Hai người lính - Truyện ngắn Lê Văn
levancon 01.03.2010 10:02:40 (permalink)
HAI NGƯỜI LÍNH
                                                                     Truyện ngắn - Lê Văn
 
        Hùng gắng gượng ngồi dậy cho khuây khoả. Nằm mãi nó ê chề, nhức nhối. Miệng thì đắng nghét. Mắt có lúc hoa lên như ngàn vạn con đom đóm đang nhảy múa. Tai lùng bà lùng bùng như có ai gõ đập liên hồi trong đó. Ngồi dậy được là anh đã thấy đỡ nhiều lắm rồi.
        Mấy tháng trước, đang vào mùa gieo cấy, cố làm cho kịp thì vụ, vậy là anh ngã bệnh. Vẫn là căn bệnh có từ hơn 30 năm trước, nó cứ đeo đẳng. Mảnh pháo chết tiệt ấy, người ta đã gắp nó ra, ấy vậy mà mỗi khi trở trời, trái gió, mỗi khi quá sức nó lại hành tội anh đủ điều. Một năm đôi ba lần, người ta lại khiêng anh vào viện cấp cứu. Vợ con bìu ríu, đến khổ. Cũng may có thằng em ở gần, nó đỡ đần lúc ốm đau. Đấy là những lúc như thế này anh nghĩ vậy, trước mặt nó, nói ra thế nào nó cũng mắng át đi: “Em đã nói rồi. Sao anh cứ nhắc hoài cái chuyện ơn huệ. Không có anh, liệu cuộc đời em sẽ đi về đâu. Sao chuyện ấy anh không tính?”. Mấy hôm nay nó vắng nhà. Nó đùm đề đưa con bé thứ hai ra Hà Nội thi đại học. Vắng nó mới có mấy ngày mà anh thấy buồn quá. Nghĩ mà thương nó. Số nó khổ. Được cái sống có tình, có nghĩa. Vợ anh ra đồng khi chưa hừng đông. Sắp gặt rồi, không biết cô ấy ra ngoài đó làm gì. Chưa bảnh mắt là mò ra đồng. Biết làm sao được. Nghĩ thương cô ấy lam lũ mà anh chẳng đỡ đần được bao nhiêu. Sắp vào mùa rồi, giá có mấy đứa ở nhà phụ giúp.
        Ngồi thu lu một mình trên giường trong ngôi nhà quạnh quẽ, nghĩ hết chuyện đông chuyện tây đến chuyện đồng chuyện áng, rồi như một lối mòn, anh lại nghĩ về những ngày mặc áo lính. Quái lạ, cứ mỗi lần vết thương tái phát hành hạ, là chuyện súng ống, đạn bom lại lôi anh về quá khứ. Không sao dứt nó ra được. Lắm lúc cứ muốn quên đi. Quên đi để mà nghĩ một điều gì đó hay ho hơn, mới mẻ hơn, vậy mà khó quá. Thôi kệ. Tư duy nó vậy, cái đầu nó vậy, ta chiều. Hùng nhắm mắt lại, mặc cho kỉ niệm của những ngày đầm mình trong gian khổ, bom đạn ác liệt ào về...
 
***
 
        Hùng cố mở mắt để nhìn quang cảnh sau trận đánh. Lờ nhờ trong ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt là cảnh hoang tàn của ngọn đồi. Mới chiều qua, con suối cạn nơi anh nằm, cây cối còn xanh tốt là thế, vậy mà giờ đây tất như đã qua một cơn động đất dữ dội. Xung quanh vắng lặng. Một sự vắng lặng đến rợn người. Ít phút tỉnh lại giữa hai lần ngất xỉu, anh kịp nhận ra hoàn cảnh bi đát của mình.
Mũi tấn công chính của đại đội ở phía tây. Tổ của anh có nhiệm vụ luồn qua ngọn đồi, bọc sang hướng đông để đón lỏng quân địch khi chúng rút chạy. Biết là đại đội đã chọn ba tay súng gan lì nhất đi cùng anh, nhưng khi đi lòng anh vẫn gợn chút rờn rợn. Nếu đại đội đánh thắng, không sao. Nhưng không chiếm được đỉnh, bọn anh sẽ khó lòng rút về. Và rồi, chính cái đêm định mệnh ấy đã xô đẩy anh vào tình thế này của phần đời còn lại.
        Khi thấy pháo 175 li của tụi nó giã cấp tập vào phía tây, rồi kéo dần lên phía đông ngọn đồi, anh biết là chúng nó đã bỏ chạy. Bốn băng đạn, chỉ còn một. Năm trái lựu đạn, ném bốn. Chẳng biết bao nhiêu thằng đã chết, chỉ biết rằng, anh đã kịp nấp vào một hố đất sâu để tránh những loạt pháo bầy như trời giáng xuống sườn đồi anh đang nằm. Một quả pháo nổ cách chỗ anh trú chừng mươi lăm mét. Nghe ục một tiếng gọn lỏn, một cột lửa chói chang bùng lên. Theo đó, những đụn đen kịt trùm kín cả khu đồi. Hùng chỉ biết có vậy... Tỉnh dậy, toàn thân ê chề, rã rời. Anh không sao quờ quạng được. Đất đã lấp kín người. Pháo thưa dần rồi ngừng hẳn. Cái chân phải tê lụn, đau buốt như có ai đó đang róc từng miếng thịt. Không cử động được nữa. Chết cha, gãy rồi! Lại một mảnh găm vào đầu. Dồn sức bình sinh lên đôi tay, Hùng đào bới để thoát ra khỏi đống đất. Được rồi. Một mảnh pháo chém ngang ống chân phải. Lôi ra khỏi đống đất chèn lấp, máu tiếp tục chảy nóng hôi hổi. Lần tìm cuốn băng ở thắt lưng, Hùng bó chặt cái chân. Đã mấy lần rồi, Hùng như chết đi sống lại giữa cơn mộng mị...Con người nghĩ cũng lạ, cái bản năng mới mãnh liệt làm sao. Khi con tim còn đập là còn tìm được đường để mà tồn tại.
        Không còn những chùm pháo sáng đỏ ối. Ánh trăng nhạt đang phủ lên cảnh hoang tàn một thứ ánh sáng ma quái. Nồng nặc đủ thứ mùi sộc vào mũi đến khó chịu. Chắc là đơn vị đã tìm mình hết sức rồi, bị vùi lấp thế này, họ không tìm ra cũng phải. Sáng ra, chắc lại có người lên tìm tiếp. Biết còn sống đến lúc ấy không? Trong cảm giác mơ hồ, anh nghe dưới suối có bước chân bì bỏm và những cành cây răng rắc gãy. Khẩu AK chừng như chưa hết hơi nóng. Cách đây mấy tiếng, nòng súng có khi tưởng như bung ra. Anh áp nó vào ngực, lên đạn. Sờ tay, rút quả lựu đạn. Tiếng lội dưới suối nghe gần hơn.
        - Ai, đ...ứng lại...tôi bắn!
        - E...m, đừng bắn. Em là lính chiêu hồi, không có vũ khí, anh đừng bắn.
        Tiếng nói lơ lớ giọng Bắc, không phải lính mình. Nó lạc đơn vị giống mình đây.
        - Giơ hai tay lên và đi lại gần đây. Chỉ cần một cử chỉ chống đối của mày, tao bắn nát óc.
        Thằng nguỵ hai tay giơ lên trời, chân bước sấp, bước ngã đang lại gần Hùng hơn.
        - Anh ơi, em không muốn về với tụi nó nữa. Anh cho em đi theo với.
        Thằng nguỵ đã đến trước mặt anh. Nó cao, to như hộ pháp vậy. Tóc rối bời, áo quần xộc xệch. Trên người không một thứ tư trang, vũ khí. Nhìn bộ dạng hắn,    Hùng nghĩ chắc nó nói thật.
        - Thôi được, ngồi xuống. Kể tao nghe.
        - Các anh đánh dữ quá. Tụi nó chạy thục mạng. Chạy không kịp lôi theo những thằng chết. Em chạy xuống suối, trốn vào một cái hầm bỏ không, vứt hết tư trang, súng ống. Em không chạy theo chúng nó. Nghĩ thế nào các anh cũng quay lại, em sẽ xin đi theo.
        Chưa thể tin hắn nói, nhưng ít nhất lúc này Hùng đang cần hắn giúp đỡ. Vết thương ở chân anh máu vẫn chảy. Hai cuộn băng không đủ cầm máu. Đầu anh như có ai đó đang lấy búa mà gõ đập. Mắt cứ hoa lên chờn vờn. Anh lại ngất lịm đi.
Thằng nguỵ kéo Hùng ra một bãi đất bằng phẳng hơn. Nó cởi áo ngoài, xé chiếc áo thành những mảnh dài, bó chặt viết thương cho anh. Đoạn, nó bỏ đi.
        Mười phút sau nó quay lại. Trên tay là chiếc bi đông nhựa đầy nước. Nó mở nắp bi đông, rồi ghé vào miệng Hùng. Khát đến cháy cổ. Nước lúc này như liều thuốc quý. Hùng tỉnh lại.
        - Anh tỉnh lại rồi. Bây giờ em cõng anh đi. Anh cố gắng tỉnh để chỉ đường cho em.
        Thằng nguỵ khoác khẩu AK lên vai, cởi chiếc thắt lưng ngoài của Hùng đeo tư trang thắt vào lưng mình, bế anh đứng lên và cõng đi. Đêm đang vào sâu hơn. Tiếng côn trùng tưởng sau những chập pháo bầy dập xuống không còn nữa, lại rả rích. Xa lắm, con tắc kè đang thả vào đêm những tiếng dài khắc khoải. Đâu đó lại rộ lên những loạt súng bộ binh nghe quen tai. Cái chân phải của Hùng bị bó chặt, đau buốt tận tim gan. Phía dưới lại tê cứng, không còn cảm giác. Cái đầu cứ ong ong, u u. Vết thương ở đầu nhỏ nên không còn chảy máu. Hùng cứ oặt oẹo trên lưng thằng nguỵ. Như để cho Hùng đỡ đau, nó vừa thở hổn hển, vừa thao thao đủ thứ chuyện.
        Hắn tên là Ninh. Quê hắn tận miệt Đồng Nai, bị bắt lính trong một trận càn. Không thể trốn được nữa, hắn đành phải đến quân trường. Xong mấy tháng quật quả huấn luyện, hắn được điều ra chiến trường Vùng Một. Bố mẹ và đứa em gái đã bị bom và pháo dập chết trong trận càn năm ấy. Ăn lương ông Thiệu, cầm súng ông Thiệu mà hắn thù ổng suốt đời. Đã bao nhiêu lần hắn định đào ngũ, nhưng nghĩ chẳng biết đi đâu, về đâu. Và cuối cùng, hắn đã chọn con đường mà đêm nay người trên lưng đang chỉ cho hắn đi.
        Đi chừng 30 phút, Ninh lại đặt Hùng xuống. Nó lần tìm trên thắt lưng, trong cái bao đựng bi đông, bắt gặp bánh lương khô đã dập nát. Nó bẻ từng miếng nhỏ đưa vào miệng Hùng và thêm ngụm nước. Trăng hạ tuần như chiếc lưỡi liềm bằng bạc đang lặn dần xuống giữa mênh mông núi rừng. Từ phía Phá Tam Giang, màu bàng bạc của đêm đang chuyển sang màu hồng nhạt. Sắp sáng rồi. Đã qua 5 con suối, Hùng vẫn nhớ rõ. Vậy là đường về đơn vị không còn xa.
        Trời đã sáng rõ. Cả khu hậu cứ của đơn vị đang ngủ lịm đi sau một trận đánh. Trận ấy đánh thắng, và chắc chuyện thương binh, tử sĩ đã được lo chu tất trong đêm. Anh chỉ cho Ninh cõng anh xuống hầm đại đội trưởng. Ông ấy đang đánh răng bên bờ suối. Nhìn thấy một người cõng một người từ trên dốc xuống, ông sững lại trong giây lát. Ninh thấy ông cũng sững lại. Nó sợ. Hùng thều thào:
        - Cứ... đi đi, tao nói đỡ cho mày. Đừng... sợ!
        Khi đã nhận ra Hùng, ông chạy ào lên, đỡ Hùng xuống từ lưng Ninh. Ông nhìn Ninh từ đầu đến chân:
        - Đây là...là ai hả Hùng?
        Hùng cố gắng gượng trả lời ông:
        - A...nh bình tĩnh đi. Đây là một lính nguỵ đã cứu em. Chuyện dài lắm, rồi em sẽ kể anh nghe.
        Sáng đó, anh được đưa gấp lên bệnh xá trung đoàn. Hai ngày sau, người ta đưa anh lên bệnh viện quân khu. Cái chân do một mảnh pháo chém ngang, sượt qua xương. Trời thương tình, may mà xương chưa nát. Nơi bị thương nặng nhất lại không nguy hiểm bằng nơi bị nhẹ hơn là cái mảnh trên đầu. Một mảnh pháo nhỏ đã ghim vào cái đầu gan lì của Hùng. Và nó là thủ phạm kết thúc đời lính của anh. Chuyển ra Bắc, người ta đã mổ, vứt bỏ miếng gang tai quái ấy đi, vậy mà di chứng của nó lại đeo đẳng suốt phần đời còn lại của Hùng. Ấy là cuối năm bảy ba. Và bây giờ anh đang ngồi bó gối tại đây để luận tội nó - cái mảnh pháo quái quỷ kia.
 
***
 
        Kể từ ngày ra Bắc, lành vết thương anh về quê cưới vợ rồi sinh con. Khi tỉnh, anh cứ bị dày vò, ân hận. Sao đêm ấy mình không hỏi chuyện cặn kẽ hơn về Ninh? Hơn một năm rồi, anh không có tin tức gì về đại đội, về Ninh. Cậu ấy có được chấp nhận ở lại đơn vị không, còn sống hay đã chết? Khi vết thương tái phát, quằn quại trong cơn đau, anh gọi tên Ninh. Giá có Ninh bên cạnh những lúc sức khoẻ anh bi đát nhất. Dẫu là người lính phía bên kia, nhưng lúc lâm nguy ấy, tình người đã vượt lên tất cả. Ninh đã không bỏ anh mà đi.
        Giải phóng đã ba tháng rồi. Hùng cứ trông ngóng. Anh hi vọng sẽ có đồng đội từ đơn vị về. Cứ mòn mỏi chờ. Muốn biết tin đại đội, và hơn hết là tin về Ninh. Hình ảnh Ninh cứ ám ảnh trong anh không sao dứt ra được. Hùng vừa sửa lại mấy chiếc quang để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới, vừa nhìn xa xăm về phía cánh đồng đang chín rộ. Nắng thu đang dát vàng lên cánh đồng, đẹp và thanh bình đến lạ lùng. Từ xa, cuối cánh đồng, một bóng người đang tiến vào làng. Bóng người đến gần hơn. Một anh lính. Hùng vứt con dao xuống đất, chống tay đứng lên và đi ra ngõ. Đúng là lính rồi. Chắc nó vào tìm mình? Anh lính dừng lại hỏi han gì đấy với tụi nhỏ đầu làng, rồi đi như chạy về phía nhà Hùng. Sốt ruột quá, Hùng không thể đứng mãi thế này mà chờ. Cũng vừa đi vừa chạy, Hùng tiến nhanh về phía người lính. Anh đứng sững lại, dụi dụi đôi mắt, rồi lại ngước lên nhìn trô trố vào người lính. Trời ơi! Sao lại thế này, thằng Ninh! Ninh vứt chiếc ba lô xuống vệ đường, ôm chầm lấy Hùng. Trong khoảnh khắc, hai người lính như nghẹn lại. Họ siết chặt lấy nhau đến nghẹt thở. Hùng như muốn hít thật sâu mùi mồ hôi ngai ngái từ bộ quân phục của Ninh. Mùi mồ hôi ấy, hơn một năm trước anh đã bắt gặp.
        - Ma quỷ nào xui khiến mà mày lại mò về đây?
        - Thôi anh. Về đi, về nhà rồi em kể anh nghe.
 
***
 
        Hai người lính đi ra từ bom đạn, gặp nhau họ hỏi nhiều hơn là lắng nghe. Hùng cứ hỏi dồn dập, Ninh không sao trả lời kịp. Và rồi Hùng cũng đã lắng nghe Ninh nói. Uống trọn cốc nước, Ninh kể:
        - Sáng ấy, khi người ta cáng anh đi rồi, hai anh bộ đội dẫn em lên tiểu đoàn bộ. Ban đầu ông tiểu đoàn trưởng không tin em, không chấp nhận lời xin của em là được ở lại đơn vị của anh. Hai anh bộ đội bảo, chính em là người đưa anh từ trận địa trở về, vậy là ông ấy giao em cho ông chính trị viên trưởng. Chính trị viên hỏi em đủ mọi chuyện. Em kể hết, không giấu một điều gì. Một tuần sau, em được đưa về tiểu đội phục vụ của trạm phẩu. Nửa năm sau, em được về đơn vị của anh. Trời ơi! Anh biết thời gian ấy em sung sướng thế nào không. Cuối bảy tư, em bị thương. Nằm viện mất hai tháng. Cuộc đời mình tưởng phải gắn chặt vào khẩu súng của ông Thiệu. Ai dè...
        Đang cao hứng nhưng Ninh lại ngừng. Ninh uống thêm cốc nước nữa, và tiếp:
        - Anh biết không, cái ngày đánh vô Huế, đại đội ta oánh quá trời. Tiếc là không có anh ngày giải phóng. Vui nổ trời luôn. Nhưng hoà bình rồi em lại buồn. Buồn và tủi quá anh ạ - giọng Ninh chùng xuống, lặng đi.
        - Sao giải phóng rồi, mày lại buồn?
        - Cái hôm cõng anh về đơn vị, em đã kể rồi. Anh không nhớ sao?
        Nhớ rồi. Hùng sực nhớ ra là gia đình Ninh không còn ai. Hoà bình rồi, Ninh biết về đâu, về với ai?
        - Tuần trước đơn vị cho em nghỉ phép. Em ghi vào giấy là về Ninh Bình. Đại đội trưởng hỏi, vì sao không về Đồng Nai, lại ra Ninh Bình? Em bảo, phải ra ngoài này thăm anh và có chút việc riêng.
        - Thăm tao rồi, việc riêng của mày là gì? Tao có giúp được gì cho mày không?
        - Thì em về đây cũng là để nhờ anh giúp. Nhờ anh tìm xem quê em ở đâu, em sẽ về lại quê cũ sinh sống. Ở đấy, may ra còn anh em bà con. Hồi năm tư, gia đình em vào Nam. Ngày ấy em còn nhỏ nên giờ chẳng nhớ là quê mình ở làng nào, xóm nào. Vào trong ấy, bố mẹ không gọi tên bọn em như ở quê. Bố đặt lại tên em là Ninh, đứa em gái là Bình. Bố bảo, như vậy để chúng mày luôn nhớ về quê.
        - Thế tên cũ của mày là gì?
        - Tên cũ của em là Hiếu. Đứa em gái là Nụ.
        Nghe đến cái tên Hiếu, Nụ, tim Hùng như có một mũi dao lách qua. Nó đập loạn xạ như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
        - Thế bố mày tên là gì?
        - Bố em tên là Hiền, mẹ là Xuân.
        Nghe đến đấy, Hùng đứng phắt dậy rồi nhảy xuống khỏi chiếc phản. Cũng vừa lúc ấy, vợ anh đã về. Không kịp để Xuân vào nhà, mặt Hùng nhớn nhác:
        - Em chạy qua gọi bác Cả sang đây cho anh. Nhanh lên!
        Không hiểu ở nhà đã xẩy ra chuyện gì, bị đẩy đi, Xuân phải tất tả chạy sang nhà bác Cả.
        Ninh cũng rời khỏi phản. Anh không hiểu chuyện gì đang đến với Hùng. Ninh linh tính có chuyện hệ trọng. Ngoài ngõ, tiếng ông Dũng oang oang:
        - Có chuyện gì mà cô kéo tôi xềnh xệch thế này.
        Bác Cả vào nhà rồi, Hùng mời ông và Ninh ngồi vào bộ ghế kê giữa nhà, vừa nhìn chăm chăm vào Ninh, anh vừa nói với sang bác Cả:
        - Bác nhìn kĩ đi, xem đây là ai.
        - Thì đây là chú bộ đội. Mày hỏi chi lạ vậy?
        - Bác ơi, nhìn kĩ đi. Đây là thằng Hiếu. Thằng Hiếu con chú Hiền nhà ta.
        - Mày có nhầm không đấy.
        Hỏi là hỏi vậy, nhưng ông Dũng đã nhìn chằm chặp vào Ninh khi mới bước vào nhà. Ông đã ngờ ngợ. Cái đầu ấy, cái miệng ấy, sao mà giống chú Hiền đến vậy. Lại một hồi lục vấn nữa, rồi tất cả như vỡ oà. Hùng chồm sang ôm chầm lấy Ninh, siết chặt như hồi nó còn bé. Trên gò má nhăn nheo của Hùng, hai giọt nước trong veo lăm tròn. Đôi mắt Ninh đỏ hoe. Không kìm nổi cảm xúc sung sướng, Ninh gục vào vai Hùng nấc lên nghẹn ngào. Những giọt nước mắt nóng hổi cứ lăn dài, rồi nhoè đi khi qua vết sẹo trên gò má. Anh không biết mình đang ở trong mơ hay thực.
 
***
 
        Chiến tranh đã làm cho chú bác, anh em gia đình Hùng li tán. Và rồi chiến tranh lại đẩy đưa để anh em Hùng hội ngộ. Hùng nghĩ, chuyện như trong phim, trong truyện và hơn cả trong mơ. Hơn 30 năm rồi, hai người lính - hai anh em Hùng lại sống bên nhau. Mất mát đã nhiều nhưng hạnh phúc cũng lắm. Nghĩ đến đấy, Hùng như thấy khoẻ lại. Anh xuống giường và lần ra khu vườn quen thuộc. Gió từ cánh đồng lúa đang chín rộ lùa về mát rượi. Hùng thấy vui lây cùng chú chích choè đang líu lô trong rặng tre cuối vườn.
                                                                                           Hà Tĩnh, tháng 6/2009
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.03.2010 10:13:05 bởi levancon >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9