Bệnh thoái hóa khớp
Asin 02.09.2003 05:32:58 (permalink)
Nấu cơm, dọn nhà, đi chợ... những công việc nhỏ nhặt này cũng có thể là cực hình nếu bạn bị thoái hóa khớp. Bệnh thường tấn công người già và phụ nữ, gây nên các cơn đau dữ dội và có thể dẫn đến tàn phế.

Thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương. Tình trạng này gây đau nhức và cứng khớp, hạn chế cử động khớp. Tuy không gây tử vong như cao huyết áp, tiểu đường nhưng bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động...

Thoái hóa khớp không phải là bệnh của riêng người lớn tuổi. Nó có thể phát triển từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 2/3 số bệnh nhân là phụ nữ. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (gấp khoảng 1,5- 2 lần). Thoái hóa khớp hay tấn công phụ nữ trẻ sau thời kỳ mang thai và sinh nở, gây các cơn đau đớn.

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm do khuân vác đồ nặng cũng làm tăng gánh nặng cho các khớp, khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Ngoài ra, yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Thoái hóa khớp thường tiến triển chậm. Vào giai đoạn khởi phát, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức sau một vài động tác nhỏ. Một số trường hợp còn không cảm thấy đau đớn ở giai đoạn này. Chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện bệnh trên phim X-quang.

Thông thường, bệnh nhân có các biểu hiện sau: đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp (xảy ra theo định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều. Nếu có cảm giác nóng, đỏ và sưng tại các khớp nghĩa là thoái hóa khớp đi kèm một căn bệnh khác.

Thoái hóa khớp thường xảy ra ở những vị trí sau:

- Ngón tay: Thường do di truyền. Tỷ lệ thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn đàn ông (đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh). Các cục bướu nhỏ, cứng xuất hiện tại điểm cuối của các đốt ngón tay, khiến ngón tay bị to và biến dạng, thô thiển, đi kèm cơn đau.

- Cột sống thắt lưng: Hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa, khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống chân, như có luồng diện chạy từ trên xuống. Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều vào buổi sáng, khi mới ngủ dạy. Cơn đau diễn ra tối đa 30 phút thì giảm. Sau một thời gian, hiện tượng đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều nặng và giảm dần lúc nghỉ ngơi.

- Cột sống cổ: Biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi ở phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

- Gót chân: Bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót chân vào buổi sáng, lúc bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên. Sau khi đi được vài chục mét, cảm giác đau giảm nhiều, bệnh nhân đi đứng bình thường.

- Khớp gối: Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải níu vào một vật khác để đứng dậy; nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.

- Khớp háng: Người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu vì khớp háng chịu sức nặng cơ thể nhiều nhất.

Nếu thấy đau nhức ở các khớp và khó di chuyển trong hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định loại thoái hóa khớp. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu đáng kể cơn đau và nguy cơ tàn phế.

Hiện có hai phương pháp điều trị: dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong điều trị không dùng thuốc (thường được chỉ định cho trường hợp nhẹ), bác sĩ áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện giảm đau. Vận động liệu pháp cũng có hiệu quả trong giai đoạn cơn đau đã thuyên giảm. Lúc đau nhiều, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp phải hoạt động.

Nếu việc điều trị bằng phương pháp trên không còn hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ kê một số thuốc có tác dụng kháng viêm - giảm đau và thuốc giãn cơ. Nhờ sự tiến bộ của y học, những năm gần đây, nhiều thế hệ thuốc kháng viêm - giảm đau mới đã ra đời, được gọi chung là nhóm ức chế COX-2. Ngoài khả năng kháng viêm, giảm đau, nhóm dược liệu này còn giúp hạn chế 60-70% tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày (xuất huyết hoặc thủng).

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Xv65451.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    Asin 16.09.2003 05:48:07 (permalink)
    Hội thấp khớp học TP.Hồ Chí Minh và công ty dược phẩm Merck Sharp Dohme tổ chức hội thảo về " Vioxx (rofecoxib) - chất ức chế chuyên biệt cox-2 trong điều trị cơn đau cấp và thoái hóa khớp" . Tham dự hội thảo có Bác sĩ Peter Jones, chuyên về Bệnh Thấp Khớp và Phục Hồi Chức Năng, khoa thấp khớp bệnh viện Queen Elizabeth Rotorua, New Zealand.

    Theo BS Peter Jones, thuốc kháng viêm không steriod (KVKS) được xem là cách điều trị hiệu quả đối với chứng đau và cứng khớp của bệnh thoái hóa khớp. Nhưng giảm triệu chứng phải trả bằng cái giá là những tác dụng ngoại ý, cụ thể là trên đường tiêu hóa và thận. Nguy cơ nhập viện vì các biến chứng đường tiêu hóa nặng như loét chảy máu, tắc nghẽn hoặc thủng ở người dùng KVKS cao hơn 4 lần so với không dùng KVKS. Biện pháp bảo vệ khỏi tác hại trên đường tiêu hóa do KVKS gây ra là không hoàn hảo. Chất đối kháng H2 không bảo vệ được, và các loại thuốc như Misoprostol, bảo vệ được phần nào, nhưng lại gây ra các phản ứng phụ như tiêu chảy ở một tần suất cao không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến BN tránh sử dụng KVKS là sự xuất hiện các tác dụng phụ gắn liền với việc sử dụng thuốc như khó tiêu, buồn nôn và đau bụng. Mặc dù các tác dụng phụ này phần lớn là không liên quan đến nguy cơ của các tác hại lớn trên đường tiêu hóa, nhưng chúng làm cho BN sợ thuốc và do đó bị đau và hạn chế cử động nhiều hơn. Nhờ vào kết quả của chương trình nghiên cứu khoa học và lâm sàng, giờ đây đã có một nhóm thuốc KVKS an toàn hơn - các thuốc ức chế chuyên biệt COX-2 (coxibs).

    Trong 3 mô hình nghiên cứu đau cấp tính, Vioxx đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương với các KVKS. Trong cơn đau sau phẫu thuật răng, 75% BN đã đánh giá Vioxx giảm đau tốt hoặc rất tốt, so với 20% ở BN dùng giả dược. Sử dụng sau phẫu thuật chỉnh hình, Vioxx cũng tốt như naproxen. Trong? nghiên cứu khác, dùng Vioxx trước và sau mổ đã làm giảm liều morphin sử dụng để giảm đau sau mổ. Trong? nghiên cứu ở các BN đau lưng mạn tính, ngay ngày đầu sử dụng, Vioxx đã có hiệu quả đến buổi tối khi BN đi ngủ.

    Trong các nghiên cứu bệnh thoái hóa khớp từ 1 tuần đến 1 năm, Vioxx đã có tác dụng lâm sàng tương đương với liều cao của các thuốc KVKS đem so sánh (ibuprofen, diclofenac, nabumeton). Trong các nghiên cứu 1 tuần và 12 tuần, Vioxx cũng tốt như naproxen 500mg dùng 2 lần một ngày, và tốt hơn hẳn so với giả dược để làm giảm cơn đau về đêm, cứng khớp vào buổi sáng và đau khi đi bộ trên đường bằng phẳng. Trong một nghiên cứu 12 tháng Vioxx cũng tốt như diclofenac 75mg dùng 2 lần mỗi ngày.

    Vioxx được so sánh với celecoxib 200mg dùng ngày 1 lần hay paracetamol (acetaminophen) 1000mg dùng ngày 1 lần trong một nghiên cứu về bệnh thoái hóa khớp ở khớp gối. Sau 6 tuần điều trị, Vioxx 12,5mg dùng ngày 1 lần có hiệu quả tốt hơn giả dược và tương đương với celecoxib 200mg dùng ngày 1 lần. Vioxx 25mg dùng ngày 1 lần hiệu quả hơn hẳn so với celecoxib hoặc giả dược đối với các triệu chứng đau về đêm, cứng khớp vào buổi sáng và đau khi đi bộ. Trong nghiên cứu này, tỉ lệ BN đánh giá Vioxx 12,5mg hoặc 25mg dùng ngày 1 lần cho hiệu quả tốt hoặc rất tốt hơn so với celecoxib (61% so với 45%).

    Tính an toàn trên đường tiêu hóa của Vioxx đã được cải thiện tốt hơn nhiều. Trong một thử nghiệm lâm sàng trên 1500 BN bị bệnh thoái hóa khớp, tỉ lệ loét dạ dày-tá tràng qua nội soi ở nhóm rofecoxib tương tự như nhóm giả dược. Nội soi dạ dày tá tràng được thực hiện từ mức khởi điểm, tuần thứ 6, 12, và 24 trên các BN sử dụng rofecoxib 25mg và 50mg mỗi ngày, ibuprofen 2400mg mỗi ngày, hoặc giả dược. Xuất độ của các ổ loét > 3mm vào tuần lễ thứ 12 là: 7,3% với giả dược, 4,7% với rofecoxib 25mg, 8,1% % với rofecoxib 50mg, và 28,5% với ibuprofen. Xuất độ của thủng đường tiêu hóa trên, loét hoặc xuất huyết nặng (PUBs) được đánh giá trong một tổng phân tích 8 thử nghiệm lâm sàng về rofecoxib trong bệnh thoái hóa khớp (n=5435), sử dụng nhiều loại KVKS khác nhau. Các biến chứng nặng trên đường tiêu hóa như thủng, loét và xuất huyết (PUBs) ở nhóm điều trị với rofecoxib được ghi nhận ít hơn nhiều cũng như ít có trường hợp ngưng thuốc do tác dụng ngoại ý so với các nhóm điều trị với các KVKS khác. Creatinin huyết thanh không thay đổi sau 12 tháng điều trị, tuy nhiên có một ít ảnh hưởng trên chức năng thận dưới dạng giữ muối và nước. Phù ngoại biên và sự gia tăng nhẹ huyết áp có thể xảy ra.

    Ðể khẳng định tính an toàn trên đường tiêu hóa của rofecoxib, một thử nghiệm lâm sàng tiền cứu, ngẫu nhiên được thực hiện đánh giá xuất độ các tai biến lâm sàng trên đường tiêu hóa trên -nghiên cứu VIGOR. Nhóm BN có nguy cơ cao được chọn trong nghiên cứu đánh giá về hậu quả trên đường tiêu hóa là những BN viêm khớp dạng thấp tuổi > 50 (>40 nếu đang dùng prednison) được uống hoặc Vioxx liều cao (50mg; ngày 1 lần) hoặc naproxen 500mg; 2 lần /ngày. Nhận xét về hiệu quả lâm sàng cho thấy có sự cải thiện tương đương về độ nặng của viêm khớp theo đánh giá chung của BN và bác sĩ. Xuất độ các tai biến lâm sàng trên đường tiêu hóa trên (loét có triệu chứng, xuất huyết, tắc nghẽn hoặc thủng) là: naproxen 4,5; Vioxx 2,1 trên 100 BN/năm. Xuất độ các biến chứng nặng (thủng, xuất huyết nặng hoặc tắc nghẽn) là: naproxen 1,4; Vioxx 0,6 trên 100 BN/năm. Các yếu tố như tuổi trên 65 tuổi, sử dụng steroid và không sử dụng KVKS trước đó gắn liền với nguy cơ tai biến cao hơn. Nói chung Vioxx làm giảm từ 54% đến 62% tỉ lệ các tai biến nặng trên lâm sàng mà có thể gây nguy hiểm thực sự cho BN, 41 BN nên được điều trị với Vioxx thay vì naproxen trong 1 năm để tránh 1 tai biến nặng.?
    < Edited by: casanova -- 9/16/2003 1:50:19 AM >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9