Đo sáng - chỉ là...hên xui

Tác giả Bài
HÀN PHONG
  • Số bài : 3288
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.10.2007
  • Nơi: Tuyệt Tình Cốc
Đo sáng - chỉ là...hên xui - 20.05.2010 23:00:20
Cầm cái máy D90 với 1 rừng nút điều khiển, việc test máy hầu như HP chỉ thử độ nét, độ noise ở ISO cao, riêng phần đo sáng thì không biết như thế nào cho đúng. Tấm nào may mắn thì đúng sáng, tấm nào xui thì...toi.
Vậy đo sáng cách nào để có tấm ảnh tương đối đúng sáng nhất, và việc bù trừ sáng dựa vào đâu?

câu hỏi này quả thật rất mông lung, cũng như cái đầu HP lúc này vậy . Vì máy DSLR không giống P&S, việc bù trừ sáng không thể hiện trực tiếp trên khung nhìn mà chỉ khi ghi hình nên không thể nhìn thấy trước cái mình muốn.

ảnh ví dụ
1
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/41326/D07D7F50E3C44016B1AA874DBB0C522D.jpg[/image]

Ảnh này nên đo vào đâu cho đúng sáng?


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/41326/521B0307545148ED94D7F9339B4886EF.jpg[/image]

Ảnh này có đúng sáng hay không?

Cảm ơn mọi người đã quan tâm và giúp 1 tay nhá
hihi, không có thiết bị cân chỉnh và so sánh nên thật khó để xác định sự đúng sai.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.05.2010 23:07:25 bởi HÀN PHONG >
Attached Image(s)
Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên;
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ.

Lá Chanh
  • Số bài : 3101
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.04.2008
RE: Đo sáng - chỉ là...hên xui - 21.05.2010 05:03:00
Tại sao đo sáng lại là hên xui? từ từ Gió, không phải một lúc mà hiểu hết được mọi chiện. Lá cũng như Gió khi cầm cái máy DSLR lần đầu, Lá cũng muốn khóc vì không như máy P&S. Nhưng sau cùng rồi thì...cũng mò ra. Nhưng mò ra hết thì chưa
  Đáng nhẽ Lá nhường phần kỹ thuật này cho các đấng "mày râu" các đấng thì rành kỹ thuật hơn...các nàng (thường thì vậy) nhưng tại Gió khèo Lá bên kia nên không thể không trả lời.
  Nhưng khi vào trả lời, Lá lại phân vân...trả lời như một người tỏ ra rành kỹ thuật  Lá sẽ copy một số những bài trên web ( mà Lá chắc chắn là mấy ngày hôm nay Gió vùi đầu vào đọc) pha chế thêm bớt vài ý kiến của mình vào thành một bài "giáo huấn" ngon lành : " có 3 cách đo sáng: Center weighted, matrix metering , Spot metering, khi nào thì sử dụng Center weight? khi nào thì đo Spot?...v...v...rồi đo sáng ở đâu..." nó có cần thiết như vậy không? Vì những cái đó Gió đã đọc rồi, Lá có cần nhắc lại không? Trả lời Gió như một người bạn thân thiết: " Gió! Lá thường dùng spot để đo sáng! Lá đo ở chỗ nào Lá muốn nó đủ sáng!" nói như vậy chắc chắng là không đủ "sử kiện" cho Gió vì người ta nói cách đo sáng Spot ít khi dùng đến! "Chậc! cái con nhỏ này nói chung chung, không có căn bản gì hết!"...Bây giờ thì! Chết! viết dài dòng...ai mà có thời gian để đọc.
 
 Ảnh thứ 1: Nếu là Lá, Lá sẽ chỉnh máy qua spot, đo sáng ngay trên mặt, vì chỉ cần mặt sáng, chỗ khác tối mặc kệ, vì đó là cái Lá muốn nó sáng là nhân vật chính, còn BG càng tối càng...hợp lý có cái làm nổi chủ thể. Sáng nhất là chóp mũi hay gò má....cái chỗ sáng nhất đó!
 
Ảnh thứ 2: thiếu sáng...vì nhìn vào màu vàng thấy nó có màu xám (gray) trong đó.
 
 Cách nào để có thể biết? chụp thử một tấm trước, nhìn vào đó mà đoán...thiếu hay dư. (đâu phải phim đâu mà sợ tốn tiền rửa, không tốn kém gì...tại sao không?) và đồng thời check Histogram.
 À còn một cách sách vở nữa, nhưng nhiều khi Lá sài trong những trường hợp...khẩn cấp mà không muốn mất khoảng khắc, Lá chuyển mode đo sáng qua matrix metering. Chụp chế độ A, EV -0.3 cho tơi -1EV tùy trời nắng nhiều hay ít, cái này nhớ đọc lại bài viết của anh Chân Phương.
 Nhớ save bằng RAW vì...cái đó nếu bị thiếu sáng sơ sơ...kéo được,  còn over thì...thùng rác kế bên!
 
...Và còn rất nhiều cái, "wellcome to the world" mỗi lần đụng đến một vấn đề...Lá vẫn cảm thấy sự hiểu biết của mình quá giới hạn....Ai biết chỉ thêm cho Gió.
Cây chanh mọc giữa rừng chanh
Lá chanh trỗ giữa cành chanh, ...chuyện thường.

HÀN PHONG
  • Số bài : 3288
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.10.2007
  • Nơi: Tuyệt Tình Cốc
RE: Đo sáng - chỉ là...hên xui - 12.06.2010 19:30:40
Lá: sorry vì lâu nay không đề cập đến vụ này, Lá có ghé qua giải thích dùm Gió 1 bức ảnh thế nào gọi là đúng sáng nha.

Ảnh 2: gió chụp buổi tối nên trân ảnh có nhiều phần đen (chắc từ cửa sổ)

Sưu tầm bài viết này về để mọi người tham khảo thêm. Bài sưu tầm từ tinhte.com

"
gửi tặng các tiền bối yêu nghề chụp ảnh một bái viết về kinh nghiệm đo sáng của NTL admin của Hanoicorner.....(trích từ Nhiếp ảnh số A-Z):

Kinh nghiệm đo sáng

Từ khi nhiếp ảnh ra đời cho đến này thì vấn đề đo sáng khi chụp ảnh luôn là một đề tài nóng bỏng và hấp dẫn. Bởi vì nhiếp ảnh là vẽ bằng ánh sáng nên việc xác định đúng lượng sáng cần thiết cho nội dung thể hiện của một tấm ảnh là cực kỳ quan trọng. Sự khác biệt giữa nhiếp ảnh gia Pro và nghiệp dư cũng nằm tại ánh sáng trong ảnh. Kỹ thuật đo sáng đã không ngừng phát triển mà thiết bị chuyên dụng nổi tiếng nhất là các máy đo sáng cầm tay - Exposure Meter. Vào thoảng thập niên 70 của thế kỷ XX thì sự tiến bộ vượt bậc của máy đo sáng lắp sắn trong máy ảnh đã thật sự tạo một bước ngoặt và đưa các thiết bị đo sáng cầm tay trở thành công cụ riêng của Studio. Cùng với thời gian, kinh nghiệm và tiến bộ của khoa học thì các máy ảnh SLR và dSLR gần đây cho kết quả đo sáng chính xác và ổn định. Nhưng chưa bao giờ máy móc có thể thay thế con người 100%. Chính bạn là người duy nhất biết mình cần một lượng sáng bao nhiêu cho tấm ảnh sẽ chụp. Máy móc giúp bạn biết được các thông số kỹ thuật về ánh sáng nhưng nó không thể nói với bạn chính xác cặp thông số "khẩu độ ống kính/tốc độ chụp ảnh" cần thiết là bao nhiêu? Để có thể đo sáng đúng, hay xác định chính xác, lượng ánh sáng này ta cần biết những nguyên tắc căn bản sau đây:

1. Tập cách phát hiện ánh sáng đẹp: NTL muốn nói ngay với bạn rằng không phải khi trời nắng to thì cũng đồng nghĩa với ánh sáng đẹp. Ánh sáng đẹp thường rất phức tạp, có nhiều độ chuyển, tạo khối tốt...Bạn có thể gặp ánh sáng đẹp khi trời nắng, lúc ngày mưa hay thậm chí trong một buổi chiều đông ảm đạm. Hãy tập thói quen quan sát và phát hiện.

2. Tập cách diễn giải ánh sáng thực địa: với kinh nghiệm của riêng cá nhân mình thì một cảnh với ánh nắng chan hòa lại thường rất khó thể hiện ảnh đẹp và nghệ thuật như ý muốn. Trái lại một ngày trời nhiều mây lại có cơ hội sáng tác tốt. Trước khi bấm máy bạn nên để vài phút tự phân tích hướng sáng, bóng đổ, sự khác biệt của tương phản giữa các vùng...Nhiều khi cùng một cảnh nhưng với ánh sáng khác nhau sẽ cho những kết quả rất khác biệt. Chính điều kiện ánh sáng là yếu tố quyết định bố cục và kỹ thuật của ảnh. Chụp ảnh cũng cần sự kiên nhẫn đợi đến khi có ánh sáng thích hợp.

3. Tập cách ước lượng ánh sáng: đây là một việc làm không dễ, có vẻ như rất Pro, thế nhưng nếu bạn thật sự muốn đạt được thì chỉ cần luyện tập thường xuyên. Đầu tiên bạn hãy lấy ISO 100 làm chuẩn rồi tập tự đưa ra cặp khẩu độ/tốc độ, sau đó dùng máy ảnh xác định lại kết quả này. Khi bạn có khả năng ước lượng đúng ánh sáng thì hoàn toàn có thể xác định chính xác độ chênh sáng giữa các vùng và có giải pháp hợp lý.

4. Cần biết mình muốn thể hiện cái gì? Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Nhật đã nói: cách đơn giản nhất để xác định đúng lượng sáng cần thiết cho tấm ảnh là biết được mình nhìn tấm ảnh đó "sáng" hay "tối". Nếu lấy trị số "0" làm mốc cho kết quả đo sáng của máy thì khi ta tiến tới + 2,5 Ev ảnh sẽ rất sáng, khi tiến tới -2,5 Ev thì ảnh sẽ rât tối. Đây cũng là nguyên tắc căn bản để tiến hành hiệu chỉnh kết quả đo sáng.

5. Cần biết ưu/nhược điểm của thiết bị chụp ảnh mà mình đang sử dụng. Không phải ai cũng biết rằng giữa phim âm bản và dương bản có hai nguyên tắc đo sáng rất khác nhau: phim âm bản cần ưu tiên vùng ánh sáng thấp, phim dương bản cần ưu tiên vùng ánh sáng cao. Bên cạnh đó bạn cũng cần biết chính xác "Latitude d'exposition" (Exposure Latitude) của từng loại phim. Xin bạn đừng nhầm lẫn khái niệm này với "Gamme Dynamique" (Dynamic Range) nhé. Còn với kỹ thuật số hiện tại thì trừ chiếc máy Fuji S3 ra tất cả các dSLR đều tuân thủ nguyên tắc ưu tiên vùng ánh sáng cao.

Để có thể sử dụng hiệu quả các thiết bị đo sáng thì trước hết cần hiểu hoạt động của chúng. Ta có thể phân ra thành 2 dòng máy đo sáng chính:

1. Exposure Meter, gồm có:
- Light Meter: dùng để đo ánh sáng liên tục
- Flash Meter: dùng để đo ánh sáng đèn flash trong studio

2. TTL Meter: là loại thiết bị gắn sẵn trong máy ảnh SLR, dSLR, MF...

Hai dòng thiết bị này hoạt động trên hai nguyên tắc khắc hẳn nhau. "Exposure Meter" đo ánh sáng chiếu tới chủ thể. Để biết kết quả đo sáng chính xác ta cần đặt Meter gần nhất với chủ thể đồng thời hướng chính xác hình bán cầu mầu trắng của máy về phía ống kính. Góc định hướng này có ảnh hưởng rất quan trọng tới kết quả đo sáng. Thông thường người ta tìm cách sao cho trục của ống kính máy ảnh thẳng hàng với hình bán cầu trắng này. Ưu điểm của Meter cầm tay là nó không chịu ảnh hưởng của mầu sắc hay độ sẫm, nhạt của chủ thể. Nhưng trái lại không phải lúc nào ta cũng có thể tới gần để đo sáng như trong trường hợp ảnh phong cảnh xa. Mẹo để giải quyết trường hợp này là bạn giơ cao Meter hơn đầu và hướng hình bán cầu trắng theo hướng xa máy ảnh nhất. Kết quả đo sáng của Meter chỉ chính xác theo từng vùng và đây là một nhược điểm lớn.

Loại TTL Meter đo ánh sáng phản xạ từ vật thể qua ống kính máy ảnh. Cách đo sáng này chính xác theo phương diện là nó sẽ nhận được ánh sáng từ vật thể có kể đến cả những thay đổi trên quãng đường đi. Nhưng nhược điểm của nó là bị ảnh hưởng mạnh bởi mầu sắc của vật thể cũng như độ sẫm, nhạt của nó. Như thế kết quả đo sáng sẽ không chính xác và ta cần áp dụng thêm hiệu chỉnh kết quả đo sáng (sẽ đề cập tới sau) Trong các máy SLR, dSLR cao cấp thường có 3 kỹ thuật đo sáng điển hình:
- Matrix hay Multizone: đây là kỹ thuật tiên tiến nhất cho phép máy ảnh thao tác đo sáng tại nhiều vùng khác nhau trên ảnh rồi sau đó so sánh với các trường hợp đo sáng được tính toán trước và lưu trong bộ nhớ, tiếp theo máy sẽ cho gia một kết quả hoàn chỉnh nhất. Nến nhớ rằng trước đây TTL Meter chỉ tính giá trị trung bình của toàn ảnh mà thôi.
- Đo sáng trung tâm: ta hay thấy phần dành cho đo sáng có ký hiệu hình tròn, chiếm khoảng 75% khuôn ngắm. Khi thao tác đo sáng thì máy sẽ chỉ tính toán các giá trị được thấy trong phạm vi giới hạn này mà thôi. Đây là phương pháp đo sáng đặc biệt hiệu quả với thể loại ảnh chân dung.
- Đo sáng điểm: tuỳ theo máy mà góc đo sáng "spot" thay đổi trong khoảng từ 1° tới 5°. Đây là phương pháp được các nhiếp ảnh gia Pro ưa chuộng nhất vì nó cho biết chính xác độ tương phản của ảnh và cho một khả năng sáng tạo vô cùng.

Cả hai loại thiết bị đo sáng này đều hoạt động dựa trên chuẩn cổng nghiệp "độ xám trung mình 18%". Hãng Kodak đã chế tạo "Grey Card" phục vụ cho nhu cầu đo sáng "chuẩn" này. Trong phạm vi bài viết này NTL chỉ muốn đề cập tới thao tác đo sáng ngoài trời với ánh sáng tự nhiên chứ không phải ánh sáng nhân tạo, rất chủ động, trong các studio.

Như đã đề cập tới trong bài viết #1 thì việc phân tích ánh sáng của một khuôn hình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sáng tạo. Dựa trên nguyên lý "Zone System" ta có thể chia độ tương phản của ảnh theo các cấp độ sau:

1. Tương phản yếu: khi độ chênh sáng giữa vùng sáng nhất/tối nhất nhỏ hơn 4 Ev. Trong trường hợp này thì sự can thiệp của kỹ thuật buồng tối với phim cổ điển sẽ đem lại cho ta độ tương phản cần thiết.

2. Độ tương phản trung bình: khi độ chênh sáng này là 5 Ev. Đây là một trường hợp căn bản và lý tưởng cho các loại ảnh.

3. Độ tương phản cao: khi độ chênh sáng lớn hơn 6 Ev. Với hoàn cảnh này ta sẽ bị mất chi tiết hoặc trong vùng ánh sáng cao, hoặc trong vùng ánh sáng thấp tuỳ theo lựa chọn ưu tiên. Việc xử lý từ thao tác tráng phim cho đến chọn loại giấy phóng ảnh có vai trò quyết định cho chất lượng ảnh.

Với kỹ thuật số ta hoàn toàn có thể áp dụng các nguyên tắc này và tiến hành chỉnh sửa thêm ảnh với các công cụ tin học. Với các cảnh tĩnh thì khi độ chênh sáng quá lớn, giải pháp hoàn hảo nhất là chụp 2 kiểu ảnh riêng biệt rồi ghép lại với nhau. Bạn nên nhớ rằng nếu ảnh gốc đã mất chi tiết thì không một phần mềm nào có thể tái tạo lại được chúng ngoài cách "copy & paste". Một giải pháp nữa có thể áp dụng là dùng thêm kính lọc ND với hệ số lớn.

Bây giờ ta hãy quay lại với kỹ thuật đo sáng dùng "TTL Meter" - loại thiết bị phổ biến nhất. Theo kinh nghiệm của riêng cá nhân mình thì NTL nhận thấy kỹ thuật "Matrix" hoàn toàn đáng tin cậy với điều kiện ánh sáng không trực tiếp, ánh sáng tản hay phản xạ. Khi độ chênh sáng cao thì đo sáng trung tâm là giải pháp linh hoạt nhất đồng thời cho phép ta thao tác rất nhanh. Cuối cùng là kỹ thuật đo sáng điểm "spot" đặc biệt dàng cho sáng tạo, chỉ có kỹ thuật này mới cho bạn biết cực kỳ chính xác lượng ánh sáng cần thiết cho tấm ảnh trong một hoàn cảnh tinh tế về ánh sáng.

Bên cạnh đó ta có thể dùng "Grey card" để đo sáng khi chụp ảnh phong cảnh chẳng hạn. Bạn chỉ cần để Grey Card trong cùng một ánh sáng chiếu chung cho cảnh chụp rồi tiến hành đo sáng trên đó bằng TTL Meter. Giải pháp này tránh được ảnh hưởng của mầu sắc trên chủ thể nhưng bạn cần làm hiệu chỉnh thêm kết quả đo sáng +1/2 Ev đến +1 Ev với các cảnh sáng mầu và -1/2 Ev đến -1 Ev với các cảnh sẫm mầu. Ngược lại, khi bạn đo sáng trực tiếp bằng TTL Meter thì với các ảnh sẫm mầu ta cần thao tác -Ev và +Ev với các cảnh sáng mầu. Lý do rất đơn giản: máy ảnh nhìn tất cả theo độ xám 18% nên nó "cho rằng" các cảnh sáng mầu là "thừa sáng" nên chủ động giảm bớt lượng sáng, ngược lại cho các cảnh sẫm. Nếu ta lấy vị dụ ảnh chụp than đen cần hiệu chỉnh kết quả đo sáng chừng - 2Ev thì một cảnh tuyết trắng có thể cần tới +2 Ev. Thao tác hiệu chỉnh kết quả đo sáng này đặc biệt quan trọng với ảnh macro khi chủ thể mầu sắc chiếm phần lớn khuôn hình. Với kinh nghiệm thực tế ta có thể thấy rằng mầu vàng cần +1 1/2 Ev; mầu tím sẫm hay đỏ sẫm cần -1 1/2 Ev...

Khi bạn gặp một tình huống ánh sáng quá phức tạp thì thao tác đo sáng trên lòng bàn tay sẽ là một giải pháp hay. Bạn chỉ việc hướng ống kính vào đó là xem kết quả của cặp "khẩu độ/tốc độ" nhưng nên nhớ rằng da tay phản xạ ánh sáng nhiều gấp 2 lần độ xám 18% nên ta cần giảm bớt đi -1 Ev để có kết quả đúng.

Trên đây là những nguyên tắc căn bản nhất mà bạn cần nhớ và thành thạo khi chụp ảnh. Không có một lý thuyết nào hiệu quả hơn kinh nghiệm thực hành, bạn cần tập luyện và tự rút ra bài học cho chính mình.

NTL hy vọng với chùm bài viết ngắn này đã giúp các bạn giải đáp được phần nào những thắc mắc khi đo sáng cho một tấm ảnh. Những thắc mắc, trao đổi sẽ giúp chúng mình cùng đi lên đấy.

"
Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên;
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ.