Myanmar du ký ( IV ) 4. Xứ sở của đá quý, châu ngọc
Có thể nói, MR là vương quốc, là xứ sở của đá quý và châu ngọc. Các mỏ đá quý chủ yếu nằm ở phía Bắc của MR, như thung lũng Ruby hoặc khu vực Mogok, cách Yangon gần ngàn cây số. Đây là những mỏ đá quý nổi tiếng thế giới và có trữ lượng khổng lồ ( ngọc bích, hồng ngọc ), vốn được khai thác từ thế kỳ 19.
Phần lớn, đá quý của MR đều được khai thác rồi mang bán sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan... và sau khi được chế tác ở đấy thành sản phẩm châu ngọc, đồ trang sức quý giá, lại được bán quay trở lại MR và sang các nước khác với giá cao gấp bội.
Ở thủ đô Nay Pyi Taw còn hoang sơ ấy, chính phủ MR đã nhanh chóng cho xây dựng một bảo tàng đá quý & châu ngọc, bởi đây là nguồn tài nguyên vô giá, là niềm tự hào và trở thành biểu tượng cho đất nước Phật giáo này. Đoàn chúng tôi được phía bạn bố trí một buổi đi thăm và mua sắm tại bảo tàng này. Vào đây, ngay từ tiền sảnh, mọi người đã choáng ngợp trước một không gian miên man là đá quý và châu ngọc ( thô có, đã chế tác có ). Rất đáng tiếc, ở đây treo biển cấm quay phim chụp ảnh, và trước khi vào đây, nhân viên bảo vệ cũng nhắc nhở khách tham quan điều đó. Tuy nhiên, với chiếc Canon G11 đeo lủng lẳng trước ngực, để ở chế độ no flash, mặc dù hệ thống camera giăng mắc khắp nơi, tôi cũng “bắn” lén tọa độ được mấy kiểu, đặng có cái mà khoe với mọi ngườ chứ. Nhiều cửa hiệu chuyên bán trang sức châu ngọc ở MR cũng cấm quay phim chụp ảnh.
Trong bảo tàng châu ngọc, các loại châu ngọc và trang sức đã chế tác đều được trưng bày trong tủ kính bảo vệ, còn đá quý nguyên liệu thô thì không cần. Đồ trưng bày được xếp đặt theo chủ đề, theo dạng thức, lớp lang, quy củ. Đặc biệt và gây ấn tượng nhất, ấy là mô hình vòm tháp của chùa Vàng được chế tác từ ngọc bích nguyên khối, và nữa là viên ngọc trai khổng lồ ( hiện giữ kỷ lục lớn nhất về độ lớn ở MR ). La cà, thăm thú, ngắm nghía, cánh đàn ông chúng tôi vốn ít quan tâm đến lĩnh vực này, nên cũng chỉ để thỏa chí tò mò, hơn là để hiểu về vẻ đẹp và độ quý giá của chúng. Còn với 2 thành viên nữ trong đoàn, thôi thì, mê mẩm, đắm đuối khôn cùng...
Bên dưới bảo tàng là một khu vực quầy hàng đá quý châu ngọc cho tư nhân thuê bán hàng. Khách không đông lắm, chủ yếu là người đến thăm quan, rồi nhân tiện mua sắm. Song với chúng tôi cũng là đủ, để mua ít quà souvernir. Hôm sau, chúng tôi còn được bạn đưa đến thăm thú mua sắm ở mấy cửa hàng châu ngọc sang trọng thuộc diện có thương hiệu ở MR, rồi la cà cả khu vực hàng tầm tầm tại trung tâm phố cổ của Yangon. Nói chung, với những chế tác đơn giản ( như vòng tay, tranh đá, dây móc... ) bằng đá quý không mấy đắt, đủ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng mua sắm của phần đông người bình dân và khách du lịch, tây ba lô ... Và với người MR, vạy cũng là đủ, bởi đây là một nghề kinh doanh kiếm sống khá phổ biến của người dân bản địa ở các trung tâm thương mại như Yangon, Madalay, Mogok...
Tôi nhớ, vào năm 2008, khi tôi học ở Trường Đảng trung ương Trung Quốc 2 tháng, kết thúc lớp học, chúng tôi có đi thực tế tại Thượng Hải, Tây An, Vân Nam. Khi về đến Côn Minh ( Vân Nam ), chúng tôi được đưa đi thực tế tại Châu tự trị Đức Hồng, nơi giáp ranh với biên giới phía bắc của MR ( nếu ai quan tâm đến lịch sử, thì đây chính là khu vực chiến trường xưa của quân đội Nhà Thục Hán-Lưu Bị thời Tam Quốc, đánh nhau với Mạnh Hoạch - Khổng Minh Gia Cát Lượng từng “ thất cầm Mạnh Hoạch “- 7 lần bắt 7 lần tha ). Tại đây, tôi đã tham quan thành phố Thụy Lệ, thành phố châu ngọc của Trung Quốc, nơi có hàng chục chợ đá quý, hàng trăm cửa hàng bán đồ trang sức châu ngọc, mà toàn bộ nguyên liệu đều được đưa sang từ MR. Tôi đã từng đứng phía bên này đầu cầu biên giới, đặng chụp ảnh người dân MR mỗi sáng gùi đá quý trên lưng, hệt như bà con dân tộc thiểu số ở ta gùi ngô sắn sang bán bên chợ đá quý Thụy Lệ ... Tôi mang điều này hỏi anh U Myint Wai, thì anh bảo, chính phủ MR cũng quản lý khá chặt chẽ, nhưng cũng không thể ngăn nổi tình trạng bán lậu nguyên liệu đá quý qua biên giới...
Dẫu gì, MR vẫn luôn xứng đáng là xứ sở của đá quý và châu ngọc của thế giới ...
nmar du ký VI
6. Hệ thống Phát thanh & truyền hình
Hiện nay, hệ thống Phát thanh & truyền hình của MR còn chưa mấy phát triển. Sở dĩ vậy, là do sau nhiều năm duy trì chính quyền quân sự, bị Phương Tây cấm vận nên kinh tế đất nước kém phát triển; thêm nữa, chính sách đóng cửa khép kín của quốc gia Phật giáo này ít nhiều tạo ra một xa hội tương đối thuần phác. Có thể coi đó là nguyên nhân chính khiến cho toàn bộ hệ thống thông tin báo chí nói chung ( trong đó có PT&TH ) kém đa dạng, phát triển. Đài PT&TH của MR trực thuộc Bộ Thông tin, có trụ sở chính đóng tại Yangon. Năm 2006, khi thủ đô rời đến Nay Pyi Taw, chính phủ MR cho xây dựng trụ sở mới của Đài PT&TH quốc gia ở ng
oại vi thuộc một vùng quê, cách trung tâm thủ đô chừng 1 giờ xe chạy.
Tòa nhà của Đài PT&TH mới có cấu trúc thấp tầng, khá hài hòa và thiết bị máy móc công nghệ tương đối hiện đại. Nếu máy móc thiết bị kỹ thuật PTTH của Đài tại Yangon chủ yếu là kỹ thuật analog, trên băng từ, thì ở trụ sở mới, toàn bộ sử dung kỹ thuật số ( digital ), song vẫn có dự phòng bằng kỹ thuật analog trong những trường hợp bất trắc. Hiện tại, phần lớn các chương trình phát thanh và truyền hình của MR vẫn được sản xuất ở Văn phòng tại Yangon, bởi đây tuy là cố đô, song vẫn là một trung tâm chính trị, ngoại giao, sản xuất, thương mại của MR. Nhiều đại sứ quán ( trong đó có Đại sứ quán Vịêt Nam ) vẫn đóng ở Yangon. Hiện tại, MR có 2 kênh Phát thanh ( 1 bằng tiếng phổ thông MR, 1 phát chung đối ngoại quốc tế và tiếng dân tộc thiểu số ). MR là quốc gia đa dân tộc ( 153 dân tộc ), song ngoài tiếng phổ thông MR thì chỉ vài ba thứ tiếng dân tộc khác được phát sóng ( VOV của ta phát 12 thứ tiêng dân tộc thiểu số ). Còn lĩnh vực truyền hình, MR có 2 kênh tự sản xuất, đó kênh MRTV3, MRTV4. Số kênh truyền hình nước ngoài được phát trên TV của MR rất ít. Chính vì vậy, người dân MR không có nhiều sự lựa chọn trong lĩnh vực Phát thanh & truyền hình nói chung. 5 ngày ở MR, theo dõi TV của họ thấy chương trình còn khá nghèo nàn. Hôm chúng tôi thăm trụ sở ở Yangon, phía bạn có đưa chúng tôi thăm dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại của Đài, nếu so với Nhà hát VOV của Việt nam thì họ còn thua xa. Ngay phương tiện tác nghiệp ( máy ghi âm, camera ) thì vẫn cũ kỹ, lạc hậu ( như thời kỳ bao cấp ở ta ). Có một điểm đáng chú ý, các vị lãnh đạo của Đài PT&TH quốc gia MR phần đông từ quân đội chuyển sang. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi mà chính quyền MR vốn là chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thống chế Than-Suề ( nay ông này là Tổng thống ), mới chuyển sang dân sự, nên theo đó, các vị lãnh đạo quân sự các cấp của họ cũng được “ dân sự hóa “ chuyển sang giữ các cương vị chủ chốt. Các cấp của Đài PT&TH MR sử dụng tiếng Anh khá tốt ( MR vốn là thuộc địa của Anh, đến năm 1948 mới thoát khỏi ách thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập, dưới sự lãnh đạo của Tướng Aung San, người được suy tôn là anh hùng dân tộc giải phóng MR, là thân phụ của bà Aung San Suu Kiu, lãnh đạo của phe đối lập chính trị ở MR hiện nay ). Với đà cải cách mở cửa, dân chủ hóa hiện nay, có thể MR đang phải đối mặt trước những bất ổn chính trị, song chắc chắn, nền báo chí truyền thông nói chung, lĩnh vực PH&TH nói riêng của MR sẽ có đất sống...