truyện ngắn : Tóc Chẻ
epjna 03.06.2010 14:24:54 (permalink)
Truyện ngắn Tóc Chẻ được sưu tầm từ tập truyện "Mưa Bóng Mây" của tác giả Khánh Chi - Tủ sách Tuổi Mới Lớn (NXB Kim Đồng) xuất bản năm 2005. Truyện được đánh máy bởi : epjna


                                        TÓC CHẺ
 
 
          Vốn chẳng phải là người hiền lành ngoan ngoãn gì, thế mà nhập học vào trường mới, lớp mới, ở chỗ ở mới của gia đình, ngay ngày đầu tiên, nó đã phải chào thua con bé tóc ngang vai ngồi cùng bàn. Vừa nhận chỗ, ngồi xuống chưa kịp sửa tướng cho đàng hoàng, nó đã thấy cô ta lấy ra cái thước kẻ, cây compa, xoay cái đầu nhọn xuống làm cái roẹt, xước hẳn một đường trắng bốc bụi trên mặt bàn. “Đường biên giới – Cấm xam phạm – Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ muôn năm! – Tự do muôn năm! Tui ghét ngồi với con trai”. Trời ơi! Một sự khiêu khích trắng trợn đến thế là cùng. Nó nhìn con bé, bĩu môi ngầm một cái trong đầu, còn bên ngoài nó cũng hùng hổ xửng cái đầu đinh lên: “Đây không xâm phạm, nhưng đó xâm phạm cũng đừng có trách đấy. Thỏa thuận”. Ngày đầu đi học thật khó chịu. Thực lòng, năm nay chuyển trường về nơi ở mới, lại là năm cuối cấp, nó đã tính tu chí ngoan hiền, học giỏi, làm lại cuộc đời cho ba mẹ vui lòn. “Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, nó đâu có tính gây gổ với ai đâu kia chứ. Nhưng mà, tình huống này… Không lẽ lại chịu lép vế ngay từ đầu. Kinh nghiệm chiến trường đã khiến nó hiểu rằng: muốn thắng, phải thắng ngay từ đầu. Nó đành phải “tham chiến” thôi. Nó nhìn mái tóc ngắn ngo ngoe đến ngang vai của con nhỏ hàng xóm mà phát rầu cho những dự định đổi đời của nó.
          Dù rằng nó là một thằng con trai rất nghịch ngợm, phá phách, thế nhưng nó vẫn chỉ ưa những mái tóc bóng, mượt, dài một cách ngoan ngoãn xuống đến lưng, nằm khép nép một dòng đen tuyền (và dứt khoát là không có gàu) y như trong quảng cáo trên truyền hình. Còn tóc con bé thì cụt ngủn, lô xô chấm đến đúng vai, lại còn vênh váo ra ngoài một cách đáng ghét. Nó chẳng hiểu lắm về các mô-đen tóc hiện thời của bọn con gái. Nhưng dù sao thì nó cũng thấy rất rõ là tóc của con bé thuộc trường phái “nổi loạn”. Hoe hoe vàng, cái thứ màu vàng cháy mà bọn con trai lớp cũ của nó thường bảo là giống như mấy con thú thuộc động vật cấp cao vừa thoát một trận cháy rừng. Đã thế, hầu như tất cả đuôi tóc của nó đều bị chẻ hai, chẻ ba. Nó biết rất rõ chỉ vì nhiều lúc, nó thấy con bé trong giờ sinh hoạt lớp ngồi tước tóc của mình ra từng sợi nhỏ một cách tỉ mẩn. Một mớ tóc không có gì đặc trưng của con gái. Đúng là “người làm sao của chiêm bao làm vậy”. Mẹ nó thường hay nói câu đó về nó khi bà chê trách nó, bây giờ nó đem câu thành ngữ ấy gán ghép ngay vào cho con Tóc Chẻ. Nó đã đặt biệt hiệu cho hàng xóm của nó như thế một cách thích thú. Đõ cũng là cách nó phân biệt con bé với mớ tóc dài mượt mà và cặp mắt mít ướt của cô bé hàng xóm cũ đã từng phải chịu đựng nó suốt hai năm học trước. Thế nhưng, chuyện giờ học đầu tiên cũng chẳng phải kết thúc ở đó. Ngay khi hai đứa nó vừa thảo luận xong cái hiệp ước về lãnh thổ thì cô giáo chủ nhiệm bước tới. Chác là hành động của con bé đã không lọt qua được mắt của cô. Cô hỏi: “Chuyện gì nữa đây? Các em phá hoại của công như thế à?”. Nó đứng dậy trả lời rành rọt : “Thưa cô tụi em phân chia ranh giới cho dễ “chung sống hòa bình” trong suốt một năm. Bạn ấy cũng đồng ý như vậy”. Nhìn ánh mắt cô giáo hướng về Tóc Chẻ, nó biết rằng nó không it hơn một đồng minh. Nó nghĩ thầm trong đầu: “Trời ơi, con gái gì mà, có mà…bà chằn lửa thì có. Số mình héo rồi”.
          Hóa ra Tóc Chẻ quả thiệt rất là “bà chằn lửa” như nó nghĩ thầm trong đầu. Tụi con trai lớp mới cảnh báo với nó: đừng có đụng vào nó. Con bé là cư dân xóm Mả đấy. Ở trong lớp này, đứa nào cũng tránh né, không muốn ngồi chung với con bé từ hai năm nay. Cho nên nó mới được xếp cuối lớp, ngồi lẻ loi một mình như thế. Dân vùng này có xa mấy cũng kiếm đường đi vòng, chẳng ai muốn đi ngang qua xóm Mả. Nó thắc mắc: xóm Mả là sao, ở đâu mà ai cũng ngán vậy? Tụi con trai giải thích: ở đây có một cái nghĩa địa cũ đã tồn tại từ trước giải phóng. Cái nghĩa địa gồm khoảng mấy chục cái mả đá cũ kỹ xù xì. Có lẽ cái nghĩa địa đó đã có từ lâu đời lắm rồi vì cho tới nay, chẳng còn có ai đến thắp nhang cho một ngôi mả nào nữa. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, có nhiều người nghèo không có chỗ tụ tập về xóm Mả, cất lên những căn lều nho nhỏ, dựa vào chính những tấm bia của mả đá mà tránh mưa tránh nắng. Họ làm đủ thứ nghề: đạp xích lô, buôn bán ve chai, lượm rác… hoặc chẳng làm nghề gì cả. Họ đánh bái, chửi thề, đánh lộn như cơm bữa. Đến chính quyền, công an phải ngán cái xóm ấy bởi như nhiều người trong số họ tuyên bố: “Cùi đâu còn sợ lở nữa? Đã phải về đây giành đất sống với người chết thì có sợ người sống?”. Họ thuộc về cái gọi là thành phần giang hồ, du thủ du thực. Đàn bà hút thuốc, chửi thề như đàn ông. Chỉ nghe kể chuyện thôi mà người nổi hết da gà. Thôi rồi, đời nó. Đất của người chết mà con bé ấy còn dám giành thì mấy centimét mặt bàn là cái gì so với nó? Nó cứ tưởng cô giáo đọc thấy lời phê bình trong sổ học bạ của nó “Học được nhưng ý thức kỷ luật kém” mà phân nó ngồi cạnh con gái để được kềm chế bớt. Ai dè, chắc cô ấy “dĩ độc trị độc”, cho nó kèm con bé ấy thì có! Nó về kể cho ba mẹ nghe về con bé. Mẹ nó cũng tá hỏa. Bà cứ nằng nặc yêu cầu ba lên trường xin đổi chỗ cho nó. Thế nhưng, nghe được câu chuyện, ba nó lại tủm tỉm cười:
          - Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Đề hai đứa nó sửa cho nhau, cũng hay. Bà đừng có ầm ĩ. Thằng Hoàng nhà nình vốn dĩ đâu có ngoan gì. Tôi cũng đã mỏi chân đi nghe cô giáo cảnh cáo nó rồi. Năm nay nó gặp “cao thủ”, chắc khá hơn. Mầy năm liền, nó ngồi với con nhà ngoan ngõa, nó làm khổ con nhà người ta không thì sao. Có phụ huynh nào đòi cách ly nó đâu?
          - Nghe lý lẽ của ba, mẹ đành im lặng. Nó cũng phải thừa nhận ba đúng. Thôi thì số phận đẩy đưa tới đâu hay tới đó…
 
----------------------------------
 
         “Anh chị mua hoa giùm em!”. Nghe cái giọng quen quen ấy ở bàn bên, nó ngửng phắt đầu lên. Cùng vừa lúc giọng đàn ông nạt ngang: “Đi chỗ khắc, đừng có dụ”. Trời ơi, lại con bé Tóc Chẻ. Sao mà số nó đen đủi, đi đâu cũng gặp con bé này thế này! Nó nhìn thấy con bé Tóc Chẻ trong chiếc áo dài màu trắng, ôm trong tay một giở mây đựng đầy hoa hồng. Con bé đã dợm bước chân đi khỏi chỗ người đàn ông thô lỗ ấy thì lại nghe tiếng hắn ta:
          - Đi đâu cũng bị cái bọn này quấy nhiễu. Bán hoa, bán vé số… Cái thứ gái này, báo chí đăng đầy ra đó. Lại còn mặc đồ trắng, váy học sinh, giả danh cho dễ lừa người ta không! Chứ hễ có cơ hội lại móc túi, dụ đi khách không đó! Chuyện ấy ai mà không biết.
          Nó thấy con bé Tóc Chẻ đứng phắt dậy. Nó tiến đến người đàn ông:
          - Ông vừa nói cái gì, nói lại cho tôi nghe. Này, đừng có cái kiểu hèn ấy nhé! Không mua thì thôi, ai ép ông? Đã kẹo, lại còn quê với bồ, quay ra mạt sát người khác hả? Ông có dám nhắc lại câu nói ấy không?
          Người đàn ông hình như không dè bị phản ứng. Hắn ta luống cuống:
          - Này cô, không bán dược ở đây thì đi chỗ khác bán, đừng có kiếm chuyện gây sự à nghe!
          Con bé tóc chẻ không chịu thua:
          - Ai thèm gây sự với ông? Nhưng ông không mua hoa của tôi thì thôi chứ, cớ gì ông gái này gái nọ? Đừng tưởng mấy người có tiền muốn mạt sát ai thì mạt sát. Tôi đi bán hoa kiếm sống, cũng như ông đi làm công việc của ông kiếm sống nuôi thân. Mà chưa chắc việc của ông lương thiện hơn việc của tôi. Cái ngữ đàn ông như ông đã chắc có việc đàng hoàng để làm?
          Thằng Hoàng ngồi cười thầm trong bụng. Thôi rồi, hôm này gã này ra đường gặp gái, xui xẻo mới đụng thú dữ nhu Tóc Chẻ. Nhưng dù sao cũng đáng đời gã. Dù sao trong bụng nó cũng kể như Tóc Chẻ thuộc phe nó trong cuộc cãi lộn nàu. Con người ta đi bán hoa thật, học sinh thật. Cớ gì tự dung mạt sát người ta? Đang mải quan sát “cuộc chiến” bàn bên, nó quên phứt cả nhân vật ngồi bên cạnh nó. Hôm nay, lên hiệu sách trung tâm mua mấy thứ, nó tình cờ gặp nhỏ Tóc Dài cũng đi mua đồ. Để chứng tỏ mình đã đàng hoàng hơn, nó tự dưng cao hứng mời Tóc Dài đi uống nước. Mà cũng chẳng hiểu sao Tóc Dài lại nhận lời. Thành ra nó mời ngồi trong quán để chứng kiến cuộc đụng độ này. Gã đàn ông dường như cũng biết gặp phải đối thủ không vừa nên quay mặt đi ngó lơ như là không thèm tiếp chiến nữa. Con bé Tóc Chẻ nói cho hả giận rồi cũng bỏ qua. Chắc nó cũng không muốn ầm ĩ, sợ chủ quán không cho đến bán nữa. Đến chừng này thằng Hoàng mới giật mình khi hiểu ra rằng chỉ mấy phút nữa là nó sẽ phải giáp mặt với Tóc Chẻ. Nó thầm nguyền rủa cái giây phút ngẫu hứng đáng ghét của mình. Nó định đứng dậy tìm đường đi …. vệ sinh thì không kịp. “Anh chị ơi, mua hoa… Ơ…”. Nó ngồi chết trân, không dám ngóc đầu lên nhìn con bé. Nó nghĩ chắc thể nào cũng bị một hai câu chế giễu gì đây. Thế mà hình như con bé chỉ sựng lại nhìn nó rồi quay người bỏ đi.
          - Ủa, ai vậy? Hoàng quen à?
          - À… Ừ… Cũng chẳng quen, chẳng lạ. Bạn học cùng lớp với Hoàng ấy mà. Ngồi chung bàn luôn.
          Tóc Dài hồn nhiên:
          - Bạn ấy giỏi đấy, cho gã kia một trận quê luôn. Hoàng mua hoa giùm bạn ấy đi. Coi như là giúp nhau.
          Vừa nói xong, Tóc Dài đã nhón dậy luôn, nó kéo lại không kịp:
          - Chị ơi, lại cho tôi mua hoa!
          Tóc Chẻ quay lại, mặt nó lại cong cớn lên:
          - Chị mua hoa làm gì? Tôi chỉ có bán cho mấy ông thôi. Mấy ông mới hay mua hoa, làm bộ ga lăng với phụ nữ.
          Tóc Dài vẫn dịu dàng:
          - Thì tôi mua hoa tặng cho bạn tôi. Không được sao?
          - Không, cái người ngồi cạnh chị chẳng đáng được hoa đâu. Tôi không bán.
          Nói xong, con nhỏ xác giỏ quày quả ra khỏi quán luôn. Chỉ có Tóc Dài đứng ngây ra, rồi ngồi phịch xuống ghế, nó lẩm bẩm:
          - Người gì mà lạ. Gây cả với người muốn giúp mình.
          Nó thì chẳng thấy lạ. Chỉ học chung với Tóc Chẻ có hai tuần lễ, nó đã biết tính con bé. Nó có thể gây gổ với mọi người bất cứ lúc nào, nhưng lại có lúc nó cứ ngo ngơ ngác ngác như người thất thần, chẳng để ý đến ai cả. Bọn con trai trong lớp này còn đặt cho néo biệt hiệu “Ngựa hoang” cũng phải. Chẳng ai đoán biết được sẽ bị nó đá hậu lúc nào.
 
-------------------------
          Sau cuộc đụng độ ở quán cà phê hôm ấy, con bé Tóc Chẻ càng khó khăn với nó hơn. Vào lớp, nó cứ lầm là lầm lì, chẳng buồn nói chuyện với thằng Hoàng, dù thằng Hoàng đã cố gắng giảng hòa. Dù sao thì nó cũng cảm thấy cái con bé mới bằng tuổi nó đã biết tự kiếm sống, tự bảo vệ  mình khỏi những chuy4eenj bất công, thật đáng nể. Ngay như nó, gặp chuyện người với người mạnh hơn mình cũng chưa chắc sẽ xử sự ra dáng được như thế. Đã chắc gì những đứa con gái khác lam được như nó? Thế nhưng, Tóc Chẻ không chấp nhận nó. Thậm chí, có hôm làm bài kiểm tra, thấy con bé không làm được bài, thằng Hoàng lấy cùi chỏ huých khẽ rồi đẩy bài của nó cho con bé, nhưng con bé chỉ lườm nó một cái rồi đẩy trả lại, không thèm chép. Nó ngồi cả buổi, bôi bôi, xóa xóa mà không ra bài toán, mồ hôi đổ ướt lưng áo, cuối cùng nó phải nộp bài mà hình như chỉ được phân nửa. Tóc Chẻ học yếu nhiều môn. Nhưng nó cũng phải thừa nhận rằng con bé rất cố gắng tự lực học. Chưa bao giờ nhìn bài hay hỏi bài ai. Hình như nó muốn cố gắng học bằng sức của nó. Thế cũng là một đức tính đáng nể.
          Gần cuối năm học, có một hôm con bé Tóc Chẻ nghỉ học liền một tuần lễ. Cuối tuần, cô giáo thông báo cho ban cán sự lớp đến thăm Tóc Chẻ. Mẹ nó mất đã được hơn mấy ngày, hình như là đã đem chôn, nhưng giờ cô mới biết. Sau khi thông báo xong, cô bỗng chợt nhìn lại nó:
          - Em cũng nên đi thăm bạn. Dù sao, hai em cũng ngồi chung bàn.
          Chiều hôm ấy, cô giáo và tụi nó đến xóm Mả. Nó đã từng nghe kể về những người nghèo, những khu nhà ổ chuột… thế nhưng đây là lần đầu tiên nó thực sự bước vào một đời sống như thế.  Trời vừa mưa xong, những con đường đi lầy lội và dơ dáy. Giữa hai dãy nhà lụp xụp, một dòng nước đang chảy phăng phăng cuốn theo mấy bịch ni lông dựng đầy rác. Chẳng ai trong những người sinh sống ở đó nhìn đến những bịch ni lông ấy. Lúc trẻ con ở trần ở truồng nhảy nhót giữa những bịch rác, trong dòng nước đen ngòm bốc mùi nặng nặng ấy. Những căn nhà ở đây cũng lạ kỳ. Chúng được xây bằng đủ thứ vật liệu: tôn, gỗ, bạt, thậm chí cả những mảnh bao cắt ra, khâu chằng khâu đụp lại với nhau. Nhà Tóc Chẻ dường như có khá hơn, được cất bằng những tấm tôn. Trong nhà trống rỗng, chẳng có gì ngoài một chiếc bàn có tấm hình một người con gái trẻ, một bát nhang, một đĩa trái cây. Tụi nó ngồi trên tấm phản. Thằng Hoàng ngước lên nhìn cái trần nhà gần đụng đầu mình. Chưa bao giờ nó được thấy một mái nhà kỳ lạ đến thế. Giữa ban ngày mà đầy sao là sao. Những lỗ thủng lỗ chỗ khiến nó phải thắc mắc: chẳng biết làm sao có thể gọi đó là mái nhà. Tiếp chúng nó là một người phụ nữ hàng xóm. Nghe bà ta kể, chôn mẹ hôm trước hôm sau là Tóc Chẻ đã lại đi bán vé số, bán hoa rồi. Người phụ nữ chép miệng:
          - Tội con bé, nó nhỏ mà giỏi ghê. Nó nuôi mẹ nó với đứa em mấy năm nay rồi đó. Sáng đi học về là cơm nước cho mẹ, cho em. Chiều đi bán vé số, bán hoa… Đêm nào cũng tới 11, 12 giờ mới về. Cha nó bỏ đi từ hồi mới sanh thằng em. Mẹ nó thì bệnh nặng đã hai ba năm nay. Phường, khóm, bà con giúp đỡ nó được phần nào thôi, chứ còn nó tự lực hết đó. Bà con đây ai cũng thương. Có chừng ấy tuổi đầu mà nó như người lớn. Dang nắng kiếm ăn miết, tóc tai lúc nào cũng cháy nắng. Đến quần áo đi học cũng do mấy cô ở phường xin giùm cho.
          Cô giáo ngậm ngùi:
          - Tôi cũng chỉ biết em nó thuộc dạng được miễn giảm học phí, đâu biết học trò của mình khó khăn đến thế này.
 
----------------------------------
 
          Buổi đi thăm nhà con bé Tóc Chẻ về khiến thằng Hoàng suy nghĩ mãi. Có cái gì đó làm nó thay đổi cái nhìn của mình vào cuộc sống. Nó nhìn lên trần nhà nó, cái trần nhà mà ba nẹ nó đã phải tranh luận miết xem dùng loại hoa văn nào cho đẹp. Nó nhìn lên bàn tủ thờ, cái tủ thờ mà ba mẹ nó cũng phải bàn bạc miết xem mua loại cẩn sơn mài hay mua trơn. Nó nhìn vào phòng học của nó với dàn máy vi tính, ti vi, đầu đĩa riêng, những thứ mà ba mẹ nó đã phải thưởng cho nó để nó hoàn thành được tốt mỗi học kỳ, mỗi năm học. Nó vẫn không thể nào hình dung được rằng có những cuộc sống của bạn bè nó lại khác với nó đến thé, thiếu thốn đến thế, gian khổ đến thế. Nó nhớ đến những bịch rác trôi phăng phăng trong dòng nước chảy ngoằn ngoèo qua những cửa nhà. Và nó cảm thấy những gì nó nghĩ về con bé Tóc Chẻ, sao mà hẹp hòi và ngắn ngủi. Nó biết vì sao đuôi tóc con bé lại cứ chẻ ra, ngắn ngủi như thế. Nó ước muốn chia sẻ một cái gì trong những thứ nó có cho con bé Tóc Chẻ ấy. Thế nhưng nó biết rằng con bé sẽ chẳng nhận một thứ gì của nó cả. Ba nó bảo: “Những người nghèo có khi đầy lòng tự trọng, còn hơn cả cả những người  giàu”. Cái buổi nó ngồi kể chuyện cho ba nó nghe về Tóc Chẻ, ông nói:
          - Vậy là con dã nhận được từ bạn của con rất nhiều điều lớn lao mà những bài học ở trường, những lời dạy của ba má cũng không mang đến cho con được. Cuộc sống này còn rất nhiểu con người, rất nhiều cảnh ngộ cần được thông cảm chia se khi mà chúng ta được may mắn hơn họ.
          Tóc Chẻ đến trường học tiếp sau một tuần nghỉ học. Nó đến cảm ơn cô giáo và các bạn việc mọi người đã chia buồn cho nó. Chiếc băng tang màu đen đeo trên cánh tay nó cứ gợi cho thằng Hoàng một điều gì đó về sự lớn khôn trưởng thành của đứa bạn gái ngồi cạnh bên. Cái kết thúc gần kề của một cuộc đời học sinh khiên không khí trong lớp học khác hẳn. Dường như những đứa trẻ sắp thành người lớn ấy thân ái với nhau hơn để giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp về một thời phổ thông. Cả con bé Tóc Chẻ cũng chẳng muốn gây sự với thằng Hoàng nữa. Nhất là khi nó không hề muốn cãi cọ với Tóc Chẻ. Chúng nó đã nói chuyện với nhau đàng hoàng hơn. Tóc Chẻ vẫn chẳng bao giờ chịu chép bài của nó. Nó nói với thằng Hoàng:
          - Tôi học chỉ để học thôi. Không thi đại học đâu. Tiền đâu mà thi đại học? Cho nên, quay bài làm gì? Các cô ở phường hứa giúp tôi học nghề, còn đi làm sớm cho thằng Út đi học.
          Thấy thằng Hoàng nhìn nó đầy vẻ thông cảm, nó cười hồn nhiên:
          - Mỗi người một số phận mà, mẹ tôi bảo thế. Khổ như mẹ tôi mà còn không thấy mình khổ thì tôi cũng đâu có sao. Chỉ có điều sao nay, nếu gặp tôi đi bán hoa, nhớ mua giùm một cành nhé. Tôi sẽ bán giá hữu nghị cho để mà ga lăng với bạn gái.
          Chọc thằng Hoàng rồi, nó cười giòn giã. Không giống như những đứa con gái khác, Tóc Chẻ chẳng làm lưu bút. Nó bảo mọi chuyện của cuộc đời này, từ khi còn nhỏ, mẹ nó đã dạy nó cách cất giữ trong trái tim. Đó là nơi tốt nhất để gìn giũ mọi điều của người đời, nhất là những người nghèo như nó…
 
---------- Hết ----------
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9