VĂN XUÔI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC ( I )

Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 5 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 138 bài trong đề mục
Tác giả Bài
tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
VĂN XUÔI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC ( I ) - 21.05.2010 17:49:31

 
Dùng dằng phận cối, nhọ nhem phận nồi
 
    Tạp văn của Nguyễn Chu Nhạc
          
Tôi về quê, giờ tiện lợi là có thể đi xe buýt, nhất là vào các dịp lễ tết đông người. Thường là xe chật cứng sinh viên và những người  làm ăn nơi đô thị gốc nông thôn về quê. Các chàng nàng làm quen, tán nhau toàn bằng ngoại ngữ, Anh, Pháp và cả Trung Quốc nữa. Bác tài mở radio làm vui, hôm ấy vừa đúng vào chương trình phát thanh Câu lạc bộ người cao tuổi. Biên tập viên Thanh Tùng đang điểm thơ các cụ. Trong rất nhiều bài thơ của các thi sĩ hưu trí, thi sĩ vườn ấy, tôi chú ý đến một bài thơ nói về tình nghĩa vợ chồng già ở quê, tác ví von so sánh cái việc mình xưa kia vốn trai tơ lấy vợ là gái nạ dòng lúc đầu như cái cối xay lúa bị sống, nhưng rồi ăn ở với nhau dần khăng khít, tình nghĩa như nồi đồng thủng hàn lại chít bằng lá khoai nước nhưng rất kín, nấu cơm chín nục… Thơ rằng :” …Ngày ấy tôi là trai tơ/ Còn bà gái góa, con thơ, nạ dòng/ Họ hàng làng xóm cười rằng/ Rõ cái cối sống xay không ra gì/ Dùng dằng duyên phận trôi đi/ Nghĩa tình chồng vợ khác chi nồi đồng/ Dù hàn, chít lá dọc mùng/ Thì cơm vẫn chín  theo cùng tháng năm…”. Nghe rồi, ngẫm thấy mộc mạc mà hay và hóm đáo để!...        
          Tôi có người chú họ hơn tôi vài tuổi. Nhà chú vào diện giàu có nhất vùng bây giờ. Cũng vợ chồng tay trắng mà dựng cơ đồ. Hồi nông dân còn đói kém, vợ chú tháo vát buôn gà quê ra bán phố chợ, có tý vốn, chú mua ngay cái máy xay xát gạo cũ của HTX nông nghiệp để không gỉ hoen thải ra, kỳ cạch sửa chữa rồi xát gạo thuê cho bà con trong làng, lấy công bằng thóc. Rồi cũng chú đi đầu mua máy cày bừa nhỏ làm đất thuê. Chưa hết,chú cũng là người đầu tiên ở quê tôi mở đại lý bán vật liệu xây dựng. Cứ thế mà phất lên… Chuyện làm giàu của nhà chú sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như nó không liên quan đến một chuyện khác đáng nói hơn, ấy là cái chuyện mất nghề đóng cối xay kia... Khi có phong trào sắm máy xay xát thì mấy ông phó cối mất nghề. Không có người thuê, song nhớ nghề thêm phần buồn vì nghề, mấy ông vẫn cố đóng cối cho mình dùng, kiên quyết bắt vợ con không nhà nào được mang thóc đi xát máy. Đến lúc cả mấy ông phó cối già ốm bệt giường và dần qua đời, cánh trẻ trẻ không ai theo nghề, thế là nghề đóng cối ở vùng quê tôi mất hẳn. Thế nên có thể xem chú là người đầu tiên gián tiếp kết liễu nghề đóng cối ở vùng quê tôi.
          Chuyện ngày trước, mỗi xã chỉ có dăm ba ông biết nghề đóng cối. Lẽ dĩ nhiên, trình độ lành nghề của các bác phó cối cũng cao thấp khác nhau. Người nào giỏi nghề thì quanh năm không hết việc. Nhà nào muốn đóng cối phải đăng ký trước cả tuần, thậm chí nửa tháng mới đến lượt và hôm ấy, nhà như có việc hệ trọng. Tôi nhớ, ngày ấy, nhà tôi có nghề làm bánh đa nên cần nhiều gạo lắm. Cứ già năm là phải đóng lại rồi. Buổi đó, bố tôi dậy sớm đun nước đổ phích đợi bác phó cối. Khi bác phó đến, chủ thợ uống tàn tuần trà bác phó mới bắt tay. Lúc ấy bố tôi mới nhắc mẹ tôi chợ búa mua đồ nhắm làm cơm trưa cho bác phó. Về công việc, trước tiên mặt cối thớt trên thớt dưới đều được phá bỏ, chỉ trừ lại phần khung nan tre. Sau đó, bác phó mới lấy nguyên liệu mang sẵn đựng trrong đôi bồ nhà nghề của mình, ken lại phần vỏ cối những chỗ nan bị mòn vẹt. Kế đến là phần làm đất. Vì đất làm cối phải là loại đất thịt dẻo mịn không dễ có nên bác phó thường tận dụng lại đất cối cũ, phải đập nhỏ nhặt hết dăm cũ, nhào nước đánh nhuyễn lại, nếu thiếu thì mới thêm. Khi phần nền đất cối được ghép nện bám chắc vào vỏ áo cối, mới đến khâu chêm dăm cối. Đây là phần khó và tỉ mỉ nhất thể hiện tay nghề của bác phó. Gỗ làm dăm cối thường là loại gỗ nhãn hoặc mít. Để có dăm cối, bác phó phải lùng mua những cây nhãn, mít cỗi về cưa khúc ngắn, lựa phần gỗ tốt chẻ dăm theo thớ dọc, sao cho dăm thật dóc, không tướp,  cứng những không giòn, đem phơi khô đủ độ, mang cất dùng dần. Lúc chêm phải cẩn thận chia mặt cối theo hàng lối, răng không cao không thấp, bởi nếu răng cối nhô cao và hàng thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành hạt gạo, còn như răng thấp và hàng mau thì cối bí, chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm hết. Chêm xong rồi phải bắc cối, đổ vài giá thóc vào xay thử, nếu đạt yêu cầu thì thật may, còn không thì lại phải chêm đi chèn lại nhiều lần mới xong. Lẽ dĩ nhiên, với bác phó lành nghề thì thường chỉ điều chỉnh tý chút là được. Cối đóng xong, phải đạt mấy tiêu chuẩn như xay phải nhẹ mà chảy khá nhanh và đều, thóc chín và hạt gạo không giập gãy. Đấy là khâu kỹ thuật, còn chuyện phục vụ bác phó sao cho bác vui vẻ, hài lòng mà làm cho tốt cũng khá nhiêu khê. Thường là giữa buổi sáng, chủ nhà pha thêm tuần trà mới để bác phó nghỉ tay uống nước, bắn vài ba điếu thuốc lào ngả nghiêng cho đã rồi mới tiếp. Trưa cơm rượu rôm rả chủ thợ. Rồi lại tuần trà nghỉ cho xuôi cơm với đôi câu chuyện phiếm.Cũng phải đẫy ngày mới hoàn tất. Công xá thì đã có quy định rồi.. Bảo chuyện đóng cối là hệ trọng bởi nhà nông lấy bát cơm vào miệng làm đầu, nên cái cối xay mới được nâng tầm lên. Người ta kiêng không đóng cối vào dầu năm mới, mà thường từ giữa năm trở đi cho đến giáp tết. Sở dĩ vậy là còn vì tục kiêng kỵ cổ truyền ở nhiều vùng quê, là nếu làm vào đầu năm mà cối sống hoặc bị sao đó là rông cả năm, là điềm báo mùa màng, làm ăn thất bát, nên tránh.
          Vậy là nghề đóng cối xay lúa ở vùng quê tôi mất hẳn, có chăng chỉ còn trong ký ức của mọi người. Còn có một nghề nữa cũng bị xem là mất, đó là nghề hàn nồi. Người Việt mình xưa nay vốn chỉ dùng đồ đồng, tử vật gia dụng như nồi đồng, sanh đồng, thau đồng, mâm đồng, âu đồng đến đồ thờ tự như giá nến đồng, đỉnh đồng… Song có lẽ, trong số đó thì họ hàng nhà nồi đồng là đông đảo hơn cả, nào những nồi ba, nồi bảy, nồi mười, nồi hai mươi, nồi ba mươi, nồi năm mươi… Nồi đồng dùng lâu ngày thì mòn vẹt, han gỉ ( oxy hóa ) mà thủng. Thủng thì phải hàn để dùng nữa, ấy vậy mới sinh ra cái nghề hàn nồi. Khác với nghề đóng cối xay lúa, đồ nghề của thợ hàn nồi gọn nhẹ hơn, chỉ cần đựng trong chiếc bị cói là đủ, với vài chiếc búa lớn nhỏ, chiếc đe, chiếc kìm chuyên dụng cắt kim loại và mớ đồng lá vụn lấy từ những nồi đồng cũ nát bỏ đi. Khi hàn, trước tiên người thợ phải đánh sạch muội than và han gỉ quanh chỗ thủng, rồi cắt khoét  sao cho gọn mép chỗ thủng hình tròn hay bầu dục. Kế đó cắt miếng đồng vá to hơn chút ít, dùng kéo cắt tỉa hàng chân rết xung quanh rồi bẻ vuông quặt vuông góc, luồn miếng vá từ trong lòng nồi ra phía ngoài đáy nồi, và dùng búa tán chặt hàng chân vào đáy nồi. Đến đây, có một khâu quan trọng không thể quên, đó là người thợ hái nắm lá khoai nước, khoai môn hoặc dọc mùng chi đấy trong vườn nhà chủ, rồi đánh quết vào quanh vết hàn. Chất nhựa nhớt của lá chít chặt các kẽ hở li ti quanh vết hàn. Sau đó mới đổ đầy nồi nước để thử. Nếu để một lát mà không thấy rò rỉ là được. Sau một thời gian đun nấu, muội than sẽ củng cố thêm chặt vết hàn. Hàn thì không khó, song trình độ lành nghề của người thợ hơn nhau ở chỗ bền lâu hay chỉ một thời gian là rò rỉ lại. 
          Thợ hàn nồi không có sẵn ở mỗi làng quê mà phần lớn họ từ các làng nghề đúc đồng. Họ lang thang hành nghề khắp thiên hạ, song cũng thường chỉ ở một số vùng quê quen thuộc. Cứ hết làng này sang làng khác, đi tua, có khi vài ba tháng, thậm chí nửa năm mới quay lại một lần.  Nhà nào có nồi, sanh thủng thì cứ đành xếp xó đợi đến khi nào đường làng vang lên tiếng rao buồn buồn “ Ai hàn nồi đơ…ơ…[font=.vntime] ơi …”, mới gọi thợ vào. Rồi già trẻ lớn bé xúm vào xem bác thợ hàn nồi, nhà này nhà nọ chờ đón sẵn rước về nhà mình tạo nên cảnh vui đáo để. Ở quê tôi, ngày trước, cứ vào mỗi dịp cuối năm, bao giờ cũng thế…Giờ đây, dù đã xa rồi mấy chục năm không thấy nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh ông thợ hàn nồi đôi bàn tay lấm lem muội than và trên khuôn mặt khắc khổ lấm tấm mồ hôi nhọ nhem đôi ba quết muội... Đời sống xã hội khấm khá lên và thay đổi nhanh đến chóng mặt. Dân quê cũng toàn xoong nhôm, xoong inox như dân phố, có chăng nồi đồng to chỉ để nấu cám lợn. Thế là nghề hàn nồi cũng đi luôn !...        

          Thời đại mới, sẽ có nhiều nghề mới hình thành, trong khi đó nhiều nghề cổ truyền của một xã hội nông nghiệp xưa đã và sẽ mất dần. Mấy năm gần đây, hằng năm đây đó có tổ chức những triển lãm làng nghề, song chủ yếu vẫn là các nghề thủ công mỹ nghệ, liên quan đến việc quảng bá và phát triển du lịch thôi, còn những nghề thuần túy của đời sống xã hội xưa cũ thì chưa thấy. Mà chúng thì cứ mai một, khuất dần vào quên lãng. Chợt tự hỏi, sao đến giờ Việt Nam mình vẫn chưa có một bảo tàng nghề nhỉ ?!...
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2021 19:13:12 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 04.06.2010 09:37:36
 
                                                                                    Oi nước lên
      
                                                                                                                            Tạp văn của Nguyễn Chu Nhạc
         
          Mùa hè Hà Nội, trời oi nồng. Mỗi khi nghe ai đó ta thán rằng trời oi bức khó chịu quá, tôi lại buột miệng giải thích " Oi nước lên ấy mà ". Thực ra, tôi chỉ lặp lại câu nói mà cha mẹ tôi hay nói ngày trước. Ngày ấy, còn ở độ tuổi đi học, tôi đã từng được nghe cha mẹ tôi nói về oi nước lên. Khi đó, làng quê chưa có điện, để giải nhiệt những cơn nắng nóng oi nồng, người dân quê chỉ biết trông chờ vào những chiếc quạt nan, quạt mo, những cơn gió đồng tươi nguyên lúc chiều hôm, rồi những gàu nước giếng trong mát, những phút giây đắm mình bơi lội dưới dòng sông quê, và cả bằng những món ăn dân dã như canh cua mồng tơi mướp hương, canh rau tập tàng, rau dền luộc...
          Cứ nghe người lớn ta thán những ngày oi nước lên, có lần tôi đã hỏi cha mẹ, oi nước lên là oi như thế nào. Mẹ tôi bảo, là do mưa nhiều ở thượng nguồn nhưng đồng bằng mình lại không mưa nên nồng oi khó chịu. Còn cha tôi thì giải thích cặn kẽ hơn, rằng những ngày ấy trời mưa nhiều ở thượng nguồn, mãi từ vùng cao nguyên Tây tạng, nơi khởi nguồn của những con sống chảy trên đất Việt mình, thêm nữa cùng lúc đó, ngoài khơi biển Đông thường hay có các cơn bão lớn nhỏ, thế là hai vùng không khí ấy chèn ép gây nên sự oi bức ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Còn nước lên ư ? Là do mưa nhiều nơi đầu nguồn nên nước đổ về hạ lưu rất lớn, mực nước các con sông ở Bắc và Trung Bộ lên nhanh và cao ở mức báo động, đe doạ vỡ đê, trong khi ở đồng bằng vẫn không có hoặc ít mưa. Ấy là oi nước lên đấy. Cha tôi còn chỉ tay ra con sông quê nước dâng ngầu đỏ bảo, quê mình ở xa sông Cái và các con sông lớn khác mà nước đổ về còn thế nữa là... Rồi cha tôi hồi tưởng và kể rằng, ngày xưa nữa, những ngày oi nước lên thế này, những làng xóm dọc triền các đê lớn trống từ điếm canh đê giục thì thùm suốt ngày đêm, chùm sự lo âu phấp phỏng lên đầu người dân, nhất là đám dân nghèo nỗi sợ vỡ đê mất mùa mà sinh đói kém bệnh dịch.
          Nghe người lớn nói thì biết vậy, chứ tuổi học trò có nghĩ xa xôi gì đâu. Đám trẻ chúng tôi chỉ thấy toàn những vui thú, vui vì nước sông về to đem lại bao nhiều là trò vè. Nào là chiều hè tắm sông, lũ trẻ tha hồ leo lên cành đa, cành vối ven bờ xòa trên mặt nước thi nhau bông nhông từ trên cao xuống sông bơi lội thoả sức. Rồi là nước to tràn vào các cừ nước nhỏ, mương máng, rạch ao đầy ăm ắp và cá mú từ sông Cài cũng theo nước mà về . Lũ trẻ chúng tôi chỉ cần buông câu nơi rạch nước là có thể câu được những chú cá ngão kếch xù , những chú cá trôi, hoặc chép nhỡ. Thêm nữa, cá vào đồng sinh sôi nảy nở, khi nước còn xăm xắp thì đánh rọ rô, đến cuối thu đầu đông, gặp vụ mùa xong rồi, tha hồ tìm vũng nước, ổ nước trong đồng cỏ rối lẫn gốc rạ mà bắt cá. Còn thú nữa là săn tìm nấm. Thường là sau mỗi đợt oi nồng trời mưa dấm dẳng, thế rồi nơi góc vườn, vùng đất ẩm chân đống rơm đống rạ, nấm rơm đội đất nhú lên trắng mởm từng vạt. Tha hồ hái về nấu canh hoặc xào tái rất ngon. Rồi dọc các triền mương, bờ sông, nấm cỏ lác đác lên từng ổ lổn nhổn như quả trứng, nắm tay, nhặt về bóc đi lớp vỏ mỏng xắt ra kho mỡ ăn khá ngon, thêm vào bữa ăn hằng ngày đỡ phần đơn điệu mà lại bổ dưỡng.
          Dịp oi nước lên năm nay, tôi có chuyến đi Tây Bắc. Mới đến Kỳ Sơn men bờ sông Đà cuồn cuộn đỏ đã hình dung ra sức nước nơi thượng nguồn sẽ đến cỡ nào. Rồi ngược dốc Cun sang Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, lên tiếp Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn đến Sơn La. Suốt chặng đường núi, trời chợt nắng chợt mưa, những cơn mưa bất ngờ mù trời sầm sập nước. Mưa tạnh song những thác nước vẫn không ngừng từ trên cao dội xuống vách núi đá trắng xóa. Thác xuống khe, nhiều khe nhỏ thành ngòi, rồi trăm ngàn ngòi dồn hết vào sông vào hồ thì làm gì mà nước chẳng cả. Nhiều ruộng vườn nơi thung sâu ngập trắng. May mà còn nương rẫy cao, nhà ở của bà con người Thái, người Mường, người Dao toàn nhà sàn, và nhà bà con người Mông thì chênh vênh trên vách núi nên cũng không mấy phương hại. Bà con cũng nương theo đó mà tìm kế sinh nhai, xuống suối săn bắt cá, lên rừng kiếm măng tươi, hái rau bò khai đem bán, thôi thì tùng tiệm thêm thắt ít đồng... Song vẫn còn đấy nỗi lo sạt đất, lở núi và lũ ống, lũ bùn khi mà rừng đã bị tàn phá nhiều. Dọc đường đi, lại liên tục nghe cập nhật tin bão ngoài biển Đông. Bão cứ rình rập trườn dọc bờ biển từ Nam ngược ra Bắc như trêu ngươi, và mới có vậy mà mưa lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử ở các sông vùng Trung Bộ, gây bao lo âu phiền toái và cả thiệt hại nữa.
          Người xưa bảo, trời nào cảnh ấy, mùa nào thức ấy. Cuộc sống nơi thôn dã, chốn sơn lâm thời điểm oi nước lên có khó chịu đấy song cũng đầy thú vị riêng .
         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.06.2010 09:38:39 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 29.06.2010 16:05:33
                      Tàu điện, giao thông hay là văn hóa ?
                                            

       
           Tôi nhớ, vào những ngày cuối cùng của năm 2006, có hai thông tin gây nên trong tôi cùng một xúc cảm . Đó là, Hà Nội công bố khởi công xây dựng ga đầu mối tuyến metro đầu tiên tại Nhổn và Paris khánh thành tuyến xe điện nổi dọc theo bờ sông Xen.
          Sở dĩ hai tin ấy lại gây cho tôi một cảm xúc chồng lấn là bởi, tôi đã có cả một thời tuổi thơ sống với xe điện Hà Nội và nhiều ngày lặn ngụp trong những tuyến metro ngầm của Paris. Thêm nữa, lại đặt trong bối cảnh khi mà cái lối giao thông, nhất là giao thông đô thị, Việt Nam mình chẳng giống ai...
          Trở lại mươi năm trước, tôi cùng đồng nghiệp báo chí có vài tháng trời ngang dọc Paris khi theo một khóa tu nghiệp, và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi chọn một phương thức đi lại duy nhất, rẻ tiền và tiện lợi nhất là metro. Paris có cả thẩy 13 tuyến metro ngang dọc chằng chịt, đó là chưa kể những tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ) nối với các tuyến metro và hàng trăm tuyến xe buýt. Tôi thuê nhà ở của Việt kiều tại vùng ngoại ô phía Đông là Montreuil nên tuyến metro hằng ngày chúng tôi đi học và đi thực tế hoặc đi chơi cuối tuần là tuyến số 9, khởi nguồn từ ga đầu tiên phía đông - Marie de Montreuil. Còn như muốn đi đâu đó khắp Paris, vào đến ga đầu mối Nation, là có thể đổi sang tuyến số 1, số 2, số 6, và khi sang một trong ba tuyến ấy, đến các ga đầu mối khác lại có thể đổi sang một vài tuyến mới. Cứ như vậy, nếu không trồi lên mặt đất và khéo chọn tuyến, ta có thể cả ngày chui trong lòng đất Paris chỉ với một vé vào cửa ban đầu. Lẽ dĩ nhiên, khi bước sang lãnh địa của RER thì phải trả thêm vé vào cửa khác ( nếu không sẽ bị phạt, 100 franc cho một lần vi phạm ) và ngay cả khi ta không để ý loanh quanh thế nào cũng dễ vấp phải cửa ngăn cho một lần trả vé khác (đấy là cái tài của các nhà quy hoạch và quản lý hệ thống này ). Với những ai chưa từng đi, sẽ hỏi, chui rúc dưới đó không thấy được cảnh sắc phố phường thì có gì lý thú? xin thưa, đấy là cả một thế giới sống động, đơn giản bởi trước hết, có đến già nửa dân Paris và ba phần tư khách du lịch chọn hình thức giao thông này. Tôi luôn giữ ấn tượng về những dòng người tuôn chảy vội vã nửa đi nửa chạy trong những lối đi ngầm khi đổi tàu, nhất là lúc trồi lên mặt đất, rồi đó là những biển quảng cáo sắc màu trăm thứ bà giằn, những siêu thị liên thông, những ban nhạc rong, những kẻ thất nghiệp xin tiền và cả những tên láu cá trộm cắp vặt v.v... Bằng metro, ta có thể đến hầu như tất cả các điểm du lịch hoặc mua sắm, ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris như : tháp Eiffel, vườn hoa Luxembourg, Khải Hoàn Môn trên quảng trường Charles de Gaull - đại lộ Champs Elysses, Bảo tàng Louvre, điện Tuileries và Versailles, Nhà thờ Đức Bà ( Notre Dame des Champs), Tòa Thị chính; rồi nữa là toà nhà chọc trời Montparnasse, đồi Montmartre với khu chợ tranh nổi tiếng, khu chơi bời St. Denis, Pigal v.v....
          Dạo ấy, mỗi khi ngồi trên metro vun vút trong lòng đất Paris, tôi lại nhớ về những tuyến xe điện thô sơ leng keng đi về sớm tối với những tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ, Bờ Hồ- Hà Đông, rồi Yên Phụ, Bưởi, Vọng của Hà Nội thuở nào, mà cũng lại do người Pháp khởi nguồn từ thời Pháp thuộc. Ngày nhỏ, nhà tôi ở ngõ Trúc Lạc trên phố Phó Đức Chính, thế là mỗi khi đi đâu, tôi lại được bố mẹ, các chị dắt đi tắt qua ngõ Năm Gian ngược dốc lên đê Yên Phụ để đi tàu điện. Cứ thế leng keng, những chuyến tàu cũ kỹ đi về suốt tuổi thơ tôi , và nó càng da diết khi gia đình tôi rời thành phố về quê Hưng yên sinh sống. Leng keng, bền bỉ, nhẫn nại khuya sớm tàu điện suốt cả thời bom đạn Mỹ, mãi đến yên hàn thống nhất đất nước... Rồi tuổi sinh viên tôi lại lấy đó là phương tiện đi lại chính với những kỷ niệm khó quên của những lần trốn vé, nhảy tàu ...
          Hồi đó, ở Paris- trung tâm văn hoá văn minh châu Âu, tôi chưa có gì để so sánh ngoài chút hoài niệm về tàu điện Hà Nội. Gần đây, tôi đi công tác Nhật Bản, và với chục ngày ở Tokyo, tôi lại chọn phương tiện đi lại chính cho mình ở thủ đô hiện đại nhất châu Á này, metro. Lúc ấy, tôi đã có cái để mà so sánh, không, để mà nhớ về thì đúng hơn , ấy chính là metro Paris. Tokyo cũng có 13 tuyến metro, song có cảm giác nhiều tuyến nằm ở độ sâu hơn so với metro Paris. Thắc mắc ấy được một người quen của tôi, tiến sỹ y khoa Junichi Inaba giải thích, những tuyến metro nằm rất sâu đó là của tư nhân, bởi chính phủ Nhật Bản có chính sách khuyến khích đầu tư trong dịch vụ giao thông này bằng cách miễn thuế tài nguyên cho những công trình ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, người Nhật khác người Pháp, khi di chuyển trên metro, họ lại xem đấy là những giây phút hiếm hoi để thư giãn nghe nhạc hoặc chợp mắt ngủ. Dấu hiệu của một xã hội công nghiệp phát triển quá mức chăng ?
          Rõ ràng, metro không chỉ là dấu hiệu của một xã hội  công nghiệp văn minh, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giảm ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông đơn thuần mà còn có bóng dáng của văn hóa. Với người Pháp, với hệ thống metro văn minh như vậy, song họ lại cho sống lại một hệ thống tàu điện nổi dọc bờ sông Xen, thì ngoài việc góp phần giảm lượng xe hơi, tăng hiệu quả giao thông, giảm ô nhiễm, có một mục đích nữa nhắm tới là văn hóa-du lịch. Du khách đến Paris, có lẽ nào lại tiếc tiền mua một tấm vé lên chuyến tầu điện du ngoạn, ngắm cảnh sắc đôi bờ sông Xen ?!
          Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Với tình trạng giao thông quá tải , lộn xộn và ô nhiễm nặng của Hà Nội hiện nay, tôi đã từng mơ đến một ngày kia xa vời là có metro. Giờ thì giấc mơ ấy không còn vô vọng nữa, dù vẫn phải chờ đợi lâu. Nhưng tàu điện nổi, Hà Nội đã từng có một thời , sao lại không hồi sinh bây giờ nhỉ ?
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.06.2010 16:07:25 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 03.07.2010 09:45:32
                    Đền thờ Minh Trị thiên hoàng, điểm du lịch kỳ thú
 
                                                           Du ký của Nguyễn Chu Nhạc                
 
          Nếu đứng trên sân thượng Tòa thị chính Tokyo cao 45 tầng  phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng, đều bắt gặp muôn vàn những khối nhà cao thấp thuần như một gam  màu lạnh, chen chúc lô xô ken đặc không gian, ta ngỡ Tokyo hiện đại nhưng khô cứng, chán ngắt. Nghĩ vậy là ta đã nhầm. Đường phố Tokyo rợp bóng cây xanh, toàn là phong và liễu, thêm một vài loài cây thân gỗ lá nhỏ đặc trưng vùng ôn đới mà du khách phương xa không biết gọi tên gì…
          Cứ theo bóng liễu, bóng phong mà đi, du khách len lỏi dưới những khối nhà của cái thành phố gần 13 triệu dân và trải dài hơn trăm cây số này, có thể tìm thấy một rừng cây tuyệt đẹp giữa hai quận Shinjuku và Shibuya ngay trung tâm thành phố. Đó là khu đền thờ Minh Trị thiên hoàng. Người Nhật Bản tôn kính và biết ơn vị vua này, ông lên ngôi năm 1868,  người đã khởi xướng phong trào canh tân, với tinh thần tự cường song rất chú trọng việc học hỏi văn minh Âu Mỹ, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh. Bởi vậy người dân mới dựng đền thờ xem như một  vị thần linh có công với dân tộc. Song khoan nói chuyện đó, ta hãy xem khu đền thờ này như một công trình văn hóa du lịch đặc trưng của Tokyo có sức hấp dẫn du khách cỡ bậc nhất. 
          Nếu đem ví với Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Việt Nam thì thật không đúng lắm ( bởi Văn Miếu- Quốc Tử Giám  thờ Khổng Tử-ông tổ của Đạo Nho và là trường đại học cổ xưa nhất của VN ), còn đây lại thờ một vị vua khai sáng, song quả thật không có gì để so sánh tương đồng, nên ta cứ tạm coi từa tựa như vậy. Về diện tích thì khu đền này rộng hơn nhiều lần ,có rừng cây rậm rạp nhưng về lịch sử tồn tại chỉ bằng 1/10, nghĩa là gần  trăm năm thôi. Điểm chính của công trình văn hóa du lịch này là đền thờ Minh Trị thiên hoàng ở mặt chính và Minh Trị thần cung hội quán ở phía sau. Đền thờ chính được xây cất toàn bằng gỗ bốn mái theo kiến trúc truyền thống của Nhật Bản,và cũng gồm hai phần tiền điện, chính điện  Dọc lối vào, du khách bắt gặp từng hàng đèn lồng được xếp cao như bức tường lớn. Đây là những đèn lồng được làm theo kiểu truyền thống do người dân tự nguyện mang đến hiến cầu may, nên trên mỗi chiếc đèn đều có chữ viết, dấu ấn của riêng người hiến. Phần tiền điện cũng thuần bằng gỗ, hai tầng, có cổng rộng đề vào sân chính điện. Qua khoảng sân rộng là bái đường thuộc chính điện với cánh hai cánh cử gỗ dày nặng. Trên những cánh cửa gỗ và cả đôi cột gỗ hàng hiên chi chít những vết hằn. Đây là dấu tích của những đồng tiền xu do  người dân ném vào cầu may, mỗi đầu năm mới, khi cổng đền được mở cho người dân vào viếng. Bên trong bái đường, nơi thần dân và du khách bốn phương đến thăm viếng đứng bái vọng, là những chiếc bàn gỗ có hòm phía dưới đựng tiền của người lễ ( kiểu như hòm Công Đức trong các chùa chiền, đền miếu ở ta ). Đáng chú ý và khá lý thú là ở hai bên bái đường, phía trái là nơi để rượu hiến tế của người dân, với hàng ngàn  chai rượu dân tộc đặc sản từ nhiều vùng của Nhật Bản được người dân mang đến lễ ; còn bên trái, là nơi treo các thẻ gỗ trên đó viết những điều ước vọng bằng các thứ ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc của các thí sinh cầu may trước mỗi kỳ thi cử ( cứ từ tựa như kiểu thì sinh đến Văn Miếu thắp hương lễ thánh cầu may trước mùa thi ở Việt Nam vậy ).
          Hôm ngươi viết bài này đến thăm đền là chủ nhật. May mắn là đúng dịp đó có Triển lãm Cúc hoa . Những chậu hoa cúc tuyệt đep, được tuyển lựa từ những người chơi hoa cúc đem đến trưng bày, chẳng hiểu họ có chấm điểm trao giải hay không ? Bên cạnh nhiều loài cúc ta thường thấy ở Việt Nam thì còn có một số loài cúc đặc trưng Nhật Bản, thân bụi hoa nhỏ trông rất lạ mắt được trồng trong chậu cảnh công phu. Cũng hôm ấy, có một đám tế lễ tại đền. Người chủ tế cao niên phục trang theo lối truyền thống màu trắng toát, những người phụ tế cũng  vậy, còn  lại những người tham gia đoàn tế phần đông đều ăn vận theo lối  truyền thống cả. Đoàn tế nghiêm chỉnh tiến vào với dàn nhạc dân tộc phụ họa, nghe na ná nhạc Lưu thủy, Hành vân của ta. Có cảm giác, văn hóa Nhật Bản được biểu hiện trong tôn giáo, tín  ngưỡng và cả trong đời sống xã hội có sự hòa nhập của ba yếu tố Nho-Phật- Thần đạo, pha trộn thêm chút tinh thần của võ sĩ đạo ( Samurai ). Ấy cũng làm nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, và vì thế càng thêm hấp dẫn về khía cạnh du lịch…
 
         

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 05.07.2010 08:52:11
                      Công viên hành chính Hibiya và khu Hoàng cung
 
                                                 Du ký của Nguyễn Chu Nhạc
 
                                                       
         Thủ đô Tokyo có cả thẩy 23 quận, song chỉ có mấy quận thuộc trung tâm là các quận Shinjuku, Tokyo, Shibuya, Ueno, Ikebukuro…Khu trung tâm này ken đầy đặc các tuyến metro ngang dọ sâu lòng đấtc…Nếu xem quận Shinjuku na ná như quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội ) bởi đây được coi là trung tâm thương mại sầm uất, thì quận Tokyo lại tương đồng với quận Ba Đình, trước hết vì ở đây tập trung hầu hết trụ sở của Chính phủ, với văn phòng và 12 bộ , cùng Nhà Quốc hội.Khu vực này có mấy tiều khu quan trọng, đó là khu Kashumi Gaxeki - khu hành chính thuộc tiểu khu Chiyoda, Hibiya-công viên cây xanh, khu Akasuku- nơi nhiều quan chức chọn định cư, khu Hoàng cung và Lâu đài công chúa…
          Công viên Hibiya nằm giữa khu hành chính bởi bao quanh nó là trụ sở của mấy Bộ ngành, và cả Toà nhà Tam giác trụ sở Quốc hội. Trong lòng đất khu vực này, có đến dăm tuyến metro giao nhau như Oedo line, Mita line, Hibiya line, Chiyoda line, Yurakucho line, Marunouchi line. Công viên không lớn, nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng, song xinh xắn và rất nên thơ. Cổng chính của Tòa nhà số 5, nơi đặt trụ sở của Bộ Y tế-Lao động & Phúc lợi, Bộ Môi trường và một phần của Văn phòng Chính phủ đối diện với một cổng của công viên Hibiya. Giờ nghỉ trưa hôm chúng tôi đến làm việc tại đây, bác sĩ Junichi Inaba- chuyên viên Hợp tác quốc tế của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản đưa chúng tôi vào thăm công viên. Công viên lúc này khá đông người, thuần một màu rất " viên chức ". Anh Inaba giải thích, thường mỗi buổi trưa, công viên này rất đông người đi dạo, phần lớn toàn công chức tranh thủ giờ nghỉ trưa, sau bữa ăn nhanh đồ ăn  mang theo hay tại căng-tin công sở. Đi dạo một mình thư giãn, hoặc theo tốp để nói chuyện phiếm và có thể là bàn bạc thêm về một vài vấn đề nào đó. Tôi chợt nghĩ về những bữa trưa tràn đầy không khí nhậu nhẹt của nhiều  viên chức xứ mình mà thầm so sánh…Chẳng biết người Tokyo gọi thế nào, song chúng tôi bảo nhau có thể coi công viên Hibiya như một công viên hành chính. Công viên không lớn , rất nhiều cây song lại tạo cho du khách cảm giác thoáng rộng, thoải mái, bởi cấu trúc chia ô, chia khu với vô vàn các lối đi nhỏ dẫn vào các thảm cỏ, lùm cây. Kề bên các lối đi thường là các loài phong, liễu và những loài cây thân thảo, sâu bên trong mới là các loài cây thân gỗ. Đó đây là các hồ nước nhỏ, cầu vòm dẫn vào các đình, tạ được xây cất theo lối truyền thống, khiến người ta dễ liên tưởng đến cảnh quan phim trường Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc. Rất nhiều ghế đá và các tảng đá mang các hình thù khác nhau được bố trí rải rác khắp vườn vừa để cho du khách ngồi nghỉ, lại vừa như tạo dáng. Thảm cỏ vườn được trồng tỉa cẩn thận, và hình như còn có một số loài địa lan, gây nên cảm giác thơm tho, sạch sẽ như tranh vẽ. Chốc chốc lại bắt gặp một người cao niên cắm cúi với bảng màu và bút lông trong tay mê mải vẽ. Thời tiết cuối thu se lạnh đã phủ lên khu vườn một màu vàng chanh đó đây nơi các lùm cây…Ngẫm lại thấy tiếc cho những công viên Bách Thảo, Thống Nhất ở xứ mình !…
          Ra khỏi công viên Hibiya, lại bách bộ thêm một đoạn đường nữa là khu Lầu công chúa với hồ nước bao quanh với mấy đôi thiên nga trắng toát nhẩn nha gù nhau. Ngang đây là một quảng trường và đại lộ dẫn thẳng đến khu Hoàng cung. Cũng như những hoàng cung, cung điện, thành lầu của nhiều triều đại phong kiến Á Đông, Hoàng cung Nhật bản được cấu trúc với vòng ngoài bảo vệ kiểu tường cao-hào sâu. Một chiếc cầu vòm cuốn cổ dẫn vào cổng chính diện, Du khách chỉ có thể nhìn vọng từ xa vào cổng thành hai tầng màu sẫm thâm nghiêm với đôi vọng gác cùng hai người cận vệ trang phục trắng toát đứng im như tượng, và sâu tít bên trong với nhấp nhô vòm mái, lầu các và cây cối mà thôi. Bên ngoài là lối sỏi rộng rênh, cùng khu rừng thưa kéo dài từ trước khu Lầu công chúa vắt ngang đến tận chân Hoàng cung, trồng thuần một  loài thông tán xanh rì. Một hàng những viên sỏi khổng lồ xếp cách đều nhau làm thành chiếc ba-ri-e chắn lối vào phía sau trông khá lạ mắt và gây cảm giác thích thú cho du khách. Thảm cỏ phẳng lỳ, rải rác đó đây có người nằm ngủ ngon lành dưới tán thông. Lác đác các cụ già ăn vận trang phục cổ, dắt chó cảnh dạo chơi trên những lối đi. Xa xa, tháp truyền hình Tokyo in lên bầu trời, như tạo dáng cho khung cảnh nơi đây. Và tất cả làm  nên một bầu không khí thanh bình, nhàn nhã…
          Không riêng gì du khách từ phương xa tới Tokyo,  theo anh Inaba cho biết, thì ngay chính những người dân của Tôkyo, thậm chí những người sống hoặc làm việc hằng ngày  quanh khu vực này cũng cảm thấy yêu thích cảnh sắc tuyệt đẹp và thanh nhàn đó !…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.07.2010 08:54:10 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 10.07.2010 11:56:14
                                                                                                            Hệ thống Metro
                                                        & du lịch thương mại Tokyo
 
                                                                                                                Du ký của Nguyễn Chu Nhạc
                             
                                           
 
          Người nhận đón và hướng dẫn chúng tôi từ sân bay quốc tế Narita về trung tâm Tokyo là một sinh viên Việt Nam tên Chiến, sang Nhật đã 4 năm nay. Chiến đưa chúng tôi xuống tầng hầm nhà ga sân bay vì ở đó thông luôn với ga xe lửa ngoại ô. Chiến cho biết là sẽ phải đi một chặng dài bằng xe lửa ngoại ô, rồi đổi thêm vài chặng metro nữa mới đến nơi đoàn chúng tôi ở thuộc quận trung tâm Shinjuku. Đây là phương tiện giao thông tiện lợi nhất, rẻ nhất và có thể nhanh nhất ở Tokyo. Thế rồi, cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ lên xuống lặn ngụp trong hệ thống metro , chúng tôi mới chồi lên mặt đất ở ga Wakamatsu ( hiểu nghĩa là Ga cây Tùng non ).
          Cách đây vừa tròn 9 năm, tôi và mấy đồng nghiệp ở Đài TNVN đã có dịp lặn lội gần 2 tháng trời ngày ngày trong hệ thống Metro ở Paris ( Pháp ) khi tham gia một khoá đào tạo báo chí, nên tôi không lạ gì cấu trúc và một số nguyên lý tìm tuyến, đi lại trong đó. Ấy vậy mà, khi đứng trong ga metro của Tokyo vẫn bị cái giác lạ lẫm của anh nông dân lần đầu tiếp xúc với công nghiệp hiện đại. Hình như là hệ thống này nằm sâu trong lòng đất hơn và cũng rối rắm hơn. Quả vậy, đi lại vài lần, mới thấy cảm giác lạ lẫm có cái lý của nó, trước hết bởi một số tuyến nằm dưới độ sâu 50m nên khi chuyển tuyến phải  lên xuống cầu thang  vòng vèo mấy lần, rồi thêm nữa là các chỉ dẫn bằng mẫu tự Nhật Bản ( tất nhiên có chua thêm bằng tiếng Anh nhỏ hơn ), khác hẳn với Paris chỉ thuần kiểu mẫu tự Latinh, điều đó khiến khách lạ dễ mất sự tự tin. Tuy nhiên, để ý kỹ, lại thấy cũng chẳng có gì là rắc rối cả, vì ở các gia đều có các tờ rơi sơ đồ hệ thống metro, cả bản tiếng Nhật và tiếng Anh. Thêm nữa, khi đã yên vị trên metro, khách cũng có thể theo dõi được tuyến mình đang đi qua  bảng  điện tử chạy chữ được lắp đặt ngay phía trên mỗi của lên xuống của toa tàu.
          Tokyo hiện có 14 tuyến metro, trong đó nhiều tuyến của tư nhân. Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích đầu tư bằng điều luật là bất cứ công trình nào do tư nhân đầu tư làm ở độ sâu 50m  trở xuống trong lòng đất thì đều được miễn thuế tài nguyên.Các tuyến đều được ký hiệu bằng chữ cái đầu tên ( ví dụ như : tuyến Tozai line - ký hiệu T , tuyến Ginza line-ký hiệu G, tuyến Namboku line ký hiệu N ). Nói hệ thống metro có ý nghĩa lớn về mặt du lịch, trước hết bởi sự tiện lợi cho bất cứ ai, về tốc độ nhanh chóng, về giá rẻ ( rất phù hợp với xu hướng du lịch ba lô hiện nay và lại càng ý nghĩa hơn khi Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới ); đồng thời nó làm giảm tối đa  lượng người đi lại trên mặt phố, vì thế vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa góp phần tạo cảnh quan đẹp đẽ cho phố phường ; và đặc biệt, hầu như những công trình văn hóa du lịch và các trung tâm thương mại lớn đều có tầng hầm thông với ga metro.
          Mua sắm là một nhu cầu không thể thiếu của du khách. Đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người mỗi khi có dịp đi công cán hoặc du lịch xứ người. Nhiều khi mua sắm cho nhu cầu sử dụng thì ít mà mua làm quà cho người thân, bạn bè hoặc để làm kỷ niệm thì nhiều. Vì thế, việc các ga metro thông với các trung tâm thương mại lớn là bằng chứng biểu hiện của maketting giao thông-du lịch-thương mại tuyệt vời. Du khách đến Nhật Bản, nhất là Tokyo , có hai chủng loại hàng được nguời ta chú ý hơn cả là mỹ phẩm và đồ điện tử - đích thị Made in Japan ( chất lượng tuyệt hảo và giá cả phải chăng là ưu thế của hai chủng hàng này ). Chính vì thế, ngoại trừ những cửa hiệu lớn nổi tiếng ở trung tâm, thì bất cứ một của hàng, shop nhỏ nào trên đường phố mà ta bắt gặp cũng có thể mua được hàng mỹ phẩm chính hiệu. Về hàng điện tử, du khách không thể bỏ qua gian điện tử ở trung tâm thương mại Odakyu thuộc quận Shinjuku. Ở đây, có đủ các chủng loại máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính xách tay của các hãng nổi tiếng như Canon, Nikon, Olimpus, Sony, Panasonic… Ngoài ra, du khách còn thích tầm chợ đồ cũ điện tử, bởi nếu biết hàng, khéo chọn và may mắn ra thì có thể mua được vài món chất lượng tốt mà giá lại rẻ bất ngờ… 
          Không thể không nói đến các loại hàng mang tính souvernir . Ở Tokyo có một số cửa hàng " Một trăm yên ". Sở dĩ có tên như vậy, bởi hầu hết các mặt hàng bán ở đây đều có giá 100 yên. Du khách có thể tìm thấy ở đây từ mỹ phẩm đến các hàng vặt vãnh  như bấm móng tay, cặp tóc nữ, dây đeo diện thoại di động, móc chìa khóa, rồi là  bút bi,kính mát,cốc sứ, nậm rượu v.v… Mua hàng ở đây có vài điều cần chú ý, thứ nhất là , nếu giá bán cao hơn thì trên mỗi sản phẩm đều có ghi rõ giá, còn như không thấy ghi gì thì khách yên tâm mà nhặt hàng bởi khi tính tiền thì người tính chỉ cần đếm số lượng đầu loại rồi nhân với 100 yên là ra ; thứ nữa, nên xem kỹ bởi không thì khách sẽ mua nhầm hàng Made in China trong khi muốn mua hàng Made in Japan ( lẽ dĩ nhiên hàng Made in China vào được thị trường Nhật Bản khó tính thì phải đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tương đương ). Có lẽ nổi tiếng nhất Tokyo trong số các cửa hàng 100 yên phải kể đến cửa hàng nằm trên phố đi bộ ngay bên sườn khu đền thờ Minh Trị Thiên hoàng..Ngày chủ nhật, phố này và nhất là của hàng 100 yên đông đặc người, toàn thanh niên Nhật và khách nước ngoài chen chúc ken vai đến đây mua sắm.
         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2010 11:57:54 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 21.07.2010 15:22:18
                                                                Du lịch văn hóa
 
                                                                 Du ký của Nguyễn Chu Nhạc

                                                
 
          Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc- nơi mỗi ngày bình minh đến sớm nhất trên bờ Thái Bình Dương, đất nước của hoa anh đào mùa xuân, và cả đất nước của động đất cùng núi lửa.. Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, đất nước này nằm trên lưng một con rồng, lâu lâu nó lại quẫy mình gây nên động đất. Trước hôm chúng tôi sang ,vùng Tokyo vừa bị một trận động đất trung bình, và ngay đợt chúng tôi ở đó cũng có một đợt nhẹ.Chính yếu tố địa chất ấy cũng góp phần tạo ra một phong cách kiến trúc- văn hóa Nhật Bản, với kiểu nhà gỗ truyền thống xưa cũ và kiến trúc nhà hộp màu lạnh hiện đại, bằng các vật liệu bền nhẹ.
          Ngay hôm mới sang, Chiến-sinh viên VN đang học tại Tokyo chỉ những lùm cây lá ngả vàng chanh bảo :" Đã là cuối thu, song Tokyo ở vĩ độ thấp nên vẫn không đủ lạnh để cây cối chuyển màu lá đỏ. Giờ muốn xem lá đỏ thì phải ngược lên phía Bắc những hơn trăm cây số nữa, ở đó có cả rừng cây lá đỏ, tuyệt đẹp ". Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không đủ thời gian để tìm đến chiêm ngưỡng rừng cây lá đỏ, song điều muốn nói chính là ở chỗ, đất đai, khí hậu đã góp phần hun đúc nên một tinh thần dân tộc, và được biểu hiện thành bản sắc văn hóa. Với du khách, đến với một đất nước, một quốc gia nào đó, là đến với một nền văn hóa. Cũng như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hoa Hạ suốt nhiều thế kỷ. Và cũng bằng những cách thức tương đồng, Nhật Bản cũng đã biết thoát ra khỏi cái bóng không lồ ấy để tạo ra một bản sắc văn hóa riêng mình, khá độc đáo. Trong văn hóa ,tín ngưỡng có sự nhào nặn của cả ba yếu tố Nho-Phật-Thần đạo. Văn hóa Nhật Bản đâu chỉ có bóng dáng của thiên nhiên như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, mà sức lan tỏa làm nên sự hấp dẫn cho du khách lại mang dấu ấn của con người, đó là trang phục kimônô, là môn võ vật sumô, là nghệ thuật xếp giấy, là bon-sai, là rượu sa-kê và những món ăn cá sống, là trà đạo, là kịch Noh ( Nô ) , và thậm chí cả là geisha nữa  v.v… 
          Với trang phục kimônô, với bon-sai và trà đạo, người VN đã không còn xa lạ, bởi trong nhiều năm nay, qua giao lưu văn hóa, người ta đã được biết đến. Song ẩm thực Nhật Bản, thì vài năm gần đây, ở Hà Nội và Tp.HCM đã có một số quán rượu sa-kê và món ăn Nhật. Điều tôi muốn nói ở đây là các shop to nhỏ mà du khách có thể thấy ở bất cứ khu vực nào trên đường phố Tokyo đều có quầy bán rượu sa-kê,rượu sô-chyu.Có những cửa hàng chuyên bán rượu. Cũng như rượu vang và cô-nhắc Pháp, whisky Scotch, vodka Nga,hay như  rượu" quốc lủi" đựng trong vò sành nút lá chuối khô ở ta, rượu sa-kê và sô-chyu cũng mang phong vị từng vùng khác nhau. Nhưng khoan nói đến mùi vị đặc trưng bên trong, chỉ nhìn kiểu dáng, màu sắc chai và nhãn mác bên ngoài đã thấy thích thú rồi. Mỗi nhãn mác đều được trình bày như một bức thư pháp Nhật tự ấn tượng. Du khách đến Nhật Bản, nhất là đấng mày râu, khó ai có thể bỏ qua không mua vài chai về làm lưu niệm, làm quà cho bạn bè. Nhân nói đến thư pháp trên nhãn mác rượu, không thể không nói đến nền thư pháp chính tông Nhật Bản. Ngôn ngữ Nhật Bản hiện nay,  được biết, nó được xây dựng trên cơ sở hơn ba nghìn từ Hán  cơ bản  (chỉ phát âm khác, còn giữ nguyên mẫu tự và nghĩa ), cộng thêm mẫu tự Nhật mà thành. Chính vì thế, nền thư pháp Nhật Bản cũng không kém phần tinh tuý, có chăng chỉ sau thư pháp Trung Hoa mà thôi, song lại có phần độc đáo riêng, được người Nhật gọi là Thư đạo. Thêm nữa, thư đạo Nhật Bản ít  nhiều mang mầu sắc của Thiền- Thư pháp Thiền ( tức Hítsuzendo ). Nhiều biển hiệu cửa hàng, tên công sở, trường học đều được trình bày theo lối thư đạo, ngay các phòng khách, phòng trưng bày của các công sở cũng đều có treo thư đạo, gây cảm giác có gì đó vừa cao thâm, lại không kém phần mỹ thuật ,trang nhã !…
          Có một bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nhật Bản, một biểu hiện của văn hóa cổ  truyền, đó là kịch Noh ( Nô ). Được biết, kịch Noh có nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển từ 800 năm nay, lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể  thế giới.Có gì đó từa tựa như Kinh kịch Trung Hoa, hay Tuồng cổ Việt Nam, song cảm giác là kịch Noh thần bí hơn.  Vì thời gian và công việc không cho phép,nên chúng tôi thiệt thòi không đến được Nhà hát Quốc gia để xem biểu kịch Noh, hay xem kịch Noh ngoài trời. Bù lại, được xem biểu diễn qua truyền hình. Vở kịch kéo dài hơn 2 tiếng, và lại không biết tiếng Nhật, nên chỉ xem động tác, vũ đạo,khẩu hình, phông cảnh và nghe âm nhạc,giọng điệu mà suy đoán. Thế nên, cũng chưa thấy nhiều cái hay, cái đặc sắc của kịch Noh. Song dẫu sao vậy cũng là quý rồi…
          Tokyo, thoảng qua  và cảm nhận, thấy thích thú và đáng trân trọng những gì làm nên bản sắc văn hóa Nhật Bản, nhất là trong thời đại hội nhập thế giới, khi mà xu thế nhất thể hóa về văn hóa theo kiểu văn hóa-văn minh Âu Mỹ đang thịnh hành. Những gì ta đã thấy của văn hóa Trung Hoa, thấy ở văn hóa Nhật Bản hiện nay, và cả những gì ta đang nỗ lực bản tồn bản sắc văn hóa cổ truyền Việt Nam,gạt đi những vấn đề còn chưa chuẩn trong công cuộc chấn hưng văn hóa ở mỗi quốc gia, cao hơn ý nghĩa về khía cạnh du lịch, rộng lớn  hơn cả tinh thần dân tộc, tất cả  đang góp phần gìn giữ sự đa dạng  văn hóa cho thế giới. Và như vậy, có nghĩa là cho sự phát triển !…
         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.07.2010 15:24:09 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 11.10.2010 11:45:49
Quần cư


Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc

                                                         
                                                     
          Con người mang tâm lý và tập quán quần cư, chính là mang dấu vết của tổ tiên xa xưa trong quá trình hình thành và phát triển.Theo các nhà nghiên cứu và khảo cổ học thì ngay từ buổi bình minh của loài người, tập tính cố kết đã giúp cho con người có sức mạnh tổng hợp để dấu tranh sinh tồn nhằm chống lại muông thú và khắc phục thiên tai, thuận theo tự nhiên mà phát triển lên xã hội loài người. Ở đây, không chỉ có sự tác động của yếu tố thiên nhiên vào đời sống và sản xuất của con người.             
          Điều cũng được thể hiện rõ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền văn minh lúa nước. Chịu ảnh hưởng của văn minh-văn hóa Hoa Hạ, nền văn minh lúa nước ở ta cũng tương đồng. Điều đó cũng có nghĩa là chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên. Vì thế, con người vừa sinh sống, sản xuất vừa phải nghe ngóng, đón chờ thiên nhiên. Con người luôn phải “ Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng “. Sở dĩ vậy, bởi kỹ thuật canh tác lúa nước luôn phụ thuộc vào yếu tố cơ bản nhất, đó là nước. Thiếu nước không được và thừa nước, dĩ nhiên cũng không được. Thế là hạn hán, lũ lụt đều được con người coi là thiên tai, vừa sợ hãi, vừa đón nhận với sự chịu đựng và cả sự quật cường. Thế mới nảy sinh ý muốn chinh phục thiên nhiên, và cao hơn, siêu hơn là mô phỏng thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên mà sống. Vừa khắc chế cái hại của thiên nhiên, vừa dựa theo thiên nhiên mà bắt nó làm lợi cho đời sống của mình…
          Tất cả những điều ấy sẽ chẳng là gì và không bao giờ làm nổi nếu con người chỉ đơn độc với từng cá thể. Vậy nên, phải xúm nhau lại, mỗi người một chân một tay, cùng làm, cùng chịu đựng, cùng tốn sức nhọc tâm và thành quả thu được thì cùng xẻ chia cùng hưởng. Cái tâm lý và tập quán quần cư, tập tính cố kết con người cứ thế mà hình thành và ngày càng được củng cố. Dân gian mới bảo rằng “ Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao “; rồi là : “ Ba anh thợ cày hơn một ông Gia Cát “ cũng hàm ý vậy.    
          Tuy nhiên, khác loài vật ở chỗ, trong khi loài vật càng sống gần nhau, bên nhau thì càng gần gũi, khăng khít, còn con người ta, với cái sự khôn và tinh ranh của mình, càng ở với nhau lâu càng hay sinh chuyện. Vậy nên mới cần đến sự kêu gọi đoàn kết. Rồi đó mới nảy sinh hàng loại những triết lý, lập ngôn cho cái sự đoàn kết của mình và chống chia rẽ cộng đồng, dân tộc và chia rẽ loài người.
          Lẽ dĩ nhiên, mỗi một cấp độ phát triển của xã hội loài người, tập tính cố kết và tâm lý, tập quán quần cư cũng như nhiều tập tính, tập quán, tâm lý khác có những thay đổi phù hợp với xã hội ấy, song xét về cơ bản của yếu tố nền vẫn chẳng có gì thay đổi. Sự tác động từ phía xã hội và yếu tố tự thân chỉ làm cho tập tính, tập quán, tâm lý ấy thêm phức tạp mà thôi !... Và trong sự phức tạp ấy, con người bỗng trở nên nhỏ bé và mong manh làm sao. Con người  luôn cảm thấy thiếu an toàn, cần được bảo vệ , và quả là, họ đang nỗ lực tìm  kiếm cách thức để tự bảo vệ, bảo hiểm cho mình.
          Người Trung Hoa cổ đại có một minh triết, Thuận là gốc của Phúc, bởi muốn được Phúc với những biểu hiện cụ thể thì mọi sự trước tiên phải Thuận. Quy luật tự nhiên và xã hội đều minh chứng cho điều này. Nghịch thường gây ra tai họa , nghiệp chướng...Thế nên, trong nghiên cứu, sáng tạo, con người ta có thể độc lập, cô đơn, song kết quả, thành quả sẽ trở thành của chung và chỉ khi ấy nó mới có ý nghĩa và mang lại sự vinh quang, niềm tự hào cho người sáng tạo !...
          Con người ra đời trong sự cô đơn, trưởng thành và tìm kiếm sự khẳng định mình trong quần cư, rồi ra thu mình lại hoặc tách mình ra khỏi đám đông... Rồi nữa, sẽ hòa mình trở lại trong vinh quang hay cay đắng... Quần cư, vẫn là chiếc ổ rơm hay tấm nệm yên ấm của con người !...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 01.01.2011 10:12:05
Thân gửi Ct.Ly
 
Nhờ bạn đưa giúp các bài tạp văn " Quần cư ", " Dùng dằng phận cối..." và " Oi nước lên " vào thư mục riêng của tác giả Nguyễn Chu Nhạc trong Thư viện của Thư quán.
 
Cảm ơn.

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 16.01.2011 09:41:34
Thân gửi Ct.Ly & các Điều hành viên
 
Mong nhờ các bạn chuyển mấy bài tạp văn " Dùng dằng phận cối ", " Quần cư " và " Oi nước lên " và thư mục của tác giả tại Thư viện.
 
Chân thành cảm ơn.
 
NCN.

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 05.02.2011 16:25:32
Vườn cổ tích.

Sáng mồng hai Tết, trời hửng nắng ấm, trong nhà thì vẫn lạnh đủ duyên xuân. Tôi cùng gia đình người chị gái về quê. Quê tôi huyện Văn Lâm ( Hưng Yên ), chỉ cách Hà Nội hơn hai chục cây số, đường 5 xe bon bon. Qua cầu Vĩnh Tuy, thênh thang xe vắng. Nước sông Hồng cạn trơ sau đợt tháo nước đổ ải. Những bãi chuối xanh mướt sau trận mưa rào hôm 29 Tết.

 
Tôi về bên ngoại. Quê nội thì đã về trước tết, thắp hương trên mộ cha mẹ và ông bà rồi. Từ nhiều năm nay, bên quê ngoại tôi có thói quen, hằng năm, cứ vào ngày mồng 2 Tết, các gia đình con cháu, không hẹn đều túc mục kéo về. Bà ngoại tôi sinh hạ 15 người con, song nuôi đến trưởng thành 9 người. Mỗi gia đình cứ thế mà nhân lên, dâu rể, cháu chắt các kiểu, nay đến gần 150 người cả thảy. Có năm, mồng hai tết, tập hợp đến hơn trăm người, ăn cơm cả chục mâm. Ông ngoại tôi, trước có cửa hiệu giặt là trên phố Mã Mây ( Hà Nội ), thời ấy, ông tôi bán đi, về quê làm Lý trưởng. Bác và các cậu dì tôi chủ yếu sống ở Hà Nội. Ngày nhỏ, khi gia đình tôi còn sống ở phố Phó Đức Chính ( Hà Nội ), hằng năm, cứ vào dịp nghỉ hè, chúng tôi đều về quê. Thời chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc, lũ trẻ chúng tôi sơ tán về quê đi học tránh bom. Thế là, đám anh em con chú con bác, con cô con cậu, con dì con già chúng tôi về ở ngôi nhà bà ngoại tôi đông đến hàng chục đứa. Khi ấy, cậu áp út tôi, đi thanh niên xung phong vào chiến trường khu 4, ở nhà, còn dì út, cùng bà ngoại tôi trông nom đám cháu nội ngoại. Bà ngoại tôi bị lòa mắt từ khi trẻ sau một cơn thiên đầu thống, nhưng mọi ngóc ngách trong nhà vườn, bà đều thông thuộc, tự đi không cần ai dắt. Mảnh vườn rộng 5 sào Bắc bộ, có ao, ngôi nhà ngói đại khoa cửa bức bàn, hè rộng, dại tre, trong nhà có hoành phi và 2 đôi câu đối cổ do các môn sinh của cụ ngoại tôi chúc thọ khi xưa cụ là thày đồ mở lớp dạy chữ Nho trong vùng; vườn đầy những ổi, táo, khế, hồng, sấu, lá dong, quanh năm mùa nào thức ấy; quanh hàng rào bao bọc là tre và mây gai chằng chịt, tạo nên không gian, mà sau này, viết văn, tôi mệnh danh là - Khu vườn cổ tích.
Sở dĩ tôi gọi như vậy, vì lũ trẻ chúng tôi sống lúc tuổi thơ đi học, những bài thơ văn, những câu chuyện cổ tích ngày ấy chúng tôi đọc trong ánh đèn dầu hỏa đỏ quạch, thêm phần ly kỳ, hấp dẫn. Sau này, cậu áp út tôi trở về sau chiến tranh, lấy vợ, sinh liền tù tỳ những 4 cô con gái. Cậu trở thành chủ nhân của Vườn cổ tích sau khi bà ngoại tôi khuất núi. Cậu sống trong ngôi nhà ngói đại khoa, lại chưa có con trai nối dõi, nên tâm trạng hơi buồn. Rồi có người mách bảo, làm nhà ra bên cạnh ở, giữ ngôi nhà đại khoa làm nhà thờ họ Cao ( ông ngoại tôi là trưởng chi họ Cao ở vùng ấy ). Cậu tôi nghe theo, y rằng sinh thêm được  cậu con trai út ( nay đã mười mấy tuổi ). Cậu vui lắm. Ngôi nhà thờ lâu ngày xuống cấp. Hằng năm, mồng 2 tết, về quê, chúng tôi đều thắp hương và ăn cỗ tết trong ngôi nhà thờ ấy. Rồi năm kia, tôi và một cậu em con dì sống ở quê ( 2 thằng cháu ngoại ) mạnh dạn đề xuất, tất cả nhất trí không ai đòi chia phần, chia đất trong khu vườn 5 sào đất ấy, giữ làm nơi chốn đi về cho cả đại gia đình, mỗi thành viên tùy tâm góp tiền sửa chữa ngôi nhà thờ. Ý tưởng thành hiện thực, ngôi nhà thờ được sửa khang trang theo lối cổ, hoàn thành vào tháp Chạp rồi...
Tết Tân Mão này, con cháu kéo về đông vui, đề huề trong Khu vườn cổ tích. Các cậu dì tôi, 9 người giờ còn 5, có nhiều người đã lên vai cụ. Cánh chúng tôi thì cũng đã tóc bạc cả lượt ( có người đã về hưu ). Giờ là thời đại của lũ trẻ, con chúng tôi. Hàn huyên, ríu rít, đủ thứ chuyện trên giời dưới bể.
Tiết trời đẹp, bầu không khí tết xuân sum vầy đầm ấm bao trùm trong khu vườn cổ tích...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 08.03.2011 09:31:13
Đầu năm đi lễ chùa.
Tản văn

Đầu năm đi lễ chùa, từ xa xưa, đã trở thành một phong tục của người Việt. Và cả một số nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo.Đã là phong tục, lại phong tục đẹp, thì tồn tại là chuyện đương nhiên.
Người phương Đông quan niệm, “ tứ thời xuân tại thủ “, bốn mùa trong năm thì mùa xuân là đứng đầu. Mùa xuân, bắt đầu của năm mới, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở...
Sau một năm làm ăn cật lực, con người ta có thể gặp cả các chuyện không may, những điều may mắn. Năm cũ qua đi, năm mới đến, tiết đoạn thời gian được phân định bởi thời khắc giao thừa, con người ta mong muốn, sang năm mới, bản thân và những người thân trong gia đình trong năm tới có sức khỏe tốt, công việc hanh thông, gặp nhiều may mắn...; còn rộng ra, với thiên nhiên và xã hội, là yên bình, là mưa thuận gió hòa, không thiên tai, địch họa, không dịch bệnh...
Những mong ước ấy là chính đáng. Nhưng niềm tin phải đặt vào nơi đâu? Lẽ dĩ nhiên, niềm tin trước hết phải đặt vào chính con người rồi. Song chưa đủ, con người ta còn đặt niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, ấy là niềm tin tôn giáo rồi.
Đầu năm, đi lễ chùa, là văn hóa tâm linh với ý nghĩa như vậy. Người ta đi lễ chùa với đầy đủ lễ nghi, và cầu xin cụ thể; cũng có không ít người, đầu năm đi vãn cảnh chùa, có thể không cầu xin gì, bỏ chút tiền công đức ( gọi là tiền giọt dầu, thẻ hương ), nói là để yên lòng người cho cả một năm, song không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Ở đây, tôi chưa đề cập hiện tượng sa đà, chùa chiền, lễ lạt liên miên, làm văn hóa tâm linh méo mó, đang dần trở thành phổ biến trong xã hội ngày nay.
Tôi là một người, đầu năm thường đi vãn cảnh chùa, xa gần có cả. Năm nay, mấy ngày tết, cũng loanh quanh đôi chùa phủ trong nội thành, thứ bảy rồi, mới đi xa hơn, thăm vãn chùa Tây Phương ( thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ ).
Đây là một ngôi chùa nổi tiếng xứ Bắc. thuộc đất thôn Yên, xã Thạch Xá. Tương truyền, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 6-7, và trải qua rất nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, dấu ấn được ghi chép về quy mô, kiến trúc của chùa thì mãi đến vào thế đầu kỷ 17 thời nhà Mạc, với tên chữ là Sùng Phúc tự . Kế đó, là vào năm 1632, dưới triều vua Lê Thần Tôn, chùa được xây dựng với quy mô 3 gian thượng điện, cùng hậu cung, hành lang tới 20 gian. Tiếp nữa, là vào các năm 1657-1682, chúa Trịnh Tạc cho phá bỏ chùa cũ, xây chùa mới cùng tam quan. Và cuối cùng, là dưới triều Tây Sơn, năm 1794, chùa được đại tu, đổi tên thành Tây Phương cổ tự, và dáng dấp kiến trúc còn giữ đến ngày nay.
Thong thả từng bậc đá ong ướt át trong làn mưa phùn mùa xuân, qua 239 bậc mới tới được cổng chùa. Cổng chính, tấm biển chữ Hán Tây Phương cổ tự , mở ra bên trong một không gian chùa, với kiến trúc được đánh giá là tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo mỹ thuật thời Hậu Lê. Lần lần, tiền điện đến hậu điện, được thấy các pho tượng Phật cổ bằng chất liệu gỗ mít sơn thếp từ mấy thế kỷ trước, đặc biệt là các vị La Hán, đã đi vào thơ ca Việt qua bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận từ năm 1960.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?
........
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây tươi vạn dặm đường xuân

Xung quanh chùa, những ngôi nhà dân chênh vênh bên sườn núi, những lối mòn tre trúc quạnh hiu, mùi khói bếp quện mùi hương trầm, tất cả làm nên một không gian thanh tịnh và ấm cúng.
Tách khỏi nhóm người, một mình theo bậc thang dần xuống, tha thẩn ngắm nhìn, hỏi chuyện các bà cụ bán hàng rong hai bên. Những đồ lưu niệm mây tre đan, những con châu chấu, chuồn chuồn tre, lặt vặt...cùng đó là những lời mời chào chân quê . Nhìn các bà, các cụ đầu bạc khăn vấn đen, môi quết trầu, vừa mời chào bán hàng vừa gẫu chuyện xóm mạc, như thấy bóng dáng mẹ ta, dáng dì ta ngày nào. Có gì đó thân thương, chân chất, mộc mạc...
Thì ra, cõi Phật và cõi đời gần gụi nhau biết mấy !...


























<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.03.2011 09:32:29 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 22.03.2011 16:36:09
                                                 Đảo chìm,
                            nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
                               ( Đọc tiểu thuyết đảo chìm của Trần Đăng Khoa  )
                                                                      Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc
 
          Đảo chìm, tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa ( theo cách gọi của chính tác giả ), xuất bản đã lâu và nhanh chóng tái bản đến vài chục lần. Các nhà phê bình chuyên nghiệp, cùng bạn đọc đã bình phẩm nhiều rồi, thíêt tưởng, chẳng còn gì mà nói...
          Với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi đọc trọn vẹn cái sản phẩm mi-ni này. Đơn giản, tôi mắc cái bệnh cố hữu, cứ cái gì người ta xúm đông xúm đỏ, thì tôi lại lảng ra, mặc dù, tôi với Trần Đăng Khoa là bạn học trò, gần chục năm nay lại cùng công sở, ngày gặp nhau dăm bảy lần, trưa hay cùng cơm văn phòng, song phần lớn nói chuyện công việc, đời sống. Thi thoảng chuyện văn chương, thì cũng là tán gẫu, xuất bản miệng, cười xoà rồi cho qua. Quả thực, tôi cũng có đọc một vài trích đoạn và đôi bài phê bình trên báo chí về Đảo chìm. Có lần, tôi hỏi Khoa : “ Viết Đảo chìm, ông định làm một “ Ông già và biển cả “ của Việt Nam à “. Khoa gật gù. Lần khác, tôi lại đùa : “  Phải chăng, Đảo chìm của ông, na ná Rô-bin-sơn Cru-xô ? “. Khoa cũng chỉ gật gù, ngỏn nghẻn.
          Mới đây, Khoa đưa toàn bộ Đảo chìm lên blog của mình. Tôi đã đọc một mạch, với những cung bậc cảm xúc nảy sinh...
          Về độ dài, nó chỉ già nửa “ Ông già và biển cả “ của Hê-minh-uây. Chuyện cũng phần lớn dựa vào người thật việc thật, ít hư cấu, cứ như thấy gì kể nấy vậy... Dĩ nhiên, cái tài của tác giả là ở giọng văn hóm hỉnh, câu chữ chắt lọc, lựa chọn tình tiết đắt, khắc họa tính cách nhân vật giỏi v.v...
          Song, tất cả những cái tài nhỏ ấy, được tác giả bỏ vào một cái tài lớn hơn, ấy là nghệ thuật xây dựng không gian truyện. Hay nói một cách khác,, nghệ thuật xây dựng không gian truyện tài tình bao chùm lên hết thảy.
          Theo tôi, Đảo chìm , đồng thời có ba không gian khác nhau.
          Thứ nhất, một không gian chật hẹp đến nghẹt thở ( chẳng mấy khác với người sống trong hầm bí mật ), ấy là “cái lều bạt” chốt chặt, chung chiêng phía bên trên đảo chìm san hô ( cũng có thể xem cả con tàu neo bên ngoài, mà hằng ngày phải lượn tuần tra trong phạm vi của mình, và mỗi khi có gió bão, phải nhổ neo, nương theo sóng gió, chạy trấnh loanh quanh. Thực chất, nó là một cái lều bạt di động ).
          Thứ hai, ấy là một không gian mênh mông như vô tận của trời biển, chứa trong lòng đầy bí hiểm, vừa hiền dịu quyến rũ, vừa hung dữ bất kham... Và trong cái không gian mênh mông bất tận ấy, cái không gian lều bạt ( cả con tàu nữa ) như một hạt bụi lửng lơ...
          Thứ ba, đó là không gian ảo. Cái không gian này, lúc bé xíu lúc khổng lồ, khi gần khi xa, lúc mơ mộng dịu dàng khi rờn rợn ma quái, thực mà ảo ...
Ấy bởi, nó chỉ tồn tại trong ý nghĩ của mỗi nhân vật .
          Cả ba không gian ấy, lúc đồng dạng phối cảnh, khi xâm lấn nhau, hòa quện vào nhau. Trong  bối cảnh như vậy, tất thảy các nhân vật, con người thì từ anh lính trơn đến vị tư lệnh quân chủng; con vật  thì những chim biển, cá mập, con lợn ; vật dụng thì những lều bạt, con tàu , vũ khí, cuốc xẻng, lưới câu, tư trang quần áo đều sống động ( có hồn ), suy nghĩ, hành xử, vận động theo lô-gic của mình.
           Và chính, tạo dựng được một không gian nghệ thuật như vậy, nên mọi ý nghĩ, hành động, tính cách, tình huống, tình tiết truyện ( có khi như phi lý ) đều chấp nhận được, trở nên có lý có tình... Ví như, chim biển và cá mập thì như người, như ma quái; con lợn cũng như người, như yêu tinh; còn con người thì nhanh chóng “ mất hơi người “, có lúc như chim, khi như cá, lại có khi như lợn, như người nguyên thủy ( Hai Ùm hay trần truồng ), và khi chỉ là linh hồn thôi ( phần kết, sau khi Hai Ùm chết, hồn anh như nhập vào một con chim biển khổng lồ, gù gù dáng người trong lều bạt, khiến đồng đội tưởng anh vẫn còn sống )... Tất thảy, kết thành một khối, cô đơn mà lại hòa đồng, bi hài và kiêu hãnh, cùng nhau bảo vệ một thực tại khắc nghiệt và ngợp trong một lý tưởng vời vợi ở phía tương lai...
          Cũng chính vì tạo dựng được một không gian nghệ thuật như thế, Đảo chìm, không giống hiện sinh kiểu Phương Tây, cũng chẳng phải “ hiện thực huyền ảo “ kiểu Mỹ-la-tinh. Đó là thứ hiện thực lãng mạn, pha chút “ Liêu trai “ phương Đông.
          Theo thiển nghĩ của tôi, Đảo chìm là một tác phẩm đặc sắc trong văn học hiện đại ở nước ta, mà thành công về mặt nghệ thuật của nó, lớn nhất là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện.
                           
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2011 12:42:44 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 02.04.2011 11:55:29
                                                    Miền hoa ban trắng

                                                           Tản văn


Đi Tây Bắc lần này, có nhàn tản hơn so với chuyến đi Tây Bắc trước tết Tân Mão. Lần trước, đã giáp tết, công việc bề bộn, cứ bị cuốn theo cái sự gấp gáp, náo nức của không khí tết, nên ngoài việc ngó nghiêng tìm mua lấy một cành đào rừng, thì chẳng còn thời gian đâu mà thăm thú...
Lần này, đã chủ định, rảnh rang hơn. Chẳng gì thì cũng vừa mới hết tháng ăn chơi, vả lại mùa xuân hãy đang còn kia mà. Nhớ dạo thu năm ngoái, anh bạn đồng nghiệp, là chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Điện Biến đưa lời mời hấp dẫn  : “ Mong được đón anh ở Điện Biên, nhưng hẹn anh vào mùa ban xuân tới “. Vậy mà mùa ban đến, định theo lời mới mà lên, thì anh chàng lại bay vào Nam, chờ theo tàu Hải quân ra thăm Trường Sa. Thôi kệ, mùa ban đâu có đợi người . Thích thì cứ đi thôi.
Đúng hôm lên đường thì một đợt gió mùa mạnh tràn về. Suốt dọc đường, từ Hòa Bình, Mai Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Hát Lót lên Sơn La, mưa rét tầm tã, rả rích một điệu ru rín buồn buồn của trời đất, trong khi ấy, thì cập nhật thông tin toàn là tuyết rơi dày gây khó khăn cho công tác cứu hộ động đất, sóng thần ; chuyện phun nước làm mát lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản ; tin chuẩn bị đánh nhau to ở Libya... Lởn vởn trong đầu, ý nghĩ về một đợt lũ tiểu mãn có thể giảm nguy cơ cháy rừng, và cung cấp một lượng nước đáng kể cho cây cối và tích thêm nước cho thủy điện, khiến cho lòng người có cái để mà vui ...
Những cung đường Tây Bắc, mấy năm qua đi lại, đã thành quen thuộc, khúc nào quanh co nguy hiểm, mùa nào hay sương mù dày đặc, chỗ nào có bản Mông, bản Thái, mùa nào có hoa gì nở ... Ấy vậy, trời mưa rét, cũng mất hết cả phương hướng. Lúc nghỉ chân tìm chén trà nóng ở gần thị trấn nông trường Mộc Châu, lạnh run người, thì ra nhiệt độ xuống tới 4 độ C.  Xe cứ lầm lụi trong mưa, chốc chốc một cây gạo hoa trổ đỏ ối cả cây trơ vơ bên sườn dốc hiện ra trong màn mưa. Xe đông người, vậy mà một cảm giác cô đơn len lén dâng lên.
Mấy ngày, ngoài sự hứng khởi trong  thực thi công việc, chút thăng hoa xen lẫn cảm giác trống rỗng khi nghiêng ngả trong các cuộc rượu tại bản Thái, vẫn còn sự chờ đợi về màu hoa ban trắng rừng núi Tây Bắc. Lại  Thuận Châu,  rồi vượt đèo Pha Đin sang Tuần Giáo. Đã thấy lác đác những cây ban hoa trắng, nhưng ủ rũ trong mưa rét và sương giá. Cả thành phố Điện Biên chìm trong mưa rét. Đêm, nằm bẹp trong phòng kín Nhà khách tỉnh, nghe mưa rơi đều đều ngoài trời, loáng nhoáng màn hình ti vi là những cảnh tuyết dày ở Sa pa cùng các gương mặt hớn hở của người lần đầu thấy tuyết, cảnh người dân Nhật đang vật lộn với giá rét tuyết phủ kín trong đống đổ nát khổng lồ của động đất  và sóng thần. Có gì đó hơi bất nhẫn...
Ngủ vùi trong hơi men và những xúc cảm đan xen, chộn rộn.
Sáng ra. Nghe tiếng chim hót đâu đó. Lắng tai, đã không còn tiếng mưa rơi. Ồ, hẳn trời đã hửng. Vùng dậy, kéo rèm, mở của ra ban công. Ngỡ ngàng, ngay trước mắt, là mấy cây hoa ban, toàn thân cành trắng muốt những hoa là hoa. Có lẽ mưa đã gột rửa bụi bậm cho hoa, để sáng nay trời hửng, hoa căng mặt phô hết vẻ trắng trong của mình .
Thế rồi, cả buổi, khi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên; thăm thành Bản Phủ, nơi hơn hai trăm năm trước, quân khởi nghĩa của thủ lĩnh Hoàng Công Chất trấn giữ nơi đây, đánh giặc Phẻ và cầm cự chống quân đội triều đình ; thăm di tích Hầm tướng Đờ-cát và cầu Mường Thanh, đâu đâu cũng một màu ban trắng. Vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng và niềm kiêu hãnh của miền đất và người dân bản địa là đây chăng ?!...
Chiều rời Điện Biên xuôi về lại Sơn La, trời quang quẻ, suốt dọc đường, khắp rừng núi, tưng bừng một màu hoa ban trắng trong ánh chiều hanh vàng.
Hình như, sau những ngày dài khô hạn, sương mù, đợt mưa theo chân gió mùa về đã thấm nhuần đất đá, cây cỏ, đánh thức cả miền hoa ban, vùng bật dậy mà đồng thanh cùng núi rừng lên tiếng, cựa mình căng sức để trổ hết hoa trắng bạt ngàn ?!...















<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.04.2011 11:58:53 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 26.05.2011 16:33:19
Nhớ mùa cá linh

 
Tản văn

Hôm nay, tôi về quê, về thăm khu vườn cổ tích của tuổi thơ tôi. Đám giỗ ông ngoại tôi. Họ hàng, con cháu bên ngoại về đông, vừa chục mâm cỗ. Ông ngoại tôi, mất từ hồi tôi còn chưa được sinh ra, nên chỉ biết qua tấm ảnh thờ. Bà ngoại tôi thọ đến gần chín chục, nh ưng mất cũng mấy chục năm rồi. Suốt thời nhỏ đi học, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, rồi sau này học đại học, tôi thường xuyên về quê ngoại. Hè năm 1981, sau khi tốt nghiêp đại học,  tôi đi miền Nam nhận công tác tại An Giang, đến chào bà ngoại, bà còn căn dặn tôi đủ thứ...

Rồi vài năm sau, năm nào tôi cũng nghỉ phép ra Bắc, lại kẽo kẹt đèo mẹ tôi trên chiếc xe đạp cọc cách sang quê ngoại thăm bà và các cậu dì. Tôi nhớ, khi ấy bà đã yếu nhiều, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Bà hỏi chuyện miền Nam, tôi say sưa kể bà nghe, về mùa khô nóng cháy, về mùa sa mưa nước nổi nơi tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên, kể về xứ sở “ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa nổi như bánh canh “, về  miệt viễn biên Thất Sơn với những câu chuyện ly kỳ , về canh chua cá rô bông súng, về mùa cá linh sông Hậu với những món ăn dân dã lạ miệng ...Đi dạo trong vườn cổ tích của bà ngoại, lại thấy nhớ mùa cá linh miệt vườn sông nước Nam bộ...

Chả là, hơn nửa tháng trước, tôi trở lại miệt vườn. Khách sạn nằm kế bên bến Ninh Kiều ( Cần Thơ ), ngày đêm phành phạch tiếng máy tàu đò qua lại, xa xa là cây cầu Cần Thơ mảnh như sợi dây giăng ngang chao trên sông nước mênh mang. Mấy ngày ở  Cần Thơ trời nắng nóng, nhưng  mùa sa mưa đã đến. Buổi đi chơi sang cù lao giữa sông Hậu, đang bữa ăn sang trọng nhà hàng, chợt ai đó nhắc đến mắm cá linh, thế là mọi người nhao nhao nói về món ăn cá linh. Nào canh chua cá linh nấu bông điên điển, nào cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt, cá linh kho mía nục, cá linh nướng, cá linh tẩm bội chiên giòn, lẩu cá linh ...Thôi thì đủ món. Nói ra, đang bữa ăn mà ai nấy còn phát thèm. Lại một ai đó bảo, cá linh bây giờ hiếm lắm, thành đặc sản rồi. Đến mùa cá linh, cỡ tháng bảy âm lịch, chỉ còn miệt An Giang, Đồng Tháp may còn, nhưng cũng thưa thớt lắm. Muốn ăn cá linh, phải đi nhà hàng, mắc thấy mồ, chứ đâu có rẻ rề, ê hề ngoài chợ như ngày xưa nữa...
Ngày xưa. Cái ngày xưa ấy đâu có xa xôi gì, mới chỉ ngót ba chục năm qua thôi. Ngày ấy, tôi ở thị trấn Tri Tôn. Huyện Tri Tôn được tách ra từ huyện Bảy Núi thành hai ( Tri Tôn, Tịnh Biên ). Đây là vùng núi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm chiến tranh chống Mỹ Ngụy và chiến tranh biên giới Tây Nam 1979, vùng đất này là chiến trường ác liệt, bị tàn phá ghê gớm. Khi tôi đeo ba lô vào nhận công tác ở đây, chiến tranh mới đi qua có vài năm. Các cơ quan cấp huyện, cơ sở tạm bợ, ăn nhờ ở đậu. Dấu tích của chiến tranh vẫn hiện diện với những hàng rào thép gai, với súng ống đạn dược còn nhan nhản đây đó, đặc biệt, mấy nghìn bộ cốt của người dân Ba Chúc bị quân Pôn-pốt giết hại vẫn quàn nổi trong một tòa tháp ngay tại xã Ba Chúc...
Ấy là mùa nước nổi, mùa lũ đầu tiên tôi biết. Bao bọc bốn phía thị trấn Tri Tôn bé nhỏ xơ xác là đồng ruộng ngút mắt. Làng mạc xa xa, nhô lên trên cánh đồng nước nổi là những tán dừa, tán lá thốt nốt, thi thoảng là chóp nhọn tháp chùa Khmer. Những con đường liên xã, liên huyện như những sợi dây thừng mảnh giăng mấp mí mặt nước. Khi ấy, cả đồng bằng mênh mông là xứ sở của cỏ dại, năn nác, bàng, của tôm cua ốc ếch, của trăn rắn, lượn trạch. Con kinh Tám Ngàn rạch đôi thị trấn Tri Tôn, một đầu nối với con kinh chạy về phía Kiên Lương, Hà Tiên, còn một đầu thông vào kinh rạch Thoại Sơn. Mùa nước, đi đâu, cũng cứ tàu đò, ghe thuyền, bo bo, tắc ráng mà chạy là tiện nhất.
Tôi quen dần với thổ ngơi, và món ăn miền Tây Nam bộ. Những canh chua cá rô bông súng, những khô cá, dưa bông điển điển, đũa mắm, những cá tra, cá ba sa, chán kho lại canh. Và cá linh. Cá linh, với người dân nơi đây, vừa là món bình dân, rẻ  và ngon vì chế được nhiều món, vừa là thứ thực phẩm quý vì có mùa. Hằng năm, cứ tầm tháng tư âm lịch là mùa sa mưa bắt đầu, đến độ tháng 6 âm lịch là có cá linh non, nhưng rộ nhất là tầm tháng 7, tháng 8 âm. Khi ấy, lũ miền Tây sắp đạt đỉnh, cá linh do ngư dân đánh bắt trên sông Hậu, hay những kinh rạch nhận nước từ sông Hậu. Cơ man cá linh. Chợ nào, trên bộ hoặc dưới sông, cũng đều bán cá linh. Nhà nhà ăn cá linh, thường xuyên cả tháng trời. Nghe nói, giống cá này, vốn sinh trưởng ở vùng Biển Hồ của Cam-pu-chia, từ cá bột, đi thành từng đàn lớn, cứ theo nước mà xuôi, vừa xuôi vừa lớn dần, khi đến sông Cửu Long của ta thì thau tháu rồi...
Thị trấn nơi tôi ở, phổ biến nhất là món cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt. Lâu lâu, mới ăn món cá linh tẩm bột chiên giòn, và lẩu cá linh. Đây là hai món ưa thích với cánh nhậu nhẹt, bởi độ khoái khẩu của nó. Để tiếp khách, hay bạn nhậu, chủ nhà chỉ cần mua mớ cá linh, rẻ rề, làm hai món ấy, thêm vài ba món rau dưa gia giảm, dăm xị đế, là thỏa mái tang bồng... Ngà ngà hơi men, ấy là lúc cánh dân địa phương ôm ghi ta lõm, bập bùng ca sáu câu vọng cổ. Tôi là người yêu chèo và dân ca quan họ, không thích cải lương, vọng cổ, song trong bầu không khí như vậy, lòng cũng rưng rưng một nỗi buồn xa xứ, xa quê, xa khu vườn cổ tích của bà ngoại, xa người bạn gái cũng đang được điều đi dạy học ở một vùng chiêm trũng cách Hà Nội hàng trăm cây số...
Dạo đó, thấy tôi một mình cơm niêu nước lọ ở nhà tập thể, chị Tư Chọn, người cùng cơ quan, quê Thạch Thất ( Hà Tây ), lấy chồng tập kết, sau theo chồng về quê Bảy Núi, bảo tôi góp tiền tháng ăn chung cùng gia đình chị. Người xứ Bắc, nhưng chị nấu mòn ăn Nam rất khéo, nhất là món ăn từ cá linh. Cũng nhờ chị, tôi được ăn hầu hết các món xứ Nam. Vào mùa cá linh, bữa cơm tối nào, chị cùng thay đổi, làm món để tôi và anh Tư chồng chị có mồi mà nâng lên đặt xuống. Cách đây mấy năm, vợ chồng anh chị Tư Chọn ra Bắc, về thăm quê chị ở Thạch Thất, có tìm và ghé thăm gia đình tôi. Vui mừng khôn xiết, tôi mời anh chị ăn cơm gia đình, chọn làm những món Bắc thật đặc trưng, để anh chị đỡ thèm đỡ nhớ. Bữa ăn, chuyện nọ dọ chuyện kia, thế nào lại nhắc đến món cá linh. Thấy thèm và nhớ làm sao... Đâu chỉ nhớ riêng món cá linh, mà nhớ cảnh, nhớ người, nhớ xứ sở, và nhớ cả thời trai trẻ bồng bột, vụng dại của mình nữa kia...
Tha thẩn trong vườn cổ tích, lòng dạ lại để đâu đâu nơi đồng bằng nước nổi tít phương Nam. Ừ, đã lại đến một mùa sa mưa nữa rồi đấy nhỉ. Chả trách, tóc mình mỗi bạc thêm...!...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 19.07.2011 15:04:58
            Miên man tháng bảy


                                    Tạp văn
1.

Tôi chưa có một ngày quân ngũ. Viết về người lính và sự hy sinh của người lính trong chiến tranh với tôi thật khó. Cùng lứa tuổi với tôi, anh em họ hàng với tôi, bạn bè tôi, nhiều người đã nhập ngũ, và rất nhiều người trong số đó đã nằm lại rải rác khắp ngả chiến trường nam bắc, đông tây...
Cuối năm 1964, khi đó, chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc, ta thực hiện cuộc vận động giảm dân số ở thủ đô, gia đình tôi rời Hà Nội về quê Hưng Yên sinh sống. Ở quê, tôi học lớp một với lũ trẻ làng, toàn họ hàng gần, xa với nhau. So với tôi, một cậu bé còn từ thành phố về, đi đường sợ dẫm phải gai, sợ chó cắn, sợ bóng đêm, chúng khỏe mạnh và bạo dạn. Tuy cùng học, song tôi biết, chúng đều lớn hơn tôi một vài tuổi, bởi trẻ quê thường đi học muộn. Chúng tôi theo nhau lên đến hết cấp 2 ( hệ 10/10 ). Ấy là vào mùa hè năm 1972. Tốt nghiệp cấp 2 xong là một loạt con trai khám tuyển và nhập ngũ liền. Khi ấy chiến trường Nam Bắc đều thiếu quân cần người. Cùng lớp với tôi có đến dăm ba đứa, những Bỏng, Tác, Dự ... vào lính cùng một đợt, chúng đều họ hàng anh em với tôi cả. Trước đó, là mấy người chú họ tôi nhập ngũ. Tôi học cấp 3 ở trường sơ tán toàn phòng học tường đất lợp rạ. Rồi là 12 ngày đêm tháng Chạp 72 khói lửa chiến đấu và chiến thắng B52. Làng quê vừa mừng vui với việc Mỹ phải ký hiệp định ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, thì ngay đó, lần lượt nhận giấy báo tử. Mấy người chú họ, anh em họ tôi hy sinh gần hết, ở mặt trận Quảng Trị và phía Nam. Tôi đều đã có mặt trong lễ truy điệu mấy đứa bạn học tôi được tổ chức ngay tại sân đình làng. Không thể diễn tả nổi cảm xúc dâng trào khi ấy. Làng mạc lại chìm trong đau thương quặn thắt. Lác đác, vẫn có người lên đường nhập ngũ. Làng xóm cứ dần vắng bóng nam thanh niên, song một khi chiến trường vẫn đang khát người, thì không thể không có ai đó phải ra đi...
Đầu năm 1974, lần đầu tiên tôi tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Mắt tinh, tai thính, các cơ quan đoàn thể bình thường, chỉ mỗi cái nhẹ cân. Cân cả dép chỉ được có 37 kg. Anh cán bộ khám tuyển, bảo tôi “ Chú em thế này thì làm sao vác nổi ba lô, nói chi đến súng đạn. Thôi nhé, hẹn sang năm “. Đầu năm 1975, lại khám tuyển lần thứ hai, vẫn anh cán bộ huyện đội cũ . Anh nhận ra tôi, đùa “Ồ, năm nay nom phổng phao hơn. May ra đủ “. Nhưng khi nhìn cân, kim chỉ đúng con số 38, anh bảo : “ Chán quá, chú em. Chiến trường có cần người đến mấy thì cũng không thể gọi chú em được. Thôi không đi, thì ở nhà cố gắng mà học cho giỏi, vào đại học. Chiến thắng rồi thì cũng cần phải có người xây dựng đất nước chứ “. Tôi về nhà, gặp mẹ tôi đang quét lá cây ngoài cổng. Mẹ dừng tay chút rồi cúi người lặng lẽ quét lá. Tôi báo tin. Mẹ mới nhìn tôi đăm đăm, không nói gì. Tôi đọc được cái nhìn của mẹ. Mẹ yên lòng, có lẽ bởi tôi không phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn; còn buồn, là bởi, bầu không khí sôi sục của cuộc chiến tranh chống Mỹ Nguỵ khi đó, như vậy, xem như nhà tôi chưa có đóng góp gì đáng kể, hơn thế, ở làng quê, với những gia đình có người thân nhập ngũ, hoặc hy sinh, thì mình giống như là người ngoài cuộc, như người có lỗi... Vâng, đúng là có lỗi. Ở hậu phương, tôi cũng đã thấy được sự hy sinh mất mát to lớn của chiến tranh; thấy được sự đau thương của những gia đình có người hy sinh nơi chiến trận; thấy những người thương binh nặng trở về với thân thể không còn nguyên vẹn; tôi cũng đã thấy cả sự ê chề của một số ít người đào ngũ về quê... Vâng, dù còn rất trẻ, nhưng tôi ý thức được những gì mình sẽ phải đối mặt một khi mình trở thành người lính trận, dù báo chí, phim ảnh lúc ấy chưa phản ánh đầy đủ...
Hẳn sẽ có người muốn biết cảm giác của chính tôi khi đó. Thật sự là, với những gì biết được sự tàn khốc của chiến tranh qua dư âm vọng về hậu phương, làng quê, tuy không còn bầu không khí hào hứng sôi sục chung của hồi đầu, mặc dù biết sẽ phải gian khổ hy sinh, song tôi sẵn sàng ra đi, sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với nó,  nếu cuộc chiến chọn mình... như lớp lớp người đã ra đi, như cả dân tộc này đã nhập cuộc với sự quyết tâm quả cảm để giành chiến thắng!...
Sau này, nhiều khi tôi tự vấn, nếu ngày ấy mình đủ sức khỏe và nhập ngũ, thì không biết mình sẽ chiến đấu như thế nào, và số phận sau này mình sẽ ra sao ? Biết đâu, cũng nằm lại đâu đó nơi cánh rừng hay ven suối của Trường Sơn như biết bao người lính khác...
Ngay sau kỳ khám tuyển quân, tôi tham dự kỳ thi thi học sinh giỏi môn Văn và được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 10 của Hải Hưng chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Đây là kỳ thi học sinh giỏi cấp 3 cuối cùng của thời kỳ phân miền, trùng đúng vào thời gian Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Tôi và Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh ( hiện là Phó Tổng biên tập báo Nông nghiệp Việt nam ), và Việt An cùng đội tuyển với nhau, luyện thi mấy tháng tại Trường cấp 3 Hồng Quang ( thị xã Hải Dương ). Sau cuộc thi, ngày 15 tháng 4 năm 1975, chúng tôi chia tay nhau ai về trường nấy. Trần Đăng Khoa xung phong và đủ sức khỏe nhập ngũ ngay trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông; và như thế, có thể nói, anh là một trong những người lính cuối cùng nhập ngũ của cuộc chiến tranh chống Mỹ Nguỵ. Cũng nhờ là lính, mà sau này, Trần Đăng Khoa mới có Đảo Chìm và chùm thơ hay về chiến tranh biên giới Tây Nam, về Trường Sa và những người lính biển...
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.07.2011 15:06:09 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 25.07.2011 15:46:01
Miên man tháng bảy ( II )
2.
Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2009, có một sự kiện đáng nhớ, đó là Lễ kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại tại Quảng Bình. Đường dây 559 ( Đoàn 559 ) của cuộc chiến tranh chống Mỹ Ngụy đã nổi tiếng đến mức đã trở thành huyền thoại. Nhiều thế hệ chúng ta còn nhớ, nhằm thiết lập tuyến chi viện miền Bắc cho miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định cho thành lập Đường dây 559 vào đúng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 19/5/1959 ). Con đường máu lửa, con đường huyền thoại ấy không chỉ mang một sức sống mãnh liệt trong suốt cuộc chiến tranh mà đi vào sử sách để sống mãi với mai sau ...

Văn phòng VOV Miền Trung chúng tôi được giao nhiệm vụ phản ánh mọi hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là tổ chức tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm chính thức được diễn ra vào ngày 16/5/2009 tại Đường 20 Quyết thắng, thuộc địa phận Bố Trạch, Quảng Bình. Tôi trực Văn phòng cơ quan tại Đà Nẵng, công việc tường thuật được giao cho kíp phóng viên, kỹ thuật viên do một Phó Giám đốc cơ quan phụ trách ra Quảng Bính. Tại đây, kíp thực hiện tường thuật được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp ở Đài Phát thanh &Truyền hình Quảng Bình, rồi từ VOV Hà Nội vào. Trước hôm tường thuật, kíp PV-KTV chuẩn bị địa điểm, kỹ thuật đường truyền, có tranh thủ thời gian đến viếng thăm Hang Tám Cô nằm trên đường 20 Quyết thắng thuộc địa phận Khu bảo tồn Phong Nhà Kẻ Bàng ( huyện Bố Trạch ). Lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng và hết sức cảm động, được VTV và VOV cùng tường thuật trực tiếp. Nhờ thế mà người dân cả nước được hiểu rõ thêm về đường Trường Sơn huyền thoại.

Chỉ ít ngày sau buổi lễ ấy, cuối tháng 5/2009, VOV Miền Trung phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Bình tổ chức Hội nghị cộng tác viên ( CTV ) trong 9 tỉnh khu vực ( từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ). Hơn một trăm các CTV là PV thuộc các Đài PT&TH và một số báo trong khu vực, rồi đại biểu từ VOV Hà Nội tập trung về thành phố Đồng Hới. Bên lề Hội nghị, và hội thảo nghiệp vụ, VOV Miền Trung tổ chức mấy chuyến dã ngoại. Qua lời kể và đề nghị của kíp tường thuật trước, chúng tôi quyết định tổ chức cho cả đoàn đi thăm viếng Tượng đài TPXP, di tích Hang Tám Cô, bến phà Xuân Sơn anh hùng trên dòng sông Son và động Phong Nha...
Sau khi thăm Tượng đài TNXP nằm kề bên Đường Trường Sơn công nghiệp, Đoàn họ hàng nhà VOV chúng tôi cắt rừng Phong Nha Kẻ Bàng để đến Đường 20 Quyết thắng, thăm viếng Hang Tám Cô. Dọc đường, câu chuyện bi tráng về Hang Tám Cô mà tôi được biết qua báo chí lâu nay hiện lên theo trí tưởng của mình. Hẳn là, sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người hân hoan với niềm vui chiến thắng, và liền đó là sự hối hả tất bật của công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết đất nước, nên cái sự kiện bi phẫn xảy ra tại Hang Tám Cô vào ngày 14/11/1972 ấy cũng nhanh chóng bị khỏa lấp bởi thời gian, như cây rừng nhanh chóng xanh trở lại đặng khỏa lấp những hố bom đạn ngày nào. Có chăng, nó chỉ hằn sâu trong tâm khảm của những người trong cuộc, ấy là những đồng đội của họ, ấy là những người lái xe, những người lính Trường Sơn qua lại cung đường ngày đó, ấy là những thân nhân và bạn bè họ...
Song như một quy luật của cuộc sống, những gì thuộc về sự bi tráng và thiêng liêng thì luôn bất tử. Và rồi, sự kiện ở Hang Tám Cô bùng sống lại, khi Bộ LĐ-TB&XH và tỉnh Quảng Bình quyết định mở cửa hang, làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Cả nước xôn xao, và Hang Tám Cô nhanh chóng trở thành huyền thoại, như huyền thoại về những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, như huyền thoại về những cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc, và biết bao huyền thoại khác từ chiến tranh sống giữa đời thường hôm nay ...
Đi trong rừng, miên man suy nghĩ. Dòng người, dòng người nối nhau vào ra. Nghe đâu đó người ta rì rầm kể cho nhau về sự linh thiêng của các cô, cả chuyện các cô đã từng “quở” người này kẻ nọ khi thăm viếng chốn này với thái độ thiếu nghiêm túc mà nói những câu bông đùa không phải... Cụm di tích Hang Tám Cô hiện ra trong nghi ngút khói hương, đền thờ trên cao, lối mòn men sườn núi dẫn đến cửa hang. Đoàn chúng tôi chỉnh đốn hàng ngũ, lặng lẽ xếp vòng trước sân đền nghe người hướng dẫn giới thiệu vắn tắt sự tích, rồi lần lượt dâng hương. Theo đường mòn đến hang. Cửa hang hút sâu, ít nhiều bị cây lá và cỏ gianh che khuất. Ai đó cắm cả bó hoa cúc vàng vào kẽ đá đặng thắp hương. Bên ngoài là tấm bia ghi lại sự kiện ngày 14/11/1972 và xa hơn một chút là cây Rao Ráng cao lớn, nơi mà ngày trước các cô treo chiếc kẻng từ mảnh bom để gõ báo động mỗi khi máy bay địch đến oanh tạc. Tôi nhẩm đọc danh sách ghi trên tấm bia, thấy tên 4 nữ, 4 nam. Mang chút thắc mắc, tôi hỏi một đồng nghiệp ở Quảng Bình. Người đồng nghiệp này bảo, theo anh biết, thì nơi đây, ngày ấy, có một tiểu đội nữ TNXP đóng chốt, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường 20 và hướng dẫn xe qua... Số lượng cụ thể bao nhiêu chẳng rõ, bởi lúc thêm lúc bớt người vì điều động đi chốt khác, vì bị thương hay hy sinh gì đó, song có thời điểm, có tới 8 nữ TNXP đóng ở đây. Đường 20 cách xa hơn một chút phía dưới, vách đá và hang động này là nơi họ dựng lán trại sinh hoạt hàng ngày, và còn là nơi mọi người trú ẩn tránh bom đạn máy bay hoặc khi trời mưa to gió lớn. Vì vậy, nên không hiểu, hồi đó, chính dân TNXP hay cánh lính xế qua lại dặt tên là Hang Tám Cô. Ngay chính cái ngày 14/11 ấy, cũng có vài người trong số họ ra mặt đường 20 làm nhiệm vụ, chỉ 4 cô ở lại đấy, đón tiếp khách quý là 4 chàng lính lái xe đồng hương Thanh Hóa đến thăm. Rồi máy bay ập đến, rồi bom như trút, rồi đá lở đất nhào dẫn đến việc tảng đá khổng lồ lăn xuống bịt kín chặt cửa hang mà 8 người đang trú ở trong... Chẳng rõ mức độ chính xác ra sao, song nghe vậy biết vậy...
Đông người, mà bầu không khí tĩnh lặng lạ thường. Không một ai nói to, chỉ thấy rì rầm tiếng người, tiếng gió trong xanh rì cây lá, bảng lảng khói hương sương núi, rưng rưng cả bầu không ! ... Ai cũng trầm mặc suy tưởng với nỗi niềm của riêng mình, song hẳn thâm tâm mọi người đều hướng đến cõi tâm linh-hương hồn các liệt sĩ bất diệt, và cầu mong cho một cuộc sống yên hàn, tốt lành hiện tại !...
Rời di tích Hang Tám Cô, đoàn VOV chúng tôi hướng đến bến phà Xuân Sơn anh hùng của thời chiến tranh. Dòng sông Son bây giờ tàu thuyền tấp nập từ mờ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng đưa đón khách du lịch đi thăm động Phong Nha, khác hẳn với sự tàn khốc khi xưa, nơi các chuyến phà phải tranh thủ từng giây từng phút giữa hai đợt oanh tạc của máy bay để đưa quân và vũ khí qua sông vào chiến trường miền Nam. Trong dòng người đợi thuyền trên bến, tôi để ý thấy một người đàn ông đứng tuổi, vóc dáng và nét mặt khắc khổ, mái tóc bạc quá nửa. Anh tách ra khỏi chỗ đông đi ngược lên phía trên một chút, lặng ngắm dòng sông. Tôi lặng lẽ theo đến bên anh, nói bâng quơ: “ Nghe nói hồi chiến tranh bến phà này bị bắn phá ác liệt lắm. “. Anh ngoảnh nhìn tôi chia sẻ, rồi nói như nói với mình : “ Ừ. Bom đạn khủng khiếp... Tôi là lính, ngày ấy đã từng qua bến phà này mấy bận... Sống chết chỉ trong gang tấc...”. Như gợi đúng nỗi lòng, anh kể thêm về sự ác liệt của bến phà và con đường 20 ngày đó... Anh bảo, đoàn CCB địa phương anh cũng vừa thăm viếng Tượng đài TNXP và di tích Hang Tám Cô, giờ đi thăm động Phong Nha. Tôi hỏi anh đã đến Phong Nha mấy lần rồi. Anh bảo, đây là lần đầu, ngày trước qua lại đây nhiều song chỉ nhăm nhăm việc tránh bom mà đi, chứ có lúc nào thảnh thơi, có lúc nào ngửa mặt lên mà ngắm trời đất phong cảnh đâu, nói chi là thăm động Phong Nha. Ừ nhỉ. Để có chút thảnh thơi đi thăm thú non xanh nước biếc ngay trên chính đất nước mình bây giờ, có nhiều người đã đi mải miết gần cả cuộc đời để đấu tranh và gìn giữ; thậm chí, có biết bao người không còn có cơ hội nhìn ngắm ngày hôm nay, bởi đã ngã xuống nửa chừng !...
Chúng tôi chào nhau, xuống thuyền theo đoàn của mình. Dòng sông Son nước trong, cảnh sắc đôi bờ làng mạc bình dị, thật thư thái, thanh bình. Cửa động Phong Nha đã hiện ra kia rồi...
( còn nữa )

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 27.07.2011 10:01:43
Miên man tháng bảy ( III )

 
3.
Đầu tháng 7 năm 2010, khi ấy tôi không còn phụ trách VOV Miền Trung nữa, mà đã ra VP VOV Hà Nội. Việc tổ chức Hội nghị cộng tác viên hàng năm đã trở thành thường xuyên, thành thương hiệu của VOV MT trong họ hàng nhà VOV chúng tôi. Năm trước, chúng tôi tổ chức ở Đồng Hới ( Quảng Bình ) nên mới có dịp để mọi người đi thăm viếng Tượng đài TNXP và Di tích Hang Tám Cô. Năm 2010, VOV MT phối hợp với Đài PT&TH Quảng Trị tổ chức hội nghị tại Tp. Đông Hà. Bên lề hội nghị, Đoàn họ hàng nhà VOV đông tới khoảng 150 người đi dã ngoại, thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, thăm di tích Khe Sanh và Đường Chín.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, một công trình kiến trúc tâm linh, biểu tượng của sự đền ơn đáp nghĩa, với tổng diện tích 140 nghìn mét vuông, quy tập hơn 10 nghìn mộ chí, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, kề bên đường 15, cách Đông Hà gần 40 km. Sau khi hoàn thành vào năm 1977, Nghĩa trang Trường Sơn không chỉ mang ý nghĩa đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, để các gia đình thân nhân liệt sĩ nằm lại nơi đây đến viếng, mà còn là điểm du lịch tâm linh, thu hút các cá nhân, tổ chức, trường học trong và ngoài nước tìm đến viếng thăm, giáo dục truyền thống, nhất là mỗi dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hằng năm...
Sau hội nghị, tôi cùng một số cán bộ, đồng nghiệp VOV vào Huế, theo lời mời của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tham dự Lễ cầu siêu cho các hương hồn liệt sỹ cách mạng hy sinh ở Khu biệt giam Chín Hầm từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Từng biết đến Địa ngục trần gian Chín Hầm nhiều qua sách báo, phim ảnh, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến khu dich tích lịch sử này.

Vắn tắt về di tích Chín Hầm. 08 căn hầm và 01 nhà gác ở đây được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941, làm kho chứa vũ khí đạn dược cho chúng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Đến năm 1954, Ngô Đình Cẩn, bạo chúa miền Trung, đã biến chúng thành khu biệt giam, đặng giam cầm những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước khác đấu tranh hoặc có thái độ chống đối chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Với diện tích và kết cấu, tường bê tông dày 40 phân, căn hẹp nhất 41 m2, căn rộng nhất 82 m2, hầu hết được chia thành 2 dãy xà lim hết sức chật hẹp. Cách thức đầy đọa hạ các tù nhân được Ngô Đình Cẩn và đám thủ hạ nghĩ ra đủ trò, miễn sao để tra tấn về về thể xác hòng nung lạc tinh thần các chiến sỹ cách mạng.
Trước hôm tổ chức lễ cầu siêu, Huế mưa xối xả từ sớm. Mưa từ Quảng Trị mưa vào, mưa từ Hải Vân mưa ra. Rồi mưa tầm tã cả chiều và đến đêm vẫn còn rả rích. Tôi đã biết thế nào là mưa Huế, song từ cửa sổ phòng khách sạn bên bờ sông Hương, ngó ra mặt sông, thấy đôi ba con thuyền vẫn sáng đèn lầm lũi trong màn mưa phục vụ du khách, thấp thoáng mặt sông những ngọn hoa đăng thả trôi chập chờn sáng rồi nhanh chóng tắt lụi vì mưa, nghe vang vọng giọng ca Huế buồn buồn, mới càng thấm cái thần tình câu thơ tả mưa Huế của nhà thơ Tố Hữu ngày trước “ Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên “...
Sáng hôm sau, trời hửng, tuy chưa có nắng song báo hiệu một ngày thời tiết đẹp, phù hợp cho một buổi hành lễ. Chúng tôi đến khu Chín Hầm, thuộc địa phận làng An Cựu, xã Thủy An, ngay dưới chân núi Thiên Thai, cách trung tâm thành phố Huế không xa. Khu Chín Hầm, cùng với ngôi biệt thự của Ngô Đình Cẩn cũ cách đó chừng cây số, từ năm 1993 đã được xếp hạng Di tích lịch sử. Lễ cầu siêu được các nhà sư từ các chùa của Huế tiến hành từ sớm. Sau lễ cầu siêu mang nghi thức Phật giáo, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Chín Hầm. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và xúc động. Đặc biệt, cảm động và bất ngờ, đó là sự xuất hiện và đăng đàn của ông Nguyễn Minh Vân, một nhân chứng sống về sự dã man thâm độc của Ngô Đình Cẩn đối với tù nhân cộng sản tại Chín Hầm. Ông tên thật là Nguyễn Đình Quảng, là con trai của cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, người Quảng Nam, nguyên là đại tá tình báo của ta, từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam 2 năm ở địa ngục trần gian Chín Hầm ( từ 11/1961 – 11/1963 ). Trong những ngày bị giam cầm, hành hạ tại ngục số 8, ông đã sáng tác và thuộc lòng 3 nghìn câu thơ, diễn tả sự dã man của bạo chúa Ngô Đình Cẩn và tay chân, sức chịu đựng đau đớn về thể xác và tinh thần bất khuất của các tù nhân cộng sản khi bị chúng tra khảo cực hình tại đây... Sau này, khi được thoát ra khỏi Chín Hầm, những câu thơ ông sáng tác đã được lưu giữ, chuyển ra miền Bắc và năm 1973, được xuất bản thành truyện thơ “ Sống trong mồ “ mang bút danh Trần Dân Trung, rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng Âu Mỹ, đã gây tiếng vang trên thế giới, có sức tố cáo mãnh liệt tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm...
Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, song ông rất minh mẫn. Với giọng trầm lắng, rõ ràng, ông chậm rãi kể về những gì ông và đồng chí của mình đã trải qua, khi bị chúng đọa đầy... Rồi ông đọc một vài khúc trong tác phẩm “ Sống trong mồ “ của mình. Mọi người lặng đi vì xúc động. Người ông như lút đi trong không gian hương hoa. Chỉ còn những âm thanh lay động lòng người như vừa thoát ra khỏi những hầm mồ bức bối vút lên và lan tỏa khắp vòm trời !...


tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 23.08.2011 09:24:53
Miên man tháng bảy ( IV )

4.

Cho đến thời điểm này, Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng, đang được gấp rút thi công, tại địa điểm Núi Cấm, xã Tam Phú, Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tượng đài có chiều cao 18.5m, dài 85m ( chiều dài theo đường cong là 117m ), và bề dày chỗ rộng nhất là 24m, bằng chất liệu sa thạch, theo mẫu thiết kế của KTS-Họa sĩ Đinh Gia Thắng. Bên trong khối tượng rỗng, được thiết kế thành Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH, có bia ghi danh gần 50 nghìn Mẹ VNAH trong cả nước với lời giới thiệu, hình ảnh về cuộc đời và sự cống hiến của các mẹ cho đất nước. Không gian Tượng đài, còn có hồ nước, thảm cỏ, thảm hoa, cùng với những trang trí họa tiết thể hiện sắc thái của 54 dân tộc VN; đặc biệt, có 08 trụ huyền thoại ( 08 biểu tượng về Mẹ Bắc bộ, Mẹ Tây nguyên, mẹ Nam bộ, nữ TNXP Trường Sơn, những cô gái ngã ba Đồng Lộc, huyền thoại về lời ru xủa Mẹ, huyền thoại về suối nguồn .)...
Để thành vóc dáng Tượng đài Mẹ VNAH ( lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam ) như ngày hôm nay, nhiều người hẳn còn nhớ, Đài TNVN ( VOV ) là cơ quan khởi xướng, mà ý tưởng về một tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng lại xuất phát từ VOV Miền Trung ...
Theo ông Bùi Huy Toàn, nguyên GĐ VOV Miền Trung, thì vào dịp tháng 7/2003, trong một chuyến công tác về Điện Bàn ( Quảng Nam ), các PV của VOV MT đã đến thăm nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng. Gia đình mẹ Nguyễn Thị Thứ có cả thảy 11 người ( 09 con+01con rể+01 cháu ) là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ Ngụy. Khi ấy, mẹ đã bước vào tuổi 101. Trong câu chuyện, mẹ Thứ bảo, các con cháu của mẹ không chết, vẫn quanh quất đâu đây, thế nên, mẹ vẫn nấu cơm cho chúng ăn, hằng năm, vào dịp này, mẹ nấu cơm để trên bàn thờ, bày bát đũa, để các con cháu của mẹ về thì có miếng mà ăn...
Câu chuyện cảm động từ người mẹ hôm ấy, đã khiến cán bộ, phóng viên của VOV MT suy nghĩ, và thế là, hình thành ý tưởng về một tượng đài nhằm biểu tượng cho sự cống hiến, hy sinh của các bà mẹ VN anh hùng trong cả nước. Đề xuất của VOV MT được Lãnh đạo VOV nhiệt tình ủng hộ, và rồi sau đó, một buổi giao lưu, buổi lễ phát động quyên góp ủng hộ quỹ xây dựng tượng đài Mẹ VNAH được VOV và chính quyền tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức ngay tại quê hương Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ( xã Điện Thắng. huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ). Mấy năm vận động quỹ, có xiết bao chuyện cảm động được anh em nhà VOV chúng tôi chứng kiến, ghi nhận... Rồi đó, còn có sự vào cuộc của Hội Phụ nữ VN, Bộ Quốc phòng, Mặt trận tổ quốc VN và rất nhiều các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia. Số tiền quyên góp dù có nhiều thì cũng không thể đủ, song lớn tiền bạc, là tình cảm và trách nhiệm của người dân cả nước với các Mẹ VNAH, là cách để chúng ta giáo dục truyền thống dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa, thuỷ chung, chia sẻ ...
Mấy năm rồi, khi phụ trách VOV MT, tôi đã có dịp đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ( khi đó mẹ sống cùng với người con trai còn lại tại Tp.Đà Nẵng ); được dự lễ khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH vào tháng dịp 27/7/2009 ; và nhiều lần gặp gỡ trao đổi công việc với ông Đinh Gia Thắng, Kts-họa sĩ thiết kế và tổ chức thi công Tượng đài Mẹ VNAH... Mỗi biết, mỗi cảm nhận, mỗi thấu hiểu về sự hy sinh vô cùng lớn lao của các Mẹ VNAH, về đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
VOV MT còn gắn với một người mẹ nữa, ấy là Mẹ VNAH Thi thị Kiểu. Từ năm 2007, VOV nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Thi thị Kiểu, và công việc chăm sóc mẹ Kiểu thường xuyên được giao cho VOV MT. Mẹ VNAH Thi thị Kiểu ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Kiểu có 03 người con và 01 con rể hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước; còn bản thân mẹ Kiểu, góa chồng sớm, năm 1969 mẹ bị thương khi làm giao liên cho cách mạng. Sau này, mẹ sống ở quê với người cháu mồ côi, trong ngôi nhà tình nghĩa. Khi VOV nhận phụng dưỡng mẹ Kiểu, mẹ cũng đã yếu lắm rồi, đi lại hàng ngày bằng chiếc xe đẩy. Những cán bộ, phóng viên của VOV MT thường xuyên qua lại, động viên, thăm hỏi, tặng quà, nhất là các dịp lễ tết. Các lãnh đạo VOV ở Hà Nội, tổ chức công đoàn, mỗi khi vào công tác miền Trung đều đến thăm hỏi, tặng quà. Rồi sửa sang nhà cửa, bếp núc, tường rào ngôi nhà cho khang trang, sạch sẽ. Thật cảm động, là mỗi khi có người của VOV MT đến thăm, bao giờ mẹ Kiểu cũng nhắc người cháu gái chuẩn bị chút quà quê của gia đình như sắn luộc, bánh ít gửi về làm quà cho mọi người trong cơ quan ...
Người già như trái chín cây, rồi theo quy luật, các mẹ đều rủ nhau ra đi vào cõi vình hằng, dịp cuối năm 2010. Mẹ Kiểu đi trước, sau đó ít bữa là Mẹ Thứ ( thọ 107 tuổi ). Đám tang của các mẹ được chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, VOV và VOVMT đều tham gia tổ chức tang lễ các mẹ hết sức tận tình, chu đáo. Giờ thì các mẹ đã về với đất đai, về sum vầy cùng với các cháu của mình đã hy sinh từ ngày nào... Và chắc hẳn, các mẹ hài lòng với hết thảy những gì cuộc sống đã đền đáp, dù rằng, chẳng có gì có thể bù đắp nổi sự hy sinh mất mát của các mẹ... Các mẹ đã hóa thân vào hình tượng, hóa thân vào tượng đài Mẹ VNAH, biểu tượng cho những đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam : Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang-Thủy chung-Son sắt...
Nay mai, Tượng đài Mẹ VNAH sẽ sừng sững với non sông đất nước, tạc vào lòng người các thế hệ mai sau về sự biết ơn của đạo lý truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam !...

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.08.2011 08:20:10 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 28.08.2011 08:19:31
Miên man tháng bảy ( V )


5.
Đến nay, có hai việc liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ, có người nhờ tôi giúp, mặc dù tôi đã cố, song vẫn chưa đạt kết quả. Vậy nên đành bỏ cho trôi qua.
Quả thật, hồi đầu, không giúp gì được, tôi thấy áy náy trong lòng, song lâu ngày, biết là có cố thì cũng khó được việc, nên cũng tự nhủ với lòng mình, rằng mình đâu có bỏ bê, nhưng gì không có duyên được việc mới thành ra vậy thôi...

Việc thứ nhất, là nhắn tìm phần mộ cho người em họ của tôi.
Như trong phần đầu bài viết " Miên man tháng bảy ", tôi có nói đến chuyện rời Hà Nội về quê Hưng Yên sinh sống khi chiến tranh chống Mỹ bắt đầu. Giai đoạn khoảng từ năm 1966 đến 1970, rất nhiều nam thanh niên ở quê tôi vào lính, ra trận. Trong số đó, tôi có hai người chú họ là Nguyễn Văn Thúc, Nguyễn Văn Thiết, và một người em họ là Nguyễn Văn Tắc( cùng chi họ nội tộc mà hiện tôi là Trưởng chi ) vào lính. Chú Thúc, chú Thiết là lính đặc công, còn Tắc lính bộ binh. Mấy năm sau, cả ba đều có giấy báo tử. Mọi chuyện cứ như vậy cho đến hòa bình, yên hàn sau này. Cách đây khoảng chục năm, phong trào tìm mộ liệt sĩ để đưa về quê rộ lên. Báo chí, trong đó có VOV đều có mục, có chương trình thông tin đi tìm đồng đội, tìm mộ liệt sĩ.
Một lần về quê giỗ tổ chi họ, thằng cu cháu tôi ( con trai độc nhất của người em liệt sĩ Nguyễn Văn Tắc ), nó nay đã là bố của 3 cô công chúa, có nhờ tôi việc nhắn tin tìm mộ bố nó. Khi tôi hỏi có thông tin gì để nhắn, thì nó chỉ bảo chỉ nhớ là giấy báo tử ghi năm hy sinh 70 hay 71 gì đấy ở Mặt trận phía Nam. Quả thật, với thông tin như vậy thì khó mà tìm nổi. Khi ấy, tôi đang phụ trách một Ban biên tập của VOV ( nơi sản xuất chương trình phát thanh " Thông tin về những người con hy sinh vì tổ quốc" ). Tôi có cho biên tập
thông tin này ( Nguyễn Văn Tắc, quê quán thôn Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ ... hy sinh năm 1970 ( hay 1971 ) tại Mặt trận phía Nam ... ). Dù đã thông tin nhiều lần nhưng không có hồi âm. Lâu lâu, về quê, gặp thằng cu cháu, lại thấy như có lỗi với nó. Nó cũng biết vậy, nên bảo: " Thôi ông trẻ ạ. Cháu cũng biết thông tin như vậy thì khó tìm lắm... Nhưng cũng cứ làm, biết đâu đấy... với lại, dù sao cũng còn hơn không...". Biết cháu nó nói vậy, là cho mình đỡ áy náy thôi...

Việc thứ hai, là tìm cách minh oan cho một liệt sĩ, báo tử nhiều năm, bỗng nhiên trở về...
Nguyên là, năm 1975, tôi về thị xã Hải Dương, tâp trung đội tuyển học sinh giỏi môn văn tỉnh Hải Hưng, để dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc lớp 10, hệ 10/10 ( có Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh, Việt An ...).Chúng tôi được chia ra, một hoặc hai đứa về ở nhờ gia đình của học sinh trường cấp 3 Hồng Quang. Tôi và một người khác, ở nhờ gia đình của học sinh Nguyễn Văn Toàn. Gia đình nhà Toàn, có 5 anh chị em, 3 trai, 2 gái. Hai anh trai của Toàn là Nguyễn Quang Dịp và Nguyễn Văn Toán đều nhập ngũ. Khi đó, anh Nguyễn Quang Dịp đã hy sinh, báo tử không lâu. Hàng ngày, nhìn vào tấm ảnh anh Nguyễn Quang Dịp, một sĩ quan trẻ trung, đẹp trai, tôi cứ thầm tiếc là anh đã sớm hy sinh...
Sau này, tôi đi lại nhà Toàn như một người thân của gia đình. Bà cụ mẹ và chị gái, em gái của Toàn cũng quý chúng tôi lắm ( tôi và Trịnh Bá Ninh )... Tôi vào đại học, rồi ra trường đi vào Nam công tác, miệt mài sáu bảy năm sau mới về VOV làm báo. Vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng qua lại nhà Toàn. Cho đến tận năm 90,91, tôi bỗng nhận được tin báo, liệt sĩ Nguyễn Quang Dịp, sau nhiều năm báo tử, đột ngột trở về gia đình. Ít lâu sau, nhân chuyến công tác về thị xã Hải Dương, tôi ghé thăm nhà Toàn. Tại đây, tôi có gặp và trò chuyện với anh Dịp. Lẽ dĩ nhiên, so với người trong ảnh, anh Dịp già và ít nhiều phôi pha tiều tuỵ, song nét mặt thì không mấy khác. Qua câu chuyện,anh có viết gửi tôi một cái đơn trình bày câu chuyện của anh. Xin tóm tắt lại như sau :
Anh là sĩ quan pháo binh, khoảng cuối năm 1973 đầu 1974 đơn vị của anh qua đường biên giới Lào và Cam-pu-chia, tập kết về khu vực biên giới Tây Ninh, chuẩn bị cho chiến dịch đánh vào Sài Gòn. Một lần, đơn vị anh bị địch phát hiện, chúng tập kích đột ngột, nên bị thương vong rất nhiều. Khi ấy, anh đang bị sốt rét, mê man bất tỉnh nằm trong lán trại thương bệnh binh. Đơn vị của anh phải rút khỏi đó, địch chiếm trận địa, chúng dồn xác thì thấy anh còn sống, nên bắt làm tù binh. Anh bị chúng tra hỏi nhiều phen và bị giam giữ cho đến ngày giải phóng miền Nam. Ra khỏi trại giam, anh tìm đến Ban quân quản trình báo toàn bộ sự việc, nhưng rồi, mọi chuyện phức tạp hơn anh tưởng. Mãi không kết quả gì. Khi ấy, anh hoang mang, mất phương hướng, không biết mình là người như thế nào nữa, phải gặp ai, hỏi ai ?... Lang thang ở Sài Gòn mãi cũng không ổn, về quê ngoài Bắc cũng không dám, nên đành trở lại khu vực biên giới Tây Ninh cũ, tìm người quen, tá túc, sinh sống qua ngày. Và sau gần hai chục năm như vậy, không gia đình, không nên cơm cháo gì, anh mới quyết định về quê... Còn gia đình anh ngoài này, nhiều năm thương nhớ, hưởng chế độ tuất liệt sĩ của anh, vì đương nhiên, anh là liệt sĩ... Vấn đề, là khi trở về quê, chính quyền địa phương xác nhận anh thế nào, anh sẽ làm ăn sinh sống ra sao ?...
Cầm tờ đơn của anh, tôi có nhờ hỏi bên bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, rồi ướm hỏi bên Bộ LĐ,TB&XH. Song người tra nói rằng, để giải quyết tận gốc cũng khá phức tạp. Vấn đề là phải xác mình xem có đúng ạnh bị địch bắt không, rồi khi bị bắt thì có khai báo gì không? ... Thêm nữa, nếu bình thường ra, để công nhận anh không phải là liệt sĩ, thì liệu giải quyết khoản tiền tuất nhiều năm qua như thế nào v.v... Có gì đó bất nhẫn đấy, song chính sách là chính sách...
Rồi mọi việc cũng ổn. Địa phương chấp nhận anh. Và quan trọng hơn, sau mấy năm hòa nhập cuộc sống, anh về quê, chăn nuôi vịt đàn và lấy một cô gái quê làm vợ. Có gia đình, yên ấm, với anh, có lẽ vậy là đủ ?...
Mới đây, lục lại đống giấy tờ cũ, tôi thấy lá đơn của anh. Nhẩm đọc lại, buồn vui chộn rộn...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 05.12.2011 20:32:29
Trường xưa, thày & bạn cũ... 


Vào đúng ngày Hiến chương nhà giáo ( 20.11 ) năm nay, Trường THPT Mỹ Hào ( tức Trường cấp 3 Bần yên nhânHưng Yên ), nơi tôi học ngày xưa, làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập... Trước đó, chẳng hiểu ai mách thế nào, cô giáo Xuân ( Phó Hiệu trưởng ) nhà trường gọi điện thoại cho tôi, đặt vấn đề, nhờ tôi biên tập giùm các bài viết trong tập san kỷ yếu của trường số kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. 


Là học sinh cũ của trường, lại cộng thêm trách nhiệm, nên chẳng có lý do gì để vắng mặt tại buổi lễ. Từ nhiều năm nay, Hội học sinh cùng khóa ( 1972-1975 ) chúng tôi hằng năm đều họp mặt vào dịp nghỉ lễ 1/5. Bạn bè cũ gặp nhau, chia sẻ buồn vui chuyện cũ chuyện mới, để rồi sau đó, trong công việc và cuộc sống, chúng tôi giúp đỡ nhau nhiều. Hội trường lần này, đông vui lắm. Hội khóa chúng tôi cũng có mặt vài ba chục người... Trong cái vui chung ấy, có cái vui, cái bồi hồi riêng của cả thày và trò, chuyện của gần 40 năm về trước... Thầy cô thời chúng tôi đã về hưu hết cả rồi, người còn người mất. Và trò thì cũng vậy, bạc mái đầu cả rồi... Thày Nguyễn Ngọc Quảng, dạy Sinh vật, làm thơ viết văn, là hội viên Hội VHNT tỉnh, người đã từng đọc và góp ý những bài thơ đầu tiên của tôi, giờ gặp lại vẫn nhớ tên học trò cũ, và còn hỏi thăm trò viết lách nhiều không... Một học sinh cũ ( niên khóa 1975-1978 ), Nguyễn Đức Hải-UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam, đang dự kỳ họp Quốc hội, biết tin cũng về dự. Với Ng. Đức Hải, tôi có vài ba kỷ niệm. Ấy là khi tôi còn làm GĐ văn phòng VOV Miền Trung ( tại Đà nẵng )có lần, tôi tháp tùng TGĐ VOV đến làm việc ở Hội An, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đón tiếp, sau cái bắt tay chào lễ nghi, đ/c Bí thư tỉnh ủy, cứ nhìn tôi chằm chằm bảo : " Anh là Nguyễn Chu Nhạc?... Anh có nhận ra em không ? Em là Nguyễn Đức Hải, học sinh cũ của Trường cấp 3 Bần Yên nhân đây.". Khi thấy tôi vẫn còn ngỡ ngàng chưa nhận ra, Hải bảo :" Em là em họ của Vương Văn A, cháu họ của anh. A đã từng đưa em đến thăm nhà anh ở xã Minh Hải, gặp cả bà cụ mẹ anh... Này nhé, em còn được anh cho đọc bản thảo truyện ngắn đầu tay, anh viết trên giấy học trò... Anh có tin không, em còn nhớ cả tên truyện và nội dung, tên các nhân vật chính trong truyện ". Tôi a lên vui mừng. Lúc ấy, thì tôi đã nhớ ra, cậu học sinh trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh ngày nào được được Vương Văn A đưa đến nhà tôi chơi. Cha của Hải, người Quảng Nam, tập kết ra Bắc, làm việc ở Xí nghiệp bao bì gần quê tôi, ông lấy vợ Bắc, là cô của A. Sau giải phóng miền Nam ít năm, đưa gia đình về quê Quảng Nam. Hải về quê, học Đại học rồi làm cán bộ ở Quảng Nam, nhanh chóng tiến bộ, rồi lên đến UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy...Nhìn cậu học trò cũ, thành đạt, nay hòa nhã, bộc lộ tính cách " rất chi là học sinh " giữa bạn bè cũng lớp và các thày cô giáo cũ, tôi nghĩ nhiều về đạo lý thày trò phương Đông và xứ Việt mình... Tôi gặp lại ở đây, cô bạn học cũng lớp tên Hà Thu. Ngày ấy, khi đa phần học sinh chúng tôi tính vẫn nhí nháu trẻ con, thì Hà Thu đã tỏ ra rất người lớn, hát hay, vẽ giỏi, song kín đáo, ít nói... Sau này, nghe nói Hà Thu học Trường cao đẳng sư phạm nhạc họa... Biền biệt từng ấy năm, gặp lại, chúng tôi vẫn nhận ngay ra Hà Thu. Dáng người và khuôn mặt không mấy thay đổi. Hỏi ra, được biết Hà Thu, lên Lạng Sơn dạy học vài ba năm, rồi chán ngán bỏ về xuôi, lập gia đình, có một cô con gái và hôn nhân đổ vỡ. Hà Thu trở về quê gốc là làng gốm sứ Bát Tràng, sống bằng nghề vẽ mẫu gốm sứ, sau khá giả thì mở một shop gốm sứ ngay tại chợ Gốm sứ Bát Tràng... Vương Văn A, người cháu họ tôi cũng là một trường hợp đặc biệt. Học sau tôi 2 khóa, tốt nghiệp thì vào bộ đội, ra quân, làm bảo vệ cơ quan, rồi bỏ đi Quảng Ninh làm thợ mỏ. Thời than thổ phỉ, A lao vào làm ăn và nhanh chóng khá giả. Có tiền thì cũng chơi bời đủ kiểu, hai lần lấy vợ, có với mỗi người một đứa con, song giờ đây lại sống độc thân, và nghề ngỗng cũng lông bông... A được cái tính bộc trực, trung thực và nhiệt tình, song lại cả thèm chóng chán với tất cả mọi việc. Lạ cái, lòng yêu văn chương thơ phú thì không bao giờ nguội. Ngay từ thời học trò, đến bay giờ ngoài năm chục tuổi vẫn giữ nguyên. Thật bất ngờ, A thuộc lòng và đọc vanh vách hàng chục bài thơ của tôi làm từ thời học sinh...Điều này khiến tôi cảm động. A bảo tôi: " Chú có biết không, đời cháu lên voi xuống chó, ấy vậy, cháu không quên thơ chú. Mỗi khi vui buồn, cháu đều đọc thơ chú... Có thể nói, cuộc đời sự nghiệp cháu dang dở, nhưng cháu không là kẻ hư hỏng, bỏ đi... là nhờ cháu yêu văn chương, thích thơ chú đó...". Tôi chỉ còn biết rơm rớm nước mắt, gật đầu, khi A đọc thong thả và diễn cảm từng chữ, từng câu, hết bài nọ sang bài kia thơ tôi, mà chính tôi đã lãng quên mất, đã bỏ rơi... 
Giờ thì tôi nhớ rồi ...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 31.05.2012 21:39:16
Myanmar du ký ( I )


1. Cố đô Yangon

Chiếc Fokker của Vietnam Airlines số hiệu chuyến bay VN 957 sau 1h45 phút hành trình, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon đúng giờ quy định ( 18h30 h địa phương, chậm hơn giờ VN 30 phút ). Đón đoàn VOV là 2 cán bộ ngoại vụ của Đài FT&TH Myanmar ( MR ), một nam một nữ, đều mặc váy. Thoáng chút ngạc nhiên, song tôi nhanh chóng hiểu, họ ăn mặc trang phục dân tộc truyền thống. Ngạc nhiên hơn, chờ sẵn bên ngoài là 2 phóng viên Truyền hình Myanmar ( MR.TV ) chĩa chiếc camera cổ lỗ sĩ quay hình đoàn chúng tôi để đưa tin. Quả nhiên, tối hôm ấy, tôi đã xem được tin này trên Kênh MRTV4 . 15 phút ô tô thì đến khách sạn 3 * Yangon Hotel. Trên đường về khách sạn, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đường mườn mượp xe hơi, và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe gắn máy nào. Hỏi bạn thì được biết, thành phố Yangon cấm xe gắn máy lưu thông. Khác hẳn Việt Nam mình, giao thông đô thị khốn khổ vì xe máy.
Sở dĩ gọi Yangon là cố đô, bởi vào ngày 26 tháng 3 năm 2006, nhằm né tránh nguy cơ chiến tranh với phương Tây từ phía vịnh Martaban trên Ấn Độ dương, đồng thời tìm vùng đất mới để xây dựng và phát triển thủ đô, Chính phủ Myanmar quyết định dời thủ đô đến Nay Pyi Taw thuộc tỉnh Mandalay, cách Yangon hơn 300 km về phía đồng bắc.
Căn phòng tôi ở là phòng loại VIP trên tầng 9 của khách sạn cao 12 tầng, nên có điều kiện quan sát khoảng không rộng lớn của cố đô Yangon. Tên cũ của thành phố là Rangoon, sau đổi thành Yangon. Anh U Myint Wai, người đưa đón đoàn VOV giải thích, cái tên Yangon theo tiếng Myanmar có nghĩa là “ sạch bóng quân thù “, và anh còn nhấn mạnh “ ý nghĩa hòa bình “ của cái tên thành phố. Yangon hiện có hơn 4 triệu dân ( trong tổng số 56 triệu dân cả nước ) là thủ đô của MR từ lâu đời, tọa lạc nơi ngã ba hai con sông lớn là Yangon và Bago, cách vịnh biển Martaban chừng 30 cây số. Từ trước năm 1948, MR là thuộc địa của Anh, nên ở trung tâm thành phố có nhiều kiến trúc châu Âu như Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Nhà ga xe lửa ( nay là Bảo tàng xe lửa )... Ngay từ chiều tối hôm mới đến, chúng tôi có vài ấn tượng về Yangon.
Thứ nhất, chúng tôi rủ nhau đi dạo mấy khu phố gần khách sạn. Chừng hơn 9 giờ đêm đường phố đã thưa thớt xe. Đây là thời điểm, các xe chở khách, taxi được dịp thả phanh. Yangon cho phép cả hai loại xe tay lái thuận và tay lái nghịch đều được phép lưu thông, thế nên mới có sự, từng cặp xe ( 1 tay lái thuận, 1 tay lái nghịch ) bám sát cạnh nhau cùng chạy song song rất nhanh trên phố, trong khi các lái xe và khách đi xe hai bên trò chuyện sang nhau ầm ĩ cả phố xá.
Thứ hai, đó là chuyện massage. Nếu ai mỏi mệt, chỉ sau một giờ massage MR sẽ thấy khoan khoái ngay. Nói vậy, bởi tôi cùng vài đồng nghiệp nam đã tò mò đi tìm hiểu massage MR nó như thế nào, ngay tại khách sạn mình ở. Xin nói ngay, massage MR rất chi là khoa học và “ nghiêm văn chỉnh”. Phòng massage tập thể, từ 2-3 người cùng, khách được massage phải thay quần áo của mình để mặc một bộ pizama mềm và rộng rãi. Các nữ nhân viên massage trẻ trung khỏe mạnh, mặc trang phục truyền thống kín đáo song vẫn đủ độ gợi của thân hình. Họ massage bài bản, cố đến mức cao nhất có thể để không va chạm xác thịt, và rất chi mềm mại điệu nghệ, đủ cho những ai giàu trí tưởng thư giãn tâm trí. Trong khi massage, giữa khách với nhau, hoặc giữa khách với nhân viên thoải mái trò chuyện giao tiếp vui đùa qua ngôn ngữ hay cử chỉ, song không vượt ngưỡng lịch sự, và nhân viên không đòi hỏi tiền “ bo”. Quả là khoan khoái sau đúng 1 giờ đồng hồ với mức phí là 12 USD.
Thứ ba, đường phố Yangon, trừ khu phố cũ ( kiểu như khu phố cũ với các “ hàng “ ở Hà Nội ) thì kiến trúc phần lớn theo kiểu khuôn viên, khá thoáng đãng. Người dân di chuyển bằng xe bus, xe chở khách kiểu xe lam, xe đạp kéo 3 bánh và đi bộ. Nhìn chung, các phương tiện xe cộ đều chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, song với người đi bộ thì hiện tượng băng cắt qua đường giữa dòng xe vẫn phổ biến như ở bên ta.
Thứ tư, thành phố Yangon có thể coi là xứ sở của hoa phượng ( đủ các màu như đỏ, vàng, nâu ngà ); và xứ sở của chim, nhất là loài quạ đen. Quạ nhởn nhơ trong vườn, đậu kín trên cây và giăng hàng trên dây điện. Hình như, đất nước Phật giáo này, họ kiêng cữ việc “ sát sinh”...
Thứ năm, vì là đất nước Phật giáo nên hệ thống chùa chiền và tăng lữ có ở khắp đất nước Myanmar. Thế nên, ở Yangon, sáng sáng, sư sãi từ các chùa đổ về các ngả đường, phố đông dân cư để khất thực.
Thứ sáu, tiền tệ Myanmar là đồng “ kyat “, giá quy đổi khoảng từ 700-820 kyat/1 USD, và nhìn chung, hệ thống thương mại, kể cả bán lẻ của Myanmar, và Yangon khá quen với việc tiêu đồng USD lẫn với đồng kyat.

( còn nữa )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.05.2012 21:41:35 bởi tamvanvov >

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 01.07.2012 09:29:24
Myanmar du ký ( II )

2. Shwedagon- Chùa Vàng.

Chùa Vàng ở cố đô Yangon được xây dựng từ gần 2.600 năm trước, ông U Maung Maung Og, trưởng ban quản lý chùa cho biết vậy. Đấy là theo tương truyền, chứ thực ra, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, thêm nữa vào thế kỷ thứ 10, và sau đó trải suốt chiều dài lịch sử đã có rất nhiều lần chùa được tu bổ, xây dựng thêm bởi lâm vào tình trạng đổ nát vì thiên tai và chiến tranh. Chùa nằm trên đồi Singuttara, có chiều cao 105 m ( không kể phần ăng-ten ), riêng phần vòm tháp dát vàng cao 98 m.

Vì được coi là khách VIP, nên chính ông trưởng ban quản lý đích thân dẫn và giới thiệu đoàn thăm viếng chùa. Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới bóng cây bồ đề gần 50 tuổi do Ấn Độ trồng tặng. Việc thăm viếng chùa được tiến hành thông lệ đi theo chiều kim đồng hồ, và đương nhiên, như tất thảy mọi người, chúng tôi phải bỏ giày dép đi chân đất.
Lần theo các cụm kiến trúc, mới thấy được sự cổ kính và vĩ đại của ngôi chùa. Còn thấy cả sự sùng kính của người dân MR qua nhiều đời, công đức đóng góp cho việc bảo tồn, tu bổ công trình. Theo ông trưởng bản quản lý chùa, thì đã tốn nhiều tấn vàng nguyên chất cho việc dát tòa tháp chính và một số điểm trọng yếu của ngôi chùa. Hiện chùa Vàng còn bảo tồn được bốn báu vật thiêng liêng với các tín đồ Phật giáo, đó là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn và mảnh áo của Phật Ca Diếp. Chính sự lâu đời và kỳ vĩ, cùng các báu vật được lưu giữ trong chùa, nên không riêng gì các tín đồ Phật giáo ở MR và các nước khác, mà nhìn chung, mọi người trên khắp thế giới đều mong muốn ít nhất một lần được thăm viếng ngôi chùa này.
Nếu có thời gian, khách phải mất cả ngày, thậm chí cả tuần để thăm viếng và thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên, với chúng tôi, chỉ có thời gian hơn một giờ đồng hồ nên đành “ cưỡi ngựa xem hoa “ vậy. Song vì có ông trưởng ban đưa dẫn, nên chúng tôi chỉ dừng chân ở những điểm quan trọng để nghe giới thiệu hoặc hành lễ, như : bảo tháp, phật vàng, phật ngọc, phật nằm, chuông Singu Min...Mặc dù người dân MR rất hiền lành và sùng đạo, song nhằm đảm bảo an toàn cho những tượng tháp quý, nhà chùa đều đặt trong các lồng khung sắt vững chắc, có khóa bảo vệ. Được sự đồng ý của ông trưởng ban, ở mỗi tượng tháp này, nhân viên bảo vệ mở khóa cho đoàn chúng tôi vào bên trong, nên có thể “ sờ tận tay“ và hành lễ ngay cạnh. Ở tượng Phật ngọc, ông trưởng ban khuyến khích mọi người trong đoàn hành lễ và bảo rằng, theo quan niệm của tín đồ Phật giáo MR, thì cầu nguyện điều gì đó trước bức tượng này sẽ được linh ứng. Cầu được ước thấy đây. Thôi thì đã đến được nơi đây, lại thêm lời khuyên vậy, nên ai cũng hành lễ và thầm cầu nguyện một điều gì đó cho riêng mình. Khi đến tượng Phật nằm, chúng tôi bắt gặp 2 người thợ thủ công đang dát vàng nguyên chất bồi bổ thêm cho bức tượng. Ông trưởng ban quản lý cho hay, các thợ được tuyển chọn vào thực hiện việc dát vàng tháp tượng chùa, ngoài tay nghề điêu luyện, họ phải có tính chân thật và lòng sùng kính Phật giáo.
May mắn, chúng tôi bắt gặp các nhà sư đang thực hiện một buổi cầu kinh. Các sư hành lễ đồng thanh tụng kinh theo lời tụng kinh dẫn dắt của vị sư chủ trì buổi lễ. Tiếng cầu kinh trầm buồn vang lên đều đều lan tỏa khắp không gian chùa, hòa lẫn trong mớ tạp âm của khách thập phương, tạo nên một cảm giác về sự pha trộn của hai thế giới tâm linh và đời thường...
Ông trưởng ban dẫn chúng tôi đến nơi treo một quả chuông cổ khổng lồ, vừa đi ông vừa hào hứng kể lai lịch quả chuông này. Quả chuông có tên gọi là Maha Gandha ( có nghĩa là “ âm thanh tuyệt diệu “ ), được nhà vua Singu Min cho đúc năm 1779 và tặng nhà chùa. Vì thế, nên ngày nay người ta quen gọi là chuông Singu Min. Có chuyện kể rằng, vào năm 1824, khi quân Anh xâm lược MR, chúng đã lấy quả chuông này đưa xuống thuyền định chở về Calcuta ( Ấn Độ ), song do chuông quá nặng nên đã bị lật thuyền chìm tận đáy sông. Quân Anh không biết làm sao. Các tín đồ Phật giáo MR đề nghị xin vớt chuông với điều kiện nếu vớt được thì sẽ phải trả chuông về lại chùa. Nghĩ rằng họ không vớt được nên quân Anh đồng ý. Họ đã thay nhau lặn xuống sông buộc xung quanh chuông rất nhiều cây tre bương, nên khi bè tre nổi đã kéo được quả chuông khổng lồ nổi theo.
Chúng tôi lần lượt mỗi người thỉnh 3 tiếng chuông, song do quá chú ý nghi lễ nên chưa ai đủ để thấu “ âm thanh tuyệt diệu “ của chuông Singu Min ra sao. Vậy cũng là mãn nguyện rồi.
Số tiền chúng tôi công đức cho chùa được họ ghi nhận vào tấm bằng có in hình tháp chùa Vàng lồng khung kính mang về. Đoàn chúng tôi cũng tặng lại mấy vị trong ban quản lý chùa mỗi người một món quà dân tộc mang theo từ Việt Nam.
Rời chùa Vàng mà lòng ngẩn ngơ. Sau đó, tôi còn được chiêm ngưỡng ngọn tháp chùa Vàng nhiều lần nữa, từ tầng cao Yangon Hotel hoặc từ công viên hồ nước Inya ( Inya Lake )...
( còn nữa )

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 28.07.2012 09:31:14
Myanmar du ký ( III )

Nay Pi Taw, thủ đô hoang vu.

Băng qua khoảng cách 350 km về phía đông bắc của cố đô Yangon với thời gian 3 giờ đồng hồ trên đường cao tốc Yangon-Mandalay, chúng tôi rẽ ngang để vào thủ đô mới Nay Pyi Taw.

Không riêng tôi, mọi người trong đoàn đều sốt ruột cất tiếng hỏi xem đã tới thủ đô chưa. Anh U Myint Wai, cán bộ ngoại vụ khẳng định như đinh đóng cột rằng xe đang chạy trên đường phố thủ đô rồi đấy. Sở dĩ vậy, là bởi, chẳng thấy phố phường đâu cả, chỉ thấy đất hoang dại khô cằn cây cối lúp xúp trống không, đây đó là các khuôn viên nhà cửa dáng dấp biệt thự và chốc chốc lại một ngả đường bê tông rộng rãi rẽ phải, trái, rồi lại bùng binh trang hoàng hiện ra trước mặt. Mọi người có vẻ thất vọng khi tận mắt thấy một thủ đô không phố, không nhà mặt phố, không cửa hàng cửa hiệu và người qua lại sầm uất, trái lại rất hoang vu huếch hoác ( so với VN hay các nước khác, ngay cả khi so với Yangon ). Rồi tôi cũng hiểu ra, cái thủ đô mới này mới có lịch sử độ 5 năm ( từ năm 2006 khi Chính phủ MR quyết định dời đô từ Yangon về đây ), một vùng đất bình nguyên khô cằn thuộc tỉnh Madalay, lấy cái tên làng Nay Pyi Taw nguyên thuỷ làm tên thủ đô mới. Rút kinh nghiệm từ một Yangon chật chội, đông đúc, cao thấp lô nhô phát triển tự do theo kiểu phình to, thủ đô mới được quy hoạch quy củ ngay từ đầu. Thoạt đầu là quy hoạch tổng thể, phân khu rõ ràng, làm đường xá, chia lô, rồi mới xây dựng công trình. Giờ mới nên nhà còn thưa thớt, tạo ra cảm giác trống trải, độ mươi mười lăm năm nữa, nhà cửa và công trình chêm vào chỗ trống, sẽ ra dáng một đô thị ngay ngắn chỉnh tề. Có một nét định hình rõ, ấy là nhà cửa và công trình ở đây không được phép xây cao, đều phải theo khuôn phép của khuôn viên biệt thự để phù hợp với khí hậu vùng đất cao và khô nóng này. Hiện thủ đô có một đặc điểm nữa về dân cư, ấy là sự thuần khiết về dân cư, hay nói một cách khác, là chưa có dân cư. Thật ra, nói vậy chưa thật chuẩn, bởi hằng ngày, người qua lại sinh hoạt tại đây chỉ có mấy loại như thế này : công chức thuộc các cơ quan của Chính phủ, công nhân lao động ở các công trình đang được xây dựng tại đây, và người từ các tỉnh các vùng đến thủ đô liên hệ giải quyết các công việc rồi về... Chính vì thế mà người ở thủ đô cực kỳ thưa thớt, các hoạt động thương mại chủ yếu phục vụ cho số ít cư dân này, mà cũng chỉ diễn ra tại các siêu thị, trung tâm thương mại mới xây, không có thị trường tiểu thương. Sáng sớm, thả bộ trên đường phố, có khi nửa tiếng đồng hồ chẳng gặp ai. Cảm giác của một thành phố không người.

Juntion Hotel, nơi chúng tôi ở khá gần trung tâm thành phố, và đã từng có khách người Việt Nam đến ở trước đó, nên khi chúng tôi tới đây đã thấy lá cờ Việt Nam phấp phớp nơi cột cao trước cửa Reception. Có một điều ngạc nhiên nữa, khi ăn tại khách sạn này, chúng tôi đòi nước mắm nguyên chất, bồi bàn hiểu ngay và họ mang ra phục vụ nước mắm xịn hẳn hoi, trong khi không hề có ở khách sạn tại Yangon...

Ở Nay Pyi Taw, chúng tôi được bạn đưa đi thăm viếng chùa Uppatasanti ( Uppatasanti Pagoda ). Đây là ngôi chùa mới, được Chính phủ MR cho xây dựng vào năm 2006 và khánh thành vào năm 2009, mô phỏng theo chùa Vàng tại Yangon, nhằm làm nơi hành lễ Phật giáo cho quan chức Chính phủ và cư dân của thủ đô mới. Ngoài ra, chúng tôi còn đến xem voi trắng được nuôi giữ gần ngôi chùa này. Theo phía bạn cho biết thì voi trắng là động vật quý hiếm, hiện trên toàn lãnh thổ MR chỉ còn độ chục con...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 05.08.2012 10:19:15
Myanmar du ký ( IV )
4. Xứ sở của đá quý, châu ngọc



Có thể nói, MR là vương quốc, là xứ sở của đá quý và châu ngọc. Các mỏ đá quý chủ yếu nằm ở phía Bắc của MR, như thung lũng Ruby hoặc khu vực Mogok, cách Yangon gần ngàn cây số. Đây là những mỏ đá quý nổi tiếng thế giới và có trữ lượng khổng lồ ( ngọc bích, hồng ngọc ), vốn được khai thác từ thế kỳ 19.
Phần lớn, đá quý của MR đều được khai thác rồi mang bán sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan... và sau khi được chế tác ở đấy thành sản phẩm châu ngọc, đồ trang sức quý giá, lại được bán quay trở lại MR và sang các nước khác với giá cao gấp bội.
Ở thủ đô Nay Pyi Taw còn hoang sơ ấy, chính phủ MR đã nhanh chóng cho xây dựng một bảo tàng đá quý & châu ngọc, bởi đây là nguồn tài nguyên vô giá, là niềm tự hào và trở thành biểu tượng cho đất nước Phật giáo này. Đoàn chúng tôi được phía bạn bố trí một buổi đi thăm và mua sắm tại bảo tàng này. Vào đây, ngay từ tiền sảnh, mọi người đã choáng ngợp trước một không gian miên man là đá quý và châu ngọc ( thô có, đã chế tác có ). Rất đáng tiếc, ở đây treo biển cấm quay phim chụp ảnh, và trước khi vào đây, nhân viên bảo vệ cũng nhắc nhở khách tham quan điều đó. Tuy nhiên, với chiếc Canon G11 đeo lủng lẳng trước ngực, để ở chế độ no flash, mặc dù hệ thống camera giăng mắc khắp nơi, tôi cũng “bắn” lén tọa độ được mấy kiểu, đặng có cái mà khoe với mọi ngườ chứ. Nhiều cửa hiệu chuyên bán trang sức châu ngọc ở MR cũng cấm quay phim chụp ảnh.
Trong bảo tàng châu ngọc, các loại châu ngọc và trang sức đã chế tác đều được trưng bày trong tủ kính bảo vệ, còn đá quý nguyên liệu thô thì không cần. Đồ trưng bày được xếp đặt theo chủ đề, theo dạng thức, lớp lang, quy củ. Đặc biệt và gây ấn tượng nhất, ấy là mô hình vòm tháp của chùa Vàng được chế tác từ ngọc bích nguyên khối, và nữa là viên ngọc trai khổng lồ ( hiện giữ kỷ lục lớn nhất về độ lớn ở MR ). La cà, thăm thú, ngắm nghía, cánh đàn ông chúng tôi vốn ít quan tâm đến lĩnh vực này, nên cũng chỉ để thỏa chí tò mò, hơn là để hiểu về vẻ đẹp và độ quý giá của chúng. Còn với 2 thành viên nữ trong đoàn, thôi thì, mê mẩm, đắm đuối khôn cùng...
Bên dưới bảo tàng là một khu vực quầy hàng đá quý châu ngọc cho tư nhân thuê bán hàng. Khách không đông lắm, chủ yếu là người đến thăm quan, rồi nhân tiện mua sắm. Song với chúng tôi cũng là đủ, để mua ít quà souvernir. Hôm sau, chúng tôi còn được bạn đưa đến thăm thú mua sắm ở mấy cửa hàng châu ngọc sang trọng thuộc diện có thương hiệu ở MR, rồi la cà cả khu vực hàng tầm tầm tại trung tâm phố cổ của Yangon. Nói chung, với những chế tác đơn giản ( như vòng tay, tranh đá, dây móc... ) bằng đá quý không mấy đắt, đủ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng mua sắm của phần đông người bình dân và khách du lịch, tây ba lô ... Và với người MR, vạy cũng là đủ, bởi đây là một nghề kinh doanh kiếm sống khá phổ biến của người dân bản địa ở các trung tâm thương mại như Yangon, Madalay, Mogok...

Tôi nhớ, vào năm 2008, khi tôi học ở Trường Đảng trung ương Trung Quốc 2 tháng, kết thúc lớp học, chúng tôi có đi thực tế tại Thượng Hải, Tây An, Vân Nam. Khi về đến Côn Minh ( Vân Nam ), chúng tôi được đưa đi thực tế tại Châu tự trị Đức Hồng, nơi giáp ranh với biên giới phía bắc của MR ( nếu ai quan tâm đến lịch sử, thì đây chính là khu vực chiến trường xưa của quân đội Nhà Thục Hán-Lưu Bị thời Tam Quốc, đánh nhau với Mạnh Hoạch - Khổng Minh Gia Cát Lượng từng “ thất cầm Mạnh Hoạch “- 7 lần bắt 7 lần tha ). Tại đây, tôi đã tham quan thành phố Thụy Lệ, thành phố châu ngọc của Trung Quốc, nơi có hàng chục chợ đá quý, hàng trăm cửa hàng bán đồ trang sức châu ngọc, mà toàn bộ nguyên liệu đều được đưa sang từ MR. Tôi đã từng đứng phía bên này đầu cầu biên giới, đặng chụp ảnh người dân MR mỗi sáng gùi đá quý trên lưng, hệt như bà con dân tộc thiểu số ở ta gùi ngô sắn sang bán bên chợ đá quý Thụy Lệ ... Tôi mang điều này hỏi anh U Myint Wai, thì anh bảo, chính phủ MR cũng quản lý khá chặt chẽ, nhưng cũng không thể ngăn nổi tình trạng bán lậu nguyên liệu đá quý qua biên giới...

Dẫu gì, MR vẫn luôn xứng đáng là xứ sở của đá quý và châu ngọc của thế giới ...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 24.08.2012 21:30:16


Myanmar du ký ( IV )

4. Xứ sở của đá quý, châu ngọc



Có thể nói, MR là vương quốc, là xứ sở của đá quý và châu ngọc. Các mỏ đá quý chủ yếu nằm ở phía Bắc của MR, như thung lũng Ruby hoặc khu vực Mogok, cách Yangon gần ngàn cây số. Đây là những mỏ đá quý nổi tiếng thế giới và có trữ lượng khổng lồ ( ngọc bích, hồng ngọc ), vốn được khai thác từ thế kỳ 19.
Phần lớn, đá quý của MR đều được khai thác rồi mang bán sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan... và sau khi được chế tác ở đấy thành sản phẩm châu ngọc, đồ trang sức quý giá, lại được bán quay trở lại MR và sang các nước khác với giá cao gấp bội.
Ở thủ đô Nay Pyi Taw còn hoang sơ ấy, chính phủ MR đã nhanh chóng cho xây dựng một bảo tàng đá quý & châu ngọc, bởi đây là nguồn tài nguyên vô giá, là niềm tự hào và trở thành biểu tượng cho đất nước Phật giáo này. Đoàn chúng tôi được phía bạn bố trí một buổi đi thăm và mua sắm tại bảo tàng này. Vào đây, ngay từ tiền sảnh, mọi người đã choáng ngợp trước một không gian miên man là đá quý và châu ngọc ( thô có, đã chế tác có ). Rất đáng tiếc, ở đây treo biển cấm quay phim chụp ảnh, và trước khi vào đây, nhân viên bảo vệ cũng nhắc nhở khách tham quan điều đó. Tuy nhiên, với chiếc Canon G11 đeo lủng lẳng trước ngực, để ở chế độ no flash, mặc dù hệ thống camera giăng mắc khắp nơi, tôi cũng “bắn” lén tọa độ được mấy kiểu, đặng có cái mà khoe với mọi ngườ chứ. Nhiều cửa hiệu chuyên bán trang sức châu ngọc ở MR cũng cấm quay phim chụp ảnh.
Trong bảo tàng châu ngọc, các loại châu ngọc và trang sức đã chế tác đều được trưng bày trong tủ kính bảo vệ, còn đá quý nguyên liệu thô thì không cần. Đồ trưng bày được xếp đặt theo chủ đề, theo dạng thức, lớp lang, quy củ. Đặc biệt và gây ấn tượng nhất, ấy là mô hình vòm tháp của chùa Vàng được chế tác từ ngọc bích nguyên khối, và nữa là viên ngọc trai khổng lồ ( hiện giữ kỷ lục lớn nhất về độ lớn ở MR ). La cà, thăm thú, ngắm nghía, cánh đàn ông chúng tôi vốn ít quan tâm đến lĩnh vực này, nên cũng chỉ để thỏa chí tò mò, hơn là để hiểu về vẻ đẹp và độ quý giá của chúng. Còn với 2 thành viên nữ trong đoàn, thôi thì, mê mẩm, đắm đuối khôn cùng...
Bên dưới bảo tàng là một khu vực quầy hàng đá quý châu ngọc cho tư nhân thuê bán hàng. Khách không đông lắm, chủ yếu là người đến thăm quan, rồi nhân tiện mua sắm. Song với chúng tôi cũng là đủ, để mua ít quà souvernir. Hôm sau, chúng tôi còn được bạn đưa đến thăm thú mua sắm ở mấy cửa hàng châu ngọc sang trọng thuộc diện có thương hiệu ở MR, rồi la cà cả khu vực hàng tầm tầm tại trung tâm phố cổ của Yangon. Nói chung, với những chế tác đơn giản ( như vòng tay, tranh đá, dây móc... ) bằng đá quý không mấy đắt, đủ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng mua sắm của phần đông người bình dân và khách du lịch, tây ba lô ... Và với người MR, vạy cũng là đủ, bởi đây là một nghề kinh doanh kiếm sống khá phổ biến của người dân bản địa ở các trung tâm thương mại như Yangon, Madalay, Mogok...

Tôi nhớ, vào năm 2008, khi tôi học ở Trường Đảng trung ương Trung Quốc 2 tháng, kết thúc lớp học, chúng tôi có đi thực tế tại Thượng Hải, Tây An, Vân Nam. Khi về đến Côn Minh ( Vân Nam ), chúng tôi được đưa đi thực tế tại Châu tự trị Đức Hồng, nơi giáp ranh với biên giới phía bắc của MR ( nếu ai quan tâm đến lịch sử, thì đây chính là khu vực chiến trường xưa của quân đội Nhà Thục Hán-Lưu Bị thời Tam Quốc, đánh nhau với Mạnh Hoạch - Khổng Minh Gia Cát Lượng từng “ thất cầm Mạnh Hoạch “- 7 lần bắt 7 lần tha ). Tại đây, tôi đã tham quan thành phố Thụy Lệ, thành phố châu ngọc của Trung Quốc, nơi có hàng chục chợ đá quý, hàng trăm cửa hàng bán đồ trang sức châu ngọc, mà toàn bộ nguyên liệu đều được đưa sang từ MR. Tôi đã từng đứng phía bên này đầu cầu biên giới, đặng chụp ảnh người dân MR mỗi sáng gùi đá quý trên lưng, hệt như bà con dân tộc thiểu số ở ta gùi ngô sắn sang bán bên chợ đá quý Thụy Lệ ... Tôi mang điều này hỏi anh U Myint Wai, thì anh bảo, chính phủ MR cũng quản lý khá chặt chẽ, nhưng cũng không thể ngăn nổi tình trạng bán lậu nguyên liệu đá quý qua biên giới...

Dẫu gì, MR vẫn luôn xứng đáng là xứ sở của đá quý và châu ngọc của thế giới ...

nmar du ký VI

6. Hệ thống Phát thanh & truyền hình
Hiện nay, hệ thống Phát thanh & truyền hình của MR còn chưa mấy phát triển. Sở dĩ vậy, là do sau nhiều năm duy trì chính quyền quân sự, bị Phương Tây cấm vận nên kinh tế đất nước kém phát triển; thêm nữa, chính sách đóng cửa khép kín của quốc gia Phật giáo này ít nhiều tạo ra một xa hội tương đối thuần phác. Có thể coi đó là nguyên nhân chính khiến cho toàn bộ hệ thống thông tin báo chí nói chung ( trong đó có PT&TH ) kém đa dạng, phát triển. Đài PT&TH của MR trực thuộc Bộ Thông tin, có trụ sở chính đóng tại Yangon. Năm 2006, khi thủ đô rời đến Nay Pyi Taw, chính phủ MR cho xây dựng trụ sở mới của Đài PT&TH quốc gia ở ng

oại vi thuộc một vùng quê, cách trung tâm thủ đô chừng 1 giờ xe chạy.

Tòa nhà của Đài PT&TH mới có cấu trúc thấp tầng, khá hài hòa và thiết bị máy móc công nghệ tương đối hiện đại. Nếu máy móc thiết bị kỹ thuật PTTH của Đài tại Yangon chủ yếu là kỹ thuật analog, trên băng từ, thì ở trụ sở mới, toàn bộ sử dung kỹ thuật số ( digital ), song vẫn có dự phòng bằng kỹ thuật analog trong những trường hợp bất trắc. Hiện tại, phần lớn các chương trình phát thanh và truyền hình của MR vẫn được sản xuất ở Văn phòng tại Yangon, bởi đây tuy là cố đô, song vẫn là một trung tâm chính trị, ngoại giao, sản xuất, thương mại của MR. Nhiều đại sứ quán ( trong đó có Đại sứ quán Vịêt Nam ) vẫn đóng ở Yangon. Hiện tại, MR có 2 kênh Phát thanh ( 1 bằng tiếng phổ thông MR, 1 phát chung đối ngoại quốc tế và tiếng dân tộc thiểu số ). MR là quốc gia đa dân tộc ( 153 dân tộc ), song ngoài tiếng phổ thông MR thì chỉ vài ba thứ tiếng dân tộc khác được phát sóng ( VOV của ta phát 12 thứ tiêng dân tộc thiểu số ). Còn lĩnh vực truyền hình, MR có 2 kênh tự sản xuất, đó kênh MRTV3, MRTV4. Số kênh truyền hình nước ngoài được phát trên TV của MR rất ít. Chính vì vậy, người dân MR không có nhiều sự lựa chọn trong lĩnh vực Phát thanh & truyền hình nói chung. 5 ngày ở MR, theo dõi TV của họ thấy chương trình còn khá nghèo nàn. Hôm chúng tôi thăm trụ sở ở Yangon, phía bạn có đưa chúng tôi thăm dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại của Đài, nếu so với Nhà hát VOV của Việt nam thì họ còn thua xa. Ngay phương tiện tác nghiệp ( máy ghi âm, camera ) thì vẫn cũ kỹ, lạc hậu ( như thời kỳ bao cấp ở ta ). Có một điểm đáng chú ý, các vị lãnh đạo của Đài PT&TH quốc gia MR phần đông từ quân đội chuyển sang. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi mà chính quyền MR vốn là chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thống chế Than-Suề ( nay ông này là Tổng thống ), mới chuyển sang dân sự, nên theo đó, các vị lãnh đạo quân sự các cấp của họ cũng được “ dân sự hóa “ chuyển sang giữ các cương vị chủ chốt. Các cấp của Đài PT&TH MR sử dụng tiếng Anh khá tốt ( MR vốn là thuộc địa của Anh, đến năm 1948 mới thoát khỏi ách thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập, dưới sự lãnh đạo của Tướng Aung San, người được suy tôn là anh hùng dân tộc giải phóng MR, là thân phụ của bà Aung San Suu Kiu, lãnh đạo của phe đối lập chính trị ở MR hiện nay ). Với đà cải cách mở cửa, dân chủ hóa hiện nay, có thể MR đang phải đối mặt trước những bất ổn chính trị, song chắc chắn, nền báo chí truyền thông nói chung, lĩnh vực PH&TH nói riêng của MR sẽ có đất sống...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 16.09.2012 10:12:54
Myanmar du ký ( V )

5. Đá quý & châu ngọc MR ở châu Đức Hồng.

Châu Đức Hồng là một đơn vị hành chính tự trị thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có đường biên giới chung với Myanmar. Như tôi đã nói ở phần trước, mảnh đất này vốn là chiến trường xưa thời Tam Quốc ( TK thứ 2 sau CN ), nơi Gia Cát Khổng Minh lãnh đạo đội quân nhà Thục Hán ( Lưu Bị ) đánh nhau với một số bộ lạc ở khu vực Tây Nam Trung Hoa, do Mạnh Hoạch cầm đầu ( MR có 153 dân tộc, trong đó, nhiều dân khu vực phía Bắc của MR thờ Mạnh Hoạch làm Tổ ). Châu Đức Hồng có mấy thành phố, trong đó đáng kể là Mang Thị ( châu lỵ ) và Thụy Lệ ( có cửa khẩu quốc tế với MR ). Châu Đức Hồng có sân bay, hằng ngày có mấy chuyến bay đi Côn Minh và vài ba thành phố lớn thuộc duyên hải phía đông Trung Quốc. Sở dĩ vậy, bởi đây là khu vực chế tác và trung chuyển đá quý, châu ngọc theo đường dây ( MR - Đức Hồng - Côn Minh, Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Kông ...). Mùa thu năm 2008, tôi có chuyến đi đến Đức Hồng 3 ngày. Tại đây, tôi đã được tận mắt chứng kiến các hoạt động mua bán đá quý, châu ngọc từ MR sang...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 18.11.2012 18:05:47
Myanmar du ký VI

6. Hệ thống Phát thanh & truyền hình

Hiện nay, hệ thống Phát thanh & truyền hình của MR còn chưa mấy phát triển. Sở dĩ vậy, là do sau nhiều năm duy trì chính quyền quân sự, bị Phương Tây cấm vận nên kinh tế đất nước kém phát triển; thêm nữa, chính sách đóng cửa khép kín của quốc gia Phật giáo này ít nhiều tạo ra một xa hội tương đối thuần phác. Có thể coi đó là nguyên nhân chính khiến cho toàn bộ hệ thống thông tin báo chí nói chung ( trong đó có PT&TH ) kém đa dạng, phát triển. Đài PT&TH của MR trực thuộc Bộ Thông tin, có trụ sở chính đóng tại Yangon. Năm 2006, khi thủ đô rời đến Nay Pyi Taw, chính phủ MR cho xây dựng trụ sở mới của Đài PT&TH quốc gia ở ngoại vi thuộc một vùng quê, cách trung tâm thủ đô chừng 1 giờ xe chạy.

Tòa nhà của Đài PT&TH mới có cấu trúc thấp tầng, khá hài hòa và thiết bị máy móc công nghệ tương đối hiện đại. Nếu máy móc thiết bị kỹ thuật PTTH của Đài tại Yangon chủ yếu là kỹ thuật analog, trên băng từ, thì ở trụ sở mới, toàn bộ sử dung kỹ thuật số ( digital ), song vẫn có dự phòng bằng kỹ thuật analog trong những trường hợp bất trắc. Hiện tại, phần lớn các chương trình phát thanh và truyền hình của MR vẫn được sản xuất ở Văn phòng tại Yangon, bởi đây tuy là cố đô, song vẫn là một trung tâm chính trị, ngoại giao, sản xuất, thương mại của MR. Nhiều đại sứ quán ( trong đó có Đại sứ quán Vịêt Nam ) vẫn đóng ở Yangon. Hiện tại, MR có 2 kênh Phát thanh ( 1 bằng tiếng phổ thông MR, 1 phát chung đối ngoại quốc tế và tiếng dân tộc thiểu số ). MR là quốc gia đa dân tộc ( 153 dân tộc ), song ngoài tiếng phổ thông MR thì chỉ vài ba thứ tiếng dân tộc khác được phát sóng ( VOV của ta phát 12 thứ tiêng dân tộc thiểu số ). Còn lĩnh vực truyền hình, MR có 2 kênh tự sản xuất, đó kênh MRTV3, MRTV4. Số kênh truyền hình nước ngoài được phát trên TV của MR rất ít. Chính vì vậy, người dân MR không có nhiều sự lựa chọn trong lĩnh vực Phát thanh & truyền hình nói chung. 5 ngày ở MR, theo dõi TV của họ thấy chương trình còn khá nghèo nàn. Hôm chúng tôi thăm trụ sở ở Yangon, phía bạn có đưa chúng tôi thăm dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại của Đài, nếu so với Nhà hát VOV của Việt nam thì họ còn thua xa. Ngay phương tiện tác nghiệp ( máy ghi âm, camera ) thì vẫn cũ kỹ, lạc hậu ( như thời kỳ bao cấp ở ta ). Có một điểm đáng chú ý, các vị lãnh đạo của Đài PT&TH quốc gia MR phần đông từ quân đội chuyển sang. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi mà chính quyền MR vốn là chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thống chế Than-Suề ( nay ông này là Tổng thống ), mới chuyển sang dân sự, nên theo đó, các vị lãnh đạo quân sự các cấp của họ cũng được “ dân sự hóa “ chuyển sang giữ các cương vị chủ chốt. Các cấp của Đài PT&TH MR sử dụng tiếng Anh khá tốt ( MR vốn là thuộc địa của Anh, đến năm 1948 mới thoát khỏi ách thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập, dưới sự lãnh đạo của Tướng Aung San, người được suy tôn là anh hùng dân tộc giải phóng MR, là thân phụ của bà Aung San Suu Kiu, lãnh đạo của phe đối lập chính trị ở MR hiện nay ). Với đà cải cách mở cửa, dân chủ hóa hiện nay, có thể MR đang phải đối mặt trước những bất ổn chính trị, song chắc chắn, nền báo chí truyền thông nói chung, lĩnh vực PH&TH nói riêng của MR sẽ có đất sống...

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 09.12.2012 10:41:02
I.Trở lại xứ Gà trống Gô-loa ( I )

1. Le Procope, quán café lâu đời nhất châu Âu

Tôi xin bắt đầu ký sự “ Trở lại xứ Gà trống Gô-loa“ của mình bằng bữa tiệc chiêu đãi chia tay của phía bạn với đoàn cán bộ Việt Nam trong đợt học tập ngắn hạn ( 06.10 - 21.10.2012 ) tại Cộng hòa Pháp, trường L’ ENA ( Trường Hành chính quốc gia Pháp ).
Đơn giản, bởi bữa tiệc chiêu đãi này là hoạt động cuối cùng trước khi lên máy bay về nước của của Đoàn cán bộ Việt Nam sang tham dự khóa đào tạo về “ Cải cách hành chính công “ theo chương trình 165 của ta, tại một quán café-restaurant lâu đời nhất châu Âu. Thêm nữa, với riêng tôi, Le Procope gây ấn tượng mạnh mẽ hơn là những công trình văn hóa-tôn giáo lâu đời và nổi tiếng của Pháp mà ai cũng biết như : Tháp Eiffel, Khải hoàn môn, Bảo tàng Luvre, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Opera... Tôi xin được nói ngay lý do vì sao Le Procope lại gây ấn tượng mạnh nhất với tôi trong chuyến trở lại nước Pháp, sau 16 năm...
Ấy là, những thông tin sau đây, có thể không mới với nhiều người, song với tôi, nó làm sống dậy cả một thời kỳ lâu dài của lịch sử nước Pháp, góp phần làm thay đổi châu Âu và thế giới :
Le Procope được thành lập từ năm 1686, bởi một người gốc Palermo, Italia có tên là Franceso Procopio Dei Coltelli, tại số 13 Rue de l’Ancienne- Comédie, Paris ( xưa là Rue des Fosses Saint- Germain ). Đây là quán café lâu đời nhất châu Âu, và không chừng, lâu đời nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay cũng nên ( tôi không dám chắc điều này, mặc dù người Pháp vẫn tự hào cho là vậy ).
Nơi đây, từng là chỗ lui tới thường xuyên của nhiều nhân vật lẫy lừng thế giới, đó là, các triết gia, văn sĩ, thi nhân: La Fontaine, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Victor Hugo, A. Musset, P. Verlaine ,G. Flaubert, O.Balzac, Anatole France …; các nhà hoạt động cách mạng và anh hùng: Robespierre, Danton, Marat và Napoleon Bonaparte... Và người ta cho rằng, tại đây, nhà tư tưởng-nhà văn Diderot đã soạn cuốn “Từ điển bách khoa toàn thư”, chính trị gia Benjamin Franklin đã viết Hiến pháp Hoa Kỳ, còn thi sĩ Paul Verlaine thường nhâm nhi café và trí tưởng bay bổng cùng những vần thơ của tập La Bonne Chanson ( Bài hát hay ), và Napoleon Bonaparte thì đã từng vội vã bỏ quên chiếc mũ đội đầu khi vị anh hùng này mới là viên trung uý pháo binh...
Rồi đó, chiếc phin pha café được ông chủ quán đầu tiên sáng chế ra và áp dụng tại quán này, sau dần lan truyền khắp thế giới đến ngày nay; và nữa, là những kỷ vật, bút tích của những con người lỗi lạc còn được lưu giữ tại đây, ngay cả những khẩu hiệu cho cả loài người, được các vị lãnh tụ cách mạng tư sản Pháp đề xướng là Tự do-Bình đẳng-Bác ái ( Liberté, Egalité, Fraternité )...
Chừng ấy thôi, cũng đủ làm nên một Le Procope lừng danh thế giới. Thử hỏi, được ngồi ăn và nhâm nhi café trong một quán như vậy, làm sao không xúc động cơ chứ !?
Trở lại với bữa tiệc hôm ấy. Sau lễ trao giấy chứng nhận khóa học tại Trường L’ ENA, ông Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế của trường cùng các cộng sự cho hay là mời đoàn cán bộ Việt Nam đi dự tiệc bế mạc chia tay tại một nhà hàng nổi tiếng nhất Paris. Nghe vậy, tôi chỉ nghĩ là sẽ đến ăn tại một quán ăn đặt trên tầng chót vót của toà nhà Montparnasse- cao nhất Paris ( như khóa học của Việt Nam ngay trước chúng tôi đã dự ). Trên đường đi, ông Chủ nhiệm khoa tự nhận làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, khi ấy, mới tiết lộ là đang đưa đoàn Việt Nam đến ăn tiệc tại quán Le Procope.
Bữa tiệc ấy, trường L’ENA đã phải đặt chỗ trước cả tuần. Bên ngoài, cùng với biển tên quán, còn có tấm biển đá to hình tròn ghi danh các danh nhân từng là khách hàng của quán trong lịch sử tồn tại 326 năm đến nay của mình. Quán đã đông kín, trừ hai dãy bàn dành cho đoàn cán bộ chúng tôi. Tiệc khai vị bằng món khoai tây chiên và rượu mứt quả truyền thống của nhà hàng. Món ăn chính là sa-lát cá hồi và các sác-đin hầm khoai tây nhắm cùng vang Pháp, bánh mì đen. Bữa tiệc đầm ấm, mọi người rì rầm nói chuyện với nhau, chủ yếu là về văn hóa và ẩm thực của hai nước Việt-Pháp. Tráng miệng bằng nho và tách café Brésil trứ danh của quán. Phía bạn ngỏ ý muốn được thưởng thức dân ca Việt Nam, và đã được đáp ứng bằng mấy bài quan họ qua giọng ca nghiệp dư của hai thành viên trong đoàn vốn gốc Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tàn tiệc, tôi còn nấn ná lại phía sau, cùng người phiên dịch tiếng Pháp, ngó nghiêng chụp ảnh một số kỷ vật lưu giữ ở quán.
Chụp pô ảnh kỷ niệm trước cửa quán, rồi chạy gằn cho theo kịp đoàn, tôi thầm nghĩ, một ngày nào đó, sẽ quay trở lại nơi đây...

( còn nữa )

tamvanvov
  • Số bài : 807
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.08.2009
RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi - 21.12.2012 16:13:18
I. Trở lại xứ Gà trống Gô-loa ( 2 )

2. Giao thông Paris

Đi đến bất cứ nơi nào, dù là trung tâm đô thị hoặc vùng xa xôi hẻo lánh, thì thứ người ta phải vập mặt đầu tiên là Giao thông.
Lần trở lại Pháp này, phải trải qua chuyến bay đêm kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ của Vietnam Airlines ( từ 11 rưỡi đêm giờ Việt Nam tại Nội Bài đến 6 rưỡi sáng hôm sau theo giờ Pháp tới sân bay Charle de Gaulle, lệch nhau 5 múi giờ ).

Lần trước sang Pháp vào cuối thu năm 1996, ấy là lần đầu tiên tôi đặt chân đến xứ sở Gà trống Gô-loa và đồng thời cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi. Khi ấy, tôi chưa có kinh nghiệm gì, lại thêm cảm giác lạ lẫm nên suy nghĩ, thức ngủ lộn xộn. Tôi nhớ, trên chuyến bay của Air France, từ Nội Bài qua Bangkok nghỉ 2 tiếng lấy thêm khách rồi bay một mạch khoảng hơn chục tiếng gì đấy và đến sân bay Charles de Gaulle vào lúc 4 giờ sáng. Trên máy bay, thứ âm thanh thường trực trong tai là tiếng động cơ máy bay và chen lẫn là tiếng trẻ con quấy khóc ( có mấy người ngoại quốc qua Việt Nam xin con nuôi, chúng còn quá nhỏ nên quấy khóc suốt chuyến bay ). Trong bữa ăn trên máy bay, tôi đã xin tiếp viên một ly cô-nhắc uống và ngà ngà để chợp mắt và quên thời gian.
Lần này, kinh nghiệm bay quốc tế của tôi đã dày dặn, thêm nữa đoàn đi những 21 người, lại được bố trí ngồi liền ghế, nên chuyện phiếm quên thời gian. Xin nói thêm, sân bay quốc tế Charles de Gaulle là sân bay bậc nhất châu Âu, xét về lượng khách thì nó xếp sau sân bay Heathrow của London ( Anh ), và hơi nhỉnh hơn sân bay Quốc tế Frankfurt ( Đức ), song nếu tính về lượng máy bay hoạt động, và lượng hàng hóa vận chuyển, sân bay Charles de Gaulle xếp hạng nhất. Trên đường từ sân bay về khách sạn, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là chiếc máy bay siêu thanh dân dụng Concorde sau khi ngừng bay vào năm 2003 được đưa vào nằm bệ tại một góc sân bay, trông vẫn rất ngạo nghễ, và sau đó là dòng xe cộ đông đặc suốt dọc đường.
Từ khách sạn nơi tôi ở thuộc ngoại ô phía Nam Paris kề bên sông Xen, đến nơi chúng tôi học là Trường Hành chính Quốc gia Pháp ( L’ ENA ) thuộc quận 6, kề bên Vườn Luxembourg, chỉ chừng 12 km, nhưng hàng ngày chúng tôi di chuyển bằng ô tô phải mất thời gian khoảng trên dưới 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Paris không tắc đường, mà chỉ ùn xe, nhất là vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng và tan công sở buổi chiều.
Dân số Paris hiện gần 12 triệu người, song khách du lịch thì vô kể, có thể nói là cao nhất thế giới, chính vì vậy mà hệ thống giao thông của Pr. luôn quá tải. Hiện tại, hệ thống giao thông đường bộ của Pr có 16 tuyến xe điện ngầm ( metro ), 5 tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ), 2 tuyến tàu điện nổi và hơn hai trăm tuyến xe bus ngang dọc, lại thêm mạng lưới taxi, nhưng cũng không xuể. Mặc dù phương tiện giao thông công cộng tốt như vậy, song người dân Paris vẫn thích sở hữu xe hơi cá nhân, nhất là các gia đình từ trung lưu trở lên ( mỗi gia đình loại này có từ 2-3 chiếc ). Tuy vậy, di chuyển trên các phương tiện công cộng vẫn là sự lựa chọn tối ưu ở Paris. Khi đến tìm hiểu Công ty RATP, công ty điều hành các phương tiện giao thông công cộng đường bộ của Paris, Mr. Lionel Chaty, Trưởng dự án các nguồn nhân lực của RATP cho biết, toàn bộ hệ thống phương tiện công cộng của RATP vận chuyển thường xuyên 12 triệu lượt người / ngày/ toàn Paris. Thật là một con số ấn tượng.
Đường nội đô Paris hẹp, đặc biệt là những khu phố cổ, liên tiếp ngã tư ngã năm đèn đỏ, vậy là ùn xe ngay thôi. Vào giờ cao điểm, xe nhích từng chút, đến sốt ruột. Tuy nhiên, các phương tiện đều tuyệt đối tuân thủ luật và tín hiệu giao thông, không có tình trạng lộn xộn chen lấn, tranh đường, di chuyển kiểu “ dơi bay “ như ở xứ mình. Chính vì vậy, tai nạn giao thông ở Paris rất ít, phần lớn chỉ va quệt xước xe, móp vỏ mà thôi...
Nơi đỗ xe cũng là một vấn đề nan giải, đường phố mua sắm thì đỗ xe thế nào ? Paris cho phép đỗ xe bên cả hai mép đường ( nếu có thể ) và còn được phép để một nửa thân xe lên vỉa hè theo chiều chéo. Còn xe đỗ dưới mép đường, chiếc nọ nối chiếc kia, đầu đuôi cách nhau chỉ 15-30 cm. Ấy vậy, khi cần, họ vẫn lấy xe ra đi một cách ngon lành. Quả là toàn những tay lái tài tình, dĩ nhiên, đều phải 4 đến 5 “ đỏ “ mới lách ra nổi. Mấy năm gần đây, Paris học theo Amsterdam, tăng cường phương tiện xe đạp, nên có nhiều điểm cho thuê xe đạp công mọc lên trên hè phố.
Song với Paris-kinh đô Ánh sáng-thiên đường du lịch & mua sắm, những lúc ùn xe như vậy, nếu không có việc gì quá vội, ta sẽ không còn cảm giác sốt ruột nữa, mà thấy thích thú là khác, khi có điều kiện tận mắt quan sát, ngắm nghía đời sống Paris thường nhật, từ nhiều góc độ, và qua nhịp sống thật chậm...

( còn nữa )

Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 5 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 138 bài trong đề mục