Cường
celina 23.05.2010 00:08:25 (permalink)
CƯỜNG
Tác giả:Lê Thị Băng Loan
Nguồn  :Celina
   Nhà Cường ở sát vách nhà tôi.Ba của tôi và Cường cùng làm chung sở Thủy Điện,được sở cấp nhà cho ở.Trong xóm chỉ có tôi và nó cùng trang lứa,nên dù khác giới tính,Cường vẫn hay ganh đua với tôi về những trò chơi của tuỗi thơ hơn là sự học.
   Ba nó ngoài giờ làm ở sở còn phải kiêm luôn việc nội trợ.Sáng sáng,má nó đi chợ về bỏ đó rồi cắp nón đi đánh bài tứ sắc đến tối mịt mới về.Anh nó nấu cơm,còn thức ăn thì trưa ba nó đi làm về nấu.Ba nó ốm yếu,hiền lành,việc nhà,việc sở mệt bở hơi tai,chẳng còn hơi sức nào mà kiểm soát,nên nó tha hồ chơi những trò tác quái của con trai.
   Sau dãy nhà tập thể có một cây sầu đông thật to,tàn cây rộng che mát mái tôn nhà bếp.Bức tường sau nhà không xây kín mà chừa những ô gió cho sáng, thoáng,to vừa đủ cho bọn trẻ con chúng tôi ép người chui nghiêng qua lọt.Một bức tường cao phân chia ranh giới giữa khu nhà tập thể với sân vận động phía sau tạo thành một đường luồng nhỏ khoảng một mét,ăn thông 3 nhà tập thể với nhau.Cùng là công nhân chung sở,lại thật thà tử tế,nên chẳng nhà nào rào lại làm gì.Bọn trẻ chúng tôi cứ chui qua nhà nhau bằng những ô trống đó,và nhờ mái tôn thấp nên leo được cả lên mái nhà ngồi hít mùi thơm của hoa Sầu đông vào mùa hoa nở.
   Những buổi trưa hè,tôi thường trốn ngủ,lén trèo lên mái tôn,ngã dài,gối đầu lên hai cánh tay,ngắm mảng trời xanh dưới tán cây sầu đông rộng lớn.
   Một buổi trưa như thường lệ,chờ mọi người ngủ say,tôi len lén ngồi dậy,nhẹ chân xuống bếp chui qua lỗ gió trèo lên mái nhà.Vừa thò đầu qua máng xối,tôi hải hùng khi thấy ba cái đầu mèo con nằm lăn lóc trong lòng máng,lông,máu vương vãi chung quanh.Sau giây phút điếng người,tôi vội vã tụt xuống chui tọt vào nhà.Mẹ tôi hay nói:"Mèo tháng ba,cha ăn con"chắc là trường hợp này rồi.Thảo nào mèo mẹ vẫn hay dấu con thật kỹ.
   Tôi không dám kể với ai,vì nếu chị Hai nghe được tôi sẽ không tránh khỏi một cái cốc thật đau lên đầu,kèm với lời lầu bầu:-Con gái mà cứ hay leo trèo.
   Chị vẫn thường mắng tôi như vậy.Trưa hôm sau,với cái bụng no căng,tôi leo lên giường ngủ bù,vì đêm qua cứ mãi chập chờn với ba cái đầu lâu mèo con.
  Đang lơ mơ thì tiếng thằng Cường gọi giật ngoài cửa sổ:-Loan,ra tao nói cái này.
Tôi khoác tay lắc đầu,nhưng nó vẫn không chịu im.Sợ ba mất ngủ,tôi lò dò đi ra,tay nó cầm cái hộp giấy đậy kín:-Tao có cái này hay lắm nha,Tôi tò mò:-Cái gì vậy?
  Nó chìa cái hộp cho tôi:-Cho mày nè.
  Tôi cầm hộp lắc lắc,có cái gì lăn tròn lục cục bên trong.-Ổi bên nhà dì Sáu mày hả?
  Nhà dì Sáu bên cầu Hà Ra,có trồng mấy cây ổi ngon bá cháy,thỉnh thoảng chúng tôi vẫn theo các chị con dì Sáu qua bển hái.
  Nó cười cười không trả lời.Tôi mở nắp ra,cái mũi của con mèo đã tím đen lại,nằm ngay ngắn dưới đôi mắt chưa kịp mở để nhìn đời.Tôi quăng vội cái hộp không kịp la lên vì bao nhiêu thức ăn trưa nay đã cuồn cuộn trào qua cổ họng.Tôi nôn thốc,nôn tháo trước đôi mắt hí hửng của thằng Cường.Nó lấy dép hất cái đầu lâu mèo vào hộp,đậy nắp lại,cầm lên tay rồi chạy biến.Sau bữa ấy,tôi nhợn ăn mấy ngày và không thèm nhìn mặt nó.
 
 
#1
    celina 23.05.2010 11:23:24 (permalink)
      Ba mua cho anh tôi chiếc xe đạp.Bây giờ, buổi trưa tôi không trèo lên mái nhà ngắm trời xanh nữa (sau sự kiện ấy, tôi cạch mái nhà),mà chờ anh tôi ngủ, lén dắt xe ra tập đi. Con bé tám tuổi với đôi chân ngắn ngủn là tôi, ngồi tựa trên sườn xe, một chân đặt ở bàn đạp, chân còn lại chống dưới đất đẩy xe chạy tới.Tôi hì hục tập mấy buổi, chưa đâu vào đâu thì thằng Cường cũng bắt chước dắt xe ba nó ra, tuyên bố:
     -Tao sẽ biết đi trước mày.
      Anh Huy cùng xóm vịn sau xe tập cho nó. Anh giữ thăng bằng xe cho nó đạp đều hai chân rồi thả tay. Nhờ vậy chỉ vài ba hôm sau là nó chạy xe ngon lành, và mặt nó câng câng, vênh váo lên trông thật dễ ghét. Phải hơn tuần sau tôi mới tập được, và xe của anh tôi dưới sự điều khiển của tài xế tập sự, lảo đảo như kẻ say rượu.
      Một buổi trưa, tôi đang miệt mài với chiếc xe dọc theo lề đường,thì bất chợt nó bước ra khỏi nhà, chạy bộ theo sau và đẩy mạnh, tay lái tôi hoảng hốt đâm thẳng vào cây phượng trên hè, ngả chổng kềnh. Tôi bị rách gấu quần và đầu gối chợt miếng da thật to, rướm máu. Tôi bậm môi nén đau vội dựng xe dậy, nhìn tay lái méo hẳn sang một bên, chiếc xe đã biến thành chữ L, không biết xử lý thế  nào tôi bật khóc. May sao, anh Huy ra kịp và sửa lại tay lái cho xe tôi trong lúc nó nhe răng ra cười:
      - Lêu lêu, mít ướt.
      Tôi đi cà nhắc dắt xe vô nhà, lòng càng ghét nó thậm tệ.
    #2
      celina 23.05.2010 12:30:48 (permalink)
          Bầu trời xám xịt, nặng trĩu bởi những đám mây đen vần vũ, những cơn mưa thật to mấy ngày vừa qua đã ngừng, nhưng gió vẫn còn rất mạnh. Những tàn cây nghiêng ngã, uốn éo trong gió như những vũ công trình diễn trên sân khấu. Biển động rất mạnh. Nhà tôi cách biển khoảng một cây số, nhưng vẫn nghe tiếng sóng ầm ầm vọng lại. Mọi người xôn xao: "bão lớn quá, chưa bao giờ thấy sóng to như thế, những ki ốt xây dọc lề biển đã bị sóng dập sập và cuốn trôi" rồi í ới rủ nhau đi xem.
          Buổi chiều, tôi lén chạy ra biển. Thời điểm ấy dân cư chưa đông, phần lớn chỉ xử dụng xe đạp, họa hoằn lắm mới có một chiếc mô-bi-lết hay gô-ben chạy ngang, bọn trẻ con chúng tôi đi học một mình, chỉ những ai nhà xa mới có bố đưa đón, không như bây giờ. Nên bé con 8-9 tuổi như tôi chạy bộ ngoài đường không sợ tai nạn là chuyện bình thường.
           Rải rác đây đó từng nhóm người đàn ông, đàn bà túm tụm, chỉ trỏ. Tôi men lại gần. Nước biển đục ngầu, những cột sóng cao ngất ngưỡng, dồn dập xô đẩy nhau chạy vào bờ, tung bọt trắng xóa- tràn qua cả con đường tráng nhựa. Cây bàng thật to trồng cạnh ki ốt số 1 nằm ven biển đã bị gãy ngang, chỉ còn phần gốc trơ trọi, y như con dao khổng lồ đã bị cắm chặt xuống đất gần lút cán. Tôi ngắm cái quán bên cạnh cây bàng, ba đã dắt tôi đến đây ăn bún bò vài lần, nay chỉ còn trơ cái nền nham nhở, lở loét. Bãi cát mênh mông mọi khi chúng tôi vẫn chạy đua cùng bọn còng gió, giờ này chỉ toàn nước và nước. Thằng Cường đứng với vài người ở đằng kia, thấy tôi nó nhăn nhở cười. Tôi giả vờ tảng lờ quay đi, ngắm những khuôn mặt đang căng thẳng chung quanh. Một người đàn ông chép miệng:
          - Sóng to thế kia chắc chắn là sóng thần.
          Tôi ngắm bầu trời xám thật thấp trên đầu, băn khoăn tự hỏi:" không biết bọn còng gió bây giờ ở đâu, nhà chúng nó đã ngập lụt thế kia". Có tiếng la oai oái, một người chạy rồi tất cả cùng hấp tấp chạy theo. Tôi nhìn ra biển, một cột sóng cao ngất ngưỡng, vuơn nhanh vào bờ như con trăn khổng lồ hung tợn, xé gió lao tới. Tôi luống cuống, nỗi sợ hãi đè nặng lên đôi chân khiến tôi bước đi như bị ai níu lại. Mọi người đều lo chạy tháo thân, chẳng ai chú ý đến tôi. Lúp xúp vài ba bước, tôi ngã nhoài xuống vì con sóng đập ngay sau lưng tôi, nước xô mạnh tràn qua người, đẩy tôi lên phía trên rồi kéo lui lại theo đà nước rút về biển. Thân hình bé nhỏ của tôi như chiếc lá xoay theo dòng nước. Cát và nước biển mặn chát vùng vẫy dữ tợn trên người tôi. Tiếng la hét vọng đến, nỗi sợ hãi khiến hai tay tôi quờ quạng, ôm chặt vùng  cát trước mặt, nhưng cát theo nước trôi tụt, kéo mạnh tôi về vùng biển đang gào thét dưới kia.
          Trong cơn tuyệt vọng, tôi cảm nhận có vòng tay ôm chầm lấy tôi níu lại, nhưng sức chảy dữ dội của nước vẫn cuốn phăng chúng tôi. Bất ngờ, người tôi chạm phải một vật cưng cứng. Bản năng sinh tồn khiến chúng tôi cùng ôm chặt lấy, hóa ra đó là gốc cây bàng. Nước rút chậm lại. Tôi không tài nào mở mắt ra được vì cát bê bết trên mái tóc dài rũ rượi trên mặt. Chợt một đôi tay mạnh mẽ ôm xốc tôi và chạy nhanh lên đường để tránh đợt sóng tiếp theo. Tôi được đặt xuống đất trong tiếng lao xao của mọi người. Một bàn tay phủi cát trên mặt và vén tóc tôi cho gọn gàng. Tôi mở mắt nhìn, một chú đang lo lắng quan sát tôi. Người chung quanh ồ lên vui mừng, trong vòng tròn còn có một chú cứu hộ khác đang săn sóc một người cũng ướt sũng như tôi, khen ngợi:
          - Cháu can đảm lắm!
          Thân hình cao lớn của chú che khuất tầm mắt, tôi nghiêng đầu đưa ánh mắt cảm kích tìm người đã liều mình ôm tôi kéo lại trong sóng nước. Khuôn mặt tái nhợt với đôi môi tím ngắt hiện ra- Cường. Bỗng nhiên cổ họng tôi nghẹn lại và đôi mắt cay xè.     
         
      #3
        celina 23.05.2010 13:37:45 (permalink)
            Một năm sau sự kiện thoát chết của chúng tôi hôm ấy, gia đình tôi dọn về ngoại ô, gần phân xưởng của ba tôi làm việc. Chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nghe đâu Cường bỏ học, đăng lính lúc mới 17 tuổi. Sau biến động 75, mọi người lần lượt trở về quê quán, riêng Cường vẫn bặt tin. Có tin Cường đã chết, gia đình lập bàn thờ, thỉnh thoảng tôi ghé vào thắp nén nhang, rưng rưng nhớ về nguời bạn thời thơ ấu.
            Rồi tôi theo chồng, chuyện ngày xưa lâu lâu trở về, bùi ngùi thương cảm.
            Chiều chầm chậm xuống, những tia nắng yếu ớt thoi thóp, run rẫy trong lạnh giá của cao nguyên buổi cuối đông. Tôi lên đây dự lễ cưới của con gái người chị họ.
            Lần đầu tiên lên cao nguyên, mọi cảnh vật đều mới mẻ, lạ lẫm trong mắt tôi. Tôi thả bộ đến ngọn đồi phía trước, thấp thoáng sau rặng thông, một mái chùa cổ kính, con lạch nhỏ ôm quanh chân đồi, khung cảnh thật  nên thơ. Tiếng chuông buông nhẹ trong không gian từng giọt êm đềm. Tôi lần bước đến lầu chuông, một vị sư đang lần chuỗi bên chiếc Đại hồng chung. Tôi dừng chân cạnh khóm cúc vàng rực rỡ, lòng lâng lâng, nhẹ nhàng, mọi lo toan, tất bật của cuộc sống giờ này không còn làm tôi bận tâm. Giữa không gian tĩnh lặng, ai nỡ đem những ý tưởng đảo điên, phiền não của thế gian, dẫm lên sự thanh tịnh, an lạc nơi đất Phật.
            Tiếng chuông ngân lên những âm thanh sau cùng, có bước chân nhẹ nhàng phía sau, tôi quay lại cúi chào, ngạc nhiên trước khuôn mặt phảng phất nét quen quen, tôi lục lọi trong trí óc, vị sư chăm chú nhìn tôi cất tiếng:
            - Mô Phật, mời cô vào phòng khách dùng ly nước.
            Tôi theo chân sư vào trong, căn phòng nhỏ đơn sơ, trên tường treo bức thư pháp vẽ khuôn mặt Đức Bổn sư bằng hai chữ giác ngộ ghép lại.
            Chậm rãi đẩy tách trà về phía tôi, sư nhẹ nhàng:
            - Hình như cô không phải là người địa phương?
            Tôi gật đầu:
            - Bạch thầy, con ở NT mới lên.
            Khoé môi sư thoáng cười
            -Cô người NT?
            - Bạch thầy, vâng ạ.
            - Vậy có thời gian nào cô ở đường LTT không?
            Một thoáng ký ức xẹt ngang, tôi thảng thốt:
            - Cường, thầy là Cường phải không?
            Nụ cười nở trọn trên môi, sư vui vẻ:
            - Cô là Loan mít ướt.
            - Gia đình đã lập bàn thờ thầy rồi. Sao người ta bảo thầy chết trong loạn lạc?
            Giọng bâng khuâng, sư kể:
            - Năm đó tôi cũng tưởng chết ấy chứ, quân đội tan vỡ mạnh ai nấy chạy, dọc đường người chết nhiều vô kể, tôi bị thương không nặng lắm,nhưng vì đói lả nên tụt lại phía sau, may gặp sư phụ tôi cứu giúp, mang về chùa tận tình cứu chữa. Lúc đầu tôi định qua cơn loạn lạc rồi về, sau nhờ sư phụ , tôi nhận thức được rằng sự đời vốn vô thường, lắm đổi thay, mọi thứ đều là mộng huyễn bào ảnh, ngay cả bản thân ta nhận là của ta, mà ta vẫn không làm chủ được huống hồ những tiền tài, danh lợi ngoài thân. Nên tôi xin sư phụ cho xuất gia.
            - Sao thầy không thông tin về nhà?
            - Lần lửa mấy năm sau tôi mới báo về, tôi nghĩ thời gian đầu tưởng tôi chết gia đình đau khổ, nhưng khi biết tôi còn sống thì nỗi vui lớn lắm, và chuyện tôi đi tu cũng không bị má tôi cản trở. Nếu về nhà rồi xin đi thì má tôi không cho đâu.
            Tôi cười:
            - Chỉ có thầy mới nảy ra được những ý nghĩ ấy mà thôi.
            Trời nhập nhoạng tối, nơi nơi đã lên đèn, ân cấn tiễn tôi ra cổng thầy vui vẻ:
            - Cho tôi gởi lời thăm gia đình Loan nghe.
            Chậm rãi xuống đồi tôi trầm ngâm, lâu lắm không có tin tức gì về gia đình Cường nên tôi mù tịt. Cậu bé nghịch ngợm thuở xưa nay trở thành tu sĩ. Thế mới biết trong mỗi con người hạt giống nào cũng có: thiện-ác, vô minh- giác ngộ do nhân duyên và huân tập mà chuyển hóa. Con đường về nhà không còn thấy lạnh nữa./.
         
         
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9