Mắt Mầu Nâu Thơ Hồng Khắc Kim Mai
Viet duong nhan 06.07.2005 10:47:49 (permalink)
0
Mắt Mầu Nâu Thơ Hồng Khắc Kim Mai
Xuất bản lần thứ nhất tại Saigon
Kiểm duyệt số 4783 LC/BC3/XB ngày 25-11-1965





Năm 1975, thi tập MMN bị Ủy Ban Quân Quản Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành trên toàn cõi VN, vì đó là sản phẩm đồi trụy của chế độ Mỹ Ngụy .
Năm 1987, Ông Nguyễn Văn Trung (Giáo Sư Triết trường Đại Học Văn Khoa Saigon, và là tác giả của nhiều khảo luận "Nhận Định", "Ca Tụng Thân Xác" ), khi nghe người em của HKKM đi Nhật, đã gửi gắm cô ấy lén lút đưa tập thơ MMN ra nước ngòai .
Vì bận rộn ổn định đời sống mới tại Nhật, mãi đến năm 1994, cô em mới nhớ để gửi cuốn thơ cho HKKM .

Muôn vàn cảm tạ GS Nguyễn VănTrung, người đã trao tặng lại con tôi cho tôi, trong một hoàn cảnh đau thương .



Ngoài tập thơ được trở về với tác giả như đã thưa trên, HKKM biết còn 1 cuốn nữa mà Họa sĩ Hồ Thành Đức và Họa sĩ Bé Ký đã dấu trong hành lý khi họ lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ . Xin cám ơn hai vị đã không để Mắt Mầu Nâu ở lại, mà đã cưu mang nó theo với hành trình của quí vị . Xin cám ơn hai vị đã đem MMN đến nơi an toàn .

Trong chuyến về thăm VN tháng 3/2005 vừa qua, khi lên thắp nhang cho người em bạc mệnh Hồng Khắc Lê Minh, HKKM tìm được tập thơ MMN (thứ 3) bên cạnh bàn thờ của em . Xin cám ơn lòng trân quí của gia đình HKLMinh, luôn luôn để tôi và HKLMinh đi bên cạnh nhau, sống cũng như chết ...

Đôi dòng về tác giả thi tập Mắt Mầu Nâu :
Hồng Khắc Kim Mai sinh tại làng Minh Hương Huế . Tuổi niên thiếu sống tại Đànang, học trường College Francais De Tourane (Blaise Pascal), và những năm cuối trung học tại Lycée Marie Curie Saigon. Xuất thân Đại Học Văn Khoa tại VN, và Đại Học chuyên khoa về Computer Science tại Hoa Kỳ.
Định cư tại tiểu bang Oregon (USA) từ năm 1977-2005
HKKM là một nghệ sĩ sáng tác, chưa có tác phẩm xuất bản tại hải ngọai vì vẫn còn nặng lòng thương nhớ một tác phẩm đã mất, Mắt Mầu Nâu...

Ước ao sẽ đứng dậy ngay nơi chốn đã ngã xuống, tái bản tại Saigon


Xin mời quí khách bước vào thế giới Thơ, Văn, Nhạc, Họa của Hồng Khắc Kim Mai




Journey To Glory
Mixed media on canvas, 36" x 36"
Artist : Hong Khac Kim Mai






Tranh và thủ bút của Hồng Khắc Kim Mai, Trần Lan Chi (nhanhlantim) trình bày


Thi sĩ Du Tử Lê, một nhà thơ rất nổi tiếng ở hải ngọai, đưa quí khách vào cõi thơ Mắt Mầu Nâu với bài viết....

Hạnh phúc thơm từ tài năng, trí tuệ Hồng Khắc Kim Mai

".....
Chớm dậy thì
Lớp măng ngọc
Bày đặt học viết chữ Yêu
Trên trang giấy sông Hàn
Làm thơ tình thạch nhũ
Giọt Non Nước đá mòn
Đọng miết trên môi
Môi chưa biết thoa son
Đã biết thẹn thùng
Khi anh nâng cằm
Dạy miếng hôn nóng hổi
....."

Đó là thơ Hồng Khắc Kim Mai, 1959. Bốn mươi năm. Hôm nay, đọc lại , với tôi, thơ
Hồng Khắc Kim Mai, vẫn mới, như cảm giác đã có cách đây gần nửa thế kỷ.

Tôi tin, cũng như tôi, người đọc sẽ chấn động, khi biết, "miếng hôn" (mà) họ Hồng cho
lại chúng ta, qua thơ của cô, là "miếng hôn" cô có được từ thuở mười lăm..

Tôi nhớ, giữa thập niên 60, khi "Mắt Mầu Nâu" từ giảng đường Văn Khoa, Saigon, bước
xuống sân chơi thi ca, tự thân, đã một cơn lốc lớn. Cơn lốc chữ nghĩa, táo tợn. Cơn lốc
hình ảnh, tân kỳ. Cơn lốc thịt da, thảng thốt.

Tôi nhớ, giữa thập niên 60, khi "Mắt Mầu Nâu" từ sân chơi thi ca sinh viên, bước vào quảng
trường văn chương thời đại, tự thân, đã một địa chấn lao lung...

Những câu hỏi, cất lên từ nhiều phía, thương yêu. Những câu hỏi , cất lên từ nhiều phía, dao nhọn.

Những câu hỏi, dù có là những lát chém xuống sinh phần thơ Hồng Khắc Kim Mai; hay những vòng nguyệt quế ngưỡng mộ, tựu trung, đều không câu trả lời. Chúng như những viên sỏi chìm ngỉm
dưới một mặt nước, rộng. Bởi vì, Hồng Khắc Kim Mai, đã mất tích, ngay khi vừa xuất hiện.

Sự mất tích của họ Hồng, hiểu theo nghĩa nàng lỗi hẹn với vinh quang, hay, chối từ nắm, bắt bàn tay danh vọng, đưa tới ?

Cách gì, lý do thầm kín nào, theo tôi, điều ấy, không quan trọng. Có quan trọng, đáng kể chăng, chính là sinh phần nắng, gió của đời thơ ấy.

Có quan trọng, đáng kể chăng, theo tôi, là lượng máu huyết của những câu thơ họ Hồng, hôm nay, sau bốn mươi năm ngọn, vực, vẫn còn rói, tươi sức sống. Chúng vẫn thở hồn nhiên mới mẻ, ngồn ngộn tinh khôi, giữa khi bao đời thơ khác, đã thời gian, rã mục; đã quên lãng, chôn vùi.

Hôm nay, sau gần nửa thế kỷ xấp, ngửa, cá nhân, đọc lại "Mắt Mầu Nâu" , tôi vẫn thấy mình chưng hửng, sảng khóai; bất ngờ, hân hoan, với những câu thơ như :

"Người yêu của tôi tìm vui trong khói thuốc, những-vòng-cung-chểnh-mảng"

Hoặc,

"Người hỏa tinh buông màn nghe hơi lạnh xuyên mười lớp áo
Ngước mặt lên trời cao
Vào đêm
Mắt mầu nâu đã trở thành đen sẫm..."

Hoặc nữa:

"Dỗ em đi anh
Dỗ cho kiếp sống vụn dày này an nghỉ
Dỗ cho trời cao xanh phải khóc
Em hôm nay như con trâu cày hừng đông mệt mỏi
Em như đá cổ sơ xôn xao ngày nhật thực
Có nghĩa lý gì một trăm năm đằng sau lưng hay đằng trước mặt
Quả bóng vỡ đi rồi, và xà bong tan trong nước
Em chán chường quá trời ơi làm sao anh biết được?

Dỗ em đi anh
Mộ dài xanh cầm canh tóc cỏ
Nửa đời em thuyền ngữa nước bơ vơ....."

Bốn mươi năm sau. "Mắt Mầu Nâu" trở lại, và, bước xuống cuộc đời, một lần nữa, lại
mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Hạnh phúc thơm từ tài năng (và.) trí tuệ từ một người,
mang tên Hồng Khắc Kim Mai. Hạnh phúc biết bao cho chúng ta, nếu chúng ta nhớ lại
rằng:
"Chỉ có những tài năng thật, mới mang sự mới mẻ đến cho văn học ... "

Cám ơn Mai. Mai. Mai. Mai

Du Tử Lê


Xin giới thiệu với quí khách Nhà thơ [red]Đỗ Nghê[/red]
Đỗ Nghê là bút hiệu thơ của BS Đỗ Hồng Ngọc, một tác giả rất nổi tiếng ở VietNam hiện nay. Ông đã xuất bản hơn 10 cuốn sách, và có thể nói những tác phẩm của ông đang là những best seller tại quê nhà...


Như không thôi đi được

“Có người hỏi rằng: Thơ tại sao mà làm ra? Ta giả nhời rằng: Người ta đẻ ra mà tỉnh, là tính Giời cho nguyên như thế; cảm ở vật ngoài mà mới động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ; đã có nghĩ phải có nói; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ”. ( Chu Hy, Bài tựa tập truyện Kinh Thi, Tản Đà dịch).

Một hôm, đọc lại những bài thơ HKKM của bốn mươi năm trước tôi chợt nhớ đến những câu viết đó của Chu Hy. Thơ tại sao mà làm ra? Tôi không tin người ta có thể làm ra thơ. Tôi không tin có một động từ “làm” ở đây. Thơ tại sao mà ra, thì được. Và câu trả lời là nó tự nhiên ra, nó ứa ra, nó tuôn ra, nó trào ra, nó chảy ra, như nước trong nguồn chảy ra chẳng hạn. Nhiều người thời tôi còn nhớ những bài thơ của HKKM xuất hiện khi mới mười lăm, mười sáu. Những bài thơ tuôn ra ứa ra trào ra đó có thể làm sửng sờ đôi chút người đọc vì cái giọng điệu cung bực ngậm ngùi ngợi than kia có vẻ như đã mượn nàng để hình hiện ra bên ngòai. Khi chưa là một người con gái biết thế nào là tình yêu thì thơ nàng đã đẫm những oan oan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu; khi chưa là một người đàn bà biết thế nào là cho con bú mớm, nàng đã có những bài thơ nói về… sữa mẹ, cứ y như là một sinh viên trường thuốc chính hiệu. Và rồi cái tính Giời cho nguyên như thế đã cảm ở vật ngòai mà động, động hơi nhiều nữa là khác, nên thơ cứ thế mà ra, không cần phải hỏi tại sao. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm tần tảo ngược xuôi, vác con bương chãi đầu ghềnh cuối bãi, ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng (TCS), một hôm sửng sốt lại thấy thơ sờ sờ ra đó, hình hiện không chỉ trong tâm tưởng..Những giọng điệu cung bực của thứ tiếng lòng đó nó tuôn ra, ứa ra, tràn ra như không thôi đi được, không ngưng lại được. Có thể nó xưa, nó cũ nữa, nhưng nó không có thời gian. Bởi cái thứ tiếng lòng hình hiện trong lúc ngậm ngùi ngợi than thì nó hẳn chân thật, không màu mè, hình thức, không thời gian.

Tôi muốn ghi lại đôi dòng cảm nghĩ khi đọc lại HKKM:

Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Bốn mươi năm biền biệt
Nàng cõng con rãi khắp các ngã đường
Cấy con như cấy lúa
Rồi đến mùa gặt hái
Nàng sững sờ như mỵ nương
Soi mình bên giếng ngọc
Thơ lại về cửa động đầu non
Mắt mờ sương khói
Bụi đường không vương

Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những cung bực ngợi than
Hình hiện
Lỡ ngậm ngùi từ trứng nước Âu Cơ
Bước chân hành hương một buổi mai về
Ôi Phong Châu
Ngày cũ
Người đàn bà nhúng mình dòng nước mát
Quê hương
Và những giọt nước đã lăn tròn trên má

Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những hạt mần không bao giờ lịm tắt
Thơ hình hiện muôn đời


Không thôi đi được.
Phải,
Như không thôi đi được.

Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng Ngọc)
2005


Thủ bút của BS [red]Trương Thìn [/red](nhạc sĩ , thi sĩ và họa sĩ ) về Hồng Khắc Kim Mai




Tranh Hồng Khắc Kim Mai
"No Apple" (Vô tội) , hình ảnh bà Eva khi chưa ăn trái cấm
Sơn dầu trên vải bố , 24" x 36"
Trần Lan Chi trình bày


Vô đề
Lật trang sách cũ,
Đi vào huyền thọai Hồng Khắc Kim Mai,


Mắt Mầu Nâu



Cheveux noirs, cheveux noirs
Caressés par les vagues
Cheveux noirs, cheveux noirs
Decoiffés par le vent
(Jacques Prévert)




Thuở ấy, nàng thơ
(Nguyễn Kỳ photo)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.07.2005 21:12:41 bởi ct.ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9