VĂN XUÔI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC ( I )
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 10 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 138 bài trong đề mục
tamvanvov 21.05.2010 17:49:31 (permalink)

 
Dùng dằng phận cối, nhọ nhem phận nồi
 
    Tạp văn của Nguyễn Chu Nhạc
          
Tôi về quê, giờ tiện lợi là có thể đi xe buýt, nhất là vào các dịp lễ tết đông người. Thường là xe chật cứng sinh viên và những người  làm ăn nơi đô thị gốc nông thôn về quê. Các chàng nàng làm quen, tán nhau toàn bằng ngoại ngữ, Anh, Pháp và cả Trung Quốc nữa. Bác tài mở radio làm vui, hôm ấy vừa đúng vào chương trình phát thanh Câu lạc bộ người cao tuổi. Biên tập viên Thanh Tùng đang điểm thơ các cụ. Trong rất nhiều bài thơ của các thi sĩ hưu trí, thi sĩ vườn ấy, tôi chú ý đến một bài thơ nói về tình nghĩa vợ chồng già ở quê, tác ví von so sánh cái việc mình xưa kia vốn trai tơ lấy vợ là gái nạ dòng lúc đầu như cái cối xay lúa bị sống, nhưng rồi ăn ở với nhau dần khăng khít, tình nghĩa như nồi đồng thủng hàn lại chít bằng lá khoai nước nhưng rất kín, nấu cơm chín nục… Thơ rằng :” …Ngày ấy tôi là trai tơ/ Còn bà gái góa, con thơ, nạ dòng/ Họ hàng làng xóm cười rằng/ Rõ cái cối sống xay không ra gì/ Dùng dằng duyên phận trôi đi/ Nghĩa tình chồng vợ khác chi nồi đồng/ Dù hàn, chít lá dọc mùng/ Thì cơm vẫn chín  theo cùng tháng năm…”. Nghe rồi, ngẫm thấy mộc mạc mà hay và hóm đáo để!...        
          Tôi có người chú họ hơn tôi vài tuổi. Nhà chú vào diện giàu có nhất vùng bây giờ. Cũng vợ chồng tay trắng mà dựng cơ đồ. Hồi nông dân còn đói kém, vợ chú tháo vát buôn gà quê ra bán phố chợ, có tý vốn, chú mua ngay cái máy xay xát gạo cũ của HTX nông nghiệp để không gỉ hoen thải ra, kỳ cạch sửa chữa rồi xát gạo thuê cho bà con trong làng, lấy công bằng thóc. Rồi cũng chú đi đầu mua máy cày bừa nhỏ làm đất thuê. Chưa hết,chú cũng là người đầu tiên ở quê tôi mở đại lý bán vật liệu xây dựng. Cứ thế mà phất lên… Chuyện làm giàu của nhà chú sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như nó không liên quan đến một chuyện khác đáng nói hơn, ấy là cái chuyện mất nghề đóng cối xay kia... Khi có phong trào sắm máy xay xát thì mấy ông phó cối mất nghề. Không có người thuê, song nhớ nghề thêm phần buồn vì nghề, mấy ông vẫn cố đóng cối cho mình dùng, kiên quyết bắt vợ con không nhà nào được mang thóc đi xát máy. Đến lúc cả mấy ông phó cối già ốm bệt giường và dần qua đời, cánh trẻ trẻ không ai theo nghề, thế là nghề đóng cối ở vùng quê tôi mất hẳn. Thế nên có thể xem chú là người đầu tiên gián tiếp kết liễu nghề đóng cối ở vùng quê tôi.
          Chuyện ngày trước, mỗi xã chỉ có dăm ba ông biết nghề đóng cối. Lẽ dĩ nhiên, trình độ lành nghề của các bác phó cối cũng cao thấp khác nhau. Người nào giỏi nghề thì quanh năm không hết việc. Nhà nào muốn đóng cối phải đăng ký trước cả tuần, thậm chí nửa tháng mới đến lượt và hôm ấy, nhà như có việc hệ trọng. Tôi nhớ, ngày ấy, nhà tôi có nghề làm bánh đa nên cần nhiều gạo lắm. Cứ già năm là phải đóng lại rồi. Buổi đó, bố tôi dậy sớm đun nước đổ phích đợi bác phó cối. Khi bác phó đến, chủ thợ uống tàn tuần trà bác phó mới bắt tay. Lúc ấy bố tôi mới nhắc mẹ tôi chợ búa mua đồ nhắm làm cơm trưa cho bác phó. Về công việc, trước tiên mặt cối thớt trên thớt dưới đều được phá bỏ, chỉ trừ lại phần khung nan tre. Sau đó, bác phó mới lấy nguyên liệu mang sẵn đựng trrong đôi bồ nhà nghề của mình, ken lại phần vỏ cối những chỗ nan bị mòn vẹt. Kế đến là phần làm đất. Vì đất làm cối phải là loại đất thịt dẻo mịn không dễ có nên bác phó thường tận dụng lại đất cối cũ, phải đập nhỏ nhặt hết dăm cũ, nhào nước đánh nhuyễn lại, nếu thiếu thì mới thêm. Khi phần nền đất cối được ghép nện bám chắc vào vỏ áo cối, mới đến khâu chêm dăm cối. Đây là phần khó và tỉ mỉ nhất thể hiện tay nghề của bác phó. Gỗ làm dăm cối thường là loại gỗ nhãn hoặc mít. Để có dăm cối, bác phó phải lùng mua những cây nhãn, mít cỗi về cưa khúc ngắn, lựa phần gỗ tốt chẻ dăm theo thớ dọc, sao cho dăm thật dóc, không tướp,  cứng những không giòn, đem phơi khô đủ độ, mang cất dùng dần. Lúc chêm phải cẩn thận chia mặt cối theo hàng lối, răng không cao không thấp, bởi nếu răng cối nhô cao và hàng thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành hạt gạo, còn như răng thấp và hàng mau thì cối bí, chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm hết. Chêm xong rồi phải bắc cối, đổ vài giá thóc vào xay thử, nếu đạt yêu cầu thì thật may, còn không thì lại phải chêm đi chèn lại nhiều lần mới xong. Lẽ dĩ nhiên, với bác phó lành nghề thì thường chỉ điều chỉnh tý chút là được. Cối đóng xong, phải đạt mấy tiêu chuẩn như xay phải nhẹ mà chảy khá nhanh và đều, thóc chín và hạt gạo không giập gãy. Đấy là khâu kỹ thuật, còn chuyện phục vụ bác phó sao cho bác vui vẻ, hài lòng mà làm cho tốt cũng khá nhiêu khê. Thường là giữa buổi sáng, chủ nhà pha thêm tuần trà mới để bác phó nghỉ tay uống nước, bắn vài ba điếu thuốc lào ngả nghiêng cho đã rồi mới tiếp. Trưa cơm rượu rôm rả chủ thợ. Rồi lại tuần trà nghỉ cho xuôi cơm với đôi câu chuyện phiếm.Cũng phải đẫy ngày mới hoàn tất. Công xá thì đã có quy định rồi.. Bảo chuyện đóng cối là hệ trọng bởi nhà nông lấy bát cơm vào miệng làm đầu, nên cái cối xay mới được nâng tầm lên. Người ta kiêng không đóng cối vào dầu năm mới, mà thường từ giữa năm trở đi cho đến giáp tết. Sở dĩ vậy là còn vì tục kiêng kỵ cổ truyền ở nhiều vùng quê, là nếu làm vào đầu năm mà cối sống hoặc bị sao đó là rông cả năm, là điềm báo mùa màng, làm ăn thất bát, nên tránh.
          Vậy là nghề đóng cối xay lúa ở vùng quê tôi mất hẳn, có chăng chỉ còn trong ký ức của mọi người. Còn có một nghề nữa cũng bị xem là mất, đó là nghề hàn nồi. Người Việt mình xưa nay vốn chỉ dùng đồ đồng, tử vật gia dụng như nồi đồng, sanh đồng, thau đồng, mâm đồng, âu đồng đến đồ thờ tự như giá nến đồng, đỉnh đồng… Song có lẽ, trong số đó thì họ hàng nhà nồi đồng là đông đảo hơn cả, nào những nồi ba, nồi bảy, nồi mười, nồi hai mươi, nồi ba mươi, nồi năm mươi… Nồi đồng dùng lâu ngày thì mòn vẹt, han gỉ ( oxy hóa ) mà thủng. Thủng thì phải hàn để dùng nữa, ấy vậy mới sinh ra cái nghề hàn nồi. Khác với nghề đóng cối xay lúa, đồ nghề của thợ hàn nồi gọn nhẹ hơn, chỉ cần đựng trong chiếc bị cói là đủ, với vài chiếc búa lớn nhỏ, chiếc đe, chiếc kìm chuyên dụng cắt kim loại và mớ đồng lá vụn lấy từ những nồi đồng cũ nát bỏ đi. Khi hàn, trước tiên người thợ phải đánh sạch muội than và han gỉ quanh chỗ thủng, rồi cắt khoét  sao cho gọn mép chỗ thủng hình tròn hay bầu dục. Kế đó cắt miếng đồng vá to hơn chút ít, dùng kéo cắt tỉa hàng chân rết xung quanh rồi bẻ vuông quặt vuông góc, luồn miếng vá từ trong lòng nồi ra phía ngoài đáy nồi, và dùng búa tán chặt hàng chân vào đáy nồi. Đến đây, có một khâu quan trọng không thể quên, đó là người thợ hái nắm lá khoai nước, khoai môn hoặc dọc mùng chi đấy trong vườn nhà chủ, rồi đánh quết vào quanh vết hàn. Chất nhựa nhớt của lá chít chặt các kẽ hở li ti quanh vết hàn. Sau đó mới đổ đầy nồi nước để thử. Nếu để một lát mà không thấy rò rỉ là được. Sau một thời gian đun nấu, muội than sẽ củng cố thêm chặt vết hàn. Hàn thì không khó, song trình độ lành nghề của người thợ hơn nhau ở chỗ bền lâu hay chỉ một thời gian là rò rỉ lại. 
          Thợ hàn nồi không có sẵn ở mỗi làng quê mà phần lớn họ từ các làng nghề đúc đồng. Họ lang thang hành nghề khắp thiên hạ, song cũng thường chỉ ở một số vùng quê quen thuộc. Cứ hết làng này sang làng khác, đi tua, có khi vài ba tháng, thậm chí nửa năm mới quay lại một lần.  Nhà nào có nồi, sanh thủng thì cứ đành xếp xó đợi đến khi nào đường làng vang lên tiếng rao buồn buồn “ Ai hàn nồi đơ…ơ…[font=.vntime] ơi …”, mới gọi thợ vào. Rồi già trẻ lớn bé xúm vào xem bác thợ hàn nồi, nhà này nhà nọ chờ đón sẵn rước về nhà mình tạo nên cảnh vui đáo để. Ở quê tôi, ngày trước, cứ vào mỗi dịp cuối năm, bao giờ cũng thế…Giờ đây, dù đã xa rồi mấy chục năm không thấy nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh ông thợ hàn nồi đôi bàn tay lấm lem muội than và trên khuôn mặt khắc khổ lấm tấm mồ hôi nhọ nhem đôi ba quết muội... Đời sống xã hội khấm khá lên và thay đổi nhanh đến chóng mặt. Dân quê cũng toàn xoong nhôm, xoong inox như dân phố, có chăng nồi đồng to chỉ để nấu cám lợn. Thế là nghề hàn nồi cũng đi luôn !...        

          Thời đại mới, sẽ có nhiều nghề mới hình thành, trong khi đó nhiều nghề cổ truyền của một xã hội nông nghiệp xưa đã và sẽ mất dần. Mấy năm gần đây, hằng năm đây đó có tổ chức những triển lãm làng nghề, song chủ yếu vẫn là các nghề thủ công mỹ nghệ, liên quan đến việc quảng bá và phát triển du lịch thôi, còn những nghề thuần túy của đời sống xã hội xưa cũ thì chưa thấy. Mà chúng thì cứ mai một, khuất dần vào quên lãng. Chợt tự hỏi, sao đến giờ Việt Nam mình vẫn chưa có một bảo tàng nghề nhỉ ?!...
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2021 19:13:12 bởi tamvanvov >
#1
    tamvanvov 04.06.2010 09:37:36 (permalink)
     
                                                                                        Oi nước lên
          
                                                                                                                                Tạp văn của Nguyễn Chu Nhạc
             
              Mùa hè Hà Nội, trời oi nồng. Mỗi khi nghe ai đó ta thán rằng trời oi bức khó chịu quá, tôi lại buột miệng giải thích " Oi nước lên ấy mà ". Thực ra, tôi chỉ lặp lại câu nói mà cha mẹ tôi hay nói ngày trước. Ngày ấy, còn ở độ tuổi đi học, tôi đã từng được nghe cha mẹ tôi nói về oi nước lên. Khi đó, làng quê chưa có điện, để giải nhiệt những cơn nắng nóng oi nồng, người dân quê chỉ biết trông chờ vào những chiếc quạt nan, quạt mo, những cơn gió đồng tươi nguyên lúc chiều hôm, rồi những gàu nước giếng trong mát, những phút giây đắm mình bơi lội dưới dòng sông quê, và cả bằng những món ăn dân dã như canh cua mồng tơi mướp hương, canh rau tập tàng, rau dền luộc...
              Cứ nghe người lớn ta thán những ngày oi nước lên, có lần tôi đã hỏi cha mẹ, oi nước lên là oi như thế nào. Mẹ tôi bảo, là do mưa nhiều ở thượng nguồn nhưng đồng bằng mình lại không mưa nên nồng oi khó chịu. Còn cha tôi thì giải thích cặn kẽ hơn, rằng những ngày ấy trời mưa nhiều ở thượng nguồn, mãi từ vùng cao nguyên Tây tạng, nơi khởi nguồn của những con sống chảy trên đất Việt mình, thêm nữa cùng lúc đó, ngoài khơi biển Đông thường hay có các cơn bão lớn nhỏ, thế là hai vùng không khí ấy chèn ép gây nên sự oi bức ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Còn nước lên ư ? Là do mưa nhiều nơi đầu nguồn nên nước đổ về hạ lưu rất lớn, mực nước các con sông ở Bắc và Trung Bộ lên nhanh và cao ở mức báo động, đe doạ vỡ đê, trong khi ở đồng bằng vẫn không có hoặc ít mưa. Ấy là oi nước lên đấy. Cha tôi còn chỉ tay ra con sông quê nước dâng ngầu đỏ bảo, quê mình ở xa sông Cái và các con sông lớn khác mà nước đổ về còn thế nữa là... Rồi cha tôi hồi tưởng và kể rằng, ngày xưa nữa, những ngày oi nước lên thế này, những làng xóm dọc triền các đê lớn trống từ điếm canh đê giục thì thùm suốt ngày đêm, chùm sự lo âu phấp phỏng lên đầu người dân, nhất là đám dân nghèo nỗi sợ vỡ đê mất mùa mà sinh đói kém bệnh dịch.
              Nghe người lớn nói thì biết vậy, chứ tuổi học trò có nghĩ xa xôi gì đâu. Đám trẻ chúng tôi chỉ thấy toàn những vui thú, vui vì nước sông về to đem lại bao nhiều là trò vè. Nào là chiều hè tắm sông, lũ trẻ tha hồ leo lên cành đa, cành vối ven bờ xòa trên mặt nước thi nhau bông nhông từ trên cao xuống sông bơi lội thoả sức. Rồi là nước to tràn vào các cừ nước nhỏ, mương máng, rạch ao đầy ăm ắp và cá mú từ sông Cài cũng theo nước mà về . Lũ trẻ chúng tôi chỉ cần buông câu nơi rạch nước là có thể câu được những chú cá ngão kếch xù , những chú cá trôi, hoặc chép nhỡ. Thêm nữa, cá vào đồng sinh sôi nảy nở, khi nước còn xăm xắp thì đánh rọ rô, đến cuối thu đầu đông, gặp vụ mùa xong rồi, tha hồ tìm vũng nước, ổ nước trong đồng cỏ rối lẫn gốc rạ mà bắt cá. Còn thú nữa là săn tìm nấm. Thường là sau mỗi đợt oi nồng trời mưa dấm dẳng, thế rồi nơi góc vườn, vùng đất ẩm chân đống rơm đống rạ, nấm rơm đội đất nhú lên trắng mởm từng vạt. Tha hồ hái về nấu canh hoặc xào tái rất ngon. Rồi dọc các triền mương, bờ sông, nấm cỏ lác đác lên từng ổ lổn nhổn như quả trứng, nắm tay, nhặt về bóc đi lớp vỏ mỏng xắt ra kho mỡ ăn khá ngon, thêm vào bữa ăn hằng ngày đỡ phần đơn điệu mà lại bổ dưỡng.
              Dịp oi nước lên năm nay, tôi có chuyến đi Tây Bắc. Mới đến Kỳ Sơn men bờ sông Đà cuồn cuộn đỏ đã hình dung ra sức nước nơi thượng nguồn sẽ đến cỡ nào. Rồi ngược dốc Cun sang Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, lên tiếp Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn đến Sơn La. Suốt chặng đường núi, trời chợt nắng chợt mưa, những cơn mưa bất ngờ mù trời sầm sập nước. Mưa tạnh song những thác nước vẫn không ngừng từ trên cao dội xuống vách núi đá trắng xóa. Thác xuống khe, nhiều khe nhỏ thành ngòi, rồi trăm ngàn ngòi dồn hết vào sông vào hồ thì làm gì mà nước chẳng cả. Nhiều ruộng vườn nơi thung sâu ngập trắng. May mà còn nương rẫy cao, nhà ở của bà con người Thái, người Mường, người Dao toàn nhà sàn, và nhà bà con người Mông thì chênh vênh trên vách núi nên cũng không mấy phương hại. Bà con cũng nương theo đó mà tìm kế sinh nhai, xuống suối săn bắt cá, lên rừng kiếm măng tươi, hái rau bò khai đem bán, thôi thì tùng tiệm thêm thắt ít đồng... Song vẫn còn đấy nỗi lo sạt đất, lở núi và lũ ống, lũ bùn khi mà rừng đã bị tàn phá nhiều. Dọc đường đi, lại liên tục nghe cập nhật tin bão ngoài biển Đông. Bão cứ rình rập trườn dọc bờ biển từ Nam ngược ra Bắc như trêu ngươi, và mới có vậy mà mưa lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử ở các sông vùng Trung Bộ, gây bao lo âu phiền toái và cả thiệt hại nữa.
              Người xưa bảo, trời nào cảnh ấy, mùa nào thức ấy. Cuộc sống nơi thôn dã, chốn sơn lâm thời điểm oi nước lên có khó chịu đấy song cũng đầy thú vị riêng .
             
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.06.2010 09:38:39 bởi tamvanvov >
    #2
      tamvanvov 29.06.2010 16:05:33 (permalink)
                            Tàu điện, giao thông hay là văn hóa ?
                                                  

             
                 Tôi nhớ, vào những ngày cuối cùng của năm 2006, có hai thông tin gây nên trong tôi cùng một xúc cảm . Đó là, Hà Nội công bố khởi công xây dựng ga đầu mối tuyến metro đầu tiên tại Nhổn và Paris khánh thành tuyến xe điện nổi dọc theo bờ sông Xen.
                Sở dĩ hai tin ấy lại gây cho tôi một cảm xúc chồng lấn là bởi, tôi đã có cả một thời tuổi thơ sống với xe điện Hà Nội và nhiều ngày lặn ngụp trong những tuyến metro ngầm của Paris. Thêm nữa, lại đặt trong bối cảnh khi mà cái lối giao thông, nhất là giao thông đô thị, Việt Nam mình chẳng giống ai...
                Trở lại mươi năm trước, tôi cùng đồng nghiệp báo chí có vài tháng trời ngang dọc Paris khi theo một khóa tu nghiệp, và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi chọn một phương thức đi lại duy nhất, rẻ tiền và tiện lợi nhất là metro. Paris có cả thẩy 13 tuyến metro ngang dọc chằng chịt, đó là chưa kể những tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ) nối với các tuyến metro và hàng trăm tuyến xe buýt. Tôi thuê nhà ở của Việt kiều tại vùng ngoại ô phía Đông là Montreuil nên tuyến metro hằng ngày chúng tôi đi học và đi thực tế hoặc đi chơi cuối tuần là tuyến số 9, khởi nguồn từ ga đầu tiên phía đông - Marie de Montreuil. Còn như muốn đi đâu đó khắp Paris, vào đến ga đầu mối Nation, là có thể đổi sang tuyến số 1, số 2, số 6, và khi sang một trong ba tuyến ấy, đến các ga đầu mối khác lại có thể đổi sang một vài tuyến mới. Cứ như vậy, nếu không trồi lên mặt đất và khéo chọn tuyến, ta có thể cả ngày chui trong lòng đất Paris chỉ với một vé vào cửa ban đầu. Lẽ dĩ nhiên, khi bước sang lãnh địa của RER thì phải trả thêm vé vào cửa khác ( nếu không sẽ bị phạt, 100 franc cho một lần vi phạm ) và ngay cả khi ta không để ý loanh quanh thế nào cũng dễ vấp phải cửa ngăn cho một lần trả vé khác (đấy là cái tài của các nhà quy hoạch và quản lý hệ thống này ). Với những ai chưa từng đi, sẽ hỏi, chui rúc dưới đó không thấy được cảnh sắc phố phường thì có gì lý thú? xin thưa, đấy là cả một thế giới sống động, đơn giản bởi trước hết, có đến già nửa dân Paris và ba phần tư khách du lịch chọn hình thức giao thông này. Tôi luôn giữ ấn tượng về những dòng người tuôn chảy vội vã nửa đi nửa chạy trong những lối đi ngầm khi đổi tàu, nhất là lúc trồi lên mặt đất, rồi đó là những biển quảng cáo sắc màu trăm thứ bà giằn, những siêu thị liên thông, những ban nhạc rong, những kẻ thất nghiệp xin tiền và cả những tên láu cá trộm cắp vặt v.v... Bằng metro, ta có thể đến hầu như tất cả các điểm du lịch hoặc mua sắm, ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris như : tháp Eiffel, vườn hoa Luxembourg, Khải Hoàn Môn trên quảng trường Charles de Gaull - đại lộ Champs Elysses, Bảo tàng Louvre, điện Tuileries và Versailles, Nhà thờ Đức Bà ( Notre Dame des Champs), Tòa Thị chính; rồi nữa là toà nhà chọc trời Montparnasse, đồi Montmartre với khu chợ tranh nổi tiếng, khu chơi bời St. Denis, Pigal v.v....
                Dạo ấy, mỗi khi ngồi trên metro vun vút trong lòng đất Paris, tôi lại nhớ về những tuyến xe điện thô sơ leng keng đi về sớm tối với những tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ, Bờ Hồ- Hà Đông, rồi Yên Phụ, Bưởi, Vọng của Hà Nội thuở nào, mà cũng lại do người Pháp khởi nguồn từ thời Pháp thuộc. Ngày nhỏ, nhà tôi ở ngõ Trúc Lạc trên phố Phó Đức Chính, thế là mỗi khi đi đâu, tôi lại được bố mẹ, các chị dắt đi tắt qua ngõ Năm Gian ngược dốc lên đê Yên Phụ để đi tàu điện. Cứ thế leng keng, những chuyến tàu cũ kỹ đi về suốt tuổi thơ tôi , và nó càng da diết khi gia đình tôi rời thành phố về quê Hưng yên sinh sống. Leng keng, bền bỉ, nhẫn nại khuya sớm tàu điện suốt cả thời bom đạn Mỹ, mãi đến yên hàn thống nhất đất nước... Rồi tuổi sinh viên tôi lại lấy đó là phương tiện đi lại chính với những kỷ niệm khó quên của những lần trốn vé, nhảy tàu ...
                Hồi đó, ở Paris- trung tâm văn hoá văn minh châu Âu, tôi chưa có gì để so sánh ngoài chút hoài niệm về tàu điện Hà Nội. Gần đây, tôi đi công tác Nhật Bản, và với chục ngày ở Tokyo, tôi lại chọn phương tiện đi lại chính cho mình ở thủ đô hiện đại nhất châu Á này, metro. Lúc ấy, tôi đã có cái để mà so sánh, không, để mà nhớ về thì đúng hơn , ấy chính là metro Paris. Tokyo cũng có 13 tuyến metro, song có cảm giác nhiều tuyến nằm ở độ sâu hơn so với metro Paris. Thắc mắc ấy được một người quen của tôi, tiến sỹ y khoa Junichi Inaba giải thích, những tuyến metro nằm rất sâu đó là của tư nhân, bởi chính phủ Nhật Bản có chính sách khuyến khích đầu tư trong dịch vụ giao thông này bằng cách miễn thuế tài nguyên cho những công trình ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, người Nhật khác người Pháp, khi di chuyển trên metro, họ lại xem đấy là những giây phút hiếm hoi để thư giãn nghe nhạc hoặc chợp mắt ngủ. Dấu hiệu của một xã hội công nghiệp phát triển quá mức chăng ?
                Rõ ràng, metro không chỉ là dấu hiệu của một xã hội  công nghiệp văn minh, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giảm ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông đơn thuần mà còn có bóng dáng của văn hóa. Với người Pháp, với hệ thống metro văn minh như vậy, song họ lại cho sống lại một hệ thống tàu điện nổi dọc bờ sông Xen, thì ngoài việc góp phần giảm lượng xe hơi, tăng hiệu quả giao thông, giảm ô nhiễm, có một mục đích nữa nhắm tới là văn hóa-du lịch. Du khách đến Paris, có lẽ nào lại tiếc tiền mua một tấm vé lên chuyến tầu điện du ngoạn, ngắm cảnh sắc đôi bờ sông Xen ?!
                Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Với tình trạng giao thông quá tải , lộn xộn và ô nhiễm nặng của Hà Nội hiện nay, tôi đã từng mơ đến một ngày kia xa vời là có metro. Giờ thì giấc mơ ấy không còn vô vọng nữa, dù vẫn phải chờ đợi lâu. Nhưng tàu điện nổi, Hà Nội đã từng có một thời , sao lại không hồi sinh bây giờ nhỉ ?
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.06.2010 16:07:25 bởi tamvanvov >
      #3
        tamvanvov 03.07.2010 09:45:32 (permalink)
                            Đền thờ Minh Trị thiên hoàng, điểm du lịch kỳ thú
         
                                                                   Du ký của Nguyễn Chu Nhạc                
         
                  Nếu đứng trên sân thượng Tòa thị chính Tokyo cao 45 tầng  phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng, đều bắt gặp muôn vàn những khối nhà cao thấp thuần như một gam  màu lạnh, chen chúc lô xô ken đặc không gian, ta ngỡ Tokyo hiện đại nhưng khô cứng, chán ngắt. Nghĩ vậy là ta đã nhầm. Đường phố Tokyo rợp bóng cây xanh, toàn là phong và liễu, thêm một vài loài cây thân gỗ lá nhỏ đặc trưng vùng ôn đới mà du khách phương xa không biết gọi tên gì…
                  Cứ theo bóng liễu, bóng phong mà đi, du khách len lỏi dưới những khối nhà của cái thành phố gần 13 triệu dân và trải dài hơn trăm cây số này, có thể tìm thấy một rừng cây tuyệt đẹp giữa hai quận Shinjuku và Shibuya ngay trung tâm thành phố. Đó là khu đền thờ Minh Trị thiên hoàng. Người Nhật Bản tôn kính và biết ơn vị vua này, ông lên ngôi năm 1868,  người đã khởi xướng phong trào canh tân, với tinh thần tự cường song rất chú trọng việc học hỏi văn minh Âu Mỹ, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh. Bởi vậy người dân mới dựng đền thờ xem như một  vị thần linh có công với dân tộc. Song khoan nói chuyện đó, ta hãy xem khu đền thờ này như một công trình văn hóa du lịch đặc trưng của Tokyo có sức hấp dẫn du khách cỡ bậc nhất. 
                  Nếu đem ví với Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Việt Nam thì thật không đúng lắm ( bởi Văn Miếu- Quốc Tử Giám  thờ Khổng Tử-ông tổ của Đạo Nho và là trường đại học cổ xưa nhất của VN ), còn đây lại thờ một vị vua khai sáng, song quả thật không có gì để so sánh tương đồng, nên ta cứ tạm coi từa tựa như vậy. Về diện tích thì khu đền này rộng hơn nhiều lần ,có rừng cây rậm rạp nhưng về lịch sử tồn tại chỉ bằng 1/10, nghĩa là gần  trăm năm thôi. Điểm chính của công trình văn hóa du lịch này là đền thờ Minh Trị thiên hoàng ở mặt chính và Minh Trị thần cung hội quán ở phía sau. Đền thờ chính được xây cất toàn bằng gỗ bốn mái theo kiến trúc truyền thống của Nhật Bản,và cũng gồm hai phần tiền điện, chính điện  Dọc lối vào, du khách bắt gặp từng hàng đèn lồng được xếp cao như bức tường lớn. Đây là những đèn lồng được làm theo kiểu truyền thống do người dân tự nguyện mang đến hiến cầu may, nên trên mỗi chiếc đèn đều có chữ viết, dấu ấn của riêng người hiến. Phần tiền điện cũng thuần bằng gỗ, hai tầng, có cổng rộng đề vào sân chính điện. Qua khoảng sân rộng là bái đường thuộc chính điện với cánh hai cánh cử gỗ dày nặng. Trên những cánh cửa gỗ và cả đôi cột gỗ hàng hiên chi chít những vết hằn. Đây là dấu tích của những đồng tiền xu do  người dân ném vào cầu may, mỗi đầu năm mới, khi cổng đền được mở cho người dân vào viếng. Bên trong bái đường, nơi thần dân và du khách bốn phương đến thăm viếng đứng bái vọng, là những chiếc bàn gỗ có hòm phía dưới đựng tiền của người lễ ( kiểu như hòm Công Đức trong các chùa chiền, đền miếu ở ta ). Đáng chú ý và khá lý thú là ở hai bên bái đường, phía trái là nơi để rượu hiến tế của người dân, với hàng ngàn  chai rượu dân tộc đặc sản từ nhiều vùng của Nhật Bản được người dân mang đến lễ ; còn bên trái, là nơi treo các thẻ gỗ trên đó viết những điều ước vọng bằng các thứ ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc của các thí sinh cầu may trước mỗi kỳ thi cử ( cứ từ tựa như kiểu thì sinh đến Văn Miếu thắp hương lễ thánh cầu may trước mùa thi ở Việt Nam vậy ).
                  Hôm ngươi viết bài này đến thăm đền là chủ nhật. May mắn là đúng dịp đó có Triển lãm Cúc hoa . Những chậu hoa cúc tuyệt đep, được tuyển lựa từ những người chơi hoa cúc đem đến trưng bày, chẳng hiểu họ có chấm điểm trao giải hay không ? Bên cạnh nhiều loài cúc ta thường thấy ở Việt Nam thì còn có một số loài cúc đặc trưng Nhật Bản, thân bụi hoa nhỏ trông rất lạ mắt được trồng trong chậu cảnh công phu. Cũng hôm ấy, có một đám tế lễ tại đền. Người chủ tế cao niên phục trang theo lối truyền thống màu trắng toát, những người phụ tế cũng  vậy, còn  lại những người tham gia đoàn tế phần đông đều ăn vận theo lối  truyền thống cả. Đoàn tế nghiêm chỉnh tiến vào với dàn nhạc dân tộc phụ họa, nghe na ná nhạc Lưu thủy, Hành vân của ta. Có cảm giác, văn hóa Nhật Bản được biểu hiện trong tôn giáo, tín  ngưỡng và cả trong đời sống xã hội có sự hòa nhập của ba yếu tố Nho-Phật- Thần đạo, pha trộn thêm chút tinh thần của võ sĩ đạo ( Samurai ). Ấy cũng làm nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, và vì thế càng thêm hấp dẫn về khía cạnh du lịch…
         
                 
        #4
          tamvanvov 05.07.2010 08:52:11 (permalink)
                                Công viên hành chính Hibiya và khu Hoàng cung
           
                                                           Du ký của Nguyễn Chu Nhạc
           
                                                                 
                   Thủ đô Tokyo có cả thẩy 23 quận, song chỉ có mấy quận thuộc trung tâm là các quận Shinjuku, Tokyo, Shibuya, Ueno, Ikebukuro…Khu trung tâm này ken đầy đặc các tuyến metro ngang dọ sâu lòng đấtc…Nếu xem quận Shinjuku na ná như quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội ) bởi đây được coi là trung tâm thương mại sầm uất, thì quận Tokyo lại tương đồng với quận Ba Đình, trước hết vì ở đây tập trung hầu hết trụ sở của Chính phủ, với văn phòng và 12 bộ , cùng Nhà Quốc hội.Khu vực này có mấy tiều khu quan trọng, đó là khu Kashumi Gaxeki - khu hành chính thuộc tiểu khu Chiyoda, Hibiya-công viên cây xanh, khu Akasuku- nơi nhiều quan chức chọn định cư, khu Hoàng cung và Lâu đài công chúa…
                    Công viên Hibiya nằm giữa khu hành chính bởi bao quanh nó là trụ sở của mấy Bộ ngành, và cả Toà nhà Tam giác trụ sở Quốc hội. Trong lòng đất khu vực này, có đến dăm tuyến metro giao nhau như Oedo line, Mita line, Hibiya line, Chiyoda line, Yurakucho line, Marunouchi line. Công viên không lớn, nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng, song xinh xắn và rất nên thơ. Cổng chính của Tòa nhà số 5, nơi đặt trụ sở của Bộ Y tế-Lao động & Phúc lợi, Bộ Môi trường và một phần của Văn phòng Chính phủ đối diện với một cổng của công viên Hibiya. Giờ nghỉ trưa hôm chúng tôi đến làm việc tại đây, bác sĩ Junichi Inaba- chuyên viên Hợp tác quốc tế của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản đưa chúng tôi vào thăm công viên. Công viên lúc này khá đông người, thuần một màu rất " viên chức ". Anh Inaba giải thích, thường mỗi buổi trưa, công viên này rất đông người đi dạo, phần lớn toàn công chức tranh thủ giờ nghỉ trưa, sau bữa ăn nhanh đồ ăn  mang theo hay tại căng-tin công sở. Đi dạo một mình thư giãn, hoặc theo tốp để nói chuyện phiếm và có thể là bàn bạc thêm về một vài vấn đề nào đó. Tôi chợt nghĩ về những bữa trưa tràn đầy không khí nhậu nhẹt của nhiều  viên chức xứ mình mà thầm so sánh…Chẳng biết người Tokyo gọi thế nào, song chúng tôi bảo nhau có thể coi công viên Hibiya như một công viên hành chính. Công viên không lớn , rất nhiều cây song lại tạo cho du khách cảm giác thoáng rộng, thoải mái, bởi cấu trúc chia ô, chia khu với vô vàn các lối đi nhỏ dẫn vào các thảm cỏ, lùm cây. Kề bên các lối đi thường là các loài phong, liễu và những loài cây thân thảo, sâu bên trong mới là các loài cây thân gỗ. Đó đây là các hồ nước nhỏ, cầu vòm dẫn vào các đình, tạ được xây cất theo lối truyền thống, khiến người ta dễ liên tưởng đến cảnh quan phim trường Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc. Rất nhiều ghế đá và các tảng đá mang các hình thù khác nhau được bố trí rải rác khắp vườn vừa để cho du khách ngồi nghỉ, lại vừa như tạo dáng. Thảm cỏ vườn được trồng tỉa cẩn thận, và hình như còn có một số loài địa lan, gây nên cảm giác thơm tho, sạch sẽ như tranh vẽ. Chốc chốc lại bắt gặp một người cao niên cắm cúi với bảng màu và bút lông trong tay mê mải vẽ. Thời tiết cuối thu se lạnh đã phủ lên khu vườn một màu vàng chanh đó đây nơi các lùm cây…Ngẫm lại thấy tiếc cho những công viên Bách Thảo, Thống Nhất ở xứ mình !…
                    Ra khỏi công viên Hibiya, lại bách bộ thêm một đoạn đường nữa là khu Lầu công chúa với hồ nước bao quanh với mấy đôi thiên nga trắng toát nhẩn nha gù nhau. Ngang đây là một quảng trường và đại lộ dẫn thẳng đến khu Hoàng cung. Cũng như những hoàng cung, cung điện, thành lầu của nhiều triều đại phong kiến Á Đông, Hoàng cung Nhật bản được cấu trúc với vòng ngoài bảo vệ kiểu tường cao-hào sâu. Một chiếc cầu vòm cuốn cổ dẫn vào cổng chính diện, Du khách chỉ có thể nhìn vọng từ xa vào cổng thành hai tầng màu sẫm thâm nghiêm với đôi vọng gác cùng hai người cận vệ trang phục trắng toát đứng im như tượng, và sâu tít bên trong với nhấp nhô vòm mái, lầu các và cây cối mà thôi. Bên ngoài là lối sỏi rộng rênh, cùng khu rừng thưa kéo dài từ trước khu Lầu công chúa vắt ngang đến tận chân Hoàng cung, trồng thuần một  loài thông tán xanh rì. Một hàng những viên sỏi khổng lồ xếp cách đều nhau làm thành chiếc ba-ri-e chắn lối vào phía sau trông khá lạ mắt và gây cảm giác thích thú cho du khách. Thảm cỏ phẳng lỳ, rải rác đó đây có người nằm ngủ ngon lành dưới tán thông. Lác đác các cụ già ăn vận trang phục cổ, dắt chó cảnh dạo chơi trên những lối đi. Xa xa, tháp truyền hình Tokyo in lên bầu trời, như tạo dáng cho khung cảnh nơi đây. Và tất cả làm  nên một bầu không khí thanh bình, nhàn nhã…
                    Không riêng gì du khách từ phương xa tới Tokyo,  theo anh Inaba cho biết, thì ngay chính những người dân của Tôkyo, thậm chí những người sống hoặc làm việc hằng ngày  quanh khu vực này cũng cảm thấy yêu thích cảnh sắc tuyệt đẹp và thanh nhàn đó !…
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.07.2010 08:54:10 bởi tamvanvov >
          #5
            tamvanvov 10.07.2010 11:56:14 (permalink)
                                                                                                                        Hệ thống Metro
                                                                    & du lịch thương mại Tokyo
             
                                                                                                                            Du ký của Nguyễn Chu Nhạc
                                         
                                                       
             
                      Người nhận đón và hướng dẫn chúng tôi từ sân bay quốc tế Narita về trung tâm Tokyo là một sinh viên Việt Nam tên Chiến, sang Nhật đã 4 năm nay. Chiến đưa chúng tôi xuống tầng hầm nhà ga sân bay vì ở đó thông luôn với ga xe lửa ngoại ô. Chiến cho biết là sẽ phải đi một chặng dài bằng xe lửa ngoại ô, rồi đổi thêm vài chặng metro nữa mới đến nơi đoàn chúng tôi ở thuộc quận trung tâm Shinjuku. Đây là phương tiện giao thông tiện lợi nhất, rẻ nhất và có thể nhanh nhất ở Tokyo. Thế rồi, cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ lên xuống lặn ngụp trong hệ thống metro , chúng tôi mới chồi lên mặt đất ở ga Wakamatsu ( hiểu nghĩa là Ga cây Tùng non ).
                      Cách đây vừa tròn 9 năm, tôi và mấy đồng nghiệp ở Đài TNVN đã có dịp lặn lội gần 2 tháng trời ngày ngày trong hệ thống Metro ở Paris ( Pháp ) khi tham gia một khoá đào tạo báo chí, nên tôi không lạ gì cấu trúc và một số nguyên lý tìm tuyến, đi lại trong đó. Ấy vậy mà, khi đứng trong ga metro của Tokyo vẫn bị cái giác lạ lẫm của anh nông dân lần đầu tiếp xúc với công nghiệp hiện đại. Hình như là hệ thống này nằm sâu trong lòng đất hơn và cũng rối rắm hơn. Quả vậy, đi lại vài lần, mới thấy cảm giác lạ lẫm có cái lý của nó, trước hết bởi một số tuyến nằm dưới độ sâu 50m nên khi chuyển tuyến phải  lên xuống cầu thang  vòng vèo mấy lần, rồi thêm nữa là các chỉ dẫn bằng mẫu tự Nhật Bản ( tất nhiên có chua thêm bằng tiếng Anh nhỏ hơn ), khác hẳn với Paris chỉ thuần kiểu mẫu tự Latinh, điều đó khiến khách lạ dễ mất sự tự tin. Tuy nhiên, để ý kỹ, lại thấy cũng chẳng có gì là rắc rối cả, vì ở các gia đều có các tờ rơi sơ đồ hệ thống metro, cả bản tiếng Nhật và tiếng Anh. Thêm nữa, khi đã yên vị trên metro, khách cũng có thể theo dõi được tuyến mình đang đi qua  bảng  điện tử chạy chữ được lắp đặt ngay phía trên mỗi của lên xuống của toa tàu.
                      Tokyo hiện có 14 tuyến metro, trong đó nhiều tuyến của tư nhân. Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích đầu tư bằng điều luật là bất cứ công trình nào do tư nhân đầu tư làm ở độ sâu 50m  trở xuống trong lòng đất thì đều được miễn thuế tài nguyên.Các tuyến đều được ký hiệu bằng chữ cái đầu tên ( ví dụ như : tuyến Tozai line - ký hiệu T , tuyến Ginza line-ký hiệu G, tuyến Namboku line ký hiệu N ). Nói hệ thống metro có ý nghĩa lớn về mặt du lịch, trước hết bởi sự tiện lợi cho bất cứ ai, về tốc độ nhanh chóng, về giá rẻ ( rất phù hợp với xu hướng du lịch ba lô hiện nay và lại càng ý nghĩa hơn khi Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới ); đồng thời nó làm giảm tối đa  lượng người đi lại trên mặt phố, vì thế vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa góp phần tạo cảnh quan đẹp đẽ cho phố phường ; và đặc biệt, hầu như những công trình văn hóa du lịch và các trung tâm thương mại lớn đều có tầng hầm thông với ga metro.
                      Mua sắm là một nhu cầu không thể thiếu của du khách. Đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người mỗi khi có dịp đi công cán hoặc du lịch xứ người. Nhiều khi mua sắm cho nhu cầu sử dụng thì ít mà mua làm quà cho người thân, bạn bè hoặc để làm kỷ niệm thì nhiều. Vì thế, việc các ga metro thông với các trung tâm thương mại lớn là bằng chứng biểu hiện của maketting giao thông-du lịch-thương mại tuyệt vời. Du khách đến Nhật Bản, nhất là Tokyo , có hai chủng loại hàng được nguời ta chú ý hơn cả là mỹ phẩm và đồ điện tử - đích thị Made in Japan ( chất lượng tuyệt hảo và giá cả phải chăng là ưu thế của hai chủng hàng này ). Chính vì thế, ngoại trừ những cửa hiệu lớn nổi tiếng ở trung tâm, thì bất cứ một của hàng, shop nhỏ nào trên đường phố mà ta bắt gặp cũng có thể mua được hàng mỹ phẩm chính hiệu. Về hàng điện tử, du khách không thể bỏ qua gian điện tử ở trung tâm thương mại Odakyu thuộc quận Shinjuku. Ở đây, có đủ các chủng loại máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính xách tay của các hãng nổi tiếng như Canon, Nikon, Olimpus, Sony, Panasonic… Ngoài ra, du khách còn thích tầm chợ đồ cũ điện tử, bởi nếu biết hàng, khéo chọn và may mắn ra thì có thể mua được vài món chất lượng tốt mà giá lại rẻ bất ngờ… 
                      Không thể không nói đến các loại hàng mang tính souvernir . Ở Tokyo có một số cửa hàng " Một trăm yên ". Sở dĩ có tên như vậy, bởi hầu hết các mặt hàng bán ở đây đều có giá 100 yên. Du khách có thể tìm thấy ở đây từ mỹ phẩm đến các hàng vặt vãnh  như bấm móng tay, cặp tóc nữ, dây đeo diện thoại di động, móc chìa khóa, rồi là  bút bi,kính mát,cốc sứ, nậm rượu v.v… Mua hàng ở đây có vài điều cần chú ý, thứ nhất là , nếu giá bán cao hơn thì trên mỗi sản phẩm đều có ghi rõ giá, còn như không thấy ghi gì thì khách yên tâm mà nhặt hàng bởi khi tính tiền thì người tính chỉ cần đếm số lượng đầu loại rồi nhân với 100 yên là ra ; thứ nữa, nên xem kỹ bởi không thì khách sẽ mua nhầm hàng Made in China trong khi muốn mua hàng Made in Japan ( lẽ dĩ nhiên hàng Made in China vào được thị trường Nhật Bản khó tính thì phải đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tương đương ). Có lẽ nổi tiếng nhất Tokyo trong số các cửa hàng 100 yên phải kể đến cửa hàng nằm trên phố đi bộ ngay bên sườn khu đền thờ Minh Trị Thiên hoàng..Ngày chủ nhật, phố này và nhất là của hàng 100 yên đông đặc người, toàn thanh niên Nhật và khách nước ngoài chen chúc ken vai đến đây mua sắm.
                     
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2010 11:57:54 bởi tamvanvov >
            #6
              tamvanvov 21.07.2010 15:22:18 (permalink)
                                                                              Du lịch văn hóa
               
                                                                               Du ký của Nguyễn Chu Nhạc

                                                              
               
                        Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc- nơi mỗi ngày bình minh đến sớm nhất trên bờ Thái Bình Dương, đất nước của hoa anh đào mùa xuân, và cả đất nước của động đất cùng núi lửa.. Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, đất nước này nằm trên lưng một con rồng, lâu lâu nó lại quẫy mình gây nên động đất. Trước hôm chúng tôi sang ,vùng Tokyo vừa bị một trận động đất trung bình, và ngay đợt chúng tôi ở đó cũng có một đợt nhẹ.Chính yếu tố địa chất ấy cũng góp phần tạo ra một phong cách kiến trúc- văn hóa Nhật Bản, với kiểu nhà gỗ truyền thống xưa cũ và kiến trúc nhà hộp màu lạnh hiện đại, bằng các vật liệu bền nhẹ.
                        Ngay hôm mới sang, Chiến-sinh viên VN đang học tại Tokyo chỉ những lùm cây lá ngả vàng chanh bảo :" Đã là cuối thu, song Tokyo ở vĩ độ thấp nên vẫn không đủ lạnh để cây cối chuyển màu lá đỏ. Giờ muốn xem lá đỏ thì phải ngược lên phía Bắc những hơn trăm cây số nữa, ở đó có cả rừng cây lá đỏ, tuyệt đẹp ". Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không đủ thời gian để tìm đến chiêm ngưỡng rừng cây lá đỏ, song điều muốn nói chính là ở chỗ, đất đai, khí hậu đã góp phần hun đúc nên một tinh thần dân tộc, và được biểu hiện thành bản sắc văn hóa. Với du khách, đến với một đất nước, một quốc gia nào đó, là đến với một nền văn hóa. Cũng như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hoa Hạ suốt nhiều thế kỷ. Và cũng bằng những cách thức tương đồng, Nhật Bản cũng đã biết thoát ra khỏi cái bóng không lồ ấy để tạo ra một bản sắc văn hóa riêng mình, khá độc đáo. Trong văn hóa ,tín ngưỡng có sự nhào nặn của cả ba yếu tố Nho-Phật-Thần đạo. Văn hóa Nhật Bản đâu chỉ có bóng dáng của thiên nhiên như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, mà sức lan tỏa làm nên sự hấp dẫn cho du khách lại mang dấu ấn của con người, đó là trang phục kimônô, là môn võ vật sumô, là nghệ thuật xếp giấy, là bon-sai, là rượu sa-kê và những món ăn cá sống, là trà đạo, là kịch Noh ( Nô ) , và thậm chí cả là geisha nữa  v.v… 
                        Với trang phục kimônô, với bon-sai và trà đạo, người VN đã không còn xa lạ, bởi trong nhiều năm nay, qua giao lưu văn hóa, người ta đã được biết đến. Song ẩm thực Nhật Bản, thì vài năm gần đây, ở Hà Nội và Tp.HCM đã có một số quán rượu sa-kê và món ăn Nhật. Điều tôi muốn nói ở đây là các shop to nhỏ mà du khách có thể thấy ở bất cứ khu vực nào trên đường phố Tokyo đều có quầy bán rượu sa-kê,rượu sô-chyu.Có những cửa hàng chuyên bán rượu. Cũng như rượu vang và cô-nhắc Pháp, whisky Scotch, vodka Nga,hay như  rượu" quốc lủi" đựng trong vò sành nút lá chuối khô ở ta, rượu sa-kê và sô-chyu cũng mang phong vị từng vùng khác nhau. Nhưng khoan nói đến mùi vị đặc trưng bên trong, chỉ nhìn kiểu dáng, màu sắc chai và nhãn mác bên ngoài đã thấy thích thú rồi. Mỗi nhãn mác đều được trình bày như một bức thư pháp Nhật tự ấn tượng. Du khách đến Nhật Bản, nhất là đấng mày râu, khó ai có thể bỏ qua không mua vài chai về làm lưu niệm, làm quà cho bạn bè. Nhân nói đến thư pháp trên nhãn mác rượu, không thể không nói đến nền thư pháp chính tông Nhật Bản. Ngôn ngữ Nhật Bản hiện nay,  được biết, nó được xây dựng trên cơ sở hơn ba nghìn từ Hán  cơ bản  (chỉ phát âm khác, còn giữ nguyên mẫu tự và nghĩa ), cộng thêm mẫu tự Nhật mà thành. Chính vì thế, nền thư pháp Nhật Bản cũng không kém phần tinh tuý, có chăng chỉ sau thư pháp Trung Hoa mà thôi, song lại có phần độc đáo riêng, được người Nhật gọi là Thư đạo. Thêm nữa, thư đạo Nhật Bản ít  nhiều mang mầu sắc của Thiền- Thư pháp Thiền ( tức Hítsuzendo ). Nhiều biển hiệu cửa hàng, tên công sở, trường học đều được trình bày theo lối thư đạo, ngay các phòng khách, phòng trưng bày của các công sở cũng đều có treo thư đạo, gây cảm giác có gì đó vừa cao thâm, lại không kém phần mỹ thuật ,trang nhã !…
                        Có một bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nhật Bản, một biểu hiện của văn hóa cổ  truyền, đó là kịch Noh ( Nô ). Được biết, kịch Noh có nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển từ 800 năm nay, lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể  thế giới.Có gì đó từa tựa như Kinh kịch Trung Hoa, hay Tuồng cổ Việt Nam, song cảm giác là kịch Noh thần bí hơn.  Vì thời gian và công việc không cho phép,nên chúng tôi thiệt thòi không đến được Nhà hát Quốc gia để xem biểu kịch Noh, hay xem kịch Noh ngoài trời. Bù lại, được xem biểu diễn qua truyền hình. Vở kịch kéo dài hơn 2 tiếng, và lại không biết tiếng Nhật, nên chỉ xem động tác, vũ đạo,khẩu hình, phông cảnh và nghe âm nhạc,giọng điệu mà suy đoán. Thế nên, cũng chưa thấy nhiều cái hay, cái đặc sắc của kịch Noh. Song dẫu sao vậy cũng là quý rồi…
                        Tokyo, thoảng qua  và cảm nhận, thấy thích thú và đáng trân trọng những gì làm nên bản sắc văn hóa Nhật Bản, nhất là trong thời đại hội nhập thế giới, khi mà xu thế nhất thể hóa về văn hóa theo kiểu văn hóa-văn minh Âu Mỹ đang thịnh hành. Những gì ta đã thấy của văn hóa Trung Hoa, thấy ở văn hóa Nhật Bản hiện nay, và cả những gì ta đang nỗ lực bản tồn bản sắc văn hóa cổ truyền Việt Nam,gạt đi những vấn đề còn chưa chuẩn trong công cuộc chấn hưng văn hóa ở mỗi quốc gia, cao hơn ý nghĩa về khía cạnh du lịch, rộng lớn  hơn cả tinh thần dân tộc, tất cả  đang góp phần gìn giữ sự đa dạng  văn hóa cho thế giới. Và như vậy, có nghĩa là cho sự phát triển !…
                       
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.07.2010 15:24:09 bởi tamvanvov >
              #7
                tamvanvov 11.10.2010 11:45:49 (permalink)
                Quần cư


                Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc

                                                                         
                                                                     
                          Con người mang tâm lý và tập quán quần cư, chính là mang dấu vết của tổ tiên xa xưa trong quá trình hình thành và phát triển.Theo các nhà nghiên cứu và khảo cổ học thì ngay từ buổi bình minh của loài người, tập tính cố kết đã giúp cho con người có sức mạnh tổng hợp để dấu tranh sinh tồn nhằm chống lại muông thú và khắc phục thiên tai, thuận theo tự nhiên mà phát triển lên xã hội loài người. Ở đây, không chỉ có sự tác động của yếu tố thiên nhiên vào đời sống và sản xuất của con người.             
                          Điều cũng được thể hiện rõ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền văn minh lúa nước. Chịu ảnh hưởng của văn minh-văn hóa Hoa Hạ, nền văn minh lúa nước ở ta cũng tương đồng. Điều đó cũng có nghĩa là chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên. Vì thế, con người vừa sinh sống, sản xuất vừa phải nghe ngóng, đón chờ thiên nhiên. Con người luôn phải “ Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng “. Sở dĩ vậy, bởi kỹ thuật canh tác lúa nước luôn phụ thuộc vào yếu tố cơ bản nhất, đó là nước. Thiếu nước không được và thừa nước, dĩ nhiên cũng không được. Thế là hạn hán, lũ lụt đều được con người coi là thiên tai, vừa sợ hãi, vừa đón nhận với sự chịu đựng và cả sự quật cường. Thế mới nảy sinh ý muốn chinh phục thiên nhiên, và cao hơn, siêu hơn là mô phỏng thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên mà sống. Vừa khắc chế cái hại của thiên nhiên, vừa dựa theo thiên nhiên mà bắt nó làm lợi cho đời sống của mình…
                          Tất cả những điều ấy sẽ chẳng là gì và không bao giờ làm nổi nếu con người chỉ đơn độc với từng cá thể. Vậy nên, phải xúm nhau lại, mỗi người một chân một tay, cùng làm, cùng chịu đựng, cùng tốn sức nhọc tâm và thành quả thu được thì cùng xẻ chia cùng hưởng. Cái tâm lý và tập quán quần cư, tập tính cố kết con người cứ thế mà hình thành và ngày càng được củng cố. Dân gian mới bảo rằng “ Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao “; rồi là : “ Ba anh thợ cày hơn một ông Gia Cát “ cũng hàm ý vậy.    
                          Tuy nhiên, khác loài vật ở chỗ, trong khi loài vật càng sống gần nhau, bên nhau thì càng gần gũi, khăng khít, còn con người ta, với cái sự khôn và tinh ranh của mình, càng ở với nhau lâu càng hay sinh chuyện. Vậy nên mới cần đến sự kêu gọi đoàn kết. Rồi đó mới nảy sinh hàng loại những triết lý, lập ngôn cho cái sự đoàn kết của mình và chống chia rẽ cộng đồng, dân tộc và chia rẽ loài người.
                          Lẽ dĩ nhiên, mỗi một cấp độ phát triển của xã hội loài người, tập tính cố kết và tâm lý, tập quán quần cư cũng như nhiều tập tính, tập quán, tâm lý khác có những thay đổi phù hợp với xã hội ấy, song xét về cơ bản của yếu tố nền vẫn chẳng có gì thay đổi. Sự tác động từ phía xã hội và yếu tố tự thân chỉ làm cho tập tính, tập quán, tâm lý ấy thêm phức tạp mà thôi !... Và trong sự phức tạp ấy, con người bỗng trở nên nhỏ bé và mong manh làm sao. Con người  luôn cảm thấy thiếu an toàn, cần được bảo vệ , và quả là, họ đang nỗ lực tìm  kiếm cách thức để tự bảo vệ, bảo hiểm cho mình.
                          Người Trung Hoa cổ đại có một minh triết, Thuận là gốc của Phúc, bởi muốn được Phúc với những biểu hiện cụ thể thì mọi sự trước tiên phải Thuận. Quy luật tự nhiên và xã hội đều minh chứng cho điều này. Nghịch thường gây ra tai họa , nghiệp chướng...Thế nên, trong nghiên cứu, sáng tạo, con người ta có thể độc lập, cô đơn, song kết quả, thành quả sẽ trở thành của chung và chỉ khi ấy nó mới có ý nghĩa và mang lại sự vinh quang, niềm tự hào cho người sáng tạo !...
                          Con người ra đời trong sự cô đơn, trưởng thành và tìm kiếm sự khẳng định mình trong quần cư, rồi ra thu mình lại hoặc tách mình ra khỏi đám đông... Rồi nữa, sẽ hòa mình trở lại trong vinh quang hay cay đắng... Quần cư, vẫn là chiếc ổ rơm hay tấm nệm yên ấm của con người !...
                #8
                  tamvanvov 01.01.2011 10:12:05 (permalink)
                  Thân gửi Ct.Ly
                   
                  Nhờ bạn đưa giúp các bài tạp văn " Quần cư ", " Dùng dằng phận cối..." và " Oi nước lên " vào thư mục riêng của tác giả Nguyễn Chu Nhạc trong Thư viện của Thư quán.
                   
                  Cảm ơn.
                  #9
                    tamvanvov 16.01.2011 09:41:34 (permalink)
                    Thân gửi Ct.Ly & các Điều hành viên
                     
                    Mong nhờ các bạn chuyển mấy bài tạp văn " Dùng dằng phận cối ", " Quần cư " và " Oi nước lên " và thư mục của tác giả tại Thư viện.
                     
                    Chân thành cảm ơn.
                     
                    NCN.
                    #10
                      tamvanvov 05.02.2011 16:25:32 (permalink)
                      Vườn cổ tích.

                      Sáng mồng hai Tết, trời hửng nắng ấm, trong nhà thì vẫn lạnh đủ duyên xuân. Tôi cùng gia đình người chị gái về quê. Quê tôi huyện Văn Lâm ( Hưng Yên ), chỉ cách Hà Nội hơn hai chục cây số, đường 5 xe bon bon. Qua cầu Vĩnh Tuy, thênh thang xe vắng. Nước sông Hồng cạn trơ sau đợt tháo nước đổ ải. Những bãi chuối xanh mướt sau trận mưa rào hôm 29 Tết.

                       
                      Tôi về bên ngoại. Quê nội thì đã về trước tết, thắp hương trên mộ cha mẹ và ông bà rồi. Từ nhiều năm nay, bên quê ngoại tôi có thói quen, hằng năm, cứ vào ngày mồng 2 Tết, các gia đình con cháu, không hẹn đều túc mục kéo về. Bà ngoại tôi sinh hạ 15 người con, song nuôi đến trưởng thành 9 người. Mỗi gia đình cứ thế mà nhân lên, dâu rể, cháu chắt các kiểu, nay đến gần 150 người cả thảy. Có năm, mồng hai tết, tập hợp đến hơn trăm người, ăn cơm cả chục mâm. Ông ngoại tôi, trước có cửa hiệu giặt là trên phố Mã Mây ( Hà Nội ), thời ấy, ông tôi bán đi, về quê làm Lý trưởng. Bác và các cậu dì tôi chủ yếu sống ở Hà Nội. Ngày nhỏ, khi gia đình tôi còn sống ở phố Phó Đức Chính ( Hà Nội ), hằng năm, cứ vào dịp nghỉ hè, chúng tôi đều về quê. Thời chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc, lũ trẻ chúng tôi sơ tán về quê đi học tránh bom. Thế là, đám anh em con chú con bác, con cô con cậu, con dì con già chúng tôi về ở ngôi nhà bà ngoại tôi đông đến hàng chục đứa. Khi ấy, cậu áp út tôi, đi thanh niên xung phong vào chiến trường khu 4, ở nhà, còn dì út, cùng bà ngoại tôi trông nom đám cháu nội ngoại. Bà ngoại tôi bị lòa mắt từ khi trẻ sau một cơn thiên đầu thống, nhưng mọi ngóc ngách trong nhà vườn, bà đều thông thuộc, tự đi không cần ai dắt. Mảnh vườn rộng 5 sào Bắc bộ, có ao, ngôi nhà ngói đại khoa cửa bức bàn, hè rộng, dại tre, trong nhà có hoành phi và 2 đôi câu đối cổ do các môn sinh của cụ ngoại tôi chúc thọ khi xưa cụ là thày đồ mở lớp dạy chữ Nho trong vùng; vườn đầy những ổi, táo, khế, hồng, sấu, lá dong, quanh năm mùa nào thức ấy; quanh hàng rào bao bọc là tre và mây gai chằng chịt, tạo nên không gian, mà sau này, viết văn, tôi mệnh danh là - Khu vườn cổ tích.
                      Sở dĩ tôi gọi như vậy, vì lũ trẻ chúng tôi sống lúc tuổi thơ đi học, những bài thơ văn, những câu chuyện cổ tích ngày ấy chúng tôi đọc trong ánh đèn dầu hỏa đỏ quạch, thêm phần ly kỳ, hấp dẫn. Sau này, cậu áp út tôi trở về sau chiến tranh, lấy vợ, sinh liền tù tỳ những 4 cô con gái. Cậu trở thành chủ nhân của Vườn cổ tích sau khi bà ngoại tôi khuất núi. Cậu sống trong ngôi nhà ngói đại khoa, lại chưa có con trai nối dõi, nên tâm trạng hơi buồn. Rồi có người mách bảo, làm nhà ra bên cạnh ở, giữ ngôi nhà đại khoa làm nhà thờ họ Cao ( ông ngoại tôi là trưởng chi họ Cao ở vùng ấy ). Cậu tôi nghe theo, y rằng sinh thêm được  cậu con trai út ( nay đã mười mấy tuổi ). Cậu vui lắm. Ngôi nhà thờ lâu ngày xuống cấp. Hằng năm, mồng 2 tết, về quê, chúng tôi đều thắp hương và ăn cỗ tết trong ngôi nhà thờ ấy. Rồi năm kia, tôi và một cậu em con dì sống ở quê ( 2 thằng cháu ngoại ) mạnh dạn đề xuất, tất cả nhất trí không ai đòi chia phần, chia đất trong khu vườn 5 sào đất ấy, giữ làm nơi chốn đi về cho cả đại gia đình, mỗi thành viên tùy tâm góp tiền sửa chữa ngôi nhà thờ. Ý tưởng thành hiện thực, ngôi nhà thờ được sửa khang trang theo lối cổ, hoàn thành vào tháp Chạp rồi...
                      Tết Tân Mão này, con cháu kéo về đông vui, đề huề trong Khu vườn cổ tích. Các cậu dì tôi, 9 người giờ còn 5, có nhiều người đã lên vai cụ. Cánh chúng tôi thì cũng đã tóc bạc cả lượt ( có người đã về hưu ). Giờ là thời đại của lũ trẻ, con chúng tôi. Hàn huyên, ríu rít, đủ thứ chuyện trên giời dưới bể.
                      Tiết trời đẹp, bầu không khí tết xuân sum vầy đầm ấm bao trùm trong khu vườn cổ tích...
                      #11
                        tamvanvov 08.03.2011 09:31:13 (permalink)
                        Đầu năm đi lễ chùa.
                        Tản văn

                        Đầu năm đi lễ chùa, từ xa xưa, đã trở thành một phong tục của người Việt. Và cả một số nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo.Đã là phong tục, lại phong tục đẹp, thì tồn tại là chuyện đương nhiên.
                        Người phương Đông quan niệm, “ tứ thời xuân tại thủ “, bốn mùa trong năm thì mùa xuân là đứng đầu. Mùa xuân, bắt đầu của năm mới, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở...
                        Sau một năm làm ăn cật lực, con người ta có thể gặp cả các chuyện không may, những điều may mắn. Năm cũ qua đi, năm mới đến, tiết đoạn thời gian được phân định bởi thời khắc giao thừa, con người ta mong muốn, sang năm mới, bản thân và những người thân trong gia đình trong năm tới có sức khỏe tốt, công việc hanh thông, gặp nhiều may mắn...; còn rộng ra, với thiên nhiên và xã hội, là yên bình, là mưa thuận gió hòa, không thiên tai, địch họa, không dịch bệnh...
                        Những mong ước ấy là chính đáng. Nhưng niềm tin phải đặt vào nơi đâu? Lẽ dĩ nhiên, niềm tin trước hết phải đặt vào chính con người rồi. Song chưa đủ, con người ta còn đặt niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, ấy là niềm tin tôn giáo rồi.
                        Đầu năm, đi lễ chùa, là văn hóa tâm linh với ý nghĩa như vậy. Người ta đi lễ chùa với đầy đủ lễ nghi, và cầu xin cụ thể; cũng có không ít người, đầu năm đi vãn cảnh chùa, có thể không cầu xin gì, bỏ chút tiền công đức ( gọi là tiền giọt dầu, thẻ hương ), nói là để yên lòng người cho cả một năm, song không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Ở đây, tôi chưa đề cập hiện tượng sa đà, chùa chiền, lễ lạt liên miên, làm văn hóa tâm linh méo mó, đang dần trở thành phổ biến trong xã hội ngày nay.
                        Tôi là một người, đầu năm thường đi vãn cảnh chùa, xa gần có cả. Năm nay, mấy ngày tết, cũng loanh quanh đôi chùa phủ trong nội thành, thứ bảy rồi, mới đi xa hơn, thăm vãn chùa Tây Phương ( thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ ).
                        Đây là một ngôi chùa nổi tiếng xứ Bắc. thuộc đất thôn Yên, xã Thạch Xá. Tương truyền, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 6-7, và trải qua rất nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, dấu ấn được ghi chép về quy mô, kiến trúc của chùa thì mãi đến vào thế đầu kỷ 17 thời nhà Mạc, với tên chữ là Sùng Phúc tự . Kế đó, là vào năm 1632, dưới triều vua Lê Thần Tôn, chùa được xây dựng với quy mô 3 gian thượng điện, cùng hậu cung, hành lang tới 20 gian. Tiếp nữa, là vào các năm 1657-1682, chúa Trịnh Tạc cho phá bỏ chùa cũ, xây chùa mới cùng tam quan. Và cuối cùng, là dưới triều Tây Sơn, năm 1794, chùa được đại tu, đổi tên thành Tây Phương cổ tự, và dáng dấp kiến trúc còn giữ đến ngày nay.
                        Thong thả từng bậc đá ong ướt át trong làn mưa phùn mùa xuân, qua 239 bậc mới tới được cổng chùa. Cổng chính, tấm biển chữ Hán Tây Phương cổ tự , mở ra bên trong một không gian chùa, với kiến trúc được đánh giá là tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo mỹ thuật thời Hậu Lê. Lần lần, tiền điện đến hậu điện, được thấy các pho tượng Phật cổ bằng chất liệu gỗ mít sơn thếp từ mấy thế kỷ trước, đặc biệt là các vị La Hán, đã đi vào thơ ca Việt qua bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận từ năm 1960.
                        Các vị La Hán chùa Tây Phương
                        Tôi đến thăm về lòng vấn vương
                        Há chẳng phải đây là xứ Phật,
                        Mà sao ai nấy mặt đau thương ?
                        ........
                        Cha ông yêu mến thời xưa cũ
                        Trần trụi đau thương bỗng hóa gần
                        Những bước mất đi trong thớ gỗ
                        Về đây tươi vạn dặm đường xuân

                        Xung quanh chùa, những ngôi nhà dân chênh vênh bên sườn núi, những lối mòn tre trúc quạnh hiu, mùi khói bếp quện mùi hương trầm, tất cả làm nên một không gian thanh tịnh và ấm cúng.
                        Tách khỏi nhóm người, một mình theo bậc thang dần xuống, tha thẩn ngắm nhìn, hỏi chuyện các bà cụ bán hàng rong hai bên. Những đồ lưu niệm mây tre đan, những con châu chấu, chuồn chuồn tre, lặt vặt...cùng đó là những lời mời chào chân quê . Nhìn các bà, các cụ đầu bạc khăn vấn đen, môi quết trầu, vừa mời chào bán hàng vừa gẫu chuyện xóm mạc, như thấy bóng dáng mẹ ta, dáng dì ta ngày nào. Có gì đó thân thương, chân chất, mộc mạc...
                        Thì ra, cõi Phật và cõi đời gần gụi nhau biết mấy !...


























                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.03.2011 09:32:29 bởi tamvanvov >
                        #12
                          tamvanvov 22.03.2011 16:36:09 (permalink)
                                                                           Đảo chìm,
                                                      nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
                                                         ( Đọc tiểu thuyết đảo chìm của Trần Đăng Khoa  )
                                                                                                Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc
                           
                                    Đảo chìm, tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa ( theo cách gọi của chính tác giả ), xuất bản đã lâu và nhanh chóng tái bản đến vài chục lần. Các nhà phê bình chuyên nghiệp, cùng bạn đọc đã bình phẩm nhiều rồi, thíêt tưởng, chẳng còn gì mà nói...
                                    Với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi đọc trọn vẹn cái sản phẩm mi-ni này. Đơn giản, tôi mắc cái bệnh cố hữu, cứ cái gì người ta xúm đông xúm đỏ, thì tôi lại lảng ra, mặc dù, tôi với Trần Đăng Khoa là bạn học trò, gần chục năm nay lại cùng công sở, ngày gặp nhau dăm bảy lần, trưa hay cùng cơm văn phòng, song phần lớn nói chuyện công việc, đời sống. Thi thoảng chuyện văn chương, thì cũng là tán gẫu, xuất bản miệng, cười xoà rồi cho qua. Quả thực, tôi cũng có đọc một vài trích đoạn và đôi bài phê bình trên báo chí về Đảo chìm. Có lần, tôi hỏi Khoa : “ Viết Đảo chìm, ông định làm một “ Ông già và biển cả “ của Việt Nam à “. Khoa gật gù. Lần khác, tôi lại đùa : “  Phải chăng, Đảo chìm của ông, na ná Rô-bin-sơn Cru-xô ? “. Khoa cũng chỉ gật gù, ngỏn nghẻn.
                                    Mới đây, Khoa đưa toàn bộ Đảo chìm lên blog của mình. Tôi đã đọc một mạch, với những cung bậc cảm xúc nảy sinh...
                                    Về độ dài, nó chỉ già nửa “ Ông già và biển cả “ của Hê-minh-uây. Chuyện cũng phần lớn dựa vào người thật việc thật, ít hư cấu, cứ như thấy gì kể nấy vậy... Dĩ nhiên, cái tài của tác giả là ở giọng văn hóm hỉnh, câu chữ chắt lọc, lựa chọn tình tiết đắt, khắc họa tính cách nhân vật giỏi v.v...
                                    Song, tất cả những cái tài nhỏ ấy, được tác giả bỏ vào một cái tài lớn hơn, ấy là nghệ thuật xây dựng không gian truyện. Hay nói một cách khác,, nghệ thuật xây dựng không gian truyện tài tình bao chùm lên hết thảy.
                                    Theo tôi, Đảo chìm , đồng thời có ba không gian khác nhau.
                                    Thứ nhất, một không gian chật hẹp đến nghẹt thở ( chẳng mấy khác với người sống trong hầm bí mật ), ấy là “cái lều bạt” chốt chặt, chung chiêng phía bên trên đảo chìm san hô ( cũng có thể xem cả con tàu neo bên ngoài, mà hằng ngày phải lượn tuần tra trong phạm vi của mình, và mỗi khi có gió bão, phải nhổ neo, nương theo sóng gió, chạy trấnh loanh quanh. Thực chất, nó là một cái lều bạt di động ).
                                    Thứ hai, ấy là một không gian mênh mông như vô tận của trời biển, chứa trong lòng đầy bí hiểm, vừa hiền dịu quyến rũ, vừa hung dữ bất kham... Và trong cái không gian mênh mông bất tận ấy, cái không gian lều bạt ( cả con tàu nữa ) như một hạt bụi lửng lơ...
                                    Thứ ba, đó là không gian ảo. Cái không gian này, lúc bé xíu lúc khổng lồ, khi gần khi xa, lúc mơ mộng dịu dàng khi rờn rợn ma quái, thực mà ảo ...
                          Ấy bởi, nó chỉ tồn tại trong ý nghĩ của mỗi nhân vật .
                                    Cả ba không gian ấy, lúc đồng dạng phối cảnh, khi xâm lấn nhau, hòa quện vào nhau. Trong  bối cảnh như vậy, tất thảy các nhân vật, con người thì từ anh lính trơn đến vị tư lệnh quân chủng; con vật  thì những chim biển, cá mập, con lợn ; vật dụng thì những lều bạt, con tàu , vũ khí, cuốc xẻng, lưới câu, tư trang quần áo đều sống động ( có hồn ), suy nghĩ, hành xử, vận động theo lô-gic của mình.
                                     Và chính, tạo dựng được một không gian nghệ thuật như vậy, nên mọi ý nghĩ, hành động, tính cách, tình huống, tình tiết truyện ( có khi như phi lý ) đều chấp nhận được, trở nên có lý có tình... Ví như, chim biển và cá mập thì như người, như ma quái; con lợn cũng như người, như yêu tinh; còn con người thì nhanh chóng “ mất hơi người “, có lúc như chim, khi như cá, lại có khi như lợn, như người nguyên thủy ( Hai Ùm hay trần truồng ), và khi chỉ là linh hồn thôi ( phần kết, sau khi Hai Ùm chết, hồn anh như nhập vào một con chim biển khổng lồ, gù gù dáng người trong lều bạt, khiến đồng đội tưởng anh vẫn còn sống )... Tất thảy, kết thành một khối, cô đơn mà lại hòa đồng, bi hài và kiêu hãnh, cùng nhau bảo vệ một thực tại khắc nghiệt và ngợp trong một lý tưởng vời vợi ở phía tương lai...
                                    Cũng chính vì tạo dựng được một không gian nghệ thuật như thế, Đảo chìm, không giống hiện sinh kiểu Phương Tây, cũng chẳng phải “ hiện thực huyền ảo “ kiểu Mỹ-la-tinh. Đó là thứ hiện thực lãng mạn, pha chút “ Liêu trai “ phương Đông.
                                    Theo thiển nghĩ của tôi, Đảo chìm là một tác phẩm đặc sắc trong văn học hiện đại ở nước ta, mà thành công về mặt nghệ thuật của nó, lớn nhất là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện.
                                                     
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2011 12:42:44 bởi tamvanvov >
                          #13
                            tamvanvov 02.04.2011 11:55:29 (permalink)
                                                                                Miền hoa ban trắng

                                                                                       Tản văn


                            Đi Tây Bắc lần này, có nhàn tản hơn so với chuyến đi Tây Bắc trước tết Tân Mão. Lần trước, đã giáp tết, công việc bề bộn, cứ bị cuốn theo cái sự gấp gáp, náo nức của không khí tết, nên ngoài việc ngó nghiêng tìm mua lấy một cành đào rừng, thì chẳng còn thời gian đâu mà thăm thú...
                            Lần này, đã chủ định, rảnh rang hơn. Chẳng gì thì cũng vừa mới hết tháng ăn chơi, vả lại mùa xuân hãy đang còn kia mà. Nhớ dạo thu năm ngoái, anh bạn đồng nghiệp, là chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Điện Biến đưa lời mời hấp dẫn  : “ Mong được đón anh ở Điện Biên, nhưng hẹn anh vào mùa ban xuân tới “. Vậy mà mùa ban đến, định theo lời mới mà lên, thì anh chàng lại bay vào Nam, chờ theo tàu Hải quân ra thăm Trường Sa. Thôi kệ, mùa ban đâu có đợi người . Thích thì cứ đi thôi.
                            Đúng hôm lên đường thì một đợt gió mùa mạnh tràn về. Suốt dọc đường, từ Hòa Bình, Mai Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Hát Lót lên Sơn La, mưa rét tầm tã, rả rích một điệu ru rín buồn buồn của trời đất, trong khi ấy, thì cập nhật thông tin toàn là tuyết rơi dày gây khó khăn cho công tác cứu hộ động đất, sóng thần ; chuyện phun nước làm mát lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản ; tin chuẩn bị đánh nhau to ở Libya... Lởn vởn trong đầu, ý nghĩ về một đợt lũ tiểu mãn có thể giảm nguy cơ cháy rừng, và cung cấp một lượng nước đáng kể cho cây cối và tích thêm nước cho thủy điện, khiến cho lòng người có cái để mà vui ...
                            Những cung đường Tây Bắc, mấy năm qua đi lại, đã thành quen thuộc, khúc nào quanh co nguy hiểm, mùa nào hay sương mù dày đặc, chỗ nào có bản Mông, bản Thái, mùa nào có hoa gì nở ... Ấy vậy, trời mưa rét, cũng mất hết cả phương hướng. Lúc nghỉ chân tìm chén trà nóng ở gần thị trấn nông trường Mộc Châu, lạnh run người, thì ra nhiệt độ xuống tới 4 độ C.  Xe cứ lầm lụi trong mưa, chốc chốc một cây gạo hoa trổ đỏ ối cả cây trơ vơ bên sườn dốc hiện ra trong màn mưa. Xe đông người, vậy mà một cảm giác cô đơn len lén dâng lên.
                            Mấy ngày, ngoài sự hứng khởi trong  thực thi công việc, chút thăng hoa xen lẫn cảm giác trống rỗng khi nghiêng ngả trong các cuộc rượu tại bản Thái, vẫn còn sự chờ đợi về màu hoa ban trắng rừng núi Tây Bắc. Lại  Thuận Châu,  rồi vượt đèo Pha Đin sang Tuần Giáo. Đã thấy lác đác những cây ban hoa trắng, nhưng ủ rũ trong mưa rét và sương giá. Cả thành phố Điện Biên chìm trong mưa rét. Đêm, nằm bẹp trong phòng kín Nhà khách tỉnh, nghe mưa rơi đều đều ngoài trời, loáng nhoáng màn hình ti vi là những cảnh tuyết dày ở Sa pa cùng các gương mặt hớn hở của người lần đầu thấy tuyết, cảnh người dân Nhật đang vật lộn với giá rét tuyết phủ kín trong đống đổ nát khổng lồ của động đất  và sóng thần. Có gì đó hơi bất nhẫn...
                            Ngủ vùi trong hơi men và những xúc cảm đan xen, chộn rộn.
                            Sáng ra. Nghe tiếng chim hót đâu đó. Lắng tai, đã không còn tiếng mưa rơi. Ồ, hẳn trời đã hửng. Vùng dậy, kéo rèm, mở của ra ban công. Ngỡ ngàng, ngay trước mắt, là mấy cây hoa ban, toàn thân cành trắng muốt những hoa là hoa. Có lẽ mưa đã gột rửa bụi bậm cho hoa, để sáng nay trời hửng, hoa căng mặt phô hết vẻ trắng trong của mình .
                            Thế rồi, cả buổi, khi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên; thăm thành Bản Phủ, nơi hơn hai trăm năm trước, quân khởi nghĩa của thủ lĩnh Hoàng Công Chất trấn giữ nơi đây, đánh giặc Phẻ và cầm cự chống quân đội triều đình ; thăm di tích Hầm tướng Đờ-cát và cầu Mường Thanh, đâu đâu cũng một màu ban trắng. Vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng và niềm kiêu hãnh của miền đất và người dân bản địa là đây chăng ?!...
                            Chiều rời Điện Biên xuôi về lại Sơn La, trời quang quẻ, suốt dọc đường, khắp rừng núi, tưng bừng một màu hoa ban trắng trong ánh chiều hanh vàng.
                            Hình như, sau những ngày dài khô hạn, sương mù, đợt mưa theo chân gió mùa về đã thấm nhuần đất đá, cây cỏ, đánh thức cả miền hoa ban, vùng bật dậy mà đồng thanh cùng núi rừng lên tiếng, cựa mình căng sức để trổ hết hoa trắng bạt ngàn ?!...















                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.04.2011 11:58:53 bởi tamvanvov >
                            #14
                              tamvanvov 26.05.2011 16:33:19 (permalink)
                              Nhớ mùa cá linh

                               
                              Tản văn

                              Hôm nay, tôi về quê, về thăm khu vườn cổ tích của tuổi thơ tôi. Đám giỗ ông ngoại tôi. Họ hàng, con cháu bên ngoại về đông, vừa chục mâm cỗ. Ông ngoại tôi, mất từ hồi tôi còn chưa được sinh ra, nên chỉ biết qua tấm ảnh thờ. Bà ngoại tôi thọ đến gần chín chục, nh ưng mất cũng mấy chục năm rồi. Suốt thời nhỏ đi học, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, rồi sau này học đại học, tôi thường xuyên về quê ngoại. Hè năm 1981, sau khi tốt nghiêp đại học,  tôi đi miền Nam nhận công tác tại An Giang, đến chào bà ngoại, bà còn căn dặn tôi đủ thứ...

                              Rồi vài năm sau, năm nào tôi cũng nghỉ phép ra Bắc, lại kẽo kẹt đèo mẹ tôi trên chiếc xe đạp cọc cách sang quê ngoại thăm bà và các cậu dì. Tôi nhớ, khi ấy bà đã yếu nhiều, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Bà hỏi chuyện miền Nam, tôi say sưa kể bà nghe, về mùa khô nóng cháy, về mùa sa mưa nước nổi nơi tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên, kể về xứ sở “ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa nổi như bánh canh “, về  miệt viễn biên Thất Sơn với những câu chuyện ly kỳ , về canh chua cá rô bông súng, về mùa cá linh sông Hậu với những món ăn dân dã lạ miệng ...Đi dạo trong vườn cổ tích của bà ngoại, lại thấy nhớ mùa cá linh miệt vườn sông nước Nam bộ...

                              Chả là, hơn nửa tháng trước, tôi trở lại miệt vườn. Khách sạn nằm kế bên bến Ninh Kiều ( Cần Thơ ), ngày đêm phành phạch tiếng máy tàu đò qua lại, xa xa là cây cầu Cần Thơ mảnh như sợi dây giăng ngang chao trên sông nước mênh mang. Mấy ngày ở  Cần Thơ trời nắng nóng, nhưng  mùa sa mưa đã đến. Buổi đi chơi sang cù lao giữa sông Hậu, đang bữa ăn sang trọng nhà hàng, chợt ai đó nhắc đến mắm cá linh, thế là mọi người nhao nhao nói về món ăn cá linh. Nào canh chua cá linh nấu bông điên điển, nào cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt, cá linh kho mía nục, cá linh nướng, cá linh tẩm bội chiên giòn, lẩu cá linh ...Thôi thì đủ món. Nói ra, đang bữa ăn mà ai nấy còn phát thèm. Lại một ai đó bảo, cá linh bây giờ hiếm lắm, thành đặc sản rồi. Đến mùa cá linh, cỡ tháng bảy âm lịch, chỉ còn miệt An Giang, Đồng Tháp may còn, nhưng cũng thưa thớt lắm. Muốn ăn cá linh, phải đi nhà hàng, mắc thấy mồ, chứ đâu có rẻ rề, ê hề ngoài chợ như ngày xưa nữa...
                              Ngày xưa. Cái ngày xưa ấy đâu có xa xôi gì, mới chỉ ngót ba chục năm qua thôi. Ngày ấy, tôi ở thị trấn Tri Tôn. Huyện Tri Tôn được tách ra từ huyện Bảy Núi thành hai ( Tri Tôn, Tịnh Biên ). Đây là vùng núi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm chiến tranh chống Mỹ Ngụy và chiến tranh biên giới Tây Nam 1979, vùng đất này là chiến trường ác liệt, bị tàn phá ghê gớm. Khi tôi đeo ba lô vào nhận công tác ở đây, chiến tranh mới đi qua có vài năm. Các cơ quan cấp huyện, cơ sở tạm bợ, ăn nhờ ở đậu. Dấu tích của chiến tranh vẫn hiện diện với những hàng rào thép gai, với súng ống đạn dược còn nhan nhản đây đó, đặc biệt, mấy nghìn bộ cốt của người dân Ba Chúc bị quân Pôn-pốt giết hại vẫn quàn nổi trong một tòa tháp ngay tại xã Ba Chúc...
                              Ấy là mùa nước nổi, mùa lũ đầu tiên tôi biết. Bao bọc bốn phía thị trấn Tri Tôn bé nhỏ xơ xác là đồng ruộng ngút mắt. Làng mạc xa xa, nhô lên trên cánh đồng nước nổi là những tán dừa, tán lá thốt nốt, thi thoảng là chóp nhọn tháp chùa Khmer. Những con đường liên xã, liên huyện như những sợi dây thừng mảnh giăng mấp mí mặt nước. Khi ấy, cả đồng bằng mênh mông là xứ sở của cỏ dại, năn nác, bàng, của tôm cua ốc ếch, của trăn rắn, lượn trạch. Con kinh Tám Ngàn rạch đôi thị trấn Tri Tôn, một đầu nối với con kinh chạy về phía Kiên Lương, Hà Tiên, còn một đầu thông vào kinh rạch Thoại Sơn. Mùa nước, đi đâu, cũng cứ tàu đò, ghe thuyền, bo bo, tắc ráng mà chạy là tiện nhất.
                              Tôi quen dần với thổ ngơi, và món ăn miền Tây Nam bộ. Những canh chua cá rô bông súng, những khô cá, dưa bông điển điển, đũa mắm, những cá tra, cá ba sa, chán kho lại canh. Và cá linh. Cá linh, với người dân nơi đây, vừa là món bình dân, rẻ  và ngon vì chế được nhiều món, vừa là thứ thực phẩm quý vì có mùa. Hằng năm, cứ tầm tháng tư âm lịch là mùa sa mưa bắt đầu, đến độ tháng 6 âm lịch là có cá linh non, nhưng rộ nhất là tầm tháng 7, tháng 8 âm. Khi ấy, lũ miền Tây sắp đạt đỉnh, cá linh do ngư dân đánh bắt trên sông Hậu, hay những kinh rạch nhận nước từ sông Hậu. Cơ man cá linh. Chợ nào, trên bộ hoặc dưới sông, cũng đều bán cá linh. Nhà nhà ăn cá linh, thường xuyên cả tháng trời. Nghe nói, giống cá này, vốn sinh trưởng ở vùng Biển Hồ của Cam-pu-chia, từ cá bột, đi thành từng đàn lớn, cứ theo nước mà xuôi, vừa xuôi vừa lớn dần, khi đến sông Cửu Long của ta thì thau tháu rồi...
                              Thị trấn nơi tôi ở, phổ biến nhất là món cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt. Lâu lâu, mới ăn món cá linh tẩm bột chiên giòn, và lẩu cá linh. Đây là hai món ưa thích với cánh nhậu nhẹt, bởi độ khoái khẩu của nó. Để tiếp khách, hay bạn nhậu, chủ nhà chỉ cần mua mớ cá linh, rẻ rề, làm hai món ấy, thêm vài ba món rau dưa gia giảm, dăm xị đế, là thỏa mái tang bồng... Ngà ngà hơi men, ấy là lúc cánh dân địa phương ôm ghi ta lõm, bập bùng ca sáu câu vọng cổ. Tôi là người yêu chèo và dân ca quan họ, không thích cải lương, vọng cổ, song trong bầu không khí như vậy, lòng cũng rưng rưng một nỗi buồn xa xứ, xa quê, xa khu vườn cổ tích của bà ngoại, xa người bạn gái cũng đang được điều đi dạy học ở một vùng chiêm trũng cách Hà Nội hàng trăm cây số...
                              Dạo đó, thấy tôi một mình cơm niêu nước lọ ở nhà tập thể, chị Tư Chọn, người cùng cơ quan, quê Thạch Thất ( Hà Tây ), lấy chồng tập kết, sau theo chồng về quê Bảy Núi, bảo tôi góp tiền tháng ăn chung cùng gia đình chị. Người xứ Bắc, nhưng chị nấu mòn ăn Nam rất khéo, nhất là món ăn từ cá linh. Cũng nhờ chị, tôi được ăn hầu hết các món xứ Nam. Vào mùa cá linh, bữa cơm tối nào, chị cùng thay đổi, làm món để tôi và anh Tư chồng chị có mồi mà nâng lên đặt xuống. Cách đây mấy năm, vợ chồng anh chị Tư Chọn ra Bắc, về thăm quê chị ở Thạch Thất, có tìm và ghé thăm gia đình tôi. Vui mừng khôn xiết, tôi mời anh chị ăn cơm gia đình, chọn làm những món Bắc thật đặc trưng, để anh chị đỡ thèm đỡ nhớ. Bữa ăn, chuyện nọ dọ chuyện kia, thế nào lại nhắc đến món cá linh. Thấy thèm và nhớ làm sao... Đâu chỉ nhớ riêng món cá linh, mà nhớ cảnh, nhớ người, nhớ xứ sở, và nhớ cả thời trai trẻ bồng bột, vụng dại của mình nữa kia...
                              Tha thẩn trong vườn cổ tích, lòng dạ lại để đâu đâu nơi đồng bằng nước nổi tít phương Nam. Ừ, đã lại đến một mùa sa mưa nữa rồi đấy nhỉ. Chả trách, tóc mình mỗi bạc thêm...!...
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 10 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 138 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9