Nặng một chữ tình - Truyện ngắn Lê Văn
levancon 09.03.2010 18:54:51 (permalink)
Nặng một chữ tình

                                                                                                                 Truyện ngắn
 
     TÔI VÀ HẮN CÙNG LÀNG.  Nhà hắn cách nhà tôi chừng dăm bảy trăm mét. Ngày còn tồng ngồng, chúng tôi đã là bạn thân của nhau. Lớn dần lên, hai đứa lại càng thân thiết nhau hơn.
       Gốc gác nhà ông Huynh - bố thằng bạn tôi, nào ai biết ở đâu. Cha tôi kể, từ lâu lắm rồi, vợ chồng ông ấy đến dựng cái chòi ở rẻo đất chó ỉa đầu làng, rồi định cư ở đó. Làng tôi có ba họ, ông ấy đến mang về thêm cái họ lạ hoắc, lạ huơ - họ Thang. Hai người con của ông bà chào đời trên rẻo đất ấy. Hắn học hết lớp bảy thì nghỉ. Nhà nghèo, nhưng ông bà vẫn cố tần tảo để cho hắn học hành. Vì học dốt, nên đành đoạn giữa chừng. Hắn là con trai một, được nuông chiều từ nhỏ. Cha hắn bảo, thôi không học được thì nghỉ, cứ về chăn bò rồi cha tính. Vậy là hằng ngày hắn chỉ chăn bò và chơi. Còn tôi tiếp tục học lên.
       Cái làng nhỏ bé của tôi ngày ấy sao mà vui, đầm ấm và thanh bình đến lạ. Cả lũ chúng tôi, ban ngày đứa đi học, đứa ra đồng lam lũ như người lớn. Tối về mới là thế giới riêng của chúng tôi. Đủ thứ trò chơi cuốn hút, nào chơi ù, trốn tìm, đánh giặc…Lắm bữa, khuya khoắt lắm rồi vẫn trườn bò tìm “giặc” ngoài bờ suối. Người đứa nào cũng nhờn nhợt, xông lên mùi mồ hôi khen khét, và có khi là cả mùi nước đái, phân trâu khăm khắm. Thằng bạn tôi là đứa đô con nhất trong đám. To mà nhanh nhẹn, nên trận đánh nào có nó, bọn tôi cầm chắc phần thắng về mình.
       Lũ con gái, nhiều đứa đẹp đến mê hồn. Có lẽ vì tuổi mới lớn nên chúng tôi nhìn đứa nào cũng đẹp. Trò chơi con trẻ cứ thưa dần theo năm tháng. Thay vào đấy là những đêm tình tự lứa đôi. Dưới gốc cây lộc vừng già giữa đồng làng, hai bên mố chiếc cầu qua con suối nhỏ…đã chứng kiến bao lần hò hẹn. Mối tình của thằng bạn tôi và Thuỷ cũng bắt đầu từ những nơi như vậy. Cái đêm tán được Thuỷ, khuya lắm rồi nhưng hắn vẫn tìm gặp tôi để báo công:
       - Mày ơi, đổ rồi. Tưởng khó, hoá ra 5 đêm tao đánh gục luôn.
       - Mày khá lắm!
      Khen vậy, nhưng trong lòng tôi lại thấy ghen tị. Phải công nhận hắn giỏi. Thuỷ là đứa đẹp nhất trong số con gái làng tôi. Mới nhìn Thuỷ từ xa, ai cũng mê hồn rồi. Cái dáng nó sao mà đẹp đến vậy. Mái tóc dài, đen, mượt. Miệng lúc nào cũng chúm chím. Trên đôi gò má ửng hồng, cặp lúm đồng tiền tròn xoe, cũng chúm chím. Cả đôi mắt, lúc nào cũng cười. Đôi mắt đen lay láy ấy đã hút hồn cả lũ trai làng. Thiếu gì đứa đẹp trai, học giỏi; thiếu gì đứa đã lăn xả vào, vậy mà Thuỷ đã phớt lờ đi, để rồi yêu hắn. Chuyện yêu đương, chẳng hiểu ra làm sao nữa.

***
 
     Khổ thân! Hắn là con trai một. Chị hắn đã lấy chồng. Cha mẹ cũng muốn hắn lấy vợ để có chút cháu nối dõi tông đường. Muốn là muốn vậy, nhưng khi bên này chưa đặt vấn đề cưới hỏi gì, nhà Thuỷ đã bắn tin, chẳng bao giờ cho con về làm dâu nhà hắn, vì hạng ấy là dân ngụ cư, lại nghèo nên chẳng môn đăng hộ đối. Vậy là khó cho hắn rồi. Yêu thật đấy, nhưng nghe vậy lòng tự ái của nó trào lên. Hắn đang bị giằng xé bởi một bên là tình yêu, và bên kia là lòng tự trọng. Bỏ Thuỷ không đành. Yêu Thuỷ biết làm sao đây?
       Đêm đó hắn đi chơi với Thuỷ thật khuya. Sáng chưa bảnh mắt đã tìm gặp tôi, hắn bảo:
       - Thuỷ đau khổ lắm, bảo là bố kiên quyết rồi, chẳng có cách nào để cưới nhau đâu.
       - Thế mày còn yêu cô ấy nữa không?
       - Thì mày biết rồi đấy. Thôi tao phải đi, bọn tao đã…
      Hình như hắn định nói với tôi điều gì đấy, lại thôi.
      Vậy là mấy ngày sau, hắn tình nguyện lên công trường thuỷ lợi chịu cực khổ, vất vả với bạn bè làm khuây. Chả là, hồi đó huyện tôi đang thi công công trình thuỷ lợi lớn nhất vùng. Không biết trên đó hắn vui hay buồn, nhưng ở nhà, cả làng đang tao tác vì chuyện của Thuỷ. Hắn đi được một tuần thì Thuỷ đổ bệnh. Chẳng ai biết là bệnh gì. Có điều ai cũng biết là mấy ngày rồi, Thuỷ khoá trái cửa buồng, chẳng tiếp xúc với ai. Mẹ Thuỷ vì thương con đã quỳ xuống van lạy chồng chiều ý con. Cha Thuỷ nhất mực giữ ý mình. Thằng bạn tôi vậy mà lì. Hắn biết Thuỷ vậy nhưng kiên quyết không về. Trời chẳng nghe đất, đất cũng chẳng nghe trời. Cuối cùng, dù giận cha nhưng thương mẹ, Thuỷ đã mở cửa, đón nhận sự chăm sóc của gia đình.

***
 
      Năm ấy trong Nam đánh dữ. Trai làng tôi lần lượt ra trận. Học hết cấp ba, tôi cũng khoác ba lô lên đường. Tôi mang tất cả kỉ niệm đẹp của thuở ấu thơ ra đi. Dòng suối quanh co, cái cầu lắt lẻo, những gương mặt thân quen ấy... cứ rong ruổi theo tôi hết vùng đất này, đến miền đất khác của chiến trường. Giá có ai đó thân quen để nhắc lại hình ảnh quê hương những khi buồn. Chẳng hay mối tình trắc trở của thằng bạn tôi và Thuỷ ra sao? Liệu hắn có vượt qua nổi cái rào cản tự ái để cưới Thuỷ hay không?
       Một buổi trưa, khi tôi đang ngon giấc sau một buổi rã rời để vận chuyển lương thực, có ai đó kéo tôi dậy:
       - Dậy, dậy ra mà đón đồng hương.
       - Đồng hương nào?
       - Thì lên lán đại đội mà tìm, lính mới toe về đơn vị ta nhiều lắm.
       Các bạn biết không, ở chiến trường mà nghe nói có đồng hương, dù có xa mấy vẫn tìm. Tình cảm đồng hương sao mà nặng đến vậy. Sau một mùa phản công và đầm mình trên chốt, đơn vị tôi lại rút lên củng cố. Xong chiến dịch bao giờ cũng thế, quân số đơn vị cứ vơi dần. Chưa rớt xuống dưới 30 người, ấy là đơn vị vẫn còn, chưa bị xoá phiên hiệu. Bốn tháng trời quật quả với bom đạn, gian nan ở vùng giáp ranh, bây giờ về lại hậu cứ, đi dưới  những tán lá rừng già, lòng tôi thư thái lạ. Lán đại đội đóng lưng chừng dốc. Những cây cổ thụ dễ đến hai người ôm không xuể, trùm kín cả những chiếc lán lợp lá nón còn xanh. Phía dưới, con suối đá nước trong xanh; nghĩ chẳng có con sông, con suối nào trong xanh hơn. Thì đã đã ngàn vạn năm rồi, nó vẫn trong xanh vậy giữa miền sơn cước.
       Trước cửa lán đại đội, một tốp lính chừng vài chục, kẻ đứng người ngồi, đang cười nói ra chừng vui lắm. Tôi lúi cúi từ dưới dốc lên. Vừa bước lên khoảng đất bằng phẳng của sân lán, một tay lính mới đã nhào đến ôm chầm lấy tôi. Tôi ớ lên khi nhìn mặt hắn:
        - Trời ơi! Thằng Hùng, ai run rủi đưa mày vào đây?
        - Chỉ có mày đi lính được thôi ư? Mày đi rồi, tao buồn quá nên cũng vù luôn. Tao đi rồi, chắc ở nhà hai ông già có loạn.
        - Thế Thuỷ ra rao rồi?
        - Thôi đừng nhắc nữa mày ơi. Tao buồn quá! Ông ấy vẫn nhất quyết không gả. Thuỷ vẫn héo hắt trong buồn tủi. Chúng mày lũ lượt ra đi, trai tráng như tao, ở nhà coi sao được.
        Hắn bảo đừng nhắc, nhưng rồi lại thao thao rằng, hắn là con một chẳng ai điều vào lính. Buồn bã vì tình không thành, hắn làm đơn gửi lên xã, lên huyện nằng nặc đòi nhập ngũ. Cha hắn can, mẹ hắn khóc, hắn mặc. Hắn muốn đi thật xa, hi vọng dứt tình với Thuỷ. Phải đi để Thuỷ quên đi, để hắn quên đi mối tình dang dở ấy. Mấy tháng sau khi tôi nhập ngũ, hắn cũng lên đường. Từ đó biền biệt. Cái thằng, vậy mà tệ!
       Khu hậu cứ ban ngày thì ồn ã tiếng lính, nhưng đêm về lại tịch mịch đến nao lòng. Dưới kia, nước suối vẫn nhẫn mại mài vào đá núi. Lũ vượn thôi không ca bài ca gọi bầy, nhường lại khoảng đêm đen đặc cho bầy chim trót bóp gọi nhau. Gần đây thôi, lẻ loi mấy con tắc kè đang thả vào đêm những tiếng kêu khô khốc, khắc khoải. Đêm đó, tôi và hắn nằm úp thìa nói chuyện với nhau dễ tận ba, bốn giờ. Chuyện gì mà lắm thế? Thì nửa năm rồi chúng tôi không gặp nhau, ngày còn ở quê, hai đứa đã gắn bó với nhau đến vậy, có biết bao nhiêu điều vui buồn để nói.
       Ngày trước chơi trận giả, tôi và hắn thân nhau nên thường ở cùng phe. Vào chung đại đội rồi, tôi và hắn nhiều lúc lại cùng chung một trận. Chẳng biết cái tính thích xung phong, hay vì nó đánh táo tợn để quên đi một mối tình không thành. Trận nào có nó là bọn tôi an tâm. Xong trận rồi, ai cũng hoan hỉ vì chiến thắng, riêng nó lại đăm chiêu một nỗi buồn. Tôi thổ, nó vẫn im như thóc. Chẳng biết trong đầu hắn đang nghĩ gì. Ngày mới vào, mỗi khi ở bên nhau là nó nói đủ chuyện, nhưng khi tôi nhắc đến Thuỷ là nó lại gạt đi. Càng ngày nó càng lầm lì. Tôi hiểu là nó đang nhớ nhà, nhớ Thuỷ. Tôi thì vài ba tháng còn có thư về, còn hắn tuyệt nhiên không có lấy một dòng. Hắn còn dặn tôi, không được nói gì về nó khi gửi thư về. Tôi chẳng hiểu nó ra làm sao nữa.
  Chiến trường ngày một khốc liệt. Những ngọn núi vùng giáp ranh đã bị sắt thép đôi bên cày xới tả tơi. Đất rừng tuồng như bị ai đó dùng những chiếc máy khổng lồ đào xới đến tận cùng. Bom và pháo tầm xa của địch đang thi nhau hầu giã nát các cao điểm của ta. Đại đội tôi chia năm sẻ bảy. Từ đó tôi và hắn ít gặp nhau, chỉ biết tin nhau qua mấy tay liên lạc đại đội. Một ngày vài người vĩnh viễn ra đi, tôi thấp thỏm khấn cầu trời phật đừng bắt bạn tôi đi. Có ngày, tôi ở ngọn núi bên này, hắn ở ngọn núi bên kia. Giữa mịt mù bom pháo, tôi cứ mường tượng như nó đang bị bom vùi, pháo dập. Lòng quặn thắt một nỗi đau.
        Trời thì xa, Phật chẳng dám ở gần. Nơi bom pháo dày đặc ấy, ai phù hộ thân phận nhỏ nhoi của con người trước sự tàn khốc của chiến tranh? Trời Phật chẳng nghe tiếng khẩn cầu của tôi. Thế rồi, hắn bị thương nặng trong một lần tấn công lên đỉnh. Được tin, lòng tôi như lửa đốt. Từ đó, tôi cứ săn tin hắn qua những tay từ tuyến sau bổ sung về đơn vị. Người bảo, nặng lắm, chuyển đi ra rồi. Người khác lại bảo, không sống nổi.
       Ấy là cuối năm bảy hai. Vậy là từ đó tôi bặt tin hắn.
       Đầu năm bảy lăm, ta đã ào ạt giải phóng các tỉnh miền Trung. Đơn vị tôi được điều vào cửa tử Xuân Lộc để cùng phá phòng tuyến cuối cùng về Sài Gòn của địch. Tưởng rằng rồi số phận đã ưu ái với tôi, ai dè....Hơn hai năm sau đó, tôi còn sống mà như người đã chết. Một mảnh pháo chó chết nào đó dã găm vào đầu tôi trong một trận đánh. Hai tháng sống thực vật trong bệnh viện. Gần hai năm sống như kẻ không hồn trong trại điều dưỡng. Dĩ nhiên là sau đó tôi đã bình phục, để đến bây giờ mới kể chuyện này để các bạn nghe. Vậy là nhà tôi còn phúc lớn!
 
***
 
       Tôi tòng teng chiếc ba lô về làng. Những hố bom sâu hoắm hai bên đường, cỏ đã lên tơ xanh mượt. Hình ảnh thân quen đầu tiên tôi thấy được sau bao năm xa quê là cây lộc vừng già. Mặc thời gian, bom đạn, nắng mưa nó vẫn đứng đó với những chuỗi hoa sặc sỡ như thắp lửa trong chiều tà. Tôi ngạc nhiên khi mái ngói đỏ au đầu làng đập vào mắt mình. Chẳng lẽ ông Huỳnh đã có nhà mới, hay đấy là nhà chủ khác?
       Hồi hộp, sốt sắng muốn biết tin Hùng, đứng trước ngõ nhưng tôi vẫn lưỡng lự chưa dám vào nhà, bởi quang cảnh mảnh vườn, căn nhà xưa không còn. Nhà đã lên đèn. Ánh sáng đỏ hoe từ chiếc đèn dầu hắt ra trước mái hiên. Trong nhà đang có tiếng to, tiếng nhỏ:
        - Xin lỗi ông! Tôi đã xử sự không phải. Mà điều này bây giờ tôi mới nói với ông, nếu thằng ấy không đi lính, chắc tôi và ông chẳng bao giờ ngồi uống rượu với nhau.
       - Thôi mà, chuyện lâu rồi, ông nhắc lại làm gì. Cuối cùng là cái tình cả mà ông.
       Đang tần ngần suy xét thì ai đó vỗ nhẹ vào vai:
       - Ê, anh lính! Tìm ai mà tha thẩn vậy?
       Tôi quay lại, chưa định thần, một cánh tay đã ôm chặt lấy cổ mình.
       - Hoàng, mày về rồi, vậy mà tao cứ tưởng...
       Cánh tay trái không còn, còn cánh tay kia, Hùng xềnh xệch lôi tôi vào nhà, chẳng để tôi kịp có một lời chào khi gặp nhau. Trên bộ phản giữa nhà, ông Thìn - bố Thuỷ và ông Huỳnh đang chén lên, chén xuống; chén tạc, chén thù. Chắc họ uống với nhau đã lâu. Bởi chỉ một câu thôi của ông này: “Xin lỗi ông! Tôi đã xử sự không phải...!”, và câu này của ông kia: “Cuối cùng là cái tình cả mà ông...”, tôi đã nghe đến mấy lần rồi....
        Xong cuộc nhậu rồi, tôi chào mọi người, lại tòng teng chiếc ba lô ra ngõ. Hùng lẽo đẽo theo sau. Nó kéo tôi đứng lại và nói cái điều mà 6 năm trước, khi bỏ nhà ra đi nó đang nói dở dang rồi lại thôi:
       - Điều này bây giờ tao mới nói với mày. Tao ra đi, Thuỷ ốm, tao ngăn mày khi ở trong ấy đừng thông báo gì với gia đình về tao là kế hoạch của hai đứa. Mày biết không, thời buổi chiến tranh, con trai không què cụt cứ lú rú góc vườn, chẳng ai coi ra cái gì. Vậy là kế hoạch của bọn tao đã thành công.
       Thì ra là vậy. Tôi và nó thân nhau đến vậy mà nó đã giấu tôi.
  Đêm nơi quê tôi thật yên tĩnh. Giờ này lũ trẻ thôi không chơi trò đánh giặc ngoài bờ con suối nhỏ. Cây lộc vừng già vẫn trầm mặc đứng đó. Nó đang ghi lên cái thân sần sùi của mình dáng vóc, ân tình của những con người đã từng ngồi lại và đi qua cuộc đời nó. Mấy li rượu ngày tái ngộ đã ngấm sâu vào cơ thể. Gió nam đưa hương lúa đòng đòng dịu ngọt vào ru giấc ngủ của tôi. Trong mơ màng, nghe nhỏ nhẹ tiếng thằng Hùng: “Hoàng ơi, vì bọn tao nặng một chữ tình!”.

Hà Tĩnh, tháng 11 năm 2009
 
 

 

     
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2010 08:47:47 bởi levancon >
#1
    buihaihung 20.03.2010 14:32:31 (permalink)
    Chuyện viết tốt quá, dày kinh nghiệm và dày cảm xúc. Chỉ có đoạn cuối chưa rõ lắm, sao lại "kế hoạch của hai người Hoàng và Thuỷ", chẳng lẽ họ bàn nhau ra trận để kiếm vài vếtthương trở về hay Hoàng phải ra trận thì ông bố Thuỷ mới trân trọng tính dũng cảm của anh mà chấp nhận cho 2 người yêu nhau. Nếu được cho điểm tôi xin phép cho điểm 7 
    #2
      levancon 20.03.2010 17:44:36 (permalink)
      Chào buihaihung!
      Cảm ơn bạn đã vào đọc truyện của Lê văn!
      Đúng như bạn suy luận. Vấn đề là ở đấy. Cái thời chiến tranh, ra trận là thước đo bản lĩnh, vị trí của người thanh niên. Như Hoàng đã nói, thanh niên thời loạn, cứ lú rú ở góc vườn chẳng ai coi ra gì. Hoàng ra đi là để khảng định mình, để khẳng định tình yêu với Thuỷ, với bố Thuỷ. Kế hoạch của họ là hợp lí với cái thời ấy.
      Chẳng ai ra trận để kiếm viết thương, nhưng chính vết thương của Hoàng càng khảng định thêm lòng tin cho bố Thuỷ. Lòng tin của cái thời nó vậy. Có thể lớp trẻ bây giờ không thể hiểu lí tưởng của lớp người thời ấy. Âu cũng là chuyện thường tình thôi.
      Chúc bạn khoẻ, vui! Lần sau nhớ ghé lại!
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.03.2010 17:56:20 bởi levancon >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9