Giấc mộng lầu hồng của con người (toàn phần)
HỒNG LÂU MỘNG &
Giấc mộng lầu hồng của con người.
1. Sáng thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu văn học và khoa học xã hội nhân văn hàng đầu thế giới, nhận thấy sự cần thiết nên đã nhóm họp, bàn bạc và bỏ phiếu để đi đến việc nhất trí chọn ra 20 tác phẩm văn học bất hủ mọi thời đại của thế giới. Người ta thấy trong danh sách có những cái tên rất xứng đáng như : Homèrre với
Odysee, Cervantes với
Don Quixote, Gustav Flaubert với
Bà Bô-va-ry , William Shekespeare với
Hamlet, Vua Lia, Marcel Proust với
Đi tìm thời gian đã mất, Fedor Dostoiesky với
Tội ác và trừng phạt, Gabriel Garcia Márquez với
Trăm năm cô đơn v.v...
Tất nhiên là thế, bởi những cái tên đó đều thật đích đáng, song tôi chỉ ngạc nhiên, sao lại thiếu vắng cái tên Tào Tuyết Cần với
Hồng Lâu Mộng ? Theo tôi, nó không những xứng đáng, thậm chí còn được xếp trên tất thảy những tác phẩm đã được kể tên kia.
Vâng, một câu hỏi có tính nghi ngờ độ chuẩn xác và cả công tâm trong việc bình chọn kia. Phải chăng, cái hội đồng hàng mấy trăm con người, mà toàn những người thông thái nọ, lại có quá ít thuộc châu Á nên số phiếu đã không đủ để đưa
Hồng Lâu Mộng vào danh sách ấy ? Hoặc giả, tiêu chí bình chọn không phù hợp để người ta bỏ phiếu cho nó ? Hoặc nữa, nó chưa được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha ? Nhân chuyện này, tôi lại nghĩ đến một việc khác còn lớn hơn, đó là sự lo ngại của dân Trung Hoa khi quá ít người biết sử dụng internet để làm cái việc bỏ phiếu cho Vạn Lý Trường Thành của họ lọt vào danh sách
7 kỳ quan thế giới mới do một tổ chức đứng ra bình chọn, trong khi bình thường ra chỉ cần nhắc đến tên thôi ta cũng thấy nó quá xứng đáng rồi. May rồi chuyện cũng qua, khi mà Vạn Lý Trường Thành đã có tên trong số 7 kỳ quan thế giới mới được bình chọn. Nhưng ,
Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần lại không, trong khi nó thực sự là
một "Vạn Lý trường thành" của thế giới văn chương đông tây cổ kim.
Với cá nhân tôi, nếu ai đó hỏi rằng thích tác phẩm văn học nào nhất, tôi không ngần ngại mà trả lời :
Hồng Lâu Mộng. Tôi thích viết tên tác phẩm này với mọi chữ cái đều viết hoa. Viết hoa theo cách tu từ. Nghĩa là nó xứng đáng để viết hoa, như khi người ta muốn nhấn đến Con Người với phẩm chất cao đẹp nhất trong thế giới muôn loài !
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc có cả một hội mang tên
Hồng học (hội của những người yêu thích và nghiên cứu
Hồng Lâu Mộng). Chúng ta đều biết, Trung Hoa có lịch sử văn tự đến mấy ngàn năm, với biết bao tác phẩm nổi tiếng gồm triết học, sử ký, địa dư, bách khoa thư và văn học..., song chỉ có mỗi một “
Hồng học”, bao gồm hàng vạn những con nhang đệ tử của
Hồng Lâu Mộng, mà không riêng ở trong biên giới Trung Quốc, còn ở nước ngoài. Đấy là chưa kể đến hàng triệu độc giả say mê
Hồng Lâu Mộng ở khắp thế giới. Như thế đủ biết
Hồng Lâu Mộng nổi tiếng và hấp dẫn, kỳ thú đến độ nào. Trong
tứ đại kỳ thư của nền văn học Trung Hoa,
Hồng Lâu Mộng không có sự kỳ vĩ hoành tráng của
Tam Quốc diễn nghĩa, không có sự mãnh liệt đến sảng khoái và bi tráng của
Thuỷ Hử, và cũng không có chất phiêu dạt ly kỳ của
Tây Du Ký, song bù lại, nó có sự tinh tế, mơn trớn đến ảo diệu và mộng mị hút hồn người. Không những vậy,
Hồng Lâu Mộng còn đánh dấu sự ra đời của một nền tiểu thuyết Trung Hoa đích thực xét về tính thể loại văn học.
Quả đúng với mệnh danh, đấy là “
giấc mộng lầu hồng” của con người, mà không ai không thấy và không muốn. Ở đây, tôi không bàn, nếu không muốn nói là loại trừ việc hiểu hai từ
hồng lâu là để nhằm đến loại gái lầu hồng
(ám chỉ kỹ nữ). Giấc mộng lầu hồng, mà cũng là tất thảy những gì được Tào Tuyết Cần tả trong bộ sách của mình là cuộc sống cực kỳ vương giả, xa hoa nơi lầu son gác tía của thế gia quyền quý. Cuộc sống của các chàng công tử và những tiểu thư khuê các trong
Đại Quan Viên của đại gia đình họ Giả đất Kim Lăng dù có đạt đến đỉnh điểm vinh hoa phú quý, cũng sẽ trở thành bình thường nếu như tác giả không lồng vào đấy những triết lý, mà thực ra chính là bản chất vốn có của cuộc sống đời người. Những mối quan hệ
chân-giả,
phúc-họa,
tĩnh -động,
thực-ảo... đan xen khôn lường, lẩn vào mỗi tính cách và số phận hàng mấy trăm con người, cho ta thấy mọi phương diện, ngóc ngách của cuộc sống từng cá nhân đến gia đình, cộng đồng, xã hội, quan trường, triều chính... Tầm triết lý sâu sắc và ảo diệu của bộ sách còn ở tên chính nó là
Thạch đầu ký. Hòn đá trên đỉnh núi Thanh Ngạch có linh tính bới mấy ngàn năm lắng khí thiên nhiên, vì nghe lén chuyện đời mà nảy sinh thèm muốn được hưởng phúc phận nơi trần thế với đủ các cung bậc ái, ố, hỉ, nộ... Phiêu lãng cao siêu lắm thay mà cũng chân thực đến tận cùng .
Cứ thế, cuộc sống như dòng Trường Giang, đoạn thẳng khúc quanh, nơi dốc nơi bình, khi cuồn cuộn hung dữ lúc hiền hòa sâu lắng, mùa đục mùa trong, chảy hoài ra biển Đông-
sóng vui dập hết anh hùng. Tưởng chừng, cuộc sống chốn vinh hoa phú quý tột bậc ấy, ngày đêm, tháng năm chỉ biết có yến tiệc cùng phong hoa tuyết nguyệt sẽ êm đềm, vô lo vô nghĩ, song thực ra lại là nơi ẩn giấu của những yêu thương-thù hận, vui vẻ-sầu não, ngây thơ-mưu mô, chân thành-lừa lọc gian manh, mưu cầu thành-bại...tất thảy chồng chất lên nhau và lặn sâu vào trong, tạo thành những lớp lang, thường ra nào thấy được ... Đấy, chính những lớp lang ấy làm nên đặc sắc ảo diệu cho
Hồng Lâu Mộng. Người đọc, mỗi bận mỗi hay, mỗi lần mỗi khám phá, càng đọc càng mê mẩn và không khỏi ngạc nhiên vì những vỉa tầng ý nghĩa trầm lắng dần phát lộ!...
Về mỹ cảm đã vậy. Hơn nữa, về sự thâm trầm sâu lắng, như trầm tích, như vật chất quý báu là những tư tưởng Nho, Phật, Lão hòa quyện, ẩn chứa. Ấy là nền tảng tư tưởng của xã hội Trung Hoa mấy ngàn năm, nó chi phối tư tưởng xã hội nhiều nước phương Đông và khiến phương Tây hết sức nể trọng, thích thú khám phá.
Hồng Lâu Mộng còn là tiếng chuông thức tỉnh tâm cam con người trong sự mê muội chìm đắm phù hoa, đồng thời mang tính dự báo, chế độ phong kiến mấy ngàn năm của Trung Hoa bắt đầu suy tàn, dần đi đến sự cáo chung,...
Từ thuở học trò cho đến bây giờ, tôi đã đọc đi đọc lại
Hồng Lâu Mộng chẳng rõ bao nhiêu lần rồi. Mỗi khi đọc xong dòng cuối, buông sách xuống, tôi lại như người mất cảm giác. Hình như đó là trạng thái của người ý thức được sự mất phương hướng của mình chăng ?!...
Tôi đã hơn một lần lưỡng lự khi cầm trên tay cuốn
Hậu Hồng Lâu Mộng do Lưu Trợ Thủ hiệu điểm. Đọc hay không ? Tôi sợ sự thất vọng như khi đọc
Hậu Tam Quốc,
Hậu Thủy Hử...Song dẫu sao, với truyện
Tam Quốc hoặc
Thủy Hử thì phần nhiều là lịch sử, là chiến tranh, là sự kiện, nên ít nhiều có chất hấp dẫn riêng của nó. Vậy mà còn thế, nữa là chuyện nhàn tản phong hoa tuyết nguyệt, nếu không khéo sẽ nhạt thếch và tẻ ngoét.
Biết là thế, nhưng rồi sự cuốn hút từ
Hồng Lâu Mộng bắt tôi phải đọc cuốn
Hậu . Đọc rồi sinh ngẩn ngơ. Không phải ngẩn ngơ vì sự tiếp nối thành công của câu chuyện mà lại chính từ sự non kém của tác phẩm. Một kiệt tác thì không cần chi thêm nếm.
Hồng Lâu Mộng đã làm trọn sứ mệnh của mình là xây nên giấc mộng lầu hồng cho con người. Tự mình mộng giấc mộng của riêng mình triền miên ngàn năm, nhiều ngàn năm. Và bất kỳ lúc nào, hễ ai dây vào rồi thì ngẩn ngơ cả đời với nó !... Thế thì
Hậu, có hay không cũng vậy thôi. Hay, hay không hay, đó là một câu chuyện khác. Tôi đã
xem Hậu Hồng Lâu Mộng với ý nghĩ như thế.
Trở lại với
Hồng Lâu Mộng, một kiệt tác trong
Tứ đại kỳ thư của Trung Hoa tự cổ chí kim. Có chuyện cho rằng, Tào Tuyết Cần viết phần lớn bộ sách, phần sau là do Cao Ngạc viết. Cho dù thế đi chăng nữa, về cơ bản, bộ sách vẫn là một chỉnh thể khá nhất quán, mà người đời khó tìm ra dấu vết của sự lắp ghép, tiếp nối. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn về mạch chuyện, hơi văn, tính cách nhân vật, tình tiết từng câu chuyện và sự biến hóa mỗi tuyến chuyện của bộ sách, đã làm nên một lâu đài văn chương. Có ý kiến, phần đầu do Tào Tuyết Cần, văn đẹp mộng mị và chữ nghĩa nuột nà hơn, phần chấp bút của Cao Ngạc thì văn hiện dại và tốc độ hơn, mà kết cục số phận các nhân vật cũng gia tăng ý nghĩa thức tỉnh và tính hiện thực cho tác phẩm,...?. Ngẫm ra thấy cũng có lý.
Tác phẩm điện ảnh ăn theo tuy khó theo kịp nguyên tác, song cũng đã thành công vang dội khắp thế giới, bởi nó đã hỗ trợ và vun đắp cho lâu đài
Hồng Lâu Mộng thêm lung linh huyền diệu. Sự thành công ấy của bộ phim
Hồng Lâu Mộng, bản dựng năm 1987, không những đem vinh quang đến cho đạo diễn mà cả cho các diễn viên chính như Âu Dương Phấn Cường (
vai Giả bảo Ngọc), Trần Hiểu Húc (
vai Lâm Đại Ngọc), Đặng Tiệp (
vai Vương Hy Phượng) v.v... Niềm vinh quang ấy kéo dài cho đến 20 năm sau, khiến các nhà làm phim trẻ tiếp tục nuôi tham vọng dựng
Hồng Lâu Mộng bản mới hoành tráng hơn, và hy vọng sẽ thành công không kém bản dựng trước. Người ta sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để làm
Đại quan viên 2 cũng ở ngay Bắc Kinh để làm phim trường. Thế nhưng, khó khăn lại ở việc lựa chọn diễn viên, rồi đó là cảnh quay và diễn xuất ra sao để mang đến sắc thái mới và không làm “mất hồn vía” của bộ tiểu thuyết này...? Lại càng thấy rõ tầm vóc của
Hồng Lâu Mộng lớn đến mức nào !...
Lại nữa, có chuyện rằng Tào Tuyết Cần viết
Hồng Lâu Mộng như viết tự truyện. Gia sản nhà họ Tào thời cha ông là Tào Luyện Đình trở về trước vốn giàu sang quyền quý, qua niên hiệu Khang Hy đến niên hiệu Ung Chính nhà Thanh thì bị tội (
án văn tự ?) mà mất hết gia sản, tan tác cửa nhà, nên Tào Tuyết Cần viết
Hồng Lâu Mộng như trút một hơi thở dài đầy những luyến tiếc...
Cũng có chuyện khác, sách
Tùy Viên thi thoại của Viên Mai , một nhà thơ, nhà nghiên cứu và phê bình văn học xuất sắc của Trung Hoa đời Thanh, trong một thiên sách của mình, ông có nói đến
Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Viên Mai cho rằng,
Đại Quan Viên trong bộ
Hồng Lâu Mộng thực ra là mô tả theo
Tùy Viên (vườn nhà họ Tùy) nơi cư ngụ của gia đình Viên Mai. Sách này còn dẫn chuyện, rằng Tào Tuyết Cần có lần đến chơi Tùy Viên, thấy có cô gái hồng lâu (
gái lầu hồng) tuyệt đẹp, đã cảm động mà tặng bài thơ, đó là : "
Bệnh dung tiều tuỵ thắng đào hoa/ Ngọ hạn triều hồi nguyệt chuyển gia/ Do khủng ý trung nhân khán xuất/ Cưỡng ngôn kim nhật hiệu sai ta " (được dịch là :
Dung nhan tiều tụy quá hoa đào/ Trưa sốt quay về nóng trở cao/ Còn sợ người yêu nhìn thấy rõ/ Gượng rằng nay đã bớt phần nào). Thực hư ra sao, chẳng cần truy nguyên mà làm gì. Chỉ rõ thêm một điều, tâm ý thương hoa tiếc ngọc, nâng niu trân trọng đàn bà con gái, bất kể thân phận cao sang hay bình dân, con ở, kỹ nữ của chàng Giả Bảo Ngọc trong sách kia đích thị của Tào Tuyết Cần.
Riêng chỉ ngần ấy thôi, cũng khiến người đời phải ngẩn ngơ rồi ! ?...
2. Buộc người đời sau khi đọc phải ngẩn ngơ vì luyến tiếc giấc mộng lầu hồng ngắn ngủi giữa dòng đời dằng dặc những truân chuyên, buồn tủi,... đó là cái tài của tác giả
Hồng Lâu Mộng. Tài là thế, song cái tài ấy cụ thể là những gì?
Là trường thiên tiểu thuyết, với hàng ngàn nhân vật lớn nhỏ, nên việc “bài binh bố trận” sao đây, khi mà người ta chơi cờ có mấy chục quân thôi đã khó?
Nửa thế kỷ đọc
Hồng Lâu Mộng và không ngừng nghĩ ngợi về nó, cho đến nay, tôi mới vỡ lẽ ra cái tài của Tào Tuyết Cần mà trước đây chỉ cảm nhận không nói ra được, ấy là
cách tạo dựng không gian truyện và nghệ thuật khắc họa hình hài, tính cách nhân vật. Thực tình, từ mấy trăm năm trước, khi loài người chưa biết
Điện ảnh là gì thì Tào Tuyết Cần đã biết dùng các thủ pháp nghệ thuật
Điện ảnh để sáng tạo nên
Hồng Lâu Mộng. Đọc tiểu thuyết
Hồng Lâu Mộng, có thể nhận biết, tác giả đã sử dụng các thủ pháp hình ảnh
Toàn, Trung,
Cận và nghệ thuật
chồng mờ, những đặc trưng cơ bản của điện ảnh.
Trong một không gian không quá rộng, chủ yếu ở hai phủ Ninh, Vinh với bà chủ quyền uy là Giả mẫu, rồi không gian được khoanh về mỗi phủ với các không gian nhỏ hơn là gia đình riêng trong quan hệ máu mủ ruột rà, họ hàng hang hốc và hẹp nữa là qui thành không gian riêng biệt mỗi cô cậu chủ đơn thân trong Đại Quan Viên, từ không gian chật hẹp nhất ấy lại tiếp tục mở ra, phân nhánh chia rễ sang đám người hầu con ở,... Dây mơ rễ má, rắc rối là thế, với hàng trăm nhân vật, hàng ngàn mối quan hệ thì giải quyết sao đây? Tài tình thay, tác giả (
Tào Tuyết Cần và sau đó Cao Ngạc) đã biết cách sử dụng phương pháp
chồng mờ về tổng thể (nghệ thuật điện ảnh, những hình ảnh thay thế nhau liên tiếp theo trình tự mờ-đậm-mờ), nghĩa là đem các không gian to nhỏ, rộng hẹp ấy chồng liên tiếp lên nhau, để kể chuyện, rồi tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà dụng cảnh
toàn,
trung,
cận. sao cho phù hợp. Với thủ pháp này, người đọc nhận biết được sự việc, hiện tượng, hình ảnh, tính cách nhân vật ,... theo logic câu chuyện và trí tưởng tượng của mình, mà không bị rối.
Có thể, so sánh
không gian truyện giữa Hồng Lâu Mộng & Chiến tranh và hòa bình để thêm rõ
nghệ thuật không gian chồng mờ.
Cùng dạng trường thiên tiểu thuyết, với nhiều nhân vật, ở tác phẩm
Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi, không gian truyện trải rộng bao la, tản mạn, tuy chung quy về mấy gia đình quý tộc, nhưng không gian khá riêng biệt, mối quan hệ với nhau thông qua những nhân vật đại diện, chứ không chằng chịt, chật hẹp và chồng lấn như ở
Hồng Lâu Mộng. Thêm nữa, mối quan hệ họ tộc, gia đình ở xã hội Phương Tây mang tính độc lập tương đối, khác với xã hội và họ tộc phương Đông vấn vít, nương tựa, dựa dẫm vào nhau. Thế nên, việc khắc họa nhân vật đậm nét, nổi bật trong mớ bòng bong quan hệ ở
Hồng Lâu Mộng thực khó. Điều này càng cho thấy cái tài của tác giả Tào Tuyết Cần.
Nghệ thuật không gian truyện về tổng thể là vậy, nhưng chuyện kể sẽ nhạt nhẽo, vô bổ nếu như tác giả không giỏi việc khắc họa cảnh vật, con người, tình tiết chuyện...
Ở đây, mỗi nhân vật chính (hay phụ) lại được khắc họa theo trình tự cấu trúc: trước hết là vị trí và vai trò của nhân vật, rồi theo đó là hình dáng dung nhan, tính cách con người, quang cảnh nơi ở, quan hệ với họ hàng-bè bạn-kẻ hầu người hạ... Cứ theo cái trục đó mà đan cài, khâu nối hay bóc tách mà ra hết,... Thật tài tình lắm thay,... Cứ xem các nhân vật chính như Giả mẫu, Vương Hy Phượng, Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Sử Tương Vân, Lý Hoàn, Nghênh Xuân, Tích Xuân, Thám Xuân... mỗi người mỗi vẻ hay. Các nhân vật phụ: gia đình, họ hàng, quan hệ dây mơ rễ má (như
Giả Chính, Giả Xá, Vương phu nhân, Hình phu nhân, Dì Triệu, Nguyên Xuân, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Hoàn, Giả Dung, Tần Khả Khanh, Tiết Bảo Cầm, Giả Thụy, Tiết Bàn, Tần Chung, Ba chị em Vưu thị ...); những a hoàn, người hầu (như
Bình Nhi, Uyên Ương, Kim Xuyến, Tập Nhân, Tình Văn, Tử Quyên, Xạ Nguyệt, Dính Yên....); đám người ngoài có quan hệ bạn bè quen biết (như
Già Lưu, Ni cô Diệu Ngọc, Hương Lăng, Hình Tụ Yên, Tưởng Ngọc Hàm, Liễu Tương Liên, Hạ Kim Quế, ạ Kim QUế, Cô Đa,...) cứ thấp thoáng đâu đó song rất sắc nét, đầy cá tính... có thân phận rõ ràng, và mỗi kết cục của nhân vật đều khiến người ta phải cảm thông, day dứt, thương cảm, suy nghĩ mãi không thôi !...
Với đặc trưng đậm chất điện ảnh như vậy, nên khi dựng thành phim, đạo diễn Vương Phù Lâm và các nhà làm phim rất thuận lợi khi chuyển thể
Hồng Lâu Mộng thành phim truyền hình (
Bản dựng năm 1987). Điều này phần nào lý giải, vì sao đây là một trong số ít tác phẩm văn học chuyển thể điện ảnh thành công nhất trên quy mô thế giới. Từ quang cảnh, phục trang, chọn diễn viên, diễn xuất, hội thoại, âm nhạc đều tuyệt vời... đến mức độ, ngỡ như cụ Tào Tuyết Cần sống lại trực tiếp tham gia đạo diễn với Vương Phù Lâm vậy. Thiết nghĩ, điều ấy chỉ có thể là đạo diễn tài ba Vương Phù Lâm đã đọc ra và tận dụng hiệu quả nhất tố chất điện ảnh có sẵn trong tác phẩm văn học này mà thôi. Nhờ sự thành công vang dội của bộ phim mà điện ảnh Hoa đán trình diện hàng loạt gương mặt diễn viên trẻ có tài, cùng với
Đặng Tiệp (vai Phượng Thư),
Âu Dương Phấn Cường (vai Giả Bảo Ngọc),
Trần Hiểu Húc (vai Lâm Đại Ngọc), là
Trương Lợi (vai Tiết Bảo Thoa),
Quách Tiêu Trân (vai Sử Tương Vân),
Đông Phương Văn Anh (vai Giả Thám Xuân),
An Văn (vai Tình Văn) v.v...
Một đặc sắc nữa của
Hồng Lâu Mộng mà hiếm có tác phẩm Đông Tây Kim Cổ nào có dược, ấy là
Thơ.
Thơ ngâm vịnh, trêu ghẹo, đùa rỡn hay tự thán của các nhân vật trong Ninh-Vinh phủ, Đại Quan Viên (
Lý Hoàn, Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Ni cô Diệu Ngọc, Bảo Cầm...), hay cả đám a hoàn (
Tình Văn, Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Tử Quên...), đều hay, hợp cảnh hợp tình,... có những bai thuộc hàng xuất sắc.
Ví như: Đại Ngọc chôn hoa, tự thán:
“Giờ hoa rụng có ta chôn cất/ Chôn thân ta chưa biết bao giờ/ Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ/ Sau này ta chết ai là người chôn?”; Rồi cũng Lam Đại Ngọc: “
Chiều hôm quyên lặng tiếng rồi/ Vác mai về đóng cửa ngoài buồn tênh/ Ngả người trước ngọn đèn xanh/ Ngoài song mưa tạt bên mình chăn đơn” (
Táng hoa từ); và “
Ngoài rèm hoa vẫn nở đầy/ Mà trong rèm lại người gày hơn hoa” (
Đào hoa hành);... Hay đâu: “
Tỉnh giấc nỗi niềm ai đã tỏ/ Cỏ khô khói lạnh ngổn ngang lòng” (
Cúc mộng)...
Hay như Sử Tương Vân với bài thơ
Đối cúc :”... Sổ khứ cánh vô quân ngạo thế/ Khán lại duy hữu ngã tri âm/
Thu quang nhẫm nhiễm hưu cô phụ/ Tương đối nguyên nghi tích thốn âm”. (nghĩa: ở đời mấy ai xa được thói thô tục/ may thì có nổi một kẻ tri âm/ bóng thu loáng vụt trôi đi mất/ khi ấy ngẩn ngơ mà tiếc lòng)...
Hây đâu,
Nam Kha từ của Giả Bảo Ngọc :”
Rơi xuống chàng đừng tiếc/ Bay về thiếp biết thôi/ Tiết muộn màng ong bướm bùi ngùi/ Sang xuân dù gặp, cách một năm rồi”
Hay như, đêm Trung thu thưởng nguyệt ở Ao Tinh quán, trăng sáng rỡ khi sen dần tàn, Lâm Đại Ngọc và Sử Tương Vân riêng ngẫm thân phận mình tức cảnh sinh tình đã thay nhau nối vận mà thốt ra câu thơ hay đến tái tê rợn người :”
... Cò rò bóng hạc bên ghềnh/ Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng trong”.
Không chỉ những cô cậu chủ ở Đại Quan Viên, trong Ninh phủ, Vinh phủ, mà các a hoàn cũng lây cái bệnh ngẩn mơ thơ phú của chủ mình. Hàng ngày hầu hạ các cô cậu chủ, khi tiệc tùng, lễ lạt, khi gặp hội uống rượu đề thơ, đố thơ, đám a hoàn hóng chuyện, hoặc bị lôi vào cuộc vui... và những lúc an ủi, chia sẻ nỗi ưu tư phiền muộn của chủ... lâu thành quen, bị ngấm khi nào chẳng hay, mà sinh mơ tưởng hão huyền (
Tập Nhân, Tình Văn, Kim Xuyến, Tử Quyên...).
Dĩ nhiên, thơ vịnh, thơ đối trong
Hồng Lâu Mộng đều do Tào Tuyết Cần sáng tác cả, nhưng khi gán cho từng nhân vật lại phải hợp cảnh, hợp tình, hợp tính với mỗi người. Ở đây, tôi không sa đà phân tích sâu phần thơ phú, nhưng có thể thấy, Tào Tuyết Cần tài
văn-thơ thật song toàn.
Văn tuyệt vời đã đành, còn
Thơ thì dẫu chưa đến hạng kinh điển nhưng cũng rất chi là hay. Cái tài của Tào Tuyết Cần là hóa thân vào từng nhân vật, lúc hội đố thơ thì linh hoạt ứng biến, còn khi tâm trạng tự thán ngâm vịnh lại trầm lắng sâu xa phù hợp với cảnh ngộ thân phận từng người,...
Trong
Hồng Lâu Mộng, ngâm vịnh, đối thơ vừa là cách để gây không khí choviệc tạo dựng không gian truyện, vừa là phương tiện giao đãi và cũng là sự bày tỏ nỗi niềm tâm can của mỗi nhân vật. Thêm nữa, dưới thời nhà Thanh, văn học Trung Hoa không mạnh về thơ mà phát triển văn xuôi tiểu thuyết. Thế nên, thơ phú trong
Hồng Lâu Mộng có thêm vai trò ấy là phần nào phản ánh diện mạo, mặt bằng thơ Trung Hòa thời đó ra sao. Thật là “
nhất cử, đa tiện”. Vì thế, đó cũng là một đặc trưng, góp phần làm nên thành công của tác phẩm này và cùng với những đặc sắc khác, biến
Hồng Lâu Mộng thành một kiệt tác, đôn nó lên đầu bảng đông tây kim cổ văn chương thế giới.
Còn với riêng tôi, mỗi lần đọc lại, nghiền ngẫm, đặng thấu hiểu mà thêm lần bóc tách một gia tầng của tác phẩm để vẻ đẹp tiềm ẩn lộ ra,... Hy vọng là thế !
Thực lòng, mỗi lần như vậy, tôi sa vào cảm thức mất cân bằng, như mộng mị phiêu du trong Đại Quan Viên cùng các nhân vật, mà tôi không biết gọi cảm thức ấy là gì ?!... ./.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2023 10:54:42 bởi tamvanvov >