Tiếng thở dài trong đêm (truyện ma)
Lệ Kiên 06.05.2010 11:58:40 (permalink)
 
Tôi không nhớ rõ lúc đó là mấy giờ, chỉ biết trời đã nhá nhem tối; còn đang tính bắt ghế ra ngoài hành lang ngồi cho đỡ muỗi, thì Hưng lật đật chạy qua. Chưa tới trước cửa, nó đã hớt hãi: “Con Dung chết rồi. Con Dung chết rồi”. Tôi giật bắn mình như bị điện giật, cái ghế trên tay cũng rớt xuống đất: “Mày nói cái gì?” Hưng hít một hơi, nói, giọng vẫn còn run, nhưng tôi nghe được rõ ràng vì nó nói rất chậm: “Dung chết rồi”. Nói xong câu này, nó như vô cùng mệt mỏi, ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm mặt. Nó khóc.
Dung là bạn thân của tôi và Hưng. Bô ba chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ tới lớn. Sau đó, cả ba rủ nhau thi vào một trường cao đẳng ở tỉnh, theo học ngành Nông nghiệp. Tốt nghiệp xong, ba chúng tôi cùng quyết tâm lập nghiệp, bằng cách bỏ vốn thành lập trang trại tại chốn khỉ ho cò gáy này. Chúng tôi trồng cà phê, tiêu, nuôi heo và bò; thuê nhân công địa phương. Để thuận lợi cho việc quản lý, chúng tôi quyết định sinh sống tại trang trại. Tôi và Hưng ở tại phòng làm việc, còn Dung có một phòng riêng biệt để sinh hoạt cho dễ dàng. Đó là chuyện cách đây hai năm. Trưa này, Dung còn qua rủ tôi và Hưng đi ăn lẩu đằng quán bà Bảy ở đầu thôn. Lúc đó, Dung vô cùng khỏe mạnh, luôn miệng cười nói, đến nổi sặc cả bún vào chân tôi.
Tin Dung chết thật sự khiến tôi hoài nghi. Thấy Hưng ôm mặt khóc, tôi đâm bực, hỏi nhanh: “Hiện giờ Dung đang ở đâu? Sao lại chết? Mày nói rõ ràng ra coi”. Hưng ngước lên. Tôi thấy mặt nó đầy nước mắt, nổi đau đớn không thể dấu được hiện rõ trên đôi mắt đang hằng vết máu. Lòng tôi như chùng xuống. Nó nói: “Người ta phát hiện xác Dung ở gần bờ kênh. Hiện giờ công an huyện đang điều tra hiện trường, nghe nói, tính đem xác Dung đi để khám nghiệm gì đó.” Hưng chưa nói dứt câu, tôi đã giơ tay kéo nó dây, nói nhanh: “Đi, đi ra bờ kênh ngay”.
Rồi không đợi Hưng kịp có phản ứng gì, đã vội lôi nó đi. Vừa đi, tôi vừa hỏi: “Sao mày không ở lại hiện trường, coi công an làm việc. Gọi điện thoại cho tao được rồi”.Hưng đáp trong hơi thở gấp gáp: “Điện thoại tao đúng lúc hết pin. Không biết công an đưa xác Dung đi chưa.” Tôi nghe giọng nó càng lúc càng nhỏ, đoán chắc nó đang vô cùng đau lòng, nên cũng không biết nói gì. Bản thân tôi lúc này vẫn chưa tin là Dung đã chết, nên chỉ muốn đi thật nhanh ra bờ kênh.
Con kênh nằm sau lưng trang trại chúng tôi. Nghe nói nó được đào theo chính sách thủy lợi của tỉnh. Dọc theo con kênh là một lối mòn dẫn ra  ruộng. Bình thường rất vắng vẽ, chỉ khi vào vụ mùa mới đông. Bây giờ đang lúc mùa mưa, nhiều người đã bắt đầu  đi lại trên con đường này.
Tôi liếc nhìn xung quanh. Không gian dần tối hẳn. Tiếng ếch nhái kêu râm ran. Gó thổi xì xào như rên rĩ. Tôi chợt nghe ầm một tiếng, có tia sáng lóe lên, vẽ thành một lằn ngoằn ngoèo trên nền trời đen kịt. Hưng quay lại nhìn tôi: “Trời sắp mưa rồi”.
Tôi ừ, chân bước nhanh hơn. Con đường đất đỏ bazan lầy lội, nhiều đoạn trơn trượt, sình đọng thành vũng. Thường ngày tôi rất ít khi qua lối này, vì biết nó rất không dễ đi. Tiếng cỏ lau lay động bên đường tự dưng trở nên thê lương lạ.
Tôi và Hưng tới bờ kênh thì trời cũng bắt đầu mưa lắt rắt. Vẫn còn vài người đứng ở đó, tò mò, tọc mạch chuyện vừa xảy ra, mặc mưa đang tới, gió đang lên. Tôi nhìn thấy Tân, Phó Trưởng công an xã, tay đang cầm đèn măng – xông để hiện trường đủ ánh sáng. Chúng tôi dự tính lập nghiệp ở đây, nên vẫn thường xã giao với chính quyền địa phương, lẽ đương nhiên không thể bỏ qua các “đồng chí” công an. Vừa thấy tôi và Hưng đến, Tân đã nói: “Sao lâu vậy? Mấy anh trên huyện đã đưa xác cô Dung đi rồi.”
Trong đầu tôi thoáng chốc trở nên trống rỗng. Dung chết thật rồi sao? Bao nhiêu hi vọng về một sự nhầm lẫn chợt tan tành. Có nổi đau mơ hồ dấy lên, dàn dụa khắp thân thể. Tôi nghe cổ họng mình đắng nghét, lại như nghẹn lại; đầu óc choáng váng, cơ hồ đứng không vững. Khuôn mặt khả ái của Dung bất chợt hiện lên rõ ràng. Vòng mặt bầu bĩnh, mắt một mí nhưng rất to tròn, hay nheo lại mỗi lần nói chuyện với tôi, chiếc mũi thon, cái miệng nhỏ. Tôi biết, nước mắt mình đã rời khỏi tuyến lệ. “Anh không sao chứ?” Tân nắm chặt vai tôi, lắc mạnh.
Tôi giơ tay đập nhẹ vào đầu mình, như thể đây là cách để tự lấy lại bình tĩnh; cố hít một hơi thật sâu, không khí mang đầy hơi nước mát lạnh trôi tuột vào buồng phổi, giúp dây thần kinh trong đầu tôi dãn ra. Tôi liếc nhìn Hưng. Nó đang đứng bất động, mắt nhìn về phía lùm cỏ gần bờ kênh, tôi cũng nhìn theo. Rất có thể Dung đã nằm ở đó.
“Anh Tân có biết tại sao Dung bị như vậy không? Hồi trưa tôi còn gặp Dung. Dung rất khỏe mà !” Tôi hỏi Tân, mắt vẫn không rời lùm cỏ. Tân buông vai tôi ra, hạ giọng nói: “Bước đầu nghi ngờ cô Dung tự sát, nhưng phải đợi mấy anh điều tra cẩn thận. Cái này tôi chỉ nói anh nghe thôi.” Tôi quay lại nhìn Tân, Tân cũng nhìn tôi, gật nhẹ đầu. Tôi nhận ra trong ánh mắt của Tân, ẩn ước những tia sáng rất lạ. Không lẽ như thế thật? Dung tự sát ư? Không thể nào! Không thể nào!
Tân nói: “Trước mắt, một trong hai anh phải lên huyện, xem thử việc khám nghiệm tử thi tới đâu, rồi đưa xác cô Dung về an táng. À, anh báo với gia đình cô Dung chưa? Tôi nghĩ, anh phải tỉnh táo để lo mọi việc.” Phải, mình cần bình tĩnh. Bình tĩnh để lo mọi việc. Mưa đã bắt đầu nặng hạt. Tân quay lại nói với tôi: “Anh về sắp xếp rồi chạy lên xã. Tôi sẽ đưa anh đi !”
Tôi gật đầu, mắt liếc nhìn những giọt nước va vào ngọn cỏ lau, rồi văng ra tung tóe tạo thành những hạt thủy tinh li ti lặng lẽ lao mình trong không gian, trong lòng bất giác bùi ngùi. Mưa rớt lên mặt tôi mỗi lúc một nặng nề, nhưng thật lạ, cảm giác rát buốt lại như không hề tồn tại.
Cõi lòng tôi bổng trở nên trống rỗng một cách đáng sợ !
Tân giơ tay bóp chặt vào vai tôi lần nữa, rồi quay lưng bước đi, mang theo ánh sáng của cây đèn măng-xông. Không gian chìm trong bóng đêm dày đặc. Mưa đã khiến người tôi ướt sũng. Tôi kêu Hưng:“Về thôi. Về còn lo liệu mọi việc”.  Hưng ừ nhỏ, rồi quay người, cuối đầu bước đi. Đường tối thui, tôi phải vừa đi vừa dùng điện thoại di động soi đường. Gió vẫn thổi u…u; mưa vẫn rơi rã rít.
Tám giờ tối. Tôi có mặt tại xã, sau khi đã giao cho Hưng nhiệm vụ báo với mẹ Dung. Tôi thật không dám tưởng tượng, khi nghe hung tin này, bác Năm sẽ như thế nào. Chồng mất từ thời chiến tranh, một mình lầm lũi nuôi con. Bây giờ…  Nhưng sao Dung tự sát chứ? Dung vốn rất yêu đời, thường xuyên tâm sự với tôi. Thậm chí kể cả những chuyện rất tế nhị, như bồ bịch, trai gái.
“Anh dắt xe của anh gửi chỗ dân quân, tôi với anh đi một chiếc thôi”. Tiếng nói của Tân kéo tôi ra khỏi những luồng suy nghĩ chằn chịt. Tôi ừ rồi dắt xe đi. Lúc này mưa đã ngớt hạt. Tân chở tôi lên huyện, cách chỗ chúng tôi chừng hơn mười km. Vùng thôn quê, không một bóng đèn đường. Mùa mưa nên người ta thường đi ngủ sớm. Trời tối lại càng thêm tối. Dọc đường, tôi nói ra những suy nghĩ của mình cho Tân nghe. Không hiểu sao, tôi rất tin tưởng anh công an này. Tân im lặng, không có chút phản ứng gì, chỉ chăm chú lái xe. Con đường tuy đã được tráng nhựa, nhưng vẫn còn rất hẹp và ngoằn nghoèo, nếu chạy không cẩn thận, tai nạn xảy ra dễ như chơi; huống hồ chạy vào buối tối, lúc trời mưa gió như thế này. Có lẽ vì thế mà Tân không trả lời tôi.
Hơn ba mươi phút sau, tôi có mặt tại trụ sở công an huyện. Vẫn còn lác đác vài người ra vào. Ánh đèn trước sân vàng vọt, hiu hắt. Tân dắt tôi đi thẳng vào phòng trong để gặp Bảy, điều tra viên, người được phân công trực tiếp điều tra vụ việc của Dung. Bảy người dong dỏng cao, nước da ngâm đen, tóc quăn, thấy tôi và Tân bước vào phòng, y hỏi, giọng lạnh tanh: “Ai đây?” Tân vội đáp: “Đây là anh Tuấn, bạn thân của nạn nhân vừa chết lúc nảy. Tôi đưa anh Tuấn lên đây để giúp việc điều tra”. Bảy gật đầu, chỉ ghế và nói: “Anh ngồi đi.”
Tôi nhìn sắp hồ sơ để phía trước Bảy, có lộ ra vài tấm hình. Tôi đoán, rất có thể là hình của Dung được chụp tại hiện trường vụ án, nhưng lại không dám nhìn  kỹ. Có những cấm kỵ nơi “công môn”, tôi đành nén lòng, ngó lơ ra chỗ khác
Ánh đèn điện quang nhợt nhạt phảng phất như màu tang, không khí trong phòng ràng rụa khí âm u, lạnh lẽo.
Bảy lấy một tờ giấy trắng đặt lên xấp hồ sơ, tay phải cầm cây bút như chuẩn bị viết.
            Tôi biết, đã tới lúc làm việc, sửa lại tư thế, đồng thời hít một hơi thật sâu để giảm bớt hồi hộp (Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với công an về một vụ án quá nghiêm trọng liên quan đến mạng người như vậy).
Bảy khẽ tằng hắng một tiếng. Tân như biết ý, giơ tay khẽ vỗ vào vai tôi, rồi bước ra ngoài.
Tôi thấy mắt Bảy hơi đảo một vòng, như thể nhìn xung quanh, rồi ngó thẳng vào mặt tôi và nói: “Tôi được cấp trên phân công phụ trách vụ án này. Hiện tại, xác của nạn nhân Dung đã được đưa lên Bệnh viên đa khoa của Tỉnh để tiến hành khám nghiệm pháp y. Trước khi có kết quả trên đó gửi về, tôi muốn làm rõ một số vấn đề. Hi vọng anh hợp tác.”
Tôi “dạ” một tiếng, mắt trượt dài trên mặt bàn, nơi những tấm hình Dung nằm lộ ra khỏi hồ sơ. Không biết vô tình hay cố ý mà Bảy chẳng buồn xếp lại cho ngay ngắn.
Bảy hỏi: “Anh quen với nạn nhân như thế nào?” Tôi cũng đã lường trước sẽ “bị” hỏi câu này, nên vội tình thật mà trả lời. Bảy vừa nghe, vừa ghi ghi chép chép gì đó lên tờ giấy. Sau đó, Bảy hỏi tôi liên quan đến các mối quan hệ khác của Dung như cô ấy đã có bạn trai chưa, có thù hằn với ai không, gần đây có gặp phải chuyện gì buồn không, có bao giờ nói hoặc có những hành vi biểu hiện ý định tự tử không vâng vâng.
Tôi vừa trả lời, vừa để ý biểu hiện trên khuôn mặt Bảy. Tôi nhận ra, thi thoảng, ánh mắt y lại lóe lên những tia sáng kỳ lạ, đặc biệt khi tôi nhấn mạnh, Dung chưa bao giờ tỏ ý định tự tử, phảng phất như tia sáng trong ánh mắt của Tân lúc ở hiện trường.
Cuối cùng, sau một hồi trầm ngâm, Bảy hỏi tôi, giọng có vẻ nặng nề: “Trách nhiệm điều tra nhằm sáng tỏ vụ việc là thuộc về chúng tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hỏi anh, anh thấy cái chết của cô Dung như thế nào?”
Tôi nhìn Bảy, trong lòng dấy lên nổi hoang mang khó tả. Anh ta hỏi mình như thế là ý gì? Sao lại là “thấy thế nào” mà không phải là “có nghi ngờ không?” Không lẽ đúng như mình đã nghĩ?.
Thấy tôi im lặng, Bảy lại lên tiếng: “Không sao, anh nghĩ thế nào thì cứ nói thế ấy. Xem như mình trò chuyện vậy?”. Vừa nói, y vừa bỏ viết xuống, tỏ ý sẽ không ghi bất kỳ lời nói nào của tôi vào biên bản.
Tôi tự dưng có chút bối rối. Với Tân, tôi có thể nói hết suy nghĩ của mình, nhưng với “đồng chí” đối diện, tôi lại “kính nhi viễn chi”. Có lẽ, tự thân vụ việc của Dung khiến tôi càng nghĩ càng xa, không dám “phát biểu” lung tung.
Chợt, có tiếng chó gầm gừ ngoài cửa phòng, man dại, phẫn hận. Tôi đoán, ai đó đang đứng gần cửa phòng chọc nó; vì lúc nảy, khi tôi bước vào, con chó này vẫn còn nằm ngủ ngoài hành lang Trông nó ngủ rất say, tôi bước ngang mà chẳng thấy nó động đạy chút nào.
Tiếng gừ phảng phất nổi sợ hãi mờ mịt.
Không kìm được, tôi liếc về phía Bảy, phát hiện Bảy đang chầm chầm nhìn ra phía cửa. Ánh mắt y toát ra nét ngụy dị khó tả. Tôi cũng vội ngó theo. Ánh đèn ngoài hành lang hiu hắt, buồn bã. Không một bóng người.
Tiếng gừ một lúc rồi cũng im bặt.
Bảy đứng phắt dậy, không buồn nhìn tôi một cái, đã mang tập hồ sơ bước vào phòng trong, nối liền với phòng tôi đang ngồi bằng một cánh cửa kiếng, đặt ngay sau lưng Bảy.
Quái, tiếng chó vọng lại từ hành lang, đúng lý phải ra đó xem xét, sao lại vào trong nhỉ? Ừ, bên ngoài chắc chắn có bảo vệ, dân phòng, và các nhân viên khác trực đêm. Đây là trụ sở công an huyện mà. Có thể Bảy biết là ai, nên không ra ngoài xem.
Bảy đi rồi, còn mình tôi ở phòng làm việc với những suy nghĩ chẳng đâu vào đâu, chung qui vẫn quanh quẩn việc ra đi quá đột ngột của Dung. Nghĩ tới Dung, tôi không tài nào nén được, tiếng thở dài lại bàng bạc tuôn ra.
Cây quạt trần miệt mài trên không, tiếng kẽo kẹt mơ hồ như tiếng khóc.
Tôi bổng nghe lưng ơn ớn, luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống. Có cái gì rất không rõ ràng đang lượn lờ, sờ soạng tâm thế rối bời của tôi.
“Gừ…gừ”, con chó lại giận dữ ngoài cửa phòng, âm thanh lần này vô cùng điên tiết.
Nó  chuẩn bị cắn người ư?
Theo quán tính, tôi quay đầu lại. Ngay lập tức, cả người giật bắn lên. Ai đó đang đứng dựa vào thành cửa, lặng lẽ nhìn vào phòng. Tôi cố căn mắt, dù ánh đèn bên trong đủ soi tới nơi đó, nhưng chỉ nhìn thấy mờ mờ. Tôi đoán, đó là một phụ nữ, căn cứ vào mái tóc dài xõa xuống trước ngực, chiếc áo dài màu đen và cách nhìn đầy nét nhu mì. Có điều ánh mắt thật lạ, âm u, trống vắng, tựa như đang nhìn vào cõi nào vô tận.
 Bất giác, tôi rùng mình một cái, phát hiện gai ốc rùng rùng nổi lên, cảm giác rờn rợn bừng dậy một cách vô cớ. Trong đầu tôi giống có lửa, nóng bừng bừng; từng sợi dây thần kinh bị kéo căng, tim đập thình thịch. Tôi hít một hơi thật sâu, cố xua cái ý nghĩ kỳ quái vừa thoáng qua trong đầu, đồng thời nặn một nụ cười với người vừa tới. Nụ cười gượng gạo.
Không hiểu sao khi thấy tôi cười, bóng người đó lại giơ tay vẫy vẫy, như muốn ngoắc tôi ra. Tuy hơi bực mình với thái độ không “mấy lịch sự” này, nhưng tôi vẫn đứng lên, (vì sợ “đắc tội” với cán bộ), mắt nhìn vội về phía cửa phòng trong một cái, tự hỏi, không biết Bảy làm gì mà lâu quá, rồi nói: “Dạ, em đang chờ anh Bảy, vẫn chưa lấy lời khai xong.” Tôi nhận ra, giọng mình đang run lên.
Người vừa tới dường như không mấy bận tâm tới lời tôi nói, vẫn một mực ngoắc tôi ra mà không thèm nói lời nào.
Chẳng biết phải làm thế nào, tôi đành giơ tay kéo ghế. Chợt, tôi nghe tiếng kẹt. Thật may, đúng lúc này Bảy lại bước ra. Thái độ y kỳ dị, ánh mắt phát ra những tia sáng cơ hồ không thể có của một con người. Ánh mắt ấy lại rớt vào người tôi, mường tượng như một vết cứa. Tôi ấp úng: “Cô ấy kêu tôi ra…”. Vừa nói, tôi vừa đưa mắt vế phía cửa. Không có ai đứng đó, hành lang trống trơn, có gió thổi vào lành lạnh. Sao bỏ đi nhanh vậy, tôi ngạc nhiên.
“Mới vừa rồi còn đứng đây mà…”.  Tôi nói, nghe hơi thở mình dồn dập.
Bảy vẫn nhìn tôi theo cách cũ: “Không sao. Anh ký vào biên bản rồi có thể về.!”. Tôi nghe mà như trút được gánh nặng. Nhưng quái, giọng nói của y như lạc hẳn, không còn hùng hồn nữa, mà trái lại, đầy vẽ sợ sệt. Tôi để ý, lúc y đưa tờ biên bản cho tôi, những ngón tay của y run lên thấy rõ. Ký xong, chợt nhớ đến một chuyện, tôi hỏi : “Vậy khi nào tôi có thể lên nhận xác của Dung về”.
Bảy nói gấp: “Sáng mai, anh dắt mẹ cô Dung lên bệnh viện tỉnh nhận xác”. Chưa nói xong câu, Bảy đã vội bước ra khỏi phòng, hấp tấp một cách khó hiểu. Tôi cũng bước theo. Ra tới hành lang, chẳng có một bóng người, ngoại trừ Tân đang ngồi trên ghế đá cách đó không xa. Con chó lông vàng nằm im say ngủ.
Dọc đường về, tôi hỏi Tân về người đàn bà áo đen. Tân đáp với giọng khá ngạc nhiên: “Làm gì có đàn bà nào, khi nảy tôi ngồi ở hành lang gần cửa phòng anh Bảy, có thấy ai đâu. Ừ, tôi có nghe tiềng chó gừ một lúc, tưởng nó sủa anh!” Tôi lại hỏi: “Vậy anh có biết có ai là phụ nữ hơi lớn tuổi, thích mặc áo dài đen làm việc ở công an huyện mình không?”. Tân trả lời: “ Có thì có, nhưng là chuyện lâu rồi!”. “Vậy là sao?” “Lúc trước có cô điều tra viên giống như anh mô tả, nhưng bị tai nạn giao thông chết cách đây hai nằm rồi!” Tôi “à”một tiếng, tự nhiên thấy hồi họp một cách khó tả. Cảm giác rờn rợn lại về xâm chiếm. Không lẽ… mình hoa mắt. Chắc tại chuyện của Dung làm đầu óc mình không tỉnh táo cũng nên. Tôi cố lý giải để khỏa lấp một ý nghĩ kỳ dị khác.
Gió vẫn rì rầm. Về khuya, không gian vắng lặng như tờ.
Tôi dắt xe ra khỏi cổng công an xã, trong đầu vẫn hiện rõ bóng người đàn bà áo đen. Sao có thể là ảo giác được nhỉ? Bỏ qua, bỏ qua. Lo chuyện của Dung mới quan trọng. Tôi đạp máy, rồ ga lao đi. Tiếng động cơ làm tôi an tâm một chút, không biết giờ này thằng Hưng đang làm gì nhỉ. Trời mưa, đường lầy lội, có đoạn nước đọng khá sâu, phải căn mắt ra nhìn. Nhưng rốt cuộc, điều tôi không mong muốn nhất lại xảy ra. Chạy đâu không chạy, lại lủi vào đám lầy, đã vậy, xe còn tắt máy. Xui gì đâu!.
Tôi loay hoay đạp mấy lượt, không nổ, đành xuống xe dắt bộ. Hai chân chìm dưới vũng sình, cảm giác nhờn nhợn xông lên tận óc. Không còn tiếng động cơ, ánh sáng cũng tắt, sự tĩnh mịch lại trở về. Lúc này tôi mới ý thức, xung quanh, ngoài cỏ cây um tùm, chỉ còn lại tôi với tôi. Gió rên rĩ, nghe như người khóc giữa đêm khuya. Tôi cố gạt ra đầu những suy nghĩ vớ vẩn, khốn nổi, không hẹn mà nó cứ ùng ục kéo về, khiến sống lưng ớn lạnh.
Tôi chợt rùng mình, hình như lẫn vào trong gió có tiếng thở dài, không biết từ đâu vọng lại, tựa hồ trãi rộng đến vô tận. Tiếng thở dài quen thuộc, nhưng lại không nhớ đã nghe được lúc nào. Tôi lấy hết can đảm để dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng. Rõ ràng là có ai đó ở gần đây, không lẽ đang núp trong bụi cây. Trời tối như thế, núp trong đó làm gì. Ăn cướp? Chỉ nghĩ tới hai chữ này, tim tôi đã đập thình thịch, không ngừng nguyền rủa chiếc xe khốn kiếp, lựa ngay lúc này chết máy. Tôi cố bước thật nhanh. Quái, sao chiếc xe nặng dữ vậy, đẩy cỡ nào cũng chỉ nhúc nhích một chút, tựa hồ có ai đó phía sau níu lại. Không kìm được, tôi quay ra phía sau. Vắng tanh.
Tôi hít sâu một hơi, tập trung tinh thần để không nghĩ gì cả, ra sức đẩy xe. Tiếng thở dài lại lan đến tai tôi, lần này vô cùng rõ ràng. Nó quen thuộc, quen thuộc quá. Mình đã nghe ở đâu rồi? Bất giác, cả người tôi run lên, gai ốc nổi đầy. Có nhiều chuyện, trong phút chốc chợt hiện rõ trong đầu.
Lần đó, sau một ngày lăng xăng hướng dẫn công nhân phối giống cho bò, tôi rốt cuộc cũng tìm cho mình được một chỗ ngồi, ngay ở gốc tiêu. Chợt, có tiếng lá vỡ. Dung xuất hiện trước mặt tôi, ánh mắt phảng phất nét gì rất lạ. Tôi hỏi: “Không phải Dung với Hưng ra huyện hỏi mua phân sao, về sớm vậy?” “Mua xong rồi!”. Dung đáp, giọng có chút mệt mõi. Tôi nghĩ, phơi nắng cả ngày người sắt cũng chảy, nên nép qua một bên, nói nhỏ: “Mệt lắm hả? Ngồi đi. Ủa, Hưng đâu rồi?”. “Trong văn  phòng”. Dung đáp, rồi lặng lẽ ngồi kế bên tôi. Mùi hương con gái hòa trong mùi mồ hôi khiến tôi có chút bối rối. Dung lại có vẻ không mấy để ý. Tôi thấy cô giơ tay lượm chiếc lá vàng rơi trước mặt, ánh mắt ngó đâu đó xa xăm, bèn hỏi: “Sao vậy? Có gì không vui hả? Nói ra để cùng giải quyết đi!” Dung thở dài. “Chà chà, xem ra cô Dung nhà mình tâm sự trùng trùng. Có gì, nói ra để chuyên gia này tư vấn cho!”. Thường ngày, khi nghe tôi nói đến bốn chữ “cô Dung nhà mình”, Dung đã giơ tay che miệng cười khúc khích, lần này trái lại, chẳng có phản ứng gì. À mà có, lại thở dài tiếp. Tôi đoán, chắc có chuyện xảy ra nên Dung mới như vậy, bèn tằng hắng một tiếng, rồi nói: “Có chuyện gì vậy Dung? Nói đi! Đừng thở dài nữa, mau già lắm đó!”.
Dung tiện tay quăng chiếc lá ra xa, đầu hơi quay lại, có vẻ muốn nhìn tôi, nhưng ánh mắt vội rớt xuống đất, giọng ấp úng: “Ba đứa mình chơi thân từ nhỏ, lớn lên lại cùng nhau lập nghiệp tại nơi hẻo lánh này, thật sự không dễ gì có được. Dung rất trân quý tình bạn này”. Tôi cười, trong lòng có chút thắc mắc. Cô này vòng vo như thế, hẳn sắp tuyên bố điều gì “hệ trọng”. Quả thật, sau một thoáng ngần ngừ, Dung đã tiếp: “Ý Dung muốn nói, không biết Hưng có tâm sự gì với anh về Dung không?”. Tôi chưng hửng, lại liên quan đến Hưng sao, “Không. Đâu nghe nó nói gì! Dung có thể nói rõ hơn một chút được không?” Dung thở ra, tôi đoán cô hơi căng thẳng: “Thât ra, hôm nay Dung với Hưng ra huyện mua phân. Lúc dừng lại dọc đường uống nước, Hưng tự nhiên tâm sự rất nhiều. Hưng muốn…phát triển quan hệ với Dung”. Tôi “à” một tiếng rõ lớn, cười khẽ “Vậy, Dung nghĩ sao?” Dung lại thờ dài, lần này thậm thượt đến ảm đạm: “Dung trước giờ chỉ nghĩ Hưng như một người bạn thân. Chưa từng nghĩ sẽ phát triển gì đó”. Tôi hỏi: “Dung đã nói những lời này với Hưng chưa?.” Dung lắc đầu: “Dung không biết nói sao. Nếu nói trắng ra, Hưng sẽ buồn, e rằng tình bạn này cũng mất luôn. Nhưng để kéo dài thì thật không tốt chút nào!”. Tôi gât gù, đúng là khó xử quá.
Sau lần đó, không nghe Dung nhắc tới nữa. Chắc đã tự giải quyết được rồi, nên tôi cũng quên luôn. Bây giờ, trời ơi, đúng là tiếng thở dài này. Không phải linh vậy chứ! Tôi nghe cả người lẫy bẫy run lên không sao kìm giữ được. Hình ảnh người đàn bà áo đen vụt lóe lên khiến lông tóc tôi dựng đứng. Không lẽ, trên đời thật sự có… ma. Khoa học đâu, Tôn giáo đâu. Tôi cố nghĩ thật nhiều về chuyện tiền nong và đi thật nhanh. Thình lình, tôi thấy sau gáy lành lạnh, dường như có “người” đang dùng miệng thổi vào. Tôi cảm nhận tóc mình đang lay động. Chắc là gió, đừng tự nhát mình. Không sao, gần về tới văn phòng rồi. Tôi thì thầm trong miệng.
Tôi ra sức vừa đẩy xe vừa bước đi, đầu óc bất giác trở nên mơ hồ. Bên tai, tiếng thở dài vẫn cứ không ngừng vang lên, mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một gần. Chợt, có tia sáng lóe lên trước mắt, tôi như người bước ra từ cõi mộng, giật mình thức giấc.
Gió vẫn khóc than. Không gian vẫn đầy giọt tối.
Tiếng thở dài đã ngưng bặt.
           Tôi rốt lại vẫn chưa về tới văn phòng.
           Đây là đâu? Sao mình lại có thể đi tới đây nhỉ? Sau một hồi trấn tĩnh bản thân, tôi liếc mắt nhìn xung quanh. Cỏ cây um tùm, lối nhỏ lầy lội. Con đường này hình như dẫn ra phía bờ kênh mà! “Bờ kênh”, tôi giật thót mình. Dung đã chết ở đó. Không lẽ Dung cố tình dắt mình tới chỗ hiện trường vụ án. Tôi chợt nhớ câu “ma đưa lối quỹ dẫn đường” mà hai chân muốn sụm.
              Tôi biết, đi thêm chút nữa sẽ ra tới bờ kênh, nhưng không còn chút can đảm nào để bước tiếp. Hình như có ánh sánh lấp ló ở phía trước. Không sai rồi. May quá, có người.  Tôi không kịp suy nghĩ, bước vội về phía trước. “Ầm…ầm”, thần sấm sét lại nện xuống trần gian thứ âm thanh chát chúa, bầu trời bị xé toạt làm hai. Gió ù ù, mưa lắt rắt. Quái, sao lần nào tới đây trời cũng mưa.
              Có bóng người đang đứng bất động gần bờ kênh. Ánh sáng phát ra từ cây đèn pin đang nằm lăn dưới đât. Bóng người quen thuộc, tôi vừa nhìn đã nhận ra ngay là ai! Có lẽ vì tiếng gió và mưa khiến người đó không phát hiện ra sự xuất hiện của tôi.
              Tôi tính há miệng kêu, nhưng không hiểu sao lai bỏ qua ý định đó; trong đầu tự nhiên nổi lên vố số thắc mắc, sao thằng này lại ra đây vào lúc này. Nhìn dáng nó, chắc đã đứng khá lâu. Áo mưa không thèm mặc, đèn pin quẳng dưới đất. Không lẽ nó thật sự rất yêu Dung sao? Chuyện tụi nó giải quyết rồi mà. À, tình cảm quả rất khó nói!
            Chợt, tôi thấy bóng người đó rung lên, thân hình lắc lư rồi ngồi sụp xuống, giống như mọi sức lực đều trôi đi đâu mất. Tôi gạt chống xe tính bước tới, bổng nghe người đó nói trong tức tưởi: “Dung ơi, anh không muốn vậy đâu, không muốn giết em đâu! Sao em lại đối xử với anh như vậy. Anh yêu em lắm mà!”.Trong khoảng khắc, tôi nghe cả người chết lặng, tựa hồ muôn ngàn âm thanh rùng rục không ngừng trút vào lỗ tai, khiến đầu óc bưng bưng. Vậy là sao?  Vậy là sao? Tôi hét lên: “Mày vừa nói cái gì?”.
               Bóng người đó như bị ai dùng điện chích vào người, giật bắn một cái; ngay lậy tức quay đầu lại nhìn, ánh mắt đầy vẻ hoảng hốt. Tôi cơ hồ không còn kìm chế được bản thân, gào đến khàn cả cổ: “Mày đã giết Dung. Dung không phải tự sát. Mày đã giết Dung. Tại sao mày làm như vậy hả Hưng?” Hưng ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm mặt, miệng lảm nhảm: “Tao không muốn, Tao không muốn đâu!”
           Tôi lấy di động gọi cho Tân, Hưng không hề phản ứng gì.
.           Nghe nói, sau nhiều lần bảy tỏ đều bị Dung từ chối, Hưng uất hận trong lòng, bèn hẹn Dung ra bờ Kênh, đập ngất xỉu rồi đổ thuốc trừ sâu vào miệng cô ấy, lại dàn cảnh như cô ấy tự sát, nhầm làm lạc hướng điều tra của công an.
            Một tuần sau.
             Chiều. Tôi ra nghĩa trang thăm Dung. Di ảnh của cô được ốp trên mộ chí, miệng cười tươi rối. Bất giác, cõi lòng tôi héo hắt đến lạ. Nhìn khói hương lan trong không gian đầy bóng chiều tà, tự dưng tôi ước, nghe được tiếng thở dài của cô lần nữa.
            Trong cõi mờ mịt có ai biết xảy ra chuyện gì?
            Bất giác, tôi nghe một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống. Có phải Dung đang về đấy chăng?!
Đằng Hương
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.05.2010 11:36:12 bởi Lệ Kiên >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9