RE: Nhật ký đọc sách (sách đã đọc)
-
29.09.2010 17:58:05
1981 – Nguyễn Quỳnh Trang
Truyện cũng bình thường duy chỉ có chương 3 là đáng nhớ và cũng bởi vì có chương 3 mà đã níu kéo mình đọc hết cả truyện:
"Thắp hồng môi bình minh thổi đi não phiền vì mình còn rất trẻ
Yêu đi yêu đi cho địa cầu bình yên
Khác với tôi, Nhi có thói vui già nua là thích ngồi nhấm nháp vị trà. Cứ rảnh rỗi là Nhi tự pha cho mình ấm trà, rót vào chiếc chén hạt mít màu nâu đất, uống từng ngụm nhỏ thưởng thức vị chát ngọt thấm vào đầu lưỡi, len trong cổ họng. Đôi khi, Nhi rủ tôi qua nhà uống cùng nó. Nhi có đủ bộ đồ dùng chè như ấm, đĩa, chén, than, hỏa lò. Nhi chỉ cho tôi thấy ấm chè nó mới sắm:
- Cậu nhìn kỹ nhé! Ấm phải nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng nước mới không đọng, lòng ấm lồi lên và mỏng thì lửa mới thấu vào, thế mới chóng sôi. Nhớ là ấm làm bằng đất nung dùng để pha chè tốt hơn là ấm làm bằng kim loại. Vì sao à? Do kim khí bị hỏa khí hấp hơi, thường có mùi tanh.
Nhi có vẻ thích thú trà Tàu. Nó kêu do tính trà Tàu sạch sẽ, hương vị thơm tho. Mỗi khi uống, cảm giác như “thức tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục”. Nhi thưởng thức trà Tàu khá tinh. Các vị trà Tàu khác nhau như thế nào, cách chế trà như thế nào là ngon, nó phân biệt rất kĩ. Mỗi lần tôi ghé qua nhà, nó lại mang ra một loại trà nào đó cho tôi uống rồi chăm chú hỏi tôi xem đó là trà nào, có cảm thấy hương vị khác biệt của nó không. Tôi cố trả lời cho Nhi vui lòng. Về trà thì tôi dốt đặc. Nên những câu ấp úng của tôi chẳng bao giờ làm nó hài lòng.
Mỗi khi ngồi bên nhau uống trà, Nhi bật lên đĩa nhạc cổ của Tàu, thường là loại nhạc dân gian. Tôi không hiểu gì, nhưng cũng thấy hay hay, vui vui. Nó mở toang cửa kính, đón gió vào phòng. Sát bệ cửa sổ, cây mộc trổ đầy hoa trắng đưa hương ngọt mát. Nhi thường hái một bông mộc nhỏ xíu thả trôi lập lờ trong chén trà. Cầm lấy chén, hít hà thật sâu hương vị ẩn trong làn khói lan tỏa.
Có dịp đi đâu xa, nơi nào có vị trà ngon hay đồ uống tốt là Nhi lại mang về bằng được. Những bài viết của Nhi về trà được đăng trên các báo làm những độc giả khó tính cũng phải xuýt xoa thích thú.
Nhi am tường trà như hiểu chính mình.
Nhi thích phóng xe lang thang khắp nẻo đường Hà Nội, chỉ cần nhìn qua một bức ảnh chụp một góc phố nó đã có thể làm người đố ngạc nhiên về những câu trả lời. Nhi đưa tôi lên vài quán rượu dân tộc, kể rành mạch cho tôi nghe từng loại rượu, công dụng, xuất xứ của nó. Khi tôi uống rượu, tôi cũng cảm thấy vị thơm sâu ẩn trong chất men. Bởi khi con người ta biết thêm những gì mới khi thưởng thức, họ thường thấy thú vị hơn.
Hết đồ uống truyền thống, Nhi chuyển sang âm nhạc. Cứ có chút tiền dạy kèm hoặc tiền nhuận bút, Nhi lại thu xếp thời gian để làm những chuyến đi xa.
Nó về Bắc Ninh tìm thêm những nét mới của quan họ.
Qua Thái Bình xem chèo.
Lên Lạng Sơn nghe tiếng hát then.
Ngược Phú Thọ để biết điệu trống quân, điệu hát xoan.
Lục tung đất Hà thành tìm cho bằng được những nghệ nhân thật sự của ca trù.
Nói về ca trù thì Nhi nhanh nhẹn lắm, hết đi tìm hiểu chán, đọc tài liệu chán, lại ngồi gò lưng viết với ước mong khôi phục lại vốn truyền thống văn hóa cổ đang nằm hấp hối này. Nhi bắt đầu được các báo để ý tới chắc hẳn cũng từ mấy bài viết về ca trù. Rồi chẳng hiểu mò mẫm học ca trù ở đâu, lôi về cái phòng ngủ đã vốn chật hẹp nào đàn đáy, trống, phách, thỉnh thoảng lại ngâm nga vài điệu bằng chất giọng thanh nhã. Mỗi khi tôi gọi điện cho nó, vọng lại trong tiếng điện thoại là giọng ca trù của một nghệ nhân luống tuổi. Nhi cứ bật cái đĩa đó suốt ngày mỗi khi có nhà. Chính vì thế mà tôi gọi điện, đầu dây bên kia không có nhạc điệu ca trù vẳng lại thì tôi nghĩ ngay đến chuyện mình gọi nhầm máy.
Nhi yêu quê hương nhiều. Mà đã yêu được thì phải hiểu được nó. Dù không được trọn vẹn thì cũng phải cố sức hiểu. Nhưng Nhi không yêu quê hương hiện tại, nó luôn đào bới quá khứ bằng hai bàn tay trắng cùng sự nhiệt tình hồ hởi không ngờ. Nếu hỏi nó về sàn nhảy Hà Nội, các shop thời trang, những ca sĩ nhạc trẻ, cửa hàng nào bán đồ ăn nhanh ngon, quán nước nào có cà phê thơm, sinh tố uống được… Nhi sẽ cười gượng vì đó là những thứ nó không hề biết tới. Váy áo, cặp tóc, trang sức, đồ trang điểm của nó là do tôi dẫn đi mua. Nó tương đối ảnh hưởng gu thẩm mĩ của tôi nên hai đứa khá giống nhau về lối phục trang. Có điều dễ nhận ra là Nhi xinh hơn tôi.
Luôn là thế.
Tôi và Nhi cùng tặng nhau những luồng sinh khí mới. Chúng tôi yêu những buổi chiều trốn nhà chạy xe ngoại thành. Hai đứa đứng ngắm dải sông Hồng hiền hòa chảy miên man dưới chân cầu Thăng Long. Bãi ngô non mướt ánh phù sa trên bãi giữa. Ánh lửa lom đom từ mái tranh nhà ai hắt ra mang lại chút gì yên ả. Những mảnh đời lênh đênh trên những con thuyền ngày ngày rong ruổi từ phía thượng nguồn xuống hạ lưu kiếm tìm niềm sống. Xa hơn nữa, mùi lúa thơm vừa chín tới đang dâng tràn không trung. Khói rạ cay xè mắt, tụi con nít quần cộc, áo ba lỗ lấm lem bụi bẩn đang mê mải lăn lê, tranh giành nhau củ khoai vùi vừa nướng. Tiếng gặt lúa, tiếng người cười nói giục giã nhau nhanh tay hơn, tiếng cảm ơn rốt rít khi hàng xóm sang gặt giúp, tiếng xe bò cọt kẹt chở từng bó lúa vàng nối đuôi nhau trên bờ đê trong chiều chạng vạng làm chúng tôi thấy lòng nao nao.
Vào chiều thứ Bảy hàng tuần, tôi và Nhi ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, ngả đầu vào nhau dưới bóng hoàng lan trong cảnh chùa yên tĩnh. Hương hoa lan, hoa bạch mẫu đơn, hoa đại, hoa láng, hoa ngâu… hòa quyện nâng chúng tôi bước lên cảnh giới tưởng chừng như hoang đường. Tiếng kinh cầu sớm loang bao la trời đất, lửa trong bếp vừa nhen cho khuôn mặt chú tiểu ửng hồng.
Buổi sáng, chờ vạt nắng đầu tiên phủ nhẹ xuống sân nhà như một bức voan mỏng manh, Nhi trải chiếu cói còn tôi khệ nệ khiêng chiếc bàn thấp kiểu Nhật, nghiên mực, giá bút, giấy điều. Tôi khom lưng mài mực, còn Nhi giơ từng chiếc bút lông lên ngắm nghía. Nó lấy tay vuốt nhè nhẹ cụm lông đen mượt. Lưng thẳng. Chân khoanh tròn. Lượn một vài nét vào không khí. Lấy bốn tờ giấy, nó viết bốn chữ rồi đưa tôi xem.
Đây là lối chữ hành!
Đây là lối chữ lệ!
Đây là lối chữ chân!
Đây là lối chữ thảo!
Màu mực chưa khô ánh lên trên giấy. Tôi nhìn những con chữ nhảy múa trước mắt. Thấy vừa thân quen, vừa xa lạ.
Niềm tự hào dân tộc ánh lên lấp lánh trong mắt Nhi khi nó nhìn những men sứ, những đồ vật vừa được tìm thấy ở Hoàng thành. Nhi nắm chặt tay viên tròn miếng đất nơi thành cổ xưa, nhìn đăm đăm như cố tái tạo trong tưởng tượng những con người của ngàn xưa từng in dấu nơi đây. Còn tôi, tôi ngắm từng giọt mồ hôi lăn dài trên má Nhi, lòng tràn đầy niềm yêu thương trong sáng, ngọt ngào như hương hoa mộc trong đêm."