Cảm nhận Lễ Phục Sinh
Ct.Ly 14.04.2010 18:37:02 (permalink)
Cali Today News -

Tôi ngồi hàng cuối trong rạp Santa Clara Convention Center để có thể ra về sớm hơn mà không làm phiền lòng người khác, nhưng các bản thánh ca Phục sinh truyền thống mang tựa đề “Chúa Đã Sống Lại, He Is Risen!, Easter Sunday, Pipe Organ, Christ the Lord is Risen Today by Mormon Tabernacle Choir…được dàn dựng bởi ca đoàn thuộc chủng viện Vatopaidi thuộc chính thống giáo Hy Lạp khiến tôi thay đổi ý định để ngồi thưởng thức trọn vẹn chương trình ca nhạc Phục sinh.

Quả thật, thánh ca như tên gọi thật thánh thót, từng lời rót vào tâm hồn người nghe như những câu kinh kỳ diệu để rồi rời khỏi thính phòng ta sống trọn vẹn bởi hành động và lời nói đúng như những gì mà cuộc đời trải nghiệm đúc kết thành kinh. Thật giản dị như “Chúa đã hạ mình nêu gương đức khiêm nhường, nào ai hiểu thấu tình thương phục vụ cho khắp muôn người. Trích từ Ngài Yêu Đến Cùng của Thế Thông” là một hành động cụ thể mà ít ai làm được trong cuộc sống xô bồ. Ở một góc độ nào đó, chỉ cần “hành trì” chút công năng khiêm nhường thì chúng ta trở nên cao thượng và thánh hóa biết bao, đã vậy, từ khiêm cung đến phục vụ tha nhân lại là cung bật biến thiên của thăng hoa trong mọi lãnh vực mà chỉ phát ra được nếu tình thương và sự cống hiến bất vụ lợi được nẩy nở dồi dào.

Thật ra lễ Phục sinh hàng năm không nao nức như dịp Giáng sinh cuối năm, nhưng về mặt tâm linh thì lễ Phục sinh quan trọng bậc nhất, vì rằng sự kiện Chúa bị đóng đinh chết trên thập giá rồi ba ngày sau sống lại; bởi nếu không có ngày này thì Thiên Chúa Giáo sẽ không xuất hiện. Lễ Phục sinh được tính vào ngày Chủ nhật thứ nhất sau ngày Xuân phân hai tuần, nghĩa là ngày Xuân phân trong lịch Tây giả dụ là 20 tháng Ba thì cọng thêm 14 ngày sau đó đến Chủ nhật đầu tiên. Đây là một ý nghĩa mầu nhiệm vì lễ Phục sinh phải rơi vào đầu mùa xuân khi sắc hoa lá màu được tươi xanh nẩy lộc.

Bốn mươi ngày trước lễ Phục sinh là Mùa Chay hay còn gọi là Mùa Thương Khó được bắt đầu bằng lễ Tro ngày thứ Tư. Lửa và tro là tượng trưng cho sự hủy bỏ, thiêu rụi những cái gì cũ kỷ để thay vào cái mới hoàn thiện, nhờ biết được thân xác này cuối cùng sẽ là tro bụi thì ai trong chúng ta còn luyến tíếc để tham lam ích kỷ, bỏn xẻn và chấp víu làm gì, thay vào đó là bố thì và phục vụ tha nhân. Các vị Linh mục chấm tí tro giữa trán hay rắc trên đầu các giáo dân chút bột xám như một lời nhắc nhở về sự chết phải đến, có biết đến cái “tử” thì việc “sanh” mới có ý nghĩa cao thượng, do đó mà mùa chay để hãm mình, sám hối, bố thí và ăn kiêng là những thước đo cho sự phản hồi những nguyên lý nhân bản này.

Bảy ngày trước lễ Phục sinh là tuần lễ Thánh với Chủ nhật lễ Lá để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu vào thành Jerusalem được công chúng Do Thái nghinh đón bằng những tàu lá cọ, lá dừa phất chào trên tay hoặc lót nơi bùn lầy trên đường vào thành. Sự kính trọng của dân chúng đã nói lên tính cao cả, uy tín và mến mộ mà Chúa GiêSu đã tỏa sáng một góc trời khiến lòng cảm phục và ngưỡng mộ từ lòng dân phát sinh. Ngày thứ Năm trước Chủ nhật Phục sinh là lễ Vượt Qua kỷ niệm người dân Do Thái thoát được ách nô lệ ở Ai Cập, biểu tượng của dân Chúa thoát khỏi tội lỗi nhờ cái chết của Chúa Giêsu. Tiếp đến là thứ Sáu Tuần Thánh mà chúng ta quen gọi là Good Friday, tức là ngày Chúa bị đóng đinh trên thập giá để rồi ngày Chủ Nhật sống lại và kéo dài suốt bảy tuần lễ gọi là mùa Phục sinh. Những buổi lễ kế tiếp cần nhớ là ngày Lễ Thánh Thần sau lễ Phục sinh 49 ngày rơi vào Chủ nhật y như lễ “Chung Thất” của Phật giáo khi vong linh đi qua bảy tầng địa ngục.

Truyền thống tô màu trứng gà, trứng vịt sặc sỡ rất đẹp để trang trí trứng Phục sinh được rải trong khuôn vìên nhà thờ hay các công viên rộng lớn của thành phố để các em nhỏ săn tìm trứng Phục sinh cho biểu tượng tái sinh đạt nhiều mơ ước.
Quá nhiều ý nghĩa nhưng tựu trung cũng chỉ để huấn dụ con người chúng ta luôn đổi mới, xả bỏ những lỗi lầm ích kỷ và tham lam trong cuộc sống thường nhật hầu dang tay chấp nhận những kỳ thú mới lạ của tấm lòng quảng đại đầy tình người yêu thương, chia xẻ, phục vụ và bố thí. Dĩ nhiên đường đời phải luôn học tập để trưởng thành, đổi mới từ tư duy đến hành động cho lợi mình và lợi người chứ không phải bo bo chấp chặc những não trạng bệnh hoạn “độc cô cầu bại”. Thay đổi tức là thăng tiến hơn hẳn cái cũ, cái xưa trong ý nghĩa tích cực tuyệt vời của lễ Phục sinh từ ác sang thiện, từ xấu ra tốt, từ dở hóa hay, từ tối tăm ra ánh sáng, từ yếu đuối ra cường tráng, từ tệ đoan thành đạo đức, từ hối lộ ra thanh liêm, từ buồn rầu ra hoan lạc, từ họa dữ đến phước hạnh và từ cái chết đến cái sống vĩnh hằng. Muốn được như vậy thì từng giây từng phút ta phải tâm niệm sự vô thường biến chuyển không ngừng trong vũ trụ để thể nhập vào hơi thở và ý niệm của mỗi tiểu ngã mà thân tứ đại này đang gánh gồng trong cõi thế gian vốn không gì là thường trụ.

Sân khấu đã kéo màn mà trong tôi như vén lên bức màn vô minh từ vô thỉ..

Nguyễn Hồng Dũng, Ph. D
Lễ Phục Sinh 2010

www.calitoday.com

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9