BINH THƯ YẾU LƯỢC
Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 68 trên tổng số 68 bài trong đề mục
Natphung 25.12.2007 03:53:03 (permalink)
156.- PHÉP CHIẾN ĐẤU:

Phép chiến đấu là so sánh đạo nghĩa, lập tốt ngũ, định hàng cột, chỉnh đốn đường ngang lối dọc, xét danh thực. Khi đứng mà đi tới thì cúi xuống, khi ngồi mà đi tới thì quỳ gối. Sợ thì sắp cho dày, thấy nguy hiểm thì ngồi xuống. Ở xa mà nhìn thì không sợ, ở gần đứng nhìn thì không tan rã. Dưới ngôi vua, quân hai bên trái phải bỏ giáp ngồi xuống, thong thả thề nguyền.

157.- HỔ BÔN:

Trong một toán quân, ắt có hạng hổ bôn (dõng sĩ) có sức gánh nổi vạc, khỏe chân chạy hơn ngựa nhung, đều đủ sức giựt cờ giết tướng. Nếu được như thế, nên chọn riêng họ ra để mà thương yêu quí mến họ, đó gọi là quân lệnh. Chia họ ra năm thứ binh, có tài năng, có sức mạnh, có sức khỏe, nhanh nhẹn, nuôi chí nuốt địch. Ban thêm phẩm tước cho họ, để họ quyết thắng, chăm nom cha mẹ vợ con của họ, thưởng để khuyến khích họ, phạt để họ sợ uy, đó là phép bày trận vững chắc, có thể giữ gìn lâu dài. Biết xét liệu việc ấy thì có thể dấy binh gấp bội.

158.- CONG THẲNG:

Võ Hầu nói rằng: Biết trước được cái kế cong thẳng thì sẽ thắng, đó là phép tranh giành.
 
159.- HIỆU LỆNH:
 
Sách Quân Chính nói rằng: Nói mà không nghe nhau nên mới bày ra chiêng trống. Nhìn nhau mà không thấy nên mới bày ra cờ xí. Mọi người đã chuyên nhất nên kẻ mạnh dạn không được tiến tới một mình, kẻ khiếp sợ không dám đi lui một mình, đó là phép sử dụng số đông vậy.
 
160.- ĐIỀU TRÔNG MONG:
 
Năm điều trông mong:
 
-          Mong sĩ tốt được tráng kiện
-          Mong cung tên bắn trúng
-          Mong tập luyện dao, dáo được tinh thục
-          Mong bộ ngũ bày trận được hợp độ
-          Mong dùng chiên trống cờ xí cho đúng tiết
 
Không được làm điều gì bậy bạ vô ích. Cho nên nếu không trông mong ở công việc thì có thể trông mong thắng trận được sao?
 
161.- PHÂN CÔNG:
 
Theo phép giao chiến thì kẻ ngắn cầm mâu kích, kẻ dài cầm cung nỏ, kẻ mạnh cầm cờ xí, kẻ dạn cầm chiêng trống, người yếu làm việc vặt vãnh và nuôi ăn, người trí làm chủ mưu, hàng xóm nương nhau, các đội thập đội ngũ che chở nhau.
 
162.- CHIÊNG TRỐNG:
 
Nghe một tiếng trống thì sắp binh chỉnh tề, nghe hai tiếng trống thì tập trận, nghe ba tiếng trống thì đi ăn, nghe bốn tiếng trống thì làm việc nghiêm chỉnh, nghe năm tiếng trống thì vào hàng, nghe trống và chiêng cùng đánh một lần rồi mới đưa cờ lên.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.12.2007 03:55:20 bởi Natphung >
#61
    Natphung 25.12.2007 03:56:25 (permalink)
    QUÂN LỄ VÀ THƯỞNG PHẠT
     
    163.- LỄ NGHI:

    Muốn trị quân thì dùng lễ và giữ đầu cán trong tay mình. Theo phép trị quân thì nhỏ hay lớn đều phải giữ lễ nghi, lòng biết đủ phải thực hành ra. Trị quân mà không nhờ vào lễ nghi thì kẻ trợ tá sẽ xúc phạm tướng suý, tướng suý sẽ xúc phạm thiên tử, do đó sinh ra các việc họa hoạn. Quyền bính tối cao không thể không ở trong tay mình. Nếu quyền bính bị rơi vào tay kẻ dưới thì trên dưới có thế lực bằng nhau, trên chẳng sai khiến được dưới, dưới chẳng trình bẩm người trên, đó là bởi quyền bính tối cao không ở trong tay mình. Đời Hậu Đường quân sĩ giết Tiết Độ Sứ rồi giành luôn chức vụ của người bị giết.

    (Gần đây nhà Trịnh suy yếu không kiềm chế được người dưới, quân sĩ sinh kiêu căng đem đến cảnh loạn vong, trường hợp này cũng giống như trường hợp trước)*.

    * Đoạn này do người đời sau thêm vào, nhắc tới loạn "kiêu binh" thời Trịnh Khải.

    164.- SĨ KHÍ:

    Trao kiếm dấy binh, giết trâu bò để đãi quân sĩ, an ủi và khích lệ sĩ tốt thì sĩ khí sẽ tăng gấp bội. Nên trọng thưởng công lao giữ gìn biên giới.

    165.- GHI CHÉP CÔNG LAO NHỎ NHẶT:

    Nghe giặc xâm phạm biên giới, bọn gian bèn âm mưu làm loạn. Bậc nhân thần phụng mệnh ra quân để chỉnh đốn vương quốc, bảo tồn vương nghiệp, lập công trạng lớn lao. Binh pháp nói rằng: công lao nhỏ nhặt mà không được ghi chép thì chẳng nên thưởng công lao ngoài biên giới.
     
    166.- MIỄN LỄ NGHI CHO QUÂN SĨ:

    Trong quân thì ráng sức mà tiến lên, trong hàng ngũ thì thi đua lấy thành quả. Mang giáp trụ thì không lạy, ngồi binh xa thì không làm lễ. Nên việc thì chẳng để sai chệch, gặp cảnh nguy nan chẳng sờn lòng. Cho nên lễ nghiphép tắc là bề ngoài và bề trong, văn là tay phải tay trái.

    167.- TIẾP ĐÓN BỀ TRÊN:

    Nếu bề trên đi kiệu mà đến, thì đạo tôi con là phải giết trâu bò, rót rượu mà đãi đằng trăm quan, há dám vin cớ có giặc mà thiếu lễ với bậc vua, cha hay sao?

    168.- TRỄ NÃI, ĐÀO NGŨ:

    Lính đến trại của đại tướng trễ sau tướng và lại sĩ một ngày thì cha mẹ vợ con cũng mang tội như nhau. Lính trốn về nhà một ngày mà cha mẹ vợ con chẳng bắt nộp hay không báo cáo thì mang tội như nhau.

    169.- BỎ RƠI ĐỒNG NGŨ:

    Ham đánh mà quên cả tướng súy và lại sĩ hay là tướng súy và lại sĩ bỏ rơi quân lính mà chạy trốn một mình thì phải đem chém hết.

    Lại sĩ trước bỏ lính mình mà chạy, lại sĩ sau chém được lại sĩ trước và giữ lính lại thì được trọng thưởng.
     
    170.- LIÊN ĐỚI TRÁCH NHIỆM:

    Ba quân đang đánh lớn, nếu đại tướng chết mà có trên 500 quân theo lại sĩ không chịu liều chết đánh lại quân địch thì phải chém hết, các quân lính theo hầu gần đại tướng ở giữa trận cũng phải chết chém. Ngoài ra các sĩ tốt có công trạng phải bị giáng xuống một cấp, sĩ tốt không có công trạng thì phải đi lính thú ba năm.

    Trong một ngũ có người thất lạc hay chết mà không lấy được thây, thì mọi người trong ngũ đều mất hết công trạng, nếu tìm được thây thì xá tội hết thảy.

    171.- BA THẮNG LỢI:

    Nay dùng pháp luật để trừng trị sự bỏ trốn, ngăn ngừa sự giảm quân số, đó là thắng lợi thứ nhất về việc binh.

    Thậpngũ nối liền nhau. Khi chiến đấu, lính và lại sĩ cứu nhau, đó là thắng lợi thứ hai của việc binh.

    Tướng giữ uy võ, lính giữ tiết độ, hiệu lệnh tính thực, đánh hoặc giữ đều thành công, đó là thắng lợi thứ ba của việc binh.

    172.- LỆNH NGĂN CẤM QUÂN SĨ:

    Nghe rằng người xưa trị quân, khi trời mưa, trong quân có người lấy của dân một cái nón để che đầu thì người ấy phải bị chém đầu để rao cho mọi người biết. Huống là chặt phá cây cối, dẫm nát ruộng nương của dân, phá hủy nhà cửa của dân, gian dâm, trộm cắp, chặt đầu của binh sĩ chết (?), giết con trai của giặc, làm nhục vợ của giặc, thậm chí giết thường dân bừa bãi rồi chặt đầu bào là đầu giặc, như thế lý trời chẳng dung, phép vua chẳng tha. Ai mang tội ấy thì sẽ bị xét xử theo quân pháp.

    173.- THƯỞNG NGƯỜI NHỎ, PHẠT NGƯỜI LỚN:

    Tướng lấy việc giết người lớn làm uy, thưởng người nhỏ làm sáng suốt. Bởi vì giết người đang ở địa vị quý trọng, đó là hình pháp cực nghiêm vậy. Thưởng cho kẻ chăn trâu, giữ ngựa, đó là sự tưởng thưởng thông suốt tới người dưới. Do đó mà tướng suý xây dựng được uy tín cho mình.

    174.- DÙNG NGƯỜI:

    Lính chưa thân thiết với mình mà đã phạt chúng thì chúng không phục, nếu chúng không phục thì khó dùng. Khi lính đã thân thiết với mình mà sự trừng phạt không thi hành thì cũng không dùng được. Cho nên lấy văn mà sai khiến chúng, lấy mà sửa trị chúng, đó là phép dùng người. Mệnh lệnh mà mình đã tự thi hành rồi đem ra dạy dân thì dân sẽ phục, mệnh lệnh mà mình tự thi hành rồi đem ban bố cho dân thì sẽ được hợp ý.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.12.2007 03:58:04 bởi Natphung >
    #62
      Natphung 25.12.2007 04:11:28 (permalink)
      MẠC HẠ
       
      175.- CHỌN LỰA NHÂN VIÊN CHO MẠC PHỦ (BỘ TƯ LỆNH):
       
      Chọn hai người cho việc thiên văn: Xem sao, xem lịch, xét phong thổ, khí hậu, chọn ngày giờ, quan sát các việc thiên tai quái dị.
       
      Chọn hai người coi việc địa lợi: xét hình thế đất đai lợi hại, xa gần, khó dễ.
       
      Chọn hai người coi việc coi việc binh pháp: giảng luận binh pháp, luyện tập việc binh.
       
      Chọn hai người coi việc thư toàn (kế toán): ghi chép lương hướng, quân số, khí giới.
       
      Chọn hai y sĩ: để điều trị quan nhân.
       
      Chọn ba du sĩ (điệp viên hay thám tử): để làm việc gián điệp, tuần thám.
       
      Chọn bốn người coi việc thư từ (công văn): để soạn thảo các từ, trát, chương, sớ, viết các bài tấu, biểu.
       
      176.- DÙNG PHÉP KỲ (TRÁI VỚI PHÉP CHÍNH):
       
      Cầm quân mười vạn, biết bao nhiêu là sĩ tốt phải chết vì xông pha nguy hiểm, cho nên không thể dùng phép kỳ.
       
      Đem quân đi đường ngàn dặm, gặp biết bao nhiêu là gián điệp tài nghề thần diệu nên cũng không thể dùng phép kỳ.
       
      Ta xem các nhà chuyên dùng phép kỳ, hễ mưu kế lập sẵn rồi thì thành công, còn nếu gặp đánh bất ngờ thì phải thất bại, thực có trường hợp như thế.
       
      Há chẳng phải quân cảm tử chẳng giúp tướng súy, gián điệp chẳng được tưởng thưởng công khai! Ân huệ đã cảm động được lòng người, nghĩa khí đã kết thành, thế mà thường phải lo sợ không rằng được, huống hồ là tướng súy chẳng từng trải gian lao, huống hồ là lương hướng không sẵn sàng, bấy giờ gặp lúc cần kíp, nháy mắt còn chưa kịp, dẫu có dùng phép kỳ, đâu có thể mình tự dùng được hay sao?
       
      177.- DÙNG NHÂN TÀI:
       
      Bậc vương giả có nhiều người làm tay chân, tai mắt, bậc đại tướng có lắm kẻ làm vây cánh giúp rập. Cho nên quân đội dùng nhân tài giống như triều đình.
       
      Có hạng trí sĩ (kẻ sĩ có mưu trí) coi việc tham mưu, việc tán hoạch, việc mưu lược, dùng ngay dưới trướng để quyết định việc quân cơ.
       
      Có hạng dũng sĩ (kẻ sĩ mạnh dạn) như là kiêu tướng, kiện tướng, mãnh tướng … chuyên lo việc quyết chiến, xung đột, dẫn quân đảm đương các việc nguy hiểm trước mọi người.
       
      Có hạng thân sĩ (kẻ sĩ thân cận) như là tư tướng, ốc tướng, nha tướng, cốt để hầu gần ở hai bên mình, tuyên bố mệnh lệnh, nắm giữ cơ quyền.
       
      Có hạng thức sĩ (kẻ sĩ biết rộng) hiểu trận nghi, biết biến hóa xem cảnh trí, thăm dò mây, nước, gió, mưa, xét đất đai, thấy rõ địch tình, biết được điều sâu kín, nhỏ nhặt, quyết định việc quân tới, lui, ngừng nghỉ.
       
      Có hạng văn sĩ (kẻ sĩ văn học) thông suốt việc xưa nay, hiểu rõ dịch lý, giữ gìn nghi tiết, soạn thảo các tờ hịch sớ, từ, chương …
       
      Có hạng thuật sĩ (kẻ sĩ biết pháp thuật) thông thạo các việc thần linh, âm dương, ngày giờ tốt xấu, bói toán, pháp thuật, để làm lợi cho mình, tổn hại cho địch.
       
      Có hạng số sĩ (kẻ sĩ coi về toán số), coi sổ sách kế toán, quân số, việc bổ dụng, thăng thưởng, quân nhu …
       
      Có hạng kỹ sĩ (kẻ sĩ khéo léo) như kiếm khách, cảm tử, giỏi việc trộm cướp, giỏi việc du thuyết, gián điệp, ra vào thành lũy của địch một cách dễ dàng…
       
      Có hạng nghệ sĩ (kẻ sĩ có nghề riêng) lo về tiền của, khí cụ, đào hào rãnh, tu bổ vật hư hỏng, sáng chế các máy móc lạ lùng…
       
      Ngoài ra, mỗi người đều có biệt tài, thí dụ như cười đùa, nhảy múa, chưởi mắng, ca hát, nấu nướng, giả dạng, chạy nhanh …
       
      178.- TRÍ VÀ LỰC:
       
      Trời sinh ra người, nếu khí tụ tại trung hư thì sinh ra trí tuệ, nếu khí tan ra bốn tay chân thì mộc mạc. Mộc mạc thì có nhiều sức. Kẻ trí thì yếu ớt. Những kẻ trí dũng kiêm toàn ở trên đời không có nhiều. Cho nên ai hơn được một trăm người thì đứng đầu một trăm người, ai hơn được một ngàn người thì đứng đầu một ngàn người. Hơn một ngàn người thì thành một quân. Ai có tài ứng biến với thời cơ, có thể đương đầu với một cuộc tấn công thì đủ sức làm trưởng quân (cầm đầu một quân). Quân có lúc bị cô đơn, sai khiến tướng quân ắt mong dùng lấy một mình, cho nên nếu giỏi dùng nhân tài thì kẻ trợ tá cũng có thể làm đại tướng.
      #63
        Natphung 25.12.2007 04:13:37 (permalink)
        BINH CỤ
         
        179.- CÔNG DỤNG CỦA MỖI ĐỒ VẬT:
         
        Móc, dùi dùng để làm đất
        Búa, rìu, dao, cưa dùng để làm cây gỗ
        Thợ rèn dùng để làm đồ kim chất
        Trâu ngựa dùng để chuyển vận
        Gà chó dùng để dò xét
        Thợ may dùng để may áo trận
        Thuốc men dùng để chữa bệnh
        Chông gai để phòng lót đường bẫy giặc
        Giày da để phòng chạy gấp
        Lương khô đề phòng thiếu thức ăn
         
        180.- PHÉP DỤ BẮT NGỰA GIẶC:
         
        Ngày xưa đời Hậu Đường, Sử Tư Minh làm phản. Hắn có ngàn ngựa hay, mỗi ngày đem ra sông Hà Chữ mà tắm rửa, làm tuần hoàn như thế để tỏ rằng mình có nhiều ngựa.
         
        Lý Quang Bật khiến tìm trong năm quân trăm ngựa đực, đánh vào đầu chúng ở trong thành, chờ khi ngựa giặc đến sông Hà Chữ, thì cho ngựa của mình đi ra hết. Đàn ngựa hí mãi không thôi. Ngựa giặc nghe tiếng hí bèn bơi qua sông đi hết vào trong thành.
         
        182.- HỎA TIỄN:
         
        Hỏa tiễn có thế rất mạnh, quân địch sợ nó hơn là cung nỏ. Nếu chế hay, mỗi chiếc có thể bắn xa sáu bảy trăm bước. Phải nện thuốc súng chừng ba vạn cái mới dùng được, đầu trên dùng chất mồi lửa chừng hai phần mười.
         
        Gặp trường hợp hỏa tiễn quá mạnh mà buồm chiếu quá mỏng, hỏa tiễn bắn vào thì xuyên lút qua mà đi luôn thành thử không cháy được. Nếu sợ đi xuyên qua luôn, thì cách miệng chừng hai ba tấc, ta gắn một chữ thập bằng tre để chận nó lại. Chỗ tre và sắt tiếp nhau, người ta dùng giây vấn và sơn một lớp sơn cho kín. Dưới lớp sơn có thể dùng linh hoa để ngăn ẩm thấp. Ở phuơng nam người ta dùng tới ba trăm chiếc cho vào một ống, gọi là oa phong hay hỏa lung. Dùng chín chiếc thì gọi là cửu lung đồng. Thứ nhỏ gọi là dũng tiễn.
         
        Có thể ngồi trên ngựa mà phóng hỏa tiễn.
         
        183.- HẦM CHÔNG GAI DÙNG ĐỂ BẪY NGỰA GIẶC:
         
        Đào hố vuông sâu chừng bốn thước, rồi đặt chông gai ở dưới, mặt trên gác cây, phù cỏ và đất cho bằng phẳng như là đất hoang. Nếu giặc xông tới đánh dinh trại thì sẽ sụp vào hố chông ấy. Người và ngựa của giặc bị thương sẽ bị phục binh của ta bắt giữ.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.12.2007 04:16:52 bởi Natphung >
        #64
          Natphung 25.12.2007 04:17:58 (permalink)
          HIỆU LỆNH
           
          184.- QUÂN LỆNH:
           
          Một khi hiệu lệnh được phát ra, ba quân đều chấn động sợ sệt.
          Nghe trống thì tiến, nghe chiêng thì dừng.
          Nghe súng bắn thì đứng dậy, nghe chuông đánh thì ăn.
          Nghe đánh phẫu thì ráng sức, thấy vẫy cờ thì chạy mau.
          Gặp mưa không núp, gặp nóng không cởi giáp.
          Mệt không buông vũ khí.
          Thấy nguy nan không trở lui.
          Gặp tiền của không lấy.
          Hãm thành không giết bừa bãi.
          Có công trạng không khoe khoang.
          Dong ruỗi thì lặng lẽ.
          Bị đánh cũng không rúng động. Bị chấn áp cũng không sợ hãi.
          Bị đánh úp không bỏ chạy, bị đánh cắt ngang mà không phân tán.
           
          Đó gọi là binh nghiêm chỉnh.
           
          185.- VIỆC QUẤY:
           
          Thánh hiền không thấy sai quấy thì miễn  lỗi, binh pháp không thấy sai quấy thì ghi công. Cho nên kẻ giỏi dùng binh thì thi hành dối trá trái ngược, dấy nghịch lấy bậy.
           
          Trời luân hành theo thời, quỷ thần mượn thời mà hành động, mộng mị cũng theo thời mà hiện ra, các vật lạ cũng theo thời mà sinh ra, câu ca dao, lời sấm cũng theo thời mà nói, mọi việc sắp đặt cũng theo thời mà chia riêng, tiếng lời cũng theo thời mà phát biểu.
           
          Khuyến khích lòng quân, ngăn trở khí thế của địch, khiến người không thể liệu lường. Luân chuyển trừ bỏ điều quấy rồi lại dùng điều quấy. Vả lại điều hư quấy, ngay thẳng nhờ cậy vào nó thì không đủ, dả dối mượn dùng nó thì thường có dư.
           
          186.- DÙNG PHỤ NỮ:
           
          Thường nghe bậc đại tướng ngày xưa cũng từng nhờ cậy vào sự mềm yếu của phụ nữ. Khi dùng văn thì khiến cho giặc vui chơi sướng khoái, khi dùng thì cỡi xe chiến đấu, cứu nạn giải nguy, tùy cơ ứng biến, đều có lợi cả.
           
          187.- DÙNG VĂN ĐỂ DẠY ĐỀU ƯỚC CẤM LỆNH:
           
          Nghề võ chuyên luận về tánh dũng, nhưng cáo, hịch … thì cần văn. Có khi một lời nói mà có thể cứu nước, làm cho quân giặc phải đầu hàng. Sĩ tốt thì ít biết văn chương, chữ nghĩa. Bởi thế cho nên, khi nhàn hạ nên buộc sĩ tốt tập hò, tập hát, truyền tai nhau các điều ước, cấm lệnh, các bài chiếu giảng giải các điều nghĩa dũng và cái đạo của quân tử, của nho sĩ, tức là chẳng làm tổn hại người bề trên. Đó là binh pháp vậy.
           
          188.- BAN BỐ ĐIỀU LỆNH:
           
          Con người lấy tâm mà định lời, định lời để ra lệnh. Bởi thế nên phấn khích tánh hào hùng, mưu lược, nói lời cứng cỏi, mạnh mẽ, giữ lòng sắt đá, chịu trải phong sương, sau đó mới ban bố hiệu lệnh, lập quân pháp nghiêm minh.
           
          Trước ba ngày, treo lệnh tại quân môn, khiến viên quan quân chính cầm ban tuyên bố giữa sáu quân. Nếu có ai trái lệnh thì khiến quan quân chính tập họp quân nhân, rồi theo lệnh mà hành hình để cho sáu quân đều biết rõ.
           
          189.- TRỪNG PHẠT KẺ PHẠM QUÂN LỆNH (QUÂN PHÁP):
           
          Khi bậc đại tướng quân đã nhận mệnh, cầm hết quyền chinh chiến trong tay, làm lễ khao quân xong rồi mới ban bố mệnh lệnh. Ai trái lệnh sẽ bị giết.
           
          Nghe trống mà không tiến, nghe chiêng mà không dừng, thấy đưa cờ lên mà không đứng dậy, thấy hạ cờ mà không nằm nấp, đó là quân bội nghịch, phải chém chúng.
           
          Nghe gọi tên mà không đáp, được vời mà không tới, hoặc tới mà trễ nãi, cử động sai quy luật, đó là quân ngạo mạn, phải chém chúng.
           
          Ban đêm thì kháo chuyện gian dối, thường biếng nhác không hăng hái, trù tính sai lầm, hiệu lệnh không rõ ràng, đó là quân lười biếng, phải chém chúng.
           
          Thường nói lời oán vọng, không được thưởng thì giận hờn, được chủ tướng dùng thì tỏ ra cứng đầu khó trị, đó là quân ngang dọc, phải chém chúng.
           
          Tự xưng tên họ phẩm chức mà cười nói, như là trên mình chẳng có ai, bị ngăn cấm vẫn không chừa, đó là quân kiêu căng, phải chém chúng.
           
          Giữ khí giới mà để cung nỏ đứt dây, tên thì thiếu mũi hay thiếu lông đuôi, kiếm kích thì đùi lụt, cờ xí rách nát, đó là quân lừa dối, phải chém chúng.
           
          Nói lời dối trá bày đặt việc qủy thần, mượn chuyện mông mị, phỉnh gạt lại sĩ, đó là quân yêu nghiệt, phải chém chúng.
           
          Đến nơi nào thí phá phách nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đó là quân gian tà, phải chém chúng.
           
          Miệng lưỡi sắc bén, hay bàn phải trái, gieo oán giữa các lại sĩ, khiến họ chẳng hòa hiệp, đó là quân dèm pha, phải chém chúng.
           
          Trộm tiền của người để làm của mình, đoạt thủ cấp của người khác để dành công lao về phần mình, đó là quân trộm cắp, phải chém chúng.
           
          Khi tướng quân tụ họp để bàn mưu, mà đến gần trướng để nhìn trộm, nghe trộm sự tình, đó là quân dọ thám, phải chúng.
           
          Khi nghe được mưu kế và hiệu lệnh của quân mình, mà bắn tiếng ra ngoài để địch quân nghe được, đó là quân bội phản, phải chém chúng.
           
          Khi được sử dụng, mà câm miệng chẳng đáp, gục đầu ủ rũ làm ra vẻ khó nhọc, đó là quân hèn yếu, phải chém chúng.
           
          Chẳng giữ hàng ngũ, tranh giành trước sau, nói năng ồn ào, chẳng theo cấm lệnh, đó là quân lộn xộn, phải chém chúng.
           
          Giả vờ bị thương hoặc mang bệnh để tránh việc khó nhọc, giả vờ cứu giúp kẻ thương vong để lẩn xa, đó là quân dối trá, phải chém chúng.
           
          Khi giữ tiền của, đến lúc ban thưởng lại tây vị những người thân thuộc khiến cho lại và tốt hờn oán nhau, đó là quân thối nát, phải chém chúng.
           
          Thấy giặc mà không xét, xét giặc mà không biết rõ, giặc động mà nói không, giặc không động mà nói có, giặc nhiều mà nói ít, giặc ít mà nói nhiều, đó là quân lầm lạc, phải chém chúng.
           
          Tại chốn đồn trại, chẳng phải lúc khao quân mà bày ra uống rượu, đó là quân phóng đãng, phải chém chúng.
           
          Khi pháp lệnh trên đã lập xong, trong lại sĩ có ai phạm phép thì cứ theo phép mà xử chém.
           
          190.- DÙNG BINH TRÊN TÁN ĐỊA (ĐỊA PHẬN CỦA MÌNH):
           
          Quân địch vào sâu trong nước ta, mà thành quách chưa hoàn bị, cỏ lương thiếu thốn, cố thủ thì không lơi. Bên ta nên hẹn nhau quyết chiến, còn nếu sợ sệt mà thối lui thì ắt chết. Ai bắt được gì, lấy được gì thì ban thưởng. Ai làm tướng quay lui cũng đem chém, gặp địch mà thân không định, số mục thay đổi cũng chém; có sắc mặt lo buồn, nghiêng ngả nhìn nhau mà nháy mắt bỏ bê chiêng trống chẳng ứng đối, đều phải chém hết. Được một thủ cấp cũng trọng thưởng, như thế mới có thể dùng binh trên tán địa được.
           
          191.- THƯỞNG PHẠT THEO LỄ NGHI:
           
          Nếu bậc đại tướng cũng dùng lễ nghi để thi hành việc thưởng phạt thì sĩ tốt không hờn oán mà mọi người sẽ lo sợ.
           
          Một là các điều quân lệnh phải thật nghiêm khắc khi ra quân lần đầu để cho tai mắt quân sĩ phải thấm nhuần, khiến chúng phải tránh né không dám phạm vào.
           
          192.- XỬ CHÉM:
           
          Một là giả vờ có bệnh, có ý muốn trốn. Đi nửa đường rồi bỏ trốn, thì phải chém.
          Một là cướp tiền của của nhân dân và hiếp dâm phụ nữ, thì phải chém.
          Một là đào bới mồ mả để lấy tiền của thì phải chém.
          Một là tự ý vào các đền, miếu để lấy các đồ vật thì phải chém.
          Một là ngầm giao thiệp riêng với quân địch, làm tiết lậu quân cơ thì phải chém.
          Một là bỏ đội ngũ, tự ý vào nhà dân mà ngủ nghỉ thì phải chém.
          Một là trong đêm vô cớ la ó khiến quân sĩ lo sợ, thì phải chém.
          Một là trong đêm đốt lửa không cẩn thận làm cháy dinh trại, thì phải chém.
          Một là canh giữ, tuần phòng sơ xuất để quân địch thừa cơ lẻn vào thì phải chém.
          Một là tự ý giết tướng và lính đến đầu hàng, thì phải chém.
          Một là làm cho cha con, chồng vợ của tướng lính đến đầu hàng phải xa nhau thì phải chém.
          Một là hiếp bức nhau, đánh nhau đến nỗi chết người, thì phải chém, quản viên cũng bị phạt.
           
          193.- ĐÁNH ĐÒN:
           
          Một là cướp tiền của, chọc phá phụ nữ, thì phải đánh nhiều bằng gậy.
          Một là chửi bới nhau, trái với quân lễ thì phạt đánh bằng gậy.
          Một là trên dưới tranh giành nhau làm mất thứ tự, thì phải đánh nhiều bằng gậy.
          Một là nhận riêng rượu và thức nhắm đến nỗi ăn nhằm thuốc độc của quân địch thì quản viên chịu trọng tội.
          Một là giao thiệp riêng với thầy phù thủy, thầy bói, đồng cốt, bày đặt ra việc họa phúc, gieo nghi ngờ trong quân ngũ, thì phải đánh bằng gậy.
          Một là say rượu, nói bậy, chẳng giữ vị thứ, chờ tỉnh rượu xong sẽ đánh bằng gậy và giảng luận cho nghe.
          Một là phá phách nhà cửa của nhân dân, bẻ hái hoa quả thì phải đánh bằng gậy.
           
          194.- KHẨU HIỆU:
           
          Một là phát hiệu lệnh: Buổi chiều trong quân ngũ hãy xét chung các nhân viên. Tề hầu, Tham tán tới biên lãnh khẩu hiệu. Mỗi canh đổi một khẩu hiệu. Một khẩu hiệu có hai chữ. Hỏi chữ này phải đáp chữ kia. Thí dụ: Hỏi thì đáp cường, hỏi dũng thì đáp an.
           
          195.- ÁM HIỆU:
           
          Quân đi mà không thông đồng với nhau, ắt những nhóm bị phân chia không thể kết hợp với nhau, những nhóm ở xa không thể cứu ứng, đây đó đâu có thể hiểu nhau được, đó là đường lối thất bại. Nhưng thông đồng với nhau mà không kín đáo thì ngược lại bị địch mưu toan phá hoại. Cho nên nếu không dùng chiêng, cờ, không dùng ngựa chạy mang lệnh tiễn, không đốt lửa, phun khói, thì lấy gì mà thông báo những việc kinh động cấp bách?
           
          Hai quân gặp nhau thì nên dùng ám hiệu để liên lạc với nhau, đi xa ngàn dặm thì liên lạc bằng thư trắng (không đọc được) viết bằng chữ không ra chữ, dùng lời văn không hiểu được, không viết trên giấy. Kẻ mang thư cũng không hiểu gì, dầu có tìm tòi cũng không ra gốc tích. Thần diệu thay! Thần diệu thay! Hoặc bị địch ngăn cách, hoặc bị mất liên lạc, hoặc ở quá xa không kịp gặp nhau, ắt phải dùng cơ mưu để thông tin theo cách trên.
           
          196.- HIỆU LỆNH LÀ GỐC:
           
          (Ngày xưa) Võ Vương hỏi rằng: Nếu binh của ta bị phân ra ở nhiều nơi, muốn chúng tụ hội đúng kỳ hạn, phải làm thế nào?
           
          Thái Công đáp: Theo phép dùng binh thì ba quân đông đảo phải biết cách biến hóa phân hợp. Bậc đại tướng trước hết phải định chỗ đánh và ngày đánh rồi mới truyền hịch cho tướng sĩ biết ngày hẹn đánh thành vây ấp, phải tụ hội nơi nào, ngày đánh phải nói rõ, giờ khắc phải đúng đắn. Đại tướng lập dinh, bày trận, xây dựng viên môn, dọn đường để chờ tướng sĩ tới, xem thử ai tới trước, ai tới sau. Ai tới trước hẹn thì thưởng, ai tới sau hẹn thì chém, như thế xa gần đều chạy lại, ba quân đều tới đủ để góp sức cùng đánh.
           
          Vua hỏi: Thái Công giảng bày sách Cấm Thư, phép thắng bại ngũ âm như thế nào?
           
          Thái Công đáp: Theo phép dùng binh, hiệu lệnh là tai mắt. Kẻ dùng binh mà không rõ hiệu lệnh cũng như người mù đi đêm. Hạ thần xem phép dùng binh trong kinh đều lấy hiệu lệnh làm gốc vậy.
           
           
          Hết
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.12.2007 04:28:08 bởi Natphung >
          #65
            Nguyen Van Dung 04.12.2008 14:41:46 (permalink)
            hi bạn
            Bài viết của bạn hay lắm. Bạn có tài liệu về Vạn kiếp bí truyền của Trần Hưng Đạo không vậy bạn.
            Mình kiếm mà không có.
            Cảm ơn bạn nhiều nha.
            #66
              uyen_giang 31.12.2009 11:02:45 (permalink)

              Trích đoạn: vvn

              BINH THƯ YẾU LƯỢC
              Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
               
              Rõ ràng ai cũng biết quyển sách này là của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Thế mà có kẻ dám bảo rằng đây là sách giả.
               
              Tây Hồ Chí, đúng là một cuốn sách "có ký hiệu hẳn hoi và hiện được lưu giữ tại thư viện Hán Nôm", như TS Phạm Văn Thắm nói. Song chúng ta không thể vì sách có ký hiệu thư viện mà tin cả vào sách được. Trong kho sách Hán Nôm của chúng ta không phải không có những quyển sách là "ngụy thư" (sách ngụy tạo, sách giả), như trường hợp Binh thư yếu lược chẳng hạn. Và độc giả ngàn đời sau hoàn toàn có quyền bình luận sai đúng về những tài liệu này. Chính vì vậy mới cần có khoa văn bản học để làm sáng tỏ mọi chuyện. Và đây cũng là một trong những công việc của VNC Hán Nôm.
              Những người nhận xét như trên là những kẻ phá hoại văn hoá dân tộc.
              #67
                Ct.Ly 16.01.2018 00:30:02 (permalink)
                #68
                  Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 68 trên tổng số 68 bài trong đề mục
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9