Lời tác giả
Bài thơ “VIẾT CHO CON GÁI SAU NGÀY NGƯNG BẮN 27.01.1973” được viết sáng ngày ký kết hiệp định Paris ngưng bắn trên toàn lãnh thổ VNCH. Bài thơ viết cho em Thu Hồng ,với ước mơ những ngày yêu nhau giữa mịt mù khói lửa của cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau 38 năm nằm yên trong ngăn tủ sách, tình cờ tìm thấy bài thơ này và bài thơ “ NÀY EM ! CON CHIM HIPPIES MANG ĐÔI CÁNH HÒA BÌNH “ . Thật vô cùng xúc động khi giấy đã ố vàng, nhưng ngăn ký ức của tôi không phai nhòa , tưởng chừng như mới hôm qua.Tôi đã đọc hàng giờ và quyết định công bố bài thơ cho đọc giả cùng trở về quá khứ chiến tranh ngày ấy. VIẾT CHO CON GÁI SAU NGÀY NGƯNG BẮN 27.01.1973
*
Buổi sáng tinh sương như lời chào mừng của bố
Một ngày thật yên bình êm ả
Một ngày không có mìn Claymore
Một ngày lựu đạn quên gài
Một ngày máy bay thôi bỏ bom
Một ngày súng không nổ
Đèn hỏa châu không cháy sáng quê hương
Con hồn nhiên thắp nụ cười nắng lụa
Hồn nhiên như bố nói yêu mẹ con hết vội vàng
Dù mẹ sinh con thiếu tháng-thiếu ngày
Con vẫn thấy mình bây giờ khôn lớn
Con đã biết soi gương
Con đã biết làm dáng thẹn thùng
Con đã biết liếc tình khi bóng hoàng tử đi qua
Ôi ! Bố cảm tạ đất trời
Con đã được khai nguyên sau cuộc chiến tranh
Con đã được mở mắt khóc cười sau ngày hai mươi bảy tháng giêng năm bảy ba
Ngày ngưng bắn bi thảm có hiệu lực từ tám giờ sáng đông dương
Ôi ! Tám giờ sáng đông dương như chiếc cầu sắp gẫy
Con ơi con
Bố cảm tạ đất trời
*
Con biết không ?
Khi con tượng hình-tượng bóng
Khi con biết đạp-biết chòi trong cái bụng tròn ủm của mẹ
Bố phải vuốt ve
Mỗi lần mẹ con nhăn nhó vì đau
Vì con phá phách
Vì con tinh nghịch quá con ơi
Và bố cứ nghĩ rằng
Con sẽ chết theo niềm tin của bố
Bởi vì mẹ sinh con thiếu tháng-thiếu ngày
*
Con biết không ?
Một lần nửa đêm con làm sốt
Nóng như thân cây trong bếp lửa hồng
Bố mẹ lo âu sầu khổ
Thân gầy như thập tự giá khẳng khiu
Mẹ đã khóc
Con cũng khóc rồi con ngửa mặt
Rồi há mồm đòi bú sữa
Sữa mẹ con hay là nước mắt
Nước mắt chảy thành sông rộng biển dài
Con ơi con
Bố mẹ vẫn mong con còn thật bé
Như con mèo ngủ kỹ
Như chú chuột bạch rong chơi
Như con cún nhỏ lăng xăng chạy nhảy
Để bố mẹ được vui mừng
Nhìn con hồn nhiên trong mộng ước
*
Ngày con lớn
Sẽ không còn quả bích kích pháo rơi trúng một nơi nào đó
Chẳng hạn như nhà thương
Trường học- chùa chiền
Sẽ không còn bà mẹ già
Sẽ không còn người vợ trẻ
Chắp tay hoa cầu kinh bình an cho Tổ quốc hai miền
Bên đây Sài Gòn
Bên kia Hà Nội
Con ơi con
Sự chết chóc lúc ấy là chuyện lạ đối với mọi người
*
Ngày con lớn
Con sẽ không còn thấy mẹ xách giỏ đứng bên vòng thép gai chiến tranh
Ôi ! Giọt lệ đầu tiên khóc khi gặp chồng
Giọt lệ thứ nhì mừng vui hội ngộ
Bố bồi hồi xúc động
Khi mẹ con thỏ thẻ bên tai
“ Em thương mình hết sức ! “
*
Ngày con lớn
Gia tài bố chỉ còn mấy bài thơ
Vì bố là thi sĩ
Vì bố nghèo lắm con ơi
Nhưng bố vẫn mong
Lúc nào con cũng còn bé bỏng
Để tóc con còn xanh
Môi con còn hồng
Da thịt con còn hương thơm thời con gái
Tiếng nói con như tiếng vỡ thủy tinh
Hay con chợt buồn trong nắng ấm pha lê
Bởi bố thương con ngày con còn thật bé
Ngày xưa-xưa thật là xưa
Khi bầy chim chưa rời tổ
Con như bướm trắng thẫn thờ thiếp ngủ
Với khuôn mặt dễ thương
Sóng mũi dọc dừa
Đôi mắt bồ câu long lanh
( lúc con chả còn lim dim mắt phụng )
Ôi ! Bố cảm tạ đất trời
*
Ngày con lớn
Bố cầm giấy tờ giải ngũ trên tay
Chân bước khỏi doanh trại
Lòng nôn nao muốn khóc
Con ơi con
Bố chạy như điên ra bến xe
Chọn chuyến khởi hành về Sài Gòn
Hòa bình
Con ơi
Hòa bình vừa hiển hiện
Bố muốn khóc quá chừng
Khi biết mình còn sống
Còn thấy mặt con trong ngày hòa bình
*
Ngày con lớn
Chắc bố mẹ già nua rã mục
Hấp hối nhìn tuổi trẻ chết khô
Nhưng bố mẹ vẫn còn vui
Vẫn còn yêu nhau đắm đuối
Yêu như hồi còn son trẻ
Khi mẹ còn còn là cô sinh viên với giảng đường đại học
Khi bố còn làm thơ
Dù bố mẹ không còn mạnh khỏe như ngày nào
*
Thôi thì bố chỉ biết cảm tạ đất trời
Cho mẹ sinh con sau ngày hai mươi bảy tháng giêng năm bảy ba
Ngày ngưng bắn trên quê hương Việt Nam buồn thảm
Con ơi con
Bố mẹ thương con vô cùng
( Việt Nam thời chiến1973 )
Linh Phương
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.05.2011 08:46:28 bởi Linh Phương >