(URL) Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học

Tác giả Bài
Viet duong nhan
  • Số bài : 6666
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.10.2004
  • Nơi: Suối Yêu Thương
(URL) Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học - 19.04.2010 17:44:18
Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học


Oslo Norway

Nhân ngày “Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm Văn Học, 1940-2010” do nhiều Bạn Đọc và Bạn Thơ Văn, của Tạp Chí Văn Nghệ Hương Xa, tổ chức tại Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy … nhà xuất bản Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư cho tái bản lần thứ 9 truyện dài Thương Yêu của Nguyễn Thị Vinh. Tác phẩm đầu tay này, được nhà xuất bản Phượng Giang của nhà văn Nhất Linh, in năm 1955 tại Sài Gòn.
Bản thảo Thương Yêu, viết tại Hương Cảng, Cửu Long, đảo Trường Châu năm 1948, lần tỵ nạn chính trị thứ nhất, năm mà tác giả mới 24 tuổi, đã viết xong tác phẩm Thương Yêu và Hai Chị Em năm 1950.
Việc làm thơ, viết văn của Nguyễn Thị Vinh, đúng ra khởi từ những năm 1939-1940, tại Hà Nội, như bài thơ Nông Phu, ở trang 173 trong truyện dài Thương Yêu.
Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lần đầu xem qua bản thảo Thương Yêu, tại Hương Cảng, đã nói :
“Đây là một tác phẩm văn chương”. Trong khi trước đấy, Nguyễn Thị Vinh vẫn đinh ninh : “Đó chỉ là những giòng tâm cảm, viết về tuổi thơ, cùng những người thân yêu, để bớt nhớ quê nhà Hà Nội, Hà Đông …” lúc sống xa đất nước.
Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15/07/1924 tại 41 Phố Bờ Hồ Hà Nội ; gốc quê Nội của bà tại làng Thịnh Đức Thượng, tức Làng Giẽ, phủ Thường Tín, huyện Phú Xuyên, thôn Thịnh Đức Hạ, tỉnh Hà Đông, Băc Việt Nam ; gốc quê Ngoại tại làng Vân Hoàng, tức Làng Chản, cùng tỉnh với quê Nội. Hai ông bà thân sinh mất sớm, năm Nguyễn Thị Vinh lên 8. Bốn anh chị em bà, mà người anh cả mới 15 tuổi, đang từ con cái một gia đình khá giả, bỗng chốc trở nên mồ côi cha mẹ, nghèo khổ. Truyện dài Thương Yêu đã cho bạn đọc thấy bốn anh chị em của tác giả đã sống như thế nào để vượt qua bao khó khăn. Theo bà : “Chỉ nhờ vào tình thương yêu nhau”.
Năm 1955, khi bản thảo Thương Yêu xuất bản lần đầu tại Sài Gòn, đã được tiểu thuyết hoá, bên cạnh những nhân vật có thật ngoài đời, còn thêm vài nhân vật tiểu thuyết ; nhưng tất cả vẫn xoay quanh chủ đề : “Tình thương yêu tạo nên sức mạnh”. Tác phẩm nhanh chóng được độc giả, thập niên [19] 50- 60 ở miền Nam, sôi nổi đón nhận.
Nhà báo Hy Hoàng, nhật báo Tự Do ở Sài Gòn trước năm 1975, đã viết : ” … Bằng một tấm lòng yêu thương thành thực, bằng những ý nghĩ chân thành, bà đã ghi lại một cách nghệ thuật những gì đã xảy ra trong cuộc sống …
Nhà báo Nguyễn Đang của tạp chí Sáng Tạo ghi nhận :
“Nguyễn Thị Vinh đã diễn tả với tâm hồn của một người mẹ, một người chị. Giọng văn đôn hậu, nhiều tình cảm. Những tình cảm tốt của con người tốt”.
Tình cảm tốt của con người là tha thứ, hoặc quên đi, cho con người lỡ có tật xấu và tha thứ không phải là dung thứ, được Nguyễn Thị Vinh thể hiện tràn đầy, qua các nhân vật, trong những tác phẩm của bà : Thương Yêu, Hai Chị Em, Men Chiều, Xóm Nghèo, Thung Lũng Chân Mây, Cô Mai, Vết Chàm, Nổi Sóng, Na Uy và Tôi, Cỏ Bồng Lìa Gốc … và Thơ Nguyễn Thị Vinh. Tác giả còn nhiều bản thảo chưa in vì trong 60 năm cầm bút, các hoạt động chính trị, báo chí, xuất bản đã chiếm mất nhiều thời gian của bà. Nguyễn Thị Vinh từng phụ giúp nhà văn Nhất Linh trong việc điều hành Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay và nhà xuất bản Phượng Giang. Bà cũng làm chủ bút của hai tờ tạp chí văn nghệ Tân Phong và Đông Phương, cũng như chủ trương nhà xuất bản Đông Phương, Anh Em và tạp chí văn nghệ Hương Xa. Người đọc thấy trong truyện dài Thương Yêu một đoạn đối thoại, sau đây :
-À, nhưng sau này Khánh thích trở nên thi sĩ, văn sĩ hay chính trị gia ?
Khánh ngẫm nghĩ rồi trả lời Bảng :
- Em thích tất cả”.
Con người “chính trị gia”, trong Nguyễn Thị Vinh, chỉ là con người của Văn Hoá Chính Trị, không phải Đảng Phái Chính Trị ; bày tỏ rõ nét nhất trong các tác phẩm văn chương, thi ca của Nguyễn Thị Vinh : Lên tiếng bênh vực người nghèo, chống mọi bất công xã hội và sự độc tài.
Chỉ kể từ 1945, năm Nguyễn Thị Vinh 21 tuổi, tới 1975, tác giả 51 tuổi, biết bao nhiêu đổi thay đã làm thay đổi đất nước, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống riêng của nhà văn, từ tinh thần đến vật chất.
Hết chạy ăn lại đến chạy loạn, chạy cả thù trong lẫn giặc ngoài ; sau năm 1975 còn phải chạy giặc đói và giặc ác.
Các phẩm của Nguyễn Thị Vinh được đánh giá cao :
“Bà là người đã có một nghệ thuật viết tiểu thuyết khả dĩ nâng cao nữ giới lên ngang hàng với các tiểu thuyết gia có giá trị của nam giới … Bà là một nghệ sĩ thuần tuý”.
An Tùng, báo Gia Đình trước năm 1975, đã ghi nhận như thế về một Nguyễn Thị Vinh từng có chân trong Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hoà ; sách của bà được đưa vào chương trình giảng dạy kim văn của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. 60 năm Văn học Nguyễn Thị Vinh còn đó, trước sau vẫn đọng lại mãi một điều này : “Bà là một nghệ sĩ thuần tuý” ./.

Oslo Norway
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.04.2010 17:54:07 bởi Viet duong nhan >

Viet duong nhan
  • Số bài : 6666
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.10.2004
  • Nơi: Suối Yêu Thương
Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học - 19.04.2010 17:47:22
Ðào Ngân Khánh Phỏng Vấn NV Nguyễn Thị Vinh
Về Tác Phẩm Thương Yêu


Xem hình bìa lớn phía dưới

ÐNK : Thưa chị, xin chị cho biết truyện dài Thương Yêu được viết ở đâu và viết từ bao giờ ?

NTV : Thưa chị, truyện dài Thương Yêu được viết tại Cửu Long, đảo Trường Châu, Hương Cảng năm 1948, thời gian tôi tỵ nạn chính trị lần thứ nhất.

ÐNK : Chị cho biết trường hợp nào Thương Yêu được xuất bản lần thứ nhất ?

NTV : Năm 1952, tôi trở về Sài Gòn, ngoài công việc hàng ngày, tôi đã chép lại 2 bản thảo Thương Yêu, Hai Chị Em và sửa chữa lần chót, chuẩn bị để ấn hành. Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, khi cùng tỵ nạn chính trị tại Hương Cảng năm 1948-1951, với một số người bạn chiến đấu của ông, có dịp đọc bản thảo Thương Yêu, Hai Chị Em của tôi, đã khuyến khích là nên xuất bản. Vì thế, năm 1955, thay vì in Hai Chị Em, tác phẩm viết trước Thương Yêu, tôi đã cho in cuốn Thương Yêu vì cuốn Hai Chị Em bị chậm trễ trong việc kiểm duyệt.

ÐNK : Lần tái bản thứ 9 này, chị đã hiệu đính những gì ?

NTV : Thường tôi ít hiệu đính những tác phẩm cũ của mình đã xuất bản. Nhưng lần tái bản Thương Yêu thứ 9 này, tôi đã sửa chữa một số lỗi sai chính tả, ghi chú phần tiếng Băc, tiếng Nam để bạn đọc dễ dàng tìm hiểu thêm về các danh từ mà người Hà Nội thường dung trong các thập niên [19] 30-40. Tôi cũng điều chỉnh một số câu văn, theo yêu cầu của dịch giả sẽ chuyển ngữ tác phẩm Thương Yêu qua Na ngữ.

ÐNK : Chị gửi gấm điều gì của mình qua Thương Yêu ?

NTV : Trước hết, tôi chỉ muốn nhắc nhở chính mình, về cách sống ở đời này, muốn thân tâm được nhiều yên vui, theo một công thức do tôi tự đặt ra : Hạnh Phúc = Thương Yêu + Tha Thứ + Làm Việc & Thư Dãn. Sau đó, nếu được ban đọc nào chia sẻ với tôi về quan điểm : “Tình thương yêu tạo nên sức mạnh tinh thần” thì may mắn cho tôi. Từ khi Việt Nam có “bạo lực cách mạng vô sản chuyên chính”, mang tầm vóc quốc gia, tôi rất lo sợ và buồn cho chính thân phận mình và đất nước.

ÐNK : Nhân ngày “60 Năm Văn Học Nguyễn Thị Vinh”, chị cho biết sơ qua sinh hoạt văn học thời kỳ tỵ nạn chính trị của chị ở đảo Trường Châu, Cửu Long, Hương Cảng ?

NTV : Ngày trước, nghĩa là từ trước năm 1975, có rất ít người mình ra nước ngoài tỵ nạn chính trị. Từ năm 1945 tới 1954, lại càng ít hơn. Thời tôi tỵ nạn chính trị ở Hồng Kông, việc chính là lo giữ vững tinh thần Quốc Gia Dân Tộc. Ở đảo Trường Châu lúc đó làm gì có nhiều người Việt. Tôi phải học nói tiếng Quảng Đông.
Không có cộng đồng người Việt ở đó, nên cũng không có sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt ngữ ; đâu có được như đồng bào tỵ nạn chính trị của chúng ta lúc này ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong hoàn cảnh “ốc đảo tinh thần” ấy, tôi phải giữ gìn Tiếng Mẹ Đẻ, qua Chữ Quốc Ngữ, bằng cách viết nhật ký, truyện ngắn, truyện dài và làm thơ.

ÐNK : Và sinh hoạt văn học ở Miền Nam trước Năm 1975 ?

NTV : Chị muốn hỏi về Sinh hoạt Văn học Nghệ thuật của Miền Nam trước năm 1975 hay của riêng tôi … ? Tôi xin trả lời vắn tắt cả hai câu hỏi, theo sự đánh giá của tôi :
1/ Văn học Nghệ thuật tại Miền Nam trước năm 1975 rất “Tự do, Nhân bản và Khai Phóng”. Cho dù nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà vẫn có cơ quan kiểm duyệt của Bộ Thông Tin, nhưng hầu như các tác phẩm của các tác giả miền Băc, là CS hay theo CS, vẫn được ấn hành và giảng dạy trong các chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục, như : Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên …
2/ Riêng tôi, tôi thực sự đã được sống trong khu vườn “trăm hoa đua nở”, là Sinh hoạt Văn Nghệ trước năm 1975 ở Miền Nam, cả về văn học lẫn báo chí.

ÐNK : Cũng như sinh hoạt văn học ở Miền Nam sau năm 1975 ?

NTV : Miền Nam sau năm 1975, tuyệt đối không có sinh hoạt văn học nghệ thuật cho các tác giả Miền Nam bị liệt vào thành phần “có vấn đề”, hoặc “phản động” hay “đồi truỵ”. Thậm chí nhiều văn nghệ sĩ còn bị bắt, bị tù dưới dng ạ”Học Tập Cải Tạo”. Sinh hoạt Văn nghệ Miền Nam sau năm 1975 là Sinh hoạt Văn nghệ Đảng tính ; nơi mà chính trị coi văn nghệ như một công cụ tinh thần.

ÐNK : Chị nghĩ gì về sinh hoạt văn học miền Băc từ năm 1954 tới năm 1975 ?

NTV : Từ khi có “Đề cương Văn hoá Mác”, năm 1948, cho tới khi Miền Băc “Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội” và cả cho đến ngày nay : Nhà giấy, nhà in, nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà phê bình và thậm chí cả nhà văn cũng của đảng CS, làm sao có Sinh Hoạt Văn Nghệ Thuần Tuý ?

ÐNK : Và về sinh hoạt đó từ 1975 đến nay ?

NTV : Tạm chia ra làm 4 thời kỳ :
1/ 1945-1954 : Văn Học Kháng Chiến Chống Pháp.
Khai thác triệt để lòng ái quốc và tinh thần dân tộc, đồng thời manh nha một nền văn học mới, gọi là “Văn học Hiện thực Xã hội” ; xã hội ở đây phải hiểu là “Xã hội Chủ nghĩa”, ca tụng đảng CS và các lãnh tụ CS, quốc tế cũng như quốc nội.
2/ 1954-1975 : Văn học Xây dựng Xã hội Chủ nghĩa và Chống Mỹ Cứu Nước.
Tất cả các tác phẩm phải hướng đến việc tuyên truyền, ngợi ca các chính sách của đảng CS, từ Cải cách Ruộng đất, tới đánh Tư sản Mại bản, tức Cải cách Công thương nghiệp, cho đến tiêu diệt tính chất độc lập của văn nghệ, qua vụ Nhân Văn, Giai Phẩm.
3/ 1975-1989 : Văn Nghệ Cải Tạo.
“Cải tạo XHCN để xây dựng CNXH”, đó là khẩu hiệu của đảng CS ; văn nghệ một mặt tố cáo “tàn dư của chế độ cũ” ; mặt khác, cô võ việc đặt niềm tin vào “CNXH”, tới độ : “Yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội”.
4/ 1989- Đến nay : Văn nghệ cũng theo chủ trương “Kinh tế Thị trường, Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa”.
Đảng CS cho phép xuất bản các tác phẩm “lãng mạn”, “đồi truỵ”, tuyệt đối cấm “phản động” ; nghĩa là văn nghệ vẫn không được đề cập tới các vấn đề chính trị bất lợi cho đảng CS. Các cơ quan truyền thông, xuất bản, phát hành vẫn độc quyền nằm trong tay đảng CS.

ÐNK : Chị có thể tóm tắt về sinh hoạt văn học của người tỵ nạn chính trị sau năm 1975 tại Hải Ngoại ?

NTV : Tạm chia thành 3 thời kỳ :
1/ 1975-1985 :
Tái bản nhiều tác phẩm của Miền Nam trước năm 1975. Đồng thời ấn hành những tác phẩm mới, phần lớn là hồi ký về “Học Tập Cải Tạo”, “Vượt Biên” và tố cáo tội ác của CS, cùng nhiều tài liệu về nền Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hoà, kể cả các tài liệu về sự thất trận của Hoa Kỳ.
2/ 1985-2005 :
Khởi đầu và nở rộ thời kỳ văn chương thuần tuý. Ngay cả các tác phẩm, có nội dung chính trị, cũng nghệ thuật và tinh tế hơn những năm đầu mới tỵ nạn.
3/ 2005-2009 :
Các tác giả thuộc thế hệ tỵ nạn thứ nhất, phần vì cao tuổi, phần vì sức khoẻ đã viết ít hoặc ngưng viết ; cùng lúc số người đọc Việt ngữ cũng giảm dần ; nhiều nhà xuất bản lớn đã phải đóng cửa hoặc trở thành tiệm sách.
Bù lại, ở thế hệ tỵ nạn thứ hai, các tác giả trẻ, tuy chưa nhiều, viết bằng Anh, Pháp, Đức ngữ đã có những dấu hiệu thành công về đề tài “thân phận người Việt”.

ÐNK : Chị lạc quan hay bi quan về Văn Học Hải Ngoại ?

NTV : Không ai có thể lạc quan về tình trạng văn nghệ ở Hải Ngoại lúc này. Việc sáng tác, ấn loát và phát hành suy giảm đáng kể. Tuy số lượng ít nhưng các tác phẩm phần lớn đều có chất lượng ; vì các tác phẩm ở Hải Ngoại không bị kiểm duyệt ; tác giả toàn quyền trong sáng tác, ấn hành.
Nạn kiểm duyệt tàn bạo và khắc nghiệt, cùng với việc thương mại hoá, khiến trong nước không thể có “tác phẩm lớn” chuyên chở được tiếng nói của thời đại.
Trong tương lai không xa, văn học nghệ thuật Việt Nam Hải Ngoại sẽ tạo được tiếng vang trong cộng đồng Văn học Quốc tế nhờ dịch thuật hoặc sử dụng ngoại ngữ.

ÐNK : Xin cho biết quan điểm sáng tác của chị ?

NTV : Văn nghệ, theo thiển ý, trước hết phải chú trọng đến tính chất nghệ thuật. Chân thành trong việc diễn tả niềm vui, nỗi buồn của con người. Văn nghệ phải góp phần làm giàu và làm đẹp cho Tâm hồn Việt Nam.

ÐNK : Theo chị, văn học và chính trị biệt lập hay tương quan với nhau ?

NTV : Trong đời sống tinh thần và vật chất của con người, tôi thấy không có gì đứng biệt lập. Chính trị và văn học phải tương quan với nhau. Chính trị phải là thứ chính trị “Kinh bang Tế thế”. Dân khôn, nước giàu ; dân giàu, nước mạnh ; nước mạnh, dân hạnh phúc. Văn học phải hướng đến tính nhân bản. Văn học không thể chuyên chở thứ chính trị : “Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ … ”*

ÐNK : Chị nghĩ gì về văn chương “Lãng Mạn Tiền Chiến” thời Tự lực Văn đoàn ?

NTV : Dòng văn chương “Lãng Mạn Tiền Chiến”, trong đó có Tự lực Văn đoàn, hồi đầu thế kỷ 20, đã hướng đến các mục tiêu cần thiết trong bối cảnh thời Pháp thuộc :
1/ Làm nhuần nhuyễn Chữ Quốc Ngữ.
2/ Nuôi dưỡng lòng yêu nước.
3/ Chống mọi hủ tục.
4/ Kêu gọi canh tân, Âu hoá.
5/ Chống bất công xã hội.
Cho nên, theo thiển ý, “Lãng Mạn Tiền Chiến”, chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Dưới chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp, các tác giả Việt phải chọn cách gián tiếp để đi tới những vấn đề như tự do, độc lập …

ÐNK : Có nên nối tiếp giòng văn chương “Lãng Mạn Tiền Chiến” không ?

NTV : 1/ Hoàn cảnh lịch sử và khuynh hướng thưởng ngoạn của người đọc đã khác. Tuy nhiên văn nghệ cảm tính vẫn đuợc nhiều người đón nhận.
2/ Nhiều tác giả ở trong nước, mượn thể loại “Tiểu Thuyết Lịch Sử” để nói chuyện về con người và đất nước. Muốn nói chuyện đời nay, phải dựa vào truyện thời xưa. Bởi chính sách kiểm duyệt hiện giờ khắc nghiệt hơn thời Pháp. Bên cạnh đó, không ít tác giả chỉ viết vì nhu cầu thương mại hoặc dịch truyện nước ngoài.

ÐNK : Từ năm 1984, tỵ nạn chính trị tại Na Uy, chị đã trở về Việt Nam lần nào chưa. Nếu có hoặc không thì tại sao ?

NTV : Từ 1984 tới nay, tháng 03 năm 2010, trên 25 năm, tôi chưa về Việt Nam. Lý do : Tôi là người tỵ nạn chính trị. Vấn đề chính trị ở nơi tôi ra đi vẫn chưa thay đổi. Nên tôi chưa thể về lại được, dù là về thăm nhà.

ÐNK : Tại sao chị không cho hoặc xin xuất bản sách của mình ở trong nước ?

NTV : Các tác phẩm viết trước năm 1975 của tôi, không nằm trong danh sách cấm in, nhưng tôi tự thấy tôi không thể hợp tác được với các nhà xuất bản quốc doanh của đảng CS. Hợp tác một phần cũng là thoả hiệp chính trị.

ÐNK : Giá in sách ở Oslo, Houston khá cao, sao chị không in ở Việt Nam, rẻ hơn ?

NTV : Các tác phẩm sau năm 1975, của tôi, hầu hết có nội dung chống độc tôn, độc trị, độc tài, độc đảng ; nhà in nào trong nước dám in ? Tôi phải xin phép để được in sao ?

ÐNK : Chị nghĩ gì về vai trò của nhà văn tại Hải Ngoại ?

NTV : Tuỳ theo nhân sinh quan của mỗi nhà văn mà định hình “vai trò của nhà văn” kể cả trong kia lẫn ngoài này.
Nếu nhà văn nào đó cảm thấy cần bênh vực, đứng về phía những người yêu nước thật sự, những người nghèo khổ, khốn cùng vì tệ bất công xã hội, những người mất nhân quyền … Tất nhiên nhà văn ấy sẽ tự thấy rõ vai trò của mình, thông qua văn học.

ÐNK : Chị và anh Nguyễn Hữu Nhật cùng chủ trương Tạp chí Văn nghệ Hương Xa, tình trạng tờ báo ấy hiện nay ?

NTV : Chúng tôi không in báo giấy Hương Xa, như mấy năm trước, gồm nhiều mục khác nhau ; từ năm 2008, Hương Xa được xuất bản từng số, dưới dạng tranh bích chương, với các chuyên đề, thí dụ như “Sử Nghìn Người Chép” …
Tiện đây, tôi cũng xin nói qua về Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư, do một nhóm anh chị em văn nghệ sĩ chủ trương nhằm nêu cao tinh thần Quốc Gia Dân Tộc. Chưa làm được “nghĩa thục” thì chúng tôi làm “Nghĩa Thư, góp phần giữ gìn Tiếng Mẹ Đẻ và Chữ Quốc Ngữ.
[Đông Kinh Nghĩa Thục sang trang mới Văn nghệ giờ theo ý Nghĩa Thư]

ÐNK : Chị nghĩ gì về sinh hoạt văn nghệ ở Houston ?

NTV : Sôi nổi, nhiệt tình và phong phú … Nhiều văn nghệ sĩ lớn tuổi chưa gác bút và nhiều người viết mới đang lên đường, thử nghiệm … Tạo thành một sinh hoạt văn nghệ mà tôi nghĩ là khởi sắc, thật đáng vui mừng.

ÐNK : Chị có điều gì muốn nói thêm với quý độc giả.

NTV : Lúc nào tôi cũng biết ơn quý Bạn Đọc, Bạn Văn và quý Cơ quan Truyền Thông, trong suốt 60 năm sinh hoạt văn học nghệ thuật của tôi, đã tận tình chia sẻ và giúp đỡ. Người đánh đàn phải cảm ơn người nghe đàn. Tôi nghĩ như thế. Xin cảm ơn chị Ðào Ngân Khánh ./.



Viet duong nhan
  • Số bài : 6666
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.10.2004
  • Nơi: Suối Yêu Thương
Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học - 19.04.2010 17:48:53
Ngày Văn Học Nghệ Thuật
“60 Năm Văn Học Nguyễn Thị Vinh”



Thông Báo

(Thay Thế Thiệp Mời Vì Không Biết Tất Cả
Địa Chỉ Riêng Của Quý Đồng Hương & Thân Hữu)

Kinh Mời

Vui Lòng Bớt Chút Thời Giờ Đến Tham Dự
Ngày Văn Học Nghệ Thuật
Trong Bàn Viết, Ngoài Cuộc Đời

“60 Năm Văn Học Nguyễn Thị Vinh”

Với Tác Phẩm Tái Bản lần thứ 9 Của
Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư
Thương Yêu
Của Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh

Được Tổ Chức Tại :
Hội Trường Lầu 2 Đài Little Saigon Radio
7080 SouthWest Freeway
Houston, Texas 77074
(713) 271-7888
Vào Lúc :
1300 G Ngày Chủ Nhật 28/03/2010

Sự Hiện Diện Của Quý Quan Khách,
Đồng Hương & Thân Hữu
Là Một Hân Hạnh Cho
Ban Tổ Chức & Tác Giả Nguyễn Thị Vinh.
Trân Trọng

Ban Tổ Chức :
Gia Đình Trưng Vương : (713) 492-2620
(713) 785-5154 & 281460-3490
Little Saigon Radio : (713) 271-9777
Saigon Houston Radio : (713) 917-0050
Sài Gòn Nghĩa Thư : (832) 723-7801
Văn Bút Nam Hoa Kỳ :(713) 419-3167
Việt Nam Mới : (713) 933-5081

1/Nhà Văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã nói gì về
bản thảo “Thương Yêu” được viết tại Hồng Kông ?
2/Vì sao “Thương Yêu” được đưa vào chương trình kim văn của
Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hoà ?
3/Nguyễn Thị Vinh, cựu thành viên của
Hội Đồng Giám Khảo Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật VNCH,
nhận định về Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật thời @ ra sao ?