Truyện kể về Cọp ở Nam Bộ
Leo* 20.02.2010 17:45:35 (permalink)
Truyện kể về cọp ở Nam Bộ

Tác giả : Huỳnh Ngọc Trảng (Nhà Đẹp)
Bài đã được xuất bản : 02/02/2010 14:58 GMT+7
"Cà Mau khỉ khọt trên lưng, /Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um" (Ca dao Nam bộ)

Trong hoàn cảnh của xứ Đồng Nai - Gia Định vào buổi đầu khai hoang, loài vật thường được nhắc đến nhiều nhất trong văn học dân gian là sấu và cọp (tức hổ), kế đó là rắn và muỗi. Sấu, cọp không chỉ ở Cà Mau mà ở miệt trên cũng có: "Dữ như cọp Vườn Trầu" (Hóc Môn, Gia Định), "Ác như sấu Vũng Gấm" (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) và ở vùng đất giữa sông Tiền sông Hậu, trấn Vĩnh Thanh (nay bao gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc...), sách Gia Định thành thông chí ghi nhận rằng: "Xứ này có nhiều sấu và cọp dữ"... Nói chung, tập hợp truyện kể về cọp ở Nam bộ không phải tự dưng mà có. Các câu chuyện này có gốc rễ từ thực tế lịch sử của công cuộc khai phá vùng đất phương nam, và là những sáng tác văn học dân gian, hiểu theo nghĩa chúng không chỉ dừng lại ở mức những mẩu ký ức lịch sử, mà được định hình theo những motif nhất định, trong cái thực có cái ảo - cái thực được ảo hoá thành truyện.
1. Motif Ông Cả Cọp là một motif phổ biến ở một số truyện kẻ dân gian từ miền đông đến miền tây Nam bộ. Truyện tồn tại như một phần tích, cắt nghĩa tập tục tôn cọp làm chức Hương Cả và lệ cấm kỵ không bầu cử bất cứ một người nào trong thôn làng nắm giữ chức vụ này. Theo đó, hàng năm (vào dịp cuối năm hay trước ngày tổ chức lễ Kỳ Yên đình làng), dân chúng tổ chức lễ Bầu Ông, bày một cái đầu heo và kèm theo một "tờ cử" (nội dung: cả làng cử cọp làm chức Hương Cả với nhiệm kỳ một năm) đặt trong một cái ống tre ở một địa điểm cố định nào đó. Tục truyền đêm ấy, cọp về ăn sạch cái đầu heo và đổi "tờ cử" cũ, nhận "tờ cử" mới đem vào rừng. Theo sự xác tín của dân chúng, nếu thôn làng có ngừơi nào cả gan đứng ra làm chức Hương Cả thì sẽ bị cọp vồ chết ngay.




Từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữ con người và tự nhiên - nói riêng ở đay là giữa người và cọp - còn chưa nghiêng hẳn về bên nào. Do đó, những lưu dân tiền phong một mặt sợ cọp và mặt khác là phải diệt cọp để sống yên ở vùng đất mới, vì "rừng nào cọp nấy" làm chủ. Tình trạng phức tạp trong tâm thức của họ có tính chất bi kịch, do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và khả năng thực tế chưa đủ để thoả mãn những đòi hỏi ấy. Cụ thể là, do sợ cọp mà họ lập miếu thờ "Sơn quân chi thần", thờ "Chúa xứ sơn lâm", thờ "thần Hổ" và bầu cọp là Hương Cả của thôn làng. Do vậy, motif Ông Cả Cọp là một mẫu để dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng "lề luật giang hồ": Tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng tôi biết điều là "rừng nào cọp nấy" nên không dám "xưng hùng xưng bá". Tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm Cả, làm chủ, chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi. Đó là tâm thức của lớp lưu dân đến vùng đất hoang vu đến nỗi "con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh".
2. Một quan niệm phổ biến nơi dân gian Nam bộ là người ta phân biệt hổ ra hai loại: "cọp" và "hạm". Cọp là loại hổ, mà theo sự xác tín, trên trán nó có chữ "Nhâm" đó là "hổ thần", không bao giờ ăn thịt người. Trong thực tế, phổ biến hơn hết, hổ thần được thờ là bạch hổ (cọp trắng). Truyện ông Tăng Chủ, đệ tử của Phật Thầy Tây an, đã nhờ bạch hổ đi trừ con hạm ở núi Bà Đội Om (An Giang) tiêu biểu cho quan niệm này. Hạm là từ dùng để chỉ những con hổ ăn thịt người, đó là thứ cọp đã thành ma quỷ, thành tinh. Người ta cũng cho rằng, cọp là chúa sơn lâm với khả năng nghe được tất cả những lời nói của dân chúng trong vùng, bất cứ ai nói lời xúc phạm đến cọp thì đều bị cọp trừng trị. Lại có một diều xác tín khác: cọp khi đã ăn thịt người nào đó, thì vong hồn của nạn nhân ấy lại bị cọp khống chế để trở thành "ma trành" có nhiệm vụ mách bảo những điều xấu tốt cho cọp, làm cho những con cọp này trở nên tinh quái đặc biệt. Mảng truyện kể về Cọp Ba Móng ở miền đông Nam Bộ hồi chín năm kháng chiến đều xác tín điều này. Nói cách khác, dân gian đã gán cho cọp những thuộc tính "siêu đẳng": hoặc thần thánh, hoặc ma quỷ. Và trong cuộc đối đầu giữa người và cọp, chỉ có hai cách ứng xử: thờ hoặc đánh.
Chuyện cử cọp làm Hương Cả là một cách biểu hiện của việc thờ cọp, còn việc đánh cọp thì có trong những mẩu chuyện vừa thực vừa hư. Sau đây là một chuyện rất đời: Sự tích Ông Bò - Ông Hứa.
Ông Bò dẫn gia đình đến khai hoang khoảng rừng nay thuộc Tân Cang - Phước Tân (Biên Hoà) nhưng năm nào ruộng rẫy của ông cũng bị cọp phá hoại. Năm nọ, trước khi cày cấy, ông Bò làm lễ cúng và hứa rằng nếu mùa gặt tốt đẹp thì ông sẽ tạ lễ cho cọp đứa con gái đương thì của mình. Quả nhiên, năm đó ruộng của ông không bị cọp phá nên bội thu. Như đã khấn hứa, ông dẫn con gái ra dâng cho cọp. Chúa cọp dẫn lũ cọp ra "nhận" lễ vật, vô phước gặp phả cô gái võ nghệ cao cường đánh chết cọp chúa và đuổi lũ cọp kia thục mạng vào rừng.
Chuyện kể rằng, sau hôm đó, ông Bò chở lúa đưa cả nhà bỏ ruộng ấy mà đi, không dám ở lại. Do sự tích này, mà vùng đất này có tên là "Ông Bò Ông Hứa" (về sau thành ra Ông Bò - Ông Hứa).
Sự tích Ông Bò - Ông Hứa khá giống với truyền thuyết về địa danh Mồ Thị Cư ở U Minh, khiến cho chuíng ta nhận ra rằng đây là motif có phần định hình trong truyện dân gian kể về cọp ở Nam bộ.
Thị Cư theo cha đến Kèo Một phá rừng và hứa đem mạng sống của mình cúng cho bầy cọp vốn hoành hành ở đó, với điều kiện là chúng để cho cha con cô yên ổn đến khi gặt vụ lúa đầu tiên. Đến hẹn, Thị Cư đã đánh hạ bày cọp thứ nhất, nhưng lũ cọp rừng bất chấp lời giao ước trước lúc thi đấu, ồ ạt kéo ra tấn công cha con Thị Cư. Trong lúc lo cứu cha, Thị Cư bị cọp vồ. Dân chúng tìm thấy cái đầu lâu của cô, đem về chôn. Vì sợ cọp trở lại bới móc, người ta dùng gốc cây to dằn trên mộ, và rồi khi đi qua đó, ai cũng bỏ thêm một cục đất nên ngôi mộ thành gò đất lơn. Từ đó, có tên "Mồ Thị Cư" và vùng đất ở đó được định danh là "Xóm Ngang Mồ".
3. Kết quả điều tra thực tế cho thấy, đến nay tập tục Bầu Ông vẫn còn duy trì trong chương trình lễ cúng Kỳ Yên ở đình làng tại một số thôn xã, mặc dù, ở các làng từng có tập tục bầu cọp làm Hương Cả đã bỏ điều kiêng kỵ này từ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên, sự phá lệ cũ này không có nghĩa là đến thời điểm đó, người ta mới đánh cọp, diệt cọp. Sách Gia Định thành thông chí (biên soạn vào đầu thế kỷ 19), khi viết về trấn Vĩnh Thanh, có cho biết: "trẻ con, đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được hổ".
Thư tịch Hán Nôm có chép truyện nhà sư Tăng Ân và Trí Năng đánh cọp ở chợ Tân Kiểng (nay thuộc quận 1, TP. HCM) vào năm 1771, hoặc truyện Tăng Ngộ hồi đầu thế kỷ 19 ở Thanh Ba (Cần Giuộc, Long An): "Ở trong xóm có con đường từ đông sang tây, bị bùn lầy, cây cỏ sầm uất, hùm beo ra vô thường hại người... Ông phát tâm thề nguyện, một mình đồn chặt cây gai, đắp bằng đường đi về nam dài 200 trượng, đường đi về tây dài 250 trượng dư. Ban ngày ông làm việc, hoặc có cọp cũng cúi đầu mà đi qua không hề xâm phạm" (Đại nam nhất thống chí).
Truyện Tăng Ân cho chúng ta thấy vào thời đó, ngay cả nhà sư cũng dấn thân vào việc diệt cọp để giúp đời. Có thể coi truyện này là ví dụ tiêu biểu cho những tập hợp những câu chuyện đánh cọp mà chúng ta thường bắt gặp ở khắp các địa phương Nam Bộ. Ở đây thường là những mẩu ký ức được thế nhân truyền tụng như một sự kiện lịch sử. Chiếm một số lượng ít hơn là các truyện kể về những người đánh cọp tài ba đến nỗi hễ cọp chỉ nhe tiếng nói, ngửi thấy mùi mồ hôi, hoặc nghe tên của người ấy là lánh mặt ngay. Truyện ông Gốc (Bến Tre) là một ví dụ: dân làng hay mượn cái áo cũ của ông đem treo chỗ họ làm việc để doạ cọp. Biến dạng của loại truyện này là những truyện có tính huyền hoặc về người đánh cọp đã hấp thu được "tướng tinh của chúa cọp" nên từ đó, ông ta thành chủ của bọn cọp. Truyện ông Yến (Bến Tre) sai cọp chở ông đi chợ, đi ăn giỗ và cấm chúng không được hại người là một ví dụ.
Truyện Tăng Ngộ lại được ảo hoá dưới sự định hướng của quan niệm "thiên nhân tương ứng", mà cụ thể là những người đạo cao đức trọng thì thú dữ và quỷ thần cũng đều quy phục (Đạo cao: long hổ phục, đức trọng: quỷ thần kinh). Nói tóm lại, cùng là chuyện khuất phục cọp, nhưng có hai kiểu: hoặc người diệt cọp bằng võ nghệ, hoặc do phẩm chất đạo đức của người ấy mà cọp không dám làm hại. Biến dạng của loại này là các chuyện kể về việc cọp nhường hang đá của mình cho các thiền sư làm chỗ tu hành (Sự tích hang ông Hổ ở núi Chơn Tiên, Bà Rịa), hoặc cọp thường chầu hầu nghe các thiền sư tụng kinh mỗi đêm rằm ngươn (ở Đá Chồng, Định Quán, ở Vũng Tàu...).
4. Nói chung, trong tập hợp truyện kể về cọp, xuất hiện khá nhiều motif được khuôn đúc theo cách "nhân nghĩa hoá" cọp.
Phổ biến là motif Bà Mụ Trời - bà mụ đỡ đẻ cho cọp. Nội dung cơ bản của các tuyện này đều giống nhau và chỉ khác tên người và địa điểm xảy ra câu chuyện: Bà mụ X, ở tại làng Y nọ là một người có tài đỡ đẻ. Một hôm nọ, bà mở cửa đi ra ngoài thì bị cọp đực bắt bỏ lên lưng, chạy vào rừng. Sau khi trấn tĩnh, bà thấy cọp cái đang chuyển bụng sanh, rên la dữ dội. Bà hiểu chuyện là cọp muốn mình đỡ đẻ cho. Bà giúp cọp cái đẻ con. Xong việc, cọp đực chờ đêm tối cõng bà về nhà. Đêm hôm sau, cọp đem đến một con heo rừng đã bẻ gãy bốn giò để tạ ơn bà.
Dù được coi là truyền thuyết, nhưng truyện thuộc motif này luôn được kể như một sự kiện xác thực, không phải do lời xác tín của người kể, mà biểu hiện ở tính chất chỉ định về tên người và địa điểm xảy ra. Và cái "hậu" của câu chuyện đượm tính chất ngụ ngôn, mà bao trùm lên đó vẫn là quan niệm "thiên nhân tương ứng" - đặc biệt nhấn mạnh đến y đức của bà mụ và tinh thần trọn ân nghĩa của cọp.
Khác với truyện Bà Mụ Trời, loại truyện như "Nghĩa hổ" lại rất hiếm. Truyện này kể về một con cọp được tú tài họ Võ ở Bến Tre, hay vợ chồng thuyền chài ở cù lao Ông Hổ (An Giang) nuôi, cọp biết hiếu đễ như người con trưởng trong gia đình. Đến hôm họ qua đời, cọp ra mộ kêu rống thảm thiết, rồi đập đầu mà chết hay bỏ đi vào rừng và luôn trở về viếng mộ ân nhân vào ngày giỗ hằng năm.
Câu chuyện cọp nuôi trở thành con cọp tốt trên đây hầu như hiếm thấy ở Nam Bộ. Cùng đề tài này, nhưng có truyện lại dẫn đến kết thúc bi kịch: Cọp được chủ giao cho việc giữ đăng (hay giữ xa) và đêm nọ đứa con (hay cháu) của chủ ra giở đó lấy cá thì cọp tưởng kẻ trộm cá, liền vật chết. Thế là bị chủ nhà đánh đuổi vào rừng (truyện Ông Thống Sô ở Cần Đước, Long An) hoặc bị chủ nhà trói chân không cho ra khỏi nhà. Một dị bản của truyện Cọp Ba Móng ở Đồng Nai kể rằng, con cọp nuôi ấy đã cắn dứt khuỷu chân bị cột rồi vào rừng. Đó là con cọp ba móng (ba chân) hung dữ mà hồi chín năm kháng chiến chống Pháp đã ăn thịt không biết bao nhiêu người ở miền đông Nam bộ. Mãi về sau, vệ quốc đoàn mới giết được nó.
Nói chung, truyện kể về cọp ở Nam bộ là một tập thành đa dạng. Nội dung của chúng là sự pha trộn giữ các yếu tố thực và các yếu tố ảo, không chỉ phản ánh các kỳ tích lớn lao của công cuộc khẩn hoang, mà còn chứa đựng các tâm chất của lớp người đi mở cõi - chủ đạo là tinh thần trọng nghĩa. Chúng nói về cuộc đấu tranh để tồn tại, và cũng biểu lộ lời giải đáp cho câu hỏi: tồn tại như thế nào?
Trong các câu chuyện lịch sử thế tục đó, lại dung chứa những giá trị về đạo lý.
Người Nam bộ thường gọi hổ là cọp.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9