Lướt trên bán đảo Đông Dương ( III ) 3. Ghé đất Thái Lan. Gọi là ghé đất Thái Lan, với tôi hoàn toàn đúng. Mặc dù, do yêu cầu công việc, tôi có điều kiện đi nước ngoài, Tây Tàu đủ cả, song với Thái Lan thì đây là lần đầu tiên. Thực ra, thu đông năm 1996, tôi sang Pháp học nghiệp vụ báo chí, theo đường hàng không của hãng Air France, cả đi và về đều transit qua sân bay quốc tế thủ đô Băng-cốc ( Thái Lan). Thời gian quá cảnh khá lâu, hành khách được ra khỏi máy bay vào siêu thị mua sắm cả mấy tiếng, song về ý nghĩa, khu vực ấy không còn là đất Thái Lan nữa, mặc dù nó chềnh ềnh giữa xứ sở Thái Lan. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Thái Lan với đầy đủ nghĩa thực của nó.
Chúng tôi sang đất Thái bằng đường bộ, qua cửa khẩu Nong-khai, nằm đối diện bờ nam sông Mê-kông với Viêng-chăn. Mặc dù, đoàn chúng tôi sang Lào bằng 3 chiếc xe biển xanh 80B, song khi qua đất Thái thì không thể. Bởi mang xe mình quá cảnh, giấy tờ thủ tục phiền hà, lại thêm, hệ thống giao thông bên Thái theo kiểu Anh (
tức đi trái, về phải, như Nhật bản, Hồng-kông ), chứ không phổ thông đi phải về trái như hầu hết các nước trên thế giới. Các bạn ở Phòng Phát thanh Tiếng Việt, Đài Phát thanh quốc gia Lào thuê giúp chúng tôi một chiếc xe loại hơn hai chục chỗ của một công ty du lịch tại Viêng-chăn.
Đi từ sáng sớm, xe qua cầu Hữu nghị Thái-Lào số 1, nhìn nước Mê-kông đang mùa lũ, chảy xiết, có chút nao nao trong lòng. Cây cầu hữu nghị này, nghe nói do chính phủ Australia giúp xây dựng với kinh phí mấy chục triệu USD. Nó được khánh thành vào năm 1994 với các làn cho xe cơ giới, khách bộ hành và đường sắt ở giữa. Riêng phần đường sắt thì tận chục năm sau, năm 2004 mới hoàn thành. Phần đường cho xe cơ giới trên cầu được bố trí theo kiểu giao thông Thái Lan (
kiểu Anh), nên khi đi từ đất Lào lên cầu, thì ngay đầu cẩu phía Lào, đèn hiệu đã hướng dẫn xe lên cầu theo kiểu Thái. Với các bác tài thường xuyên qua lại đây, đã trở thành bình thường, chỉ lái xe của ta, chắc sẽ bỡ ngỡ ít nhiều.
Sang đất Thái Lan, thủ tục quá cảnh khá nhanh chóng và thuận tiện khi giấy tờ đầy đủ. Xe chạy trên đất Thái Lan theo giao thông kiểu Anh, nên nhìn đường, cảm giác hơi khó chịu, đôi khi cảm thấy ô tô như sắp đâm sầm vào nhau, mặc dù với tôi, trước đấy vài tháng, đã phần nào làm quen với kiểu giao thông này ở Hồng-kông. Xe chạy trên đất tỉnh Nong-khai, rồi rẽ về hướng tỉnh Udon. Đây là vùng châu thổ sông Mê-kông thuộc đông bắc Thái Lan, nên đồng ruộng cây trồng cũng na ná xứ ta. Tuy vậy, cánh đồng có vẻ rộng hơn, ít manh mún hơn, chắc là do hình thức tập trung ruộng đất và chuyên canh thoáng hơn xứ ta. Đường tốt, xe chạy tốc độ hàng trăm cây số giờ. Và tôi, được tận mắt chứng kiến tài nghệ các bác tài xứ này, đáng nể và cũng đáng kinh. Ấy là, ở Thái Lan, đường thì đi theo kiểu Anh, nhưng ô tô loại lưu thông thoải mái cả xe táy lái thuận, tay lái nghịch. Thế nên, mới có cảnh, hai bác tài chạy xe cùng chiều, một tai lái thuận, một tay lái nghịch, cho xe chạy sát nhau, và với tốc độ chóng mặt như vậy, họ mở kính, thoải mái nói chuyện và trao đổi đồ vật cho nhau. Thật đáng nể và cũng thật đáng sợ. Nói dại, ngộ nhỡ ra...
Cứ như vậy, vào sâu thêm đất Thái. Chợt nổi lên trong suy nghĩ của tôi, hình như ở vùng này, đâu đó là sân bay Cò-rạt
(Khorat), U-ta-pao, căn cứ không quân của Mỹ trên đất Thái Lan, suốt những năm, từ 1965 đến 1972, cùng với sân bay trên Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương, không biết bao nhiêu ngàn lượt máy bay cường kích, tiêm kích của Mỹ cất cánh bay vào lãnh thổ Việt Nam dội bom, bắn phá, gây nên chết chóc, hoang tàn cho xứ sở ta?... Sau này, tôi có tình cờ đọc được một vài tài liệu của nhà báo Xuân Ba viết về những người Việt hiện đang sinh sống ở vùng đông bắc Thái Lan, trong đó có Udon. Lịch sử cho thấy, từ thời vua chúa nhà Nguyễn, đã có một bộ phận người Việt vì nhiều lý do, di cư sang đất Thái Lan sinh sống. Nay, con cháu họ vẫn định cư ở đây, và cũng đã từng giúp đỡ cụ Hồ (
khi ấy mang tên Thầu Chín ) hoạt động cánh mạng trên đất Thái... Và sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, được biết, không ít người trong số họ, trong quá trình mưu sinh, đang làm việc tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này, đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thông tin trước các hoạt động của máy bay Mỹ từ các sân bay trên đất Thái
(Cò-rạt, U-ta-pao) bay sang Việt Nam bắn phá. Nhờ thế mà ta lường trước được để đối phó kịp thời, giảm ít nhiều sự tổn thất ...
Vì không có nhiều thời gian, nên khi vào đến tỉnh lỵ Udon Thani, chúng tôi vào một trung tâm thương mại lớn. Đủ sức nhìn ngó cho biết, chứ mua sắm chẳng là bao. Hàng Thái Lan chất lượng khá, giá cả cũng phải chăng, nói chung là dễ mua, song cánh đàn ông chúng tôi vụng đường mua sắm. Có cái khác với Lào trong việc sử dụng đồng tiền. Nếu như ở bên Lào, trung tâm thương mại hay chợ trời, ta mua sắm trả bằng Kíp Lào, Bạt Thái, Đô la Mỹ, hay tiền Đồng Việt Nam đều được tuốt. Trái lại, Thái Lan thì tuyệt đối chỉ thanh toán bằng Bạt Thái mà thôi. Đến ngoại tệ mạnh như USD thì cũng bị từ chối, từ siêu thị cho đến chợ trời, hàng rong nơi hè phố, bến tàu xe... Vậy nên, để mua bán, ăn trưa tại siêu thị, chúng tôi phải đến quầy đổi tiền, từ USD đổi sang đồng Bạt. Văn minh và quy củ, song cũng phiền thay cho khách du lịch bụi kiểu chúng tôi. Bữa trưa, tôi và Trần Đăng Khoa lượn mãi, rồi cũng chọn được món ăn tạm gọi là phù hợp, ấy là món phở Thái thịt gà, song quả thực nó giống món hủ tiếu Nam bộ hơn là phở Bắc. Dẫu sao cũng khá ngon miệng và đầy được bụng. Ẩm thực Thái vốn chuộng cay, thế nên, Trần Đăng Khoa dù yêu cầu không cho ớt, song nước dùng đã cay sẵn, lão ta nuốt trôi được hết tô phở Thái thì nước mắt nước mũi cũng trào ra vì cay. Rõ khổ thân lão Khoa béo...
Chiều muộn, chúng tôi về lại Viêng-chăn Lào, và để bù lại, chúng tôi đi ăn tối ở một quán ăn đồ nướng nổi tiếng tại Viêng-chăn...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.12.2016 11:53:48 bởi tamvanvov >