Lãng Hồ - HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA, LÃNH THỔ VIỆT NAM
lyenson 16.03.2010 22:20:36 (permalink)

Vài lời của Nguyễn Xuân Diện:
Thưa chư vị, Trung Quốc đã cướp mất Hoàng Sa của chúng ta. Tổ tiên chúng ta chắc cũng đang rất đau lòng, và đang dõi theo tất cả chúng ta trong quyết tâm giành lại Hoàng Sa. Đồng bào cả nước và kiều bào ta trên khắp năm châu cũng đang đầy lo âu và tự cảm thấy có lỗi lớn với tổ tiên. Giới trí thức yêu nước già cũng như trẻ đang gác lại việc đàn ca ngâm vịnh hay các thú vui tinh thần tao nhã để bày tỏ tấm lòng của mình đối với đất nước, đối với tổ tiên bằng những việc làm rất cụ thể. Trong ý nghĩa ấy, chúng tôi muốn tự tay đánh máy và giới thiệu tại Blog này toàn văn 350 trang của Tập san Sử Địa số 29 - Đặc Khảo về Hoàng Sa & Trường Sa, xuất bản tại Saigon quý 1 năm 1975. May mắn thay, sau khi ngỏ lời, tôi được anh em bên Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa cung cấp file điện tử toàn bộ cuốn sách. Tuy nhiên, phần chữ Hán chữ Nôm thì chưa được đánh máy trong suốt văn bản. Tôi bèn thuê người điền chữ Hán Nôm (một công việc rất tỷ mỉ và công phu) vào văn bản được cung cấp và công bố tại đây để phổ biến rộng đến tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này. Khi trích dẫn sử dụng, mong quý vị đối chiếu lại với bản gốc (in giấy, hoặc bản PDF - có trên internet để được thực sự chính xác). Tôi xin cám ơn!

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Sau khi xâm chiếm đảo Phú Lâm trong nhóm Tuyên Đức ngay từ năm 1950, ngày 20 tháng giêng 1974, Trung Cộng lại huy động Hải Lục Không quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa được họ mệnh danh là Tây Sa quần đảo.
Cũng như lần trước cách đây 24 năm, thực hiện xong mưu đồ bằng vũ lực, Trung Cộng mới bắt đầu lên tiếng thanh minh, hầu đem lại đôi chút chính nghĩa cho cái hành động xâm lược của mình . Những luận cứ đã được đưa ra hoặc một cách trực tiếp bằng lời tuyên bố vắn tắt của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, hoặc một cách gián tiếp qua những bài chi tiết hơn đăng tải trong các tờ báo mà thái độ vô tư rất đáng ngờ gồm có đủ loại từ lời vu khống vô căn cứ cho đến những chứng cứ được gọi là chứng cứ lịch sử.

Bài tham luận này viết riêng cho độc giả Tập San Sử Địa sẽ không đề cập tới những khía cạnh khác như kinh tế, chính trị, công pháp, quốc tế, v.v… mà chỉ chú trọng đặc biệt đến bối cảnh lịch sử của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn là những lãnh thổ lâu đời của dân tộc Việt Nam mà thôi.

Những chứng cứ đã được mệnh danh là chứng cứ lịch sử đã từng được viện ra hòng biện minh cho chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo nói trên của Việt Nam đã thấy đăng tải trong những tờ báo như Nhân Dân Nhật báo 人 民 日 報 (5-6-1956, Quang Minh Nhật báo 光 明 日 報 7-6-1956, Học Thời sự 學時 事 của Văn Hối báo 文 匯 報 biên soạn và ấn hành số 2 năm 1974, Thất thập niên đại Nguyệt San 七十 年 代 月 刊 những số tháng 3 và tháng 4-1974, v.v…Đại để nội dung của các bài liên quan không có khác nhau mấy nhưng chi tiết hơn cả là bài của ông Tề Tân 齊 辛 nhan đề 南海 諸 島 的 主 權 與 西 沙 群 島 之 戰 “Nam Hải chư đảo đích chủ quyền dữ Tây Sa quần đảo chi chiến”. Thấy đăng tải trong Thất thập niên Đại Nguyệt san số ra tháng 3-1974. Do lẽ đó bài này sẽ trích dẫn bài trên nhiều nhất trong khi lập luận về bối cảnh lịch sử của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo ông Tề Tân, sớm về đời Đông Hán đã thấy chép như sau trong cuốn Dị Vật Chí 異 物 志 của Dương Phu 揚孚 : “Ở vùng hiểm nguy đảo Hải Nam nước biển không sâu mà có nhiều từ thạch khiến những chiếc thuyền lớn của người ngoại quốc có đóng chốt sắt, tới nơi đó vì có chất từ thạch nên không qua được”.[海 南 岐 頭 、 水 淺 而 多 磁 石 、 徼 外 人 乘 大 舶 、 皆 以 錢 葉 銅 之 、 至 此 關 、 以 磁 石 不 得 過 。 ] (揚 孚 、 交 洲 異 物 志). Theo ông Tề Tân đó là chỉ vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc.

Vẫn theo ông này, thì vào đời Nam Bắc triều trong bài Vu thành phú 蕪城 賦 của Bảo Chiếu 鮑 照 có câu: 南 馳 蒼 梧 漲 海 、 北 走 紫 塞 雁 門 “Nam kì Thương Ngô Trướng Hải, Bắc Tẩu Tử Tái Nhạn Môn”. Ý nói rằng từ phía cực Nam đến phía cực Bắc nước Tàu. Lại nữa danh từ Trướng Hải bao quát biển Nam Hải lẫn các đảo ở đó.

Ngoài mấy chứng cứ trên, ông Tề Tân lại viện dẫn những chứng cứ sau đây lấy trong sử sách Tàu chép về những đời Đường, Tống , Nguyên, Minh và Thanh.
Trong cuốn Chư Phiên Chí 諸 番 誌 của Triệu Nhữ Quát 趙 汝 适 có chép rằng về đời Đường, niên hiệu Trinh Nguyên 貞 元 năm thứ năm ( Công Nguyên 789 )Trung Quốc đặt Đốc Phủ ở Quỳnh Sơn và ở phía Đông Hải Nam có Thiên Lý Trường Sa 千 里 長 沙 và Vạn Lý Thạch Sàng 萬 里 石 床 ( có lẽ là thạch đường 石 塘) và khỏi đó là biển cả mênh mông, trời biển một màu, tàu bè qua lại phải dùng kim chỉ nam và ngày đêm phải giũ gìn cẩn thận nếu không lỡ ra có thể nguy hại cho tính mạng. Theo ông Tề Tân , Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Sàng nói đến trong câu trên là những quần đảo trên biển Nam Hải của Trung Quốc.

Trong cuốn : Tống Sử Kỷ Sự Bản Mạt 宋史 紀 事 本 末 quyển 188 chương I nhan đề Nhị Vương Chi Lập 王 之 立 có chép như sau:”Nguyên tướng Lưu Sâm 劉 琛 tấn công nhà vua ở Vịnh Thiền ( Thiển Loan)淺 灣 Trương Thế Kiệt 張 世傑 đánh không lại, phò tá nhà vua chạy đi núi Tú ( Tú Sơn) 秀 山 đến vụng tỉnh ( Tỉnh Áo) 井 澳, nhà vua chạy ra eo biển Tạ Nữ (Tạ Nữ Hiệp) 謝 女 峽 rồi ra biển đến Thất Lý Dương 七 里 洋 có ý muốn qua Chiêm Thành, nhưng không xong”.[元 將 劉 琛 攻 帝 於 淺 灣 、 張 世 傑 戰 不 利 、 奉 帝 走 秀 山 、 至 井 澳 。 。 。 元 襲 劉 琛 井 澳 、 帝 奔 謝 女 峽 、 復 入 海 、 至 七 里 洋 、 欲 往 占 城 不 果。 ] (宗 史 紀 事 本 末 、 卷 一 百 八 [二 王 之 立] 一 章 。 ). Theo ông Tề Tân, Thất Lý Dương tức là Tây Sa quần đảo.

Trong Nguyên Sử 元 史 quyển 162 có Truyện Sử Bật 史 弼 傳 trong đó có chép rằng về đời Nguyên niên hiệu Chí Nguyên 至 元. Năm 29 (Công Nguyên 1292) tháng chạp, Sử Bật cùng với 5000 người họp quân xuất phát đi Tuyền Châu 泉 州 (lúc đó gió to sóng mạnh thuyền bè tròng trành , sĩ tốt mấy ngày không an uống được, qua khỏi Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường tới địa giới của Giao Chỉ và Chiêm Thành) . 元 至 元 二 十 九 年 十 二 月 、 史 弼 以 五 千 人 、 合 諸 軍 、 發 泉 州 、 風 急 濤 湧 、 舟 掀 簸 、 士卒 皆 數 日 不 能 食 、 過 七 洲 洋 、 萬 里 石 塘 、 歷 交 趾 占 城 界 。 (元 史 第 一 六 二 卷 史 弼 傳 。). Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường theo ông Tề Tân là chỉ Tây Sa và Nam Sa quần đảo.
Về đời Minh, có Mao Nguyên Nghi 茅 元 儀 soạn sách Vũ Bị Chí 武 備 志 trong đó có chép rằng đời Minh từ năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Lạc 永 樂 ,đến năm thứ năm niên hiệu Tuyên Đức 宣 德 (Công Nguyên 1405 đến 1433 ) Trịnh Hòa 鄭 和 bẩy lần xuống Tây Dương đã từng qua Vạn Lý Thạch đường.Vạn Lý Thạch đường tức là Nam Sa quần đảo, trên quần đảo này nơi cao nhất đã đào bới được thứ tiền đồng niên hiệu Vĩnh Lạc. Theo ông Tề Tân , điều này chứng tỏ cách đây hơn năm trăm năm, đã có người Trung Quốc trú cư ở đó rồi. Lại nữa, cho tới ngày nay, trong Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo vẫn còn giữ lại những danh xưng Tuyên Đức quần đảo và Vĩnh Lạc quần đảo.
Đời Thanh Niên hiệu Quang Tự năm 28 (Công Nguyên 1904) tháng tư, Chính Phủ nhà Thanh có phái Thủy sư Đề Đốc là Lý Chuẩn 李 隼 điều khiển ba chiếc quân ham Phục Ba tới các đảo trên biển Nam Hải điều tra tình hình và thượng cờ Hoàng Long trên đó và cả bia đá nữa .
Những sự kiện này cũng có thấy có chép trong những cuốn Hải Quốc Kiến Văn Lục 海 國 見 聞 錄 và Lý Chuẩn Tuần Hải Ký 李 隼 巡 海 記. Đến niên hiệu Tuyên Thống năm thứ ba (1911) ở tỉnh Quảng Đông có xuất bản một cuốn địa đồ trong đó có nêu rõ các đảo trên biền Nam Hải là một bộ phận tỉnh Quảng Đông Trung Quốc.
Ông Tề Tân lại dẫn chứng đảo Y- Tu A-Ba mà nay Trung Cộng đặt tên cho là Thái Bình đảolà phiên âm của Thổ ngữ dân Quỳnh Nhai thuộc Hải Nam.
Sau hết ông Tề Tân đã trích dẫn câu sau trong bản Tục Hiệp Nghị Trung Pháp Việt Nam điều tra về việc phân định địa giới như sau﹕
元 東 界 務 經 兩 國 勘 界 大 臣 勘 定 邊 界 之 外 芒 街 以 東 、 及 東 北 一 帶 、 所 有 未 定 之 處 、 均 歸 中國 管 轄 。
“Quảng Đông giới vụ kinh lưỡng quốc khảm giới đại thần khảm định biên giới chỉ ngoại. Mang Nhai Dĩ Đông cập Đông Bắc Nhất Đới sỡ hữu vị định chi xứ quân qui Trung Quốc quản hạt".
Theo ông Tề Tân căn cứ vào hiệp nghị đó thì các đảo trên biển Nam Hải (hay Đông Hải), gồm cả Tây Sa lẫn Nam Sa quần đảo đều thuộc về Trung Quốc vì lẽ các quần đảo đó đều ở xa về phía Đông giới tuyến như được quy định bên trên .
Dựa vào những dữ kiện trên, mà tác giả coi là những chứng cứ lịch sử, tác giả kết luận rằng những quần đảo Tây Sa và Nam Sa cổ lai vẫn thuộc về Trung Quốc như đã được ghi chép một cách không dứt từ mãi đời Hán đến đời Thanh .
Kế tới tác giả lại tóm lược như sau những luận cứ mà tác giả cho là của Việt Nam Cộng Hòa đã đưa ra để chứng minh cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa:
1)Vào đầu thế kỷ thứ 19 vua An Nam ( sic) phái Hải Quân tới khai phát quần đảo Parcels (sic).
2)Sau đó khoảng những năm 1920-1930 nước Pháp đã phái những phái đoàn khoa học tới đó, đồng thời xác nhận địa phương đó thuộc Pháp .
3) Từ năm 1932 đến nay vẫn có quân đội Nam Việt đồn trú ở đó và thiết lập đài khí tượng .
4) Lại nữa về năm 1951, tại hội nghị Cựu Kim Sơn, đại biểu Nam Việt (sic) đã xác nhận chủ quyền đối với các đảo dư bị tranh chấp đó mà không có sự dị nghị gì cả đối với lời xác nhận trên .
Theo tác giả những luận cứ trên không sao đứng vững được, là vì những lý do sau :
a) Mãi tới đầu thế kỷ thứ 19 vua An Nam(sic) mới phái Hải Quân tới quần đảo Tây Sa nhưng Trung Quốc từ trước thế kỷ thứ 14 đã từng có ngư dân sinh sống ở đó .
b) Hồi trước đệ nhị Thế giới Đại chiến, một số đảo dư thuộc quần đảo Tây Sa đã tưng bị Pháp xâm chiếm, sau đó lại bị Nhật Bản chiếm cứ, nhưng sau khi đệ nhị Thế giới Đại chiến kết thúc, quần đảo Tây Sa cùng các đảo khác trên biển Nam Hải đã được Chinh Phủ Trung Quốc đương thời tiếp thu rồi .
c) Nhà đương cục Nam Việt viện lẽ rằng năm 1952 đã có quân đội Nam Việt hoạt động tại đó, nhưng điều đó không thể có được, vì vào lúc đó chưa có Nam Việt .
d) Tại hội nghị Cựu Kim Sơn, sở dĩ Trung Cộng không đưa ra lời dị nghị nào là vì Trung Cộng không tham dự hội nghị đó. Tuy nhiên , ngày rằm tháng tám 1951, Chu an Lai lúc đó làm Ngoại Trưởng của Trung Cộng đã có lên tiếng thanh minh về bản thảo án Hòa ước của Mỹ-Anh đối với Nhật Bản, và cả về hội nghị Cựu Kim Sơn nữa, đồng thời lại nhấn mạnh rằng quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy 南 威, cũng như quần đảo Nam Sa, Đông Sa đều thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.Vậy hiển nhiên là vào thời đó Trung Cộng đã có lên tiếng khang nghị. Còn như việc Pháp đã từng xâm chiếm những đảo dư trên và việc Nhật Bản hồi Đệ nhị Thế chiến đã chiếm cứ những đảo dư đó, đều là những hành vi phi pháp cả. Vả lại chính phủ Trung Quốc thời đó đã tức thời đưa ra lời kháng nghị Pháp.Việc nước Pháp xâm chiếm trong một thời gian ngắn chưa đầy mười năm, không phải là một lý do chính đáng để cho Nam Việt kế thừa Pháp, nhất là những đảo dư trên đã bị Nhật chiếm cứ một thời gían đã được Trung Quốc tiếp thu sau khi Đệ nhị Thế giới Đại chiến kết thúc .
Sau hết tác giả bài về chủ quyền những đảo trên biên Nam Hải và trận giao chiến ở quần đảo Tây Sa lại dẫn ra bằng chứng chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa , một số bản đồ của Anh, Mỹ, Nga, và Ý đã phát hành vào những năm 1953 đến 1973.
Bên trên là những chứng cứ lịch sử đã được dẫn ra để biện minh cho chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chúng tôi đã trình bày hết sức chi tiết và xác thực. Dưới đây chúng tôi cũng sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi lịch sử để hết sức khách quan và vô tư xem xét những chứng cứ đó, mặc dầu hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa từ lâu đời vẫn và sẽ mãi thuộc về lãnh thổ Việt Nam, bất chấp cuộc xâm lăng mới đây của Trung Cộng.
Ông Tề Tân đã trích dẫn một câu có liên quan đến quần đảo Tây sa của Trung quốc, theo ông đã thấy trong cuốn Dị Vật Chí của Dương Phu sớm về đời Đông Hán. Đành rằng câu đó có nói tới quần đảo người Việt Nam thường gọi là quần đảo Hoàng Sa mà người Tàu gọi là Tây Sa quần đảo nhưng không có chi tiết nào ở đó xác nhận là của Trung Quốc cả .Trái lại có vài điểm đủ chứng tỏ quần đảo đó thuộc lãnh thổ cố hữu của Việt Nam . Trước hết cuốn Dị Vật Chí của Dương Phu không phải là một tác phẩm đời Đông Hán . Theo Đường Thư Nghệ văn chí, cuốn đó có nhan đề đầy đủ là Giao Châu Di Vật Chí và là một tác phẩm đời Đường. Do hai chữ Giao Châu và do ý nghĩa của nhan đề ( Dị Vật Chí), quần đảo được miêu tả với đặc tính là có nhiểu từ thạch chính là quần đảo Hoàng sa của Giao Châu, tức là của Việt Nam đời đường vậy? Những người Ngoại quốc cưỡi thuyền lớn có đóng chốt sắt được nói tới trong câu trích dẫn, tất nhiên không phải là người Giao Châu, nhưng phải là những thương nhân ngoại quốc, người Ả Rập, người Ấn Độ hay người Trung Quốc.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9