(URL) Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học
Viet duong nhan 19.04.2010 17:44:18 (permalink)
Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm (1940-2010) Văn Học


Oslo Norway

Nhân ngày “Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm Văn Học, 1940-2010” do nhiều Bạn Đọc và Bạn Thơ Văn, của Tạp Chí Văn Nghệ Hương Xa, tổ chức tại Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy … nhà xuất bản Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư cho tái bản lần thứ 9 truyện dài Thương Yêu của Nguyễn Thị Vinh. Tác phẩm đầu tay này, được nhà xuất bản Phượng Giang của nhà văn Nhất Linh, in năm 1955 tại Sài Gòn.
Bản thảo Thương Yêu, viết tại Hương Cảng, Cửu Long, đảo Trường Châu năm 1948, lần tỵ nạn chính trị thứ nhất, năm mà tác giả mới 24 tuổi, đã viết xong tác phẩm Thương Yêu và Hai Chị Em năm 1950.
Việc làm thơ, viết văn của Nguyễn Thị Vinh, đúng ra khởi từ những năm 1939-1940, tại Hà Nội, như bài thơ Nông Phu, ở trang 173 trong truyện dài Thương Yêu.
Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lần đầu xem qua bản thảo Thương Yêu, tại Hương Cảng, đã nói :
“Đây là một tác phẩm văn chương”. Trong khi trước đấy, Nguyễn Thị Vinh vẫn đinh ninh : “Đó chỉ là những giòng tâm cảm, viết về tuổi thơ, cùng những người thân yêu, để bớt nhớ quê nhà Hà Nội, Hà Đông …” lúc sống xa đất nước.
Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15/07/1924 tại 41 Phố Bờ Hồ Hà Nội ; gốc quê Nội của bà tại làng Thịnh Đức Thượng, tức Làng Giẽ, phủ Thường Tín, huyện Phú Xuyên, thôn Thịnh Đức Hạ, tỉnh Hà Đông, Băc Việt Nam ; gốc quê Ngoại tại làng Vân Hoàng, tức Làng Chản, cùng tỉnh với quê Nội. Hai ông bà thân sinh mất sớm, năm Nguyễn Thị Vinh lên 8. Bốn anh chị em bà, mà người anh cả mới 15 tuổi, đang từ con cái một gia đình khá giả, bỗng chốc trở nên mồ côi cha mẹ, nghèo khổ. Truyện dài Thương Yêu đã cho bạn đọc thấy bốn anh chị em của tác giả đã sống như thế nào để vượt qua bao khó khăn. Theo bà : “Chỉ nhờ vào tình thương yêu nhau”.
Năm 1955, khi bản thảo Thương Yêu xuất bản lần đầu tại Sài Gòn, đã được tiểu thuyết hoá, bên cạnh những nhân vật có thật ngoài đời, còn thêm vài nhân vật tiểu thuyết ; nhưng tất cả vẫn xoay quanh chủ đề : “Tình thương yêu tạo nên sức mạnh”. Tác phẩm nhanh chóng được độc giả, thập niên [19] 50- 60 ở miền Nam, sôi nổi đón nhận.
Nhà báo Hy Hoàng, nhật báo Tự Do ở Sài Gòn trước năm 1975, đã viết : ” … Bằng một tấm lòng yêu thương thành thực, bằng những ý nghĩ chân thành, bà đã ghi lại một cách nghệ thuật những gì đã xảy ra trong cuộc sống …
Nhà báo Nguyễn Đang của tạp chí Sáng Tạo ghi nhận :
“Nguyễn Thị Vinh đã diễn tả với tâm hồn của một người mẹ, một người chị. Giọng văn đôn hậu, nhiều tình cảm. Những tình cảm tốt của con người tốt”.
Tình cảm tốt của con người là tha thứ, hoặc quên đi, cho con người lỡ có tật xấu và tha thứ không phải là dung thứ, được Nguyễn Thị Vinh thể hiện tràn đầy, qua các nhân vật, trong những tác phẩm của bà : Thương Yêu, Hai Chị Em, Men Chiều, Xóm Nghèo, Thung Lũng Chân Mây, Cô Mai, Vết Chàm, Nổi Sóng, Na Uy và Tôi, Cỏ Bồng Lìa Gốc … và Thơ Nguyễn Thị Vinh. Tác giả còn nhiều bản thảo chưa in vì trong 60 năm cầm bút, các hoạt động chính trị, báo chí, xuất bản đã chiếm mất nhiều thời gian của bà. Nguyễn Thị Vinh từng phụ giúp nhà văn Nhất Linh trong việc điều hành Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay và nhà xuất bản Phượng Giang. Bà cũng làm chủ bút của hai tờ tạp chí văn nghệ Tân Phong và Đông Phương, cũng như chủ trương nhà xuất bản Đông Phương, Anh Em và tạp chí văn nghệ Hương Xa. Người đọc thấy trong truyện dài Thương Yêu một đoạn đối thoại, sau đây :
-À, nhưng sau này Khánh thích trở nên thi sĩ, văn sĩ hay chính trị gia ?
Khánh ngẫm nghĩ rồi trả lời Bảng :
- Em thích tất cả”.
Con người “chính trị gia”, trong Nguyễn Thị Vinh, chỉ là con người của Văn Hoá Chính Trị, không phải Đảng Phái Chính Trị ; bày tỏ rõ nét nhất trong các tác phẩm văn chương, thi ca của Nguyễn Thị Vinh : Lên tiếng bênh vực người nghèo, chống mọi bất công xã hội và sự độc tài.
Chỉ kể từ 1945, năm Nguyễn Thị Vinh 21 tuổi, tới 1975, tác giả 51 tuổi, biết bao nhiêu đổi thay đã làm thay đổi đất nước, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống riêng của nhà văn, từ tinh thần đến vật chất.
Hết chạy ăn lại đến chạy loạn, chạy cả thù trong lẫn giặc ngoài ; sau năm 1975 còn phải chạy giặc đói và giặc ác.
Các phẩm của Nguyễn Thị Vinh được đánh giá cao :
“Bà là người đã có một nghệ thuật viết tiểu thuyết khả dĩ nâng cao nữ giới lên ngang hàng với các tiểu thuyết gia có giá trị của nam giới … Bà là một nghệ sĩ thuần tuý”.
An Tùng, báo Gia Đình trước năm 1975, đã ghi nhận như thế về một Nguyễn Thị Vinh từng có chân trong Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hoà ; sách của bà được đưa vào chương trình giảng dạy kim văn của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. 60 năm Văn học Nguyễn Thị Vinh còn đó, trước sau vẫn đọng lại mãi một điều này : “Bà là một nghệ sĩ thuần tuý” ./.

Oslo Norway
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.04.2010 17:54:07 bởi Viet duong nhan >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9