Thư gửi Mai
Lệ Kiên 06.05.2010 11:38:44 (permalink)
 
Mai, anh đã nghĩ rất nhiều về kỷ niệm, về những việc đã xảy ra trong quá khứ.
Anh đã nghĩ về những giấc mơ.
Có khoảng khắc tưởng chừng đã xoa dịu được nổi đau. Dòng sông bất hạnh lại không ngừng đua nhau gợn sóng. Chiếc ghe nhỏ vốn dĩ lặng lẽ xuôi dòng, chợt chồng chềnh giữa cơn xoáy dữ. Hung bạo của thiên nhiên nào bằng hung bạo của lòng người. Anh đã lang thang trong cõi mịt mù của trí tuệ, khẩn cầu một chút ánh sáng linh thiêng, soi rõ lối đi.
Mai, anh đã bỏ phí nhiều ngày nhiều tháng. Vóc dáng cường tráng xưa đã trở nên vàng vọt, gầy mòn. Biển đời có bao giờ im lìm như những gì ta tưởng. Hơi thở khắc nghiệt của nó đã cướp đi không chỉ nổi nhớ mong, mà còn là giọt nước mắt đang hằng sâu vào tuyến lệ.
Nhớ lúc còn thơ dại, mẹ khom lưng cổng qua cây cầu nhỏ. Phía dưới nước rùng rục chảy xiết, sẳn sàng cuốn trôi bất cứ trở ngại nào. Mẹ nói, mai này khi con lớn khôn, hãy vun đắp niềm tin bản thân như dòng nước này. Đập tan mọi trở ngại. Hãy sống cho xứng đáng với một kiếp người.
Mai, mẹ đã bỏ cả tuổi thanh xuân, bỏ cả tương lai tươi đẹp để chạy theo tiếng gọi của lý tưởng. Gánh Mẹ vác oằn cả bờ vai, là niềm vui, là tuổi thơ đầy ấp tình thương của anh. Những tư lự về thời cuộc hòa trong cơm áo gạo tiền. Chén cơm Mẹ ăn, đã thấm đẫm bao mồ hôi, bao nước mắt. Cho đến khi nhắm mắt lìa bỏ cõi đời, Mẹ vẫn bảo “chẳng có gì hối tiếc!”.
Mai, anh đang ngồi ở nghĩa trang, thắp nén nhang cho Mẹ. Gương mặt Mẹ hiền từ quá, nhưng lòng anh đã đủ những thủ đoạn lọc lừa. Nhìn khói hương bay, lan giữa thinh không im ắng, một chút nuối tiếc trỗi dậy trong anh.
Kỳ thực, anh đã không quên được quá khứ. Những chiếu hè lăng xăng thả diều, tắm ao, vớt bèo in sâu vào tâm trí anh như vết cắt. Có điều nét chạm lại vội vàng đến độ nó không còn là hình hài của chính nó, điểm tinh túy còn đọng lại vẫn là đồng cỏ xanh, là mênh mông trời đất.
Mai, trong cái vô hạn, người ta luôn nhân thức được điều hữu hạn. Còn anh, anh nhận thức được gì? Tuổi trẻ đã mất đi và không bao giờ quay lại. Thời gian đâu dừng một chổ để anh mày mò tìm kiếm! Mẹ lầm than để anh ngồi mòn ghế giảng đường đại học, rốt lại là để anh đủ sức bon chen với đời, hay tìm lẽ vĩnh hằng chỉ trong khoảng khắc.
Không có ý nghĩa gì cả! Tấm bằng đại học chỉ là một tấm vải mỏng tanh, không đủ che bất kỳ sự dốt nát nào. Có chăng, nó như một minh chứng cho ngày tháng đắm chìm trong sách vở, trong những bài giảng qua loa nhưng tốn kém quá nhiều tiền bạc. Song, một điều không thể phủ nhận, nó lại là điều kiện cần cho một quá trình sinh tồn. Vậy còn “đủ”?. Không một bài học nào dạy chúng ta biết thế nào là “đủ”!
Mai, anh đã học được rất nhiều thứ khi đặt chân đến mảnh đất phồn hoa này. Từ cách ăn mặc cho đến cách nói chuyện; từ cách đối nhân xử thế cho đến cách dối bạn lừa thầy! Mẹ dạy, “sống sao đừng để hổ thẹn với lương tâm”. Nhưng anh ra vào khúm núm, một dạ hai vâng, hai chữ “tự trọng” quên cả cách đánh vần. Ừ nhỉ, “tự trọng” đâu nuôi nổi bản thân!
Mai, mẹ dạy, “nghèo cho sạch rách cho thơm!”. Anh nhớ chứ, tiếc rằng không thực hiện được. Vào chỗ làm, X nói, “chút nữa trong cuộc họp, mày với A, B, C “đập” thằng D cho tao”. “Sao vậy?” “Nó dám viết báo cáo lên cấp trên là tao nói nhiều làm ít, biến của công thành của tư, a dua nịnh bợ, kết bè kết đảng…”. “Dạ vâng”. Vào chỗ làm, Y nói: “Chút nữa có người tên N tới xin việc, phỏng vấn vài câu rồi nhân nghe chưa?” “Sao vậy?”. “Tao bảo thế nào thì làm thế ấy! Nhưng nói nhỏ cho nghe, cháu bên vợ đấy” “Dạ vâng”.
Mai, anh vừa từ quê lên ngày hôm qua. Mái ngói bây giờ mục lắm, bàn thờ Mẹ mối mọt cũng đầy, không biết sụp xuống lúc nào. Nghe nói, năm nay sau cơn hạn, giông lớn sẽ ùa về, e rằng cột nhà không chịu nổi. Cỏ mộc đầy sân không ai quét; giếng khô cạn nước lá phủ đầy.
Xung quanh thôn xóm đìu hiu, ra vào chỉ vài ba ông bà cụ. “Thanh niên ai còn ở đây, tụi nhỏ phải lên Thành phố, làm công nhân cho mấy xí nghiệp, tháng kiếm một hai triệu, lây lất qua ngày”. Nhưng ruộng sẽ bỏ hoang, vườn sẽ xơ xác, ai lo?” “Biết làm sao được! Lúa không được giá. Rau chẳng được mùa! Bám vào chết đói”. Thế nhưng, họ nào biết được, chính những hạt lúa, những cọng rau mới là thứ đã nuôi ta mỗi ngày.
Mai, anh bắt đầu lo lắng cho hiện tại. Công việc bấp bênh quá, chi phí sinh hoạt lại không ngừng tăng vọt, vậy lấy đâu ra chí khí để làm theo những điều hay lẽ phải. Nghe nói cuối tháng này chỗ anh làm sẽ có cuộc “sàn lọc nhân tài”, “tinh giản biên chế” một cách triệt để. Nhưng thật lạ, ai nấy đều cố sức “quà cáp” cho ông X bà Y,  chứ không mấy tập trung vào thành quả công việc. “Chất xám” vốn chỉ là một khái niệm; và bây giờ, người ta cũng chẳng hiểu nó ở gốc độ nào hay ho hơn. “Nhân tài” là gì? Chẳng là gì cả. Giống như các bậc Thánh thời xưa đã dậy: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống”. Vậy, “Nhân tài” phải là người “biết”chăng?. “Quà cáp” có phải là biểu hiện của sự “Biết” không?
Mai, khi anh viết những dòng chữ này, đồng hồ đã nhảy sang những phút đầu tiên của ngày mới. Ngoài kia, đèn đường rực rỡ, soi rõ cụ già đang ngồi ngay gốc đường, đầu gục xuống tay tìm giấc ngủ tạm bợ; cách đó không xa, chú xe ôm nằm dài trên chiếc xe dream cũ kỹ của mình, khách đâu giờ này mà đợi mòn đợi mõi. Ủa, hãy còn cô gái phấn son lòe loẹt đứng ngay dưới cột điện, quần ngắn đến không thể ngắn hơn, áo hở đến không thể hở hơn, miệng treo nụ cười ngọt lịm, song ánh mắt phảng phất nét lo lắng của một đêm “eo xèo”. Thi thoảng, anh thấy vài “cậu ấm cô chiêu” trên chiếc xe “hoàng tráng” của mình, hi ha cười nói, bỏ mặc sự yên tĩnh đang bị quấy rầy.
Mai, trong anh đã bắt đầu mâu thuẫn. Những ý nghĩa xáo trộn cứ đua nhau bừng dậy, khiến nét viết của anh xiêu vẹo đến ngờ nghệch. Quả thật, giữa “chúng ta” đã phát sinh không ít vấn đề. Trong hằng hà sa số sự cám dỗ vay quanh, anh đã cố giữ tâm tĩnh lặng để hiểu Mai, buông bỏ mọi thứ để nhận thức rằng, Mai vẫn còn đó, vẫn chờ anh. Nhưng khốn thay, khi có cơ hội giang rộng vòng tay ôm Mai vào lòng, anh lại khờ dại bỏ qua. Phải chăng anh đã quên rồi lời răn của Mẹ? Hay Mai quá xa xôi đến độ anh chẳng còn tâm trí mong nhớ về?...
Mai, vẫn hằng trong anh những vết quất xót xa khi lòng người thay đổi, khi anh không hiểu phải “Biết” thế nào là đúng. Anh suýt đã giơ tay đầu hàng số phận, và để nó xô đẩy như chiếc lá giữa cơn giông giận dữ. Anh suýt quên cách viết tên mình, xấu hổ giấu mặt khi đến trước bàn thờ của Mẹ. Đó có phải là sự gục ngã chăng? Anh vốn biết, không bài học nào đắt giá cho bằng bài học về tình người, về thói đời vô thường khó thể nắm bắt.
Và, chỉ cách đây vài giờ, anh đã bỏ qua lời rủ rê của A, một đồng nghiệp, khi y mở lời kêu anh hùn hạp “quà cáp” cho ông X. Bị anh từ chối, y chỉ cười khẽ rồi nói, “cuối tháng tự lo nha”. Anh biết, y không phải là người xấu, nhưng cuộc sống quá chuộng “nhân tài”, y phải thể hiện “bản lĩnh” để được tồn tại. “Tồn tại” lại là một khái niệm mơ hồ khác.
Mẹ dạy, phải kiên trì với niềm tin của chính mình. Anh quá khứ đã hơn một lần quên bẳng. Nhưng, vẫn còn đó khoảng đường dài phía trước, không có gì quá muộn cho một quyết tâm.
Mai, hãy chờ anh.
Tô Giang
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9