Nhớ thư người em nhỏ
gửi em: Lê My
Mấy mùa đã bặt tin em
Để mình xa cách: lòng thêm lạnh lùng!
Gió se, nắng nỏ nhớ nhung
Anh ngồi thiêu cả muôn trùng sang thu…
Víu vương! Tìm bóng em xưa
Một lần gặp – để xuân vừa đầy vơi:
Nhớ nhung thơ viết mấy lời
Mùa thu dường tỏ tình người mong manh!
Anh ôm giấc mộng khó thành:
- Mơ đời phúc hậu – yên lành bão mưa:
Tin em đã vắng mấy mùa
Anh gom từng lá thư xưa – gọi thầm…
(10/09/2009) Thư gửi tác giả
“Anh ngồi thiêu cả muôn trùng sang thu” (Ngày 9/01/2010 10:57:37 AM - Gửi bởi Phạm Thanh Cải - Email:
phamthanhcai@gmail.com - Điện thoại: 0169 630 6682 )
Kính thưa các độc giả thân quý! Thật xúc động khi đọc Website: lucbat.com và tìm thêm thông tin trên các tờ báo mạng, tôi mới biết và hiểu được Nguyễn Hữu Thịnh (Tác giả có thơ đăng trên Lục bát mỗi ngày).
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo, năm 1981 cậu bé Thịnh cất tiếng khóc chào đời lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đến tuổi đi học Thịnh cắp sách tới trường như bạn bè, thế nhưng chẳng hiểu sao sang năm học lớp 2 Thịnh bắt đầu có dấu hiệu của bệnh tật. Toàn bộ cơ xương của em bị biến dạng, chân tay teo đi, co quắp, các đốt sống lưng bị gập, co cơ mặt khiến khả năng giao tiếp của Thịnh rất khó khăn…từ đó bệnh của em ngày càng trở nên trầm trọng hơn...
Những ngày tháng sau đó, Thịnh sống trong cô độc, từ đó em trở thành đứa trẻ tật nguyền, thiệt thòi cả về vật chất lần tinh thần. Không chịu khuất phục trước số phận nghiệt ngã, em tìm mọi cách để cử động được cánh tay phải. “Mỗi ngày em nhích, nhích từng tí một, rồi những lúc đau quá không cử động được nhưng em tự nhủ rằng phải làm cho mọi người biết mày không phải là kẻ bỏ đi”, Thịnh chia sẻ. Gian nan hơn là lúc em tập nói, tập phát âm lại như trẻ lên ba vậy, mỗi ngày em tự tập đọc một từ… rồi dần già em cũng đọc được sách, nói mọi người hiểu. Nguyễn Hữu Thịnh là tấm gương sáng, với khát vọng tuổi trẻ, vượt qua giông bão tật nguyền, vắt kiệt mình dâng những trái ngọt cho cuộc đời.
BÀI THƠ HAY CỦA MỘT CHÀNG TRAI GIÀU NGHỊ LỰC
Đọc bài thơ “Nhớ thư người em nhỏ” của Nguyễn Hữu Thịnh đăng trong lucbat mỗi ngày vào 3-1-2010, tôi lại nhớ đến lời một bài hát mà tôi nghe cách đây 30 năm: “Theo năm tháng hoài mong, thư gửi đi mấy lần, mà hồi âm không thấy...”. Tâm trạng của người cô phụ mong thư chồng thật là khắc khoải, đợi chờ và da diết. Tôi gặp lại tâm trạng ấy của Nguyễn Hữu Thịnh “nhớ thư của người em nhỏ” đã gửi cho anh từ mấy mùa nay.
Chắc là những dòng thư của em nhỏ tràn trề tình cảm mà em đã dành cho anh và đã chiếm đuợc lòng cảm mến của anh. Rồi sau đó, không hiểu vì sao, em không gửi nữa. Thế là Thịnh ngày này qua tháng khác mong mỏi thư em. Có phải em đã quên anh, hay là em đã lớn, hay là em đang bận học, hay là có điều gì bất trắc xảy ra. Khi chờ mong, người ta tưởng tượng và đặt ra bao nhiêu là giả thuyết...
Nhưng mong mỏi hoài không nhận đựơc tin em, để cho hai người bạn đã xa cách về địa lý, nay không có cả tin nhau thì lại càng xa cách. Nỗi xa cách đã làm cho lòng thêm lạnh lùng:
Mấy mùa đã bặt tin em
Để mình xa cách lòng thêm lạnh lùng.
Nỗi nhớ nhung ở đây thật đặc biệt, thật lạ kỳ. Nhiều bạn thổ lộ nỗi nhớ nhung bằng cách nói: “Nỗi nhớ tràn trề, nỗi nhớ đầy ắp, nỗi nhớ day dứt...”. Nhưng ở đây, nỗi nhớ của anh lại ngược lại, nó se sắt, nó quắt queo, gầy guộc, nó héo mòn. Nỗi nhớ ấy nó vẽ lại một hình ảnh của người đêm ngày thương nhớ đến gầy rộc, xanh xao. Nỗi nhớ đã được gió se lại như người ta se chỉ cho săn. Nỗi nhớ ấy bị nắng làm khô nỏ đi đến teo tóp lại.
Gió se, nắng nỏ nhớ nhung
Anh ngồi thiêu cả muôn trùng sang thu…
Người ta thường ví mùa thu là mùa của nhớ nhung, buồn bã. Chính vì thế, trong chữ Hán, chữ sầu bao gồm chữ “thu” đặt trên chữ “tâm”. Lòng mùa thu dễ có cảnh buồn. Nỗi nhớ của Hữu Thịnh ở đây cũng đặt trong khung cảnh mùa thu. Nó như lửa cháy ‘muôn trùng sang thu’ và “Mùa thu dường tỏ tình người mong manh!”. Nỗi nhớ nhung canh cánh bên lòng, mong tin em mà không thấy, tác giả mang tập thư cũ ra đọc lại, gom lại để tìm trong đó hình ảnh của người em nhỏ năm xưa. Anh hình dung, bây giờ em nhỏ đang ở đâu, đang làm gì, buồn hay vui... Hình ảnh ấy hiện ra trước mắt như một cuốn phim sinh động. Nó rất sinh động vì nó nằm trong trí tưởng tượng.
Tôi nhớ đại thi hào Nga Puskin cũng có bài thơ rất hay về nỗi suy tư khi gặp một bông hoa ép trong trang sách, nhà thơ đã tưởng tượng ra một chàng trai hay một cô gái nào đó đã làm việc ấy, và bây giờ :
Chắc chàng còn sống? Nàng sống chứ?
Không biết bây giờ họ nơi nao?
Hay cả hai người cùng tàn rũ?
Như bông hoa bí ẩn ngày nào?
Sự tưởng tượng đã làm cho một hình ảnh rất đơn sơ đã trở nên phong phú biết chừng nào. Ở đây, Nguyễn Hữu Thịnh đã:
Anh ôm giấc mộng khó thành:
Mơ đời phúc hậu yên lành bão mưa
Tin em đã vắng mấy mùa
Anh gom từng lá thư xưa – gọi thầm…
Đọc bài thơ tôi thấy khá hay. Nếu người bình thường viết như vậy thì cũng đáng nể phục rồi. Thật bất ngờ, đây lại là bài thơ của một chàng trai tật nguyền từ nhỏ, không được đi học.
Đúng vậy, nếu đọc bài thơ này mà chưa hiểu được hoàn cảnh tác giả thì ta chưa hiểu hết cội nguồn của câu thơ cuối bài . Bởi vì nếu không tìm hiểu, chỉ đọc thơ không thôi thì ít ai biết tác giả bài thơ có một hoàn cảnh rất khó khăn và éo le. Anh là một người bị bệnh tật từ khi còn thơ ấu. Chính anh đã tâm sự trong một bài viết “Tôi chưa bao giờ được nghe thầy giảng bài trên lớp” mà lucbat.com đăng ngay dưới bài này. Anh kể lại: “Tôi tàn tật đã hơn 20 năm rồi, ước mơ đến trường mãi mãi chỉ là mơ ước không thể trở thành sự thật. Bài thơ này tôi viết thay bức thư gửi thăm thầy giáo của tôi, tuy rằng tôi chưa bao giờ được nghe thầy giảng bài một tiết nào trên lớp cả. Nhưng thầy đã đến thăm, động viên tôi rất nhiều, gieo những ước mơ, khát vọng cháy bỏng trong tâm hồn tôi. Tôi đã coi thầy là Thầy giáo của tôi và Thầy cũng cho tôi là một học trò không chính thức của thầy.”
Chính vì vậy, khi nhận được thư người em nhỏ, giữa tác giả và em nhỏ đã có một tình cảm chân thành vì đã hiểu nhau. Đó là tình cảm của người với người, của những người bạn với nhau. Thế rồi, em nhỏ không viết thư nữa. Tác giả mong đợi và tưởng mình như đang ôm một giấc mộng của đời. Liệu người bạn nhỏ kia khi thấu hiểu cặn kẽ hơn có thông cảm với hoàn cảnh éo le của mình không. Tác giả có thoảng một chút buồn vì cảm thấy rằng giấc mộng của mình rất khó thành. Mơ “một đời phúc hậu yên lành” không chịu giông tố của cuộc đời hay phải chịu gió mưa dầu dãi. Nỗi buồn ấy là nỗi buồn canh cánh trong lòng của một người có số phận không may mắn, trời không ban cho sức khoẻ như người bình thường như bao nhiêu người khác. Nỗi buồn ấy là lẽ tất nhiên vì như đại thi hào Nguyễn Du đã nói : “Thịt da ai cũng là người” cả thôi. Chúng ta thông cảm và san sẻ nỗi buồn man mác của tác giả khi nghĩ về mộng ước của mình.
Từ một người thiệt thòi về sức khoẻ, không được đến trường, không cam tâm với số phận anh đã phấn đấu vượt lên chính mình. Chúng ta đã biết về những người tràn đây nghị lực như cô gái bị mù từ khi 8 tháng tuổi làm thơ Tạ Thị Thu Hoài, nhà văn viết đứng Trần Văn Thước, nhà thơ viết nằm Đỗ Trọng Khơi (Lucbat.com), nhà thơ nằm ngửa để thở, để ăn và làm thơ Phạm Minh Giắng, nữ dịch giả bị teo cơ đã dịch 17 cuốn tiểu thuyết từ tiếng anh Nguyễn Bích Lan đều ở Thái Bình. Nay ta lại được biết một người làm thơ tật nguyền nữa: Nguyễn Hữu Thịnh. Anh đã làm được gần 800 bài thơ, lưu trong 7 tập thơ..., đã in 2 tập thơ Trái tim cô độc và Một khúc ca một cuộc đời.
Thơ và Đời tuy hai mà một. Với Nguyễn Hữu Thịnh, thơ đã mang lại tình yêu cuộc sống cho anh. Tôi chúc cho anh mạnh khoẻ, đẻ nhiều thơ, mơ nhiều giấc mơ đẹp, mang lại điều hay ý tốt cho cuộc sống, cho muôn người.
PHẠM THANH CẢI
Viện Kỹ thuật Hải quân
Email:
phamthanhcai@gmail.com Điện thoại : 0169 630 6682
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2010 22:29:05 bởi Nguyễn Hữu Thịnh >