Da Hương
-
Số bài
:
215
- Điểm: 2
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 13.03.2010
|
RE: Thơ Tình Linh Phương
-
03.03.2011 14:35:36
Rắc rối quanh bài thơ được phổ nhạc “Kỷ Vật Cho Em” Ngành Mai Tuần qua đài Tiếng Nước Tôi có yêu cầu chúng tôi nói về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” bởi cho đến bây giờ rất nhiều người vẫn lầm tưởng bản nhạc nói trên là do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác. Là người phụ trách chương trình cổ nhạc của đài, cũng đồng thời phụ trách trang cổ nhạc kịch trường của nhật báo Người Việt, chúng tôi viết lên bài này để độc giả, thính giả, chúng ta cùng hiểu qua giai thoại về bản nhạc từng một thời gây chấn động mọi giới. Thật ra thì “Kỷ Vật Cho Em” nếu không có chuyện rắc rối xảy ra thì nó cũng là bản nhạc thuộc loại “phản chiến” như nhạc của Trịnh Công Sơn vậy thôi. Nhưng vấn đề ở đây là do có liên quan đến luật pháp về tác quyền đối với nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy, nên sự kiện đã trở thành lớn chuyện. Hình chụp tại một quán ca nhạc ở Sài Gòn, lúc nhạc sĩ Phạm Duy mới về Việt Nam. Bên trái là ký giả Lê Phương Chi, cũng là nhà văn Thái Tâm Canh, tác giả bộ truyện Trung Hoa lịch sử tiểu thuyết “Ðào mả Tần Thủy Hoàng”. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) Thời ấy vào khoảng 1971, giới yêu nhạc đã xôn xao bàn tán khá nhiều về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” vì ai cũng đinh ninh rằng do chính nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy sáng tác như hằng bao nhiêu bản nhạc khác của nhạc sĩ vậy. Thế rồi, đùng một cái, tin tức loan truyền mau lẹ không riêng gì trong giới yêu nhạc mà lan rộng sang nhiều giới khác, rằng bản nhạc kia nguyên là bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của một thi sĩ quân đội mà nhạc sĩ họ Phạm đã chơi trò ma giáo phổ nhạc của người ta rồi tỉnh bơ luôn! Bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” với những câu: Em hỏi anh bao giờ trở lại Xin trả lời mai mốt anh về Không bằng chiến thắng trận Pleime Hay Ðức Cơ - Ðồng Xoài - Bình Giã Anh trở về hàng cây nghiêng ngã Anh trở về hòm gỗ cài hoa Anh trở về bằng chiếc băng ca Trên trực thăng sơn màu tang trắng... Cũng bằng những dòng thơ đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” một nhạc phẩm đã tạo nhiều tiếng vang sâu rộng trong lòng giới yêu chuộng nhạc thời bấy giờ (khoảng 1970). Ðã nổi tiếng rồi, qua năm sau bản nhạc lại được đưa lên bàn mổ để thêm một lần nữa nổi tiếng nhiều hơn, và lần này đã gây chấn động không những trong làng ca nhạc mà lan rộng ra nhiều giới khác, do một rắc rối xảy ra như sau: Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của nhà thơ Linh Phương mà tác giả không hề được hỏi ý kiến, cũng không được hưởng một xu nào cả khi bản nhạc được xuất bản, và sau hết là tên tác giả bài thơ bị xóa bỏ trong tuyển tập nhạc của Phạm Duy. Cũng nên biết có lúc giới trẻ yêu nhạc đã gọi nhạc sĩ Phạm Duy là “Bố già Hippy”. Nhà thơ Linh Phương. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) Bản nhạc nêu trên qua thời gian coi như đã đi vào lịch sử âm nhạc, văn học Việt Nam. Thế nhưng, đối với lớp người thuộc các thế hệ sau này có mấy ai am tường những rắc rối bao quanh bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em” lúc nó mới ra đời? Cũng như có mấy ai biết rõ nguồn gốc bản nhạc được giới mộ điệu liệt vào một trong số những bản nhạc hay, bất hủ ấy vốn xuất phát từ bài thơ của một người chiến sĩ có tâm hồn văn nghệ. Ðồng thời lại cũng có người lầm tưởng bản nhạc kia là hoàn toàn của Phạm Duy như đã đề cập. Cái điều mà thiên hạ thắc mắc lúc bấy giờ là nhà thơ kia là ai? Và tại sao bản nhạc được phổ biến gần cả năm trời rồi mà tác giả lại im lặng như thế chứ? Lúc ấy tại những tụ điểm ca nhạc thì hầu như ngày nào cũng có ca sĩ hát bài “Kỷ Vật Cho Em” và có hát là có người bàn bạc về tác giả cũng như nội dung bài thơ. Rồi lại có tin nói rằng tác giả bài thơ ấy là một chiến sĩ đã chết trận, nên chỉ nghe nói mà không thấy xuất hiện. Thế là bao nhiêu huyền thoại được tung ra, nào là Linh Phương tác giả “Kỷ Vật Cho Em” đã chết trận ở Huế, nào là tác giả là một vị thiếu tá cụt tay của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, trung úy một chân của Biệt Ðộng Quân, v.v... Rồi thì việc phải đến đã đến, nhà thơ Linh Phương xuất hiện, anh là một sĩ quan binh chủng Biệt Ðộng Quân, Biệt Kích, 25 tuổi, gốc người miền Nam. Sau lần giã từ hiểm địa Hạ Lào, nhà thơ Linh Phương trở về thành phố và nhân một lần tình cờ ngồi ở phòng trà Queen Bee nghe tiếng hát Thái Thanh qua bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em” của tác giả Phạm Duy. Anh sửng sốt vì bản nhạc là bài thơ anh sáng tác vào đầu năm 1970 gửi cho nhiều nhật báo, tuần san. Riêng tờ Ðộc Lập, anh sửa tên lại là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi” đăng trên mục thơ do cô Ấu Lăng phụ trách vào Tháng Năm, 1970. Một bất ngờ hơn nữa người bạn của anh trao cho anh mượn tập nhạc “Kỷ Vật Chúng Ta” của Phạm Duy, trong đó có bản “Kỷ Vật Cho Em,” tên tác giả bị bôi xóa, niên hiệu bài thơ lại đề năm 1968. Anh hơi buồn về chuyện đó nên nhờ người bạn ký giả một tờ tuần báo đăng vài hàng nhắn tin cần gặp nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy vẫn không đá động gì, nên nhà thơ quân đội Linh Phương buộc lòng phải gởi thư lên tiếng cùng Phạm Duy về bản nhạc. Giờ đây thì vụ rắc rối này không là chuyện riêng tư của Phạm Duy và Linh Phương nữa, vì mọi người đều đã biết đến qua báo chí. Sau mấy ngày báo đăng, rằng nhà thơ Linh Phương tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” sẽ đưa nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa về việc phổ nhạc không có sự chấp thuận của tác giả, cuộc lên tiếng của Linh Phương đã bắt buộc Phạm Duy phải nhờ người đi tìm đến số nhà 104/23 Yersin, Sài Gòn, nơi cư ngụ của anh để điều đình về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em.” Nhạc sĩ Phạm Duy cho báo chí biết là ông đang thảo một bức thơ ngỏ để trả lời nhà thơ Linh Phương, sở dĩ ông phổ nhạc bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” là vì đã lâu lắm tình cờ ông đọc thấy bài thơ hay hay trong một tờ nhật báo, và ông đã nổi hứng đặt nhạc cho thơ, cũng như đã từng phổ nhạc cho thơ của Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Du. Rất tiếc khi tập nhạc được phát hành, nhà xuất bản đã sơ xuất bỏ quên tên của nhà thơ trên bản nhạc, và ông đã lưu ý nhà xuất bản cải chính giùm lỗi này cũng như mười mấy lỗi trầm trọng khác. Ðồng thời ông cũng yêu cầu các nhà xuất bản kiếm nhà thơ để giải quyết vấn đề tác quyền, nhưng nhà xuất bản kiếm không ra vì không ai biết nhà thơ Linh Phương là ai? Ở đâu? Về việc kiện cáo, nhạc sĩ Phạm Duy cho là không thành vấn đề, vì nhà phát hành phải lo chuyện này. Tuy nhiên, việc nhà thơ Linh Phương lên tiếng, Phạm Duy cho đó là dịp may để ông được biết rõ tên thật và binh chủng của thi sĩ, để ông có thể ngỏ lời mời tới gặp và sẽ đưa tới gặp nhà xuất bản để những người này làm bổn phận của họ. Và sau đó thì lá thơ của Phạm Duy được lên báo: Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971. Kinh gởi anh Linh Phương. Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí). Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai. Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.” Những điều anh trách tôi như: “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau: 1. Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trong, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn. 2. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót: Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi. Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn. Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả. 215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn Phạm Duy Kết cuộc thì vấn đề được giải quyết ổn thỏa bằng một sự thông cảm hết sức văn nghệ chớ không dính dáng gì đến tiền bạc. Sự thông cảm thể hiện rõ hơn khi Phạm Duy đích thân mời Linh Phương trong quân phục tác chiến tới dự buổi trình diễn của gia đình Phạm Duy tại phòng trà Queen Bee. Khán giả đêm đó đã biết mặt nhà thơ Linh Phương tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” mà họ tán thưởng từ lâu qua lời giới thiệu trịnh trọng của nhạc sĩ Phạm Duy. Tháng Tư, 1975 nhạc sĩ Phạm Duy di tản ra hải ngoại, và ông đã về nước sống tại Sài Gòn nhiều năm qua, thỉnh thoảng người ta cũng thấy ông ở các tụ điểm ca nhạc. Riêng nhà thơ Linh Phương thì sau ngày quân đội VNCH tan hàng, người ta không biết anh ở đâu, sống bằng nghề gì.
|