PHONG CÁCH NGÔN NGỮ QUẢNG CÁO TRONG MẢNG CA DAO VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM
KHthanhhoa 19.03.2010 14:32:57 (permalink)


lâu rồi không thấy mục trau dồi việt ngữ có bài mới, hôm nay mình post lên bài nghiên cứu của mình, hy vọng mọi người bỏ chút ít thời gian đọc qua và góp ý cho mình nhé! thanks!

Phần I: MỞ ĐẦU
LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Hiện nay nền kinh tế nước ta đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường với đặc điểm là tự do cạnh tranh. Các nhà sản xuất muốn giới thiệu sản phẩm hàng hoá cuả mình ra thị trường càng nhanh càng tốt, càng nhiều khách hàng biết đến sản phảm hàng hoá cuả mình càng tốt. Về phiá người tiêu dùng trước khi đi mua môt sản phẩm, mặt hàng naò đó thường muốn biết thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua loại sản phẩm cuả công ty naò. Đó chính là cơ sở xã hôị cho sự phát triển cuả hoạt động quảng caó, một phong cách hoạt động ngôn ngữ mới thực sự phát triển ở nước ta trong khoảng hai thập niên gần đây. Trong khi khaỏ sát các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng trong quảng caó chúng tôi thấy rằng, ngôn ngữ trong hoạt động quảng caó có sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Điều này làm chúng tôi đặt ra một câu hỏi: phong cách quảng caó thực sự có từ bao giờ? Có phải chỉ trong nền kinh tế thị trường mới có hoạt động quảng caó hay không? Trong quá trình  tìm hiểu chúng tôi thấy rằng trong mảng ca dao tục ngữ về đất nứớc và con người việt nam có những đặc điểm phong cách giống như đặc điểm phong cách quảng caó nên chúng tôi đã quyết định tìm hiểu đặc điểm phong cách ngôn ngữ cuả mảng ca dao này nhằm góp một phần nhỏ vaò việc tìm hiêủ giá trị cuả ca dao và đóng góp một phần nhỏ vaò sự phát triển ngôn ngữ quảng caó.
 LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Phong cách quảng cáo cho đến nay vẫn chưa được coi như là một phong cách ngôn ngữ chuyên biệt, bằng chứng là phong cách quảng cáo chưa được đặt vào vị trí của các phong cách ngôn ngữ khác như, phong cách chính luận, phong cách báo chí.v.v. Chính vì vậy phong cách quảng cáo chưa được nghiên cứa một cách có hệ thống và tòan diện. cho đến nay những công trình nghiên cứu đến phong cách quảng cáo có thể kể đến là: bài nghiên cứa của TRẦN ĐÌNH VĨNH – NGUYỄN ĐỨC TỒN đăng trên tạp chí ngôn ngữ (số 1 năm 1993). Đây là công trình nghiên cứu những đặc điểm chung nhất về phong cách quảng cáo. Ơ bài nghiên cứu này hai tác giả trên đã trình bày khái quát về động cơ và mục đích của họat động quảng cáo và về những đặc điểm ngôn ngữ của quảng cáo. ngòai ra còn một số bài viết khác nghiên cứu những vấn đề nhỏ trong ngôn ngữ quảng cáo. Chẳng hạn bài: “Trang quảng cáo du lịch việt nam dưới ánh sáng của phân tích diễn ngôn” của tác giả Tôn Nữ Mỹ Nhật, đăng trên tạp chi ngôn ngữ số 6 năm 2002. Nhưng công trình nghiên cứu có hể thống nhất về phong cách quảng cáo là luận án tiến sĩ của tác giả Mai Xuân Huy có tựa đề: NGÔN NGỮ QUẢNG CÁO DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LÝ THUYẾT GIAO TIẾP ( NXB, KHXH, 2005). Bên cạnh đó còn có công trình liện văn thạc sĩ  khoa học về phong cách quảng cáo của tác giả Phạm Thị Cẩm Vân (cao học ngôn ngữ trường đại học SP TPHCM).
Về ca dao Việt Nam cho đến nay đã được nghiên cứu rất nhiều, rất tòan diện. Các đặc điểm, giá trị của ca dao đã được tìm hiểu và khẳng định. Tuy nhiên đối với mảng ca dao về đất nước và con người Việt Nam từ trước đến nay chưa có ai tìm hiểu dưới bình diện phong  cách quảng cáo, mà chỉ tìm hiểu như những mảng ca dao khác.
PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
Với đề tài này chúng tôi chỉ tập chung vào tìm hiểu những đặc điểm phong cách của mảng ca dao về đất nước và con người Việt Nam để chỉ ra những đặc điểm của phong cách quảng cáo mà theo chúng tôi là có trong mảng ca dao này. Tuy nhiên để làm cơ sở cho việc tìm hiểu và chứng minh ca dao về đất nước và con người Việt Nam mang phong cách quảng cáo, ở chương một của tiểu luận này chúng tôi sẽ trình bày khái quát những đặc trưng của phong cách quảng cáo. Phần này chúng tôi xin được trình bày những thành tựu nghiên cứu về phong cách quảng cáo của các tác giả đi trước trên quan điểm chọn những đặc điểm chúng tôi thấy là phù hợp nhất. Ngòai ra tiểu luận này còn trình bày vài nét về vấn đề sử dụng ca dao trong họat động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam hiện nay. Đó là những vấn đề chính sẽ được trình bày trong tiểu luận này.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Những phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong tiểu luận này là: phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phưng pháp tổng hợp.
BỐ CỤC CỦA NIÊN LUẬN
phần 1. MỞ ĐẦU
Phần 2. NỘI DUNG
Chương 1. Về phong cách quảng cáo
Chương 2. Phong cách quảng cáo trong mảng ca dao về đất nước và con người Việt Nam
Phần 3. KẾT LUẬN
Phụ lục – TÀI LIỆU THAM KHẢO
   Phần II. NỘI DUNG
Chương 1
VỀ NGÔN NGỮ TRONG QUẢNG CÁO:
 Dẫn nhập
Quảng cáo là một họat động đa dạng và khá phức tạp. Để quảng cáo, có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau: bằng ngôn ngữ âm thanh hay lời nói thành  tiếng( như trong phát thanh , truyền hình…), bằng hình ảnh (như trong truyền hình, điện ảnh…), bằng đồ hình (như trong báo chí, pano, áp phích, biển hiệu, nhãn…), bằng hiện vật(như trong triển lãm, trưng bày…).v.v.. Mặt khác, cũng giống như cách sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản được dùng cho mỗi lọai phương tiện thông tin đại chúng( báo chí, truyền hình, điện ảnh), việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quảng cáo được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng ấy cũng không hòan tòan giống nhau, bên cạnh những đểm chung.
Trong khuôn khổ luận văn này chúng tôi không đi sâu vào trình bày đầy đủ đặc điểm ngôn ngữ của văn bản quảng cáo trên từng lọai phương tiện thông tin đại chúng. Ơ đây chúng tôi chỉ xin giới hạn xem xét vấn đề có tính chung nhất cho các văn bản quảng cáo được sử dụng trên báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình, vốn chưa được nghiên cứu nhiều. Chúng tôi sẽ thử áp dụng lí thuyết họat động lời nói vào tìm hiểu cơ sở xã hội – tâm lí của tổ chức ngôn ngữ trong văn bản quảng cáo trên báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình, nhằm làm cơ sở để đi vào phân tích phong cách ngôn ngữ quảng cáo trong mảng ca dao về đất nứớc và con người Việt Nam.  
Để dễ dàng cho việc phân tích đặc điểm ngôn ngữ trong các văn bản quảng cáo đã nói ở trên, chúng tôi sẽ trình bày cách tiếp cận  các văn bản quảng cáo đó theo cách tiếp cận của  TRẦN ĐÌNH VĨNH-NGUYỄN ĐỨC TỒN ”về ngôn ngữ quảng cáo” (tạp chí ngôn ngữ số 1 năm 1993). Theo hai tác giả trên, các văn bản quảng cáo có thể chia thành hai lọai
1-     Văn bản thông tin thuần túy: đây là lọai văn bản chỉ nhằm “ truyền tin cho nhau biết”.(1) Thí dụ: nhắn tìm người nhà, mất giấy tờ, hội họp, lời cảm ơn v.v…
2-     Văn bản quảng cáo: lọai văn bản này “trình bày để giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết nhằm tranh thủ được nhiều khách hàng”(2). Thí dụ quảng cáo các lọai hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp.v.v…hoặc quảng cáo hướng nghiệp dạy nghề, luyện thi.v.v…
cũng theo hai tác giả này thì lọai văn bản quảng cáo(viết tắt là VBQC) chiếm tới 50-60% số tin rong mỗi mục thông tin quảng cáo. Đây cũng chính là đối tượng mà chúng tôi sẽ tập chung khảo sát vì theo chúng tôi đây là lọai văn bản mang đầy đủ những đặc điểm của phong cách quảng cáo.
ĐỘNG CƠ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA QC
Ap dụng thuyết hoạt dộng lời nói để tìm hiểu động cơ và mục đích của hoạt động QC.
Trước hết chúng ta cần công nhận một điều rằng, quảng cáo là một hoạt động lời nói, cho nên chúng ta hoàn toàn  có thể áp dụng lí thuyết hoạt động lời nói vào tìm hiểu hoạt động giao tiếp đại chúng này.
Theo lí thuyết hoạt động lời nói, mỗi hoạt động nói năng đều xuất phát từ một động cơ, một mục đích và một đối tượng nhất định, từ việc xác định động cơ, mục đích, đối tượng mà ta đề ra những hình thức, sử dụng những ngữ liệu phù hợp.
Vậy động cơ, mục đích và đối tượng của hoạt động quảng cáo là gì?
Thực ra ở trên chúng ta đã trả lời câu hỏi này nhưng cũng xin được nhắc lại cho rõ ràng và cụ thể hơn. Theo TRẦN ĐÌNH VĨNH – NGUYỄN ĐỨC TỒN, hoạt động quảng cáo có hai mục đích:
          Một là: Để “thông tin đến cho nhiều người biết” (đây cũng là mục đích chung cho mọi loại văn bản).
Hai là: để “tranh thủ được nhiều khách hàng” (đây chính là mục đích riêng, đặc thù cho loại văn bản quảng cáo), (theo Trần Đình Vĩnh – Nguyễn Đức Tồn – tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1993).
Như đã nói ở trên hoạt động quảng cáo cũng phải hướng vào một đối tượng cụ thể xác định nào đó cho mặt hàng mà nhà sản xúât, kinh doanh muốn quảng cáo. Ơ đây chính là khách hàng những người sẽ tiêu thụ sản phẩm được quảng cáo đó. Chính đối tượng của hoạt động quảng cáo cũng chi phối rất nhiều đến việc viết văn bản quảng cáo, như việc sử dụng ngữ liệu, cách xưng hô v.v…  Để cụ thể hơn, phần dưới đây niên luận xin được trình bày một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ trong văn bản quảng cáo.
 ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN QUẢNG CÁO
Về đặc trưng của ngôn ngữ quảng cáo niên luận sẽ xem xét trên những bình diện là: từ ngữ, ngữ pháp, văn bản và việc sử dụng các biện pháp tu từ.
 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA  TỪ NGỮ TRONG VĂN BẢN QUẢNG CÁO
 Tính chính xác – ro ràng – súc tích
Tính chính xác – rõ ràng – súc tích của từ ngữ trong văn bản quảng cáo thể hiện trước hết ở tên gọi các mặt hàng, dịch vụ, tên các cơ sở sản xuất, các nhà cung ứng và thông tin về địa chỉ của các cơ sở sản xuất, các nhà cung ứng đó. Chẳng hạn: Yamaha, Toyota, công ty du lịch Sài Gòn Tourist, v. v.
Tính chính xác – rõ ràng – súc tích của từ ngữ trong văn bản quảng cáo còn thể hiện qua những từ ngữ chỉ chất lượng, tính năng, giá cả…của hàng hóa, dịch vụ. như: tốt nhất, hảo hạng, tuyệt vời, kì diệu, (giá) hấp dẫn, siêu thuận tiện. Chẳng hạn: Hãy tưởng tượng một kiểu dáng mọi người đều ngưỡng mộ!
Sam sung mang đến cho bạn chiếc tivi LCD mới, hiện thân của vẻ đẹp tuyệt  mỹ…
(QC TV Samsung).
          Hay:
          - Đông trùng hạ thảo Tenken Nhật Bản
          Hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh
          Lao phổi ho lâu ngày
          Tốt cho một số chứng bệnh về khí phế quản
   Bổ phế, bổ thận
Cơ thể suy nhược, đau lưng, mỏi gối    
Tăng cường sinh lực
Cải thiện chức năng gan

Nâng cao hệ miễn dịch
Giúp các bệnh nhân bị huyết áp, thần kinh và tim
(QC cáo thuốc TENKEN – báo tuổi trẻ năm 2007)
Sử dụng nhiều từ ngữ mang sắc thái
Các từ ngữ mang sắc thái ở đây chủ yếu là sắc thái trang trọng, lịch sự, nhã nhặn như: “ Xin kính chào quý khách”, “Xin trân thành cảm ơn quý khách đã đến/sử dụng / mua hàng … của chúng tôi v.v…” hay “xin hân hạnh phục vụ”.
Ngoài ra còn phải kể đến sắc thái thân mật. chẳng hạn như: Rinai hoa của bà nội trợ( quảng cáo bếp ga Rinai) hay: phân lân phú mĩ bạn của nhà nông .v.v…
Từ ngữ tự nhiên
Do tính chất đại chúng của hoạt động quảng cáo, nhiều VBQC diễn đạt bằng những từ ngữ gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, mang đậm chất khẩu ngữ.Theo Trần Đình Vĩnh – Nguyễn Đức Tồn (1993 – 44): Những từ ngữ khẩu ngữ hàng ngày không bị hạn chế về khu vực, hoặc những từ ngữ có sự đối lập khu vực cơ bản giữa hai miền Nam và Bắc việt nam”. Như các từ xà phòng/ xà bông, kem đánh răng / thuốc đánh răng.v. v…
 Sử dụng nhiều từ ngữ gợi tả, gợi cảm
Sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm là một đặc tính hàng đầu của từ ngữ quảng cáo, nó có tác dụng kích thích tẩm mỹ đối với khách hàng, gây ấn tượng cho sản phẩm, dich vụ được quảng cáo đó.
Trong VB QC các từ gợi hình và các từ láy có tác dụng miêu tả hình dáng, màu sắc kích thước  của sản phẩm, gây ấn tượng cho người đọc về sản phẩm.
Chẳng hạn như:
- Máy tính Thinkpad vận hành êm ái và mạnh mẽ sức mạnh vượt trội
- Máy tính Thinkpad siêu nhẹ CỰC KÌ CƠ ĐỘNG
(quảng cáo máy vi tính)
- Hãy tưởng tượng cảm giác tự do không giới hạn với thế giới samsung MP3 (QC máy nghe nhạc Samsung – báo tuổi trẻ)
- Mềm mại và óng ả hơn. (QC dầu gội đầu Clear mới)
Ngòai ra một số nhà sản xuất còn chọn những từ ngữ gợi cảm để đặt tên cho sản phẩm. Đó là những từ ngữ cao quý hay thân thiết đối với con người, chẳng hạn như:
- Dream (xe gắn máy Dream): giấc mơ
- Angel (xe gắn máy SYM - Angel): thiên thần
- Wave (xe gắn máy Wave): làn sóng
CÂU TRONG VĂN BẢN QUẢNG CÁO
Tính đa dạng của các kiểu câu (xét về phương diện mục đích phát ngôn) trong văn bản QC. Văn bản QC sử dụng tất cả các kiểu câu (phân lọai theo mục đích phát ngôn).
Câu trần thuật
Loại câu này được sử dụng nhiều nhất trong văn bản quảng cáo vì nó phục vụ cho một trong những mục đích quan trọng của QC đó là thông báo, truyền tin cho nhiều người biết. Thường thì, câu trần thuật cung cấp cho khách hàng những thông tin quan trọng nhất về một sản phẩm như: giới thiệu trung tâm dịch vụ, thuật lại cho người tiêu dùng quy  trình sản xuất thực phẩm, giới thiệu mặt hàng, cơ sở sản xuất, bước đầu hình thành nhu cầu mua hàng.
Chẳng hạn như:
- PS cho răng chắc khỏe suốt đời.
Chống sâu răng, giúp ngăn ngừa các bệnh về nứu.
(QC kem đánh răng PS)
Câu trần thuật trong văn bản quảng cáo thường kết hợp cả chức năng miêu tả và giới thiệu nhằm tăng tính thú vị, sinh động cho sản phẩm. đây cũng là lọai câu được sử dụng nhiều nhất trong văn bản QC
Câu cầu khiến
Câu cầu khiến xuất hiện trong  văn bản quảng cáo ít hơn câu trần thuật, để thực hiện một trong những mục đích của quảng cáo là kêu gọi, mời mọc khách hàng đến tìm hiểu, mua hay sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà sản xuất, nhà cung ứng đang muốn giới thiệu ra thị trường.
Chẳng hạn:
-         Hãy tưởng tượng một kiểu dáng mọi người đều ngưỡng mộ.
 ( QC tivi Samsung – báo tuổi trẻ)
- Hãy để MA LAYSIA cũng là của bạn
 ( QC du lịch MALAYSIA – báo tuổi trẻ)
Ngoài ra, câu cầu khiến trong văn bản quảng cáo còn là lời khuyên khách hàng hãy hướng tới lợi ích của mình để chọn sản phẩm.
Chẳng hạn:
Vì vậy sau mỗi lần gội hãy dùng dầu xả Sunsilk mới!
 (QC dầu xả Sunsilk TGPN 18/99).
Câu cầu khiến còn có tác dụng thúc dục người tiêu dùng tham gia đợt khuyến mãi hoặc liên hệ, tìm hiểu thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Trong kết cấu câu cầu khiến mang ý nghĩa trên, các từ ngữ như: xin, hãy ngay, nhanh, nhanh chóng, đừng chần chừ, …thường xuất hiện.
- Muốn thành tỉ phú, hãy uống Pepsi ngay! (báo TN 8/12/2000)
- Hãy để thiên nhiên chăm sóc cái răng, cái tóc của bạn. Mua một chai dầu gội đầu Palmolive naturals, tặng một kem đánh răng Colgate dược thảo 4g, khuyến mãi. 
- Ngại gì mà không bày tỏ! Hãy để Clearmen thay bạn gửi đến anh ấy thông điệp tình yêu cùng món quà bất ngờ đầy nam tính: Dầu gội Clearmen, giúp anh ấy mãi tự tin lôi cuốn.  (QC dầu gội – báo tuổi trẻ/ 2007)
Câu hỏi
Trong VBQC, câu hỏi được sử dụng để khơi gợi ở khách hàng những nhu cầu mà sản phẩm được QC muốn mang lại. Câu hỏi có khi cũng được sử dụng để mở đầu cho một VBQC để hỏi về sự xuất hiện của một mặt hàng mới hay một lọai sản phẩm mới của một nhãn hiệu nào đó, hoạc cũng có thể hỏi về tính năng của sản phẩm hay là hỏi về một chương trình khuyến mãi mới của môt mặt hàng nào đó. Câu hỏi được sử dụng trong VBQC có tác dụng khơi gợi, kích thích tính hiếu kì ờ khách hàng qua đó thông báo đến khách hàng những thông tin mà câu hỏi đề cập đến. Sở dĩ câu hỏi trong VBQC có thể thu hút được sự chú ý của khách hàng là vì những câu hỏi mà VBQC đặt ra thường là những câu hỏi liên quan đến thông tin về sản phẩm hay liên quan đến lợi ích khách hàng. Các câu hỏi thường được sử dụng trong VBQC dưới hình thức một đoạn đối thoại.
Chẳng hạn:
-         Học thi uống thuốc gì để giảm mệt mỏi và tăng tập trung?
-         Ginsana G 115 khỏe hơn, tập trung hơn. (QC dược phẩm Ginsana G 115)
Câu Cảm Thán
Câu cảm thán không xuất hiện thuờng xuyên trong văn bản quảng cáo bởi vì nó không có tác dụng cung cấp thông tin mà thường để nhấn mạnh, gây sự chú ý của khách hàng đến một tính năng mới của một sản phẩm hay một sản phẩm mới nào đó. Tác dụng của nó là gây sự chú ý và tạo ấn tượng cho sản phẩm.
Chẳng hạn:
-         Nhỏ xinh thanh lịch thông minh đa tài! (QC điện thoại di động LG –  báo tuổi trẻ – 2007)
- Đăng kí Homezone, hưởng cước đặc biệt! (QC dịch vụ mới cuả Mobifone – báo tuổi trẻ)
 ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CÂU TRONG VBQC
Tính ngắn gọn
Ngắn gọn là đặc điểm nổi bật của cấu trúc câu trong văn bản QC. Do QC là họat động ngôn ngữ một chiều nên câu cần ngắn gọn để người đọc, người nghe dễ thuộc dễ nhớ. Điều này được thể hiện ở những câu rút gọn. Các câu rút gọn thường là rút gọn chủ ngữ mà chỉ nêu phần  vị ngữ. Nói đúng ra đây là một đặc điểm trong cấu trúc cuả VBQC, chỉ có một câu nêu tên sản phẩm, còn các câu còn lại là thuyết minh về những đặc điểm, tính năng,… của sản phẩm.
Chẳng hạn:
- Thiết kế siêu mỏng 6.85mm
- Quay video, chế độ quay chụp ban đêm
- Danh bạ trong máy 300 số
- Chế độ sử dụng trên máy bay
- Hệ thống âm thanh nổi Hi-Fi Stereo

 (QC Wellcom Mobille W508 – báo tuổi trẻ/ 2007)
CẤU TRÚC VĂN BẢN
Theo Trần Đình Vĩnh – Nguyễn Đức Tồn, một văn bản quảng cáo thường có bốn phần:
 Phần thứ nhất-mở đầu: phần này  có chức năng báo hiệu, xác lập sự giao tiếp. Những phát ngôn ở đây thường là lời chào lịch sự, tỏ sự niềm nở, ân cần, mến khách, chẳng hạn: hóa mĩ phẩm SƠN HẢI xin kính chào quý khách. Chính lời chào này cũng có chức năng giới thiệu tên sản phẩm hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh. Có khi tên sản phẩm hay cơ sở sản xuất kinh doanh được lặp lại nhiều lần trong VBQC được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm làm cho người nghe quen và thuộc ngay.
Phần thứ hai: thường giới thiệu về sản phẩm, nêu rõ tính năng, tác dụng, những thông số kĩ thuật cụ thể của hàng hóa. Nếu là cơ sở đào tạo thì thường nêu phương pháp, nội dung giảng dạy, phần này thực hiện mục đích thứ nhất của QC là thông tin.
Phần thứ ba: đây là phần thực hiện mục đích thứ hai của QC “ khêu gợi hành vi” ở người nhận tin. Do vậy, nó mang nội dung thuyết phục. Các động cơ hành vi xuất hiện nhiều và chủ yếu ở phần này của VBQC …
Phần thứ tư: trong các VBQC thường nêu ĐCHV về sự tiện lợi trong việc mua bán và học nghề. Chẳng hạn: Mua bán tiện lợi, thanh tóan bằng tiền mặt, séc hoặc trao đổi hàng hóa tùy theo ý khách; có phương tiện chuyên chở tận nơi; cơ sở đào tạo có chỗ ở nội trú thóang mát không phải trả tiền v.v. sau đó nêu địa chỉ, số ĐT số fax để giao dịch.
Kết thúc VBQC thường là lời mời chào kêu gọi ân cần, lịch sự, kiểu cách: Xin quý khách hãy đến với cơ sở chúng tôi! Cơ sở chúng tôi rất hân hạnh được làm hài lòng quý khách.v.v.
Tùy thuộc vào dung lượng thông tin và dụng ý của nhà sản xuất kinh doanh mà độ dài ngắn của VBQC cũng khác nhau. Mặt khác, tùy  thuộc vào từng lọai phương tiện thông tin đại chúng(báo chí, phát thanh hay truyền hình .v.v.) mà nhà QC thiếi kế VBQC khác nhau. Sự trình bày cụ thể về những điểm khác nhau đó xin giành cho một công trình chuyên biệt hơn. ở đây, tiểu luận chỉ xin trình bày khái quát nhất như trên để làm cơ sở cho việc tìm hiểu đặc điểm cấu trúc  văn bản ca dao về đất nước và con người VN.
CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG VBQC
Như chúng ta đã biết, mục đích quan trọng của hoạt động QC là thu hút khách hàng, làm sao để cho càng nhiều người biết đến sản phảm của nhà sản xuất, kinh doanh càng tốt. Trong khi đó quảng cáo cũng là một hoạt động giao tiếp của con người mà phương tiện quan trọng của họat động giao tiếp này là ngôn ngữ. Như vậy, người viết VBQC làm sao phải bằng ngôn ngữ  mà gây ấn tượng cho khách hàng về sản phẩm QC; thu hút được nhiều khách hàng.
Trong họat động giao tiếp bằng ngôn ngữ để đạt hịêu quả giao tiếp cao chúng ta thường dùng các biện pháp tu từ, QC cũng là họat động giao tiếp nên cũng không ngọai lệ. Hơn nữa, các biện pháp tu từ là phương tiện ngôn ngữ quan trọng trong hoạt động QC.
So sánh tu từ:
So sánh là đối chiếu hai sự vật, hiện tượng nhằm làm nổi bật một đặc điểm nào đó của sự vật, hiện tượng này thông qua sự vật hiện tượng kia.
Trong các VBQC, biện pháp so sánh được dùng để so sánh hai sản phẩm cùng loại, có thể là của một nhãn hiệu hoặc của hai nhãn hiệu khác nhau( nếu là hai nhãn hiệu khác nhau thì một nhãn hiệu không nêu tên ), là so sánh hai mặt hàng cùng nhãn hiệu thì là so sánh giữa sản phẩm mới và sản phẩm cũ. Tóm lại mục đích của so sánh trong VBQC là nhằm làm nổi bật một tính năng, một đặc điểm tốt nào đó của sản phẩm qua đó thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Để thực hiện thao tác so sánh các câu trong VBQC thường sử dụng các từ như: “như”, “hơn”.
Chẳng  hạn:
- Tobicom như tình thương của mẹ (QC thuốc nhỏ mắt Tobicom)
- Hazeline – cho ẻ đẹp tươi tắn như hoa (QC kem dưỡng da Hazeline)
- Viso trắng sạch như mới ( QC bột giặt Viso)
Cũng có thể câu trong văn bản quảng cáo không có các từ so sánh nhưng người nghe, người đọc vẫn nhận ra.
Như vậy, trong các VBQC, biện pháp so sánh sẽ nhấn mạnh đến tính năng, tác dụng hay chất lượng của sản phẩm, gây sự chú ý cho người tiêu dùng.
Biện pháp tu từ ẩn dụ
An dụ là biện pháp tu từ lấy tên gọi của sự vật này để gọi tên sự vật kia, dựa trên cơ sở quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, hiện tượng. An dụ trong VBQC thường là ẩn dụ về chất lượng của sản phẩm và ẩn dụ về khơi gợi động cơ hành vi(ĐCHV – chữ dùng của Nguyễn Đức Tồn – Trần Đình Vĩnh).
Chẳng hạn:
- Daehan Smart
Chính hiệu Hàn Quốc ISO 9002
Thiên Thần xinh đẹp.

Mẫu QC trên, hình ảnh “thiên thần xinh đẹp” là hình ảnh ẩn dụ, biểu thị cho vẻ đẹp cuả xe máy Daehan Smart. đó có thể là vẻ quý phái, sang trọng hay sự êm ái an toàn …, tựu trung lại là rất đẹp.
Biện pháp ẩn dụ còn được sử dụng rất phổ biến trong cách đặt tên cho sản phẩm. Chẳng hạn:
- Hảo hảo (mì ăn liền)tốt tốt
- Lifbuoy (xà bông tắm) phao cứu sinh
- safeguard (xà bông tắm) người bảo vệ
Những mẫu QC trên, tên sản phẩm đã có dụng ý nói đến chất lượng, chức năng của sản phẩm.
Khi sử dụng ẩn dụ trong VBQC nhà QC còn tạo ra sự gần gũi, thân thiện giữa người tiêu dùng và sản phẩm được QC. Sử dụng biện pháp ẩn dụ trong VBQC còn giúp câu trong VBQC ngắn gọn, hàm súc làm cho người đọc, người nghe dễ thuộc dễ nhớ mẫu QC cũng chính là nhớ tên sản phẩm. Như vậy khi có nhu cầu sử dụng loại mặt hàng nào đó người tiêu dùng sẽ nhớ đến nhãn hiệu mà họ đã thuộc.
 Biện pháp tương phản
Tương phản là biện pháp tu từ dùng các từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập nhau cùng xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả.
Trong văn bản quảng cáo thường sử dụng biện pháp tương phản để đối lập giữa chất lượng cao với giá rẻ, phải chăng hay đối lập giữa tiện nghi (nhiều chức năng sử dụng với mẫu mã đẹp, thiết kế gọn nhẹ dễ sử dụng).
Chẳng hạn:
- San đa -  chất lượng vượt trội, giá rẻ bất ngờ.(QC xe gắn máy Sanda)
- NESCAFE 3 in 1 (QC cafe sữa hòa tan -  NESCAFE)
Biện pháp tương phản được sử dụng trong VBQC có tác dụng tăng tính hấp dẫn cho mặt hàng QC, đây cũng là một cách thu hút khách hàng của các nhà sản xúat kinh doanh. Các mặt đối lập trong một câu QC đều mang lại lợi ích cho khách hàng, ở đây các nhà cung ứng đã khôn khéo đẩy lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Mặt khác biện pháp tương phản cũng giúp cho câu văn trong VBQC cô đọng, hàm súc – lời ít ý nhiều.
Biện pháp cường điệu(thậm xưng)
Nếu phải chọn một đặc tính của QC để làm đặc trưng của loại hoạt động giao tiếp này thì chắc chắn đó phải là tính cường điệu. Cường điệu ở đây không có nghĩa là nói khoác, nói không có cơ sở căn cứ, mà cường điệu nghĩa là khuyếch đại một đặc điểm nào dó, một tính năng nào đó của sản phẩm hàng hóa. Biện pháp cường điệu được sử dụng trong VBQC nhằm đến mục đích gây ấn tượng mạnh cho sản phẩm, tạo sự tin tưởng nơi khách hàng về sản phẩm. Và cuối cùng là hướng tới mục đích thu hút khách hàng. Các cấu trúc cường điệu phổ biến là: A… tôt nhất/ nhất thế giơi, đặc tính của a của A duy nhất, chỉ có ở A. v.v.
Chẳng hạn:
- Canon – máy ảnh hàng đầu thế giới .( QC máy ảnh Canon)
- Castron: dầu nhờn tốt nhất tế giới. ( QC dấu nhờn Castron)
- Simba 100
chất lượng vượt trội (QC
xe máy )
Chương 2:
PHONG CÁCH  QUẢNG CÁO TRONG MẢNG CA DAO VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VN(ĐNVCNVN)
CA DAO VỀ ĐNVCNVN – PHƯƠNG TIỆN QC – PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN
Đất nước ta nằm trên bán đảo Đông Dương, lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến,khí hậu đa dạng, địa hình phong phú. Những điều kiện thiên nhiên đó đã tạo cho nước ta nhiều cảnh đẹp, sản vật thiên nhiên phong phú. Từ mũi cà mau đến địa đầu tổ quốc đâu đâu cũng nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người đã được lưu truyền từ xa xưa.
Lạng sơn một tỉnh thuộc vùng núi tây bắc của tổ quốc từ xưa được nhân dân ta biết tới với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng.
Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đồng
Ai oi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ…

Người Việt Nam ai cũng biết đến nàng tô thị không chỉ qua truyền thuyết mà còn qua cao dao
Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…

Nói đến các địa danh nổi tiếng thì Thăng Long Hà Nội – kinh đô ngàn năm văn hiến vẫn được nhắc đến nhiều nhất và trang trọng nhất.
Hà Nội trước hết được nhắc tới với vẻ phồn hoa, sầm uất:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu  phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay.
Mã Vĩ Hàng Điếu, Hàng Giày

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
Phố Mới Phúc Kiến Hàng Than,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng.
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Thăng Long còn được biết tới với những cảnh đẹp diễm lệ.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Tuyệt mù khói tỏ ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Miền Trung, khúc ruột của tổ quốc cũng được nhắc đến với nhiều cảnh đẹp mê hồn.
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Miền Nam là vùng đất mới thiên nhiên đa dạng, sản vật giàu có, đất đai phì nhiêu, cũng dược người xưa nhắc đến với niềm vui sướng và tự hào:
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.

Hay :
Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai mà đến đó thì không muốn về.
Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú,
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu.

Ca dao vốn là lời ca tiếng hát của nhân dân. ca dao thể hiện tâm tư tình cảm của nhân dân, nhưng ca dao cũng đã trở thành phương tiện truyền thông thông giúp nhân dân lưu truyền những vẻ đẹp của quê hương mình. Sự lựa chọn ca dao để lưu truyền “bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền” của người xưa là một sự lưa chọn tự nhiên nhưng lại rất hiệu quả. Ca dao với những đặc điểm đại chúng (là sản phẩm của quần chúng nhân dân, dễ thuộc, dễ nhớ)đã giúp người xưa đạt được mục đích lưu truyền của họ. Thêm nữa ca dao không những có giá trị lưu truyền xuyên không gian như trên mà còn là phương tiện truyền thông xuyên thời gian. Hiện nay chúng ta không thể biết được chính xác ca dao được sáng tác vào thời gian nào, chỉ biết rằng những bài ca dao về ĐNVCNVN đã có từ trước khi mỗi chúng ta ra đời. Vậy mà, những bài ca dao đó vẫn còn làm đắm say lòng người và ngày nay dù cho đất nước đã có nhiều thay đổi nhiều cảnh đẹp mới nhưng mỗi khi nhắc đến một vùng quê nào đó người ta vẫn thường nhắc tới những câu ca dao về vùng đó. Với một niềm tự hào sâu sắc.
ĐỘNG CƠ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA MẢNG CA DAO VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM
Theo thuyết họat động lời nói thì mỗi phát ngôn của con người đều hướng đến một mục đích nào đó, tất nhiên ca dao cũng không ngọai lệ
Từ trước đến nay khi nhắc đến mảng ca dao về ĐNVCNVN chúng ta thường chỉ nói đến giá trị ca ngợi quê hương đất nước giàu đẹp, mà chưa tìm hiểu xem  khi ca ngợi như vậy thì người bình dân hướng tới mục đích gì? Nói cách khác, đâu là động cơ để người bình dân đưa những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương và đất nước vào ca dao.
Trước hết, chúng tôi cho rằng nhu cầu gới thiệu những tông tin về bản thân mỗi con người đã có từ khi có xã hội loài người với đầy đủ bản chất xã hội của nó. Nghĩa là từ khi con người có những hoạt động lao động sản xuất, có những sinh hoạt giao lưu trong xã hội thì nhu cầu muốn đuợc biết thông tin về những người mình giao tiếp là cần thiết. Bởi vì, khi ta giao tiếp với ai đó ta cũng đặi ra câu hỏi: anh/ chị …ấy là ai? Ơ đâu? làm gì?.v.v.? và ngược lại người giao tiếp với ta cũng đặt ra những câu hỏi như vậy về ta. Có thể nói rằng những thông tin được hỏi đó là điều kiện quan trọng để xác lập một quan hệ giao tiếp. Cũng cần nói thêm rằng xã hội càng phát triển thì yêu cầu về thông tin đó càng được coi trọng.
Ngày nay mỗi người chúng ta đều có những hiểu biết nhất định về các vùng quê, các địa danh nổi tiếng trong cả nước, đó là nhờ giáo dục, nhờ các phương tịên thông tin đại chúng cung câp cho chúng ta. Cho nên khi hỏi thông tin về một người lạ nào đó, chỉ cần nghe đến tên địa phương là chúng ta có thể biết ở vùng quê đó có những đặc điểm gì, có những cảnh đẹp, nhữ sản vật gì.v.v. Nhưng thời của ca dao tục ngữ thì con người chưa thể có được sự hiểu biết như vậy. Vì thế việc xây dựng một hệ thống những đặc trưng của quê hương mình và lưu truyền trong ca dao, tục ngữ là một yêu cầu cần thiết. Bởi vì lúc bấy giờ chỉ có ca dao, tục ngữ mới có khả năng lưu truyền thông tin trong dân gian chứ không còn phương tiện nào khác.  Như vậy mục đích đầu tiên của ca dao về ĐNVCNVN là lưu  truyền thông tin.
 Mục đích vừa nêu ra trên đây là hoàn toàn hợp lí, tuy nhiên có phải những bài ca dao thuộc phạm vi đang nghiên cứu chỉ có mục đích thông tin thuần túy hay là còn có mục đích, động cơ nào khác nữa. Theo chúng tôi, xét về mặt tâm lí không ai muốn khi giới thiệu về quê hương mình lại bị người khác xem thường mà chỉ muốn được người khác yêu mến ngưỡng mộ. Đó chính là động cơ của ca dao, tục ngữ về ĐNVCNVN, chính xác hơn động cơ đó là, niềm tự hào về quê hương đất nước giàu đẹp. Qua đo, chúng ta cũng thấy thêm một điều về con người bình dân Việt Nam họ rất yêu quê hương đất nước mình và họ luôn có ý thức xây dựng cho quê hương đất nước ngày càng thêm giàu đẹp. Hơn thế nữa, họ luôn luôn có ý thức giáo dục tuyên truyền tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ tre, để tình yêu quê hương đất nước đó trở thành một tryền thống bất diệt. Đây cũng là một mục đích quan trọng của ca dao về ĐNVCNVN
Cuối cùng, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, có một bộ phận nhỏ ca dao về ĐNVCNVN mang mục đích giới thiệu, quảng cáo để thu hút “khách hàng”(có thể là những người thưởng thức”. Đó là những bài ca, dao tục ngữ giới thiệu về các sản phẩm thủ công các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong sinh họat hàng ngày của người dân, chẳng hạn: cối làng Tông, chuông đồng làng Đống. Hay: chợ Dim bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.v.v. Trên lí thuyết, khi nào xã hội có sự phân công lao động thì có nhu cầu trao đổi hàng hóa(vì con người không thể tạo ra tất cả các sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của mình được hoặc muốn trao đổi những sản phẩm dư để lấy những sản phẩm khác). Muốn trao đổi hàng hóa được tốt thì phải giới thiệu những thông tin về mặt hàng mình muốn trao đổi. Từ đó mà nảy sinh ra mục đích quảng cáo như đã nói ở trên. Tất nhiên họat động quảng cáo thời ca dao tục ngữ không chỉ lấy ca dao tục ngữ làm phương tiện( người xưa còn dùng bảng hiệu, dùng truyện kể.v.v.) nhưng phải nói rằng không có một phương tiện nào thời bấy giờ có sức lan truyền rộng rãi, nhanh và bền bỉ như ca dao, tục ngữ.
   
ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG MẢNG CA DAO VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VN
Đặc điểm từ ngữ
Tính chính xác – rõ ràng:
Đây là đặc điểm nổi bật của từ ngữ trong mảng ca dao này, nó khác rất nhiều đặc điểm từ ngữ trong các mảng ca dao khác(trong ca dao tình yêu đôi lứa chảng hạn: ước gì sông rộng một gang, bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.), thường đậm chất hình tượng. Tính chính xác – rõ ràng của mảng ca dao này được thể hiện ở tên các địa danh, tên làng tên tỉnh, tên các vùng của quê hương đất nước.
Chẳng hạn:
- Đồng Đăng có Phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
- Đông Ba Gia Hội hai cai cầu,
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Hay:
- Nhất cao là núi Tản Viên,
Nhất sâu là vũng Thủy Tiên cửa Vường.

Tính chính xác – rõ ràng còn được thể hiện qua tên các sản vật
chẳng hạn:
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm,
Cá rô đầm Sét sâm cầm Hồ Tây.

Hay:
Làng Quang dưa, vải khắp đồng,
Ngô khoai khắp ruộng, nhãn lồng xóm Văn. v.v .

Tính chính xác – rõ ràng là một đặc tính giúp cho việc truyền thông tin một cách chính xác đây là một đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ quảng cáo, bởi vì khi ta quảng cáo sản phẩm của công ty mình thì không thể để cho khách hàng nhầm với sản phẩm của công ty khác. Ca dao cũng đã cho chúng ta những thông tin rất chính xác và rõ ràng bởi vì người dân cũng không muốn những nét đẹp, những sản vật của làng mình, tỉnh mình, nước mình thành những thứ của nước khác, tỉnh khác. Mặt khác có giới thiệu rõ tên cảnh vật, tên sản vật và địa điểm của những cảnh, sản vật đó thì người thập phương mới biết để đến mà thưởng ngọan hay thưởng thức chứ!
Tính hàm súc – cô đọng
Hàm súc- cô đọng vốn là một đặc điểm của ca dao nói chung. Nhưng hàm súc – cô đọng trong các mảng ca dao khác có những đặc điểm khác với tính hàm súc cô đọng trong ca dao về đất nước và con người việt nam. Nếu như tính cô đọng trong các mảng ca dao khác là tính cô đọng trong cách diễn tả tình cảm, cảm xúc, thì tính cô đọng – hàm súc trong mảng ca dao về đất nước và con người việt nam là cô đọng trong cách miêu tả, trong cách đánh giá. Nếu tính cô đọng trong các mảng ca dao khác gắn liền với việc xây dựng những biểu tượng khái quát cao, thì tính cô đọng trong ca dao về đất nước và con người việt nam, gắn liền với việc miêu tả những hình ảnh, sự vật sự việc cụ thể, chính xác
Chẳng hạn: ca dao về đất nước và con người việt nam
- Bưởi Chí Đán, quýt Đan Hà
Cà phê Phú Hội, đồi trà Thái Ninh.

Trong ca dao khác:
- Bây giờ Mận mới hỏ Đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?...

Ta thấy, ở hai câu ca dao trên tên sản vật tên vùng đất được nêu ra rất rõ ràng, cụ thể, chính xác. Trong khi đó ở hai câu ca dao dưới (hai câu dưới không thuộc mảng ca dao về đất nước và con người việt nam) thì cũng rất cô đọng – hàm súc nhưng bàng các biểu tượng thay thế: “mận”, “đào”, “vườn hồng”
Tính cô đọng hàm súc giúp cho việc diễn đạt gọn gàng dễ thuộc dễ nhớ, nhờ đó mà dễ lưu truyền những thông tin mà nhân dân muốn truyền lưu.
Tính cô đọng – hàm súc trong mảng ca dao về đất nước và con người việt nam còn thể hiện qua những tư, ngữ đánh giá mức độ như: cao nhất, sâu nhất, đẹp nhất …chẳng hạn:
- Nhất cao là núi Tản Viên,
Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên cửa Vường.

Hay:
- Nhất trong là giếng nước Hồi,
Nhất béo, nhất bùi là cá rô râu.

Trong mảng ca ca dao này còn có cách đánh giá mức độ nhưng không dùng những từ chỉ mức độ, mà dùng phương thức tỉnh lược. Tỉnh lược những từ chỉ mức độ, ghép tên danh lam thắng cảnh, tên sản vật với tên vùng đất có sản vật hay danh lam thắng cảnh đó. Chẳng hạn:
Dưa la, húng Láng, nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét.

Các cặp từ ghép trong câu ca dao trên có thể hiểu là: Dưa ngon nhất là ở làng La, rau húng ngon nhất là ở làng Láng,… Nước mắm ngon nhất là ở Vạn Vân.v.v. Như vậy ở đây những từ chỉ mức độ đã được tĩnh lược hoàn toàn và đối với người Vệt Nam cấu trúc này vừa mang tính thông báo, vừa mang tính đánh giá mức độ mà mức độ cực cấp câu ca dao sau đây sẽ cho chúng ta sáng tỏ nhận định trên.
- Xứ Nam nhất chợ bằng gồi,
Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh.

Trong câu ca này , câu lục có từ chỉ mức độ “nhất” câu bát không có từ chỉ mức độ, nhưng ta vẫn hiểu được “Xứ Bắc” nhất là “Vân Khám”, “Xư Đoài” nhất là “Hương Canh”.
Ngôn ngữ tự nhiên
Như chúng ta đã biết ca dao là lời ca tiếng hát của nhân dân. Lời lẽ trong ca dao dù có được trau chuốt bóng bẩy thì vẫn toát lên vẻ mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Ca dao về đất nước và con người cũng vậy. Đối tượng thưởng thức mà ca dao này hướng tới là nhân nhân khắp các vùng miền trên đất nước, như vậy từ ngữ dù trau chuốt thế nào nhưng cũng phải giản dị, dễ hiểu. Hơn nữa, đây là mảng ca dao giới thiệu cho nhiều người biếi về vẻ giàu đẹp của các vùng quê thì cần phải dùng những từ ngữ nào có  thể giúp cho người nghe, người đọc cảm nhận ngay được vẻ đẹp của quê mình thì mới đạt được mục đích giới thiệu, quảng cáo đề ra. Tính khẩu ngữ trong mảng ca dao này thường thể hiện qua những từ ngữ đánh giá mức độ. Chẳng hạn:
Giao Tự lắm bãi nhiều soi,
Lắm con gái đẹp, nhiều nơi phải lòng. …

Hay:
- Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi

Hoặc ở những cách nói khác:
-Ai về chợ Vạn thì về,
Chợ Vạn có nghề cất rượu nuôi heo .
- Dù ai xấu xí như ma,
Tắm nước Đồng Lẫm cũng ra con người.v.v…

Tính khẩu ngữ trong một mức độ nhất định đã giúp cho những câu ca dao về ĐNVCNVN thêm gần gũi với nhân dân và giúp cho ca những câu ca dao này có thể lưu truyền đến muôn đời. Đặc điểm của phong cách ngôn ngữ quảng cáo còn thể hiện trong cấp độ câu của ca dao
Đặc điểm của câu trong mảng ca dao về ĐNVCNVN
Khi xét câu trong ca dao về đất nước và con người Việt Nam, tiểu luận này xem xét câu dưới bình diện phong cách ngôn ngữ quảng cáo nghĩa là chúng ta sẽ chú trọng đến các kiểu câu dựa vào chức năng của câu trong việc đạt đến mục đích quảng cáo của văn bản. Với quan điểm như vậy niên luận trước hết sẽ tìm hiểu câu phân theo mục đích phát ngôn.
Câu trần thuật
Cũng như trong văn bản quảng cáo, trong văn bản ca dao về ĐNVCNVN, câu trần thuật chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Trong văn bản ca dao bất kỳ nào thuộc mảng này cũng có câu trần thuật. Chức năng của câu trần thuật trong văn bản ca dao thuộc mảng này không gì khác hơn là cung cấp thông tin. Đó là các tông tin về các danh lam – thắng cảnh, thông tin về các sản vật và một điều hiển nhiên là mỗi danh lam – thắng cảnh, mỗi sản vật đều gắn liền với những vùng quê, những tên làng tên tỉnh…
Chẳng hạn:
- Hội An bán gấm, bán điều,
Kiêm Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng.
- Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh loa thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác tường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây!...

C âu trần thuật trong ca dao về ĐNVCNVN cũng có yếu tố miêu tả, bởi vì đây là yếu tố quan trọng phục vụ cho mục đích giới thiệu, quảng cáo. Yếu tố miêu tả giúp cho người đọc, người nghe biết được đặc điểm của các địa danh, các sản vật. Đối với các địa danh thì yếu tố miêu tả cho biết về vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của nó. Đối với sản vật thì nó cho biết sản vật đó ngon, quý hiếm như thế nào.
Chẳng hạn:
- Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai xây dựng nên non nước này.

Hay (giới thiệu về một lễ hội dân gian)
- Gần xa nô nức tưng bừng
Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên
Lầu chuông gác trống hai bên
Trông xa chợ mới Tràng Tiền kinh đô.

Về một sản vật
- Bún ngon bún mát tứ kỳ
Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa .
- Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây
Hàng đào tơ lụa làm say lòng người.

 Câu cầu khiến:
Do động cơ và mục đích của ca dao về ĐNVCNVN chủ yếu là giới thiệu cho mọi người biết về vẻ đẹp của quê hương đất nước, để thoả mãn lòng tự hào của chính người giới thiệu, chứ rất ít câu giới thiệu với mục đích thu hút khách hàng nên câu cầu kiến được sử dụng để kêu gọi mời mọc ít xuất hiện. Câu cầu khiến trong ca dao ở mảng này cũng có những điểm khác với câu cầu khiến trong văn bản quảng cáo hiện nay. Đặc điểm dễ nhận thấy đó là nó thường dùng cách khơi gợi động cơ hàm ẩn hơn là cách khơi gợi ĐCHV hiển ngôn. Trong ca dao vì vậy ít dùng câu cầu khiến có từ mệnh lệnh “hãy” hoăc mời mọc “xin hãy .v .v .”. chẳng hạn:
Muốn ăn cơm trắng canh cần,
Thì về Đồng Lãng đan dần với anh.

Câu ca dao trên là một câu cầu kiến, mang đậm ý rủ rê thân mật. Câu cầu khiến trong ca dao về ĐNVCNVN thường dùng các đại từ phiếm chỉ có ý đưa đẩy nửa như mời mọc, nửa như nhắn nhủ đậm chất dân gian. Chẳng hạn:
- Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh loa thành Thục Vương …

Hay:
- Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Đợi Đây về với một đoàn cho vui.
- Ai về Chợ Vạn thì về,
Chợ Vạn có nghề cất rượu nuôi heo.

Như vậy câu cầu khiến ở đây cũng có những đặc điểm của câu cầu khiến trong văn bản quảng cáo. Nó khuyến khích mọi người đến thăm thưởng thức hay sinh sống vì chính lợi ích của mọi người(trong quảng cáo là vì chính lợi ích của khách hàng).
Câu hỏi trong ca dao về ĐNVCNVN
Câu hỏi trong mảng ca dao về ĐNVCNVN thường dùng để hỏi về đặc điểm của các địa danh hỏi là để trần thuật, miêu tả.
Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đồng …

Hay : 
Đường về Kiếp Bạc bao xa
Đường về Kiếp Bạc có cây đa bồ đề…

Trong văn bản ca dao câu hỏi ít được sử dụng mà thường dùng câu hòi tu từ (không phải với mục đích hỏi), chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau của tiểu luận này(phần các biển pháp tu từ)
Đặc điểm văn bản trong ca dao về đất nước và con người Việt Nam
Khi xem xét đặc điểm văn bản trong ca dao về ĐNVCNVN chúng tôi thấy rằng có thể chia ra hai loại văn bản dựa theo cấu trúc về nội dung.
Dạng thứ nhất
Là những văn bản ca dao có cấu trúc bốn phần như trong  cấu trúc của một văn bản quảng cáo mà chúng tôi đã trình bày ở trên.
Xét văn bản ca dao sau đây:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay.
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày.
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng.
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
Hàng Thùng, Hàng Bát Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem phường phố thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất long thành,
Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn .
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Ta Thấy, văn bản ca dao này có đủ bốn phần:
Phần thứ nhất:
Rủ nhau xem khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Phần này tương ứng với phần giới thiệu, xác lập sự giao tiếp trong VBQC
Phần hai:
Từ “Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,…”
Đến “Trải xem phường phố thật là củng xinh”
Phần ba và phần bốn là những câu còn lại, nêu tình cảm về vẻ phồn hoa của đô thành.
Tất nhiên sự so sánh giữa văn bản ca dao về ĐNVCNVN với VBQC ở đây chỉ mang tính tương đối, bởi vì như chúng tôi đã nói, ca dao về ĐNVCNVN chỉ mang phong cách quảng cáo thôi chứ không phải là những VBQC thực thu, chuyên nghiệp. Cho nên những bài ca dao này còn phải chịu sự quy định của những đặc điểm của ca dao nói chung.
Dạng thứ hai
Đây là dạng chỉ có phần nêu thông tin mà không có các, phần khác.
 Xét văn bản ca dao sau:
Yến sào Vĩnh Sơn
Nam sâm Bố Trạch
Cua gạch Quảng Khê
Sò nghêu Quán Hà
Mật rú Bát Phường,
Măng cày Huyện Do
Gầm ghì chợ huyện…

Dạng văn bản này chỉ mang chức năng giới thiệu thông tin thuần tuy, tuy nhiên cũng không ngoài mục đích nhằm cho nhiều người biết, để được tự hào về quê hương đất nước giàu đẹp.
Mặc dù ở những văn bản ca dao này không có phần kêu gọi chào mời khách hàng tới mua hàng hay thưởng thức cảnh đẹp, sản vật nhưng cách giới thiệu của người xưa cũng đã gây ra một sức hấp dẫn mạnh mẽ. Thử hỏi rằng có ai khi đi qua các vùng quê này mà lại không muốn dừng lại để thưởng thức những món đặc sản đó.
Các biện pháp tu từ trong ca dao về ĐNVCNVN
Biện pháp thậm xưng
Đây là biện pháp được sử dụng nhiều trong văn bản quảng cáo và trong ca dao về ĐNVCNVN, nó giúp cho việc nhấn mạnh đến những đặc điểm, những  giá trị, những vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh hay sản vật được giới thiệu trong van bản ca dao.
Chẳng hạn:
Nhất cao là núi Tản Viên,
Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên cửa Vường.

Chúng ta biết rằng ở Việt Nam còn có nhiều núi cao hơn núi Tản Viên, còn nhiều vũng sâu hơn vũng Thuỷ Tiên cửa Vường, thế nhưng đối với người dân ở đây thì vẫn là cao nhất, sâu nhất.
 Hay:
Nhất trong là nước giếng Hồi,
Nhất Béo, nhất bùi là cá rô râu.

Biện pháp thậm xưng còn được lồng vào trong biện páp tương phản, nhằm đề cao cảnh vật hay sản vật.
Chẳng hạn:
Người đẹp như tiên
 Tắm nước Đồng Triền cũng xấu như ma.
Người xấu như ma,
Tắm nước Đông Trà cũng đẹp như tiên

Đôi khi biện pháp nói quá còn được hỗ trợ kết hợp bởi biện pháp sử dụng câu hỏi tu từ.
Chẳng hạn:
Đèo mô cao bằng đèo Cây Cốc?
 Dốc mô cao bằng dốc Mỹ Cang?

Hai câu trên có dạng câu hỏi nhưng không phải dùng để hỏi mà dùng để khẳng định tính duy nhất của sự vật. Đây chính là một đặc điểm của ngôn ngữ trong VBQC, nhằm gây ấn tượng cho sản phẩm ( ở đây là cảnh vật) được giới thiệu, quảng cáo.
Biện pháp liệt kê
Ngoài các biện pháp tu từ trên thì ca dao về ĐNVCNVN còn sử dụng biện pháp liệt kê.
Chẳng hạn:
Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau.
Rau thơm, rau húng, rau mùi,
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà…

Hay:
Yến sào Hòn Nội,
Vịt lội Ninh Hoà,
Tôm hùm Bình Ba,
Nai khô Diên Khánh.

Biện pháp liệt kê dược sử dụng khi người nói muốn giới tiệu nhiều loại sản phẩm cùng một lúc. Biện pháp liệt kê giúp thể hiện được sự phong phú về sản vật hay sự đa dạng về hàng hoá của quê hương đất nước.
VÀI NÉT VỀ VIỆC SỬ DỤNG CA DAO, TỤC NGỮ TRONG GIAO TIẾP QUẢNG CÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.
Cho đến nay ca dao vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động giao tiếp của người Việt Nam, khi nói chuyện nhiều khi người Việt vẫn viện dẫn ca dao, tục ngữ để làm một dẫn chứng đáng tin cậy cho lời nói của mình hoặc để cho câu nói của mình được ngắn gọn, hàm súc, cô đọng. Chẳng hạn khi nói về tinh thần đoàn kết, người việt hay viện dẫn câu: công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hay khi ngừơi nói muốn giới thiệu về quê mình thì cũng hay dẫn một câu ca dao của vùng quê họ(nếu có). Nếu người nói là người của vùng quê đó thì tức là người đó đang có ý quảng cáo về quê hương mình và rất tự hào về quê hương mình. Nếu ngược lại, người nghe mới là người ở quê hương đó thì người nói đang có ý khen và tỏ sử mến mọ quê hương của người nghe
Chẳng hạn người Cần Thơ khi nói về quê mình họ thường nhắc đến câu ca dao:
Cần Thơ gạo trắng, nước trong,
Ai mà đến đấy thì không muốn về.

 Điều này cho thấy rằng, ca dao vẫn còn sức sống trong nhân gian, trong hoạt động giao tiếp hàng ngày. Các nhà làm quảng cáo cũng ý thức được điều đó cho nên họ cũng sử dụng ca dao trong hoạt động quảng cáo, hiển nhiên là việc sử dụng ca dao trong văn bản quảng cáo phải tuỳ vào từng loại sản phẩm và nhất là tuỳ vào đối tượng khách hàng mà nhà sản xuất kinh doanh muốn hướng tới. Sau đây chúng tôi xin được dẫn ra một số hình thức ca dao được sử dụng trong hoạt động quảng cáo ở nước ta hiện nay.
Sử dụng cấu trúc, mô típ của ca dao để giới thiệu sản phẩm:
Mình về có nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Người ơi nếu muốn em cười,
Đánh răng Kf người cười em mê!
(QC kem đánh răng KF)

Hai câu ca dao sau đây lại được sử dụng để giới thiệu về công dụng của sản phẩm, đây là công dụng mà người xưa đã tìm ra và được lưu truyền trong ca dao. Sử dụng câu ca dao này trong VBQC còn có tác dụng gây đựơc niềm tin cho khách hàng, bởi vì thường thì kinh nghiệm của người xưa về cuộc sống là khá đúng.
- Muốn cho xanh tóc đỏ da
Hãy đi lên núi tìm hà thủ ô

- Bây giờ không cần phải lên núi nữa, hiện nay đã có trà hà thủ ô dạng pha và thuốc viên hà thủ ô dạng uống của công ty dược phâm Traphaco.
.(QC trà và thuốc uống Traphaco)

Đặc biệt, ca dao về ĐNVCNVN hiện nay được sử dụng trong các văn bản giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, các sản vật của các vùng quê (trong các VBQC du lich),thuờng làm tăng sức hấp dẫn cho người đọc và tăng hiệu quả QC. Có khi câu ca dao được sử dụng để mở đầu cho văn bản. Chẳng hạn như: mở đầu Văn bản giới thiệu về địa danh “Cầu Ngói Thanh Tòan – Huế” người ta sử dụng câu ca dao:
Ai về Cầu Ngói Thanh Tòan
Đợi đây về với một đòan cho vui

Có khi ca dao được sử dụng trong văn bản giới thiệu về địa danh, để thuyết minh về một đặc điểm nào đó của địa danh. Chẳng hạn: văn bản giới thiệu về bán đảo Sơn Trà, đà nẵng sau đây.
- cứ mỗi lần gió biển thổi mạnh vào đất liền, biển lại dâng sóng, các đám mây quần tụ trên đỉnh núi, đó là điềm báo trước sẽ mưa nên dân gian có câu:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Sóng xô Cửa Đại trời đà chuyển mưa.

Đây là cách dùng phổ biến của ca dao về đất nước và con người việt nam. Chẳng hạn trong văn bản giới thiệu về “cảnh thiên nhiên xứ Nghệ” có đọan:
{…} Cho nên, nhìn phong cảnh Ngệ – Tĩnh là phải nhìn cho tòan bức: núi non,  sông ngòi, làng mạc, đồng điền, cây cối,…cho đến những con đường to, nhỏ, đường đất đỏ, đất thó, đường đá len lỏi từ thung lũng này đến thung lũng kia… Nhưng ai là người đầu tiên đã cầt tiếng hát lên mấy câu:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh  họa đồ
Ai vô xứ nghệ thì vô…?
(tuyển tập Đặng Thái Mai, tập II, NXB văn học, HN,1984)

Phần 3. KẾT LUẬN
Họat động QC ngày càng phát huy tầm quan trọng trong nền kinh tế xã hội nước ta hiện nay. Việc nghiên cứu tìm và hiểu những đặc điểm của phong cách quảng cáo là mộ việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ giúp cho việc thiết kế các mẫu quảng cáo được phong phú và đa dạng hơn , nhờ vậy mà có thể tăng hiệu quả của QC.
Chúng ta cũng biết rằng, họat động QC rất phong phú và đa dạng, tùy vào từng lọai phương tiện thông tin đại chúng mà có những cách thức QC khác nhau. Có phương tiện sử dụng hình ảnh, có phương tiện sử dụng đồ hình.v.v. Nhưng các phương tiện ngôn ngữ vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong VBQC. Việc sử dụng ngôn ngữ trong QC cũng rất phong phú và đa dạng, nó tạo ra cho mình một phong cách riêng với những đặc điểm đặc trưng đủ tư cách trở thành một phong cách chức năng của ngôn ngữ trong tiếng việt.
Tiểu luận đã giúp chúng ta hiểu thêm một giá trị nữa của ca dao nói chung và của mảng ca dao về ĐNVCNVN nói riêng. Ca dao không chỉ có giá trị như một phương tiện thể hiện tâm tư, tình cảm của người bình dân việt nam, là lời ca tiếng hát của nhân dân, mà ca dao còn là một phương tiện truyền thông xuyên không gian và thời gian. Nhờ ca dao tục ngữ mà tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về quê hương đất nước giàu đẹp được lưu truyền.
Qua tiểu luận này chúng ta cũng thấy rằng, người bình dân việt nam xưa đã sớm nhận ra tầm quan trọng của họat động quảng cáo và quan trọng hơn là họ đã nhận ra được sức mạnh truyền thông của ca dao.
Trong khuôn khổ của một tiểu luận, chúng tôi  chúng tôi không thể trình bày hết được những vấn đề có liên quan về ca dao, tục ngữ với hoạt động QC. Đặc biệt là vấn đề sử dụng ca dao, tục ngữ trong các văn bản QC cần đựơc nghiên cứu sâu rộng hơn. chúng tôi hy vọng sẽ được trình bày những vấn đề này ở một công trình khác.
Cuối cùng người làm tiểu luận xin chân thành cảm ơn!
Phụ lục
TÀI LIỆU THAM KHẢOVũ Ngọc Phan. Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. HCM , 1992.
1.  Trần Đình Vĩnh – Nguyễn Đức Tồn. Về ngôn ngữ quảng cáo, Tạp chí ngôn ngữ số 3, năm 1993.
2. Vũ Tiến Quỳnh. Ca dao – tục ngữ, NXB văn nghệ, TP.HCM, 1995.
3.  Tôn Nữ Mỹ Nhật. Trang quảng cáo du lịch Việt Nam dưới ánh sáng của lí thuyết phân tích diễn ngôn, tạp chí ngôn ngữ số 6, năm 2002.
4.  Báo tuổi trẻ/ 2007.
 Thực hiện: TRỊNH XUÂN KHOÁT

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9