VĂN XUÔI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC ( I )
tamvanvov 21.05.2010 17:49:31 (permalink)

 
Dùng dằng phận cối, nhọ nhem phận nồi
 
    Tạp văn của Nguyễn Chu Nhạc
          
Tôi về quê, giờ tiện lợi là có thể đi xe buýt, nhất là vào các dịp lễ tết đông người. Thường là xe chật cứng sinh viên và những người  làm ăn nơi đô thị gốc nông thôn về quê. Các chàng nàng làm quen, tán nhau toàn bằng ngoại ngữ, Anh, Pháp và cả Trung Quốc nữa. Bác tài mở radio làm vui, hôm ấy vừa đúng vào chương trình phát thanh Câu lạc bộ người cao tuổi. Biên tập viên Thanh Tùng đang điểm thơ các cụ. Trong rất nhiều bài thơ của các thi sĩ hưu trí, thi sĩ vườn ấy, tôi chú ý đến một bài thơ nói về tình nghĩa vợ chồng già ở quê, tác ví von so sánh cái việc mình xưa kia vốn trai tơ lấy vợ là gái nạ dòng lúc đầu như cái cối xay lúa bị sống, nhưng rồi ăn ở với nhau dần khăng khít, tình nghĩa như nồi đồng thủng hàn lại chít bằng lá khoai nước nhưng rất kín, nấu cơm chín nục… Thơ rằng :” …Ngày ấy tôi là trai tơ/ Còn bà gái góa, con thơ, nạ dòng/ Họ hàng làng xóm cười rằng/ Rõ cái cối sống xay không ra gì/ Dùng dằng duyên phận trôi đi/ Nghĩa tình chồng vợ khác chi nồi đồng/ Dù hàn, chít lá dọc mùng/ Thì cơm vẫn chín  theo cùng tháng năm…”. Nghe rồi, ngẫm thấy mộc mạc mà hay và hóm đáo để!...        
          Tôi có người chú họ hơn tôi vài tuổi. Nhà chú vào diện giàu có nhất vùng bây giờ. Cũng vợ chồng tay trắng mà dựng cơ đồ. Hồi nông dân còn đói kém, vợ chú tháo vát buôn gà quê ra bán phố chợ, có tý vốn, chú mua ngay cái máy xay xát gạo cũ của HTX nông nghiệp để không gỉ hoen thải ra, kỳ cạch sửa chữa rồi xát gạo thuê cho bà con trong làng, lấy công bằng thóc. Rồi cũng chú đi đầu mua máy cày bừa nhỏ làm đất thuê. Chưa hết,chú cũng là người đầu tiên ở quê tôi mở đại lý bán vật liệu xây dựng. Cứ thế mà phất lên… Chuyện làm giàu của nhà chú sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như nó không liên quan đến một chuyện khác đáng nói hơn, ấy là cái chuyện mất nghề đóng cối xay kia... Khi có phong trào sắm máy xay xát thì mấy ông phó cối mất nghề. Không có người thuê, song nhớ nghề thêm phần buồn vì nghề, mấy ông vẫn cố đóng cối cho mình dùng, kiên quyết bắt vợ con không nhà nào được mang thóc đi xát máy. Đến lúc cả mấy ông phó cối già ốm bệt giường và dần qua đời, cánh trẻ trẻ không ai theo nghề, thế là nghề đóng cối ở vùng quê tôi mất hẳn. Thế nên có thể xem chú là người đầu tiên gián tiếp kết liễu nghề đóng cối ở vùng quê tôi.
          Chuyện ngày trước, mỗi xã chỉ có dăm ba ông biết nghề đóng cối. Lẽ dĩ nhiên, trình độ lành nghề của các bác phó cối cũng cao thấp khác nhau. Người nào giỏi nghề thì quanh năm không hết việc. Nhà nào muốn đóng cối phải đăng ký trước cả tuần, thậm chí nửa tháng mới đến lượt và hôm ấy, nhà như có việc hệ trọng. Tôi nhớ, ngày ấy, nhà tôi có nghề làm bánh đa nên cần nhiều gạo lắm. Cứ già năm là phải đóng lại rồi. Buổi đó, bố tôi dậy sớm đun nước đổ phích đợi bác phó cối. Khi bác phó đến, chủ thợ uống tàn tuần trà bác phó mới bắt tay. Lúc ấy bố tôi mới nhắc mẹ tôi chợ búa mua đồ nhắm làm cơm trưa cho bác phó. Về công việc, trước tiên mặt cối thớt trên thớt dưới đều được phá bỏ, chỉ trừ lại phần khung nan tre. Sau đó, bác phó mới lấy nguyên liệu mang sẵn đựng trrong đôi bồ nhà nghề của mình, ken lại phần vỏ cối những chỗ nan bị mòn vẹt. Kế đến là phần làm đất. Vì đất làm cối phải là loại đất thịt dẻo mịn không dễ có nên bác phó thường tận dụng lại đất cối cũ, phải đập nhỏ nhặt hết dăm cũ, nhào nước đánh nhuyễn lại, nếu thiếu thì mới thêm. Khi phần nền đất cối được ghép nện bám chắc vào vỏ áo cối, mới đến khâu chêm dăm cối. Đây là phần khó và tỉ mỉ nhất thể hiện tay nghề của bác phó. Gỗ làm dăm cối thường là loại gỗ nhãn hoặc mít. Để có dăm cối, bác phó phải lùng mua những cây nhãn, mít cỗi về cưa khúc ngắn, lựa phần gỗ tốt chẻ dăm theo thớ dọc, sao cho dăm thật dóc, không tướp,  cứng những không giòn, đem phơi khô đủ độ, mang cất dùng dần. Lúc chêm phải cẩn thận chia mặt cối theo hàng lối, răng không cao không thấp, bởi nếu răng cối nhô cao và hàng thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành hạt gạo, còn như răng thấp và hàng mau thì cối bí, chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm hết. Chêm xong rồi phải bắc cối, đổ vài giá thóc vào xay thử, nếu đạt yêu cầu thì thật may, còn không thì lại phải chêm đi chèn lại nhiều lần mới xong. Lẽ dĩ nhiên, với bác phó lành nghề thì thường chỉ điều chỉnh tý chút là được. Cối đóng xong, phải đạt mấy tiêu chuẩn như xay phải nhẹ mà chảy khá nhanh và đều, thóc chín và hạt gạo không giập gãy. Đấy là khâu kỹ thuật, còn chuyện phục vụ bác phó sao cho bác vui vẻ, hài lòng mà làm cho tốt cũng khá nhiêu khê. Thường là giữa buổi sáng, chủ nhà pha thêm tuần trà mới để bác phó nghỉ tay uống nước, bắn vài ba điếu thuốc lào ngả nghiêng cho đã rồi mới tiếp. Trưa cơm rượu rôm rả chủ thợ. Rồi lại tuần trà nghỉ cho xuôi cơm với đôi câu chuyện phiếm.Cũng phải đẫy ngày mới hoàn tất. Công xá thì đã có quy định rồi.. Bảo chuyện đóng cối là hệ trọng bởi nhà nông lấy bát cơm vào miệng làm đầu, nên cái cối xay mới được nâng tầm lên. Người ta kiêng không đóng cối vào dầu năm mới, mà thường từ giữa năm trở đi cho đến giáp tết. Sở dĩ vậy là còn vì tục kiêng kỵ cổ truyền ở nhiều vùng quê, là nếu làm vào đầu năm mà cối sống hoặc bị sao đó là rông cả năm, là điềm báo mùa màng, làm ăn thất bát, nên tránh.
          Vậy là nghề đóng cối xay lúa ở vùng quê tôi mất hẳn, có chăng chỉ còn trong ký ức của mọi người. Còn có một nghề nữa cũng bị xem là mất, đó là nghề hàn nồi. Người Việt mình xưa nay vốn chỉ dùng đồ đồng, tử vật gia dụng như nồi đồng, sanh đồng, thau đồng, mâm đồng, âu đồng đến đồ thờ tự như giá nến đồng, đỉnh đồng… Song có lẽ, trong số đó thì họ hàng nhà nồi đồng là đông đảo hơn cả, nào những nồi ba, nồi bảy, nồi mười, nồi hai mươi, nồi ba mươi, nồi năm mươi… Nồi đồng dùng lâu ngày thì mòn vẹt, han gỉ ( oxy hóa ) mà thủng. Thủng thì phải hàn để dùng nữa, ấy vậy mới sinh ra cái nghề hàn nồi. Khác với nghề đóng cối xay lúa, đồ nghề của thợ hàn nồi gọn nhẹ hơn, chỉ cần đựng trong chiếc bị cói là đủ, với vài chiếc búa lớn nhỏ, chiếc đe, chiếc kìm chuyên dụng cắt kim loại và mớ đồng lá vụn lấy từ những nồi đồng cũ nát bỏ đi. Khi hàn, trước tiên người thợ phải đánh sạch muội than và han gỉ quanh chỗ thủng, rồi cắt khoét  sao cho gọn mép chỗ thủng hình tròn hay bầu dục. Kế đó cắt miếng đồng vá to hơn chút ít, dùng kéo cắt tỉa hàng chân rết xung quanh rồi bẻ vuông quặt vuông góc, luồn miếng vá từ trong lòng nồi ra phía ngoài đáy nồi, và dùng búa tán chặt hàng chân vào đáy nồi. Đến đây, có một khâu quan trọng không thể quên, đó là người thợ hái nắm lá khoai nước, khoai môn hoặc dọc mùng chi đấy trong vườn nhà chủ, rồi đánh quết vào quanh vết hàn. Chất nhựa nhớt của lá chít chặt các kẽ hở li ti quanh vết hàn. Sau đó mới đổ đầy nồi nước để thử. Nếu để một lát mà không thấy rò rỉ là được. Sau một thời gian đun nấu, muội than sẽ củng cố thêm chặt vết hàn. Hàn thì không khó, song trình độ lành nghề của người thợ hơn nhau ở chỗ bền lâu hay chỉ một thời gian là rò rỉ lại. 
          Thợ hàn nồi không có sẵn ở mỗi làng quê mà phần lớn họ từ các làng nghề đúc đồng. Họ lang thang hành nghề khắp thiên hạ, song cũng thường chỉ ở một số vùng quê quen thuộc. Cứ hết làng này sang làng khác, đi tua, có khi vài ba tháng, thậm chí nửa năm mới quay lại một lần.  Nhà nào có nồi, sanh thủng thì cứ đành xếp xó đợi đến khi nào đường làng vang lên tiếng rao buồn buồn “ Ai hàn nồi đơ…ơ…[font=.vntime] ơi …”, mới gọi thợ vào. Rồi già trẻ lớn bé xúm vào xem bác thợ hàn nồi, nhà này nhà nọ chờ đón sẵn rước về nhà mình tạo nên cảnh vui đáo để. Ở quê tôi, ngày trước, cứ vào mỗi dịp cuối năm, bao giờ cũng thế…Giờ đây, dù đã xa rồi mấy chục năm không thấy nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh ông thợ hàn nồi đôi bàn tay lấm lem muội than và trên khuôn mặt khắc khổ lấm tấm mồ hôi nhọ nhem đôi ba quết muội... Đời sống xã hội khấm khá lên và thay đổi nhanh đến chóng mặt. Dân quê cũng toàn xoong nhôm, xoong inox như dân phố, có chăng nồi đồng to chỉ để nấu cám lợn. Thế là nghề hàn nồi cũng đi luôn !...        

          Thời đại mới, sẽ có nhiều nghề mới hình thành, trong khi đó nhiều nghề cổ truyền của một xã hội nông nghiệp xưa đã và sẽ mất dần. Mấy năm gần đây, hằng năm đây đó có tổ chức những triển lãm làng nghề, song chủ yếu vẫn là các nghề thủ công mỹ nghệ, liên quan đến việc quảng bá và phát triển du lịch thôi, còn những nghề thuần túy của đời sống xã hội xưa cũ thì chưa thấy. Mà chúng thì cứ mai một, khuất dần vào quên lãng. Chợt tự hỏi, sao đến giờ Việt Nam mình vẫn chưa có một bảo tàng nghề nhỉ ?!...
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2021 19:13:12 bởi tamvanvov >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9