Kho Báu Nhà Thiền
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 23 trên tổng số 23 bài trong đề mục
Leo* 28.02.2010 09:41:35 (permalink)
Chương 15
 
Học đạo cần phải biết phương tiện Tổ Sư từ bi chỉ dạy
Ðại sư Vân Môn nói:
Cổ nhân có rất nhiều cát đằng (1)  để vì nhau, như Hòa thượng Tuyết Phong nói: “Cảđại địa là ông”. Hòa thượng Giáp Sơn nói: “Trên đầu trăm ngọn cỏ tiến cử lão Tăng, trong chợ búa ồn ào biết được thiên tử”. Hòa thượng Lạc Phổ nói: “Một trần vừa khởi đại địa toàn thâu, một đầu sợi lông toàn thân sư tử hiện, cả thảy đều là ông”. Hãy nắm lấy lật qua lật lại suy nghĩ xem, lâu ngày chầy tháng tự nhiên có đường vào.
Thiền sư Viên Ngộ nói:
Từ xưa đến nay có rất nhiều vị chẳng tiếc lông mày mà vì người chỉ cho chỗ thấu thoát như: Vân Môn nói: “Cả thể toàn chân”, Lâm Tế nói: “Tọa đoạn đầu báo hóa Phật”, Ðức Sơn nói: “Vô sự nơi tâm, nơi tâm vô sự thì rỗng mà linh, tịch mà chiếu”, Nham Ðầu dạy: “chỉ giữ lấy chỗ nhàn nhàn, trong tất cả thời vô dục, vô y, tự nhiên vượt các tam muội”, Triệu Châu nói: “Ta thấy trăm ngàn người chỉ lo tìm cách làm Phật, mà trong đó khó tìm được một vị đạo nhân vô tâm”. Chỉ cần xét nét kỹ càng những lời này, dứt tâm vọng tưởng lăng xăng thì mai kia mốt nọ chạm cảnh gặp duyên bèn đắc lực vậy.
Tâm Yếu
Ngụy Phủ lão Hoa nghiêm dạy chúng:
Phật pháp ở tại chỗ ứng dụng hằng ngày của ông, tại nơi đi đứng ngồi nằm, nơi uống trà ăn cơm, nơi ngữ ngôn hỏi nhau, nơi công việc phải làm, nếu mống tâm động niệm liền thành chẳng phải. Hội chăng? Ông nếu hội được, tức là người tội nặng mang gông đeo xiềng.
Thiền sư Tuyết Phong Tồn nói:
Mỗi mỗi che trời trùm đất, chẳng còn nói huyền nói diệu, cũng chặng nói tâm nói tánh. Ðột nhiên, lồ lộ một mình như đống lửa lớn đến gần thì bị cháy cả mặt mày, tợ như thanh gươm Thái A hễ do dự thì táng thân mất mạng. Nếu chờ suy nghĩ đình cơ thì không dính dáng.
Bích Nham
Ðại sư Vân Môn nói:
Ông nếu tương đương rồi thì hãy tìm con đường vào. Các đức Phật nhiều như số bụi nhỏ ở dưới gót chân ông, Tam tạng thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông. Chẳng bằng ngộ quách đi là tốt!
Thiền sư  Ðại Huệ nói:
Như rồng được nửa chén nước, có thể làm dậy mây mù, giáng trận mưa to, đâu cần đến cái biển lớn như cá côn nói: “Tôi có rất nhiều nước”.
Ngài Ðại Huệ nói: Ở đây ta không có thiền tiến dài theo ngày tháng. Bèn búng ngón tay một cái, rồi nói: Nếu hội thì bãi tham.
Võ Khố
Phật nói:
Không có pháp quyết định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp quyết định Như Lai có thể nói.
Hòa thượng Lâm Tế nói:
Ta không có một pháp cho người, mà chỉ là trị bệnh và mở trói.
Hòa thượng  Ðức Sơn nói:
Tông ta không ngữ cú, thật không có một pháp cho người.
Thiền sư  Ðại Huệ nói:
Việc này nếu dùng một mảy may công phu để chứng đắc thì như người lấy tay nắm bắt hư không chỉ càng tự nhọc mà thôi.
Lại nói: Chẳng cho dùng tâm ý thức để lãnh hội.
Hòa thượng Lâm Tế nói:
Chẳng để cho một vật câu thúc thì sự giải thoát sẵn sàng.
Hòa thượng Ðịa Tạng Sâm nói:
Nếu luận về Phật pháp thì tất cả sẵn sàng.
Hòa thượng Chân Tịnh nói:
Tất cả sẵn sàng, lại khiến ai hội?
 
Ghi chú:
(1). Cát đằng là loại giây leo như sắn bìm, ở đây chỉ cho phương tiện ngữ ngôn dùng để khai thị, chứ không phải thật pháp. 
 
---o0o---
#16
    Leo* 28.02.2010 09:43:06 (permalink)
    Chương 16
     
    Học đạo cần phải thấu suốt một đường hướng thượng
     
    Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:
                - Con chó có Phật tánh hay không ?
                Triệu Châu đáp:
    - Không.
    *
    Có vị Tăng hỏi một bà già:
    - Ðường về Ðài Sơn đi ngã nào?
    Bà già đáp:
    - Ði thẳng.
    Vị tăng vừa đi năm ba bước, bà già nói:
    - Rõ khéo! Cái ông Tăng này lại đi như thế.
    Về sau có người đem câu chuyện này hỏi ngài Triệu Châu, Triệu Châu nói:
    - Hãy đợi ta đi khám phá bà già này đã!
    Hôm sau, Ngài đi và cũng hỏi như vậy, bà già cũng đáp y như vậy.
    *
    Triệu Châu đến chỗ của một am chủ hỏi:      
    - Có chăng? Có chăng?
    Am chủ đưa nắm tay lên.
    Sư nói:
    - Nước cạn không phải chỗ cập thuyền.
    Sư bèn bỏ đi. Lại ghé vào một am chủ khác hỏi:
    - Có chăng? Có chăng?
    Am chủ cũng đưa nắm tay lên.
    Sư hỏi:
    - Buông được, bắt được, giết được, cứu được.
    Am chủ bèn cúi lạy.
    *
    Tăng hỏi Hòa thượng Thanh Bình:
    - Thế nào là Ðại thừa?
    Sư đáp:
    - Giây giếng.
    - Thế nào là Tiểu thừa?
    - Vợt tre.
    - Thế nào là vô lậu?
    - Gáo gỗ.
    Hòa thượng Nam Tuyền, nhân hai nhà đông và tây tranh nhau một con mèo, Ngài
    bèn đưa con mèo lên, nói:
    - Ðại chúng nói được thì cứu được con mèo, nói không được thì giết.
    Chúng không đáp được. Nam Tuyền bèn chém chết con mèo.
    Chiều tối, Triệu Châu về. Nam Tuyền đem việc này thuật lại cho Triệu Châu
    nghe. Triệu Châu liền cởi giày để lên đầu đi ra.
    Nam Tuyền nói:
    - Nếu có ông ở nhà thì cứu được con mèo.
    *
    Tăng hỏi Hòa thượng Ðộng Sơn :
    - Phật là gì?
    Sư đáp:
    - Ba cân mè.
    *
    Tăng hỏi Ðại sư Vân Môn:
    - Phật là gì?
    Sư đáp:
    Que chùi phân.
    *
    Tăng hỏi Hòa thượng Dương Kỳ:
    - Phật là gì?
    Sư đáp:
    - Lừa ba chân đi khập khễnh.
    *
    Tăng hỏi Triệu Châu:
    - Phật là gì?
    Sư đáp:
    - Trong điện đó!
    *
    Bàng cư sĩ hỏi Mã Tổ:
    - Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn lứa?
    Tổ đáp:
    - Ðợi khi nào ông một ngụm uống cạn nước Tây Giang ta sẽ trả lời cho ông.
    Bàng cư dĩ hoát nhiên đại ngộ, làm bài tụng:
    Mười phương đồng tụ hội
    Người người học vô vi
    Ðây là trường tuyển Phật
    Tâm không, thi đậu về.
     
    Tăng hỏi Hòa thượng Nham Ðầu:
    - Lúc buồm xưa chưa treo thì thế nào?
    Sư đáp:
    - Cá nhỏ nuốt cá lớn.
    Tăng lại hỏi như trước.
    Sư đáp:
    - Sau vườn, lừa ăn cỏ.
    *
    Hòa thượng  Ðại Quy An nói:
    - Hữu cú, vô cú như dây bìm bám vào cây.
    Sơ Sơn hỏi:
    - Bỗng gặp lúc cây nhã bìm khô thì thế nào?
    Sư cười ha hả, đi về phương trượng.
     
    *
     
    Hòa thượng Bảo Thọ khai đường nói pháp, Tam Thánh xô ra một ông Tăng. Sư
    liền đánh.
    Tam Thánh nói:
    - Vì người mà làm như thế, chẳng những làm mù mắt ông Tăng này mà còn làm mù mắt cả thành Trấn Châu.
    Pháp Nhãn nói:
    - Chỗ nào là chỗ làm mù mắt người?
    Sư ném cây gậy xuống, liền đi về phương trượng.
    *
    Hòa thượng Tam Thánh thượng đường nói:
    - Ta gặp người thì ra, ra thì chẳng vì người.
    Ngài Hưng Hóa nói:
    - Ta gặp người thì chẳng ra, ra thì bèn vì người.
     
    #17
      Leo* 28.02.2010 09:44:18 (permalink)
      Chương 17
       
      Học đạo cần phải lãnh hội chỗ tâm yếu
       
      Lâm Tế ba lần hỏi Hoàng Bá về đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh.
      Lâm Tế bèn đến Ðại Ngu hỏi:
      - Có lỗi hay không lỗi ?
      Ðại Ngu nói:
      - Hoàng Bá lòng từ bi thống thiết, vì muốn ông được triệt ngộ, mà ông còn đến
      hỏi có lỗi hay không lỗi.
      Ngay lời nói này, sư liền đại ngộ nói:
      - Té ra Phật pháp của Hoàng Bá chẳng có gì đặc biệt.
      *
      Hưng Hóa đến Ðại Giác làm Viện chủ. Một hôm, Ðại Giác gọi:
      - Viện chủ! Ta nghe nói ông đi hành cước về phương nam một lần, đầu gậy
      chưa từng đánh trúng một người  hội Phật pháp. Ông dựa vào đạo lý nào mà nói như thế?
      Sư liền hét. Ðại Giác liền đánh. Sư lại hét. Ðại Giác lại đánh.
      Hôm sau, Sư từ pháp đường đi ra. Ðại Giác mời Viện chủ lại, hỏi:
      - Ta nghi hai cái hét của ông ngày hôm qua.
      Sư lại hét. Ðại Giác lại đánh. Sư hét nữa. Ðại Giác đánh nữa.
      Sư nói:
      - Tôi ở chỗ Sư huynh Tam Thánh học được câu khách chủ, hết thảy đều bị sư
      huynh đốn ngã. Xin Hòa thượng cho tôi pháp môn an lạc.
                  Ðại Giác nói:
      - Tên mù này đến đây bị thua rồi, hãy cởi áo nạp ra ta đánh cho một trận.
      Ngay lời này, Sư liền hội được đạo lý của Tiên sư Lâm Tế bị Hoàng Bá cho ăn
      đòn.
      Thiền sư Quy Tỉnh lúc mới đến tham Tây Viện, bèn hỏi:
      - Lúc toan hỏi mà chẳng hỏi thì sao?
      Tây Viện liền đánh Sư im lặng giây lâu. Tây Viện nói:
      - Nếu gọi là đánh thì mày râu đều rụng.
      Ngay lời này, Sư liền đại ngộ.
      *
      Tăng thưa Triệu Châu:
      - Học nhân vừa nhập tòng lâm, xin Thầy chỉ dạy.
      Triệu Châu bảo:
      - Ăn cháo rồi.
      - Rửa bát đi !
      Vị tăng này hoát nhiên đại ngộ.
      Về sau, Ðại sư Vân Môn làm lời niêm rằng: “Hãy nói xem là có chỉ dạy hay
      không chỉ dạy? Nếu nói có, thì Triệu Châu  dạy cái gì cho ông Tăng kia? Nếu nói không, thì  ông Tăng kia làm sao ngộ?”
      *
      Thiền sư Ðiểu Sào Ðạo Lâm, nhân thị giả Hội Thông đến lạy từ giã thưa:
      - Con vì pháp mà xuất gia, Hòa thượng chẳng xót thương chỉ dạy. Nay con xin
      đi nơi khác học Phật pháp.
                  Sư bảo:
      - Nếu là Phật pháp thì ở đây ta cũng có chút ít.
      - Thế nào là Phật pháp ở đây của Hòa thượng?
      Sư bứt cái lông của vải áo giơ lên thổi ngay mặt, thị giả liền đại ngộ.
      *
      Thiền sư Long Ðàm Tín một hôm thưa với Thiên Hoàng:
      - Con từ khi đến ở đây tới nay không được thầy chỉ dạy tâm yếu.
      Thiên Hoàng bảo:
      - Từ khi ông đến đây tới nay, ta chưa từng không chỉ dạy tâm yếu.
      - Thầy chỉ dạy chỗ nào?
      - Ông đem trà đến thì ta tiếp nhận. Ông đem cơm đến, ta vì ông mà ăn. Lúc ông
      lễ bái ta gật đầu. Có chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu đâu?
      Sư cúi đầu im lặng giây lâu.
      Thiên Hoàng bảo:
      - Thấy thì liền thấy, suy nghĩ tức là trật.
      Sư liền ngộ và hỏi:
      - Làm sao bảo nhậm?
      - Nhậm tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ cần dứt hết tâm phàm tục
      chứ không có thánh giải nào khác.
      *
      Tăng hỏi Triệu Châu:
      - Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?
      Triệu Châu đáp:
      - Cây bách trước sân.
      - Hòa thượng chớ đem cảnh lừa người.
      - Ta chẳng đem cảnh lừa người.
      - Hòa thượng chẳng đem cảnh lừa người thì con xin hỏi lại: Thế nào là ý Tổ sư
      từ Ấn Ðộ sang?
      - Cây bách trước sân.
      Ngay lời này, vị Tăng liền đại ngộ.
      *
      Hòa thượng Diệp Huyện Tỉnh, nhân Tăng thỉnh ích về câu thoại đầu “Cây bách
      trước sân” của Triệu Châu, Ngài nói:
      - Ta chẳng chối từ nói cho ông, nhưng ông có tin ta chăng?
      - Lời Hòa thượng  rất quý trọng, lẽ nào con dám không tin.
      - Ông có nghe tiếng giọt mưa rơi trước thềm chăng?
      Ông Tăng thoạt nhiên bất giác thất thanh la: A!
      Sư hỏi:
      - Ông thấy cái đạo lý gì?
      Vị Tăng làm bài tụng đáp:
      Giọt nước đầu thềm
      Rõ ràng từng giọt
      Ðập vỡ càn khôn
      Ngay đó tâm tuyệt.
      *
      Hòa thượng Ðộng Sơn Sơ lúc mới tham vấn Vân Môn.
      Vân Môn hỏi:
       - Vừa từ đâu đến?
      Sư thưa:
      - Từ Tra Ðộ đến.
      - Mùa hạ rồi ông ở đâu?
      - Chùa Báo Từ ở Hồ Nam.
      - Rời chỗ ấy vào lúc nào?
      - Ngày 25 tháng 8.
      - Tha ông ba gậy.
      Ngày hôm sau, Sư đến thưa hỏi:
      - Hôm qua nhờ Hòa thượng tha cho ba gậy, mà con chẳng biết lổi ở chỗ nào?
      - Cái túi cơm! Giang Tây, Hồ Nam thế ấy hử!
      Ngay lời này, Sư liền đại ngộ và nói:
      - Về sau, con sẽ đến chỗ không người, chẳng chứa một hạt gạo, chẳng trồng
      một cọng rau, tiếp đãi người mười phương tới lui để tháo đinh mở chốt, lột cái khăn thịt mỡ, cởi cái áo sương thúi cho họ và dạy họ thênh thang phóng khoáng làm nạp tăng vô sự, há chẳng khoái sao?
      Vân Môn nói:
      - Thân ông lớn bằng trái dừa mà mở miệng to như thế.
      Sư liền lễ bái.
      *
      Tôn giả Nghiêm Dương lúc mới đến tham Triệu Châu, hỏi:
      - Lúc một vật chẳng đem đến thì thế nào?
      Triệu Châu đáp:
      - Buông hết đi.
      - Ðã là một vật chẳng đem đến thì lấy cái gì để buông hết?
      - Buông chẳng được thì gánh đi!
      Ngay lời này, Sư liền đại ngộ.
      *
      Có vị Tăng hỏi Thiền sư Quy Tông Thức Nhãn:
      - Phật là gì?
      Quy Tông đáp:
      - Ta nói với ông, ông có tin không ?
      - Lời thật của Hòa thượng, con đâu dám không tin.
      - Chỉ là chính ông vậy.
      - Tăng nghe lời Ngài nói, suy nghĩ giây lát rồi thưa:
      - Con là Phật, còn bảo nhậm như thế nào?
      - Một khi con mắt bệnh  thì hoa đốm lăng xăng.
      Ngay lời này, Tăng hốt nhiên khế ngộ.
      *
      Pháp Nhãn đã từng tham Ðịa Tạng. Một hôm, Ngài trình kiến giải nói về đạo lý.
      Ðịa Tạng nói với ngài rằng:
      - Phật pháp chẳng phải như thế.
      Sư thưa :
      - Con đã hết lời cùng lý rồi.
      Ðịa Tạng bảo:
      - Nếu luận về Phật pháp thì tất cả sẵn sàng.
      Ngay lời này, Pháp Nhãn đại ngộ.
      *
      Thiền sư Hương Nghiêm Nhàn đến tham Quy Sơn.
      Quy Sơn hỏi:
      - Ta nghe nói ông ở chỗ Tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp
      trăm. Ðó là sự thông minh lanh lợi của ông. Ý giải thức tưởng là căn bản sanh tử. Lúc cha mẹ chưa sanh, ông thử nói một câu xem?
      Sư bị câu hỏi này làm mờ mịt. Trở vê, liền đem những văn tự bình nhật đã xem dò
      lại để tìm một câu đối đáp, rốt cuộc không được, bèn than:
      - Bánh vẽ không no được bụng đói.
      Một hôm cuốc cỏ, ngẫu nhiên Sư ném một viên ngói chạm vào cây trúc vang lên một tiếng. Sư hốt nhiên tỉnh ngộ
      #18
        Leo* 28.02.2010 09:46:23 (permalink)
        Chương 18
        Học Ðạo Cần Phải Biết Xác Thực Kiến Ðịa Cạn Sâu
         
        Ðại sư Vân Môn nói:
        Dẫu cho càn khôn đại địa không mảy may lầm lỗi vẫn còn là chuyển cú, chẳng thấy một sắc mới chỉ là bán đề, lại cần phải biết có cái thời tiết toàn đề nữa.
        Ngài Vân Môn nói:
        Pháp thân cũng có hai thứ bệnh: Ðược đến pháp thân, mà vì pháp chấp chẳng quên, kiến chấp của mình hãy còn, nên chỉ ngồi bên cạnh pháp thân, đây là một bệnh. Dẫu cho thấu được pháp thân mà buông bỏ chẳng được, kiểm điểm kỹ càng lại có hơi hám gì cũng là bệnh.
        Ngài Ðại Huệ nói: Ngày nay, người học Phật pháp lấy sự thấu qua pháp thân làm cùng tột mà ngài Vân Môn trái lại cho đó là bệnh. Chẳng biết thấu qua pháp thân rồi, phải làm gì? Ðến đây như người uống nước lạnh nóng tự biết, chẳng cho hỏi người khác, hỏi người khác ắt là tai họa.
        *
        Thiền Sư Ðộng Sơn Giới nói:
        Thời đại mạt pháp con người nhiều càn huệ, muốn phân biệt chân ngụy, có ba thứ sấm lậu (rỉ chảy):
        1/ Kiến sấm lậu: Nghĩa là căn cơ chẳng rời địa vị, rơi vào biển độc. Ngài Minh An nói: Vì cái thấy bị kẹt nơi sở trị, nếu chẳng chuyển vị thì ngồi tại một sắc. Nói là sấm lậu vì ở trong ấy chưa tận thiện, cần phải phân biệt lại tung tích thì mới được tương tục huyền cơ diệu dụng.
        2/ Tình sấm lậu: Nghĩa là trí thường hướng theo thuận hoặc nghịch, chỗ thấy thiên khô. Ngài Minh An nói: Vì tình và cảnh viên dung, kẹt nơi thủ xả, trước sau thiên khô, cái giác chiếu soi chẳng hoàn toàn, là sóng thức lưu chuyển, là việc giữa đường, bên bờ. Cần phải mỗi câu phải lìa hai bên chẳng kẹt vào tình và cảnh.
        3/ Ngữ sấm lậu: Nghĩa là thể diệu mất tông, cơ muội sau trước. Người học trí ô trược lưu chuyển chẳng ra ngoài cái loại thứ ba này. Ngài Minh An nói: Thể diệu mất tông là kẹt nơi đường ngôi ngữ, câu mất tông chỉ, cơ muội sau trước là kẻ đương cơ tối tăm chỉ nhận trên ngôn ngữ nên tông chỉ chẳng viên mãn. Mỗi câu phải là vô ngữ trong hữu ngữ, hữu ngữ trong vô ngữ thì mới được cái diệu chỉ mật viên.
        *
        Quốc sư Vô Nghiệp nói:
        Giả sử có người ngộ lý có một tri một giải mà chẳng biết phép tắc trong ngộ này là cái cửa nhập lý, bèn cho rằng hằng ra khỏi danh lợi thế gian, rồi vào trong núi ở bên khe, khinh thường bậc thượng lưu đến nỗi khiến tâm lậu chẳng hết, lý địa chẳng sáng, luống đến già chết sự nghiệp không thành, hao phí năm tháng. Dẫu cho có thông minh cũng chẳng địch nổi nghiệp, càn huệ chưa thoát khỏi luân hồi. Giả sử tài ngang Mã Minh, hiểu bằng Long Thọ, chỉ một đời hai đời chẳng mất thân người, do căn tánh sáng suốt đời trước thanh tịnh nên nghe qua liền hiểu.
        Truyền Ðăng Lục
        *
        Thiền sư Viên Ngộ nói:
        Người đại tử [1]đều không có Phật pháp, đạo lý huyền diệu, đắc thất, thị phi, trường đoản. Ðến chỗ này mà thôi nghỉ thì Cổ nhân gọi đó là trên đất bằng người chết vô số, qua được rừng gai góc mới là tay tài giỏi, cần phải thấu qua bờ bên kia mới được. Tuy nhiên như thế, nhưng người đời nay đến được chỗ đất này cũng thật là hiếm có. Hoặc như có người do nương tựa mà được giải hội thì không dính dáng gì. Hòa thượng Mai gọi đó là cái thấy chẳng tinh khiết, Tiên sư Ngũ Tổ gọi đó là mạng căn chẳng cắt đứt, phải một phen đại tử rồi sống lại mới được. Hòa thượng Chiết Trung Vĩnh Quang nói: Ngôn phong nếu sai, quê hương xa vạn dặm, phải trên vực thẳm buông tay, tự chịu đảm đương, chết đi sống lại, dối ông chẳng được, ý chỉ phi thường, người đâu giấu được.
        Bích Nham
        *
        Cổ nhân nói:
        “Nương theo lời cần phải hội được tông, chớ tự thiết lập quy củ”. Như người đời nay cho rằng cứ đuổi đi là xong, được thì được đó, nhưng vẫn còn ở trong mịt mờ lầm lạc. Nếu họ đến trước mặt bậc tác giả, các Ngài đem ba yếu ngữ ấn không, ấn bùn, ấn nước để nghiệm họ thì sẽ thấy như cây vuông tra vào lỗ tròn, không thể nào được!
        Bích Nham
        *
        Thiền sư Viên Ngộ nói:
        Người học đạo bắt đầu có niềm tin, chán thế gian phiền rộn, rất sợ chẳng được lối vào. Ðã gặp thầy chỉ thị hoặc nhân tự mình phát minh được cái chân tâm mầu nhiệm viên mãn, vốn tự đầy đủ từ xưa đến nay. Chạm cảnh gặp duyên tự biết mình không dính mắc, liền bảo thủ chỗ đó. Sợ chẳng thể ra được nên bèn làm khuôn sáo, ở trên cơ cảnh lập chiếu lập dụng, buông một tiếng hét, một cái đánh, nhướng mày trợn mắt một cách kỳ đặc, lại gặp bậc thầy đắc đạo tước đoạt cho hết những cái tri giải như thế, liền đó khế chứng cảnh giới bổn lai vô vi, vô sự, vô tâm, rồi sau đó mới hổ thẹn vì biết rằng chỗ cứu cánh hãy còn mờ mịt. Chư Thánh còn tìm chỗ khởi của nó chẳng được, huống là người khác! Sở dĩ ngài Nham Ðầu nói: “Người được nó chỉ giữ chỗ nhàn nhàn, trong suốt 24 giờ đồng hồ vô dục, vô y, đâu chẳng phải là pháp môn an lạc!”.
        Tâm Yếu
        *
        Hòa thượng Lạc Phổ thượng đường nói:
        Một câu rốt sau mới đến lao quan (cổng kiên cố), bẻ khóa yếu tân (cửa trọng yếu) chẳng chung phàm thánh.
        Ta thường nói với các ông: Mặc cho thiên hạ vui hớn hở, ta riêng chẳng chấp nhận. Muốn biết, bậc thượng lưu chẳng nên đem ngôn giáo của Phật Tổ dán trên trán, nếu giống như con quy mang cái hà đồ thì tự chuốc lấy cái điềm táng thân. Con chim phượng hoàng ở trong lưới vàng đến khi nào mới tung cánh được trên bầu trời cao lồng lộng, Phải nên ngoài ý chỉ mà rõ tông thú; chớ hướng vào ngữ ngôn mà nắm lấy cực tắc. Thế nên, người máy bằng đá in tuồng như ông biết xướng khúc Ba Ca thì ông cũng như người đá phải họa lại bản Tuyết Khúc.
        Hội Nguyên
        Hòa thượng BạchVân Ðoan nói:
        Cần phải ngộ mới được! Sau khi ngộ rồi, cần phải gặp thiện tri thức. Nhà ngươi nói: Ngộ rồi là xong, đâu cần gặp thiện tri thức. Nếu ngộ rồi lại gặp thiện tri thức thì đương lúc ra tay làm phương tiện hằn tự có đường xuất thân, chẳng làm mù mắt người học. Còn nếu chỉ ngộ được đầu cây cải khô thì chẳng những làm mù mắt người học mà khi chính mình cử động trước tiên phạm nhằm mũi nhọn bị thương tay.
        Hội Nguyên
        *
        Hòa thượng Ngũ Diện nói:
        Có một bọn tham thiền như giã bột lọc trong bình lưu ly, lại động chuyển chẳng được, xông xáo chẳng được, chạm nhằm liền vỡ. Nếu muốn đến chỗ sống linh hoạt thì chỉ cần tham thẳng nơi cái đảy da rách này[2]. Phải hướng thẳng lên núi cao chót vót buông tay xuống mà cũng chẳng bị vỡ, cũng chẳng bị hư.
        Bích Nham
        *
        Hòa thượng Hối Ðường dạy chúng:
        Nếu người chỉ thấu rõ tự kỷ mà chưa ngộ cái trước mắt, người này như có mắt mà không có chân. Nếu ngộ được cái trước mắt mà chẳng thấu rõ tự kỷ, người này như có chân mà không có mắt. Hai người này, trong hai mươi bốn giờ thường có một vật ngăn trong lồng ngực. Vật đã ở trong ngực thì cái tướng bất an thường ở trước mắt. Ðã ở trước mắt thì gặp việc, thành ra bị kẹt, làm sao mà được an ổn? Tổ chẳng nói:
        Chấp đó mất chừng (chánh đạo)
        Ắt vào đường tà
        Buông đó tự nhiên
        Thể không đi, trụ
        Đó sao!
        Chánh Pháp Nhãn Tạng
        *
        Hòa thượng Diệp Huyện Tỉnh nói:
        Tham học cần phải đủ mắt tham học. Kiến địa cần phải được câu kiến địa. Có lúc câu đến mà ý chẳng đến, chỉ là vọng duyên bóng dáng phân biệt của tiền trần. Có lúc ý đến mà câu chẳng đến thì như người mù sờ voi, mỗi người đều nói mỗi khác. Có lúc ý và câu đều đến thì đập vỡ cõi hư không, ánh sáng soi khắp mười phương. Có lúc ý và câu đều chẳng đến, như người không có mắt chạy ngang chạy dọc, hốt nhiên bất giác sa xuống hầm sâu.
        Hội Nguyên
        Thiền sư Huyền Sa Bị buồn vì đạo pháp khó nói, ít gặp người thượng căn, người học thường dựa theo ngữ ngôn mà sanh tri giải, theo chiếu mất tông, nên Ngài bèn dạy ba câu cương tông:
        Câu thứ nhất: Hãy tự đảm đương sẵn sàng đầy đủ, vì cả mười phương thế giới không có người nào khác mà chỉ là ông, lại bảo cái gì là thấy? Cái gì là nghe? Toàn là tại tâm vương ông làm ra, trọn thành bất động trí. Chỉ vì thiệu sự tự đảm đương nên nói là mở cửa phương tiện để khiến ông tin có một phần chân thường lưu chú, cùng xưa tột nay chưa có chẳng thị, chưa có chẳng phi. Nhưng câu này, chỉ thành pháp bình đẳng. Vì sao? Chỉ vì dùng lời để dẹp lời, lấy lý để đuổi lý, bình thường tánh tướng nhiếp vật lợi sanh mà thôi. Vả lại, đối với tông chỉ còn là chỉ biết rõ phía trước mà chẳng biết rõ phía sau, gọi là một vị bình thật, là chứng từng phần pháp thân, chưa có câu xuất cách, chết ở dưới câu, chưa có phần tự do. Nếu biết cái lượng xuất cách thì chẳng bị tâm ma sai khiến và đến trong tay bèn chuyển một cách lỗi lạc, nói là thông đại đạo chẳng rơi vào kiến giải bình thường trong lòng.
        Câu thứ hai: Xoay nhân về quả, chẳng mắc vào lý bình thường nhất như, phương tiện gọi là chuyển vị hợp cơ. Sanh sát tự tại, buông bắt tùy nghi, ra sanh vào tử làm lợi ích rộng lớn cho hết thảy chúng sanh, thoát khỏi cảnh sắc dục, ái kiến, phương tiện gọi là Phật tánh đốn siêu tam giới. Ðây gọi là hai lý cùng sáng, hai nghĩa đồng chiếu, chẳng bị hai bên làm động, diệu dụng hiện tiền.
        Châu thứ ba: Biết rõ cái gốc tánh tướng đại trí, kiến giải vượt bực, tối sáng rỗng suốt, trùm khắp pháp giới một thể tánh chân thật, đại dụng hiện tiền, ứng hóa cùng khắp mọi nơi, toàn dụng toàn bất dụng, toàn sanh toàn bất sanh, phương tiện gọi là cái cửa từ định.

         




        [1] Người đại tử là người hoàn toàn bặt hết tình thức như người chết, để rồi sau đó sống lại với cái tâm chân thật bất sanh  bất diệt sẵn có của mình (hoát nhiên đại ngộ)

        [2] Chỉ cho tự  kỷ
        ---o0o---
        #19
          Leo* 28.02.2010 09:48:14 (permalink)
          Chương 19
          Học Ðạo Cần Phải Biết Người Triệt Ngộ Bất Tất Hiềm Tri Giải
           
          Viễn Lục Công nói:
          Người chưa thấu triệt thì tham câu chẳng bằng tham ý. Người thấu triệt rồi tham ý chẳng bằng tham câu.
          Bích Nham
          *
          Thiền sư Hoàng Long Tâm sau khi đại ngộ vẫn sống chung lộn với chúng và thường hay vãng quyết cu Vân Môn. Ngài Huệ Nam thấy thế hỏi:
          - Biết việc này rồi thì thôi. Ông còn dụng rất nhiều công phu nữa để làm gì?
          Sư thưa:
          - Dạ chẳng đúng. Hễ còn một mảy mai nghi ngờ là chưa đến hàng vô học, đâu thể tự do tung hoành xoay trời chuyển đất được.
          Ngài Huệ Nam công nhận.
          Tăng Bảo Truyện
          *
          Thiền sư Viên Ngộ nói:
          Tham học với tiên đức đã lâu, hoặc có người thấy mà chưa thấu, hoặc có người thấm mà chưa sáng tỏ, đó gọi là thỉnh ích. Nếu thấy được thấu mà thỉnh ích thì cần phải ở trên ngữ cú chu toàn, không có ngưng trệ. Còn người tham lâu đã sáng tỏ rồi mà còn thỉnh ích nữa là cho giặc leo thang.
          Bích Nham
          Hòa thượng Quy Tông nói:
          Từ xưa, Cổ đức chẳng phải không có tri giải, song các ngài là bậc cao thượng chẳng đồng với bọn tầm thường hiện nay chẳng tự thành tự lập được. Chớ để thời gian luống qua vô ích!
          Ngài Dũng Tuyền nói:
          Kiến giải, ngôn ngữ thảy cần phải biết cho thấu triệt, nhưng nếu thức tình chẳng hết thì tôi dám nói là hãy còn luân hồi. Sao vậy? Vì thức lậu chưa hết. Ông chỉ cần dứt hết thức lậu thì bấy giờ mới được tự thành tự lập.
          Hội Nguyên
          *
          Thiền sư Ðại Huệ nói:
          Từ xưa, các bậc đại trí huệ đều lấy tri giải làm bè bạn, lấy tri giải làm phương tiện, ở trên tri giải thực hành lòng từ bình đẳng, ở trên tri giải làm các Phật sự như rồng gặp nước, như hổ tựa núi, không bao giờ cho là phiền, chỉ vì các ngài biết rõ được chỗ sanh khởi của tri giải.
          Tông Cảnh Lục chép:
          Nếu nói trí huệ quấy thì Ðại Trí Văn Thù chẳng nên xưng là Pháp vương tử. Nếu cho đa văn là lỗi thì Tỳ kheo Vô Văn (không nghe chánh pháp) lẽ ra chẳng bị đọa địa ngục. Phải biết lấy trí huệ hợp với đa văn kia để chẳng bao giờ chấp vào lời mà nhận ngón tay cho là mặt trăng, lấy đa văn làm rộng trí huệ kia để khỏi trở thành kẻ quê mùa day mặt vào vách. Sở dĩ nói: “Có trí mà không hạnh là thầy của nước (quốc gia), có hạnh mà không trí là dụng của nước, có trí có hạnh là vật báu của nước, không trí không hạnh là giặc của nước”. Thế nên, trí cần nên học, hạnh cần nên tu, thiếu trí là kẻ thù của đạo, không hạnh là kẻ giặc của nước. Phải biết: Xích xiềng của danh tướng, nếu chẳng phải là chìa khóa trí thì khó mở cho ra; tình tưởng kéo lôi, nếu chẳng phải gươm huệ thì khó mà chặt đứt.
           
          #20
            Leo* 28.02.2010 09:49:30 (permalink)
            Chương 20
            Học Ðạo Cần Phải Biện Câu Khách Chủ
             
            Hòa thượng Lâm Tế nói:
            Người tham học rất cần phải kỹ lưỡng như chủ khách gặp nhau, thì liền có ngôn luận qua lại, hoặc ứng vật hiện hình, hoặc toàn thể tác dụng, hoặc nắm cơ quyền hỷ nộ, hoặc hiện bán thân, hoặc cưỡi sư tử, hoặc cưỡi tượng vương.
            Như có học nhân chân chánh hét, trước tiên đưa ra bồn keo, thiện tri thức chẳng biện cảnh này, bèn lên trên cảnh của người làm mô làm dạng. Học nhân bèn hét, thiện tri thức chẳng chịu buông. Ðây là bệnh nặng chẳng trị được, gọi là khách xem chủ.
            Hoặc là thiện tri thức chẳng đưa ra vật, tùy theo chỗ của bọn học nhân liền đoạt, học nhân bị đoạt đến chỗ chẳng còn gì để buông. Ðây gọi là chủ xem khách.
            Hoặc có học nhân đưa một cảnh thanh tịnh ra trước thiện tri thức, thiện tri thức biện được cảnh này, nắm được ném vào hầm. Học nhân nói: “Hay thay! Thiện tri thức”. Thiện tri thức liền bảo: “Dốt! Không biết tốt xấu”. Học nhân bèn lễ bái. Ðây gọi là chủ xem chủ.
            Hoặc có học nhân bị mang cùm đeo xích ra trước thiện tri thức, thiện tri thức lại chồng thêm cho một lớp cùm xích nữa. Học nhân vui mừng, bỉ thử chẳng biện. Ðây gọi là khách xem khách.
            *
            Hòa thượng Thủ Sơn Niệm dạy chúng:
            Các thượng tọa chẳng được hét mù hét bậy. Ta thường nói với các ông: Khách thì trước sau vẫn là khách, chủ thì trước sau vẫn là chủ, khách không hai khách, chủ không hai chủ. Nếu có hai khách hai chủ thì hai cái đều thành kẻ mù. Do đó, ta nếu đứng, ông phải ngồi; ta nếu ngồi; ông phải đứng. Ngồi thì vì ông mà ngồi, đứng thì vì ông mà đứng. Tuy nhiên như thế, phải mau để mắt mới được.
             
            #21
              Leo* 28.02.2010 09:51:36 (permalink)
              Chương 21
              Học Ðạo Cần Phải Biện Công Phu Thực Tiễn

               
              Hoàng đế Ðường Tuyên Tông hỏi Thiền sư Hoàng Biện:
              - Ðốn kiến là gì? Tiệm tu là gì?
              Sư đáp:
              - Liền rõ tự tánh cùng Phật không khác là đốn kiến, nhưng vì ô nhiễm huân tập từ vô thỉ nên phải nhờ có tiệm tu để đối trị, khiến thuận theo tánh mà khởi dụng, như người ăn cơm chẳng phải một búng liền no.
              *
              Hòa thượng Quy Sơn thượng đường dạy:
              Tâm của người học đạo phải ngay thẳng chân thật, không dối trá, không có tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh, bất cứ lúc nào thấy nghe bình thường không chiều uốn, cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ cần tâm chẳng chạy theo vật là được. Từ trước, các Thánh chỉ nói: “Bên bợn nhơ là lỗi lầm”. Nếu không có các thứ thấy biết xấu xa, chấp trước theo tình và thói quen vọng tưởng nhiều như thế thì ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng yên, không động không ngại, gọi người này là đạo nhân, cũng gọi là người vô sự.
              Khi ấy, có vị Tăng hỏi:
              - Người đốn ngộ rồi còn tu nữa chăng?
              Sư bảo:
              Nếu người khi thật ngộ được bản tánh thì họ tự biết, tu cùng không tu chỉ là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thỉ chưa có thể liền hết, nên cần phải dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không nên nói có một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe vào được lý, nghe lý sâu mầu tâm tự tròn sáng không có chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm nghìn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi mặc áo, tự biết tạo sanh kế.
              Nói tóm lại, chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp. Nếu được như vậy là một mình cầm đao xông thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Như Như Phật.
              Hội Nguyên
              *
              Ðạt Ma bảo Nhị Tổ:
              Chánh pháp nhãn tạng nay ta phó chúc cho ông. Sau khi ta diệt độ hai trăm năm, y ngưng lại chẳng truyền, pháp bủa cùng khắp, kẻ biết đạo thì nhiều, người hành đạo thì ít, kẻ nói lý thì nhiều, người thông lý thì ít, người thầm khế hợp mật chứng hơn cả ngàn muôn. Ông nên xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ, một niệm hồi cơ bèn đồng bản đắc.
              *
              Có vị Tăng hỏi Hòa thượng Ðại Châu:
              - Thế nào là tu hành?
              Sư đáp:
              - Chỉ cần đừng ô nhiễm tự tánh tức là tu hành, đừng tự dối trá tức là tu hành, đại dụng hiện tiền tức là pháp thân vô đẳng đẳng.
              Truyền Ðăng Lục
              Thiền sư Dũng Tuyền Hân thượng đường dạy:
              Ta bốn mươi chín năm tại chỗ này còn có tẩu tác, bọn các ông chở mở miệng to. Kẻ kiến giải thì nhiều, còn người hạnh giải thì trong muôn người mới có một. Kiến giải, ngôn ngữ thảy cần phải cho thấu triệt, nhưng nếu thức tình chẳng hết thì tôi dám nói là hãy còn luân hồi. Sao vậy? Bởi vì thức lậu thì bấy giờ mới được tự thành tự lập.
              Hội Nguyên
              *
              Thiền sư Ðại Huệ nói:
              Việc này thật chẳng phải dễ dàng, cần phải sanh lòng hổ thẹn mới được. Thường thường người lợi căn thượng trí được nó chẳng phí sức bèn sanh tâm khinh dễ mà không tu hành. Họ phần đông bị cảnh giới trước mắt cướp đoạt mang đi, làm chủ tể chẳng được, ngày qua tháng lại mê man chẳng tỉnh, đạo lực không thắng được nghiệp lực, nên ma được dịp thuận tiện phá hoại, chắc chắn bị ma nắm quyền sai sử đến lúc mạng chung cũng chẳng đắc lực.
              *
              Thiền sư Viên Ngộ nói:
              Như người học bắn lâu ngày mới bắn trúng đích, ngộ thì khoảng sát na mà công phu tu hành cần phải hàm dưỡng lâu dài. Như con chim bột cưu mới nở ra xương đã đỏ, nuôi dưỡng đút mồi, ngày qua tháng lại lông cánh đầy đủ mới có thể bay liệng cao xa được, do đó người ngộ thấu triệt rồi, còn cần phải điều phục tập khí nữa!
              Tâm Yếu
              *
              Ngài Viên Ngộ nói:
              - Lý cần phải đốn ngộ. Sự cần phải tiệm tu.
              Tâm Yếu
              *
              Ngài Nam Tuyền nói: Ta lúc trên mười tám tuổi đã biết tại sinh kế.
              Ngài Triệu Châu nói: Ta lúc trên mười tám tuổi đã biết phá tan nhà cửa.
              Và nói: Ta ở phương Nam hai mươi năm, trừ hai thời cơm cháo là lúc dụng tâm tạp.
              Thiền sư Ðộng Sơn Giới nói: Cần phải tâm tâm không chạm vật, bước bước không chỗ nơi, thường chẳng gián đoạn, mới được chút phần tương ưng.
              Truyền Ðăng Lục
              *
              Thiền sư Ðại Từ Hoàn Trung nói:
              Nói được một trượng chẳng bằng làm được một tấc.
              Ngài Ðộng Sơn lại nói:
              - Nói cái làm chẳng được không bằng làm cái nói chẳng được.
              Hòa thượng Hối Ðường Tâm nói:
              - Tôi đầu tiên vào đạo tự thị rất dễ, đến khi gặp Tiên sư Hoàng Long rồi, nghĩ lại mọi việc hằng ngày của mình cùng với lý mâu thuẫn rất nhiều, bèn nổi lực tu hành ba năm dẫu cho lạnh lẽo, nóng bức chí thẳng đổi dời. Sau đó, mới được mọi việc đúng như lý, mà nay khạc nhổ, quơ tay cũng đều là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang.
              Thiền Môn Bảo Huấn
              *
              Hòa thượng Hương Lâm Viễn nói:
              Lão tăng phải mất bốn mươi năm mới “nhồi thành một khối” được. Ngài Viên Ngộ nhắc lại lời này để khuyên người muốn triệt ngộ phải siêng năng thực hiện công phu. Thật là có ý!
              *
              Thiền sư Khuê Phong nói:
              Chân lý liền ngộ mà chóng viên mãn, vọng tình muốn dứt phải dần dần mới hết. Chóng viên mãn như trẻ mới sanh ra một ngày mà chi thể đã hoàn toàn đầy đủ. Tiệm tu như nuôi dưỡng nó nhiều năm chí khí mới lập.
              Hội Nguyên
              *
              Thượng thư Ôn Tháo ở Sơn Nam hỏi ngài Khuê Phong:
              - Người ngộ lý dứt vọng chẳng kết nghiệp, sau khi mạng chung linh tánh nương tựa vào đâu?
              Sư đáp:
              Tất cả chúng sanh không ai chẳng đủ giác tánh linh minh không tịch cùng Phật không khác. Chỉ vì từ vô thỉ kiếp đến nay chưa từng liễu ngộ, vọng chấp thân làm ngã tướng nên sanh ra các thứ tình cảm thương, ghét… Theo tình tạo nghiệp, theo nghiệp thọ báo, sanh già bệnh chết nhiều kiếp luân hồi. Nhưng giác tánh trong thân chưa từng sanh tử, như chiêm bao thấy bị đuổi rượt mà thân vốn an nhàn, như nước thành băng mà tánh ướt vẫn không đổi. Nếu hay ngộ được tánh này tức là pháp thân vốn tự vô sanh đâu có nương gá, linh minh chẳng muội, rõ ràng thường biết, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Nhưng vọng chấp nhiều đời, tập quán thành tánh mừng, giận, buồn, vui vi tế lưu chú. Chân lý tuy nhiên liền đạt mà tình này khó thể dẹp ngay, cần phải luôn luôn giác sát để cho chúng càng ngày càng tổn giảm như gió ngừng liền mà sóng từ từ mới lặng, đâu thể tu một đời mà liền đồng lực dụng của chư Phật. Chỉ nên lấy không tịch làm tự thể chớ nhận sắc thân; lấy linh tri làm tự tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm nếu khởi đều chẳng theo nó thì đến lúc mạng chung nghiệp không trói buộc được, tuy có thân trung ấm mà chỗ đi tự do, trên trời trong người tuỳ ý nương gởi. Nếu niệm thương ghét đã hết thì chẳng thọ thân phần đoạn, tự có thể đổi dở thành hay, đổi thô thành diệu. Nếu vi tế lưu chú tất cả đều lặng hết thì chỉ có viên giác đại trí chói sáng riêng còn, liền tùy cơ ứng hiện trăm ngàn muôn ức hóa thân độ chúng sanh có duyên, gọi đó là Phật.
              *
              Hòa thượng Viên Ngộ nói:
              Thuở xưa, bậc đạo cao đức dày bảo người đã thoát căn trần nên hoằng mật ấn, hai ba mươi năm dụng công phu một cách lạnh lẽo, lặng lặng, vừa có mảy may tri kiến liền quét sạch, cũng chẳng lưu lại dấu vết càn quét. Ở trên bờ bên kia buông tay, quên hẳn toàn thân thì chắc chắn được sống rất thích thú. Chỉ sợ khởi cái biết về hành động ấy thì cái biết đó là tai họa vậy.
              Hòa thượng Ðại An nói:
              - Ta ở Quy Sơn ba mươi năm nay, ăn cơm Quy Sơn, ỉa cứt Quy Sơn mà chẳng học thiền Quy Sơn, chỉ chăm một con trâu cổ. Nếu nó lạc vào đám cỏ thì kéo nó ra, còn nếu nó chạm vào lúa mạ của người thì đánh lôi ra. Ðiều phục đã lâu, thật dễ thương vì nó đã chịu nghe lời. Nay nó đã biến thành con trâu trắng lồ lộ thường ở trước mặt suốt ngày đuổi cũng chẳng đi.
              Chánh Pháp Nhãn Tạng
              *
              Thiền sư Viên Ngộ nói:
              - Sau khi được ý chỉ phải miên mật tương tục giữ gìn khiến không gián đoạn để trưởng dưỡng thánh thai. Dẫu cho gặp cảnh giới ác mà vẫn có khả năng dùng được định lực chánh tri kiến dung nhiếp nó khiến thành một phiến thì cơn biến đổi lớn sanh tử chẳng đủ làm động lòng mình, hàm dưỡng được lâu năm sẽ thành con người vô vi, vô sự, đại giải thoát, đâu chẳng phải là chỗ làm đã xong, việc hành cước đã rồi ư!
              Tâm Yếu
              *
              Thiền sư Hưng Thiện Duy Khoan được vua Hiến Tông thỉnh vào cung, quan Thị lang Bạch Cư Dị từng hỏi rằng:
              - Ðã gọi là Thiền sư, tại sao thuyết pháp?
              Sư đáp:
              - Vô thượng Bồ đề mang ở thân là luật, nói ở miệng là pháp, hành ở tâm là thiền. Ứng dụng có ba, nhưng chỉ một mối. Ví như nước sông Hoài, sông Hán tùy theo chỗ đặt tên, tên tuy chẳng phải một mà tánh nước không hai. Luật tức là pháp, pháp chẳng rời thiền, tại sao trong đó lại lầm khởi phân biệt!
              - Ðã không phân biệt thì lấy gì để tu tâm?
              - Tâm vốn không tổn thương, đâu cần tu sửa. Không luận nhơ cùng sạch, nhất thiết đừng khởi niệm.
              - Nhơ chẳng nên niệm thì phải, còn sạch cũng chẳng nên niệm nữa sao?
              - Như không nên bỏ một vật gì hết vào trong con mắt, mạt vàng tuy quý nhưng rơi vào con mắt cũng thành bệnh.
              - Vô tu, vô niệm thì đâu có khác gì phàm phu?
              Phàm phu vô minh, Nhị thừa chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu chẳng được siêng, chẳng được quên. Siêng tức là gần với chấp trước. Quên tức là rơi vào vô minh. Ðây là tâm yếu vậy.
              Hội Nguyên
              *
              Hòa thượng Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
              - Này Huệ Tịch! Tâm thức ông vi tế lưu chú không đến đã được mấy năm rồi?
              Ngưỡng Sơn chưa vội đáp, hỏi vặn lại:
              - Hòa thượng không đến đã được mấy năm rồi?
              Lúc đó, Tổ Quy Sơn bảy mươi tuổi, đáp Ngưỡng Sơn:
              - Lão tăng không đến đã bảy năm rồi.
              Ngưỡng Sơn thưa:
              - Huệ Tịch con chính đang náo loạn.
              Lời bình của ngài Ðại Huệ: Lấy đây mà xét, chỗ này lấy thô tâm nói không để mà dối nhau được chăng? Thật ra, phải là người có lực lượng lớn mới được!
              Ðại Huệ Phổ Thuyết
              #22
                Leo* 28.02.2010 09:53:10 (permalink)
                Chương 22
                Học Ðạo Cần Phải Ðến Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ



                 
                Từ lâu tập sách này hoàn thành đến chương Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ, tôi không viết thêm nữa.
                Một hôm, có một vị tăng hỏi:
                - Am chủ trứ tác tập này rất tiện cho người sơ học xem. Nhưng đến chương Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ, tại sao Ngài không viết?
                Tôi đáp:
                - Ta chẳng biết, ta chẳng hội.
                Tăng hỏi:
                - Am chủ vì sao lời chưa hết?
                Tôi vỗ tay cười ha hả. Ông Tăng ấy mù tịt. Tôi làm bài kệ: “Bốn oan nghi trong núi” để trình bày cái chí của mình như sau:
                Ði trong núi
                Thẳng đường chim chân trần đầu trụi
                Gặp hùm beo chạm vuốt nhe nanh
                Trở về trong dáng lặng thinh
                Cùng ai chiếc gậy thầm kinh nhau kìa!
                Ðứng trong núi
                Chỉ hằng biết chiều chiều sớm sớm
                Khách tới thăm gạn vấn làm chi!
                Muôn non nghìn núi uy nghi
                Nộ cuồng thét tiếng vang trời đáp ngay.
                Ngồi trong núi
                Tu Di nọ một tòa ngồi dựa
                Ðâu phải là chán mứa Thiền tông
                Chỉ hay khéo học đạo nhàn
                Ðem manh y rách khâu lần cho vui.
                Nằm trong núi
                Bụng no nê đánh khò một giấc
                Gối êm ru tỉnh mặc an hòa
                Mừng thay! Chẳng kẻ tìm ta
                May thay! Hàng ế không người tìm mua.
                Phụ dịch âm chữ Hán:
                Sơn trung hành
                Xích cước tiêm đầu điểu đạo bình
                Phùng trước đại trùng xúc nha trảo
                Quy lai trượng tử ám tương kinh.
                Sơn trung trụ
                Chỉ thức tùng triêu hựu đáo mộ
                Khách lai nhược vấn nhân thập ma
                Vạn nhạc thiên phong nổ lực nộ.
                Sơn trung tọa
                Kháo thủ Tu Di na nhất tọa
                Bất thị quyện thiền học lạc đà
                Thời bả nạp y dục bổ phá.
                Sơn trung ngoạ
                Bảo câu câu địa tiêu nhất cá
                Mặc diệu thao huy phó chẩm nhi
                Hạnh nhiên vô nhân cầu truệ hóa.
                 
                Bạt
                 
                Cổ đức nói: “Biết nhiều về ngôi hạnh của người xưa là để thành lập chi chí của mình”.
                Tiên sư Nhất Ty đã từng ở ẩn trong núi Ðan, những lúc rảnh rang, Sư xem qua các kinh sách Trung Hoa, Thiên Trúc (Ấn Ðộ) thâu thập ngôn hạnh của người xưa biên soạn lại thành một tập sách nhan đề Truy Môn Bảo Tạng Tập (bản dịch này đề Kho Báu Nhà Thiền) gồm ba quyển[1] chia thành hai mươi hai chương. Mở đầu là quyết định lòng tin lấy sự sợ sanh tử làm gốc. Sau cùng lấy sự siêng năng thực hành công phu để đạt đến chỗ hoàn toàn thôi nghỉ mới là cùng tột. Ở trong đó bao gồm những lời dạy như cần phải chọn thầy lựa bạn, lý kiến tánh minh tâm, cho đến con đường hướng thượng, câu tà chánh, khách chủ được phân tích trình bày theo bộ loại. Trong đó lại thêm phần bình luận để chiết trung. Vì thế, sách này được người học luôn luôn truyền nhau gìn giữ như viên ngọc quý.
                Khi tôi được xem qua thì thấy từ ngữ dùng lẫn lộn cho nhau rất nhiều, nên mùa đông năm ngoái, tôi xem kỹ lại tập sách này, đại khái tôi có đính chính và thêm dấu chấm câu để tiện cho người sơ học xem, song e rằng vẫn còn nhiều sơ sót. Nay xin đem khắc bản lưu truyền lại đời sau cho hàng hậu tấn. Người đọc nếu y theo những lời dạy trong đây mà thực hành thì ắt thành tựu chí lớn của mình một cách chắc chắn. Bằng như người đời trước có linh cốt đủ siêu tông dị mục thì tập sách này cũng chẳng thành lời thừa với người ấy vậy!
                Vĩnh Nguyên, Tiểu Tỳ kheo Huệ Tuần
                Cẩn bạt.
                 








                 Trong bộ Thiền Học Ðại Thành, nguyên tác chữ Hán, thì tập Truy Môn Bảo Tạng chia thành ba quyển. Riêng đây, vì muốn cho các chương được liên tục nên được xếp từ chương I đến chương XXII


                Hết.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2010 11:36:18 bởi Leo* >
                #23
                  Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 23 trên tổng số 23 bài trong đề mục
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9