(url) Phùng Quán với Nha Trang
mickey 06.07.2005 03:10:31 (permalink)
Phùng Quán với Nha Trang

Đỗ Kim Cuông

Năm tôi 12 tuổi, tôi đang học lớp 6, không hiểu bằng cách nào lại có được cuốn tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán. Ngày ấy tôi còn nhỏ. Chỉ hiểu lơ mơ rằng: đã là sách bị cấm tức là sách xấu. Trẻ con càng không nên đọc. Nhưng tính tò mò háo hức của trẻ con mạnh hơn cả những điều cấm kỵ. Suốt một buổi chiều, tôi đã trốn người lớn để leo lên nóc chuồng chim cu, ở đấy có một khoảng sân nhỏ ngồi đọc ngấu nghiến cuốn sách. Câu chuyện về những người tù vượt ngục, vượt qua sóng dữ bất chấp những đòn roi tra khảo của giặc cuốn hút tôi còn mạnh hơn cả sự sợ hãi và nóng bức ngày hè. Mấy lần chị tôi gọi tìm nhưng tôi im lặng. Tôi nằm bò trên nền gạch, giấu mình dưới vòm lá dâu da xanh, cố đọc cho xong cuốn sách. Tôi không thể lỡ hẹn với Thắng, tối nay phải trả cho nó cuốn sách.

Thêm hai ba năm sau nữa, một vài thầy giáo dạy văn còn nói với chúng tôi: Phùng Quán là nhà văn đã từng bị đưa đi cải tạo lao động. Tác phẩm của Phùng Quán bị cấm in trên sách báo... Tuổi thiếu niên, tôi chưa thật hiểu thế nào là nhân văn, giai phẩm... Càng không hiểu nổi vì sao tác phẩm của một số nhà văn đã từng tham gia quân đội như Phùng Quán, Trần Dần; và cả một số các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan như Đống rác cũ, Mở hầm của Nguyễn Dậu, Sắp cưới của Vũ Bão... lại thuộc loại sách trẻ con không đọc được. Nhưng hình ảnh về những người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt biển để trở về với đồng chí, đồng đội trong cuốn sách của Phùng Quán thì vẫn còn ám ảnh trong tôi mãi về sau này.

Quãng đầu năm 1986, Phùng Quán đến Nha Trang lần đầu. Trước đấy, cái tin nhà văn Phùng Quán trở về Huế và sẽ đi thăm một số tỉnh miền Trung đã loan truyền trong giới văn nghệ ở Nha Trang, Tuy Hòa.

Đất nước giải phóng đã hơn 15 năm, đang bước vào những ngày đầu của thời kỳ đổi mới. Mà trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm và xóa đi sự nghi ngại với một nhà văn đã từng "chịu chiến" trong nhiều năm không phải là dễ. Khi ấy tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán đã được một nhà xuất bản tái bản. Tôi còn biết thêm, trong những năm bị "treo" bút, Phùng Quán vẫn viết văn làm thơ. Một tập sách viết cho thiếu nhi của Phùng Quán đã được nhận giải thưởng. Bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của ông đang được nhà xuất bản Thuận Hóa sắp ấn hành. Thì ra ông vẫn không ngừng sáng tạo.

Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh ngày ấy do nhà thơ Giang Nam làm chủ tịch. Nha Trang còn tập hợp được nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ, Y Điêng, Văn Công, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Liên Nam... Các nhà văn nhà thơ trẻ cũng có nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, Ban tuyên giáo Phú Khánh nhiều người có học. Anh Bằng Tín chuyên viên phụ trách văn hóa văn nghệ, tốt nghiệp đại học văn, vào chiến trường từ những năm sáu mươi, từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng thoát được khỏi nhà tù, cũng là người làm thơ, viết ký. Lãnh đạo Ban tuyên giáo có người là bác sĩ, thầy giáo có trình độ đại học. Nên việc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh tổ chức tiếp đón nhà thơ Phùng Quán không có gì gặp khó khăn. Huống chi, các nhà văn ở Huế cũng đã từng đón tiếp nồng nhiệt nhà thơ Phùng Quán, một người con xứ Huế, trở lại quê nhà.

Nha Trang đón Phùng Quán bằng một đêm thơ đầy ý nghĩa và cảm động, tổ chức tại Khoa văn trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Mới đầu chỉ ước tính có vài trăm sinh viên trong khoa văn sử đến dự. Nhưng nghe tin có nhà thơ Phùng Quán, hơn 1500 sinh viên ùn ún kéo tới hội trường lớn. Đêm thơ được bắt đầu chừng nửa giờ, nhà thơ Phùng Quán mới tới. Mọi con mắt đổ dồn khi nhìn thấy một ông già đã ngoài tuổi 60, râu tóc rất dài và đẹp. Ông mặc bộ quần áo nâu, đầu đội chiếc mũ lá, tay ông cầm theo một chiếc bị cói, bước vào. Nhà thơ Phùng Quán cúi chào mọi người theo đúng phong cách của người Huế.

Buổi tối hôm ấy, nhà thơ Phùng Quán đọc ba bài thơ. Tôi đã từng nghe nhiều người đọc thơ, nhưng có lẽ ít người có được giọng đọc thơ trầm ấm, đầy âm sắc Huế truyền cảm mạnh tới người nghe như Phùng Quán. Mỗi câu chữ của thơ ông như vắt ra từ chính cuộc đời ông. Cả ngàn thầy trò trường Cao đẳng Sư phạm ngạc nhiên, có người ứa nước mắt khi Phùng Quán đọc bài Tạ làng...

Con tạ đất làng quê / Thấm đẫm bao máu anh hùng đã khuất / Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt / Không lá cây nào không mặn chát gian lao... Con tạ mảnh chiếu rách con nằm / Con tạ bát cơm nghèo mẹ con ăn / Con tạ câu dân ca mẹ con hát / Tất cả thành sữa ngọt / Nuôi con ngày trứng nước / Để hôm nay con được sống / Được lớn khôn / Được chiến đấu hết mình / Vì tự do của Tổ quốc / Được ca hát hết mình / Tổ quốc thành thơ.

Và Phùng Quán viết về cái chết ... Viếng mộ tôi xin đừng đốt hương / Hãy đốt cho tôi ngọn lửa đốt đồn / Khắp cả quê hương đều ngó thấy / Soi sáng hết những nơi nào máu nhân dân đang chảy.

Về khuya. Buổi đọc thơ đã tan nhưng nhiều anh chị em sinh viên vẫn còn bao quanh nhà thơ Phùng Quán hỏi chuyện, xin bút tích.

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (1994), tôi và một số các nhà văn ở Khánh Hòa đã tới ngôi nhà của vợ chồng Phùng Quán bên Hồ Tây, thắp cho ông nén hương nhớ người đi xa.

Bây giờ khu đất phía sau trường Chu Văn An đã có nhiều đổi thay. Quán ăn mọc lên như nấm. Một con đường bê tông chạy ven hồ suốt ngày bị vây hãm giữa đám bàn ghế, lều bạt, tiếng xe máy, tiếng ô tô gầm rú xen lẫn tiếng chào mời khách tới nhậu. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp được bạn bè rủ lên quán cá Hồ Tây. Gió vẫn vần vũ lồng lộng thổi trên mặt hồ gợn sóng. Thêm nhiều nhà tầng cao, tầng thấp lô xô mọc lên bao quanh lấy Hồ Tây, trông xa chẳng khác nào những cây cọc nhọn của cha ông ta cắm ở Bạch Đằng Giang, chặn giặc. Khách tới uống bia, ăn nhậu phần đông là người trẻ, những người có tiền. Rất ít người trong số ấy biết rằng cách nơi họ đang ngồi không xa là chỗ ở của nhà thơ Phùng Quán. Nơi ấy, những vạt cây, bờ cỏ bị phát ngang. Một ngày chưa xa, đã có những buổi chiều Phùng Quán ẩn mình sau những bụi lau ven hồ thả cần câu, lắng tai nghe cá đớp bóng. Ông ngơ ngác nhìn hoàng hôn tím đỏ loang trên mặt nước giữa buổi chiều tàn. Vẳng lên tiếng chuông chùa Trấn Vũ xa vắng, tiếng chuông tàu điện chạy ngược đường lên Bưởi leng keng quen thuộc. Ông đã nhặt từng con chữ cho thơ và suy ngẫm sự đời./.

(Tạp chí Nhà văn)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 03:58:53 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9