Mắt
HongYen 08.07.2005 05:15:48 (permalink)
AP


Việt Nam nhắm mục tiêu xóa bệnh mắt hột trong vòng 5 năm

07-July-2005

Tin của hãng AFP đánh đi từ Hà Nội ghi nhận lời các giới chức cho biết Việt Nam đang nhắm mục tiêu xóa bệnh mắt hột gây mù mắt, trong vòng 5 năm, tức là sớm hơn 10 năm so với thời hạn mà Tổ chức y tế thế giới đã chọn làm mục tiêu là 2020.

Trong một thông cáo, thứ trưởng y tế Trần Chí Liêm bầy tỏ niềm hãnh diện là Việt Nam đã giảm thiểu được các ca bệnh mắt hột một cách đáng kể nhờ sách lược kiểm tra toàn quốc.

Chương trình kiểm tra bệnh mắt hột phát động tại Việt Nam vào năm 2000 được coi như một mẫu mực trong công cuộc phòng chống bệnh này, theo một thông cáo được phổ biến nhân dịp cô Cheryl Tiegs, từng là một người mẫu siêu hạng của Mỹ đến thăm Việt Nam để quảng bá cho chương trình.

Mắt hột là nguyên do hàng đầu trên thế giới gây ra mù mắt có thể tránh được.

Bệnh lây truyền dễ dàng từ người mẹ sang con nhỏ và qua tiếp xúc, nhưng các giới chức y tế cho biết có thể kiểm soát bệnh qua biện pháp tăng cường vệ sinh, dùng thuốc kháng sinh, và phẫu thuật đơn giản trong những ca bệnh nặng.

Khoảng 9 triệu người bị khiếm thị do hậu quả của bệnh mắt hột trên toàn thế giới.

Tổ chức Y Tế Thế giới ước tính 10% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh mắt hột, khiến cho bệnh này trở thành một mối nguy chính cho y tế công cộng.

Tại Việt Nam, có ước chừng 11 triệu người có nguy cơ nhiễm bệnh mắt hột, với 300 ngàn ca mù có liên hệ đến bệnh này.

http://www.voanews.com/vietnamese/2005-07-07-voa9.cfm
#1
    HongYen 29.07.2005 03:40:25 (permalink)

    Virus HIV.


    Thứ tư, 27/7/2005, 16:17 GMT+7

    Phát hiện virus HIV trong mắt người

    Lần đầu tiên các bác sĩ Trung Quốc tìm thấy virus HIV trong dịch nước ở mắt của một bệnh nhân, mặc dù người này có kết quả xét nghiệm HIV qua huyết thanh là âm tính.

    "Phát hiện trên chứng tỏ cho dù xét nghiệm HIV qua huyết thanh là âm tính, nó cũng không có nghĩa là bệnh nhân đó đã được chữa bệnh, vì virus có thể vẫn ẩn dật ở đâu đó trong cơ thể", Li Taisheng, một chuyên gia về chống truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Y Bắc Kinh nhận định.

    Trên tờ Beijing Morning Post, Li cho biết nữ bệnh nhân có virus HIV trong mắt đã điều trị ở bệnh viện được 1 năm và gần đây bị mất thị lực. Bác sĩ phát hiện có virus HIV trong mắt sau khi người này trải qua phẫu thuật trị bệnh đục nhân mắt.

    "Rõ ràng là các dược liệu chống AIDS thông thường không có tác dụng đối với virus HIV trong mắt", Li nói. Tuy nhiên, virus này không tồn tại trong nước mắt và con người không lây bệnh qua nước mắt.

    Mỹ Linh (theo Xinhua)

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/07/3B9E0899/
    #2
      HongYen 23.01.2006 16:27:58 (permalink)
      Vài nét về lịch sử giải phẫu mí mắt người Á Ðông

      Phần I



      Wednesday, January 18, 2006

      Mắt của người Á đông có dáng vẻ khác mắt người Tây phương. Hiện nay, nhiều người Á đông nhận biết là giải phẫu mắt người Á đông giống mắt người Tây phương hay áp dụng kỹ thuật giải phẫu Tây phương trên mắt người Á đông sẽ làm mất nét đẹp riêng tiêu biểu của các sắc dân này. Có người còn đi xa hơn, gọi đó là “phá tướng.” Lịch sử giải phẫu mí mắt người Á đông có nhiều thay đổi qua dòng thời gian, và người Nhật đã đi tiên phong trong lãnh vực giải phẫu thẩm mỹ. Trong diễn biến đổi thay này, nói cách chung, người Việt Nam đã đi sau khá lâu.


      Ở Nhật đã có thời kỳ bế quan tỏa cảng, triều đại Edo thế kỷ 17-19. Nét đẹp lý tưởng của một người vợ tốt hay mẹ hiền được thể hiện qua đôi mắt nhỏ một mí. Ðến năm 1868, Nhật bản có cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa và thời trang Tây phương. qua Commodore Perry và các người Tây phương đến Nhật. Trong năm thập niên, nước Nhật được canh tân, cũng như Tây phương hóa ở nhiều lãnh vực. Ảnh hưởng của Tây phương trong việc giải phẫu mí mắt đôi được Mikamo thực hiện năm 1896, 28 năm sau khi những người Tây phương đầu tiên đặt chân lên nước Nhật. Những kỹ thuật đầu tiên được áp dụng không phải là cắt mắt mà là luồn chỉ, với nếp nhăn không quá to hay quá sâu, và mắt không thụt hõm vô quá nhiều.

      Khi phụ nữ Nhật hoạt động tích cực ngoài xã hội và quan tâm đến thời trang, kỹ thuật giải phẫu cũng như kết quả cũng thay đổi theo cho phù hợp với ảnh hưởng văn hóa Tây phương. Sau cuộc động đất năm 1923, thành phố Tokyo được xây cất lại và trở thành một đô thị không khác gì New York hay London. Nhờ sự tiếp xúc gia tăng với nền văn hóa Tây phương cũng như quan niệm về thẩm mỹ, một số phụ nữ Nhật bản muốn có mí mắt với nếp nhăn to hơn và đôi mắt hõm sâu hơn. (Ðiều này cũng tương tự như việc sửa mũi người Á đông bằng chất độn cao như mũi Tây phương). Chính lúc này, kỹ thuật giải phẫu cắt mắt phát triển, tạo nên đôi mắt giống như mắt phụ nữ Tây phương với nếp nhăn to và cao. Sau Thế Chiến Thứ Hai (World War II), ảnh hưởng của văn hóa Mỹ càng trở nên mạnh hơn.

      Trong thập niên 60 và đầu thập niên 70, nhiều cuộc giải phẫu mắt ở Nhật tạo nên đôi mắt có những đường nét rất giống mắt người Tây phương. Những đôi mắt Nhật hóa Tây phương này xuất hiện thường xuyên trên các màn ảnh truyền hình. Ở thời điểm đó, không ai có thể nghĩ là những cặp mắt sâu hõm đó, 5-20 năm sau khi giải phẫu, tạo nên hậu quả làm mắt trông già hơn mức già tự nhiên phải có do tuổi tác. Qua thời gian và tuổi già, mắt mỗi người trông chìm sâu hơn. Ðối với những phụ nữ Nhật đã trải qua cuộc giải phẫu mắt để có cặp mắt Tây phương, da, bắp thịt và mỡ đã được lấy đi nhiều quá, khiến cho mắt trông giống như một tròng mắt nằm sâu trong một lỗ trống hoặc có vẻ như đói ăn lâu ngày. Gần đây, cách giải phẫu mắt cho người Tây phương cũng bắt đầu duy trì sự đầy đặn để trông trẻ trung hơn.

      Sau 1975, giới bác sĩ và phụ nữ Nhật chú trọng nhiều đến sự quân bình trong nét đẹp của phụ nữ Nhật. Giải phẫu mí mắt cũng như giải phẫu mũi, đặc biệt với chất độn silicone, do đó, được thay đổi cho phù hợp với nét đẹp của phụ nữ Nhật.

      Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Nhật và phụ nữ Nhật cùng đồng ý ở một điểm chung: Phụ nữ Nhật cần có đôi mắt với nét đẹp của người Nhật. Dù phụ nữ Nhật đã cố gắng rất nhiều trong việc mặc y phục Tây phương, họ có nét đẹp duyên dáng riêng, không thể bắt chước làm giống như phụ nữ Tây phương được. Nói khác, mắt của người Tây phương không xứng hợp với khung mặt của người Nhật. Nhờ đó, công trình giải phẫu mắt cho phụ nữ Nhật trở nên thuần hòa hơn trước với mí nhỏ hơn và mắt trông không sâu hõm, tránh được hiệu chứng “UHHH” của thời quá khứ: Mí mắt trông không tự nhiên (Unnatural), hõm sâu (Hollowed), quá cao (High), và thô kệch (Harsh).

      Ảnh hưởng của văn hóa Hoa kỳ và tiêu chuẩn về đẹp cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác ở Á đông, qua các tài liệu sách báo xuất bản: Phi luật tân trong thập niên 50; Ðại hàn, thập niên 60-70; và ở Hawaii, thập niên 60-70.

      Ở Ðại hàn, Trung hoa và Phi luật tân, kỹ thuật giải phẫu tạo mắt mí đôi được thực hiện với mức độ thành công khác nhau. Cũng như ở Nhật, phụ nữ ở các quốc gia này sau cùng đã nhận ra rằng đôi mắt và cái mũi Tây phương không phải là nét đẹp đáng mơ ước cho khuôn mặt Á đông của mình (tương tự như mũi Michael Jackson). Ở Ðại hàn, nhiều phụ nữ không muốn có nếp nhăn ở mí mắt rộng hơn 3 mm (khoảng cách từ làn lông mi đến đường nhăn khi mắt mở to), so với nhiều phụ nữ Việt Nam hiện nay có nếp nhăn rộng từ 10-12 mm hay nhiều hơn, và mắt trông thụt vô sau khi cắt mí mắt. Ở Hawaii, một kỹ thuật giải phẫu mắt Á đông với hình dáng nếp nhăn rộng và ở vị trí cao như phụ nữ Tây phương 30 năm trước đã thay đổi với hình dáng nhẵn hơn, thấp hơn.

      Ðây là nhận xét riêng của tôi trong thời gian làm việc ở Hawaii. Hawaii chính thật là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, với rất nhiều cuộc hôn nhân giữa những người khác sắc tộc, người da trắng, người Nhật, người Tàu, Phi luật tân. Nét đẹp của những trẻ em lai mang nhiều dòng máu làm thay đổi quan niệm sai lầm, cực đoan về thẩm mỹ: Cố làm cho mắt người Á đông giống mắt người Tây phương. Ðây là nơi mà một phụ nữ giữ được nét đẹp Á đông hoặc hơi pha trộn một ít trông quyến rũ, đẹp, và tự nhiên hơn trường hợp một phụ nữ Á đông muốn có đường nét Tây phương. Ðiều thật ngạc nhiên khác là một số bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ người Tây phương (da trắng), chịu ảnh hưởng sắc đẹp Á đông, đã tìm cách đưa những đường nét của mắt người Á đông lồng trong mắt phụ nữ da trắng trong các giải phẫu mắt, để làm cho mắt có vẻ đẹp kỳ bí, trẻ trung hơn. Hẳn nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ xảy ra, và những ngoại lệ này thường thấy nơi những phụ nữ Ðại hàn mới tới Hawaii. Sự đột biến về văn hóa, sự mới lạ của nền văn hóa Hoa kỳ, thêm vào đó ước muốn lấy chồng người Tây phương đã khiến một số phụ nữ đi giải phẫu sửa mắt mũi cho giống người Mỹ. Kết quả của những sự giải phẫu này gây sự chú ý của người khác, không phải vì nét đẹp mà vì sự không xứng hợp của mắt mũi. Khi nhìn riêng, không liên hệ đến toàn thể gương mặt, thì mắt/mũi trông rất đẹp, nhưng nhìn chung trong liên hệ với toàn thể gương mặt thì rõ ràng đôi mắt không phù hợp chút nào. Ðiều này cũng không khác lắm với những gì tôi thấy nơi nhiều phụ nữ Việt Nam trên các đường phố Sài Gòn Nhỏ, kết quả của cuộc giải phẫu mắt.


      Phần II


      Cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ: Chúng ta đang ở vị trí nào trong tiến trình giải phẫu thẩm mỹ mắt mí đôi cho người Á Ðông?


      Theo nhận xét riêng của tôi, nói chung trong lãnh vực giải phẫu thẩm mỹ mắt, chúng ta đi sau người Nhật và Ðại hàn khoảng 20-30 năm trong việc tạo nên sự hài hòa và nét đẹp tự nhiên trên gương mặt phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1975, khi các nhà giải phẫu thẩm mỹ Nhật nhận ra hình dạng của mắt, mũi người Tây phương không thích hợp cho phụ nữ Nhật thì người Việt Nam bắt đầu đặt chân đến định cư ở Hoa kỳ; trừ một số rất ít, có thể nói hầu hết người Việt Nam đến Hoa kỳ từ 1975, đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc thật sự với nền văn hóa Hoa kỳ.

      Hiện nay, nhiều phụ nữ Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn mà phụ nữ Nhật đã khởi sự 30 năm trước: Muốn có mí mắt đôi tự nhiên hơn để tô điểm thêm cho nét đẹp Á đông của mình, thay vì đôi mắt Tây phương thụt sâu với nếp nhăn to, cao và vụng về trên một gương mặt Á đông. Hiện tượng này không xảy ra ở thập niên 80, 90 và ngay cả trong một số trường hợp hiện nay. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong đề tài tuần tới (Phần 2): Chúng ta, Cộng đồng Việt Nam ở Hoa kỳ, đang ở đâu trong tiến trình giải phẫu thẩm mỹ mắt mí đôi cho người Á đông?


      Chọn bác sĩ thích hợp cho giải phẫu thẩm mỹ mí mắt

      Ba loại bác sĩ chuyên môn được huấn luyện để thực hiện giải phẫu thẩm mỹ mắt:

      Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và tái tạo hình (plastic & reconstructive surgeons).

      Bác sĩ chuyên về mắt (ophthamologists), và

      Bác sĩ giải phẫu mặt (facial plastic surgeons) tức bác sĩ tai mũi họng (ENT) được chánh thức huấn luyện thêm một năm về giải phẫu mặt. Bạn nên hỏi rõ về sự huấn luyện này.

      Ở các bịnh viện, chỉ các bác sĩ chuyên môn trên mới được phép thực hiện công trình giải phẫu mí mắt. Bịnh viện kiểm chứng quá trình huấn luyện và kinh nghiệm của bác sĩ rất kỹ lưỡng. Bạn cần lưu tâm đến điều này khi chọn lựa bác sĩ giải phẫu mí mắt cho bạn.

      Bác sĩ Tristan Nguyễn Hùng Anh, M.D.
      Board Certified by The American Board of Plastic Surgery
      Giải phẫu thẩm mỹ và tái tạo hình
      Plastic & Reconstructive Surgery
      (714) 962 3533


      http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=38658&z=14
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9