Dấu Nhớ Của Chiều (Truyên Ngắn)
Lệ Kiên 20.03.2010 23:06:33 (permalink)

Tối
Tôi bần thần, quay quắt trong nổi nhớ da diết.
Sóng đời miệt mài xô tôi đến những vùng đất lạ, vùi chôn những dấu nhớ bừng bừng khơi nguồn. Con phố vắng ngắt lúc nữa khuya chẳng thể làm tôi thư thái. Một tách trà nóng vừa mới pha không thể xoa dịu tâm trạng rối bời, mờ mịt. Tôi lang thang trong tâm thế hỗn độn của chính mình, rày rà với những vết cắt thấu xương của quá khứ, hừng hực trong cơn nóng của thời cuộc. Tôi băn khoăn, tôi lơ đễnh, tôi tiếc nuối…
Một vệt sáng vắt ngang phòng, cánh cửa mở tung chờ gió. Chiếc quạt máy phành phạch không đủ làm dịu sự bức bối, ngột ngạt đang cố dìm chết tôi. Tôi cầm quyển thơ lên đọc. Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử…? Tôi mở nhạc nghe. Một bản hòa tấu guitar “A Time for Us” lại đẩy tôi về miền cổ điển, bốc tôi lên tận những cảnh từ đẹp đẽ xa xưa. Không gian dần dần đọng lại, làm tôi liên tưởng đến một vài kỉ niệm, mà có lần tôi đã quên. Quên bẳng.
Chiếc Innova mới toanh từ từ bò trên mặt đường đầy lá vàng. Tiếng động cơ thật nhẹ, không đủ át những âm thanh rào rạo do lá vỡ. Hai bên đường là hàng bạch đàn thẳng tắp, người ta cố tình trồng nó thật thẳng để làm ranh, nhưng lại không muốn quét sạch lá mỗi khi tới mùa lá rụng.
Tôi đứng bên nhà nhìn sang nhà cô ấy. Nhà tôi và nhà cô ấy chỉ cách nhau có cái hàng dâm bụt mỏng tanh. Lên Sài gòn học mới có mấy năm mà đã có xe hơi đưa về. Nghĩ cũng hay. Mẹ tôi từ trong nhà nói vọng ra: “ Mày đứng đó làm gì vậy, vào vo gạo nấu cơm đi!” Tôi đáp: “Ngó xe đẹp!” Rồi cười. Tôi biết, chỉ cần chần chờ một chút, mẹ ra sẽ có chuyện. Tôi vụt chạy vô.
Chiều. Ráng nắng bơ phờ trên giàn bầu trước sân . Đàn vịt lông đen kêu chíp chíp, chạy lạch tạch xuống hồ đầy lục bình. Con chó đốm thấy vậy, cũng chạy theo, sủa ùm lên. Chiều nào chả thế.
Mẹ ngồi trên cái ghế nhỏ, gần cửa sau, đầu tựa lên thành cửa. Mắt mẹ ngó đâu xa xăm, đuôi mắt đầy vết chân chim của mẹ có khi nheo lại. Tôi đứng dưới giàn bầu, tay cầm cây liềm, đang lựa trái nào tương đối để làm bữa chiều. Chợt nghe mẹ hỏi: “Con Linh nó quen thằng nào giàu có lắm ở Sài Gòn, có xe hơi đưa về. Cha, đã quá ta !” Tôi chưng hửng. Lúc nảy Mẹ trong nhà, có thấy gì đâu mà sao bây giờ nói ra rồn rột. “Sao mẹ biết, hay thế!” Tôi hỏi, mắt nhìn trái bầu phía trước, đang bị ánh nắng phản chiếu lấp loáng. “ Thì chị hai mày nói !” Chị hai tôi lấy  chồng, ra riêng, ở cách nhà tôi mấy căn, rất thân với mẹ cô ấy. “Nghĩ cũng lạ, không phải mày với con Linh rất thân sao, nó đổi bồ mà mày không biết. Thất bại quá con !” Me vừa nói vừa cười. Tôi cũng cười theo, ừ mình đúng là thất bại. Mẹ chợt ngó lên trời, : “Trễ rồi, sao út mày chưa về ta?” Út mà mẹ nói là dì út của tôi. Tôi cũng ngó ra đường. “Chắc trên xã có việc, nên út về muộn. Mẹ lo gì, gần xìu ở đây mà”. Mẹ ừ một tiếng rồi im lặng.
Tôi cắt trái bầu, giơ lên kêu: “Mẹ, trái này được rồi ha. Xào lên, bỏ thêm miếng tôm khô là hết xẩy !” Mẹ lại ừ, rồi nói một câu không ăn nhập vào đâu: “Con gái bây giờ chỉ biết giàu sang trước mắt, không biết hai chữ chung thủy là gì!” Tôi nghe vậy, cười sặc rồi nói lớn: “Trời, thời buổi này ai mà nói đến chuyện đó !” Mẹ thở dài: “ Bởi vậy, tụi bây đứa nào cũng có ăn có học. Lên Sài Gòn, học chữ học nghĩa, nhưng không hề học thế nào là thủy là chung !” Tôi nghe giọng mẹ có vẻ nghiêm túc, vội nín cười. Mẹ lại tiếp: “Tao hỏi mày, không phải lúc trước mày nói với tao con Linh là bồ thằng Hiệp sao. Bây giờ tự dưng có thằng khác lái xe hơi chở nó về. Mày không thấy có vấn đề à?” Tôi giật mình, sao mình quên thằng Hiệp nhỉ. Đúng rồi, tụi nó vốn đang cặp bồ mà. Cách đây mấy tháng còn gặp tụi nó ở Sài Gòn, anh anh em em tình tứ lắm. Nhưng sao mẹ nhớ dai thế !. “ Thời buổi này, trai gái rã bày là chuyện thường. Con thấy có gì đâu to tát”. Mẹ nạt: “Bởi vì tụi bây cứ nghĩ chuyện tình yêu như trò đùa, thích thì sáp vô, không thích thì chia ra, nên thấy nó quá bình thường. Mày có biết, có người vì yêu nhau, họ sẳn sàng hi sinh, kể cả sinh mạng của chính mình !” Ai mà cao cả thế, tôi nghĩ, nhưng không dám nói ra, sơ bị chửi. Song câu nói của mẹ lại khơi dây trí tò mò của tôi. Sau một thoáng im lặng, tôi hỏi: “Ai vậy mẹ?”. Mẹ không trả lời, lặng lẽ đứng dây bước vào nhà. Tôi nghe ra, tiếng thở dài của mẹ dàn dụa trong không gian, tan vào tiếng thở mênh mang của gió
Tôi dường như đang nhớ về chuyện gì đó, mường tượng như liên quan đến người mẹ nói. Tôt bước vội vào nhà. Mẹ đang đứng bên bếp, tay loay hoay xới nồi cơm đã cạn nước. Tôi ngửi ra mùi gạo quen thuộc, phảng phất hương lài nhẹ. Tôi chợt hỏi: “Có phải người mẹ nói là Út không?”. Tôi thấy vai mẹ hơi run lên, tay cũng dừng lại. Mẹ đứng lặng trọng một thoáng, rối lại tiếp tục xới cơm. Phản ứng của mẹ làm tôi lo lắng. Dường như tôi đang cố chạm vào quá khứ của mẹ, khiến mẹ đau. Không khí trong bếp chợt đọng lại. Tôi tần ngần, bối rối, chưa nghĩ ra lời gì để khép lại chuyện này. Thật may, mẹ đã lên tiếng: “ Ừ, cũng đã lâu rồi. Lúc nhỏ chắc ngoại mày đã  kể cho tụi bay nghe. Tao không muốn nhắc lại, vì sơ út mày buồn.” Vừa nói, mẹ vừa đạy nắp nồi cơm lại, rồi đến chiếc ghế ở cửa, chậm rãi ngồi xuống. Tôi để trái bầu lên bàn, lò tò bước đến sau lưng mẹ. Mẹ kể…
Chiến tranh có khi nào lại không tàn khốc
Con người sống trong thời chiến, có khi nào lại không đau đáu nổi niềm ly tan.
Năm đó, Út được 16 tuổi. Cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Năm đó, cũng là lúc cuộc chiến đang tới hồi dữ dội. Mẹ nói nhà tôi lúc trước không phải ở chỗ này, mà ở tít tận trong ruộng. Phía sau nhà có con rạch, nước lúc nào cũng trong, có điều là rất nhiều lục bình. Hai bên bờ dây leo chằn chịt. Chiều chiều Út thường ra rạch để giặt đồ. Mẹ chợt hỏi: “Mày có biết cha mày làm gì không?”. Tôi đáp: “Thì dạy học !”. Thât ra, tôi chẳng ấn tượng gì về cha mình. Nghe ngoại nói, không lâu sau khi tôi sinh ra, cha đã qua đời. Mẹ nghe tôi trả lời, cười nhỏ, gật gù: “Ừ, cũng phải. Lúc đó mày mới 6, 7 tháng tuổi gì đó, làm sao nhớ gì !” Mẹ ngưng một thoáng. Gió vô lối xì xào trên đọt dừa. Giọt nắng vàng vọt mệt mõi nhảy múa. Mẹ đưa tay vén vài sợi tóc đã bạc trắng đang lòa xòa trên trán sang một bên, rồi nói: “ Cha mày ngoài mặt là thầy giáo day tiểu học, nhưng thật sự là đi theo cách mạng”. Chuyện này thì tôi biết; vì trong nhà có treo huy chương kháng chiến do chính chủ tịch nước trao tặng, lại có chứng nhận liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Nhưng chuyện này ăn nhập gì với chuyện tôi muốn nghe nhỉ. Tôi nghĩ, có lẽ mẹ đang nhớ tới cha, nên đem chuyện của cha ra kể. Từ nhỏ, tôi vẫn thường nghe những chuyện liên quan tới cha. Nghe nói, có lần cha nhân lênh cấp trên đi làm việc. Nhưng không may bị phát hiện. Ai đó đã bắn chết cha ngay tại chỗ. Khoảng khắc hay tin cha mất, mẹ đã ngất đi. Ngoại loay hoay đi thu lượm xác cha về. Lần đó ngoại đi, út cũng đi theo.
Mẹ lại kể, sau ngày cha mất, có một người tên Tuấn tới kiếm, nói là đồng chí chung tiểu đội với cha, theo lệnh cấp trên xuống xem có giúp gì được cho nhà không. Sau đó, Tuấn tới lui thường xuyên, giúp nhà tôi được nhiều việc. Mẹ chợt thở ra: “Cha mày mất, nhà không có đàn ông, nên chuyện gì cũng phải nhờ Tuấn. Lúc đó, tao với ngoại mày không để ý, thì ra con út với thằng Tuấn đã thích nhau.” Tôi cười hỏi: “Sao mẹ với ngoại hay thế?” Mẹ cũng cười: “Tâm sự con gái, nhìn là biết ngay. Mỗi lần thằng Tuấn tới, hai đứa nó hay rũ nhau ra bờ rạch ngồi nói chuyện, riết tao với ngoại mày mới hay. Tao thấy Tuấn cũng được, hơn Út mày 4 tuổi, hiền lành. Sau khi ngoại mày biết chuyện, cũng không ngăn cản. Nhưng có một lần, út mày tâm sự với tao, nói muốn đi du kích. Tao nói, chuyện này hãy nói với ngoại.” Tôi hỏi: “ Vậy ngoại có đồng ý không?” Tôi hỏi câu này hơi thừa, vì tôi biết, út đã từng đi du kích, nhưng không hiểu sao vẫn cứ hỏi. Mẹ trả lời : “Đương nhiên là không đồng ý. Lúc đó tụi nó lùng gắt lắm, hớ hên môt chút là chết mất xác liền. Ngoại mày cưng con út như vậy, sao dám để nó đi ! Ngoại mày tự dưng đâm giận thằng Tuấn, đổ cho thằng nhỏ cái tội dụ con ngoại đi vào chỗ chết. Từ đó, cấm ngặt không cho Tuấn tới lui nữa. Nhưng…”. Mẹ chợt bỏ lững, hơi thở lại thườn thượt tuôn ra. Tôi chợt thấy ánh mắt mẹ đang ngó đâu đó rất mông lung, phảng phất nét thê lương đến lạ.
Bầu trời bắt đầu sẫm màu. Có tiếng bìm bịp từ xa vọng lại, âm thanh nức nở như khóc. Mẹ thở dài: “ Bữa đó, bìm bịp cũng kêu như vậy. Tao với ngoại dắt mày và con hai đi lên nhà nội mày ở xóm trên ăn đám giỗ, giao nhà cho con út giữ. Ai ngờ, lúc về con út đã bỏ đi, Nó viết lại mấy chữ, nói là đã tham gia Việt công gì đó. Nay cấp trên giao nhiệm vụ, phải đi xa một chuyến. Tao đọc xong thì chết lặng cả người, còn ngoại mày khóc suốt đêm đó!”. Tôi thầm nghĩ, chiến tranh tàn khốc quá đỗi. Sống trong thời bình, tiền bạc, lợi danh  khiến con người mãi mê tìm cách hại nhau, không hề nghĩ trong quá khứ có những cuộc chia ly đầy nước mắt như vậy. “Tao biết, chuyện này chẳng liên quan gì đến thằng Tuấn. Sau khi cha mày mất, con Út nhiều lần nói sẽ theo cách mạng. Nghe giọng nó rất quyết tâm! ” Mẹ kể tiếp : “ Hai tháng sau, con Út về. Thằng Tuấn cũng về chung. Ngoại mày vừa giận vừa thương, không biết làm sao, bỏ vào buồng ngồi. Tội nghiệp, hai đứa nó quỳ trước cửa buồng gần nữa tiếng, ngoại mày mới ra. Bữa đó nhà mình vui lắm. Tao cứ nghĩ, hai đứa nó sẽ xin ngoại mày tổ chức đám cưới. Ai ngờ… Tối đến, anh Bảy con bác Năm gần nhà hớt hãi chạy qua, nói là trong xóm không biết thằng nào cáo mật, tụi Hai Én, Lương Con dẫn theo mấy thằng nữa đang xuống, đòi bắt cho bằng được thằng Tuấn và con út. Đứa nào đứa náy tay cầm súng lăm lăm.” Tôi vụt hỏi, giọng hơi hồi họp: “ Hai Én., Lương Con là ai vậy mẹ? Ngụy hả”. Mẹ hừ một tiếng: “Hai thằng đó đúng là phường gian ác, mọi rợ. Lúc đó mày còn quá nhỏ, không thể tưởng tượng được. Tụi nó mà đi tới đâu, y như rằng có người mình chết tới đó. Nghe nói, con trai thứ hai của ông Tám, bị tụi nó dìm đầu xuồng sình cho tới chết ! Cả xóm mình, ai cũng căm ghét” Tôi hỏi nhanh: “ Vậy lúc đó, Út với chú Tuấn phải làm sao?” Mẹ thở ra, “Còn trăng với sao gì nữa, thì tìm cách trốn. Mà thằng Hai Én cũng khôn thiệt, nó cho thằng Lương Con dẫn theo mấy thằng, chặn ở hẽm sau, còn nó đi bằng ngõ trước. Tụi nó quyết tâm bắt cho kỳ được Út mày với thằng Tuấn”. Tôi nghe giọng mẹ có chút phẫn hận. Chiến tranh thật sự đã qua, nhưng những vết cứa của nó vẫn hằng sâu trong tim mẹ. Trong đầu tôi, mơ hồ hiện lên cảnh cuống cuồng của ngoại và mẹ. “Sau đó sao nữa mẹ?” Tôi nhận ra, gọng mình đang run lên. Mẹ lại có vẽ không để ý mấy, vẫn đều đều kể: “ Hai đầu đã bị chặn. Tao với ngoại mày rối lắm, chưa biết tính sao thì thằng Tuấn nói, giá nào cũng không để liên lụy đến nhà mình. Nó nắm tay con út, tính chạy ra phía trước, liều mạng một phen. Trước nhà mình là đồng ruộng. Mà ngặt cái, mới gieo mạ, chạy ra đó chỉ có nước chết chắc. Đâu có chỗ nào núp. Lúc đó, tiếng chó sủa ầm ĩ, tiếng bước chân rầm rập. Muốn chạy cũng không còn kịp, vì tụi nó kéo gần tới cửa trước nhà mình. Tao quýnh đến phát khóc, con Út và thằng Tuấn chẳng nói gì, lặng lẽ chạy ra cửa sau. Cửa sau giáp với con rạch, chạy ra đó chỉ có nước nhảy xuống rạch.” Tôi nghĩ thầm, mình mà gặp tình huống đó chắc sẽ không được bình tĩnh suy xét như vậy. Mẹ lại nói: “ Tao với ngoại mày chặn ở cửa trước. Đúng lúc thằng hai Én bước tới. Ngoại mày la lớn, tụi bay muốn gì, tụi bay muốn gì. Tao nghe ngoại mày la mà muốn đứng tim. Tụi nó có phải con người đâu, muốn giết là giết. Mà đúng thiệt, tao thấy thằng Hai Én giơ súng lên, chĩa thẳng vào trán ngoại mày, nạt lớn, “Câm miệng đi bà già. Đánh động cho tụi Việt cộng bỏ trốn hả? Bà mà la thêm một tiếng tui bắn nát sọ bà liền!” Tao thấy ngón tay nó nhứ nhứ như muốn bóp cò, thì hoảng hồn hoảng vía, kéo ngoại mày lại. Ngay lập tức tụi nó âp vô buồng. Trong buồng chỉ có mày với con hai đang ngủ, tao sợ tụi nó làm bừa, nên chạy vô theo. Thằng Lương con với mấy thằng nữa cũng vừa tới trước cửa. Nó thấy tao chạy vô, liền lấy báng súng đánh với theo. Ngoại mày thấy vậy, la toáng. Tao theo phản xạ, giơ tay ra đỡ, nhưng đỡ hụt, báng súng đánh trúng bả vai của tao. Sức trâu bò của Lương Con làm tao đau điếng, rú lên, cả người xiểng niểng ngã vô cửa buồng. Lúc đó, đầu tao choáng váng, nhưng vẫn nghe thằng Lương Con nạt lớn : “ Tụi bay đứng im một chỗ cho tao. Đứa nào động đậy, tao đập nát sọ.” Tao sợ ngoại mày có chuyện, nên đứng im thin thít. Nó nói xong, quay qua dặn thằng phía sau cái gì đó, rồi dắt mấy thằng khác đi thẳng ra nhà sau. Tao thót cả tim, không biết con Út với thằng Tuấn núp chỗ nào. Mày với con hai lại khóc ré lên, làm tao hoảng càng thêm hoảng. Ngoại mày lúc đó cũng liều, chạy tới đỡ tao đụng ngay thằng Hai Én bước ra. Nó ngó tao với ngoại mày chầm chầm, rồi gằn giọng: “Tụi nó núp ở đâu?”. Tao chưa kịp có phản ứng gì, thì nghe “lạch…tạch…” vang lên liên hồi. Âm thanh này hồi đó nghe rất quen thuộc. Tiếng súng nổ, tụi nó đã nhã đạn. Tao thấy ngoại mày đứng không vững, sắp té quỵ thì rướn mình lên đỡ. Thằng Hai Én vụt chạy ra sau, mấy thằng khác cũng lục đục chạy theo. Ngoại mày khóc, nói nhỏ, không biết con Út ra sao. Tao kêu ngoại đừng lên tiếng, con Út chưa chắc có chuyện đâu. Thât ra, lúc đó tao rất sợ. Một lúc sau, Hai Én, Lương Con dắt theo mấy thằng khác bước ra. Lúc đi ngang tao, thằng Hai Én có hơi dừng lại, nói: “Sáng mai mẹ con bà ra rạch vớt xác tụi nó lên. Đừng nói tui không cảnh cáo. Nhà này mà còn chứa chấp Việt cộng, đừng trách tui không nghĩ tình lối xóm.”. Ngoại mày nghe vậy gào lên: “Tụi bay là lũ độc ác. Tụi bây giết con tao. Tao liều với tụi bây”. Thằng Lương Con quay lại nhìn, tao thấy ánh mắt của nó như sẳn sàng giết người, thì tim đập thình thịch, dùng hết sức kéo ngoại mày lại. Tao lo, nó mà lên cơn, không chừng giết cả tụi bay. Ngoại mày la đến khan cả cổ. Tao đợi tụi nó đi rồi mới nói nhỏ, mình ra phía sau coi. May sao anh Bảy bước vô. Ảnh nói tụi nó đi rồi. Tao nhờ ảnh lấy đèn  ra phía sau coi. Ảnh chạy về lấy thêm cây đèn dâu loại lớn. Một lát sau, có thêm vài người qua. Không ai nói với ai tiếng nào, chỉ  lăng xăng đi dọc con rạch tìm”. Tôi chợt hỏi, “ Nhiều người tới vậy, không sợ tụi Hai Én quay lại, bắt út hay sao?” . Mẹ ngước nhìn tôi: “ Xóm mình chuyện như ậy xảy ra cũng thường. Nên mỗi khi tụi nó rút đi, ông bà Năm là người có trách nhiệm theo dõi động tĩnh, còn anh Bảy chạy đi báo hàng xóm”. Tôi à một tiếng, việc tổ chức tuy chẳng chặt chẽ gì, nhưng với hoàn cảnh nguy hại đến sinh mạng mà lối xóm lại có thể giúp đỡ nhau một cách tích cực như vậy, thật đã rất quý. Tôi lại nghĩ đến nhân tình ấm lạnh thời buổi này, thắc mắc không hiểu sao con người lại có thể thay đổi nhanh đến thế.
 “Tao với ngoại mày đứng ở cái cầu, chổ Út mày thường ngồi giặt đồ, kêu nhỏ : ‘Út ơi, Tuấn ơi”. Kêu mấy tiếng vẫn không có động tĩnh gì. Tao loáng thoáng nhận ra có gì đó chẳng lành, nhưng không dám nói, sợ ngoại lo. Chợt tao nghe anh Bảy la lên, “Có vết máu ở đây nè chị Hai ơi, có vết máu”. Tao với ngoại mày lật đật chạy tới. Đúng là có vết máu dính trên lá lục bình. Anh Bảy nữa người đã ở dưới nước, tay không ngừng vạch lá lục bình ra coi. Tao than thầm, thôi rồi ,con Út như vậy là tiêu rồi. Ngoại mày cả người run bần bật. Hoảng quá, tao kêu bà Tám đưa vô nhà. Ngoại mày nhất quyết không vô, đòi xuống rạch tìm thử. Tao nói, để con xuống, ngoại mày mới chịu im, nhưng không vô nhà, mà đứng ở đó. Tao loáng thoáng nghe ngoại mày kêu Út ơi, Út ơi mà đầu óc bấn loạn. Tao với anh Bảy bơi ra xa, lặn xuống rạch vẫn không thấy gì. Trời tối, cộng thêm rạch đầy lục bình, dây leo tùm lum, rất dễ bị vướng. Rất may, anh Bảy tinh mắt, thấy có vết máu loang ra cách đó không xa, bèn lần theo, mới kiếm ra Út mày. Thì ra Út mày với Tuấn núp cách chỗ tao đứng chưa tới 50m, nhờ dây leo che lại. Dưới ánh đèn, tao thấy nước và lục bình gần chỗ Út mày nhuộm đỏ, Út mày nằm, mặt ngữa lên trời, còn Tuấn thì úp mặt xuống nước. Tao hét lên. Mọi người liền chạy tới. Sau một hồi loay hoay, anh Bảy với mọi người mới đưa Út mày và Tuấn lên bờ. Gió thổi hiu hiu, răng tao đánh lập cập, đầu trống rỗng. Anh Bảy bước tới, nói nhỏ, “Tuấn chết rồi chị Hai ơi.Còn Cô Út chỉ bị thương ở tay.”
Tôi nghe giọng mẹ có chút nghèn nghẹn, bàng bạc nổi buồn. Không hiểu sao tôi cũng có cảm giác tương tự. Chuyện của quá khứ, chuyện thời chiến tranh, nhưng phút chốc thấm vào tôi như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua. Mới mẽ quá, thê lương quá. Tôi hơi cúi người, lắng nghe tiếng thở dài trôi ngược vào lòng. Trời đã nhá nhem, muỗi kêu vo ve, nhưng mẹ không hề bận tâm. “ Trong cái rủi cũng có cái may. Con của chú Tâm, bạn ông ngoại mày là sinh viên y khoa năm cuối, đúng lúc nó về thăm nhà. Tao kêu anh Bảy qua nhờ, nên cứu được Út mày. Đạn chỉ sượt qua tay nó, không ghim vào thịt.” Dù biết chú Tuấn đã chết nhưng tôi vẫn hỏi: “Còn chú Tuấn thì sao?”. Mẹ run run: “ Tuấn trúng tới 8 viên đạn, trong đó, có một viên dính ngay sau ót, làm sao sống nổi. Sáng hôm sau, Út mày tỉnh lại. Hay tin thằng Tuấn đã chết thì khóc lóc, ngất lên ngất xuống mấy bận. Sau đó, nó kể tao nghe. Lúc chạy ra sau nhà, hai đứa nó tính lội nước đi dọc theo rạch, lên tới khúc ít dây leo thì bơi qua bên kia bờ. Nhưng đi được một đoạn, Út mày bị dây leo quấn vào chân, nên Tuấn phải lặn xuống nước gỡ ra. Thằng Lương Con rất khốn nạn, nó nghe tiếng động, không cần biết gì, đã bắn liên tục về hướng của Út mày và thằng Tuấn đang núp. Tuấn nghe tiếng súng, chồm lên ôm đầu út mày, dùng người che chắn cho Út mày. Tuấn hứng hết loạt đạn thứ hai. Út mày có nói, lúc đó, chỉ cần bỏ Út mày lại, Tuấn rất có thể sẽ trốn thoát. Sau lần đó, ngoại mày cũng không cấm con Út làm du kích. Mỗi lần Út mày có công tác, ngoại đứng ngồi không yên. Nhưng cũng may, không lâu sau, nghe nói bên mình thắng liên tiếp nhiều trận, đã tràn vào trong này, đánh tụi nói tơi tả. Thằng Lương Con và thằng Hai Én cũng biệt tích từ đó. Nghe nói bị người ta giết, nhưng không biết đúng không”. Mẹ chợt đứng dậy: “ Chuyện là vậy đó. Tối rồi, đi tắm rửa đi”. Tôi dạ một tiếng, nhưng vẫn không nhúc nhích, có cái gì đó không rõ ràng đang dáy lên, chạy bừng bừng trong huyết quãn, xâm nhập từng tế bào cảm xúc, đẩy tôi vào tâm thế cực kỳ mơ hồ. Mẹ thấy vậy, cũng chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ bước vào nhà.
 Tối đó, Út về trễ. Gần tám giờ tôi mới được ăn cơm. Bầu xào với tôm khô, thật ngon, nhưng tôi chợt nếm ra vị mặn. Nước mắt.
Có tiếng bóp kèn tin…tin, tiếng động cơ xe hơi.
Tôi vụt nhìn sang nhà cô ấy. Chiếc Innova đang lặng lẽ bò qua cái cổng hình vòng cung, kết bằng cây dâm bụt. Con đường đầy lá vàng, tiếng rào rạo vang lên xao xác ảm đạm.
Hai hôm sau tôi lên Sài gòn, mang theo tiếng thở dài của mẹ, ánh mắt buồn man mác của Út mỗi khi ngó đâu xa lắc. Tôi gặp thằng Hiệp, nó có vẽ không bận tâm chuyện con Linh cặp với thằng khác. Nó nói, con người có lúc sẽ thay đổi, chuyện con Linh với tao đã là quá khứ. “Quá khứ”? Chuyện mới đây mà nó cho là “quá khứ”, còn chuyện của Út thì sao nhỉ?  Ừ, thế mà mẹ nói đúng. Hai chữ “thủy chung” dường như không hề tồn tại trong suy nghĩ của chúng tôi, hoặc nếu có, chỉ là thoáng qua, như ánh chớp, lóe lên và liền ngay sau đó tắt ngấm.
Một vệt sáng vắt ngang phòng, cánh cửa mở tung chờ gió. Chiếc quạt máy phành phạch không đủ làm dịu sự bức bối, ngột ngạt đang vay kín tôi. Tôi chợt muốn về nhà, về để nghe mẹ răn dạy về cái thủy cái chung đang bị con người dần dần lãng quên; về để được nghe tiếng bìm bịp kêu, rồi cùng Út thổn thức những chuyện dường như chỉ mới ngày hôm qua….
Tô Giang
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2010 13:43:34 bởi Lệ Kiên >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9