Nhà văn Trần Nguyên Vấn, cần mẫn và ân tính ( Chân dung nhà văn Trần Nguyên Vấn ) Trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại, trừ nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi sớm biết vì chúng tôi cùng lứa học phổ thông và cùng nhau đứng trong đội tuyển giỏi Văn của tỉnh Hải Hưng tham gia kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10 (hệ 10/10) toàn miền Băc vào tháng 4.1075, thì Trần Nguyên Vấn là người tôi biết mặt đầu tiên. Tính từ lần đầu gặp Trần Nguyên Vấn, quãng năm 1982, 1983 gì đó, đến nay đã ngót bốn mươi năm quen biết. ấy vậy mà, mỗi khi viết gì về ông, tôi vẫn phân vân về danh xưng, Trần Nguyên Vấn hay Trần Phương Trà, nhà văn hay nhà thơ? Đắn đo vậy thôi, song không hiểu sao, tự nhiên tôi mặc định cách gọi, nhà văn thì Trần Nguyên Vấn, nhà thơ thì Trần Phương Trà. Đương nhiên, ông viết dều cả hai thì gọi thế nào chẳng được... Trở lại buổi ban đầu quen biết ông. Thời điểm ấy, tôi làm đúng công việc của một anh kỹ sư canh nông, ở tít mãi vùng biên giới Tây Nam, Bảy Núi, An Giang. Chẳng là, tốt nghiệp đại học khi thống nhất đất nước mới dăm năm, nên phần đông lứa kỹ sư nông nghiệp trẻ chúng tôi được lùa vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi mệnh danh là vựa lúa khổng lồ. Khi ấy, bà con ở đấy vẫn quen với lối canh tác quảng canh nên khó áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Thời gian rảnh nhiểu, tôi tập tọng viết báo, viết văn, làm thơ. Cứ viết đại, gửi đại đến các tòa soạn báo qua đường bưu điện thế thôi. May thay, người bạn thân phổ thông và cả đại học của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh khi ấy là phóng viên Báo Nông nghiệp, chỉ dẫn thêm. Nhở vậy, những bài báo của tôi được dăng rải rác trên báo Nông nghiệp và Nhân dân, rồi nữa, được phát sóng trong các chương trình phát thanh Đại gia đình các dân tộc Việt Nam và Phụ nữ của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN-VOV). Thế nhưng, văn chương thì lại khác, các bút ký và truyện ngắn tôi gửi cho Báo Văn nghệ thì chẳng tăm hơi. Trịnh Bá Ninh mách tôi, anh quen biết nhà văn Trần Nguyên Vấn làm biên tập ở Ban Văn nghệ Đài TNVN, và khuyên tôi hãy gửi bài viết nhờ ông thẩm định, góp ý. Tôi làm theo và sau đó, Trịnh Bá Ninh thông báo lại cho tôi ý kiến nhận xét của nhà văn Trần Nguyên Vấn. Tôi viết lại và may mắn sao, bút ký Mênh mông đồng tràm được phát sóng trong chương trình Văn nghệ của nhà đài. Tôi mứng vui khôn xiết!...
Hàng năm, mỗi lần đi phép ra Bắc, Trịnh Bá Ninh hay dẫn tôi cùng đây đó, nhớ thế mà tôi gặp và quen biết nhà văn Trần Nguyên Vấn. Rồi từ ông, tôi biết thêm các bạn vân của ông, nhà văn Vũ Đình Minh, nhà thơ Nguyễn Thái Vận, nhà thơ Võ Văn Trực, nhà thơ Ngô Quân Miện,... Cũng qua ông, lần đầu tôi bước chân ngó nghiêng ngôi nhà văn học của Đài TNVN ở 58 Quán Sứ, để biết mặt những tên tuổi mà bấy lâu tôi từng đọc và nghe những tác phẩm của họ như: Nguyễn Bùi Vợi, Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường, Trúc Thông, Lê Đình Cánh,...
Cho đến khi, cầm quyết định về nhận công tác tại Đài TNVN vào tháng 10/1987, thì ngoài những người cùng đơn vị với mình ở Ban Thính giả, người tôi hay lui tới chính là nhà văn Trần Nguyên Vấn. Dù hơn tôi hai chục tuổi (ông sinh năm 1937). Trần Nguyên Vấn coi tôi như đứa em út của mình. Tôi cũng hay đến chơi thăm ông tại nhà riêng, một căn hộ nằm trong khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, và đó rời sang khu tập thể ở phố Tông Đản... Thành đàn em của ông, rỉ rả tháng năm, từng trang cuộc đời ông dần mở, ngỡ thuận buồm xuôi gió, nhưng không phải vậy,...
1, Hành trình trờ thành nhà văn,
Trần Nguyên Vấn sinh ở quê, làng Trúc Lâm thuộc thành phố Huế. Đi học hết lớp Đệ Tứ trường Trung học Khải Đinh (Quốc học Huê), đậu bằng trung học đệ nhất, tháng 7 năm 1954 hiệp định Genève có hiệu lưc, ông xin ra Bắc tiếp tục đi học, trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An. Đây là ngôi trường nổi tiếng mà nhiều bậc trí thức hàng đầu của nước ta từng là học sinh và trưởng thành từ đây. Thời gian này, gặp nhiều khó khăn, trận lụt to tháng 9 năm 1954 do vỡ đê sông Lam, rất khổ vì Trần Nguyên Vấn là học sinh vượt tuyến không có học bổng phải lo dạy kèm trong hè để dồn tiền ăn đi học, giữa năm 1956 mới có học bổng. Nhung rồi, may mắn, năm 1958, thi đỗ vào khóa 3 (1958-1961) khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở vào thời điểm ấy, sau vụ Nhân văn Giai phẩm nên việc vào khoa văn rất ngặt nghèo, mấy trăm thí sinh chỉ lấy 24 người. thì 17 cán bộ đi học, chỉ có 7 học sinh toàn miền Bắc có Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Nguyễn Gia Nùng, Trần Nguyên Vấn, Nông Thị Nhuận, Phạm Thị Hồng Thọ, Vũ Nguyên Ngữ. Ngay khi là sinh viên Tổng hợp Văn, đã có một nhóm gồm Lê Khâm, Hoàng Tiến, Ngô Văn Phú ,Võ Văn Trực, Nguyễn Gia Nùng và Trần Nguyên Vấn, tổ chức, động viên nhau sáng tác. Các thành viên trong nhóm tham gia viết truyện ký nhân dịp kỷ niêm kháng chiến chống Pháp của Thành Đội Hà Nội. Trần Nguyên Vấn viết ký Đánh sân bay Gia Lâm theo lời kể của một số chiến sĩ. Bài ký này cùng các truyện ký của Lê Khâm, Nguyễn Gia Nùng... được Thành đội Hà Nội tập hợp vào cuốn sách Trở về Hà Nội, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 1960. Như vậy, có thể nói, con đường sáng tác văn học của Trần Nguyên Vấn khời đầu thuận lợi, báo hiệu sự hanh thông trong sự nghiệp văn chương...
Nhưng rồi, một sự hanh thông khác lại mở ra, năm 1961, tốt nghiệp Tổng hợp Văn, hai cử nhân văn trẻ là Trần Nguyên Vấn và Võ Văn Trực nhận quyết định phân công về Bộ Ngoại giao công tác, Tương lai trở thành một nhà ngoại giao mở ra, song dường như đinh mệnh an bài Trần Nguyên Vấn phải theo nghiệp cầm bút văn chương thơ phú, nên chàng cử nhân văn khoa này lại không hài lòng với nghề ngoại giao mà nhiều người mong chẳng được. Người bạn cùng lớp là Nông Thị Nhuân được phân công về làm biên tập ở mục Đọc truyện dêm khuya thuộc Phòng Văn nghệ Đài TNVN, mách Trần Nguyên Vấn là mục Tiếng thơ của Đài đang cần tuyển biên tập viên. Thế là Trần Nguyên Vấn báo cáo Bộ Ngoại giao rồi tự đi liên hệ, và kết quả. nhà ngoại giao tương lai trở thành biên tập thơ...
Trần Nguyên Vấn bước chân vao môi trường làm báo chuyên nghiệp, vào mái nhà chung 58 Quán Sứ, trụ sở Đài TNVN từ tháng 11.1961 và kể từ đấy, ông gắn bó với địa chỉ này cho đến lúc nghỉ hưu, tuy quãng giữa chặng đường dài này nhiều biến cố, trắc trờ....
Thời gian làm ở chuyên mục Tiếng thơ, ngoài công việc biên tập, Trần Nguyên Vấn viết bút ký và làm thơ. Đáp ứng nhu cầu của công việc, đặc biệt là phóng viên chiến trường, đến năm 1965, ông xin chuyển sang Phòng miền Nam làm ở Tổ thời sự để học thêm cách làm tin,,sử dụng tin tham khảo và viết các câu chuyện thời sự, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi chiến trường. Trần Nguyên Vấn còn hăng hái đến mức, đã tìm gặp một số cán bộ của tình Thừa Thiên mới từ chiến trường ra để bày tỏ nguyện vọng muốn được vào chiến trường. Tuy nhiên, ông vẫn phải chờ đợi đến tháng 4.1967 mới được đáp ứng, sau khi trờ lại làm việc ở mục Tiếng thơ. Trần Nguyên Vấn đi B cùng đợt với nhà báo Nguyễn Thành (sau này, nhà báo Nguyễn Thành làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh truyền hình Việt Nam) và nhà thơ Bùi Minh Quốc. Sau khi huấn luyện, Trần Nguyên Vấn lên đường đi chiến trường Thừa Thiên vào tháng 5.1967. Lúc ấy, vợ ông đang mang thai đứa con đầu được 5 tháng. Trần Nguyên Vấn làm báo Cờ Giải phóng của Thành ủy Huế, và từ đây, theo yêu cầu của Tiểu ban Văn nghệ miền Nam, ông lấy bút danh là Trần Phương Trà, Thời gian làm phóng viên ở địa bàn Trị Thiên Huế, Trần Nguyên Vấn cùng làm việc với nhà tho Thanh Hải, nhạc sĩ Trần Hoàn, thiếu tường Lê Chưởng... Chiến dịch Mậu Thân 1968, Trần Nguyên Vấn về Huế được mấy ngày. Theo dự tính, nếu chiến dịch thắng lợi, ta chiếm được Đài dịch ở Huế thi ông sẽ là một trong những người tiếp quản, sử dụng, nhung việc không thành, ông trở lại rừng tiếp tục công tác. Lần trở về Huế ấy, Trần Nguyên Vấn được gặp lại má của mình, còn vui mừng báo cho má biết việc vợ ông ở Bắc đã sinh con trai, đặt tên là... mà bằng mật ước nào đó, qua việc nghe chương trình Tiếng thơ và Ca nhạc của Đài TNVN, các bạn bè ở Ban Văn nghệ Đài đã báo tin để ông nhận biết. Việc này, hơn một lần tôi nghe ông vui kể. xem như chuyện “làm ở Đài ăn lộc nhờ đài”...
Năm 1969 chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế được thành lập. Trần Nguyên Vấn được bầu vào Ban Chấp hành Chi hội do nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chi hội trưởng,, nhà thơ Thanh Hải là Chi hội phó kiêm Tổng Thư ký, còn ông làm Tạp chí Sinh hoạt văn nghệ của Chi hội/ Thôi thi mặc sức mà viết, truyên ngắn, bút ký, thơ, vè, đủ loại, miễn sao phục vụ phong trào kháng chiến. Truyện ngắn Của tin ông viết năm 1970 gửi ra dự thi truyên ngắn báo Văn nghê (1970-1971) được tặng thưởng. Nói chung, ông hăng hái xuống đồng bằng, ghi chép, viết truyện ngắn, ký sự, thơ gửi ra cho Đài phát thanh Giải phóng. Đài TNVN và Tiểu ban văn nghệ miền Nam do nhà thơ Bảo Định Giang phụ trách. Đến 8.1973, Trần Nguyên Vấn được đưa ra Bắc chữa bệnh viêm gan do nhiều năm bị các trận sốt rét tàn phá.., Thời gian này, ông thuộc quyền quản lý của Ban Thống nhất miền Nam.
Nhân đây, tôi thấy cần nói thêm về Đài Phát thanh Gải phóng, nơi nhà văn Trần Nguyên Vấn nhiều năm công tác, gắn bó máu thịt. Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào cuối năm 1960, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã chuẩn bị mọi việc để thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Và ngày 01/02/1962, tại cánh rừng Căn cứ Mã Đà, thuộc Chiến khu Đ, Đài Phát thanh Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức phát sóng buổi đầu tiên, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí cách mạng trên chiến trường miền Nam. Đài Phát thanh Giải phóng đã phát bản tin đầu tiên bằng năm thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer, với lời xướng kiêu hãnh: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói bất khuất, tiếng nói kiên cường, tiếng nói chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.” Đài Phát thanh Giải phóng phải thay đổi địa điểm phát sóng nhiều lần ở một số tỉnh và có điểm phát là cơ quan tuyệt mật ở Hà Nội, với các bí danh: Viz 1080 Bộ Tổng Tham mưu, C55 và CP90... Đài Phát thanh Giải phóng chấm dứt hoạt động vào ngày 31.8.1976, hoàn thành nhiệm vụ của mình sau khi đất nước thống nhất Bắc Nam một nhà.
Sau giải phóng miền Nam, Trần Nguyên Vấn trờ về Đài Phát thanh Giải phóng, làm Phó trưởng phòng Văn nghệ ở Sài Gòn. Khi Đài Phát thanh giải phóng chấm dứt hoạt động, ông trở lại mái nhà xưa, Đài TNVN nhưng ở cơ quan Đài tại phía Nam, và mãi năm 1980 ông mới ra Hà Nội, tiếp tục công việc ở Phòng Văn nghệ. Ông nghỉ hưu với cương vị Chủ nhiệm chương trình phát thanh Văn học của Đài. Trần Nguyên Vấn trờ thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1983. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Hành trình để trở thành nhà văn của Trần Nguyên Vấn là hành trình dấn thân đầy gian khổ nơi chiến trường bom đạn ác liệt; là hành trình viết tạp mọi thể loại để phục vụ thông tin tuyên truyền thời chiến, để có sự lắng động, chắt lọc mà thành văn chương. Tôi nghĩ và thầm so sánh, nếu như Trần Nguyên Vấn không đổi nghề, vẫn làmviệc ở Bộ Ngoại giao thì sao nhỉ? Tất nhiên, là nhà ngoại giao mà có lòng say mê văn chương, hoàn toàn có thể trở thành nhà văn, song ông đã không lựa chọn vậy. Trần Nguyên Vấn đã chọn cho mình con đường cầm bút chuyên nghiệp, và ở thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, ông đã tình nguyện dấn thân vào chiến trường thì hẳn, lý tưởng sống và lý tưởng văn chương hun đúc, cùng hòa quện trong ông. Khi ấy, ông biết rằng, vào mặt trận, rất có thể một ngày nào đó mình sẽ nằm lại chiến trường, như đồng nghiệp Tô Chức, hay như các bạn văn Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong. Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân,... và bao chiến sĩ khâc,
May thay, ông đã bình an đi qua chiến tranh để trờ thành nhà văn. Hơn thế, ông là một nhà báo, một chiến sĩ !
2. Thơ văn Trần Nguyên Vấn,
Đến nay, nhà văn Trần Nguyên Vấn đã xuất bản các tập sách:Trở về Hà Nội (truyện ký, in chung,1960):; Của tin (truyện ngắn,1981). Niềm vui thầm lặng (truyện ký, in chung 1987); Bốn mùa hoa trái (thơ, 2000); Trinh Đường trọn đời vì thơ (sưu tầm biên soạn, 2002); Nhớ Tuân Nguyễn (sưu tầm, biên soạn, 2008), Nặng lòng với Huế (chân dung văn nghê, 2017), Từ trường Quốc học Huế (thơ văn, 2017), Về giữa lòng quê (Ký, 2017)... Được biết, ông còn mấy tập sách đã xong bản thảo, dự định xuất bản nay mai.
Biết ông nhiều năm nay, đọc và hầu chuyện ông, tôi hiểu, Trần Nguyên Vấn không hẳn là một người tài hoa, tinh thần và câu chữ toát ra ngoài, Trong nhóm văn chương ba người với nhau, Vũ Đình Minh tài hoa, hoa, hóm hỉnh; còn Nguyễn Thái Vận. lãng mạn mơ mộng, thì Trần Nguyên Vấn cần mẫn, cẩn trọng, chu toàn. Có lẽ, những đức tính ấy bổ sung cho nhau, khiến họ gắn kết, thân thiết, quý mến nhau. Giờ thì Nguyễn Thái Vận và Vũ Đình Minh đã theo cánh hạc về trời, còn lại mình Trần Nguyên Vấn. Vốn người hiền hoa, chu đáo và quảng giao, Trần Nguyên Vấn luôn biết cách tìm niềm vui trong gia đình và bầu bạn, Ông đặc biệt say mê việc làm sách, từ khâu tổ chức, tập hợp, biên soạn, đến in ấn phát hành... và đương nhiên, vẫn rỉ tả viết. Ông là người ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ mọi sự việc thấy cần thiết và lưu trữ rất tốt, nên có cả kho tư liệu lớn. Tôi đã tứng ngó xem những cuốn sổ ghi chép tư liệu của ông, chữ nhỏ, khá đẹp, chú thích và thư mục đầy đủ. Ông cũng là người lưu trữ tư liệu ảnh đáng nể, Tôi biết, ông có những bức ảnh quý hiếm về các nhà văn, nhà thơ và văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung, xứng đấng được lưu giữ trong bảo tàng.
Trần Nguyên Vấn từng giao du, gặp gỡ nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Ông vốn ghi chép cẩn thận, lại thêm trí nhớ tốt. Chỉ vậy thôi, đã là một lợi thế không hè nhỏ để ông viết chân dung văn hay chuyện văn nghệ sĩ. Khi có cảm hứng, ông đã thành thơ, như bài Trong đêm vui cuối cùng với nhà văn Nguyễn Tuân, và bài Câu thơ cuối cùng về nhà thơ Thanh Tịnh... Thực lòng, tôi mong nhiều hơn thế ở ông !...
Tôi nhớ, cũng khá lâu rồi, đã có lần, khi liếc qia kho tư liệu phong phú của ông, tôi đùa mà hỏi ông: “Bác có nhiều tư liệu quý thế... sao bác chưa chuyển hóa chúng thành tác phẩm văn học? ... Em thấy, bác đã sử dụng được bao nhiêu đâu?...”. Trần Nguyên Vấn cười hiền, bảo: “Ừ....mình cũng đang dùng dần đấy....”. Rồi ông say sưa nói về dự định viết cuốn này tập nọ, chủ đề tư tưởng và bố cục hẳn hôi. Tôi chờ mà chưa thấy, cũng ngại không dám hỏi lại. Dường như, có gì đó chưa thông suốt trong ông thì phải? Những năm gần đây, thỉnh thoảng anh em gặp nhau, chỉ thấy ông nói về việc làm sách, nhất là sách về trưởng Quốc học Huế và Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng Nghệ An. Miễn sao, ông hào hứng và vui khỏe là được, khi đã ở độ tuổi ngoại tám mươi.
Tôi vẫn có ý chở, Thâm tâm, tôi thèm và tiếc kho tư ;liệu, đặc biệt là tư liệu ghi chép về chiến tranh của ông.
3. Cần mẫn và ân tình Trần Nguyên Vấn,
Bút danh Trần Phương Trà thay cho tên thật Trần Nguyên Vấn chỉ có khi ông vào chiến trường Thừa Thiên Huế năm 1967, theo yêu cầu của Tiểu ban Văn nghệ miền Nam, nhằm đáp ứng bí mật thời chiến. Như vậy, bút danh này chủ yếu được dùng thời kỳ ông làm việc ở báo Cờ Giải phòng và Đài Phát thanh Giải phóng nên chỉ bạn bè, đồng nghiệp biết rõ, tuy hai mà một. Sau này, ông ký tên thật là chính, song một số bạn bè đồng nghiệp vẫn trìu mến gọi ông bằng bút danh, như một cách để nhắc nhở và cùng nhớ về một thời chiến tranh gian khổ đã qua.
Bản tính Trần Nguyên Vấn hiền hòa, cời mở và đầy nhiệt tình với mọi người. Gặp nhau, ông hay ân cần thăm hỏi và trí nhớ rất tốt, có thể nhắc lại những chuyện cũ đến từng chi tiết. Tự thân cần mẫn và cách sống ân tình, là bản chất của ông. Những năm bao cấp, kinh tế xã hội khó khăn, thiếu thốn, căn nhà của ông (ở khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu và sau ở phố Tông Đản, Hà Nội), là nơi lui tới thường xuyên của các cây bút trẻ chúng tôi, các đồng nghiệp cùng cơ quan Đài TNVN và các bạn văn chương. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ xứ Huế mỗi khi ra Hà Nội, đều ghé chơi nhà ông, có người ở lại vài ba ngày, thaamh chí cả tuần thay vì ở nhà khách. Tôi đã gặp ở đây những văn nghệ sĩ nổi danh của xứ Huế như Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điểm, Hải Bằng, ... Thế nên, Trần Nguyên Vấn được bạn bè yêu quý tin cậy bầu vào các loại Ban liên lạc, giữ vai trò chủ chốt bởi ông đầy nhiệt huyết và có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động chung.
Tôi có anh bạn giỏi tử vi, tứ trụ, cũng là đàn em báo chí thân thiết với nhà văn Trần Nguyên Vấn. Nhớ lần anh bảo tôi, Trần Nguyên Vấn sinh năm 1937, tuổi Đinh Sửu, bên ngoài hiền hòa dễ chịu thế thôi, nhưng là người nghịch ngầm, khá bướng bỉnh, trọng danh dự, và khá quyết liệt, định làm việc gì là gắng bằng được. Phải chăng. mọi việc đến với ông ngỡ hanh thông nhẹ nhàng song thực lại hay trắc trở. Có lẽ vậy, đường đời và sự nghiệp của ông chưa tương xứng với sự cống hiến của ông. Song ông không vì thế mà nản chí.
Trần Nguyên Vấn cần mẫn, đặc biệt trong việc làm sách. Trong số ấy, phần lớn là tập hơp thơ văn, bài viết, hình ảnh, tư liệu của các tập thể, riêng có 2 cuốn về cá nhân, ấy là Trinh Đường trọn đời vì thơ (sưu tầm biên soạn, 2002); Nhớ Tuân Nguyễn (sưu tầm, biên soạn, 2008).
Nhà thơ Trinh Đường là bậc huynh trưởng đáng kính trọng của nhóm “Văn nghệ sĩ Ong” thân nhau, gồm Trinh Đường, Ngô Quân Miện, Trần Nguyên Vấn, Nguyễn Thái Vận, Vũ Đính Minh, Trịnh Bá Ninh. vv,,, (Đây nhà nhóm văn nghệ sĩ, thời bao cấp, thường được Tổng công ty Ong mời đi thực tế để viết bài, sáng tác thơ văn về nghề nuôi ong).
Còn Tuân Nguyễn, thì không nhiều người biết. Ông là nhà báo, nhà thơ đàn anh, biên tập viên hàng đầu ở chuyên mục Tiếng thơ của Đài TNVN, nơi Trần Nguyên Vấn về nhận việc thời chập chững bước chân vào nghề biên tập thơ. Đây xem như cái duyên cua hai người với nhau, bởi không chỉ đồng hương xứ Huế, đồng nghiệp cùng bộ phận làm việc, mà nãi sau này còn gắn tên với nhau. Nhân đây, nói thêm vê nhà thơ Tuân Nguyễn và mối lương duyên với Trần Nguyên Vấn,
Tuân Nguyễn (tên thật là Nguyễn Tuân). sinh năm 1933, quê ở Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là nhà báo, nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ, dịch giả, từng làm việc ở chuyên mục Tiếng thơ của Đài TNVN từ năm 1960. Tuân Nguyễn tốt nghiệp Tú tài 2 ở Huế, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và Hàn văn. Thời kháng chiến chống Pháp từng tham gia Vệ quốc đoàn, sau hóa bình xuất ngũ, theo học khóa 1 Văn khoa Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, làm giáo viên dạy ở Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông, một thời gian, trước khi về Đài TNVN làm biên tập thơ. Tuân Nguyễn không may bị quy là “có ý tưởng đi ngược với đường lối chính sách” và bị bắt giam vào tháng 10. 1964, do một số cán bộ cức đoan suy diến, nghi ngờ, Gần 10 năm chịu giam giữ cải tạo, năm 1973, Tuân Nguyễn được trả về cuộc sống bình thường, nhưng không thể trở lại cơ qian cũ, mà lao động tự do. Ông lập gia đình với nhà thơ Phương Thúy, một giáo viên dạy đàn dân tộc ở Nhạc viện Hà Nội, và là con gái của nhà phê bình văn học Hoài Chân (người đòng tác giả với Hoài Thanh viết cuốn Thi nhân Việt Nam). Năm 1976, vợ chồng ông chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống. Tuân Nguyễn sống bằng việc dạy học và dịch sách. Còn vợ ông bán sách báo qua ngày. Tác phẩm Bim trắng tai đen nổi tiếng của nhà văn người Nga là G.Troyepolsky, Tuân Nguyễn là dịch giả. Năm 1983, ông mất vì một tai nạn giao thông.
Những tưởng câu chuyện về một con người có tài có tâm những không may, chịu nhiều oan khuất, cay đắng sẽ chìm vào dĩ vãng, thì giở đây, những người yêu văn chương và bạn đọc biết đến tên tuổi Tuân Nguyễn. Trước hết, phải nói đến công đầu của nhà văn Phùng Quán, người đã viết một chân dung Tuân Nguyễn tuyệt hay in trong tập Ba phút sự thật của ông. Đặc biệt, khi tập Nhớ Tuân Nguyễn được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2008 do Trần Nguyên Vấn tổ chức xuất bản, từ sưu tầm bản thảo, biên soạn, đến việc in ấn,... thì cuộc đời Tuân Nguyễn đầy dủ, rõ nét thêm. Ở đó tập hợp bài viết của các tác giả mà nhiều người là bạn hữu, đồng nghiệp, người quen của Tuân Nguyễn như: Ngọc Trai, Hoàng Phủ Ngọc Tường,, Băng Sơn, Thái Vũ, Dương Tường, Nguyễn Bùi Vợi, Lê Huy Quang. Đoàn Minh Tuấn, Xuân Đài, Vũ Từ Trang v.v... Đáng quý, trong tập sách này, tập hợp được 86 bài thơ của Tuân Nguyễn được sưu tầm từ sách báo cũ, qua trí nhớ của người thân, đồng nghiệp, thậm chí cả bạn tù,... Quan trọng hơn cả, qua tập sách này, bạn đọc hiểu đúng về con người Tuân Nguyễn và bao nỗi đắng cay gian truân mà ông đã trải qua, cũng xem như một sự minh bạch về cuộc đời ông, đặng minh oan cho nỗi oan khuất ma ông mắc phải!?...
Để làm được việc này, nhà văn Trần Nguyên Vấn, người em xứ Huế, người đồng nghiệp của Tuân Nguyễn phải có tâm lâm lắm và bỏ nhiều công sức, cần mẫn, tận tụy mới làm nổi,
Thay lời kết cho bài biết này, tôi kể một câu chuyện, thêm phần minh chứng cho mối lương duyên giữa hai người con của Thừa Thiên Huế, Tuân Nguyễn và Trần Nguyên Vấn. Áy là vào năm 2011, nhà thơ Phương Thúy, vợ của Tuân Nguyễn lâm vào tình trạng già yếu, không nơi nương tựa ở Tp. Hồ Chí Minh. vì ông bà lấy nhau nhưng không có con. Giải pháp tốt nhất là làm sao đưa bà Phương Thúy vào sống ở Nhà Dưỡng lào. Để làm được việc này không đơn giản, phải lập hồ sơ giấy tờ phiền hà. Nhà văn Trần Nguyên Vấn lại đứng ra lo một phần giấy tờ thủ tục. Khi ấy, tôi đang là Chánh văn phòng Đàu TNVN, nên có điều kiện giúp nhà văn Trần Nguyên Vấn phần giấy tờ liên quan đến Đài với tư cách Đài là cơ quan chủ quản cũ của nhà thơ Tuân Nguyễn khi ông bị nạn giam giữ cải tạo. Việc suôn sẻ, bà Phương Thúy được an cư ở Nhà Dưỡng lão từ đấy,... và nghe đâu bà mới mất vài năm gần đây. Với vợ chồng nhà thơ Tuân Nguyễn, lo toan như thế, tôi nghĩ, nhà văn Trần Nguyên Vấn thật trọn tình vẹn nghĩa. ./.