Lãng quên

Tác giả Bài
vanthien116
  • Số bài : 10
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.12.2009
  • Nơi: Viet Nam
Lãng quên - 13.04.2010 11:49:46
Cái đầu ruồi chầm chậm bám theo vệt chuyển động mơ hồ của đám lá rừng phía xa rồi dừng lại ở chỗ mấy chiếc lá khẽ rung cuối cùng trước khi im hẳn. Ngón tay trỏ từ từ siết cò, hơi ngừng lại khi lẫy cò chạm vào chốt hãm rồi lại từ từ siết tiếp. Rồi chốt hãm hạ xuống, lò xo đẩy kim hỏa đập vào hạt nổ gắn ở đuôi vỏ đạn. Hạt nổ bị nổ, đốt cháy thuốc đạn trong vỏ đạn, tạo ra một áp lực rất lớn đẩy đầu đạn bật ra khỏi vỏ đạn chui vào nòng súng. Thuốc đạn vẫn cháy, liên tục sinh ra áp lực lớn đẩy viên đạn chạy càng lúc càng nhanh trong nòng súng. Nòng súng đã được khía những rãnh xoắn làm cho đầu đạn xoay tít khi chạy bên trong. Người ta làm như vậy để đầu đạn không bị quay lộn trong khi bay, tăng độ chính xác khi bắn và cũng để tăng sức công phá của viên đạn. Cuối cùng, khi đầu đạn ra khỏi nòng súng thì nó đã bay nhanh hơn cả âm thanh, bỏ lại phía sau một quầng lửa do thuốc súng phụt ra cháy nốt ở đầu nòng cùng một tiếng nổ lớn.
Nói thì lâu vậy nhưng thực ra từ lúc siết cò tới khi đạn bay ra khỏi nòng mọi việc diễn ra rất nhanh, trong không đầy một phần chớp mắt.


***

Hồi còn đi học cấp 1 Nam được cả trường biết tới vì anh hát rất hay. Thỉnh thoảng mỗi năm vài lần nhà trường tổ chức kỷ niệm nhân dịp gì đó hoặc hội diễn văn nghệ là cả trường lại được nghe giọng hát véo von như giọng con gái của Nam, con chim sơn ca của nhà trường. Nhưng những kỷ niệm mà Nam nhớ nhất không phải là những tiếng vỗ tay hay những lời khen nồng nhiệt của mọi người sau mỗi bài hát mà lại là ánh mắt lo âu khắc khoải của mẹ chập chờn suốt mấy ngày đêm khi anh nằm viện. Hồi đó còn trẻ con nên Nam chỉ nhớ là anh nằm ở trạm xá lâu lắm, vì bị sốt dịch hay gì đó. Bố làm công nhân trên huyện lâu lâu mới về nên mẹ anh vừa phải trông hai đứa em ở nhà, vừa trông Nam ở trạm xá, vậy mà chẳng hiểu bằng cách nào mà mỗi khi Nam mở mắt ra sau những cơn mê ngủ chập chờn là anh lại nhìn thấy đôi mắt âu yếm và lo lắng của mẹ bên cạnh mình. Đến bây giờ lòng Nam vẫn như chùng xuống mỗi khi nhớ lại lời mẹ thủ thỉ dỗ dành anh ăn thêm thìa cháo hay bàn tay mẹ ân cần xoa nhẹ tóc anh cho đỡ nhức đầu …
Tháng 2 năm 1979. Buổi sáng hôm đó ngôi trường cấp 3 ở phố huyện của Nam như sôi lên sùng sục khi nghe tin Trung quốc xâm lược Việt nam. Dù trước đó mọi người đã nghe trên đài TNVN rất nhiều về chuyện “nạn kiều” hay những lời tố cáo chủ nghĩa bá quyền, những va chạm ở biên giới … thế nhưng khi nghe tin đó mọi người vẫn sững sờ. Một cái gì đó rất thiêng liêng và lớn lao bỗng chợt bừng lên trong lòng những gã trai mới lớn mà trước đó vẫn chỉ là một đám lộc ngộc như lũ vịt cồ. Rất nhiều học sinh lớp 10 cuối cấp rủ nhau bỏ học lên chầu chực ở huyện đội để xin đi bộ đội, rất nhiều gã đã chích máu để viết đơn tình nguyện… Nam cũng hòa vào không khí hừng hực ấy. Lần đầu tiên Nam nhìn lại ước mơ trở thành ca sĩ của mình với một tầm mắt khác. 2 năm sau, khi đã đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự, cùng với gần chục thằng bạn trong xã, Nam hồ hởi lên đường.
2 năm đời lính đã qua với bao nhọc nhằn gian khổ. Nó giống như một cái nồi chưng cất những cảm xúc và ước mơ để cái gì còn lại trở nên đậm đặc và sâu nặng hơn. Không còn nhiều chỗ cho mơ mộng bay bổng nữa. Ở vùng biên cương này, tuy không còn cảnh dàn trận đánh nhau như hồi năm 79 nhưng thỉnh thoảng pháo lớn từ Trung quốc vẫn dội sang. Những quả đạn pháo rú rít bay qua trên đầu rồi nổ phía sau lưng, làm trắng cả những đỉnh núi đá như vãi bột. Còn cánh bộ binh thì như chơi trò mèo vờn chuột, có điều từ mèo sang chuột thì không biết trước được, và khác trò chơi ở chỗ mỗi sơ suất đều phải trả bằng máu khi thỉnh thoảng lại có vài loạt đạn từ bên nọ bay sang bên kia. Lính Trung quốc không còn hay giở trò đêm đêm đào trộm cột mốc nữa, nhưng Nam và đồng đội vẫn phải ngày đêm thay nhau lên chốt nằm canh. Phía trước là đường biên, phía sau là hình ảnh người mẹ trông con trở về. Là nỗi nhớ người bạn gái thẹn thùng trao chiếc khăn tay, bên trong có một lọn tóc nhỏ hôm tiễn Nam lên đường mà chưa nói với nhau một lời nói yêu thương. Và những ước mơ về ngày mai, khi anh trở về …
Nói thì nhanh vậy nhưng thực ra mọi chuyện diễn ra rất lâu. Bao nhiêu năm rồi còn gì…


***

Viên đạn xoay tít và bay một đoạn đường rất dài trong không khí trước khi gặp mục tiêu mà không bị giảm tốc độ nhiều, vì bên trong đầu đạn đã được đổ chì để nó tích lũy được nhiều động năng lúc ra khỏi nòng súng và hình dạng khí động đã được tính toán kỹ. Bởi thế khi đâm vào mục tiêu, nó vẫn đủ sức mạnh vừa xoáy vừa xuyên qua mục tiêu rồi thoát ra ngoài. Một lỗ nhỏ phía trước chỗ nó chui vào và một vết phá cỡ bằng bàn tay nơi nó chui ra. Quán tính vẫn còn lớn nên đầu đạn còn bay tiếp một đoạn rồi cắm sâu vào vách đất phía sau chiến hào. Gặp đất đá cản lại nên đầu đạn bị móp méo, chùn lại nhưng không còn dính tí máu nào.
Mọi việc chỉ diễn ra trong không đầy một phần chớp mắt.


***

Cây đa đầu làng không biết đã được bao nhiêu tuổi nhưng nó không xum xuê như những cây đa khác. Từ xa nhìn về, trông cây đa giống như một bà còng. Dưới gốc đa, nơi bọn trẻ con hay tụ tập là bộ rễ lớn trông như một đàn rắn khổng lồ cuộn vào nhau. Cách cây đa một đoạn là nghĩa trang liệt sĩ của xã. Một nghĩa trang nhỏ, nằm yên bình dưới hàng phi lao với tiếng reo vi vút trong gió suốt đêm ngày, cùng với tiếng lích chích của những đàn chim sâu, chim sẻ như đang cãi nhau không biết mệt mỏi.
Người quản trang là một người đàn ông chừng năm mươi tuổi nhưng trông già hơn tuổi nhiều, gầy gò và cao lêu đêu, dáng đi nghiêng nghiêng như sắp ngã. Anh là một thương binh nặng thời chiến tranh biên giới. Đạn của quân địch không lấy đi của anh cánh tay hay đôi chân mà lấy đi của anh gần 80% sức khỏe. Và tất cả những ước mơ của một thời trai trẻ, cùng toàn bộ những gì, dù là bình thường nhất đối với mọi người,còn lại trong anh. Nỗi đau lớn nhất của anh không phải là những cơn đau lúc dính đạn hay lúc tỉnh lại sau khi từ trên bàn mổ xuống, hay những cơn đau dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời, mà là nỗi đau khi phải khước từ tình yêu của người con gái đã chở anh đằng đẵng bao năm ròng. Bởi anh biết trái tim và buồng phổi của anh không đủ sức cho anh được hưởng hạnh phúc như mọi người. Anh không thể để người mình yêu bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ trở thành góa phụ.
Nhưng dù vậy người quản trang vẫn thấy mình còn may mắn hơn người đồng đội đang nằm ở góc đằng kia của nghĩa trang. Trong số gần một chục người đi bộ đội cùng nhau năm ấy, chỉ có duy nhất một người nằm xuống. Từ ngày người liệt sĩ ấy được quy tập về quê hương, thỉnh thoảng anh lại thấy có một bà cụ ra ngồi bên cạnh ngôi mộ. Bà ngồi rất lâu, tay rờ rẫm vuốt ve ngôi mộ và thì thầm những chuyện gì đó. Có lẽ bà kể lại những câu chuyện xưa, có một cô bé hay sang chơi với bà hồi anh đi bộ đội vắng nhà, hay có thể bà đang dỗ dành anh nghe lời ăn thêm cho chóng khỏe mỗi khi ốm đau, như ngày anh còn bé…Gần chục năm như vậy, chỉ khác là mỗi năm lưng bà cụ lại còng thêm một chút. Rôi mấy năm nay không còn thấy bà ra ngồi cùng với con nữa. Có lẽ bà đã mất rồi. Mấy năm rồi. Nhưng người quản trang vẫn cảm thấy trống trải mỗi khi nhìn tới cuối nghĩa trang mà không còn thấy bóng dáng bà mẹ ấy.
Không hiểu sao, đôi khi vào những ngày lễ lớn anh hay chạnh lòng. Những cuộc kháng chiến trước đây của dân tộc đều có những ngày kỷ niệm tưng bừng, nhân đó nhắc cho người ta tưởng nhớ tới công lao của những người lính thế hệ cha ông. Nhưng cuộc chiến mà anh và đồng đội đã đi qua, đã đổ máu và hy sinh thì lại không có ngày kỷ niệm kết thúc hay lễ mừng chiến thắng nào. Giống như một cuộc chiến bị lãng quên.

Tháng 4 năm 2010

Văn Thiện




<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.03.2011 22:07:47 bởi vanthien116 >

vanthien116
  • Số bài : 10
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.12.2009
  • Nơi: Viet Nam
RE: Lãng quên-Ai thắng ai? - 19.04.2010 12:55:48
Mấy ngày cuối tháng Tư này đi đâu cũng nghe nói về Đại thắng mùa xuân, rồi kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4. Nghe mãi thành quen, chẳng buồn nghĩ xem thực ra, ai thắng ai? Hay nói cách khác, ai là người chiến thắng?
Bỏ qua khái niệm chiến thắng trong các cuộc đấu hay các cuộc đua, chúng ta hãy nói về các cuộc chiến chứ không phải cuộc chơi. Theo cách hiểu thông thường, người chiến thắng là người đạt được mục đích của mình bằng sự nỗ lực hay trả giá của mình, và cái giá phải trả phải phù hợp với thành quả mình thu được. Chính vì cái khái niệm “phù hợp” nặng chủ quan nên đôi khi chiến thắng là điều còn bàn cãi. Chiến thắng 30-4 cũng vậy. Ai là người chiến thắng?
Mỹ không thể là người chiến thắng, đó là điều không cần bàn cãi. Chỉ có điều đáng nói là khi đó (1975) Mỹ hầu như không còn thiết tha gì với miền Nam. Thành ra nếu nói Mỹ thua trong cả cuộc chiến thì đúng, nhưng nói Mỹ thua trong Đại thắng mùa xuân thì e không thỏa đáng lắm.
VNCH không phải là người chiến thắng. Đó là điều rõ như ban ngày, dù có thể có ai đó còn có ý này ý nọ. Nói thẳng ra, VNCH là kẻ thua. Nhưng nói kẻ thua là VNCH thì chiến thắng 30-4 lại mang một ý nghĩa khác.
Còn lại VNDCCH, nay là CHXHCNVN. Với việc đạt được mục đích của mình, có thể nói đây là người chiến thắng. Tất nhiên đối với người đang tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng của mình mà lại có người nói khác đi thì rất là không được. Nhưng có nên tĩnh tâm lại để suy nghĩ vễ những điều hiển nhiên khác đang tồn tại không? Tôi muốn đặt vào đây một đoạn trích bài viết của nhà nghiên cứu Dương danh Dy trên Tuần VNN, mặc dù ông viết về một vấn đề khác:

“Cái giá của sinh mệnh
Nói chung ai cũng thấy, một hành động mà phải trả giá, trả giá rất đắt là không nên làm rồi, thế nhưng vấn đề phải làm rõ là: với bạn thì cái giá phải trả này là đắt, là rất đắt, thế nhưng với tôi và một số người khác thì cũng vẫn cái giá đó là không đắt, là có thể chịu đựng được là chẳng có gì đáng sợ... cả. Nghĩa là cái giá phải trả còn tùy thuộc vào sức chịu đựng, quan niệm... của từng người, từng nhóm người, từng dân tộc(cần nhấn mạnh: nhất là ban lãnh đạo đương nhiệm của dân tộc đó)
Chỉ xin đưa ra một ví dụ, ai cũng biết cái giá phải trả bằng sinh mệnh của những người trực tiếp tham gia và liên quan trong một cuộc chiến tranh là cái giá phải trả đắt nhất. Thế nhưng với người Mỹ, người Pháp, người Nga , người Nhật, người Việt Nam, người Ấn Độ, hay ngay giữa những người cùng chung sống trên bán đảo Triều Tiên v.v.. đều có sự khác biệt, nhiều khi khác biệt kinh khủng.”
(http://tuanvietnam.net/2010-01-17-the-nao-la-dat-doi-loi-noi-lai-voi-joseph-nye)

Theo những con số không chính thức mà tôi nghe được thì tổn thất nhân mạng trong cuộc chiến VN từ 1954-1975 là như sau:
- Mỹ: chừng 50.000 người.
- VNCH: chừng 500.000 người
- QGP (cả Bắc và Nam): chừng 1.500.000 người.
Trong thống kê này hình như không gồm những dân thường, đàn bà, trẻ con chết trong bom rơi đạn lạc.
Và tôi nhớ không nhầm thì vào năm 1975 dân số 2 miền khoảng dưới 40 triệu người.
Tất nhiên người chiến thắng có quyền làm mọi điều mình muốn. Nhưng liệu có phải đạo hơn chăng, nếu như mọi người hãy bớt hân hoan đi một chút khi kỷ niệm một chiến thắng mà mình hầu như chẳng góp được công lao gì, để có thể dành ra vài khoảng lặng trong tâm hồn mình mà tưởng nhớ những người đã trả giá cho cuộc sống mà mình đang hưởng ngày hôm nay?





vanthien116
  • Số bài : 10
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.12.2009
  • Nơi: Viet Nam
RE: Lãng quên-Tháng ba Tây nguyên - 10.05.2010 17:10:15
Tháng Ba mùa con ong đi hút mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông ….

Những lời hát ấy cứ vang bên tôi mỗi khi đài THVN trong cả tháng 3 phát đi những hình ảnh hào hùng trên nền nhạc hùng tráng kỷ niệm 35 năm giải phóng Tây nguyên và mở đầu chiên dịch HCM lịch sử. Thỉnh thoảng lại thêm những bản tin về khởi công nhà máy Bô xít, nhà máy chế biến cà phê, cao su, thủy điện… ở Tây nguyên, cùng với hình ảnh mọi người hồ hởi bắt tay nhau, hân hoan nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng, nhưng ngồi xem mà trong tôi vẫn vẳng tiếng hát “Em là hoa Pơ lang” của một thời xưa cũ … Bởi vì tâm trí tôi không theo được những gì mắt đang thấy tai đang nghe, mà vẫn vấn vương với cái gì xa xôi từ lâu lắm.
Hồi tôi còn đi học, Tây nguyên bắt đầu hiện lên qua “Trường ca Đamsan”, “Trường ca Xinh nhã”, qua những câu chuyện cổ tích của người Ê đê, Ba na, Xơ đăng, Mơ nông và nhiều dân tộc Tây nguyên khác. Rồi sau đó là qua “Rừng xà nu”, “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, cùng với những bài giới thiệu, bài đọc thêm. Trong tâm tưởng của tôi, Tây nguyên như là một cái gì đó vừa hoang sơ, vừa hùng tráng, lại vừa lạ lẫm, huyền bí đầy ma lực. Tây nguyên trong tôi không hẳn là chỉ là cao nguyên, hay các tỉnh cao nguyên như mọi người vẫn gọi.
Giờ đây, do điều kiện công tác và nhiều khi chẳng do cái gì cả, tôi đã có dịp đi qua nhiều nơi ở các tỉnh cao nguyên, nơi thuở xưa mình vẫn ước ao có một ngày được đặt chân tới.
Tôi đã nhiều lần đi dọc quốc lộ 14 qua Đắc nông để đi Buôn ma thuột. Ngoài những cái tên như Đắc RLấp, Đắc song, Đắc mil, Ea Tlinh hay cầu Đắc tít gần Gia nghĩa, còn lại tôi chẳng thấy có cái gì khác với Bình dương hay Bình phước cả. Vẫn những cánh rừng cao su bạt ngàn, những rẫy cà phê ngút tầm mắt. Có khác chăng là đôi chỗ rừng cao su nhường chỗ cho rừng thông. Chủ của những cánh rừng, nương rẫy hầu như là từ Miền đông lên hay miền Trung, miền Bắc vào. Còn người chủ thực sự của Tây nguyên, những con người tạo nên cái hồn Tây nguyên, những con người đã đặt tên cho vùng đất này thì tôi không được gặp, bởi có lẽ họ đã lui vào sống ở những dãy núi sâu tít bên trong mà tầm mắt tôi không thể nhìn thấy. Rồi mai đây, khi những lớp bụi đỏ sẽ phủ kín rừng núi nơi này, giống như xứ Hòn gai, Cẩm phả đã từng bị phủ kín bởi bụi than đen, việc gặp được họ chắc còn khó hơn nhiều.
Tôi cũng đã từng tới khu du lịch sinh thái Yok Đôn, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Yok Đôn, huyện Buôn đôn, Đắc lắc mà nhiều người vẫn quen gọi là Bản đôn theo cách gọi của người Lào. Từ Buôn ma thuột đi vào đâu như năm chục cây số, đường không rộng lắm nhưng rất đẹp. Hai bên đường là nương rẫy đã thu hoạch xong, bao la trải dài hút tầm mắt, đây đó những đàn bò, đàn trâu thong dong gặm cỏ trông rất thanh bình. Rừng đại ngàn chắc đã lùi sâu vào những dải núi mờ mờ xa tít nơi chân trời. Khu du lịch nằm trên bờ sông Sêrêpốc, có lẽ nguyên là một buôn của người dân tộc.Tiếc là tôi không đủ thời gian để la cà chuyện vãn với họ, nhưng chắc gì họ đã có thời gian ngồi nói chuyện phiếm với tôi. Gần như nhà nào cũng mở cửa hàng bán đồ lưu niệm, hoặc dịch vụ cho khách du lịch. Tôi đã thấy ở đó những con voi chở khách du lịch trên lưng đi xuống sông Sêrêpốc. Không phải vào tháng Ba, không phải xuống sông để hút nước, mà để cho khách du lịch được hưởng cảm giác ngồi lên lưng voi. Ngày ngày, những con voi đó cần mẫn đưa khách du lịch đi theo con đường lớn chạy dọc buôn, thỉnh thoảng lại lội xuống sông khi khách có yêu cầu, rồi có đôi khi bị những vị khách xấu tính cắt trộm lông đuôi về để làm kỷ niệm. Chợt nghĩ rồi đến một ngày đàn voi này đã già, voi rừng thì không còn rừng mà sống, chẳng biết người ta có ý định nhập voi ở Thái lan về để làm du lịch không?
Tây nguyên vẫn xa tít với tôi, dù tôi đã từng đi theo quốc lộ 28 từ Phan thiết vượt đèo Gia bắc heo hút để lên Di linh, có đoạn đi qua hàng chục cây số trong rừng nguyên sinh không một bóng người. Chỉ đến khi cách Di linh hơn chục cây số mới bắt đầu thấy nhà cửa của dân kinh tế mới lác đác xuất hiện cũng với những rẫy cà phê và sắn thay cho rừng già. Vài năm sau quay lại, con đường đã được sửa chữa, mở rộng. Đây đó hai bên đường, nơi năm xưa đi qua rừng già, là những cây gỗ to vừa kéo trên đỉnh núi xuống. Làng xóm của người dưới xuôi lên, theo đó là ruộng nương của họ, cũng nhiều hơn. Có lẽ lần sau nữa có dịp quay lại, những cánh rừng sẽ trở thành bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, cho nàng Hơ Rê lên rẫy làm thuê. Rồi có lần tôi đi theo quốc lộ 27 từ Buôn ma thuột lên Đà lạt. Gần 200 km, qua rất nhiều địa danh của người dân tộc, những gì tôi thấy vẫn đa phần chỉ là thôn làng, nương rẫy của dân kinh tế mới. Hoặc là các ngọn núi, những cánh rừng vừa bị chặt phá nham nhở, cháy đen như vừa qua một kỳ bom đạn. Để chuẩn bị trồng rừng. Để làm thủy điện.
Những buôn làng của các chàng trai, cô gái Tây nguyên với mái nhà rông cao vút tới trời xanh, những điệu nhảy tưng bừng trong ánh lửa, với tiếng cồng chiêng trầm hùng, đàn tơ rưng, đàn klôngput, đàn đá rộn rã … mà tôi hằng tưởng tượng ra thì vẫn chỉ hiện lên trong tưởng tượng mà thôi.
Đã có lúc tôi tưởng mình đã gần chạm được tới Tây nguyên. Đó là hồi tôi làm việc ở Sông hinh, Phú yên. Quanh thị trấn Hai riêng là các buôn làng của người Ê đê. Rừng không còn được bao nhiêu, nhà rông lợp tôn màu, không còn to lớn như xưa, nhưng những tập tục thì chưa mất hết. Cái tôi nhớ nhất ở họ là tính hồn nhiên, phóng khoáng. Trừ các quan chức ra, còn đa phần người ta rất thoải mái và bằng lòng với cuộc sống của mình. Cuộc sống đối với họ là ngày lên rẫy, tối nhảy múa, uống rượu cần, thế là đủ. Có một lần đám thanh niên Êđê rủ tôi vào buôn dự một lễ hội gì đó, nhưng tôi không biết uống rượu nên không vào. Buổi tối lễ hội thì buổi chiều tôi thấy họ đánh xe công nông xuống suối, trên xe chở mấy thùng phuy để lấy nước. Hỏi lấy nước làm gì, họ nói để uống rượu cần. Lại hỏi sao không lấy nước giếng mà lại lấy nước suối, họ nói nước giếng khô lắm, uống không ngon bằng nước suối. “Nước giếng khô lắm” chắc sẽ là câu nói đáng nhớ nhất tôi đã từng nghe. Rồi lại có một lần vào gần trưa, tôi khát nước quá nên đi tìm vào nhà dân để xin nước uống. Thấy dưới sườn đồi có vài mái nhà thấp thoáng sau những lùm cây rậm rạp dưới bóng một cây cổ thụ, tôi xăm xăm vạch cành lá tiến tới. Tới nơi, một ngôi nhà nhỏ hiện ra. Ngôi nhà trống không, ở giữa là một ngôi mộ. Không gian yên lặng, chỉ có những cơn gió nhẹ thoảng qua làm những chiếc lá rừng khẽ đu đưa trong nắng. Tôi nhìn ra xung quanh, thấy thấp thoáng vài ngôi nhà mồ nữa nằm im lìm sau những bụi cây rừng. Trên đỉnh ngọn đồi tít phía xa là buôn làng, từ đó văng vẳng vọng lại tiếng gà trưa. Ý nghĩ về sự sống, về cái chết, cái hiện hữu , cái vô thường chợt lướt nhanh qua tâm trí tôi như một làn gió thoảng …
Đó là chuyện ở Sông hinh,Phú yên. Mà Phú yên thì tôi nghĩ không ai tính là Tây nguyên.
Tháng Ba đã đi qua. Không thấy ai nói về Tây nguyên nữa. Nhưng chắc 5 năm nữa Tây nguyên sẽ lại được nói tới, có khi nhiều hơn bây giờ, vì đó là dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng của nhiều tỉnh Tây nguyên. Mọi người sẽ lại được xem những hình ảnh hào hùng, kỷ niệm 40 năm giải phóng Tây nguyên và mở đầu chiên dịch HCM lịch sử trên nền nhạc hùng tráng, có thể còn thêm vào đó những bản thành tích của nhiều năm phát triển kinh tế, xã hội, tăng GDP, v.v…
Còn từ giờ tới khi đó, có một Tây nguyên đang lặng lẽ lùi xa dần. Cùng với những cánh rừng già và những con người đã từng làm nên huyền thoại Tây nguyên. Chẳng biết đến khi nào tôi mới gặp một Tây nguyên như tôi vẫn hình dung trong tâm tưởng, hay giấc mơ vẫn mãi chỉ là mơ thôi?

Tháng 5 năm 2010, Hà nội.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.05.2010 17:12:09 bởi vanthien116 >

vanthien116
  • Số bài : 10
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.12.2009
  • Nơi: Viet Nam
RE: Lãng quên - 07.03.2011 22:21:33
Tôi đã định không nói tới chuyện này nữa. Nhưng hôm nay đọc bài viết "Thật là khiếp nhược khi đục bỏ chữ "Trung Quốc xâm lược" trên bia tưởng niệm" (http://tranhung09.blogspot.com/2011/03/that-la-khiep-nhuoc-khi-uc-bo-chu-trung.html) và bài viết "Lạng Sơn, những ngày tháng hai" (http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110305/Lang-Son-nhung-ngay-thang-hai.aspx) thì tôi thấy lại phải nói. Đây không phải là chuyện chính trị, đây là chuyện đạo lý, chắc không trái với tiêu chí của VN thư quán. Nói để được an ủi rằng không phải mọi người đều lãng quên