng roi điều khiển cày ruộng, Cọp thấy việc lạ đời, bởi vì:
    . Người thì nhỏ con hơn Trâu nhiều.
    . Người không có móng vuốt sắc bén, trong khi Trâu có cặp sừng rất nhọn.

    • Nhưng không hiểu tại sao Trâu phải bị lệ thuộc người? cho nên Cọp muốn biết con người có đặc điểm gì hơn con Trâu? Vì thế, đành chờ cho người và Trâu cày ruộng xong, rồi mới đến gần Trâu để hỏi nhỏ, thì Trâu rất sợ Cọp ăn thịt, cho nên Cọp mới hứa là không ăn thịt Trâu với điều kiện Trâu phải cho biết tại sao người hơn Trâu? Trâu trả lời: "Loài người có vẻ yếu đuối ở bề ngoài hơn thú vật, nhưng loài người có trí khôn hơn thú vật. Đó là, vũ khí mà thú vật chúng ta phải đáng sợ".Từ đó, tôi khuyên ngài là chúa tể sơn lâm cũng nêntrốn đi khỏinơi này cho mau, kẻo trễ.Nghe Trâu nói, Cọp tức giận, rồi nói: Ta sẽ kêu người đưa trí khôn cho ta, ta không bao giờ hèn nhát trốn chạy đâu hết, rồi Cọp liền phóng mình đến gần người và thét lên rằng: "Người kia, ta nghe nói ngươi có một vũ khí phi thường là trí khôn.Có thật hay không? Nếu đúng thể hay đưa cho ta ngay, nếu không ta sẽ ăn thịt ngươi ngay" Người nói với Cọp : "Hỡi chúa sơn lâm, thật là hân hạnh cho tôi được dâng trí khôn của tôi cho ngài, nhưng ngài hãy nhẫn nại giây phút, vì hiển nhiên tôi không có đem một vũ khí quý báu như thế ra đồng vì tôi đã cất kỹ nó ở nhà. Tôi cần phải đi về nhà để lấy nó cho ngài".Việc này thật bất tiện cho Cọp, nhưng nó không làm sao hơn.Nếu Cọp muốn lấy được trí khôn của người, thì phải chấp nhận điều kiện của người đưa ra là : Cọp phải bị trói, nếu Cọp không bị trói thì người sợ Cọp ăn Trâu, còn đi theo người về nhà để lấy trí khôn cho chắc chắn ăn, thì Cọp sẽ bị dân chúng trong làng sẽ ùa ra nào gậy gộc, gạch đá ... tấn công rồi giết chết Cọp. Do vậy, Cọp đồng ý theo người là chịu trói bằng dây rơm bện vào một gốc cây và Cọp còn căn dặn người phải đi cho thật nhanh để Cọp khỏi chờ đợi lâu.

      Sau khi, người đã trói Cọp vào gốc cây chắc chắn xong, người mới lên tiếng nói với Cọp rằng : "Người hơn thú vật là trí khôn, mi là đồ súc vật ngu đần " rồi người nông dân xuống bãi cỏ đem thức ăn ra hâm lại để tiếp tục ăn, vì Cọp xuất hiện nên việc ăn trưa tạm ngưng để tiếp Cọp. Còn con Cọp vẫn bị trói gần đóng rơm, trong khi lửa hâm thức ăn bị gió tạt, nên cháy sang đóng rơm rồi lan dần qua nơi Cọp bị cột, cháy luôn sợi dây trói Cọp ăn sâu vào bộ lông làm cho Cọp quá đau đớn, nên cố sức phóng mình chạy thoát thân vào rừng. Từ đó, Cọp có bộ lộng rằn đen và sợ lửa kinh khủng.

      Trong khi Trâu có kỷ niệm đáng nhớ về việc Cọp ngu đần, vì trí khôn của người và Trâu cười đến nỗi té trên đá gãy mấy cái răng cửa ở hàm trên. Từ đó, giống Trâu chúng ta không thấy có răng cửa ở hàm trên.

      Bài này là một huyền thoại nói về Cọp tại sao có bộ lông rằn. Nhưng nó có ý nghĩa sâu xa, khuyên chúng ta đừng bao giờ ỷ mình có sức mạnh xem thường kẻ yếu mà sẽ thất bại như Cọp.

      Còn con người ? mãi đến ngày hôm nay vẫn còn trí khôn trong đầu hơn loài thú vật.

      Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu

      Cọp là chúa sơn lâm, nhưng cũng phải bịnh, nên suốt ngày không đi hỏi hang để săn thức ăn, lương thực dự trữ ăn cũng đã hết, các thú nghe tin chúa sơn lâm đau, lục đục đến thăm viếng. Cọp thì đang đau lại đói, nên kiếm cớ để bắt lỗi kẻ đến thăm mà ăn thịt.Chú Nai tơ vào thăm, thì Cọp bảo Nai lại gần và hỏi rằng : "Chú Nai thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thúi ?". Nai ngay tình trả lời : "Thưa thúi". Cọp lại bắt lỗi Nai, ta là chúa sơn lâm mà dám nói ta thúi ? Cọp liền lấy hết sức mình chụp Nai để ăn thịt, nhưng Nai chạy thoát ra ngoài và than khóc kể rõ sự tình cho các thú khác nghe.Kế đến, Chồn lại thăm Cọp, thì cũng bị Cọp hỏi câu tương tợ là : " Chú Chồn thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thúi ?", nhưng Chồn đã nghe Nai kể lại việc đi thăm Cọp, nên trả lời : "Thưa thơm".Cọp nỗi giận nói : "Thằng này nịnh ", nên cũng nhảy tới chụp Chồn để ăn thịt, nhưng Chồn cũng chạy thoát và Chồn cũng kể rõ việc đi thăm Cọp cho Chuột nghe . Ít hôm sau, có Chuột đến thăm Cọp, bởi vì không thăm Cọp thì sẽ có lỗi với chúa sơn lâm, hơn nữa Chuột đã nghe Nai và Chuột nói việc đi thăm Cọp rồi, nên đã có rút kinh nghiệm, yên chí trong bụng khi đến thăm Cọp, Chuột cũng được Cọp hỏi giống nhau như Nai và Chồn vậy, nhưng kỳ này Chuột trả lời: "Thưa cũng không thơm mà cũng không thúi". Cọp nói : "Chú nói ba phải" bèn phóng tới chụp Chuột để ăn, nhưng Chuột cũng chạy thoát thân.Thời gian ít lâu sau, Chuột đi ngang qua cánh rừng, gặp Cọp bị mắc bẫy, cần vọt lên cao, Cọp thấy Chuột thì kêu cầu cứu, Chuột trả lời : "Tôi nhỏ con có thể bò ra đầu cành cắn dây treo cho đứt xuống là xong, nhưng tôi sợ ông sẽ chụp tôi ăn thịt, nên tôi sợ lắm". Nói xong đi luôn cùng các thú khác, cho nên Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu là thế đó.

      Câu chuyện cũng có ý nghĩa bao quát đáng cho chúng ta suy ngẫm ở đời là: "Dù lời nói thật hoặc nói sai hay nói huề vốn cũng không vừa lòng người ". Bởi vì, con người : "Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống ".
      Cáo mượn oai Cọp

      Con Cọp là chúa sơn lâm nên các thú vật trong rừng điều khiếp sợ. Một hôm Cọp bắt được con Cáo, thì Cáo la rằng : Không được chạm đến mình ta mà chết không kịp ngáp. Ta được Trời sai xuống đây để cai trị tất cả thú vật. Ngươi mà xâm phạm đến ta, thì Trời sẽ trừng phạt ngươi ngay, không tin ngươi cứ đi theo sau ta một vòng, ta đi trước đến đâu, thì các thú sẽ bỏ chạy hết vì sợ ta, quả nhiên lời nói của Cáo đúng sự thật và Cọp nghĩ Cáo có đã được Trời sai xuống để cai trị tất cả thú vật, chớ đâu có ngờ các thú vật sợ Cọp đi sau Cáo. Do vậy, Cọp cũng không dám chạm đến mình Cáo, nên Cáo được thoát thân.

      Câu chuyện này có ý nghĩa: Kẻ tài hèn thường mượn uy quyền người khác để hống hách doạ nạt thiên hạ.

      Viết về huyền thoại Cọp còn nhiều lắm, nếu từ từ trích dẫn thì có thể thành quyển sách nhỏ, nói về chúa tể sơn lâm này, nào là :
        • Con Chồn với con Cọp.
        • Con Cọp chửa trị bị cho các con bằng lá cây đa để rồi chú Cuội bay lên Trời.
        • Con Cọp với con Cốc tía và Con Khỉ.
        • Con Cọp bị đá.
        • Con Cọp bị mắc đuôi trong bụi Dừa Nước.
        • Con Cọp rình nhà với kẻ trộm nhà.
        • Con Cọp mắc mưu Thỏ để cứu Voi.
        • Con Cọp nhân từ.
        • Thái Tử hóa thành Cọp.
        • Cọp Thủ Thiêm.
        • Con Cọp và Con Mèo...
    • Kế đến tìm hiểu giống Cọp? lợi hại về Cọp như thế nào? Cọp trong lịch sử và văn chương Việt-Nam ...v.v. cho nên xin tạm ngưng ở đây, khi có dịp sẽ nối tiếp.Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Cop vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Dần hay không như dưới đây :

    Tên Năm Thời Gian Hành Gì ? Nhâm Dần 08-02-1902 đến 28-01-1903 Kim Giáp Dần 26-01-1914 đến 13-02-1915 Thủy Bính Dần 13-02-1926 đến 01-02-1927 Hỏa Mậu Dần 31-01-1938 đến 18-02-1939 Thổ Canh Dần 17-02-1950 đến 05-02-1951 Mộc Nhâm Dần 05-02-1962 đến 24-01-1963 Kim Giáp Dần 23-01-1974 đến 10-02-1975 Thủy Bính Dần 09-02-1986 đến 28-01-1987 Hỏa Mậu Dần 28-01-1998 đến 15-02-1999 Thổ Canh Dần 14-02-2010 đến 02-02-2011 Mộc

    Nhân đây, kính chúc tất cả gia đình quý bà con đồng hương bước sanh năm mới Canh Dần được mạnh tiến như Cọp Vạn Sự Cát Tường suốt năm.
    Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ
    (*) Học Giả Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ



    - Khi còn ở Việt Nam : Giáo sư Toán đệ nhị cấp Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

    - Ông đến Paris (Pháp) vào tháng 7 mùa Hè năm 1979

    - Tại Paris , ông đã viết nhiều tác phẩm giá trị về : Ngôn Ngữ, Giáo Dục, Lịch Sử, Nhân Văn, Phong Tục Tập Quán, Tôn giáo...

    - 4 quyển sách rất hữu ích cho các nước nói tiếng Pháp :
    . 1) Comment vivre en France et connaître la langue française
    ( Tim Hiểu Đời Sống và Ngôn Ngữ Pháp).
    . 2) Vocabulaire Pratique (Ngữ Vựng Thực Hành)
    . 3) Ordinateur Pratique 1 -2 - 3 (Điện Toán Thực Hành 1-2-3)
    . 4) 4000 Mots Pratiques 1 & 2 (4000 Từ Ngữ Thực Hành 1).
    - Ông đã được Chánh Phủ Pháp trao tặng :
    . huy chương Chevalier dans l’Ordre de la Légion d’Honneur (Bắc Đẩu Bội Tinh ) (2007) . và huy chương Giáo dục Chevalier dans l'Ordre des Palmes Académiques ( Đệ Ngũ Đẳng Hàn Lâm ) vào ngày 10-10-2003 và được mời vào Association des membres de l’ordre des Palmes Académiques Paris - France.

    - Xin mời quý độc giả vào các trang nhà sau đây :
    http://www.vnn-news.com/breve.php3?id_breve=7918
    http://phanchautrinhdanang.com/ (tháng 1-2007)
    http://www.tinparis.net/tinparis/0107_NguyenPhuThu.html
    http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=100413
    http://www.haivannews.com (dang 9-1-2007)
    http://www.lien-hoa.net/GioiThieuVeHanLamNguyenPhuThu.pdf
    http://minhho.minhhodao.perso.neuf.fr/page117.11.html
    http://www.vietnam4all.net/viet_culture_music.htm
    http://www.vietnam4all.net/celebrities.htm
    http://www.vietnam4all.net/vanhoa.htm
    http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=categories&catid=12&pagenum=2
    #2
      Thanh Vân 20.02.2010 02:23:27 (permalink)
      Hổ Trong Ngôn Ngữ Việt Nam



      Tiếng Việt có nhiều từ , nhiều câu (thuật ngữ , thành ngữ , tục ngữ ……) có liên quan đến hổ . Có thể dẫn ra đây một số :

      +Bất nhập hổ huyệt , nan đắc hổ tử :
      Câu này đã được dịch ra tiếng Việt , cũng trở nên một thành ngữ trọn vẹn , “không vào hang hùm , sao bắt được cọp con ?” Có nghĩa là muốn hành động phải quả quyết , dũng cảm . Một bài gia huấn có câu thơ trọn ý này :
      Vào hang hổ , bắt hổ con mới tài .

      +Chúa sơn lâm :
      Con hổ được xem là con vật dũng mãnh , có uy quyền nhất , bắt buộc tất cả các loài thú trong núi rừng phải khuất phục . Có khi chỉ cần nói ông chúa sơn lâm là đã hiểu ngay rằng muốn chỉ tới con hổ .

      +Chuồng cọp :
      Chỉ vào nơi giam cầm các chiến sĩ ta ở nhà tù Côn Đảo . Nói chuồng cọp để chỉ vào địa điểm mà chế độ cũ giam hãm tra tấn khủng khiếp nhất .

      +Chưa qua truông đã trật lọ cho khái :
      Câu này lưu hành ở tỉnh Nghệ Tĩnh , có từ địa phương . Truông là đèo núi , lọ là bộ phận sinh dục của nam , khái là một từ đồng nghĩa với cọp . Cả câu có nghĩa:chưa đi khỏi núi , đã tỏ vẻ khinh thường cọp . Việc chưa hoàn thành đã lên mặt tỏ vẻ kiêu căng , biết đâu tai vạ (khó khăn ) đang chờ sẵn đâu đó .

      +Cáo giả oai hùm
      Thành ngữ xuất xứ từ một câu truyện ngụ ngôn . Con cáo bảo với cọp rằng chính nó mới là chúa tể sơn lâm , tất cả các thú vật đều sợ . Nếu không tin cọp hãy để nó cỡi đi kh ắp nơi mà xem . Quả nhiên , đi đâu các loài vật đành phải tránh . Chúng sợ cọp , nhưng sợ chúng tưởng là chúng sợ cáo . Dựa vào thế lực , uy quyền của người khác để khoe mình , chính là cáo giả oai hùm .

      +Dưỡng hổ đi họa
      Nuôi cọp trong nhà , đến khi cọp lớn cọp lại bị cọp ăn thịt . Ai hay nuôi cọp để sau hại mình là chỉ vào người không biết đề phòng bọn phản bội . Cùng ý với nuôi ong tay áo .

      +Điệu hổ ly sơn
      Đưa cọp ra khỏi núi . Núi rừng là nơi quen thuộc cho cọp tung hoành . Nếu đưa cọp về đồng bằng thì cọp bị lúng túng , dù có hung hăng dữ tợn cũng bị bỡ ngỡ, dễ dàng mắc bẫy. Đưa một người thoát ly khỏi một vùng quen thuộc để họ không có lực lượng hỗ trợ , không phát huy là cách điệu hổ ly sơn .

      +Đuổi hùm cửa trước , rước sói cửa sau
      Chống kẻ ác này, nhưng lại chìa tay với kẻ ác khác, không phải là cách ứng xử thông minh . Ngày xưa, đi cầu viện nước này để cự lại nước kia, kết quả là đuổi được kẻ mạnh này thì lại bị kẻ mạnh khác thống trị, là một đường lối ngoại viện sai lầm . Đường lối ấy bị lên án là : tiền môn cự hổ , hậu môn tiến lang .

      +Hổ đội lốt thầy tu
      Thành ngữ để chỉ vào kẻ gian dối : mặc áo thầy tu (giả đạo đức ) nhưng thực chất là vật ác độc ( loài lang sói) . Đồng nghĩa với câu : miệng nam mô , bụng bồ dao găm .

      +Họa hổ bất thành phản loại cẩu
      Vẽ hổ không thành con hổ , mà lại giống con chó . Làm việc hết sức mình nhưng không thành công . Thành ngữ thường dùng chỉ lấy 4 chữ đầu : hoạ hổ bất thành . Người dùng câu này, hoặc không tự khiêm tốn khi được giao việc , e không cáng đáng nỗi , hoặc để khuyên răn người nên tự lượng sức mình .
      Trong truyện Lục Vân Tiên , dân chúng thấy người tráng sĩ đi đánh Phong Lai , đã khuyên can , bảo Vân Tiên cân nhắc kỹ :

      “E khi hoạ hổ bất thành
      Khi không mình lại chôn mình vào hang !”

      +Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt: Đây là một trong hai câu thơ , nhắc nhở con người trong việc ứng xử . Nguyên văn :

      “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt
      Tri nhân tri diện bất tri tâm”

      Nghĩa là: Vẽ hổ , vẽ da, xương khó vẽ
      Biết người , biết mặt, biết lòng sao !? Nghĩa là có thể quan sát được bề ngoài , chứ cái bề quan trọng của con người (hay của sự vật ) thì khó mà thấu hiểu được . Do đó , không nên chỉ chú ý bề ngoài .

      +Hổ bảng:
      Ngày xưa khi đi thi tiến sĩ , ai đỗ được ghi tên lên bảng , gọi là hổ bảng , hay bảng hổ . Hổ bảng cũng có nghĩa la khoa thi tuyển chọn được nhiều người tài

      +Hổ bôn:
      Bôn có nghĩa là chạy, cũng có nghĩa là người dũng sĩ . Hổ bôn có nghĩa là đám quân sĩ mạnh . Hổ bôn trung lang tướng là chức vị của một võ quan cầm đầu đội quân khoẻ mạnh .

      +Hổ bộ:
      Bước đi hùng dũng như cọp . Chỉ vào ny vũ của viên tướng hay của đoàn quân .


      +Hổ cứ: Con cọp ngồi . Hổ cứ là chỉ đạo vào địa thế hiểm yếu .

      +Hổ cốt: Xương hổ . Cao hổ cốt là cao nấu bằng xương hổ .

      +Hổ đầu: Đầu cọp . Hổ đầu cũng chỉ vào tướng mạng hùng dũng .

      +Hổ lang: Con cọp và con sói . Chỉ vào phường hung ác .

      +Hổ lĩnh:
      Oáng chân hổ . Tướng tá tả hữu gồm người khoẻ mạnh thì gọi là hổ lĩnh .

      +Hổ môn: Cửa ra vào dinh của các tướng soái .

      +Hổ phù:
      Ngày xưa , khi được cử ra trận , vị tướng cầm quân được nhà vua giao cho cái phù hịêu làm tin . Phù hiệu làm bằng gỗ , bằng ngà hay bằng kim loại , khắc hình con cọp, cắt làm đôi , viên tướng được cầm một nữa , nữa kia nhà vua giữ .

      +Hổ phụ sinh hổ tử:
      Cha hổ sinh con hổ . Ý nói : người con cũng có tài như người cha , gia đình giữ được truyền thống anh hùng . Như câu thành ngữ : cha nào con nấy .
      Cùng ý nghĩa này , còn có thành ngữ :

      +Hổ phụ lân nhi : cha hổ sinh ra con cũng là con lân , một loài vật xuất sắc . Truyện Nhị độ mai có câu :

      “Mới hay hổ phụ lân nhi .
      Khen cho tính trẻ cũng y tính già”

      +Hổ phụ bất sinh khuyển tử : Cha con hổ thì không sinh con là chó

      +Hổ quyền: Chỗ nuôi cọp . Ngày xưa , các triều vua phong kiến thường có chỗ nuôi cọp , có tổ chức cho cọp và voi đấu sức với nhau . Chỗ ấy gọi là hổ quyền .

      +Hổ sinh phong: Nguyên nhân là hổ sinh ra gió , ý muốn nói con người sinh ra tài năng , nay lại có điều kiện cho tài năng phát huy cao độ , như con hổ mọc cánh . Hổ chỉ ở dưới rừng núi , nhưng nếu có cánh thì bay lên trời được . Hùm có cánh thì toàn tài , không ai chế ngự nổi.

      +Hổ tướng :
      Tướng dũng mãnh như hổ . Truyện tam quốc nói Lưu Bị lên làm vua có năm viên tướng võ nghệ siêu quần phù tá . Năm tướng ấy gọi là Ngũ hổ tứơng ( Quan Vũ , Trương Phi , Triệu Vân , Mã Siêu , Hoàng Trung ).

      +Hổ trướng: Xưa kia các vị nguyên soái cầm quân ra trận , tại nơi làm việc thường treo bức màn trướng có vẽ hình con hổ . Vào chỗ này , gọi là đến trước hổ trướng , màn hổ .

      +Hổ trướng xu cơ: Việc cơ yếu bí mật trong quân
      Đào Duy Từ phục vụ cho chúa Nguyễn ( Đằng trong , thế kỷ 17 ) có soạn bộ sách binh thư , cũng đặt tên là Hổ trướng xu cơ .

      +Hùm chết để da: Nguyên trong câu : Hùm chết để da , người chết để tiếng ( có khi đọc là báo chết để da ). Da cọp dùng làm đồ trang sức y phục . Các loài khác chết đi là hết , riêng da cọp lại thành vật quý .

      +Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn
      Câu thơ trong truyện kiều , nay đã thành tục ngữ nhân dân quen thuộc , dùng để nói về người tài bị rơi vào hoàn cảnh không thuận lợi , bị thất thế thì cũng lâm vòng thất bại .

      +Khám hổ bì: Xem da cọp
      Mấy câu này xuất xứ từ một câu chuyện giai thoại ( xem sách nho trong giai thoại Việt Nam tập I , trang 690 ) , sau được phổ biến chỉ vào sự giao tế dung tục . Hổ bì là da cọp , cũng chỉ vào vật kín đáo khó xem !

      +Khoẻ như hùm ( Câu có nghĩa và thông dụng )

      +Long bàn , hổ cứ: Cái thế đất ở những vùng hiểm yếu ,hoặc có cơ thịnh vượng vì có những hình dánh như rồng phục , hổ ngồi . Thí dụ , thủ đô Thăng Long là nơi vương địa , được vua Lý Thái Tổ cho là có thế long bàn hổ cứ , nên mới dời đô ra đó .

      +Long thành hổ bộ: Dáng đi của những người có tài , đặc biệt là của các ông vua . Quan sát người có tướng làm vua , thấy họ đi như rồng , bước như hổ ( nghĩa là có vẻ uy nghi , đường bệ )

      +Mãnh hổ nan địch quần hồ: Con hổ tuy mạnh , vẫn không địch nổi một bầy chồn cáo . Chồn cáo đông , cùng hùa vào thì cọp không chống đỡ nổi . Ý khuyến khích sự đoàn kết , và để phòng sự đơn độc lẻ loi .

      +Miệng hùm gan sứa: Cách nói bề ngoài thì hăng hái , hùng hổ , nhưng thực sự thì lại hèn nhát , sợ hãi . Người tinh ý có thể nhận ra sự tầm thường giả dối này .

      +Nam thực như hổ , nữ thực như miêu
      Con trai ăn như hổ : ăn nhanh , ăn ngấu nghiến . Con gái ăn như mèo : ăn thong thả , nhỏ nhẹ .

      +Sơn quân: sơn tinh Vị vua của rừng núi , cũng chỉ vào con hổ . Một số tác phẩm văn chương , thường dùng chữ sơn tinh , sơn quân để chỉ vào vua cọp ( thí dụ như sơn quân trong truyện Tống Trân Cúc Hoa ). Không nên lầm với sơn tinh để chỉ vào Tản Viên ( trong truyện sơn Tinh , Thuỷ Tinh ).

      +Thế cỡi hổ: Cái thế phải liều , không làm cũng chết , như đã ngồi lưng cọp , thì cứ để thế mà đi ,nhảy xuống sẽ bị cọp cắn . Cũng có thành ngữ “ngồi lưng cọp” !

      +Tọa sơn quan hổ đấu: Ngồi ung dung trên núi để nhìn hai con hổ đánh nhau . Trong đường lối của những lực lượng đối lập nhau , người ta có cách lựa chiều cho hai thế kia tranh chấp , còn mình đứng ngoài để quan sát . Khi cả hai phía , có phía thất bại , có phía mỏi mệt , mình mới chen vào , đựơc lợi hơn .

      +Thả hổ về rừng: Bắt được hổ , phải giam giữ nó không cho gây tác hại . Đằng này lại cho nó về rừng để nó được thả sức tung hoành . Trong cuộc sống , dung túng cho một ai đó , đưa hắn về một nơi dễ tung hoành , không bị kìm chế , cũng là thả hổ về rừng .

      +Tranh ngũ hổ: Nhân dân ta thường vẽ tranh hổ để thờ . Hồ vàng ngồi giữa , bốn bên là hổ trắng , đỏ , xanh , đen . Thật ra đây là do niềm tín ngưỡng mà tưởng tượng ra , chứ trong thiên nhiên không có đủ màu sắc như vậy .
      +Râu hùm hàm én: Chỉ vào tướng mạo của người anh hùng . Kiều có câu : “ Râu hùm , hàm én , mày ngài . ”

      +Rừng già lắm voi , rừng còi lắm hổKinh nghiệm của phường săn , chưa rõ đã được kiểm nghiệm chưa .
      +Vào hang hổ : Thành ngữ do câu chữ Hán đã kể trên .

      +Vân tòng long , phong tòng hổ: Mây theo rồng , gió theo hổ . Chỉ vào những cơ hội người anh hùng làm nên sự nghiệp . Gặp hội phong vân , là hàm ý này . Phong tòng hổ , cùng một ý như hổ sinh phong ( hùm mọc cách )

      +Vuốt râu hùm – Xỉa răng cọp Chỉ ra những hành động gan góc , liều lĩnh , gặp cọp đã là nguy hiểm , mà còn dám vuốt râu , xỉa răng cọp thì không còn xem sự an toàn ra cái gì nữa .
      #3
        Thanh Vân 20.02.2010 02:24:04 (permalink)
        NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP TRONG NGHỆ THUẬT

        Năm Canh Dần sắp đến, hình tượng của Chúa Sơn Lâm lại lừng lững xuất hiện cách đặc biệt trong hơn 360 ngày sắp tới. Hình tượng oai phong này cũng trở thành nguồn cảm hứng để Hoạ sĩ Hiếu Lê viết nên bài cảm tác dưới đây:

        Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước qua một năm âm lịch mới, năm Canh Dần, năm con Cọp! Theo luật tuần hoàn của Tạo hóa, Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần: Trâu đi thì Cọp đến.

        Xưa nay cọp vẫn là một ác thú. Nó hung hãn nhất trong 12 con giáp. Nói về sự khôn ngoan, cọp không thể sánh với khỉ và chuột. Nói về sự kiên trì, sao cọp có thể sánh với trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ sao sánh bằng Rồng, luồn lách và hiển độc không thể bằng rắn. Thế nhưng, trong 12 con thú, có lẽ cọp hội đủ các đặc chất: dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà cọp là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người thần thánh hóa, không riêng ở nước ta mà cả nhiều nước khác cũng đưa cọp dự phần vào đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật.

        I/ TRONG VĂN CHƯƠNG

        Rất nhiều tác phẩm văn chương, những truyện ngụ ngôn, nói về cọp, như truyện ngụ ngôn Cọp và Trí khôn Con người, Ngũ Hổ Tướng trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung, tiểu thuyết Cọp Trắng, và đặc biệt trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ:

        Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
        Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi,
        Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
        Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
        Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
        Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
        Trong hang tối, mắt thần đã quắc,
        Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
        Ta biết ta là chúa tể muôn loài,
        Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
        Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
        Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
        Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
        Ta lặng ngắm giang sơn đổi mới…

        Ngôn ngữ trong thơ được dùng không cầu kỳ, không hoa mỹ, mà dung dị và táo tợn, ý tưởng chuyển biến nhịp nhàng nhưng dứt khoát, kết hợp nhuần nhị giữa Nỗi Nhớ và Rừng, tạo nên một con cọp độc đáo trong thi ca Việt Nam.

        II/ TRONG TRANH

        Hình tượng cọp có mặt trên các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, lăng miếu, trong dòng tranh Đông Hồ của phố Hàng Trống từ xa xưa, nhất là trong các đồ thủ công mỹ nghệ. Tranh vẽ Cọp rất phong phú, đa dạng, không chỉ giới hạn ở nơi thờ tự, trong cung đình, mà còn phổ biến ngoài dân gian.

        Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cọp là con vật được tôn thờ từ lâu, tên của nó được thần hóa và được gọi là ‘Ngài, ‘Ông Ba Mươi,’ ‘Hổ.’ Nó được tạo dựng thành biểu tượng của sức mạnh của niềm tin. Tranh vẽ được biết đến nhiều nhất, qua nhiều thế hệ, là bức Ngũ Hổ của phố Hàng Trống, được vẽ trên giấy khổ 55 cm x 75 cm. Nó vẽ tả năm con cọp được bố cục cân đối trên không gian được định sẵn, mỗi con một dáng: con đứng, con ngồi, con lướt gió… Đây là loại tranh bản (khắc gỗ rồi in trên giấy). Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bảng nét rồi dùng cọ lông để tô màu. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân vờn màu, tạo độ đậm nhạt, chuyển sắc sáng tối, âm dương, nên cọp trong tranh không còn là mảng bẹt như cách thể hiện của dòng tranh đương thời. Với cách thức sáng tạo độc đáo ấy, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nét đặc thù của dòng tranh riêng mà còn làm bật lên sức sống nội tại của tác phẩm. Người xem tranh rất dễ nhận ra điều này qua hình ảnh những con cọp: những khối thân chắc khỏe, dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong, đặc biệt là những cái đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn cong lên trước khi đập xuống đất để phóng mình lên. Độc đáo nhất phải kể đến đôi mắt cọp: hùng hực, ánh lên sức mạnh của loài chúa sơn lâm.

        Màu sắc trong bức Ngũ Hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh, nhưng vẫn hòa hợp với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm con cọp. Lối dùng màu này của các nghệ nhân thể hiện rõ một hàm ý và mang tính triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống:

        - Hoàng hổ: Cọp vàng, tượng trưng hành Thổ, ứng với trung ương chính điện.
        - Thanh hổ: Cọp xanh, tượng trưng hành Mộc, ứng với phương Đông.
        - Bạch hổ: Cọp trắng, tượng trưng hành Kim, ứng với phương Tây.
        - Xích hổ: Cọp đỏ, tượng trưng hành Hỏa, ứng với phương Nam.
        - Hắc hổ: Cọp đen, tượng trưng hành Thủy, ứng với phương Bắc.

        Tranh Ngũ Hổ


        Hoàng Hổ



        Thanh Hổ


        Bạch Hổ


        Xích Hổ


        Hắc Hổ

        Và như thế, 5 con cọp được vẽ bằng năm màu khác nhau tượng trưng ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quan niệm tạo hình, cách phối màu, mang tính ước lệ trong nghệ thuật dân gian xưa là phổ biến, mà nếu gạt qua cái vỏ ngoài của sự mê tín, dị đoan, thì đây là bức tranh có giá trị nghệ thuật cao.
        #4
          Thanh Vân 20.02.2010 02:24:29 (permalink)
          CỌP TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI


          Thọ Tinh Phục Hổ

          Cọp, hổ, hùm, là loài thú rừng hung dữ, ăn thịt, mình dài, lông có vằn ngắn, đầu tròn, râu cứng, răng nanh rất nhọn, chân to, vuốt bén nhọn, bước êm không tiếng động.

          Cọp ăn rất khỏe, nên ai to khỏe mà ăn ít quá, không thấm tháp gì, thiên hạ bảo: Cọp ăn bọ mắt; cọp nhai bù mắt.

          Người Á Đông cho cọp là chúa các loài thú trong rừng, nên gọi là chúa sơn lâm. Người Trung Quốc gọi là sơn quân (vua núi); do đó một số chuyện cổ kể rằng thần núi hiện hình thành cọp.

          Cọp quá hung dữ, thường được kiêng nể. Người Trung Quốc còn gọi cọp là đại trùng (coi như loài trùng độc lớn). Những người có việc phải qua vùng rừng núi hoặc dân cư ngụ trong chốn sơn lâm thường không dám phạm “húy”, nên gọi tránh đi là: hầm, kễnh, khái, thẹn... Nghe nói ngày xưa ai giết được cọp sẽ lãnh thưởng ba mươi quan tiền, vì thế mà cọp lại được gọi là ông ba mươi. Một “bí danh” khác là ông thầy. Ca dao có câu:

          Mèo ngao cắn cổ ông thầy,
          Ông thầy vật chết cả bầy mèo ngao.

          Cọp và lịch

          Trong mười hai chi, cọp đứng hàng thứ ba, gọi là Dần, sau Tý và Sửu. Âm lịch Trung Quốc đời nhà Hạ (thế kỷ 23-18 trước Công Nguyên) gọi tháng đầu năm (tháng Giêng) là tháng Dần. Đời Thương (thế kỷ 18-12 TCN) gọi là tháng Sửu. Đời Chu (thế kỷ 12-3 TCN) gọi là tháng Tý. Đời Tần (221-206 TCN) gọi là tháng Hợi. Đời Hán (206 TCN-220 CN) trở lại theo nhà Hạ, gọi là tháng Dần, và từ đó về sau không đổi nữa.

          Sách cổ Trung Quốc truyền lại câu văn rằng: Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần (Trời khai mở ở Tý, đất lập thành ở Sửu, người sinh ra ở Dần). Người có liên quan với cọp, nên trong lời ăn tiếng nói, các mặt sinh hoạt, đều có nhiều hình ảnh của cọp chen vào. Thí dụ: Nhất nhật chi kế tại ư Dần (Kế hoạch một ngày bắt đầu từ giờ Dần). Câu này có ý khuyên con người nên siêng năng dậy sớm (từ 3-5 giờ sáng) để lo học tập, làm lụng…

          Cọp và kinh tế

          Các nhà kinh tế trong thập niên 90 thế kỷ 20 sính gọi Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore (có nền kinh tế rất phát triển) trong khu vực Đông Á là bốn con rồng, gọi các nước khác trong khu vực (kinh tế cũng thật phát triển, như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia...) là những con hổ; và mấy tháng cuối năm 1997, khi những con cọp này chịu đựng những khủng hoảng về tài chánh, kinh tế thì tạp chí Asiaweek ngày 10-10-1997 minh họa tình trạng ấy bằng hình ảnh con cọp đang ngọa bệnh, nằm chổng vó, miệng ngậm nhiệt kế đo cơn sốt.

          Cọp và việc võ

          Cọp tượng trưng cho sự dõng mãnh, nên có liên quan đến việc võ. Khi triều đình tổ chức khoa thi võ, tên người thi đậu được ghi trên bảng hổ. Loại quân lo việc bảo vệ kinh thành, gọi là lính hổ oai. Viên tướng dũng mãnh được gọi là hổ tướng. Nơi làm việc của tướng quân là hổ trướng, ngai của tướng quân thường kê trên tấm da cọp. Khi điều binh, tướng quân dùng phù hiệu có chạm hình con hổ, gọi là hổ phù. Cha làm tướng uy dũng mà sinh con trai cũng võ công uy dũng, thì hãnh diện rằng hổ phụ sinh hổ tử.

          Khi hành binh, làm tướng phải biết dò xét nơi địa thế hiểm trở, nguy hiểm chết người; nơi ấy gọi là long đàm hổ huyệt (ao rồng hang cọp), là hổ cứ long bàn (cọp rồng chiếm cứ). Nhưng có khi phải mạo hiểm, vì lẽ: Không vào hang hùm hổ huyệt, làm sao bắt được cọp con.

          Trong giao chiến, tuy rằng vũ dũng nhưng phải coi chừng tình thế mãnh hổ nan địch quần hồ (cọp lẻ không cự nổi cáo bầy). Khi hai kẻ ngang sức ngang tài cùng tỉ thí, bên như cọp, bên như rồng, cuộc chiến một mất một còn của họ gọi là long tranh hổ đấu.

          Cọp và bậc anh hùng

          Anh hùng hào kiệt trên đời được ví là cọp thiêng. Tướng quân Hoàng Hoa Thám (1858-1913) được tặng mỹ hiệu hùm thiêng Yên Thế. Anh hùng xuất thế gặp thời, đông nhân tài theo ủng hộ, giúp sức, đời mừng rằng hổ thêm vây, cọp mọc cánh. Ngược lại, kẻ bạo ác mà tuyệt tự, hoặc không được người hiền tài phò tá, thì dân chúng mỉa rằng:

          Trời sanh hùm chẳng có vây,
          Hùm mà có cánh hùm bay lên trời.

          Dẫu là cọp, nhưng anh hùng tới hồi mạt vận, hoặc đang lúc chưa gặp thời, đem thân ở chốn xứ lạ quê người, dễ bị kẻ chẳng ra gì rẻ rúng, thì cảnh huống ấy chẳng khác gì: Hổ lạc bình dương bị khuyển khi (Cọp xuống đồng bằng bị chó khinh thường). Có khi tệ hơn, anh hùng phải chịu sa cơ vì lầm kế tiểu nhân, đó là hùm thiêng ]mắc bẫy mọi. Lúc đó, đành ngâm câu Kiều rằng: Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Mà nếu anh hùng có mất mạng, uy linh và tiếng tăm vẫn không mai một, bởi lẽ: Hổ tử hùng tâm tại (Cọp chết rồi, dũng khí vẫn còn).

          Cọp và thói đời

          Người ta cho rằng cọp chỉ bắt người khi đói; cảnh nghèo khốn đốn dễ đẩy đến chỗ đạo tặc, trộm cướp. Có câu: Hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm (Cọp đói gặp người ăn thịt, người nghèo thì sanh lòng đạo tặc).

          Thứ du đãng, làm oai để coi hát không mua vé, gọi là cọp; gặp chúng, ông bầu than: Gánh hát bị cọp vô đông! Từ đó, cọp có thêm nghĩa là xài bòn, ăn bòn, không chịu trả tiền, như: coi báo cọp, coi hát cọp.

          Kẻ hung ác, cường bạo ví như hổ lang (cọp và sói), như hùm beo. Kẻ tàn ác, cường quyền khi hết thời thì ai cũng xúm vô hỏi tội, đòi trả oán; có câu: Cọp ngã lắm kẻ cầm dao.

          Bọn tay sai cường quyền, ỷ thế quan thầy bị mắng là cáo mượn oai hùm (hồ giả hổ oai); dê đội lốt cọp (dương chất hổ bì). Có khi người ta ngán chủ mà khinh chúng, nên chửi vào mặt bọn chúng rằng: Sợ cọp chứ ai sợ cứt cọp.

          Những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc, đưa đường dắt lối cho giặc giết hại đồng bào ruột thịt cốt thủ lợi riêng cũng bị chửi là hổ trành (ma cọp). Truyền thuyết dân gian cho rằng ngưòi nào bị cọp sát hại, hồn không siêu thoát, phải làm ma trành theo hầu hạ cọp, cho đến khi nào có kẻ khác bị cọp giết thì hồn mới được giải thoát, thế nên ma trành phải dẫn đường cho cọp tìm một nạn nhân mới thế cho nó. Chính vì vậy, nguyền rủa ai một cách độc địa thì “chúc” cho họ bị hùm tha sấu bắt.

          Xưa, hễ tham quan cũ vừa đi khỏi, quan mới trấn nhậm còn tham tàn hơn, thì dân địa phương đành ngậm ngùi với cảnh hổ lui lang tới. Cũng vậy, nhà Lê bị họ Mạc soán ngôi (1527-1592); rồi kế tiếp lại bị họ Trịnh (1593-1729) chuyên quyền, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca tả rằng:

          Hổ lui lang tới khéo thay,
          Mạc kia vừa dẹp, Trịnh này lại lên.

          Cọp và công việc, kế hoạch

          Khi ai lỡ làm chuyện nguy hiểm, mà vẫn phải liều mạng theo đuổi, không dám bỏ ngang nửa chừng, thì người đó đang ở vào thế cỡi cọp. Cũng vậy, tình thế rất nguy hiểm, khó tránh khỏi mất mạng, được ví von là thịt treo miệng hùm.

          Làm việc không tới nơi tới chốn, người Việt trách là đầu voi đuôi chuột, nhưng người Hoa chê là hổ đầu xà vĩ (đầu cọp đuôi rắn). Khi mưu đồ một kế hoạch bị thất bại thì than rằng họa hổ bất thành (vẽ không ra hình con cọp, mà giống con... chó). Truyện Lục Vân Tiên có câu:

          E khi họa hổ bất thành,
          Khi không mình lại đem mình vào hang.

          Cọp và diện mạo, tâm tánh con người

          Kẻ hung tợn, tàn bạo bị mắng là dữ như cọp. Đàn bà dữ tợn được ví là cọp cái. Người ta lúc quá giận dữ, ánh mắt có lẽ không thua mắt cọp nên có câu hổ thị đam đam (cọp nhìn chằm chằm) để ví đôi mắt long sòng sọc. Còn ai làm ra dáng dữ dằn, bộ tịch dọa nạt thì đúng là đang làm hùm làm hổ. Nhưng về tướng mạo, hổ đầu (đầu cọp) và hổ bộ (bước nhẹ nhàng như cọp) là tướng tốt. Trong thuật phong thủy, thầy địa lý cho rằng hổ trục quần dương (cọp đuổi bầy dê) là một thế đất tốt.

          Con cọp cũng đi vào thuật tiếp nhân xử thế; nên có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm (Vẽ cọp, vẽ da, xương khó vẽ; biết người, biết mặt, khó biết lòng). Đây cũng là mấy câu Trang Tử cảm khái khi bị cô vợ trẻ bửa quan tài lấy óc trị bệnh nhức đầu cho kép.

          Quả như vậy, có người bề ngoài xinh đẹp mà trong lòng gian hiểm, như Đinh Nguyên nhận Lữ Bố làm con nuôi, dè đâu bị Bố giết vì Đổng Trác mua chuộc; rồi Bố lại giết cha nuôi thứ hai là Trác để đoạt “dì hai” Điêu Thuyền... Do bi kịch này, người xưa cảnh giác rằng phải cẩn thận khi nhận con nuôi, kẻo mà dưỡng hổ di họa (hoạn), nuôi cọp để gây họa về sau, hay dưỡng hổ thương sinh (nuôi cọp hại thân mạng, nuôi cọp, cọp ăn thịt mình).

          Cọp và nền giáo dục gia đình

          Cha mẹ quá hà khắc, cay nghiệt thì lối xóm sẽ khuyên rằng: Hùm dữ không ăn thịt con, hổ độc bất cật nhi (Cha mẹ dẫu có giận con đến đâu cũng không nỡ giết con). Trong phép nhà, để giữ danh thơm cho bản thân, gia tộc, người đời nhắc nhở phải biết sống cho xứng đáng, bởi lẽ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng (Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh). Và các bậc phụ huynh muốn con mình không là khuyển tử, sẽ là hổ tử, thì phải dành nhiều thì giờ chăm sóc con em từ thơ ấu.

          Cọp và sắc dục

          Cọp là loài dữ tợn, giết người ăn thịt như chơi. Dâm dục quá độ làm hao mòn sức khỏe, dễ chết sớm. Dâm dục cũng phá hoại danh tiết con người, nhất là giới tu hành. Do đó kinh sách đạo Lão ví việc dâm dục như cọp dữ. Người tu thiền theo Lão giáo phải chế ngự dâm tinh dơ bẩn (trược tinh) và biến nó thành nguyên tinh (trong sạch) để luyện thành tiên, trường sinh bất tử. Đạo Lão gọi đó là phục hổ (chế ngự cọp).

          Trong tranh vẽ Thọ Tinh Phục Hổ người ta vẽ hình ông Thọ (một vị trong Tam Đa: Phúc, Lộc, Thọ) ngồi trên lưng con cọp đang nằm im. Ngụ ý muốn sống lâu (trường thọ) thì phải biết chế ngự cọp dữ trong mỗi người là dâm dục.
          #5
            Thanh Vân 20.02.2010 02:24:56 (permalink)
            CỌP : THỰC CHẤT VÀ HUYỀN THOẠI

            + HUYỀN THOẠI VÀ NHỮNG TRUYỀN THUYẾT BÍ ẨN VỀ CỌP :

            Cọp và Sư tử là chúa tể của rừng xanh nên từ xa xưa con người nhất là ở Ðông phương đã thần thánh hóa con vật này. Ở nước Tàu trước đây thường có tục lấy vuốt cọp làm bùa cho trẻ con đeo để được mạnh khỏe. Riệng mặt cọp được dùng làm vật trang trí giáp trụ cho các võ quan. Theo các nhà nghiên cứu thì cọp và người đã chạm trán ngay từ thời tiền sử vì cả hai đều sống bằng việc săn mồi. Hoàng đềAugust của La Mã có một chuồng riêng nhốt tới 420 cọp dùng trong các cuộc đấu giữa người nô lệ và thú dữ. Nhiều vua chúa Ấn Ðộ lấy việc săn cọp làm dịp để khoe sự giàu sang và quyền lực. Trong chuyến đi vòng quanh thế giới từ Venise tới nước Tàu, Marco Polo (1260) cho biết Cubilai Khan, hoàng đế Mông Cổ đã nuôi hơn 1000 con Báo để săn Cọp. Người Anh khi đô hộ Ấn Ðộ cũng thường tổ chức nhiều cuộc săn cọp rất qui mô mà điển hình nhất là vào năm 1911, Hoàng đế George V tới Nepal mở cuộc đi săn trong vòng 11 ngày đã giết được 39 con cọp.

            Nói chung thời xưa, cọp rất được nhiều dân tộc như Altai, Tungus, Kiecghidi, Buriat.. sùng bái, thờ cúng và lập miễu thờ . Riêng các thầy thuốc xưa của Trung Hoa và Ấn Ðộ đều xác nhận hầu hết các bộ phận trong cơ thể của cọp đều có khả năng kỳ diệu chứ không riêng gì cao hổ cốt nổi tiếng.

            Lại có học thuyết cho rằng thủy tổ của loài người là do sự tương quan giữa rồng và cọp. Niềm tin trên được phát xuất từ sự liên quan giữa loài cọp và thiên nhiên như cổ thư của người Tàu đã viết ‘ vân tòng long, phong tòng hổ ‘ ý nói ‘ mây theo rồng, gió theo hổ hoặc ‘ rồng ngâm mây xuất hiện, hổ gầm gíó phát sinh ‘.Ðiều này cho thấy quan niệm của người xưa luôn cho rằng mọi cử động của cọp đều có ảnh hưởng tới thiên nhiên vì nó là loài thú thần. Bởi vậy trong kỳ môn bát quái, ta luôn thấy hai vi thần Thanh Long và Bạch Hổ đi liền nhau ở hai phương đông và tây. Các nhà nhân chũng học cũng cho rằng rồng là hóa thân của rắn nên người Vân Nam xưa thờ rắn tượng trưng cho đất mẹ. Trong khi đó người Lộc Tộc tại Tứ Xuyên lại coi cọp là thủy tổ của dân tộc mình.

            Về nguồn gốc của Hán tộc, căn cứ vào sử liệu đã xác nhận họ là hậu duệ của Phục Hy (cọp) và Nữ Oa (rắn), nên thời cổ xưa khi tạc tượng hai nhân vật trên có đầu người, mình rắn, chân cọp trong tư thế tương giao. Lão giáo cũng lấy hình ảnh của cọp trắng (bạch hổ) để tượng trưng cho khí dương (nam giới) và rồng xanh (thanh long) biểu hiện cho âm tính, nói lên sự hòa hợp giữa nam nữ sinh ra vạn vật, biểu tượng của sự sinh sôi nẩy nở không ngừng. Ðiều này chứng tỏ ảnh hưởng to lớn của con người đối với loài cọp vào thời thượng cổ.

            Vì lẽ đó người ta coi cọp như là hóa thân của khí hạo nhiên và chính nghĩa, nên cọp có thể là khắc tinh của tà ma quỷ quái vì người bị cọp ăn thịt sẽ hóa thành quỷ. Quan niệm này có ghi trong ‘ Sơn Hải Kinh ‘ nói về sự tích của hai vị Thần Trà và Uất Lũy, chuyên bắt ma quỷ đem về núi Ðộ Sóc để cọp ăn thịt. Vì vậy trong ba ngày Tết người ta thường dán hình hai vị thần này trước cửa để trừ tà, ém quỷ ngăn cản ma vào nhà quậy phá.

            Nhưng quan niệm cho rằng cọp tượng trưng cho chính nghĩa đã bị phản bác kịch liệt vì nếu cọp là kẻ tốt tại sao lại ăn thịt người ? Bào chữa cho sự mâu thuẩn này có Lang Anh (đời Minh) và Kỷ Hiệu (Nhà Thanh) đưa ra nhiều biện giải như cọp chỉ ăn thịt người xấu.. Tất cả đều bị coi là cường điệu vô lý.. Tuy nhiên cũng có những nhận xét rất thú vị về con vật đặc biệt này, chẳng hạn như cọp khi ăn thịt đàn ông thì sơi ‘ cái của quý ‘ của nạn nhân trước nhất. Với phụ nữ thì ăn cặp nhũ hoa đầu tiên nhưng tuyệt đối không bao giờ đụng tới phần hạ bộ. Ngoài ra mỗi lần cọp ăn thịt một người thì vành tai của nó bị lũng một lỗ. Ðiều này được chứng minh từ những con cọp đã ăn thịt nhiều người trước khi bị thợ săn bắn hạ, đều có vành tai lồi lõm như lưỡi cưa.

            Tóm lại Cọp là loài vật hoang dã có nhiều liên quan mật thiết nhất với con người. Sự kiện trên được minh chứng khi các nhà khảo cổ vừa tìm thấy tại bờ sông Amur thuộc Tây Bá Lợi Á (Nga), nhiều vật dụng của người Gordis sống vào thời tiền sử cách đây hơn 6000 năm, với vô số minh họa về cọp. Cũng tại vùng này, thổ dân Udeges sống trong thung lũng Bikin đã sử dụng nhiều ngôn ngữ nhắc tới cọp Siberia, được coi như vị thần có đền thờ tại Primosky và Kharra Rovsk.

            Tại Ấn Ðộ, các loại sách thần thoại đều vẽ hình nữ thần Durga cưởi cọp. Riêng trong kho tàng văn chương lịch sử của người Tàu, thì thời nào cũng thấy nhắc tới cọp nay vẫn còn lưu lại như ‘ phong tục thuyết ‘ nói về nhân vật Lý Nhĩ ‘ giáo chủ của Lão giáo ‘ cưỡi cọp đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, chống lại các tà thần, tà thuyết làm hại đời. Từ ý nghĩa trên nên giáo chủ Thái thượng Lão quân mới chọn Ngủ Hổ làm biểu tượng của ngủ hành ‘ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ‘.

            Sách ‘ Hiếu tử truyện ‘ có nói về chuyện cọp đền ơn ông Quách Văn đã cứu nó, giống như chuyện Ðổ Khu Báo đời Hán đã che chở cho cọp lúc bị thợ săn đuổi giết, được ghi trong truyện ‘ Vương Phu An thánh truyện ‘.Những huyền thoại này cũng được phổ biến rất nhiều tại VN qua chuyện Bà Mụ Tư Trần Thị Hoa, đã đở đẻ cho một con cái tại Rạch Bàn, Cái Nước (Cà Mâu) được cọp trả ơn rất hậu. Trong Ðại Nam Nhất Thống Chí, có ghi chuyện cọp được dân chúng xã Xuân An, Bình Sơn (Quảng Ngãi) có công giúp người trừ giặc Mọi Ðá Vách, nên được nhà Nguyễn phong chức Hương Cả, hiện đền thờ cọp vẫn còn được gọi là Kha Hổ.

            Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) trong tác phẩm ‘ chuyện đời xưa ‘ đã viết 6 câu chuyện về cọp. Trong Việt sử, nhiều giai thoại về cọp có liên quan tới Ðinh Tiên Hoàng Ðế (968-980) đã dùng chuồng cọp để duy trì phép nước sau khi dẹp yên loạn Thập Nhị Sứ Quân cuối đời Ngô. Sách Ðại Nam Tiền Liệt truyện, có nhắc tới chuyện Ðào Duy Từ nằm mộng thấy cọp nên thâu nhận Nguyễn Hữu Tiến lại còn gã con gái và tiến dẫn với Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó Tiến được gọi là Hổ tướng. Các nhân vật Bùi Tá Hân, Dương Công Trừng, Tăng Bạt Hổ.. đều là hổ tướng vì có công đánh cọp cứu giúp dân lành.

            Tuy nhiên khủng khiếp nhất vẫn là truyền thuyết ‘ vi hổ tác xương ‘ được truyền khẩu hơn ngàn năm qua ở nước Tàu, nói về chuyện người bị cọp hại biến thành quỷ đặc biệt gọi là ‘ hổ xương ‘ giúp ác thu ăn thịt người’. Qua những câu chuyện được đồn đãi khắp nhân gian, thì cọp rất kiêng kỵ ăn thịt người lúc họ còn đang mặc quần áo. Hồn quỷ ‘ hổ xương ‘ đã giúp cọp cởi bỏ hết y phuc của nạn nhân và xếp rất gọn gàn để tại hiện trường. Quỷ ‘ hổ xương ‘ rất linh biết trước nơi nào có người đi qua cũng như những cạm bẩy của thợ săn, nên báo trước cho cọp tránh né.

            Và hoang đường nhất trong các huyền thoại có liên quan tới cọp vẫn là chuyện người hóa hổ hay ngược lại, đã được ghi trong sách Luận Xung của Vương Sung thời Ðông Hán hay sách Thuật Dị Kỳ thời Nam Bắc Triều.. Còn Trương Hoa đời Tấn viết ‘ Bác Vật Chí ‘ cho biết cọp hóa thành người rất thích mặc quần áo màu tía đi chân không. Ðó là đặc trưng để nhận dạng người cọp.

            Thực tế ngoài đời có một bộ tộc mang tên người Hổ. Ðó là dân tộc Di sống rãi rác tại các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu và Tứ Xuyên (Trung Hoa) hiện có hơn 6.570.000 người. Di tự nhận mình là hậu duệ của Khương Tuất mà tổ tiên là loài cọp. Vì vậy từ đời sống vật chất tới tinh thần của bộ tộc này đều có mùi cọp hiện diện, kể cả tên các địa danh mà họ đang định cư như La La, La Ba, La Vũ, La Ngoa..

            Các sử sách của Di đang phổ biến trong đó có sử thi Mai Cát đã ghi rõ câu chuyện đàn bà người Di giao hợp với cọp sinh con đẽ cháu lưu truyền tới ngày nay. Hằng năm người Di đều tổ chức Hội Cọp khắp các làng xã đang cư ngụ rất trang trọng và vui vẽ.

            Thời Pháp thuộc, người thiểu số sống tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.. dùng râu cọp làm thuốc độc để giết hại lẫn nhau. Theo truyền thuyết khi giết được cọp, người ta cắt râu nó đem về bào chế thuốc độc. Một là đem râu cọp cắt ngắn trộn với đường dẽo làm thành kẹo, người nào ăn phải sẽ bị thổ tả vì râu cọp vào trong người, sẽ đâm thủng bao tử và gan ruột. Cách thứ hai ghê gớm hơn là đem râu cọp cắm vào mụn măng non sau thời gian ngắn sẽ sinh ra vô số sâu rọm. Muốn hại ai đó chỉ cần lấy phân và lông của sâu này bỏ vào thức ăn hay nước uống thì họ sẽ chết vì trúng độc.

            Việc hại nhau bằng râu cọp được học giả Thái Văn Kiểm từng làm Tỉnh trưởng Khánh Hòa và Ninh Thuận (1953-1954) ghi lại trong tác phẩm ‘ VN gấm hoa ‘ và giáo sư người Pháp từng sống lâu năm tại VN là G.Chochod xác nhận trong ‘ La Faune Indochinoise ‘ . Còn việc râu cọp trở thành thuốc độc, cũng được hai bác sĩ Nguyễn Minh Tâm và Huỳnh Trọng Nhi giải thích rằng ‘ cọp là loài thú ăn thịt sống nên râu mép luôn dính lại một số thức ăn, lâu ngày biến thành độc tố Ptomaine. Ngoài ra râu cọp rất cứng và nhọn, nên khi ai ăn phải sẽ bị bệnh chết .

            ST !
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9