Tìm lại tuổi thơ qua điệu múa lân ngày Tết
Thanh Vân 26.05.2010 18:43:06 (permalink)
Tìm lại tuổi thơ qua điệu múa lân ngày Tết

MƯỜNG GIANG




      Múa Lân ngày Tết là một trong những mỹ tục mang tính nghệ thuật, đã du nhập vào VN lâu đời và ngày nay rất được thịnh hành tại vùng Đông Nam Á-Châu, cũng như các nước có Hoa kiều và người Việt tị nạn sinh sống. Ngoài ra hầu như ai cũng đều tin rằng, trong những ngày Tết Nguyên Đán nếu được Lân tới nhà giúp vui, thì bao nhiêu chuyện xui xẻo, buồn bực của năm cũ, cũng sẽ tan biến trước cái uy vũ phi thường của Lân, đồng thời mùa Xuân hạnh phúc may mắn dào dạt tới với mọi nhà, theo nhịp trống múa Lân và nụ cười duyên dáng cầu tài của Thần Thổ Địa.

            Về nguồn gốc cũng như sự xuất hiện của tục múa Lân trong dân gian, hiện có rất nhiều huyền thoại nhưng tựu trung đều ca tụng đức tính nhân ái của Lân (Nghê). Theo truyền thuyết cách đây hơn 2500 năm, vào đời vua Chu Linh Vương thời Chiến Quốc bên Tàu, kỳ lân xuất hiện rất hung dữ, giết hại dân lành nhưng cũng may nhờ có Đức Phật Di Lặc đã thuần hóa nó bằng cỏ Linh Chi, nên đã biến đổi tâm tính và trở thành một linh vật phù trợ người đời, được coi như một biểu tượng của Đức Từ Bi và Lòng Nhân Ái.
            
Cũng từ đó mới có huyền thoại “Kỳ Lân xuất thế, thiên hạ thái bình” vì có sự xuất hiện đồng thời của các đấng minh quân, thánh chúa và những bậc hiền tài. Theo Kinh Thi, bà Nhan Thị khi sinh Khổng Phu Tử, thì có Kỳ Lân xuất hiện tại nước Lỗ. Hai năm trước khi qua đời, lúc đó Phu Tử đang viết pho Xuân Thu thì nhận được tin, có một người tiều phu đã bắt được một con Kỳ Lân bị thương một chân. Do đó Ngài đã gác bút, vì vậy kinh Xuân Thu sau này còn được gọi là Lân Kinh hay Lân Sử. Đối với dân chúng, mỗi lần nghe tin Kỳ Lân xuất hiện, ai nấy đều tin tưởng rằng thiên hạ sẽ được thái bình, hạnh phúc. Đó cũng chính là lý do phát sinh ra phong tục Múa Lân trong những ngày Tết Nguyên Đán, đồng hành với các lễ hội quan trong khác trong dân gian:
                        Tết này mình rũ về Phan Thiết,
                        sống lại mùa xuân tuổi học đường
                        tháng chạp hăm ba cùng với mẹ
                        nửa đêm tiễn Táo rất thân thương
                        hăm nhăm lểnh khểnh mang quà tết
                        kính biếu thầy cô khắp phố phường
                        lấp ló sau lưng me, nhìn trộm
                        cành mai đang hé cánh xuân hương
                        chiều hăm chín tết theo chân chị
                        mệt lả chen nhau giữa bước người
                        phiên chợ cuối năm vui đáo để
                        tiếng cười làm gió cũng chơi vơi
                        quẩn quanh đã bắt đầu đì đẹt
                        pháo nổ hòa trong điệu trống Lân
                        khắp bếp bề bề: măng, cốm, mứt
                        nhà trên cha vịnh bức tranh Xuân

 
Huyền thoại về kỳ lân :
             Kỳ Lân còn có tên là Ly hay Nghê. Đây là một con vật huyền thoại giống như Rồng, một sản phẩm tưởng tượng của nền Minh triết Đông phương thời cổ. Trong Quốc Âm Tự Vị của VN, tác già Huỳnh Tịnh Của đã viết rằng “Lân là con cái, còn Kỳ là đực”. Phong tục múa Lân ngày Tết nhằm mục đích tôn vinh Nữ giới, chúc mừng sự sinh sôi nẩy nở truyền giống trong xã hội dân gian. Lối định nghĩa trên cũng rất phù hợp với sự thể hiện Vũ Khúc Từ Linh (Lân Mẹ sinh Lân Con), mà các vua chúa và hoàng gia nhà Nguyên-Mông tại Trung Hoa, ưa thích nên lúc nào cũng được biểu diễn tại chốn cung đình vào những ngày Tết Nguyên Đán. Đây là một trong bốn linh vật (Long, Lân, Qui, Phụng), được đúc tượng để thờ cúng và trang trí trong mọi đình làng, chùa chiền và các dinh vạn của tín đồ theo Phật-Lão-Khổng giáo, cũng như các tín ngưỡng dân gian khác nhưng đã xuất phát từ Tam Giáo.
             Căn cứ theo tài liệu ghi trong Lân sử hay kinh Xuân Thu, thì Lân là con vật có một sừng ở trước trán rất hiền lành, không bao giờ sát sinh ăn các loại thịt sống, đồng thời cũng chẳng bao giờ chà đạp làm hủy hoại đời sống thầm lặng của các loại cây cỏ thực vật. Tại Trung Hoa, sử liệu có ghi là Kỳ Lân xuất hiện rất sớm trước Tây Lịch và được gọi là Kilin (Kỳ Lân).

            Cũng trong quan niệm xưa Kỳ Lân thuộc loài lưỡng tính, là linh vật được Trời sai xuống cõi nhân gian, tạo cho nó một chiếc sừng nhọn với phép thần thông, để diệt trừ những phường gian ác, bọn bạo chúa tham quan, chuyên làm những chuyện hại dân bán nước, hủy hoại đạo đức xã hội. Do đó Lân có một hình dáng rất dị kỳ với thân hình của con hươu, đầu ngựa, đuôi trâu và đặc biệt là chiếc sừng nhọn, như là một biểu tượng uy quyền tuyệt đối của Phật, Trời, đấng Thượng Đế vạn năng tuyệt diệu. Những năm loạn lạc vì giặc giã, chiến tranh hay thiên tai hạn hán, khiến cho dân chúng lầm than chết đói vì mất mùa, thường có Kỳ Lân xuất hiện, dùng cái sừng nhọn chọc thẳng mây xanh, để đem nuớc mưa từ trời tuôn xuống thế gian, làm hồi sinh đất đai, thảo mộc và sự sống của con người. Từ niềm tin trên, nên mãi tới thế kỷ XIX, phong tục tặng ảnh hay tượng Kỳ Lân, cho các cô gái khi bước lên kiệu cưới về nhà chồng vẫn thịnh hành. Đây là một ý niệm nhằm chúc mừng các đôi vợ chồng mới, được trăm năm đầu bạc, con cháu đầy nhà và hạnh phúc “thiên trường địa cửu”.

            Tại một vài quốc gia, Kỳ Lân được tôn xưng địa vị ngang hàng với Rồng, biểu tượng của quyền uy thiên tử. Kỳ Lân cũng là bùa hộ mạng của các trẻ sơ sinh. Ở Ấn Độ, Lân cũng được thờ phụng vào khoảng năm 1300 trước Tây Lịch. Điều này có ghi rõ trong các kinh sách Veda viết bằng Phạn Ngữ “Lân là hóa thân của nhiều vị thần linh, trong đó có hai vị thần Civa và Vishnou”. Tuy nhiên vì phong tục tập quán dị biệt của các dân tộc trên thế giới, nên hình dáng lân cũng thay đổi tùy theo tư tưởng của bản địa, bởi vậy Lân có lúc râu bạc, bờm đỏ hoặc giống như con ngựa có sừng hay trở thành con cá vảy vàng, còn sừng thì lúc dài lúc ngắn.

             Huyền thoại Kỳ Lân từ Trung Hoa, Ấn Độ được đoàn quân viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn và các đại hãn sau này, mang truyền bá khắp các vùng đất phía tây bị quân Mông chinh phục. Tại Hy Lạp, căn cứ theo kinh điển sử liệu, thì người xưa đã biết tới kỳ lân từ lâu đời. Chính triết gia Hy Lạp là Ctecias cũng là thầy thuốc, sống vào thế kỷ thứ V trước Tây lịch (TrTL) đã ghi trong tập du ký khi ông tới thăm Ấn Độ, nói về lần chạm trán với Kỳ Lân tại đây. Sau đó hai thế kỷ, triết gia Aristote đệ tử của Planton, cha đẻ nền triết học Tây Phương, cũng viết về Kỳ Lân xuất hiện.

            Chính Đại đế Cesar của La Mã trong chiến cuộc tại thành Gaule, cũng có nhắc tới con vật đặc biệt là Kỳ Lân. Trong Kinh Cựu Ước phần viết bằng tiếng Do Thái, có nói tới Kỳ Lân là một con thú linh thiêng, can đảm với tấm lòng bao dung bác ái, được gọi bằng nhiều cái tên như Réem, Monnocéros hay Unicorne (Độc sừng). Tóm lại dù Đông hay Tây phương, ở đâu mọi người cũng đều tin phục Kỳ Lân, qua vẽ huyền bí huyễn hoặc của nó. Ngoài ra Lân còn dính dáng tới chuyện Ông Adam và bà Eva nơi vườn Địa Đàng, mà Kinh Thánh đã ghi rõ. Đó là chuyện Kỳ Lân đã sống chung với cặp vợ chồng trên, trước khi họ bị đuổi khỏi chốn này, nên Lân cũng theo họ rời khỏi thiên đàng. Trong cơn Đại Hồng Thủy, Kỳ Lân là con vật duy nhất không leo lên chiếc thuyền của Neo, bởi nó không sợ cơn thịnh nộ của Thượng Đế.

            Trong lĩnh vực tôn giáo, Tây phương quan niệm sừng Lân là Kiếm trời, hiểu như là sự hòa hợp của Thượng Đế, Vũ Trụ và Nhân Sinh. Thuyết này cũng phù hợp với học thuyết Thiên-Địa-Nhân của Đông phương. Do đó thời phục hưng, nhiều họa sĩ đã lấy Lân làm đề tài sáng tạo, vì họ quan niệm Lân là con vật tinh khiết cao cả, không bao giờ vụ lợi, lại có tấm lòng bác ái, tượng trưng cho sự tự do bình đẳng. Bức thảm thêu La Dame À La Licorne rất quý giá, hiện vẫn còn tại Viện Bảo Tàng Cluny của Ý Đại Lợi.

             Trong Y học, sừng Lân được coi như thánh dược có thể tẩy sạch mọi ô nhiễm trong nước, giải trừ được tất cả các chất độc hại, bất kỳ tới từ động vật hay thực vật. Tất cả các huyền thoại trên được đồn đãi truyền tụng, từ đời này sang thế hệ khác, khắp mọi nơi trên trái đất, đã khiến cho ai cũng tin Kỳ Lân là con vật có thật, nên bao đời hoài công tìm kiếm. Rốt cục tất cả chỉ là ảo vọng như họ đã từng kiếm cõi thiên đàng đã đánh mất. vì tham vọng cá nhân.

            Cũng từ lòng sân si cuồng tín đó, thời Trung cổ người Âu Châu thì bắt dê, các bộ lạc tại Népal, Éthiopie, Tây Tạng thì tin rằng loài Sơn Dương một sừng, chính là Kỳ Lân tái thế. Vì ai cũng đổ xô đi tìm thánh dược của sừng Lân, nên nhiều vụ án lừa bịp đã xảy ra. Năm 1573, một bác sĩ giải phẫu Pháp tên Ambroise Pare, tuyên bố đã khám phá ra được thuốc bột từ sừng Kỳ Lân, có thể trị được bá bệnh, và đem rao bán trên thị trường. Nhưng chẳng được bao lâu nội vụ bị phanh phui và đó là bột được tán ra từ răng của loài Cá Voi Bắc Cực. Sau này để an ủi về một niềm tin không bao giờ có thật, thiên hạ lại đổ xô săn giết Tê Giác, lấy sừng bào chế thuốc kích dục, để mua vui trong chốn phòng the.

             Khoảng 500 năm trước đây, hiện tượng Hươu Cao Cổ tại Châu Phi đả làm sống lại các huyền thoại về Kỳ Lân của Trung Hoa, vì họ tin rằng hai giống vật này, có nhiều điểm tương đồng, nhất là bản tính hiền lành. Theo truyền thuyết, trước khi Khổng Tử ra đời đã có một con Kỳ Lân xuất hiện, mang tới cho ông một quyển Thánh thư, như là điềm báo trước sự xuất hiện của một kỳ nhân, sau này và mãi mãi được nhân loại tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” . Trước khi mất, Khổng Tử đã chiêm bao, thấy một con Kỳ Lân đang dãy chết. Lúc thức giấc, ông đã than “mạng ta sắp hết”. Quả nhiên ông tạ thế vào hai năm sau. Tóm lại, Kỳ Lân chỉ là một sản phẩm của con người, phát sinh từ những huyền thoại, từ đó mới có cớ để vẽ vời tôn xưng sự thông minh, trí tuệ của các bậc vĩ nhân bao đời trong thiên hạ.
 
Nụ cười của ông Địa, biểu tượng  của sự hạnh phúc và lòng vị tha :



             Trong những ngày Tết Nguyên Đán, nếu Lân mang tới sự may mắn thịnh vượng cho mọi người, thì ông Địa qua nụ cười toe toét nhưng không kém phần duyên dáng, cũng là những đóng góp quan trọng trong cuộc vui, có tác dụng làm tiêu tán hay vơi đi phần nào nỗi sầu muộn của thế nhân, trong cuộc sống bon chen cơm áo hằng hằng. Chính điều này, đã khiến cho hầu hết những tín đồ theo đạo Phật hay Tam giáo thờ cúng ông Địa, để mong được hạnh phúc, may mắn và cầu tài, phúc lợi.

            Về huyền thoại nhân vật này, hiện cũng có nhiều truyền thuyết được kể lại, mục đích cũng chỉ muốn nói lên cái nhân dạng ông Điạ mà chúng ta đã thấy với miệng cười toe toét, bụng to quá cỡ mập mạp phương phi, biểu tượng của hạng người phú quý. Chuyện kể rằng thuở xưa có một gian thương tham lam xảo quyệt, lúc nào cũng chỉ muốn được giàu, nên thường van vái cúng lạy ông Địa, phù trợ cho mình buôn may gặp vận để làm giàu.

             Trong khi khấn hứa nếu được như ý, sẽ trả lễ hậu hỷ, tuy nhiên lần nào cũng chỉ là lời hứa cuội vì bản chất giàu có nhưng keo kiệt của bọn trọc phú xưa nay. Có một lần hắn hứa là sẽ trả lễ bằng một con vật có tám chân, nên ông Địa mừng lắm vì tin chắc đó con heo nằm, nên hết lòng mách bảo cho hắn trúng lớn. Giữ đúng lời hứa, tên trọc phú gian thương, đã cúng cho ông Địa “một con cua đồng” . Trước nổi này, Địa chỉ còn biết lắc đầu với nụ cười toe toét cho “Thế Thái Nhân Tình”, bạc trắng hơn vôi.

             Đó cũng là ý nghĩa của người xưa qua câu chuyện ngụ ngôn trên, để giải thích nụ cười của ông Địa qua nhân dạng hiện tại. Riêng việc ông Địa có cái bụng to lớn, cũng căn cứ vào truyện cổ tích dân gian Trung Hoa. Ngày xưa có một mụ nhà quê bị ông Địa ghét vì hay dùng những lời lẽ thô tục để nhiếc mắng con gái mình. Bởi vậy ông Địa mới thọt với thần Hà Bá là bà nhà quê đó muốn gả con gái mình cho ông ta. Thần Hà Bá mừng quýnh mới cùng Địa tới nhà bà lão coi mắt vợ, gặp lúc mụ ta đang chửi con gái “Hà Bá lấy mày” .Vị thần này giận vì biết Địa chơi xỏ mình, nên đạp ông ta nhào xuống sông. Vì Địa mãi miết mở miệng cười toe toét, nên bị uống nước sình bụng. Từ đó ông ta mới có nhân dạng kỳ lạ với cái bụng bự quá cỡ mà ta thường thấy trong các đoàn múa lân hay nơi tượng, ảnh thờ cúng.



             Thật sự việc thờ cúng ông Địa bắt nguồn từ nguyên lý “Sanh-Sanh, Hòa-Hòa”, trong tín ngưỡng dân gian, pha trộn ảnh hưởng của Phật giáo, với chân dung ông Địa đầu trọc được chít khăn đỏ, ngồi trên ngai, có khuôn mặt của một vị thiền sư đắc đạo, trong các thế ngồi Mahari-Jalilasana vô cùng thoải mái, thanh nhàn. Chính điều này đã làm nhiều người nhầm lẫn, giữa Phật Di Lặc và thần Thổ Địa (Thần Tài.). Trong khi đó đã có sự phân biệt thật rõ ràng, tượng Phật Di Lặc, đầu trọc, một tay cầm xâu chuỗi còn tay kia thì nắm miệng một chiếc túi vãi. Riêng tượng ông Địa, cũng đầu trọc nhưng bịt khăn đỏ đầu rìu, mối được giắt gọn hai bên. Một tay cầm quạt lông phe phẩy, tay kia để không, luôn luôn ngồi tựa vào mình cọp hay không có cọp. Kiểu tượng này hiện rất thịnh hành.

             Về quan niệm ông Địa cưỡi cọp, do người Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng “Đa Thần Giáo” qua truyền thuyết tín ngưỡng dân gian của Triệu Công Minh, Trương Thiền Sư cởi cọp.. có ghi trong truyện Phong Thần. Ngoài ra còn thấy tranh Tử Vi Thượng Đế cởi hổ, thường được mọi người treo trước cửa, mục đích để trừ tà ma trong ba ngày Tết Nguyên Đán. Đối với VN, nhất là đồng bào ở các tỉnh Trung-Nam Phần, trên miền đất cũ của Chiêm Thành-Thủy Chân Lạp, từ xa xưa đã có tục thờ Hổ, con vật đã làm điêu đứng tổ tiên ta trong những ngày đầu tiên tới khai hoang vùng đất ma thiêng nước độc “cọp Khánh Hoà-Ma Bình Thuận” bị quên lãng muôn đời.

             Bởi vậy cọp được mọi người tôn xưng là “Sơn Quân Chi Thần” nhưng để có ý nghĩa hơn, người Việt lại sáng tạo thêm vị thần Thổ Địa cởi trên mình cọp, với ngụ ý là dù có hung dữ thế nào chăng nữa, rốt cục cọp cũng bị con người chế ngự. Tóm lại hình ảnh của ông Địa luôn có mặt với Lân, qua các cuộc trình diễn là một sáng tạo đầy ý nghĩa của con người, trong hình thức lẫn nội dung, làm nổi bật sự khao khát hạnh phúc và tình hòa ái của nhân sinh, giữa một xã hội luôn tranh chấp vì lợi lộc thấp hèn..
 
Múa Lân Ngày Tết 


            Ngày nay múa Lân đã trở thành môn chơi gần như được phổ thông khắp thế giới, nhất là tại các vùng đất có sự hiện diện của Hoa Kiều và tập thể người Việt tị nạn cọng sản, vào những ngày Tết Nguyên Đán cũng như các dịp lễ hội quan trọng. Thuở xa xưa, các đội Lân trước khi bắt đầu trình diễn, đều phải tới chào kính tại các công môn hay dinh thự quan đầu tỉnh, lệ này nay đã bị bãi bỏ.

             Nhưng dù có thay đổi gì chăng nửa, riêng ba nhân vật Lân, Địa và Trống vẫn luôn luôn đồng hành trong các buổi trình diễn. Trống dùng để múa Lân cũng thuộc loại đặc biệt được gọi là Cổ Bề, làm bằng một thứ gỗ tốt khép kín, hai đầu bịt kín bởi da trâu hay bò, chính giữa mặt trống có vẽ biểu tượng Âm-Dương, tượng trưng cho trời đất. Khi đánh vào mặt trống, tiếng dội thùng thùng sẻ hòa nhịp cùng với điệu chan chát của bộ Chập chõa làm bằng đồng và những tràng pháo lớn nhỏ nổ đì đùng, tạo nên một thanh sắc sung mãn rất hùng tráng, không thua gì những điệu kèn trống thúc quân lúc xung trận, như muốn chuyên chở ý nghĩa thâm sâu muôn đời của con người, là mong mỏi đón nhận được sự thái bình, thịnh trị của non nước và niềm hạnh phúc ấm no của muôn dân.
          
Tại VN thời Pháp thuộc, hầu như ở các tỉnh thị, thành phố lớn nào cũng đều có một hay nhiều đội Lân, tuy nhiên được tổ chưc qui mô và trình diễn có nghệ thuật cũng như bài bản võ học, vẫn là các đôi Lân của Thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn hoa lệ. Theo các tài liệu được đăng tải trên báo chí, ta biết vào năm 1927 tại khu vực Lò Da Phú Thọ có võ sư Huỳnh Thịnh , đã cùng với các môn sinh trong võ đường Thiếu Lâm-Hồng Quyền, đã thành lập một đội Lân. Năm 1937 có võ sư Lưu Hào Lương, thuộc môn phái Thiếu Lâm Châu Gia, vì trốn lánh sự khủng bố của quân phiệt Nhật, nên bỏ trốn khỏi đất Tàu, lưu lạc tới Sài Gòn lập Võ quán Nhơn Nghĩa Đường tại Chợ Lớn.
             Thời VNCH, năm 1967, võ sư Triệu Di Văn thành lập đội Lân Tinh Anh, qui tụ nhiều môn sinh xuất thân từ các võ đường Thiếu Lâm, Bạch Mi, Thái Lý Phiệt.. nên trong lúc biểu diễn đã phô trương rất nhiều tài nghệ điêu luyện của võ thuật, nhiều lúc làm kinh hồn bạt vía khán giả tại chỗ, qua các tiết mục đặc biệt như Lân leo cột cờ cao tới 14.5 m, với sự tham dự của bốn con Lân, cùng tranh giành một giải thưởng. Đội Lân này tới nay vẫn còn tồn tại nhưng có tới Ngủ Lân, mang màu sắc khác nhau trong lúc cùng tranh tài. Năm 1971, võ sư Trần Minh thuộc môn phái Thái Cực Đường Lang, thành lập đội Lân, chuyên biểu diễn các môn võ thuật về miêu quyền, hổ quyền.. Ngoài ra còn có màn giao đấu đặc biệt giữa Lân và Sư Tử.

             Nhưng hiện nay nổi tiếng nhất vẫn là Đội Lân Nhơn Nghĩa Đường, do cố võ sư kiêm đông y sĩ Lưu Hào Lương thành lập từ năm 1937. Đội Lân này được Việt Cộng cho tham dự, cuộc thi múa Sư Tử Quốc Tế (International Lions Dance Championships), tổ chức tại Tân Gia Ba từ ngày 12 tới 15/12/1996, do vỏ sư Lưu Kiếm Xương làm trưởng đoàn. Đặc biệt lần này, đoàn Lân VN đã biểu diễn hai tiết mục rất đặc sắc Lân Leo Cột và Lân Vượt Tường, được Đài Truyền Hình Fuji cuả Nhật thu hình và gọi đó là những chuyện lạ trên thế giới.

             Ngày xưa múa Lân chỉ chú ý tới cái đầu, còn mình và đuôi coi như phần phụ thuộc không quan trọng, nên chỉ làm bằng một vải dài căng thăng là xong chuyện. Trước tháng 5-1975 vào những ngày sắp Tết Nguyên Đán, khoảng tháng 11 đã thấy bầy bán đầu Lân khắp Chợ Lớn Mới, nhiều nhất là tại các đường Đồng Tháp, Lương Nhử Học, Triệu Quang Phục.. Đồng lúc có nhiều xe ba gác chở đầu lân, chiêng trống, chạy quảng cáo đầy khắp đường phố đô thành. Thông thường các đầu Lân tài tử, có đường kính từ 0.4 – 0.6m nhưng với các đội Lân chuyên nghiệp, luôn luôn phải nhập cảng các đầu Lân được sản xuất từ Hồng Kông. Ngày nay các đoàn múa Lân tại Sài Gòn-Chợ Lớn, cũng như ở các tỉnh thị, hầu hết đều mua từ trung tâm sản xuất đầu Lân, thuộc lò Nhơn Nghĩa Đường tại quận 5, bến Hàm Tử, Chợ Lớn.
             Muốn thực hiện một đầu Lân, theo các nhà chuyên môn là cả một công phu, nghệ thuật. Đầu Lân được làm bằng tre nan, có niền bằng nhôm hay mây để bảo đảm sự chắc chắn bền vững và nhẹ nhàng, giúp người múa cử động dễ dàng khi phô diễn nghệ thuật công phu theo ý muốn, qua các màn trình diễn càng lúc càng phức tạp theo đòi hỏi của nhu cầu thời đại.
            Cho nên khi nhìn thấy chiếc đầu Lân thật đồ sộ ghê gớm, ai cũng tưởng rất nặng nề nhưng thật sự có trọng lượng chừng 6 kg mà thôi. Về giấy làm đầu Lân, cũng là loại đặc biệt có tên là giấy Sa, thứ vật liệu được dùng làm tim pháo. Với Lân chợ, thì các cơ sở sản xuất không dùng loại vải Sa mà lại phất bằng giấy bồi ở mặt ngoài, sau đó dùng màu sơn kín theo ý muốn.
            Ngoài ra dùng lông dê hay thỏ để làm râu, mày mi, bờm, mắt (bằng bóng điện), xúc tu (với lò xo có lục lạc).. Tóm lại nghệ thuật làm đầu Lân, phải luôn tôn trọng các nguyên tắc của “Tượng Hình Tứ Linh”. Đó là sừng, hai tai và đuôi Lân, phải được kết thành hình của con Qui. Với lông vũ và một số hình vẽ trên đầu Lân thì tượng trưng cho loài chim Phụng Hoàng. Xúc tu và khóa miệng là của Rồng. Bí thuật duy nhất trong nghề làm đầu Lân là không bao giờ được vẽ con ngươi Kỳ Lân tại nơi sản xuất, mà phải tới Chùa để làm lễ điểm tinh khai quang, Tại Sài Gòn-Chợ Lớn, các đội Lân chuyên nghiệp thường đem Lân tới Chùa Bà Thiên Hậu, để xin vẽ mắt. Tại Hồng Kông, trước khi nhượng địa này được Anh trả lại cho Trung Cộng vào ngày 30-7-1997, chính ông Toàn quyền tại đây, tự tay vẽ mắt cho đội Lân nào giỏi nhất thành phố.
             Sau ngày 30-4-1975 Việt Cộng gần như bế quan tỏa cảng , chỉ giao dịch với các nước xã nghĩa mà thôi. Bởi vậy các đội Lân tại Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh, không còn được mua đầu Lân của Hồng Kông, nên ai cũng phải tự túc và Lò Lân Nhơn Nghĩa Đường, là nơi đã đi tiên phong trong việc sản xuất đầu Lân nội hóa, khởi đầu từ năm 1980. Hiện Lân VN rất được các nước Đông Nam Á ưa thích vì rất bền đẹp và giá rẻ mạt, chỉ bán có 100 đô Mỹ, trong lúc Lân sản xuất tại Hồng Kông, Thái Lan,Tân Gia Ba , Đài Loan.. bán tới 700 USD/1 chiếc.
             Nghề múa Lân cũng đã cải tiến từ đầu thập niên 90, chẳng những về cách biểu diễn điệu bộ, võ thuật mà còn thay đổi cả các điệu trống múa Lân, nhất là ở VN, biết khôn khéo kết hợp nghệ thuật theo truyền thống Trung Hoa và điệu trống Jazz của Âu Mỹ, lẫn ngón trống chầu cổ của ta, khiến cho âm thanh thêm sôi động, dồn dập, có tác dụng kích động lòng người và gây náo nhiệt cả một góc trời.
            Còn một điều quan trọng khác trong nghề múa Lân tại VN, là đầu Lân xưa nay đều do người Tàu hay Việt gốc Hoa sản xuất nhưng tuyệt đối trống dùng để múa Lân, hoàn toàn mua từ cơ sở của Thầy Mười ở thị xã Tân An, tỉnh Long An. Nhưng dù trống có còn tốt như mới, thì các đội Lân vẫn theo tập tục lâu đời, là chỉ dùng trống trong một năm mà thôi. Tóm lại bể hay lành, Tết mới thì trống phải thay mới.
 
Huyết sử qua nghiệp múa Lân
             Lúc đầu múa Lân chỉ đơn sơ qua biểu diễn của từng con một. Về sau nghệ thuật múa Lân cũng theo thời gian biến đổi không ngừng với các cuộc tranh tài cùng lúc của nhiều con Lân, có lúc thêm Kim Sư và Rồng tham dự. Nghệ thuật cao nhất trong nghề múa Lân là xung pháo, trèo cao để giựt giải thưởng, nhiều lúc được trèo tòn ten giữa không trung trên 5-7 thước là thường. Cũng may ít khi xảy ra các tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc, vì hầu hết những đoàn viên đều là môn đồ của các lò võ thuật.
            Theo luật giang hồ trong Lân sử, tuy không được ghi chép bằng một thứ chữ nghĩa nào nhưng đấy là tử lệnh, ngoại trừ nhóm múa Lân tài tử, còn các đôi Lân dù chuyên nghiệp hay không, tất cả đều phải tuân hành với qui tắc tuyệt đối “gà ghét nhau tiếng gáy, lân phân biệt màu râu để định ngôi thứ.” Như vậy không phải ai muốn làm gì thì làm, nghĩa là cứ tự ý vẽ màu râu theo ý mình để chuốc lấy tai họa và những điều phiền phức nghề nghiệp.
             Theo các định luật bất thành văn trên, thì Lân Râu Bạc hay Trắng, được xem như là Chúa của các loài Lân trên đời, bao gồm những đội Lân của các đại ca đang lãnh tụ trong nghề. Lân có màu râu Hoe Hoe, đai diện cho các đội hạng nhì của các tay giang hồ bạt mạng, lúc nào cũng đang ngấp ngáo chờ cơ hội xưng bá. Lân có màu râu xanh hay đen là lớp đàn em. Bởi vậy trong nghiệp múa Lân không bao giờ dám đẫm chân lên địa bàn của nhau để tránh sự xung đột. Tuy vậy vào những ngày Tết Nguyên Đán, nên có rất nhiều đội Lân hoạt động để kiếm ăn, nếu biết nhường nhịn tuân thủ theo luật lệ giang hồ thì mọi sự tốt đẹp, còn không huyết đấu sẽ xảy ra ngay trong lúc trổ tài nhưng mặt thật là tất cả đang tìm hết thủ đoạn để dành thắng lợi và chiếm cứ lãnh địa của đối phương.
             Võ với võ, đao kiếm chạm trán với mã tấu, nên làm sao tránh được thảm cảnh người gục máu đổ? Tại VN, thảm kịch giữa hai đội Lân ghét nhau về màu râu đã biến huyết chiến ở Sài Gòn, vào những ngày Tết Nguyên Đán năm Quý Mùi (1943), nguyên do cũng vì háo thắng mà phá bỏ luật lệ của giới giang hồ. Theo báo chí xuất bản trước năm 1975 đã ghi lại, ta biết Tết năm đó tại khu vực Lò Heo Chánh Hưng và Lò Dừa, có đội Lân Râu Hoe (vàng) của võ sư Tám Mạnh , một nhân vật giang hồ rất có thế lực trong vùng, nhờ tiền bạc rủng rỉnh. Đối diện bên kia sông Sài Gòn, có đội Lân Chúa Râu Bạc , do tay anh chị trong làng đấm đá tên Hai Lài cầm đầu.
             Tết Quý Mùi 1943, có Năm Hồi là con của Tám Mạnh, vì muốn chơi cho thiên hạ nổ mắt, nên tự ý đổi màu râu của đội Lân nhà, từ màu vàng hoe thành màu bạc (Lân Chúa), nên đã bị đội Lân của Hai Lài thẳng tay trừng trị theo luật giang hồ. Kết quả của trận song Lân huyết đấu, làm hai phía có khoảng 30 người vong mạng và mang thương tích trầm trọng, trong số này đội Lân của Năm Hội có 6 thành viên bị tử thương sau cuộc huyết đấu. Nội vụ ra tòa, Tám Mạnh vì lắm bạc nhiều tiền nên được các quan Tây phán thắng kiên. Riêng Hai Lài và những kẻ sống sót của đội Lân Râu Bạc bị kết án khổ sai chung thân, lưu đày ra tận Côn Đảo và kết quả bị đàn em của Tám Mạnh ở đây thủ tiêu để nhổ cỏ cho tận gốc. Cũng may, đây là trường hợp duy nhất đã xảy ra tại VN trong thời Pháp thuộc và tình trạng bê bối trên không hề tái diễn lần nào suốt thời gian VNCH.
             Ngày nay, ngoại trừ một số đội Lân chuyên nghiệp ký hợp đồng với các công ty du lịch giúp vui hầu như quanh năm suốt tháng. Còn lại các đội Lân khác tại Sài Gòn-Chợ Lớn chỉ hoạt động tới rằm tháng giêng (Nguyên Tiêu) thì kết thúc. Theo truyền thống đã có từ lâu đời, tất cả các đội Lân đều phải tập trung về chùa Bà Thiên Hậu tại Thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), để làm lễ cúng tạ, đồng thời tham dự với bốn đội Kim Sư của Bang Phúc Kiến, trong lễ hội Rước Kiệu Bà, cùng với các vị thần bổn mạng mà người Việt gốc Hoa đã thờ kính như Huyền Thiên thượng Đế (Chơn Võ), Quan Thánh Đế Quân (Quan Công), Nam Triều Đại Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ. Sau đó các đội Lân mới được phép trở về Chùa hay Bổn Hội Quán riêng của mình và lại hoạt động vào những ngày xuân năm tới.
             Tết về noí chuyện múa Lân, bỗng dưng chợt nhớ tới huyền thoại Kỳ Lân, qua truyền thuyết “khi con vật này xuất thế, thiên hạ sẽ được thái bình”. Và cũng vì tin tưởng như vậy, nên sau ngày 30-4-1975 khi VC cưỡng chiếm miền Nam, đồng bào cả nước bị bốc lột đầy đọa giết hại tù đầy đến tận xương tủy, mới nảy sinh ra cái mộng mị huyễn hoặc là Nguyễn Cao Kỳ và Bùi Thế Lân, cả hai đã bỏ vinh hoa phú quý tại nước ngoài, trở về lãnh đạo toàn dân tiêu diệt VC quang phục đất nước. Sở dĩ có chuyện này vì ngẫu hứng tên của hai ông tướng trên, nếu đem ghép lại, sẽ ứng với tâm nguyện thầm kín của đồng bào đang khổ đau lúc đó. Nhưng rồi sau khi ra tù VC, tới Mỹ mới biết tất cả chỉ là chuyện ba làng.
 
                        “Nay lại thêm một lần xuân tới nửa
                         Tết không nhà, hiu quạnh vắng người thương
                         Vẫn tỉnh say nơi quán lẽ bên đường
                         Chờ bạn đến cụng ly mừng xuân thắm

 
           Nhưng họ đã chết queo ngoài muôn dặm
           Kể từ mùa chính chiến, bỏ trường xưa.
           Chỉ còn ta thất thiểu cuộc sống thừa
           Bao chục năm héo cùng xuân viễn xư ù”

 
                                   Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
                                            MƯỜNG GIANG
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9