Hoa cúc tím - Truyện kí Lê Văn
levancon 24.02.2010 08:43:10 (permalink)
HOA CÚC TÍM
                      
                                                                     Tặng hương hồn LS Cao Võ Việt

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/81419/E065FB79A98E43969501BC8254608948.JPG[/image]
     
       NGHĨA TRANG LIỆT SĨ THÀNH PHỐ VINH, một chiều thu. Hoa cúc nở tím ngắt. Dẫu gần thành phố, nằm sát đường số 1 nhưng không gian trong nghĩa trang thật tĩnh mịch. Nơi giao nhau giữa người dương và cõi âm, ở đâu cũng vậy. Gió mơn man những nụ hoa trong ráng chiều. Những nụ hoa mới nở, sặc sỡ, kiêu hãnh. Những nụ hoa phai màu đang chờ ngày tái sinh. Sự sống là vĩnh hằng, không có hồi kết.
       
Tôi dắt đứa con gái thẫn thờ trước những hàng bia. Tên bạn tôi lẫn vào những khóm cúc còn vương khói hương ai đó vừa thắp. Con gái tôi đọc từng dòng chữ màu đỏ trên tấm bia: "Cao Võ Việt - Sinh ngày...- Hi sinh ngày...". Ba con tôi đốt cả bó hương lớn, tôi cầm ba nén cắm lên mộ Việt, chắp tay khấn. Con gái tôi lần lượt cắm hết bó hương trong tay lên các phần mộ. Khói hương lan nhè nhẹ. Cả một vùng nghĩa trang nồng ấm, vậy mà lòng tôi thấy buồn se sắt, chống chếnh. Luật của thế giới người âm, muốn gặp người trần thế, trên ấy phải có người thắp hương, xin gặp. Kể cũng đã lâu chúng tôi không gặp nhau. Dưới đó, chắc Việt cũng chỉ trông chờ có chừng đó thôi.
     
Vậy mà đã 30 năm Việt đi xa. Ở cõi âm, không có thời gian. Nơi ấy, cuộc sống là mãi mãi. Việt đang sống với người con gái mà Việt trọn một đời yêu thương. Tôi thường gặp Việt trong những giấc mơ. Việt chẳng kể gì về cái thế giới riêng của cậu ta - một thế giới quá xa lạ với chúng tôi. Chuyện về thời trai trẻ thì Việt chẳng cho tôi một lần được tâm sự. Hình như khi gặp nhau, giữa hai con người của hai thế giới, tưởng như rất gần mà lại rất xa ấy, chỉ có người phía bên kia được nói mà thôi. Việt dắt tôi trở về nơi 37 năm trước hai đứa đã ra đi. Nơi ấy, đã cho Việt một tình yêu đẹp của tuổi sinh viên. Cũng nơi ấy, đã nảy mầm cho một tình bạn tri âm của hai chúng tôi.
       Ráng chiều đang dát vàng lên thành phố một màu rực rỡ. Không gian trầm lắng, tĩnh mịch. Dòng xe cộ ngoài kia như hối hả hơn, đang lao nhanh cho kịp vào đêm thành phố. Chẳng ai để ý, cũng chẳng ai hiểu trong nghĩa trang này có hai con người, hai thế hệ đang nghĩ gì. Đứa con gái tôi lang thang với những hàng cúc tím. Nó yêu cây, yêu hoa từ hồi còn bé. Giờ đây, nó đang nghĩ gì về những nụ hoa tím ngắt trong tay, và cả vô vàn những bông hoa đang trộn lẫn ráng chiều trong nghĩa trang? Còn tôi, Việt đang dắt tôi về với kỉ niệm xưa. Trên thế gian này, chẳng lẽ không còn ai để đi cùng Việt về nơi xa xăm ấy? Khi về cõi âm, người ta chỉ  mang theo một thứ duy nhất, đấy là những kỉ niệm đẹp. Không có thứ quý nhất ấy của một đời người, chắc là khi sang thế giới bên kia, người ta trở thành hư vô.

***
       Bấy giờ đang là cuối thu. Những trận gió mùa đông bắc đầu mùa đã kịp tràn về, giật tung những chiếc lá bàng già nua, rơi lả tả. Đêm ấy, dưới chân tôi, những hòn đá như nắm tay, cứ trệu trạo. Ga Giát lạnh ngắt trong mưa. Lác đác những bóng đen lầm lũi, vội vàng. Con tàu sũng nước, xa dần. Tiếng còi nghe như một tiếng thở dài, mệt mỏi. Cái giá buốt chực chờ khi chúng tôi xuống tàu để mà thấm sâu vào da thịt. Lất phất mưa. Mưa trộn vào gió để cào xé nỗi nhớ nhà của tôi. Anh bạn đi bên cạnh, chừng hiểu ra tâm trạng tôi:
       - Sao, cậu đói, rét, hay đã nhớ nhà?
       - Cả ba!
       Tôi không buồn trả lời, không buồn bắt chuyện. Con người ta, khi cả ba điều trên đã thấm vào tâm can thì cơ thể như muốn tan nhũn ra. Đằng này, ba điều ấy đang dằn vặt tôi, khi màn đêm đặc quánh đã ập xuống ở một nơi quá xa lạ. Xa xăm đâu đó, một vài ánh đèn dầu le lói, chập chờn, chẳng sáng hơn những con đom đóm là mấy. Hai con người xa lạ, lầm lũi bước dần qua những thanh tà vẹt lầm lì. 
       Ấy là ngày chúng tôi vào đại học. Và, chuyến tàu đêm ấy như một sợi dây tình cảm định mệnh, gắn kết hai chúng tôi.
       Quỳnh Hoa, một vùng bán sơn địa đầy trời mưa bay, hun hút những cơn gió buốt lạnh. Con đường đất pha cát dẫn đến lớp học như ấm hơn những buổi sinh viên chúng tôi đến lớp. Cũng là giảng đường đại học đấy, một lán học bằng tre lá trống tuềnh, mặc cho những cơn gió vô hồn giật xé. Chỉ có chúng tôi, những sinh viên trẻ hồn nhiên, vô tư trước bao nỗi khó khăn. Mà thực ra, ở thế hệ chúng tôi, mấy ai hồi còn phổ thông có cuộc sống ít nhọc nhằn, khá giả hơn. Mặc cho khó khăn, đói cơm; tình yêu, tình bạn cứ vậy mà nảy nở. Trong hoàn cảnh ấy, tình người lại ấm áp hơn.
       Tôi ngồi chung bàn với Việt, ở cuối lớp. Thầy Phương - nghe đâu, hồi năm 1946, thầy là một thành viên trong đoàn đàm phán của chính phủ ta sang Hội nghị phôngtennơblô ở Pháp, đang giảng bài. Thầy đang dẫn chúng tôi về với những sự kiện xa xôi của lịch sử dân tộc. Việt chuyền cho tôi một mẩu giấy gấp tư. Chữ ghi trên đó không đẹp nhưng nắn nót: "Mày thấy Khang thế nào?". Tôi đẩy sang Việt sự đồng tình: "Được đấy!".
       Có phải vì Khang là hàng xóm, người con gái có dáng người mảnh dẻ, có mái tóc óng mượt, dài như một con suối; vì Khang có một giọng hát cao vút, trong trẻo, hay vì hai từ "Được đấy" mà họ đã thành đôi? Trong đội văn nghệ khoa, mấy ai dám hát bài "Xa khơi", vì bài ấy Khang đã hát. Ai cũng vậy, dù ít cũng sẽ có một bài bài hát đi với mình suốt cả cuộc đời. Với Việt,  Khang và cả tôi, "Xa khơi" là bài hát ấy.
       Nghĩa trang vẫn trầm mặc trong chiều tà. Con gái tôi đang vương vấn với những đoá cúc tim. Nó hồn nhiên quá. Còn tôi, Việt vẫn níu kéo. Tôi đã nói rồi, phần còn lại của những con người ở phía bên kia, họ chỉ sống với kỉ niệm mà thôi. Họ chẳng chút quan tâm tới cái thành phố ồn ã, náo nhiệt, như một cỗ máy ấy đâu. Chiều đến, khi hoàng hôn dần buông, ai đó thấy những quầng ánh sáng xanh lét, lạnh tanh, đang chợp chờn, bồng bềnh trên khoảng không thành phố. Họ đấy. Họ nhìn cảnh đua chen của trần thế, bĩu môi mà rằng: "Chen lấn mà chi, mai kia rồi tất cả sẽ thành hư không, nếu không biết giữ cho riêng mình một kỉ niệm đẹp trước khi ra đi".
       Việt chẳng muốn nhắc lại một kỉ niệm buồn với tôi. Đấy là ngày lớp tôi đi lao động ở Quỳnh Châu. Việt đi. Tôi và Khang trong đội văn nghệ của khoa, ở lại. Cô rảnh rang hơn vì thiếu vắng những cuộc hẹn hò. Tiện thấy Khang đang thêu chiếc gối để tặng Việt, trên mặt gối những đoá cúc tím e ấp, tôi nhờ Khang thêu hộ chiếc gối có đôi chim bồ câu do tôi vẽ. Ngẫu nhiên thôi, thế mà chiếc gối có đôi chim bồ câu đã trở thành điều rắc rối của ba chúng tôi. Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Chỉ còn tình yêu và tình bạn ở lại.

***
       Cả nước đang có chiến tranh. Cuộc chiến tàn khốc ấy đã cuốn hút tất cả vào vòng xoáy của nó. Lệnh Tổng động viên, tôi và Việt nhập ngũ. Việt bỏ lại suối tóc, "Xa khơi" và những đoá cúc tím. Tôi bỏ lại chiếc gối có đôi chim bồ câu.
       Ở miền tây Nghệ An, nơi đóng quân của đơn vị chúng tôi, mùa mưa ít có dăm ba ngày nắng ráo. Chẳng ở đâu cái buốt giá của những đợt gió mùa đông bắc hành hạ con người một cách tái tê hơn ở miền sơn cước. Lạnh giá và vất vả bắt đầu ngấm sâu vào từng thớ thịt non tơ của những chàng sinh viên. Chẳng ai dám đùa với chiến tranh. Chúng tôi cũng vậy, ai dám nghĩ là xong đợt huấn luyện này rồi sẽ vào chiến trường để mà rong ruổi, để mà giỡn mặt tử thần. Khi sắp phải đối diện với cái chết, con người ta sống nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn với công việc mình đang làm. Luyện tập để có một sức chịu đựng bền bỉ, để có có những loạt ak thiện xạ, những cú ném lựu đạn dứt điển khi tấn công... Tất cả là công việc chúng tôi đang chuẩn bị để đối diện với bom đạn, lửa và máu ở chiến trường nay mai.                                    
      Ở nơi heo hút, buốt giá ấy, những bức thư đã làm ấm lòng chúng tôi. Việt và tôi đã chung nhau những bức thư gửi đi, gửi đến tự lúc nào chẳng hay. Khang không viết thư riêng cho tôi, vì biết tôi và Việt đang cùng chung tiểu đội và cả chung chăn, chung gối nữa. Chiến tranh thật ghê gớm. Nó tàn phá thảm khốc cầu cống, đường sá... cả bệnh viện, trường học. Vậy mà kẻ thù đã phải chững lại trước tình bạn, tình yêu.
       Ở hai đầu của thời gian 4 tháng huấn huyện là hai đầu mưa và nắng. Khi những cơn gió lào đầu mùa ào ạt, hộc tốc trượt dài trên các bãi thao trường chằng chịt giây thép gai, hầm hào, ụ súng thì cũng là lúc chúng tôi rời doanh trại vào chiến trường. Tôi chẳng biết có bao nhiêu tiểu đoàn lính trẻ đã rời doanh trại này ra đi, cũng chẳng hay, hết chiến tranh rồi mấy ai trở lại nơi đây để nhớ về những kỉ niệm của một thời lính trẻ? Những đoàn lính sinh viên hối hả hành quân. Trời miền tây đang cố tình hun nóng chúng tôi. Gió lào táp từng cơm, đang cố vắt kiệt nước trong cơ thể người lính. Mặt đường rát bỏng. Bàn chân cũng rát bỏng. Những gì đang thôi thúc họ? Phía trước là các bạn sinh viên đang chờ đón, là quê hương, cha mẹ, người thân. Và, xa hơn nữa là chiến trường.
       Chắc là cuộc chiến sẽ ác liệt hơn. Khoa Lịch sử đã chuyển lên Yên Thành - Nghệ An, nơi chúng tôi sẽ hành quân qua. Người ở lại đang phải đi xa những trọng điểm ác liệt. Còn chúng tôi, chúng tôi đang đến gần nơi bom đạn nhiều nhất. Bốn tháng xa nhau, giờ gặp lại, mọi chuyện như vỡ oà. Thời gian thật vô tình, không bao giờ dừng lại, không chiều một ai. Cuộc hội ngộ giữa đường hành quân sao mà ngắn ngủi quá vậy. Tôi không biết Việt và Khang đã nói với nhau những gì, hứa hẹn với nhau những gì, nhưng khi xa rồi, chỉ còn thấy mờ ảo bóng Khang trong ráng chiều, bước chân Việt như chậm hơn. Ít thấy nhà văn nào viết riêng một đề tài về chia li. Với  những đoàn quân đang hối hả về phía nam, rồi đề tài ấy không kể hết. Tôi và các bạn cùng lớp, Việt và Khang cũng vậy.
       Nghĩa trang nằm xa vùng rừng núi, vậy mà tôi như nghe rõ từng tiếng suối reo, từng dòng thác ầm ào đang dội về. Việt đang dìu tôi lội qua những con suối, trườn lên những cái dốc chọc trời. ấy là những lúc tôi rã rời, mệt mỏi vì sức khoẻ quá yếu, vì những ngày hành quân quá vất vả. Phía trước, đã nghe ì ầm tiếng súng. Trên đầu, tiếng máy bay trinh sát của địch cứ vo ve, rền rĩ, xoi mói suốt ngày. Mỗi bước chúng tôi đi, mỗi ngày chúng tôi hành quân là mỗi bước, mỗi ngày chúng tôi đang đến gần hơn nơi có tiếng súng. Nơi đấy là mặt trận. Nơi đấy là cái chảo lửa, là liều thuốc thử bản lĩnh con người, thử tình bạn và tình yêu. Từ cái chảo lửa ấy bước ra, con người hiện nguyên hình đen - trắng. Thỉnh thoảng, bắt gặp những tốp người đi ngược chiều. Người có đôi môi thâm tím, nước da vàng như nghệ; người nằm trên cáng, trắng lốp băng... Ngày mai, trong đoàn người chúng tôi, có ai đi ngược chiều như tốp người sáng nay? Chẳng ai muốn nghĩ, trong đó có mình.
       Một tháng rưỡi trên đường Trường Sơn là một tháng rưỡi chúng tôi vật lộn với bao nỗi nhọc nhằn. Bốn tháng rèn luyện, chưa đủ để giúp chúng tôi chịu đựng nỗi vất vả này. Chỉ có thực tế của từng ngày, từng tuần phải đi dưới những cơn mưa rừng tầm tã, phải leo những cái dốc tưởng chừng như không có đỉnh, phải trần truồng bíu vào nhau mà vượt qua những con sông lạnh giá, nước ầm ào như điên dại... đã dạy chúng tôi và rèn luyện cho chúng tôi bản lĩnh để mà đi. Con đường không bao giờ có điểm cuối, nhưng nơi chúng tôi cần đến, đã đến. Chúng tôi được bổ sung vào một trung đoàn quân địa phương của Quân khu Trị Thiên. Tiểu đoàn quân bổ sung cho chiến trường phải chia năm sẻ bảy, vậy mà tôi và Việt vẫn được về một đại đội bộ binh. Tôi ở tiểu đội 1, trung đội 1. Còn Việt, may mắn hơn, được biên chế vào tổ liên lạc của đại đội.
       Đối với Việt, vậy cũng phải thôi. Gia đình Việt ở thành phố. Từ nhỏ Việt đã phải lăn lộn cùng ba mẹ bươn chải mưu sinh cho một gia đình đông con. Chẳng hiểu, do tư chất hay vì môi trường sống đã tạo cho Việt một tính cách cởi mở, nhanh nhẹn và tháo vát. Cộng với dáng người khoẻ mạnh, nước da trắng, nụ cười có duyên, thủ trưởng nào không thích một tay liên lạc như Việt. Công việc của cậu ta là giữ mối liên lạc của đại đội với các trung đội và tiểu đoàn, sinh hoạt, ăn ở cùng các thủ trưởng của đại đội. Còn tôi, đã trở thành một anh lính bộ binh thực thụ. Không có công việc nào của một anh lính bộ binh mà tôi không phải trải qua. Đánh nhau, giữ chốt, vận chuyển, tải thương, chôn cất liệt sĩ, anh nuôi, và cả công việc ít ác liệt, vất vả hơn như trực tiếp nói chuyện với địch, khi làm công tác binh vận; viết vẽ khẩu hiệu, báo cáo... tôi làm hết. Tuy công việc khác nhau, nhưng vì là cùng đại đội, nên hai chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Những lần đơn vị về hậu cứ củng cố, hai thằng thường ngủ chung hầm (ở mặt trận, điều tối kị là khi ngủ không nằm trong hầm). Đấy là những lúc chúng tôi lại hàn huyên đủ mọi chuyện, và chuyện dài nhất vẫn là chuyện hồi sinh viên, chuyện giữa Việt và Khang. Tổ liên lạc của Việt có ba người. Khi có lệnh lên chốt của tôi, dù là ở một nơi ác liệt nhất, người đi bao giờ cũng là Việt.
       Tôi còn nhớ, có lần tiểu đội tôi quần nhau với địch hơn tiếng đồng hồ trên một ngọn đồi ở miền tây Thừa Thiên. Địch tập trung hoả lực mạnh như cối 81, pháo 170 li đánh dồn dập vào trận địa chốt. Sau đó, chúng cho bộ binh tấn công lên cao điểm. Gần như cả thời gian lính trận của tôi là ở rừng. Trong khoảng từ 1971 đến tháng 4 năm 1975, ở chiến trường Thừa Thiên,  hầu như chúng tôi chỉ ở vùng rừng núi mà thôi. Một vùng rừng núi tan hoang, xơ xác vì sự tàn phá của chất độc hoá học, của bom pháo và lửa. Tất cả các ngọn núi ở vùng giáp ranh không còn lấy một thân cây nguyên vẹn, không còn lấy một vạt rừng, dù rất nhỏ thôi còn màu xanh của sự sống. Bom đạn cứ cày đi, xới lại ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác như vậy, thử hỏi đất đá, cây cối nào chịu nổi. Trong hoàn cảnh đó, trụ lại trên chốt, đánh nhau với địch từ dưới chân núi lên, đối với chúng tôi, đã trở thành kĩ xảo. Trận ấy, địch không chiếm được chốt, nhưng tiểu đội tôi thì tổn thất quá lớn. Năm tay súng, hi sinh hai. Chỉ vì hoả lực mạnh của địch thôi, chứ bộ binh thì làm sao chọi nổi, khi chúng tôi ở thế cao hơn.
       Loạt ak cuối cùng vừa dứt, tôi đã thấy Việt hớt ha, hớt hải, mặt lem luốc bụi đất từ dưới suối hộc tốc chạy lên chốt. Trong cảnh hoang tàn, đổ nát của trận địa, Việt ôm chầm lấy tôi, chặt đến nghẹt thở. Cậu ta nói trong tiếng thở gấp gáp:
       - Tao tìm mày mà tưởng như vô vọng, khi bắt gặp Minh và Hồng ngập ngụa trong vũng máu trên bờ chiến hào - Việt sờ soạng khắp người tôi và tiếp: - Còn nguyên lành, vậy là tốt rồi!
       Tôi cảm thấy se lạnh khi một làn gió lướt nhẹ qua nghĩa trang. Những bông cúc tím khẽ lay động trước làn khói hương mờ ảo. Thỉnh thoảng, lại thấy một vệt ánh sáng xanh lét, lạnh tanh từ một ngôi mộ nào đó vọt lên. Đang bắt đầu một ngày mới của thế giới người âm. Vì ở đó, tất cả đều ngược với trần gian. Việt vẫn không chịu buông tha tôi. Trong cái thế giới mênh mông huyền ảo của cậu ta, và cả ở thế giới thực của chúng tôi, chẳng lẽ không còn ai để Việt ôn lại kỉ niệm xưa? Một năm, chỉ một vài lần gặp nhau, tôi phải chiều Việt. Mà thực ra, tôi cũng không có việc gì để mà vội vã. Ra thành phố Vinh lần này, mục đích chính là để gặp Việt. Tôi ra thăm Việt và để khoe với cậu ta là cuốn nhật kí thời chiến của tôi - cuốn nhật kí không ít trang có tên Việt và Khang, đã được in thành sách[70]
. Trong cuốn sách có ảnh tôi và Việt. Cuốn sách ưcủa tôi phần nào giúp gia đình Việt hình dung được những năm tháng vất vả, ác liệt mà chúng tôi đã trải qua ở chiến trường.
       Hồi còn là sinh viên, tôi học trội hơn Việt. Đến giờ này, tôi còn giữ một bài kiểm tra môn lịch sử của Việt. Điểm không cao, nhưng đấy là di bút nên không bao giờ tôi đánh mất. Ở trên chốt, cũng như về hậu cứ, cứ mỗi lần cắt tóc cho tôi, khi vướng phải cái u nhỏ phía sau đầu, Việt cứ tiếc rẻ: "Nếu nó to bằng cái u của thầy Hoàng Lân, chắc mày sẽ làm lớn". Bài thơ "Cắt tóc trong chiến hào" tôi bập bẹ, chắp vá để tặng Việt trong những lần như vậy.
       Trong hơn hai năm đầu ở chiến trường, tuy cùng một đại đội, nhưng công việc của hai chúng tôi khác nhau. Chỉ có điều không khác, đấy là sự ác liệt và gian khổ.
       Giữa tháng 6 năm 1974, một biến cố tồi tệ đã đến với trung đội tôi. Do sự bất cẩn của Trung đội trưởng đã đẩy anh vào một ngày định mệnh. Anh bị thương do dính mìn và bị địch bắt. Tiểu đội trưởng của tôi sa sút ý chí chiến đấu, bị kỉ luật khai trừ Đảng và xuống hậu cứ làm anh nuôi. Nhiều lúc, trong cái rủi của người này lại là điều may của người khác. Việt được điều về làm Tiểu đội trưởng tiểu đội tôi. Vậy là tôi và Việt lại cùng chung tiểu đội. Tôi thương Việt quá! Cậu ta phải gánh chịu một tiểu đội mà tư tưởng đang bất ổn. Sự cố gắng, động viên của tôi lúc ấy đối với Việt thật cần thiết. Rồi mọi chuyện cũng dần qua đi. Tiểu đội tôi lại tiếp tục những công việc mà chúng tôi cho là bình thường nhất của những người lính trận: đánh nhau và giữ chốt. Từ đấy, tôi và Việt đã cùng nhau một mũi tấn công trong các trận đánh, cùng nhau bám trụ trên những cao điểm ác liệt.
       Cánh lính sinh viên chúng tôi được bổ sung về tiểu đoàn cứ rơi rớt, rơi rớt dần. Đầu tiên là các bạn tôi hi sinh hoặc bị thương nặng ngay trong trận đầu, khi mới về tiểu đoàn. Sau đó là ở các trận đánh, các lần giữ chốt ác liệt trên các cao điểm. Ở đại đội tôi, Việt là sinh viên rời đơn vị cuối cùng, nếu không tính đến tôi.
       Cái đêm tôi và Việt xa nhau, chẳng bao giờ tôi quên, một đêm mùa đông năm 1974. Đêm ấy, trời rả rích mưa. Cây rừng sũng nước. Trung đội tôi được lệnh tập kích một toán địch vừa mới nống lên cao điểm mà chúng tôi đã làm chủ tuần trước. Tiểu đội chia thành hai mũi tấn công, Việt một mũi và mũi còn lại của tôi. Hai cánh của tiểu đội cách nhau chừng trăm mét. Trời tối như hũ nút. Chúng tôi cứ nhắm vào cái mảng sáng mờ ảo trên cao điểm mà tiền nhập. Tôi nhận được ám hiệu của Việt qua hai tiếng tắc kè bắt chước. Như vậy là phía cánh tiểu đội Ba cũng đã áp sát trận địa. Sắp đến giờ tấn công. Mưa chẳng ngớt, gió vẫn rít từng cơn buốt lạnh. Lòng tôi bồn chồn, trống trải quá. Đây là lần đầu tiên khi Việt về tiểu đội, chúng tôi không cùng một mũi tấn công. Sự tĩnh mịch của đêm mùa đông bỗng  tan loảng ra sau một tiếng nổ long trời của khẩu B.41 bên phía tiểu đội Ba. Một quầng sáng chói chang trùm lên  trận địa. Đấy là lệnh tấn công. Chúng tôi ào ạt tiến lên cao điểm. Trên đỉnh, địch đã bắt đầu phản kích. Không gian như vỡ toác ra bởi đủ các loại tiếng mổ chát chúa của đôi bên. Địch chỉ có một tiểu đội, nên trận đánh diễn ra thật chóng vánh. Trong chốc lát, chúng tôi đã làm chủ trận địa. 
       Là một điểm cao nằm trong vùng kiểm soát của ta, nên đánh xong rồi chúng tôi không chốt lại. Khi chúng tôi rút xuống chân cao điểm, cũng là lúc pháo của địch bắt đầu phản kích. Lúc gom quân để rút về, tôi tìm mãi vẫn không thấy Việt. Chừng mười phút sau mới gặp cậu ta, không phải đang đi mà là đang nằm trên cáng. Việt đã bị thương vì dính mảnh pháo khi rút xuống một suối cạn cách mũi của tôi chừng vài trăm mét. Tôi bíu vào cáng đi theo, Việt nằm im. Cậu ta đã lịm đi vì mất quá nhiều máu. Vết thương nặng nhất là ở chân, còn bị ở đâu nữa không, tôi không biết. Chắc là không, hoặc nhẹ thôi vì không sờ thấy máu.
       Người ta đưa Việt về bệnh xá trung đoàn, rồi sau đó lên bệnh viện quân khu. Vậy là từ đêm đó, tôi và Việt xa nhau. Những lần bám địch căng thẳng, những ngày giữ chốt ác liệt, thiếu Việt tôi thấy lẻ loi, trống vắng quá. Việt đi rồi, công việc cậu ta bỏ lại, tôi đảm nhận. Với vết thương nặng như vậy,  không hi vọng là Việt còn có cơ hội trở lại đơn vị. Cứ mỗi lần có người từ bệnh viện trở về, tôi lại sốt sắng hỏi tin tức Việt. Người biết, người không. Có lần, tôi rã rời khi nghe một câu trả lời lạnh tanh: "Hi sinh rồi!" Tôi không tin. Linh tính mách bảo tôi, Việt không thể chết được! Tôi đã cảm nhận đúng. Tin chính xác là của Đại đội trưởng Chiến đi công tác ở tiểu đoàn về, ghé qua bệnh viện thăm Việt. Mảnh đạn pháo đã làm nát ống chân Việt. Cậu ta đã được chuyển ra Bắc. Vậy là tôi và Việt đã thực sự xa nhau. Hai đứa đã không cùng nhau đi hết cuộc chiến cam go này. Rồi có ngày gặp nhau nữa không? Điều đó phụ thuộc vào số phận của tôi.
       Nhắc đến số phận, tôi lại nghĩ, vì chúng nó bắn tồi, vì bom đạn chúng nó chừa tôi ra, hay vì một lẽ nào khác mà gần bốn năm, tôi gần như không dính một viên đạn hay một mảnh pháo nào. Tôi có lẩn trốn một trận đánh, một lần bám chốt nào đâu. Đã bao nhiêu lần tôi bị bom pháo vùi dập đấy thôi. Có ai biết rõ điều này hơn Việt. Mà thôi, chiến tranh qua lâu rồi, điều chẳng nên là lấy người đã khuất ra thế chấp. Chắc là con người có số phận thật! Ít nhất, cũng là để tôi và Việt được tái ngộ và lại được sống cùng nhau.
       Ngày Huế giải phóng, chúng tôi sống trong niềm háo hức của những người vừa bước ra khỏi một cuộc chiến khốc liệt, của những người chiến thắng. Nhưng niềm vui trong tôi không trọn vẹn. Trong niềm vui có lẫn nỗi buồn. Buồn vì trong giờ phút khải hoàn, bên tôi không có Việt. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Huế được giải phóng. Mười hai ngày sau tôi bắt được thư Việt, lá thư đầu tiên tôi nhận ở Huế từ miền Bắc gửi vào. Và điều bất ngờ hơn, một tháng sau Việt vào thăm tôi. Vẫn nụ cười có duyên, cởi mở; người gầy, xanh và cái chân bị thương nặng, tập tễnh bên chiếc nạng gỗ; Việt ôm chầm lấy tôi chặt đến nghẹt thở, y như lần Việt tìm gặp tôi trên chốt sau một trận đánh ác liệt. Chỉ có điều khác nhau, lần này không phải sau một trận đánh mà là sau một cuộc chiến. Vậy là tôi đã linh cảm đúng về số phận, về sự tái ngộ của hai đứa.

***
       Hết chiến tranh, tôi và Việt lại về chung lớp, chung giường. Chúng tôi trở lại trường Vinh khi các bạn cùng khoá học ngày chúng tôi nhập ngũ đã ra trường. Khang về dạy ở một trường cấp ba của thành phố. Cái bóng cô sinh viên, có mái tóc dài như một suối nước mờ ảo ngày chia tay không còn nữa. Thay vào những lời hẹn ước hôm ấy, bây giờ lại là những cuộc hẹn hò. Đầu năm 1977, Việt và Khang làm lễ cưới. Ngày họ cưới nhau đã trở thành ngày hội ngộ của chúng tôi, ngày hội của đồng đội đã từng một thời chung nhau những ngày gian khổ ác liệt ở chiến trường, ngày hội của những chàng sinh viên đã một thời mặc áo lính. Họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc sau những tháng ngày đằng đẵng, mỏi mòn chờ mong. Họ thật xứng đôi, một sinh viên - một thương binh đã dày dạn khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến oanh liệt của dân tộc, sánh vai cùng một cô giáo trẻ xinh đẹp. 
       Trong năm ấy, khi chưa tròn hạnh phúc tái ngộ, chưa tròn hạnh phúc vợ chồng, vì vết thương tái phát, Việt lâm trọng bệnh và ra đi. Lần này thì tôi thực sự mất Việt mãi mãi. Khang không bao giờ còn hát để Việt nghe "Xa khơi" nữa. Từ đấy, "Xa khơi" trống vắng. Nỗi đau mất mát quá lớn, Khang tưởng chừng như không gượng dậy nổi. Đồng nghiệp, học sinh đã vực cô đứng lên. Khang tìm nguồn vui trong công tác và trên bục giảng. Cô được kết nạp Đảng rồi trở thành Phó Hiệu trưởng của một trường cấp ba của thành phố Vinh - Nghệ An. Vò võ ôm mối tình đầu đời và duy nhất, Khang từ chối tất cả những người đến với mình. Tưởng như số phận đã an bài, nhưng rồi hai mươi hai năm sau, Khang cũng đã ra đi tìm Việt. Việt không kể, nên tôi không hình dung được cuộc sống của họ phía bên kia như thế nào, nhưng chắc chắn họ đang hạnh phúc bên nhau!
       Ôi! Số phận con người ở trần gian, sao mà nghiệt ngã quá vậy! Chiến tranh qua rồi, sao nỡ chia lìa tình yêu, tình bạn?! 
       Nắng chiều đã tắt. Chớm thu rồi, trời se lạnh. Khói hương tan dần trong cõi hư vô. Không còn khói hương, nghĩa là tôi và Việt không còn được dẫn nhau đi, theo luật của thế giới người âm. Những đoá cúc tím ra chừng e ấp gần nhau hơn. Ba con tôi thẫn thờ rời nghĩa trang, nhường lại khoảng không gian tĩnh mịch cho những mảng ánh sáng xanh lạnh, chập chờn.
 
                                                                                                              Hà Tĩnh,11/2007
                                                                     
  

   ([1]) Tủ sách "Mãi mãi tuổi hai mươi " - "Một thời lính trận" Đồng tác giả, Lê Văn và Nguyễn Trần Thái - Nhà xuất bản Công an nhân dân.


<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.02.2010 08:04:04 bởi levancon >
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 06.01.2021 05:10:54 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9