RE: Để nhớ
-
19.01.2011 21:21:08
Ngày 19 tháng 1 năm 2011
Người bên kia bảo tết không có gì vui chắc chỉ đến nhà bạn bè chơi thôi, hỏi ở VN tết như thế nào? Mình nói tết giờ cũng như ngày lễ thường, không có gì vui. Lại nói nhưng dù sao cũng có cái vui của nó, chứ bên đây… Ừ, có lẽ.
Hôm trước chị nhắn tin bảo chắc tại lớn tuổi rồi nên không có hứng thú với tết. Mình cũng thấy vậy. Càng lớn tết càng mất đi vẻ thiêng liêng, háo hức đợi chờ. Một phần vì cuộc sống ngày càng được cải thiện nên gần như bất cứ lúc nào muốn ăn cái gì hay muốn mặc đồ đẹp đều có thể làm được ngay. Không như ngày xưa phải đợi đến tết mới được sắm đồ mới, mới có dưa hấu, hột dưa, bánh chưng, bánh tết,…. Như vậy khiến phần háo hức đã vợi đi không biết bao nhiêu phần rồi. Và dĩ nhiên lớn rồi thì không được lì xì nữa, cũng không được chở đi chơi tết. Bao nhiêu là thứ không còn nữa so với ngày còn nhỏ. Lại thiếu mùi pháo. Ngày nhỏ đêm ba mươi cả xóm đổ ra đường. Khúc đường nhà mình một bên là nhà dân, một bên là kho hàng cho nên đêm giao thừa mọi người lại đổ qua bên kia đường đứng nhìn sang từng nhà treo những dây pháo dài cả thước đua nhau nổ rền vang. Bầu không khí nồng nặc mùi thuốc pháo, cái mùi mà ngày thường không có được. Xem hết lượt mọi nhà đốt pháo xong là vào nhà xem trực tiếp bắn pháo bông trên TV. Rồi cắn hột dưa, hột bí coi ca nhạc.
Sáng mùng một, nằm trong mùng mà nghe xa xa tiếng pháo nổ đì đùng. Có khi nhà bên nổ luôn nguyên dây pháo làm mình chộn rộn không sao ngủ được nữa phải xuống nhà coi ba đốt tiếp một dây pháo khác. Trước tết nhà mình đã chuẩn bị sẵn ít nhất là hai dây pháo, dĩ nhiên dây pháo dài nhất dành để đốt trong đêm giao thừa và phải có một dây pháo khác để đốt vào sáng mùng một còn những ngày hôm sau thì đốt cũng được không đốt cũng không sao. Sân nhà lúc nào cũng đầy xác pháo. Mỗi khi pháo nổ hết mình lại lụi cụi tìm trong đống xác pháo những viên pháo vì lý do gì đó vẫn chưa kịp nổ. Viên nào xì thì quăng đi, còn lại cũng được dăm ba viên mình cất đó, thỉnh thoáng mang ra đốt chơi. Cảm giác vừa sợ vừa thích. Cầm cây nhang hay bật lửa châm ngòi rồi nhanh tay quăng viên pháo thật xa mà trống ngực đập thùm thụp. Ngộ cái là càng lớn càng ít dám đốt pháo lẻ như vậy. Phải chăng như ngoại nói càng lớn mật càng lưng nên càng dễ sợ sệt. Nhiều kẻ chơi ác hay cầm pháo lẻ châm ngòi rồi quăng vào người đi đường qua lại để cười hô hố khi thấy người ta sợ hãi né tránh. Mình rất sợ bị quăng pháo kiểu đó nên dù thích mùi pháo tết vẫn thấy đốt pháo là nguy hiểm cho nên từ khi có lệnh cấm đốt pháo cũng thấy mừng. Nhưng ngày tết dường như đã mất đi vẻ riêng của nó.
Ngày xưa cứ gần tết là nhà mình lại tổng vệ sinh, mệt phờ nhưng nghĩ lại thấy vui thấy có cái nôn nao trong sự chuẩn bị. Sợ nhất là cái khoản ngồi cắt kiệu, nhà mình ai cũng thích ăn kiệu nên làm rất nhiều ăn tới ra giêng luôn. Kiệu mẹ mua đến gần mười kg, nhưng không mua một lần mà chia làm nhiều đợt. Trải giấy báo ra sân mấy chị em ngồi cắt sơ rễ kiệu để mẹ ngâm muối. Vừa làm vừa trò chuyện có khi lại mở nhạc nghe, thế nào cũng phải nhạc xuân cho cửa nhà rộn rã. Sau khi ngâm khoảng 2-3 ngày lại phải cắt kiệu thêm một lần nữa. Lần này mới thật đáng sợ, có khi ngồi mấy tiếng ròng cắt rễ và phần lá sát thân từng củ kiệu một đến khi đứng lên thấy ê ẩm cả người chỉ muốn nằm một cái cho thẳng lưng. Ngày tết người nội trợ là cực nhất. Mẹ ít khu mua mà hay sên mức dừa, thỉnh thoảng lại làm thêm mức mãng cầu. Sau này thì không làm nữa mà mua thôi, nhưng từ khi báo đăng mức tết được làm rất mất vệ sinh thì thôi không nữa, chỉ mua chút mức gừng được cắt lát thật mỏng hoặc một ít bánh tây. Rồi thay hột dưa bằng hột bí hay hột hướng dương.
Nhà mình ở thành phố nên không có chỗ nấu bánh chưng, với lại nội mình chuyên nấu bánh chưng bỏ mối nên năm nào cũng cho một cặp bánh lớn chưng trên bàn thờ. Gói bánh chưng không hề dễ chút nào, gói bánh phải xiết lạt cho chặt tay nếu không thì bánh sẽ bị hỏng. Không phải ai cũng có thể gói bánh được. Thỉnh thoảng qua nhà nội chơi thấy mấy cô chú gói rất nhanh và khéo nhưng nhà mình không ai biết gói cả. Ba ngày tết ba hay chở mẹ, mình và chị kế đi thăm một vòng các nhà họ hàng. Đi thăm họ hàng dĩ nhiên là sẽ mặc áo mới, sẽ có tiền lì xì. Mớ tiền lì xì mới cứng cứ được đếm đi đếm lại rồi so coi đứa nào được nhiều hơn, niềm vui cũng theo đó mà nhân lên. Tết năm nào mấy chị em nhà mình cũng chơi lô tô, tứ sắc, bài cào. Thỉnh thoảng, ba mẹ cũng chơi chung. Ba chỉ chơi vài ván rồi rút lui nhưng hay ngồi bên ngoài bình luận hơn. Mẹ thì thắng thua gì cũng cười. Chơi lô tô mẹ mà kêu thì cứ vừa dò vừa ngủ cũng kịp, mẹ hay ngâm nga những câu văn vần khiến mình và mấy chị cứ mắt tròn mắt dẹt. Nghe riết cũng không còn lạ nữa, lại hối mẹ kêu nhanh nhanh lên. Mẹ cười hết cỡ: “từ từ mậy”, biết hối cũng không được nên mọi người lại cười xòa. Mẹ chơi chủ yếu cho vui, thắng thua không quan trọng, nhiều lúc thua liểng xiểng bị trêu mẹ chẳng chút buồn còn cười ngất: “chơi tới mai cũng không hết tiền”. Chỉ chơi trong nhà nên tiền đặt mỗi ván rất thấp. Gần đây mấy đứa cháu đã lớn nên cũng nhiệt tình tham gia, tụi nó không biết chơi tứ sắc nên sau này nhà mình chỉ chơi lô tô, bài ba lá và có thêm trò bầu cua cá cọp. Mấy đứa cháu chỉ trông đến tết để… chơi bài thôi. Nhiều khi ngồi đau lưng mà còn thua tiền nữa, nghĩ thấy…tức. Nhưng hễ tụi nó rủ là lại không thể từ chối. Có đứa đếm nút chưa rành nhưng vẫn chơi, cứ canh giờ ra ngoại hoặc a lô hỏi ngoài đó có đang chơi bài không cũng có khi mấy dì gọi điện từng nhà rủ ra chơi bài. Niềm vui ngày tết giờ chỉ túm lại có chút xíu vậy.
Tết đồ ăn, đồ uống chất đầy tủ lạnh. Mấy đứa nhỏ thì thích uống nước ngọt, mình và chị thỉnh thoảng lại làm một đĩa củ kiệu, tôm khô, chả lụa, hột vịt bắc thảo rồi cầm mấy lon bia ra ngồi nhâm nhi xem ti vi. Uống nhiều lắm mỗi người chừng hai lon là thấy đất trời chao nghiêng, chủ yếu là ăn mồi thôi. Kiệu mẹ làm ai cũng khen ngon, có thể để mấy tháng cũng vẫn giòn và trắng tươi. Ngồi thịt kho ăn mãi cũng ngán, vậy là sẵn bánh tráng, lạp xưởng, thêm mớ rau sống mới mua ở chợ và củ sắn chuẩn bị sẵn từ trước tết mấy chị em làm món bò bía. Vừa cuốn vừa chấm tương đen ngòn ngọt, bỏ ớt cay cay…. Rất ngon. Món này chị em mình ai cũng khoái.
Lúc trước hăm tám, hăm chín tết cả nhà mình lại kéo nhau đi xem đường hoa Nguyễn Huệ. Những hoa, những cảnh do các nghệ nhân bỏ công dựng rất đẹp. Có cả ếch nhái, ao hồ, cầu khỉ, nhà gỗ, rơm rạ và dĩ nhiên là không thể thiếu các loài hoa muôn sắc muôn màu. Nắm tay nhau len lỏi trong dòng người, nhìn ngắm, trầm trồ. Nhưng càng ngày đường hoa càng bị quá tải, người nhiều hơn hoa nên mấy năm sau này nhà mình không đi nữa.
Lại một cái tết nữa sắp đến rồi, phải chuẩn bị tiền lẻ để … đánh bài thôi.