Đaghextan của tôi
Leo* 06.05.2010 13:31:46 (permalink)

 
 



Raxun Gamzatốp
Đaghextan của tôi



Quyển I

In theo bản dịch của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội.

Người dịch: Phan Hồng Giang (phần thơ do Bằng Việt dịch)
Người biên tập: Bùi Văn Hoà

Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Cầu vồng, 1984


Nói về Raxun Gamzatốp có nghĩa là nói về Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Kapkazơ, nơi có 36 dân tộc đang chung sống, trong đó có dân tộc Avar. Raxun Gamzatốp là người Avar. Thêm nữa: nói về Raxun Gamzatốp có nghĩa là nói về thơ ca, nói tới những trang ghi thêm vào thơ ca của Raxun Gamzatốp, một trong những nhà thơ Đaghextan nổi tiếng nhất, tác giả của hàng chục cuốn thơ, trong đó có "Thơ bát cú" Gamzatốp rất xuất sắc, vì nó là sự tái tạo thể thơ cổ vốn có sức quyến rũ tâm hồn và nhạc cảm. Nói về Raxun Gamzatốp cũng tức là nói tới Gamzát Xađax, người đã làm rất nhiều cho việc giữ gìn và phát triển nền văn hoá dân gian của dân tộc Avar. Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu từ đó. Nếu như lướt qua cuốn Từ điển Bách khoa Liên Xô chúng ta sẽ đọc được những dòng: "Xađax Gamzát (1877 - 1951) nhà thơ xô-viết người Avar, nhà thơ nhân dân của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô-viết Đaghextan (1934). Ông là cha của Raxun Gamzatốp..." Vâng, rõ ràng điều đó có nhiều ý nghĩa - ra đời trong gia đình một nhà thơ lớn, người đã đi vào lịch sử phát triển tinh thần của dân tộc mình. Điều đó cũng buộc Raxun phải nghĩ tới nhiều thứ. Và vấn đề không chỉ ở chỗ Raxun là con trai của Gamzát, viết văn từ rất sớm, năm 14 tuổi đã được in. Cần phải tìm cho ra con đường của mình, cũng như bản thân mình trong nghệ thuật; thế mà điều này lại rất không đơn giản, khi bên cạnh anh là một tài năng lớn, khi tên tuổi cha anh đầy ý nghĩa đối với dân tộc anh vừa soi sáng vừa động viên anh. Raxun đã lớn lên trên chiếc cây gia tộc mình như là một nhánh vững chãi, đáng tin, đẹp đẽ, một nhánh cây đã đâm hoa kết trái làm sống lại dòng nhựa của rễ cây bền vững lâu đời. Hôm nay đây Raxun Gamzatốp - cũng như cha ông - là nhà thơ nhân dân Đaghextan. Ông là thành viên của Chính phủ, đại biểu Xô-viết tối cao Liên Xô, người được Giải thưởng Lênin. Và thêm nữa, ông được mọi người yêu mến. Là người được độc giả và thính giả yêu mến, Raxun Gamzatốp thường phát biểu, tiếp xúc với một cử toạ rộng lớn và đa dạng. Ông là người được dân tộc mình, được vùng núi Kapkazơ và tất cả đất nước xô-viết yêu mến. Do đó khi Raxun viết xong cuốn văn xuôi này cũng đã gây nên được một sự quan tâm và hiếu kỳ to lớn. Qua những nhận xét đầu tiên người ta thấy rõ ràng cuốn sách đã thành công...

Chúng ta cần kể về điều đó, bởi vì độc giả trong tương lai nhất định cần biết Raxun Gamzatốp, con người yêu đời vĩ đại đó, người biết mừng vui vì cuộc sống, biết thưởng thức cuộc sống và chính bản thân mang cho cuộc sống ánh sáng và niềm vui, con người ấy là ai vậy. Song kể về cuốn sách "Đaghextan của tôi" khó khăn hơn là kể tóm tắt về tác giả của nó. Bởi vì đây không phải là tiểu thuyết, cũng không phải truyện vừa, đây không phải ký sự cũng không phải tư liệu. Đây là tác phẩm văn xuôi vượt ra ngoài định nghĩa và biến thể của loại hình văn học. Nó rất tự do và theo nghĩa ấy có thể ví nó như con chim bay và từ trên cao thấy rõ như trong lòng bàn tay, những núi non, khe vực thân thuộc, những làng mạc và phố phường, những nhà cửa và chợ búa, những con chim ưng và những con dê, niềm vui và nỗi lo lắng, quá khứ và, có lẽ, cả tương lai. Nhìn chung nó là cuốn sách tự truyện chỉ có điều đó là tiểu sử nhiều cốt truyện, nhiều giọng nói: tiểu sử của nhà thơ, tiểu sử làng bản thân thuộc và tiểu sử dân tộc... Cuốn tiểu sử tự thuật nhiều thành phần này lại giàu chất thơ và rất chân thành. Nó đậm sắc trữ tình, nó được sưởi ấm bởi sự hài hước nhẹ nhàng, nó được chiếu sáng bởi sự láu lỉnh - cái láu lỉnh tinh nghịch dí dỏm - chẳng khác nào trong chiếc tráp cổ kính không chỉ có một đáy mà trong mỗi đáy, lại còn chứa những điều bí mật của nó. Raxun Gamzatốp biết sử dụng khéo léo ngôn ngữ huyền diệu của dân gian giàu nhạc điệu và đầy màu sắc, đồng thời biết hoà trộn bất ngờ các sắc điệu văn phong rồi nói lên bằng ngôn ngữ tươi mới và phóng khoáng của người đương thời.


Cốt lõi của cuốn sách vẫn là phương pháp văn học hết sức giản dị. Dường như Raxun Gamzatốp xin ý kiến độc giả và viết lời tựa cho cuồn sách tương lai của mình. Ông suy nghĩ kỹ càng về cuốn sách ấy, thấy khoái cảm vì nó, ông như quên đi những âm điệu khác nhau và những kiến giải cùng chiều, ông nhớ lại, ông suy ngẫm, ông trò chuyện với độc giả, với những người quen, với những người thân thuộc và người cùng làng. Ông cho chúng ta biết một lượng thông tin thú vị nhất về Kapkazơ, về Thơ ca, về Cuộc sống, về Con người, về Lịch sử. Tác phẩm được thêm vào nhiều truyện vừa mà mỗi truyện ấy cũng có thể thành một tác phẩm riêng. Đây đó trong tác phẩm ông tung ra nhiều câu tục ngữ, ngạn ngữ, ông kể những chuyện vui và cả những chuyện buồn đã xảy ra với chính tác giả, với bạn bè ông hoặc nó còn được giữ lại từ lâu trong ký ức của nhân dân. Tác giả không sợ phải ngắt mạch truyện của mình bằng một cốt truyện khác, ông như đi lạc đề hoặc đùa vui, hoặc kể những chuyện hoàn toàn buồn - nói gọn lại, ông đã đối xử với bạn đọc như với người đối thoại tự do, sinh động, nghiêm túc và thông minh sắc sảo. Do đó ngay trong văn bản cuốn sách đôi hi không biết vì sao đó có vẻ là lạ như thể không phải là văn viết: nó có nhiều kiểu chữ khác, nhiều đoạn ngắt quãng, nhiều chỗ tách ra cứ như nó giữ lại trong bản thân dấu vết của thứ khẩu ngữ lộn xộn. Chính sự phá vỡ đó của hình thức nghệ thuật cuốn sách đã đảm bảo cho dung lượng hết sức lớn của nó. Cuốn sách của Raxun Gamzatốp không chỉ là lời tự thú của tâm hồn nhà thơ, nó còn là một cuốn bách khoa thật sự về cuộc sống của dân tộc Avar. Có lần chính Gamzatốp đã viết về bản thân mình như thế này: "Cha tôi gọi tên tôi là Raxun - mà theo tiếng Arập thì từ ấy có nghĩa là người đại diện. Hạnh phúc thay cho nhà thơ nào được độc giả nói về ông ta như thế này: đó là người đại diện của chúng tôi, người đại diện của nước chúng tôi, của nền thơ ca chúng tôi. Ở đây tôi không thể nói rằng tôi xứng đáng với tên của mình. Song bao giờ tôi cũng mong muốn được như thế. Tôi sống ở thủ đô nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, tại thành phố Makhátkala trên phố Macxim Gorki. Nhà 15. Khi các bạn tới vùng chúng tôi xin mời các bạn ghé chơi nhà tôi. Lời chúc mừng yêu thích nhất của tôi là: chúc cho những người tốt sẽ gặp những điều tốt đẹp, mong cho kẻ xấu sẽ gặp những điều xấu xa. Dù rằng điều đó thường xẩy ra ngược lại."


Abutalíp nói:

Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục,
thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.

Ai qua đường nếu chẳng đỗ vào nhà tôi
Thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà anh
sấm rền mưa đá!
Nhưng nếu khách không vui vì lều tôi
không rộng mở
Thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà tôi
mưa đá sấm rền!

Lời ghi trên cửa
Text



#1
    Leo* 06.05.2010 13:34:00 (permalink)
     
    THẾ VÀO LỜI BẠT
    VỀ LỜI BẠT NÓI CHUNG



    Tôi nghĩ rằng chính Đức Allah trước khi kể lại với đám hầu cận của mình một câu chuyện lý thú nào đấy, hay trước khi ban phát một lời giáo lý nào đấy, thì thoạt tiên cũng châm thuốc hút, chậm rãi hít một hơi thật dài và ngẫm nghĩ.

    Máy bay trước khi cất cánh, rồ máy rất lâu, sau đó người ta kéo nó ngang qua sân bay để ra đường băng, tiếp đấy nó rồ máy ầm ĩ hơn, từ từ chạy và chỉ sau khi làm xong những việc đó, nó mới bay lên không trung.

    Máy bay trực thăng không cần chạy một đoạn, nhưng nó cũng rồ máy rất lâu, gầm rít, toàn thân rung lên một cách căng thẳng, trước khi rời khỏi mặt đất.

    Chỉ có chim ưng trên núi từ vách đá lao thẳng vào bầu trời xanh thẳm, nhẹ nhàng lượn lên cao mãi, cao mãi cho đến khi biến thành cái chấm nhỏ xíu dần mất hút trên nền trời.

    Mọi cuốn sách hay đều cần phải mở đầu như vậy, không cần viện đến lời rào đón trước sau dài dòng, không cần đến lời nói đầu buồn tẻ. Bởi vì nếu có con bò lớn chạy ngang qua mà anh không kịp túm lấy sừng giữ nó lại thì anh sẽ không thể nắm đuôi mà giữ nó được nữa.

    Một ca sĩ cầm lấy cây đàn panđur*. Tôi biết rằng ca sĩ có giọng hát khá hay, vậy thì việc gì anh ta lại phải "bật bông" lâu thế, nhạt nhẽo thế trước khi cất giọng hát? Cũng có thể nói như vậy về bản báo cáo đọc trước buổi liên hoan văn nghệ, về bài nói chuyện trước khi vở kịch sắp mở màn, về những lời giáo huấn tẻ ngắt mà bố vợ thết đãi chàng rể khi lẽ ra là nên mời ngay vào bàn tiệc và rót rượu ra cốc.

    ===================================================
    * Cây đàn dây, nhạc cụ dân tộc ở miền Đaghextan. (ND.)
    ===================================================

    Một lần, có mấy chàng hiệp sĩ khoe với nhau về thanh gươm của mình. Họ nói rằng những thanh gươm ấy được làm bằng thứ thép tốt như thế nào, những câu thơ tuyệt với nào trích từ cuốn kinh Hồi giáo đã được khắc lên gươm. Trong số những chàng hiệp sĩ đó có Khátgi-Murát, người tù trưởng của Samin. Chàng nói:

    - Sao các người lại tranh cãi với nhau dưới bóng mát cây ngô đồng? Sáng sớm mai sẽ diễn ra một trận chiến đấu, và lúc ấy chính lưỡi gươm của các người sẽ chứng tỏ cái nào là tốt nhất.

    N h ư n g t u y v ậ y, tôi nghĩ rằng Đức Allah vẫn chậm rãi hút thuốc trước khi bắt đầu câu chuyện kể của mình.

    N h ư n g t u y v ậ y, ở vùng núi chúng tôi, vẫn có phong tục là kỵ sĩ không nhảy lên yên ngựa bên cạnh ngưỡng cửa của mình. Anh ta cần phải dắt ngựa ra khỏi bản. Cần làm như vậy chắc là để một lần nữa suy nghĩ xem anh đã để lại đây những gì và những gì sẽ đến với anh trên đường đi. Dù công việc thúc bách đến đâu, anh vẫn tư lự, chậm rãi cầm dây cương dắt ngựa qua bản để rồi sau đó, khẽ chạm chân vào bàn đạp, anh nhảy phắt lên yên, cúi rạp mình xuống và nhòa dần vào trong đám bụi đường.

    Đấy, tôi cũng vậy, trước khi nhảy lên yên cuốn sách của tôi, tôi cũng chậm chạp bước đi với vẻ đăm chiêu. Tôi cầm dây cương ngựa và đi bên cạnh nó. Tôi đang nghĩ ngợi. Tôi không vội nói thành lời.

    Lời nói lúng búng không phải chỉ ở trong miệng người có tật nói lắp, mà còn cả trong miệng người đang cố tìm một lời nào thích hợp nhất, cần thiết nhất, sâu sắc nhất. Tôi không hy vọng làm ai ngạc nhiên về sự sâu sắc, uyên thâm, nhưng tôi cũng không phải người nói lắp. Tôi đi tìm lời nói cần thiết.

    A b u t a l í p n ó i : Lời bạt một cuốn sách chính là cái cọng rơm mà người đàn bà miền núi mê tín ngậm ở răng khi vá áo choàng ấm cho chồng. Bởi vì nếu lúc ấy không ngậm một cọng rơm thì tương truyền rằng chiếc áo choàng sẽ biến thành tấm áo liệm.

    A b u t a l í p c ò n n ó i : Tôi giống như một người mò mẫm trong màn đêm tìm cửa để vào, hoặc là giống người đã sờ thấy cửa, nhưng còn chưa biết là có thể vào hay không. Anh ta gõ cửa: cốc-cốc, cốc-cốc.

    - E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định luộc thịt thì đến giờ dậy rồi!

    - E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định giã lúa mạch, thì cứ ngủ cho khỏe nhé, không việc gì phải vội cả.

    - E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định uống buza*, thì đừng quên mời hàng xóm nghen!

    ===================================================
    * Buza: một loại giải khát có men làm bằng kê, kiều mạch và đại mạch. (ND.)
    ===================================================

    Cốc-cốc, cốc-cốc.

    - Này, thế thì tớ nên vào hay các người không cần đến tớ?

    Con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm để học cách im lặng.

    Tôi không phải hai tuổi và cũng không phải sáu mươi. Tôi đang ở giữa độ đường. Tuy nhiên, có lẽ tôi gần điểm sau hơn, vì lời chưa nói tôi quý hơn tất cả những lời nói rồi.

    Cuốn sách chưa viết tôi quý hơn tất cả những cuốn sách đã viết. Cuốn sách ấy là quý nhất, thân thiết nhất, khó khăn nhất.

    Cuốn sách mới là một cái động mà tôi chưa từng bước vào, nhưng cái động đó đã mở ra trước mắt tôi, mời chào tôi bước vào khoảng sâu thẳm mờ sương. Cuốn sách mới là con ngựa tôi chưa từng thắng yên cương, là con dao găm tôi chưa từng rút ra khỏi bao.

    Người vùng núi nói rằng: "Không cần thì đừng rút dao ra. Nếu đã rút rồi thì hãy đâm! Đâm một nhát thôi mà giết được cả kẻ thù lẫn ngựa".

    Họ nói đúng lắm!

    N h ư n g t u y v ậ y , trước khi rút dao găm ra khỏi bao, anh cần phải biết chắc chắn xem nó có được mài nhọn không.

    Cuốn sách của ta, đã bao năm nay ngươi sống trong lòng ta! Ngươi là người đàn bà, người tình say đắm mà ta chỉ trông thấy từ xa, ta mơ tưởng tới, mà không sao tới gần được.

    Đôi lúc tưởng rằng nàng đã đứng gần đâu đây ngay bên cạnh - chỉ cần với tay ra là tới, nhưng ta rụt rè, bối rồi, ta đỏ mặt và lùi xa.

    Nhưng bây giờ thì - chấm dứt. Ta mạnh dạn bước lại gần và cầm tay nàng. Từ một chàng trai rụt rè yêu đương, ta biến thành một người đàn ông táo bạo, từng trải. Tôi thắng yên cương vào ngựa, quất nó ba roi - mặc cho nó lao lên.

    N h ư n g t u y v ậ y , thoạt tiên tôi rắc thuốc là trồng trong vườn nhà miền núi lên miếng giấy nhỏ vuông vức, rồi từ từ cuốn lại thành điếu thuốc. Nếu tôi cuốn lại thật đều, thật mịn, thì khi hút sẽ thú vị biết bao!


    #2
      Leo* 06.05.2010 13:38:08 (permalink)
      Cuốn sách của ta, trước khi ta bắt đầu viết, ta muốn kể rằng ngươi đã chín dần trong ta thế nào. Ta tìm được tên đặt cho ngươi thế nào. Vì lẽ gì mà ta viết. Và đâu là những đích tới trong cuộc đời ta.

      Tôi để khách xuống bếp, nơi đang pha những tảng thịt cừu và ở đấy không phải đang có mùi thịt nướng bốc lên, mà là mùi máu, mùi thịt, mùi da cừu còn đang ấm nóng.

      Tôi dẫn bạn bè vào căn phòng làm việc thân thiết, nơi những bản thảo của tôi đang để ở đấy, và tôi cho phép họ lục lọi.

      M ặ c d ầ u b ố t ô i n ó i: Người lục lọi bản thảo của kẻ khác cũng giống như người lục lọi túi áo kẻ khác.

      B ố t ô i c ò n n ó i: Lời bạt gợi cho ta hình ảnh một người lưng rộng bè bè, trên đầu lại đội thêm cái mũ to sù sù ngồi chắn trước ta trong rạp hát. Nếu anh ta ngồi yên, không ngả sang phải, sang trái thì còn đỡ. Người ngồi trước như thế sẽ đem lại cho tôi, một khán giả, nhiều điều rất bất tiện và cuối cùng sẽ làm tôi bực tức.

      R ú t t r o n g s ổ t a y: Nhiều lần tôi có dịp phát biểu trong các buổi dạ hội thơ ca ở Matxcơva hoặc ở các thành phố của nước Nga. Những người đến dự không biết tiếng Avar*. Thoạt tiên tôi tự kể đôi nét về mình bằng một thứ tiếng Nga chưa được sõi lắm. Sau đó các bạn nhà thơ Nga đọc bản dịch những bài thơ của tôi. Nhưng thường là trước khi bắt đầu, người ta yêu cầu tôi đọc một bài thơ bằng tiếng mẹ đẻ: "Chúng tôi muốn được nghe nhạc điệu của ngôn ngữ Avar, nhạc điệu của bài thơ". Tôi cất giọng đọc, tôi đọc chẳng khác gì tiếng "bật bông" trên cây đàn panđur trước khi ca sĩ hát.

      ======================================
      * Avar: một dân tộc ở nước cộng hoà tự trị Đaghextan (miền núi Kapkazơ) - ND.
      ======================================

      Lời bạt một cuốn sách cũng như thế chăng?

      R ú t t r o n g s ổ t a y. Khi tôi theo học đại học ở Matxcơva bố tôi gửi tiền cho tôi để mua bành tô mùa đông. Nhưng kết quả là tiền tôi tiêu hết mà bành tô thì không mua. Đến kỳ nghỉ đông, tôi về Đaghextan với bộ đồ đã mặc khi rời đó đi Matxcơva dạo hè.

      Về đến nhà tôi bắt đầu phân bua với bố, bịa ra đủ thứ chuyện, chuyện sau ngô nghê hơn chuyện trước. hi thấy tôi đã hết phương biện bạch, bố tôi mới ngắt lời:

      - Thôi không nói nữa, Raxun. Bố muốn hỏi con hai câu.
      - Bố hỏi đi.
      - Mua bành tô chưa?
      - Con chưa mua.
      - Tiền tiêu hết chưa?
      - Con tiêu hết rồi.
      - Thế đấy, bây giờ thì rõ tất cả rồi. Việc gì con phải tuôn ra lắm lời vô ích như thế, việc gì mà phải sáng tác ra cả một đoạn mào đầu dài dòng như vậy, nếu thực chất của sự việc chỉ thể hiện trong đôi ba chữ?

      Bố tôi đã dạy tôi như thế.

      T u y n h i ê n, đứa bé mới ra đời không thể biết nói ngay. Trước khi biết nói, nó phải bập bẹ những tiếng gì không rõ. Và có khi nó khóc vì bị đau mà đến mẹ đẻ cũng khó lòng biết được nó đau chỗ nào.

      Nhưng lẽ nào tâm hồn thi sĩ lại không giống tâm hồn trẻ thơ?

      B ố t ô i n ó i: Khi người ta chờ đàn cừu đi ăn trên núi về thì thoạt tiên họ thấy sừng con dê bao giờ cũng đi đàng trước, tiếp đó thấy cả con dê, sau nữa mới thấy đàn cừu.

      Khi người ta chờ đợi nghi lễ đám cưới hay đám tang bắt đầu thì thoạt tiên họ nhìn thấy người cấp báo.

      Khi người ta chờ người cấp báo vào làng thì thoạt tiên họ nhìn thấy đám bụi mù, sau đó là ngựa và cuối cùng là người kỵ sĩ ấy.

      Khi người ta chờ người thợ săn trở về thì thoạt tiên họ nhìn thấy con chó của người thợ săn.
      #3
        Leo* 06.05.2010 13:40:51 (permalink)
         

        CUỐN SÁCH NÀY ĐÃ RA ĐỜI THẾ NÀO
        VÀ NÓ ĐÃ ĐƯỢC VIẾT Ở ĐÂU



        Cả những đứa trẻ cũng từng
        gặp những giấc mơ lớn
        Lời ghi trên nôi

        Vũ khí chỉ dùng đến một lần,
        cần phải mang theo suốt đời.
        Bài thơ mà anh sẽ ngâm nga suốt đời
        chỉ viết trong một lần.

        Có một con chim mùa xuân bay lượn trên làng bản khi xuân sang. Nó đang nghĩ xem nên nghỉ ngơi ở đâu. Nó chợt nhìn thấy một mái nhà bằng phẳng, rộng rãi, sạch sẽ. Trên mái nhà là một cái sân nhỏ bằng đá. Từ khoảng không, con chim hạ tháp xuống và đậu trên sân nhỏ nghỉ ngơi. Người đàn bà miền núi đã nhanh tay tóm được chú chim và mang nó vào trong nhà. Nó nhận thấy mọi người trong nhà đều đối xử tốt với nó, và nó ở lại luôn tại đấy. Nó tự kết tổ trên cái móng sắt đóng vào thanh dầm ngang cũ kỹ bán đầy bồ hóng.

        Có phải cuốn sách của tôi cũng thế chăng?

        Đã bao lần, từ khoảng trời thơ ca của mình, tôi đã liếc nhìn xuống cánh đồng văn xuôi, cố tìm một chỗ để ngồi lại, nghỉ ngơi...

        Không, ở đây tốt hơn hết có lẽ nên so sánh với một chiếc máy bay đang cần hạ cánh xuống sân bay. Tôi đã lượn một vòng để từ từ hạ cánh. Nhưng vì thời tiết xấu, sân bay không nhận đón máy bay tôi. Đang bay một vòng rộng, tôi chuyển sang bay thẳng và lại bay tiếp xa hơn, mặt đất mong đợi vẫn nằm nguyên phía dưới... Đã nhiều lần diễn ra như vậy.

        Và tôi nghĩ, thế có nghĩa là tôi không được số pạnn dành cho một điểm tựa vững như bàn thạch. Thế có nghĩa là đôi chân tôi sẽ phải đi hoài không nghỉ trên trái đất này, đôi mắt tôi sẽ phải ngắm nhìn không chán những miền đất mới trên hành tinh này, và trái tim tôi - phải luôn luôn sinh ra những bài ca mới.

        Giống như người thợ cày đang say sưa ngắm nhìn đám mây bay qua hay đàn sếu dăng hàng mềm mại, rồi, dứt bỏ niềm say mê ấy, lại cầm lấy tay cày mà đẩy đi với vẻ cần mẫn hơn nữa, tôi cũng lại ngồi vào bàn, viết tiếp bản trường ca bỏ dở giữa chừng.

        Phải rồi, thơ ca của tôi, dù tôi có so sánh nó với khoảng trời nào đi nữa, riêng đối với tôi nó vẫn là miếng đất cày đi xới lại, là công việc nhọc nhằn của tôi. Tôi chưa từng viết văn xuôi.

        Rồi có lần tôi nhận được một phong bì dày. Trong phong bì là bức thư của tổng biên tập một tờ tạp chí mà tôi rất kính trọng. Bản thân người tổng biên tập đó tôi cũng kính trọng. Và vị tổng biên tập ấy cũng mở đầu bức thư bằng câu: "Raxun kính mến". Nói chung là hai bên đều tôn trọng nhau sâu sắc.

        Khi tôi mở bức thư ra đọc, nó đã làm tôi nhớ đến hình ảnh một tấm da trâu mà người dân miền núi trải ra phơi khô trên mái nhà. Và khi tôi lật những trang thư, chúng cũng kêu sột soạt không kém gì tấm da trâu đã khô, người ta gấp tư lại để mang vào nhà. Chỉ có điều là không có mùi hăng hăng, ngai ngái của tấm da thôi. Bức thư không có mùi vị gì.

        Nhân tiện cũng xin dẫn ra một đoạn trong bức thư của vị tổng biên tập đó: "Toà soạn chúng tôi quyết định sẽ đăng trong các số tới của tạp chí những bài vở về những thành tựu, những việc làm tốt đẹp và quang cảnh lao động hàng ngày ở Đaghextan. Đây sẽ là câu chuyện về những người lao động bình thường, về các chiến công và nguyện vọng của họ. Đây sẽ là câu chuyện về ngày mai tươi sáng của miền núi quê anh, về những truyền thống lâu đời ở đó, nhưng chủ yếu - là về ngày hôm nay rất đáng ghi nhiớ của miền quê ấy. Chúng tôi cho rằng một bài như thế thì tốt hơn hết là anh viết. Thể loại tuỳ anh chọn: có thể là truyện ngắn, bài bào, bút ký hay một loạt những phác thảo. Bài dài chừng 9 - 10 trang đánh máy. Thời hạn chừng 20 - 25 ngày. Chúng tôi rất hy vọng và xin cám ơn anh trước..."

        Thời xưa, khi gả chồng cho con, người ta không cần hỏi ý kiến cô gái mà chỉ làm một cách đơn giản - nói theo ngôn ngữ bây giờ - là đặt cô trước việc đã rồi. Họ nói rằng mọi chuyện đã xong xuôi. Nhưng thậm chí ngay từ thời ấy, ở miền núi chúng tôi không một ai dám tổ chức đám cưới cho con trai mình khi cậu ta không đồng ý. Người ta nói rằng chỉ có một người nào đó ở làng Ghiđátli đã từng hành động như vậy. Nhưng lẽ nào vị tổng biên tập đáng kính của tôi lại là người làng Ghiđátli? Ông ấy đã quyết định tất cả thay tôi... Nhưng liệu tôi có quyết định kể về đất nước Đaghextan của tôi qua chín trang giấy nhỏ trong vòng 20 ngày không?

         
        Tôi cố quên bức thư xúc phạm tới tôi ấy. Song ít lâu sau, điện thoại của tôi bỗng réo lên gắt gao liên hồi, hệt như đó không phải là điện thoại, mà là một con gà mái vừa đẻ trứng xong. Tất nhiên, đó là điện thoại gọi từ toà soạn tờ tạp chí nọ.

        - Chào anh Raxun! Anh nhận được thư chúng tôi rồi chứ?
        - Nhận được rồi.
        - Thế bài đâu?
        - Tôi... tôi... Nhiều việc quá... Chẳng có lúc nào rỗi.
        - Sao lại thế, anh Raxun? Không thể nói thế được. Tạp chí chúng tôi in tới gần một triệu bản. Nó được phát hành cả ở ngoài nước. Nếu quả thật là anh bận, chúng tôi sẽ phái đến anh một người. Anh sẽ phác ra vài ý, vài chi tiết, còn lại anh ta sẽ làm tất. Anh sẽ đọc lại, sửa qua rồi ký tên mình vào... Điều chúng tôi cần nhất là có tên của anh.
        - Ai không biết quý trọng khách thì hãy để cho xương của nó gãy hết đi! Nếu ai gặp khách với vẻ mặt khó chịu hay với vầng trán nhăn nhó thì hãy để cho trong nhà nó không có người già, - những người có thể khuyê nbảo lời hay việc tốt, hãy để cho trong nhà nó không có người trẻ - những người sẽ nghe những lời khuyên bảo ấy! Chúng tôi đối xử với khách như vậy đấy. Nhưng cầu trời, các anh đừng phái đến chỗ tôi người nào khéo tay mau miệng. Tôi sẽ tự làm được tất. Cả tay quai nơi cái bình của tôi, tôi cũng tự gắn vào. Nếu tôi bị ngứa lưng thì không ai có thể gãi chỗ ngứa ấy tốt hơn tôi.

        Cuộc thương lượng giữa chúng tôi đến đây là chấm dứt. Thế là xong!

        Tôi xin nghỉ phép một tháng và trở về làng quên Xađa.

        Ôi Xađa!... Bảy mươi nếp nhà ấm cúng. Bảy mươi làn khói xanh toả lên trên bầu trời trong sáng của miền núi cao. Những ngôi nhà màu trắng trên nền mặt đất đen. Phía trước làng, phía trước những ngôinhà màu trắng là những cánh đồng xanh bằng phẳng. Đằng sau làng, những vách đá dựng đứng. Những tảng đá màu xám nhấp nhô dựng trên làng chúng tôi hệt như những đứa trẻ tụ tập trên mái nhà bằng để nhìn xuống đám cưới đang diễn ra dưới sân. Đi tới làng Xađa, tôi nhớ lại bức thư mà bố tôi đã gửi về nhà khi lần đầu tiên nhìn thấy Matxcơva. Khó mà đoán được, chỗ nào bố nói đùa, chỗ nào bố nói thật. Ông ngạc nhiên về Matxcơva:

        "Hình như ở đây, ở Matxcơva, người ta không đốt lửa trong bếp lò để nấu ăn, vì bố không nhìn thấy người phụ nữ nào đóng bánh phân khô* trên tường nhà mình, không nhìn thấy từ các mái nhà khói đùn lên trông giống như chiếc mũ lông to tướng của Abutalíp. Bố cũng không nhìn thấy những bánh xe lăn để ép phẳng những mái nhà kết bằng rạ. Bố không nhìn thấy người dân Matxcơva phơi cỏ khô trên mái nhà. Nhưng nếu họ không phơi khô cỏ thì sẽ lấy gì để cho bò ăn? Bố không nhìn thấy một phụ nữ nào lê bước đi với bó củi khô, hay bó cỏ trên vai. Không một lần nào bố nghe thấy tiếng kèn zurna hay tiếng trống. Có thể nghĩ rằng thanh niên ở đây không lấy vợ và không tổ chức đám cưới. Dù bố có đi khắp các ngả đường của thành phố lạ lùn này thì bố cũng không hề thấy một con cừu nào. Thử hỏi người dân Matxcơva sẽ ngả thịt con gì nếu khách bước qua ngưỡng cửa nhà mình? Khi có bạn bè thân đến chơi nếu không mổ thịt cừu thì lấy gì mà thết đãi? Không, bố chẳng thèm muốn một cuộc sống như thế. Bố muốn sống trong làng Xađa của mình, nơi mà bố có thể ăn món khinkal* tuỳ thích, sau khi nói với mẹ cho thêm tỏi vào đó..."

        ===========================================
        * Ở một số vùng phía Nam, phía Đông Liên Xô, nhân dân thường dùng phân khô súc vật làm chất đốt. (ND).
        * Khinkal: bột luộc vo viên nhân thịt, tựa mằn thắn của ta. (ND).
        ===========================================

        Bố tôi còn nhìn thấy nhiều "nhược điểm" khác ở Matxcơva khi so sánh nó với làng quê hương. Tất nhiên là ông đã đùa khi ngạc nhiên rằng ở Matxcơva người ta không đắp phân khô lên tường nhà, nhưng ông đã không đùa khi ông dành tình yêu lớn hơn cho cái làng nhỏ của ông chứ không phải cho thành phố vĩ đại kia. Ông yêu làng Xađa của mình và không bao giờ đổi nó để lấy bất cứ một thủ đô nào trên trái đất này.


         
         


        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9