Tháng Ba mùa con ong đi hút mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông ….
Những lời hát ấy cứ vang bên tôi mỗi khi đài THVN trong cả tháng 3 phát đi những hình ảnh hào hùng trên nền nhạc hùng tráng kỷ niệm 35 năm giải phóng Tây nguyên và mở đầu chiên dịch HCM lịch sử. Thỉnh thoảng lại thêm những bản tin về khởi công nhà máy Bô xít, nhà máy chế biến cà phê, cao su, thủy điện… ở Tây nguyên, cùng với hình ảnh mọi người hồ hởi bắt tay nhau, hân hoan nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng, nhưng ngồi xem mà trong tôi vẫn vẳng tiếng hát “Em là hoa Pơ lang” của một thời xưa cũ … Bởi vì tâm trí tôi không theo được những gì mắt đang thấy tai đang nghe, mà vẫn vấn vương với cái gì xa xôi từ lâu lắm.
Hồi tôi còn đi học, Tây nguyên bắt đầu hiện lên qua “Trường ca Đamsan”, “Trường ca Xinh nhã”, qua những câu chuyện cổ tích của người Ê đê, Ba na, Xơ đăng, Mơ nông và nhiều dân tộc Tây nguyên khác. Rồi sau đó là qua “Rừng xà nu”, “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, cùng với những bài giới thiệu, bài đọc thêm. Trong tâm tưởng của tôi, Tây nguyên như là một cái gì đó vừa hoang sơ, vừa hùng tráng, lại vừa lạ lẫm, huyền bí đầy ma lực. Tây nguyên trong tôi không hẳn là chỉ là cao nguyên, hay các tỉnh cao nguyên như mọi người vẫn gọi.
Giờ đây, do điều kiện công tác và nhiều khi chẳng do cái gì cả, tôi đã có dịp đi qua nhiều nơi ở các tỉnh cao nguyên, nơi thuở xưa mình vẫn ước ao có một ngày được đặt chân tới.
Tôi đã nhiều lần đi dọc quốc lộ 14 qua Đắc nông để đi Buôn ma thuột. Ngoài những cái tên như Đắc RLấp, Đắc song, Đắc mil, Ea Tlinh hay cầu Đắc tít gần Gia nghĩa, còn lại tôi chẳng thấy có cái gì khác với Bình dương hay Bình phước cả. Vẫn những cánh rừng cao su bạt ngàn, những rẫy cà phê ngút tầm mắt. Có khác chăng là đôi chỗ rừng cao su nhường chỗ cho rừng thông. Chủ của những cánh rừng, nương rẫy hầu như là từ Miền đông lên hay miền Trung, miền Bắc vào. Còn người chủ thực sự của Tây nguyên, những con người tạo nên cái hồn Tây nguyên, những con người đã đặt tên cho vùng đất này thì tôi không được gặp, bởi có lẽ họ đã lui vào sống ở những dãy núi sâu tít bên trong mà tầm mắt tôi không thể nhìn thấy. Rồi mai đây, khi những lớp bụi đỏ sẽ phủ kín rừng núi nơi này, giống như xứ Hòn gai, Cẩm phả đã từng bị phủ kín bởi bụi than đen, việc gặp được họ chắc còn khó hơn nhiều.
Tôi cũng đã từng tới khu du lịch sinh thái Yok Đôn, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Yok Đôn, huyện Buôn đôn, Đắc lắc mà nhiều người vẫn quen gọi là Bản đôn theo cách gọi của người Lào. Từ Buôn ma thuột đi vào đâu như năm chục cây số, đường không rộng lắm nhưng rất đẹp. Hai bên đường là nương rẫy đã thu hoạch xong, bao la trải dài hút tầm mắt, đây đó những đàn bò, đàn trâu thong dong gặm cỏ trông rất thanh bình. Rừng đại ngàn chắc đã lùi sâu vào những dải núi mờ mờ xa tít nơi chân trời. Khu du lịch nằm trên bờ sông Sêrêpốc, có lẽ nguyên là một buôn của người dân tộc.Tiếc là tôi không đủ thời gian để la cà chuyện vãn với họ, nhưng chắc gì họ đã có thời gian ngồi nói chuyện phiếm với tôi. Gần như nhà nào cũng mở cửa hàng bán đồ lưu niệm, hoặc dịch vụ cho khách du lịch. Tôi đã thấy ở đó những con voi chở khách du lịch trên lưng đi xuống sông Sêrêpốc. Không phải vào tháng Ba, không phải xuống sông để hút nước, mà để cho khách du lịch được hưởng cảm giác ngồi lên lưng voi. Ngày ngày, những con voi đó cần mẫn đưa khách du lịch đi theo con đường lớn chạy dọc buôn, thỉnh thoảng lại lội xuống sông khi khách có yêu cầu, rồi có đôi khi bị những vị khách xấu tính cắt trộm lông đuôi về để làm kỷ niệm. Chợt nghĩ rồi đến một ngày đàn voi này đã già, voi rừng thì không còn rừng mà sống, chẳng biết người ta có ý định nhập voi ở Thái lan về để làm du lịch không?
Tây nguyên vẫn xa tít với tôi, dù tôi đã từng đi theo quốc lộ 28 từ Phan thiết vượt đèo Gia bắc heo hút để lên Di linh, có đoạn đi qua hàng chục cây số trong rừng nguyên sinh không một bóng người. Chỉ đến khi cách Di linh hơn chục cây số mới bắt đầu thấy nhà cửa của dân kinh tế mới lác đác xuất hiện cũng với những rẫy cà phê và sắn thay cho rừng già. Vài năm sau quay lại, con đường đã được sửa chữa, mở rộng. Đây đó hai bên đường, nơi năm xưa đi qua rừng già, là những cây gỗ to vừa kéo trên đỉnh núi xuống. Làng xóm của người dưới xuôi lên, theo đó là ruộng nương của họ, cũng nhiều hơn. Có lẽ lần sau nữa có dịp quay lại, những cánh rừng sẽ trở thành bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, cho nàng Hơ Rê lên rẫy làm thuê. Rồi có lần tôi đi theo quốc lộ 27 từ Buôn ma thuột lên Đà lạt. Gần 200 km, qua rất nhiều địa danh của người dân tộc, những gì tôi thấy vẫn đa phần chỉ là thôn làng, nương rẫy của dân kinh tế mới. Hoặc là các ngọn núi, những cánh rừng vừa bị chặt phá nham nhở, cháy đen như vừa qua một kỳ bom đạn. Để chuẩn bị trồng rừng. Để làm thủy điện.
Những buôn làng của các chàng trai, cô gái Tây nguyên với mái nhà rông cao vút tới trời xanh, những điệu nhảy tưng bừng trong ánh lửa, với tiếng cồng chiêng trầm hùng, đàn tơ rưng, đàn klôngput, đàn đá rộn rã … mà tôi hằng tưởng tượng ra thì vẫn chỉ hiện lên trong tưởng tượng mà thôi.
Đã có lúc tôi tưởng mình đã gần chạm được tới Tây nguyên. Đó là hồi tôi làm việc ở Sông hinh, Phú yên. Quanh thị trấn Hai riêng là các buôn làng của người Ê đê. Rừng không còn được bao nhiêu, nhà rông lợp tôn màu, không còn to lớn như xưa, nhưng những tập tục thì chưa mất hết. Cái tôi nhớ nhất ở họ là tính hồn nhiên, phóng khoáng. Trừ các quan chức ra, còn đa phần người ta rất thoải mái và bằng lòng với cuộc sống của mình. Cuộc sống đối với họ là ngày lên rẫy, tối nhảy múa, uống rượu cần, thế là đủ. Có một lần đám thanh niên Êđê rủ tôi vào buôn dự một lễ hội gì đó, nhưng tôi không biết uống rượu nên không vào. Buổi tối lễ hội thì buổi chiều tôi thấy họ đánh xe công nông xuống suối, trên xe chở mấy thùng phuy để lấy nước. Hỏi lấy nước làm gì, họ nói để uống rượu cần. Lại hỏi sao không lấy nước giếng mà lại lấy nước suối, họ nói nước giếng khô lắm, uống không ngon bằng nước suối. “Nước giếng khô lắm” chắc sẽ là câu nói đáng nhớ nhất tôi đã từng nghe. Rồi lại có một lần vào gần trưa, tôi khát nước quá nên đi tìm vào nhà dân để xin nước uống. Thấy dưới sườn đồi có vài mái nhà thấp thoáng sau những lùm cây rậm rạp dưới bóng một cây cổ thụ, tôi xăm xăm vạch cành lá tiến tới. Tới nơi, một ngôi nhà nhỏ hiện ra. Ngôi nhà trống không, ở giữa là một ngôi mộ. Không gian yên lặng, chỉ có những cơn gió nhẹ thoảng qua làm những chiếc lá rừng khẽ đu đưa trong nắng. Tôi nhìn ra xung quanh, thấy thấp thoáng vài ngôi nhà mồ nữa nằm im lìm sau những bụi cây rừng. Trên đỉnh ngọn đồi tít phía xa là buôn làng, từ đó văng vẳng vọng lại tiếng gà trưa. Ý nghĩ về sự sống, về cái chết, cái hiện hữu , cái vô thường chợt lướt nhanh qua tâm trí tôi như một làn gió thoảng …
Đó là chuyện ở Sông hinh,Phú yên. Mà Phú yên thì tôi nghĩ không ai tính là Tây nguyên.
Tháng Ba đã đi qua. Không thấy ai nói về Tây nguyên nữa. Nhưng chắc 5 năm nữa Tây nguyên sẽ lại được nói tới, có khi nhiều hơn bây giờ, vì đó là dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng của nhiều tỉnh Tây nguyên. Mọi người sẽ lại được xem những hình ảnh hào hùng, kỷ niệm 40 năm giải phóng Tây nguyên và mở đầu chiên dịch HCM lịch sử trên nền nhạc hùng tráng, có thể còn thêm vào đó những bản thành tích của nhiều năm phát triển kinh tế, xã hội, tăng GDP, v.v…
Còn từ giờ tới khi đó, có một Tây nguyên đang lặng lẽ lùi xa dần. Cùng với những cánh rừng già và những con người đã từng làm nên huyền thoại Tây nguyên. Chẳng biết đến khi nào tôi mới gặp một Tây nguyên như tôi vẫn hình dung trong tâm tưởng, hay giấc mơ vẫn mãi chỉ là mơ thôi?
Tháng 5 năm 2010, Hà nội.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.05.2010 17:12:09 bởi vanthien116 >