Chuyện tình của thầy trò chúng tôi - Truyện ngắn Lê văn
levancon 08.06.2010 18:22:02 (permalink)
Chuyện tình của thầy trò chúng tôi

                                                                                               Truyện ngắn

                                                                              
       Thằng Hai ăn xong cái đá bọc, quệt quệt bàn tay vào quần, đứng dựa vào vách nhìn chăm chăm lên bàn cô giáo. Trên ấy có đủ thứ kẹo bánh, trái cây, nước uống. Nhìn thứ nào cũng thèm. Ở vườn nhà nó, mấy loại trái cây trên bàn kia, trái nào cũng có, vầy mà nhìn vào cái bàn của cô là nó lại thèm. Thằng Hai cứ lân la mãi bên bục giảng. Mấy đứa bạn cùng chơi, la lói ngoài sân, vẫn không sao kéo được nó ra khỏi lớp.
Trống vào học. Cô giáo Tuyến xếp mấy món hàng của mình vào giỏ rồi cho xuống gầm bàn. Hai phụ cô giáo lau lại cái bàn, kê lại chiếc ghế cho ngay. Công việc như đã thành quen với nó cả tuần nay rồi. Cô giáo thầm cảm ơn nó. Thằng nhỏ, vầy mà ngoan. Rồi những ngày sau đó, khi đã ăn hết mấy đồng tiền lẻ lận túi, nó trở thành người phụ giúp đắc lực với cô trong việc bán hàng giữa hai tiết học. Nó chẳng lấy tiền công. Được phụ giúp cô là thấy thích rân người rồi.
           Cô giáo Tuyến, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Miền Tây, nhờ có cậu Ba làm trên quận, quen biết mấy ông ở sở, nên xin được cho về dạy trường làng. Cô giáo mới ra trường, ngặt nỗi nhà nghèo, nên vừa dạy học, vừa tần tảo phụ giúp ba má. Nhà chỉ có hai chị em. Thằng Ba theo cậu Bảy xuống tận miệt Kiên Giang làm rẫy. Ông già thì giẫm phải trái từ hồi bảy hai, chỉ còn một giò, nên cứ quẩn quanh trong vườn. Má sáng sớm đã đẩy xe trái cây ra chợ Quới An, tối nhoem mới về. Việc nhà, việc cửa ở một tay Hai Tuyến. Đồng lương của cô, cộng với tiền chợ của má đủ trang trải cho ba con người, vầy mà có tháng cũng thiếu hụt. Thời buổi đạn bom, buôn bán khó. Cô phải vừa dạy học, vừa bán bấy bá mấy thứ lặt vặt cho bọn nhỏ, kiếm thêm tiền tiêu xài.
       Xã cù lao nhỏ, chỉ có có năm ấp. Một trường tiểu học cỏn con có mươi lớp. Học sinh của cô giáo Tuyến đều là con cháu bà con quẩn quanh trong ấp. Thằng Tánh, cô biết nó là con của ông Tám Xuyền ở đầu ấp. Hiện nó ở với má và đứa em gái. Ba trốn quân dịch, rồi bị bắn chết cuối năm bảy mốt. Nó khôi ngô, chăm ngoan nên cô cưng chiều. Giao cho nó làm lớp trưởng là cô tin nó, thấy bự nhất lớp lại học giỏi, chứ chẳng phải nó thường phụ giúp cô bán hàng mà cử. Sáng sớm, đã thành thói quen, bao giờ thằng Tánh cũng đi học sớm. Lội qua mấy con rạch, tắt qua mấy vườn xoài, mấy vườn chôm chôm, quẹo ra con lộ lớn, là nó tới ngõ nhà cô. Cô giáo đã đợi nó trước sân để nó xách giùm giỏ trái cây. Trưa, nó lại xăng xái thu dọn mấy thứ hàng không bán hết, rồi lon ton xách giỏ về nhà cô. Cứ vầy, cô trò thành ra thân thiết với nhau tự lúc nào chẳng hay.
       Hết tiểu học, thằng Tánh lên trung học. Trường trung học không nằm trong cù lao của nó nữa. Đường lên trường vẫn đi qua nhà cô giáo Tuyến, đi qua lớp cô giáo Tuyến. Tánh vẫn ngày hai bận, phụ giúp cô xách hai giỏ trái cây đi về. Ngày còn tiểu học, xách túi trái cây nặng vầy mà nó cứ chạy băng băng. Nó đến lớp, nó về nhà tự lúc nào, cô vẫn chưa tới. Lên trung học rồi, vẫn hai tay hai giỏ trái cây, nhưng Tánh không chạy băng băng nữa. Nó đi trước, cô Tuyến lẽo đẽo theo sau. Họ đi chậm rãi hơn. Và hình như họ nói chuyện với nhau nhiều lắm. Con đường từ trường về nhà không xa, vầy mà có lúc người ta thấy cô và thằng Tánh ngồi nghỉ bên bờ kinh, ngồi gần nhau lắm. Cô kể cho Tánh nghe cái ngày ba hắn bị tụi lính trên đồn rượt đuổi, rồi bắn chết ngay bên bờ kinh. Ba Tánh trốn lính đã hai năm. Hôm đó, ổng nhớ nhà quá, mò về. Lão Năm Trưởng ấp phát hiện ra, báo cho Xã trưởng. Xã trưởng gọi mấy tay lính ở đồn Cây Còng xách súng xồng xộc vào ráp nhà nó. Ba lẻn ra cửa sau. Vừa chạy lên đến bờ kinh đầu ấp thì bị tụi nó phát hiện. Chỉ một loạt AR.15, ba nó đã đổ nhào xuống kinh, rồi ra đi từ đận ấy. Ngày đó Tánh biết, nhưng nó còn nhỏ lắm. Càng nghe cô giáo kể, nó càng dịch lại gần cô hơn. Đang mùa nước nổi, nước mấp mé bờ kinh. Những bè lục bình bông nở tím ngắt, chen nhau trôi nhanh trước mặt cô trò. Thằng Tánh nhìn xa xăm về bờ kinh đầu ấp, nhớ ba nó, lòng lắng lại, đau thắt. Cô biết Tánh buồn, thôi không kể nữa.

***

         Trước giải phóng, tôi dạy trường Sư phạm Miền Tây. Cô giáo sinh Ngọc Tuyến, có dáng người nhỏ nhắn, chăm ngoan nhất lớp 13.K7, tôi biết. Ngày ấy tôi mới ra trường, mấy đứa nhỏ trong lớp cứ chọc tôi với Tuyến hoài. Chúng cứ nghĩ, tôi thương Tuyến. Rồi Tuyến ra trường. Tôi cũng quên dần cô giáo sinh nhỏ nhắn ấy.
       Sau giải phóng, tỉnh có trường Cao đẳng sư phạm. Tôi được điều sang trường ấy. Lớp tôi chủ nhiệm, là lớp đầu tiên của khoá học ngay sau khi trường được thành lập. Buổi học đầu tiên, tôi dành để giáo sinh lớp làm quen với nhau và làm công tác tổ chức lớp. Khi bầu lớp trưởng, cả lớp cứ nhất mực cử Tánh - anh giáo sinh đẹp trai, to khoẻ và có vẻ già dặn nhất lớp. Nội chừng đó, lớp đã tin Tánh rồi. Tánh giơ cánh tay vạm vỡ lên, xin phát biểu:
       - Thưa thầy! Con...em xin thầy và cả lớp cảm thông cho. Nhà em khó khăn lắm, em không làm được đâu.
       - Khó gì, có bà xã lo cho rồi. Ráng mà làm đi - mấy đứa con gái ngồi kế bên Tánh, đứa cười rúc rích, đứa nhao nhao nói át đi.
       Thấy cả lớp tín nhiệm, tôi động viên Tánh:
       - Thôi, các bạn đã tin mình, em nhận đi. Rồi thầy và các bạn sẽ giúp. Vầy nghen!
       Sau buổi sinh hoạt ấy, tôi biết Tánh đã có vợ, và còn biết thêm là đã có đứa con trai vừa thôi nôi tháng trước. Rồi những ngày tiếp theo, tôi biết gia đình Tánh khó thật. Vợ Tánh là giáo viên tiểu học. Sáng lên lớp, chiều cô ấy phải bán trái cây ở chợ. Một buổi đi học, buổi kia Tánh ra chợ phụ giúp vợ đến tối mịt mới về. Biết là nghe mấy đứa trong lớp chúng kể, chứ chẳng bao giờ Tánh nói chuyện gia đình với tôi. Tôi có nhã ý đến thăm gia đình Tánh, nhưng cậu ấy cứ lần lữa, chẳng bao giờ dẫn tôi đi.

***
         Lớp cao đẳng đầu tiên tôi chủ nhiệm, có nhiều kỉ niệm thật lí thú. Tánh thi tốt nghiệp đạt loại giỏi, được giữ lại trường, làm ở Phòng Giáo vụ. Cái ngày Tánh về phòng, cũng là ngày cưới của tôi. Cô giáo sinh lớp phó của lớp là cô dâu trong ngày cưới. Đã gần lục tuần rồi, tôi mới thành chú rể. Trong đám cưới, tôi nghe có tiếng xì xầm từ mấy nhỏ bạn của Hằng:
        - Như là cha con, mày nhỉ.
        - Nhưng mà nhỏ Hằng nó yêu thầy thiệt tình. Tình yêu không có tuổi mà mày.
       Kệ! Dẫu sao tôi cũng đã có vợ trẻ, xinh đẹp.
       Nói vầy chứ cái ngày tôi sang nhà Hằng đặt vấn đề, thấy cũng ngài ngại. Cứ sợ tía của Hằng bẻ chỉa. Nhưng không. Tôi nói chưa dứt câu, ông Ba một tay cầm điếu thuốc giòng to bự chảng, tay kia đập vào giò cái đét:
        - Thầy...anh không phải nói nữa. Tôi hiểu, tôi biết rồi. Tôi là tôi khoái cái nết nhậu của anh. Được lắm!
       Cũng không nhớ là tôi đã nhậu với ông Ba mấy bận rồi. Bao giờ tôi sang nhà, Hằng cũng xăng xái nấu nồi canh chua cá lóc bành ki cho thầy và tía nhậu tới mút chỉ. Khi đã ngà ngà, bao giờ ông Ba cũng với tay, nhấc cái đờn kìm treo trên tường, vừa lắc lư gảy, vừa ca. Lần nào cũng là bài Dạ cổ Hoài Lang. Ông như muốn trút nỗi buồn xa xăm tự thủa nào vào tiếng đờn kìm và lời ca của mình. Nghe buồn thúi ruột:
"...Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng...
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa Tào Khang
Đêm luống trông tin chàng...".
       Rồi tôi cũng lắc lư ca theo. Buồn, nhưng nghe riết rồi tôi cũng nghiền, cũng thuộc mà ca theo. Mười bận như một, ca xong, ông rót đầy li rượu, ngửa cổ làm cái ực. Rồi ông lại châm tiếp li nữa trao tôi. Rượu của ông tự kháp lấy, uống cứ ngọt lịm. Cứ vầy, cho đến khi ông đổ một góc, tôi cũng đổ một góc, và chuyện hậu cuộc nhậu là của má con Hằng. Và bao giờ tôi cũng nghe câu trách cứ nhẹ nhàng của Hằng:
       - Hôm nay thầy nhậu quá xá luôn. Mai mốt, em hổng cho thầy sang nữa đâu.
       Hơn năm rồi, tôi và ông Ba đã trở thành bạn nhậu của nhau. Ban đầu là mê cái vò rượu ông Ba - rượu ông tự kháp lấy, mê tiếng đờn kìm, tiếng ca của ông, mê nồi canh chua cá lóc của Hằng. Về sau, tôi mê luôn cô giáo sinh của tôi. Và đến lúc tôi trở thành con rể của ông Ba, thật tự nhiên như khi ông một li, tôi một li, bá vai nhau chìm trong tiếng ca buồn Dạ cổ Hoài Lang. Ba má tôi không còn. Quê tôi tận miệt Miền Trung. Vầy là đám cưới được tổ chức ngay tại nhà ông Ba. Ông cũng muốn thế để lên mặt với lối xóm, là ông có đứa con rể giáo sư cao đẳng, đứa con gái là giáo viên bên thị xã. Ông làm đám vu quy đồng thời với đám cưới thật to, bởi nhà ông có. Heo đã vô tạ cả chục con trong chuồng. Lúa vụ này trúng, chất ngất hàng trăm giạ trong nhà. Mấy công nhãn, năm ngoái rớt giá, nhưng năm nay giá cứ lên vù vù. Thương lái từ trên thành phố xuống đặt mua rần rần. Ông khoái, nên ông tổ chức cái lễ cưới thật to cho nở mày nở mặt.
        Đám cưới hôm ấy vui thiệt. Bạn bè của tôi có đến cả trăm. Giáo sinh của tôi, bạn bè của Hằng cơ man nào mà kể. Mâm cỗ bày la liệt từ trong nhà ra tận ngoài vườn. Nhậu thâu đêm. Ông Ba vui lắm. Ông định rước cả gánh hát về, nhưng tôi bảo, đã có đội văn nghệ của trường rồi, nên thôi. Lạ thay, ông uống vầy mà không xỉn. Ông vẫn ca rành rẽ bài ca quen thuộc ấy. Ngày vui, nhưng không có bản nào hay hơn, vẫn là "...Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng...", mà tôi đã nghe biết mấy nhiêu lần. Giọng ca của ông vẫn ngọt lịm như đám tài tử trên Nhà Văn hoá huyện. Thiệt, lối xóm cứ gọi ông là ông Ba Dạ Cổ, hổng sai.
 
***
 
       Hằng ra trường, bà Trưởng phòng Tổ chức của sở thương tình mà giúp tôi, phân Hằng về dạy một trường cấp hai của thị xã. Tôi xin phép ba má Hằng, để chúng tôi vào nội trú của trường. Khu nội trú là cái nhà làm dở dang của nữ tu viện trước giải phóng, được cải tạo lại. Nhà mái lợp lá dừa nước, vách cũng bằng lá dừa nước. Vợ chồng trẻ, có một phòng ở riêng như vầy là hạnh phúc rồi. Sát vách phòng tôi là một căn phòng bỏ không. Nhà nhiều phòng, nhưng giáo viên nội trú không nhiều. Đa phần giáo viên người Bắc vô chi viện.
       Tánh không ở nội trú. Cậu ấy về bên trường tiểu học ở khu nội trú của trường. Ngày còn là giáo sinh, Tánh có nhiều thời gian phụ giúp vợ bán hàng. Khi trở thành nhân viên của trường, Tánh vất vả hơn. Trưa không có thời gian nghỉ ngơi. Về nhà, ăn vội miếng cơm, rồi tất tả gánh hàng ra chợ cho vợ. Tối về, lại ghé qua chợ bán hàng cùng vợ đến tối nhẹp mới lục tục kéo nhau về.
       Rồi một hôm, tôi thấy Tánh đến sớm, mở cửa căn phòng kế phòng vợ chồng tôi, dọn dẹp. Tôi hỏi, Tánh than phiền:
       - Khổ quá trời thầy ơi! Bển người ta xây lại. Bọn em phải xin chuyển qua đây.
       Tiếng xe lôi máy bành bạch. Đèn xe rọi tuốt vào cả mấy gian phòng, sáng rực, rồi tắt ngúm. Điện khu nội trú tối thui, không sáng hơn đèn dầu là mấy. Đêm đó, gia đình Tánh chuyển nhà. Tài sản nhà Tánh chỉ chất đầy hai chiếc xe lôi. Tôi sốt sắng sang phụ giúp Tánh sắp đặt đồ đạc. Phần gia đình Tánh sẽ là láng giềng với vợ chồng tôi, phần khác tôi tò mò, sốt sắng muốn biết mặt vợ Tánh. Vì sao bấy lâu nay, cậu ấy không tâm sự gì với tôi về cô ấy? Ngoài sân, từ trên chiếc xe lôi bước xuống là một người đàn bà nhỏ nhắn, chiếc khăn rằn vắt vai, dắt theo đứa con trai bụ bẫm. Vợ Tánh bước vào nhà. Tôi đứng sững lại nhìn chằm chặp, không tin vào mắt mình nữa. Trời ạ! Kia là Kim Tuyến, cô giáo sinh nhỏ nhắn của tôi ngày nào. Tôi kịp ngăn lại tiếng kêu sắp thốt ra: Sao vậy nè? Gần ba năm qua, Tánh giấu tôi là vì thế này ư? Vì cô giáo Tuyến là vợ nên Tánh không dám tâm sự, không dám để tôi gặp cô ấy hay sao? Hai năm trước, tôi đã nghe mấy đứa trong lớp xì xầm, vợ Tánh là cô giáo của cậu ấy. Tôi ngờ ngợ, chưa tin. Tuyến chào tôi. Tiếng chào nhỏ. Hình như cô ấy cảm thấy như có điều gì đó không bình thường trong cái nhìn của tôi:
       - Em chào thầy! Em có lỗi là từ khi ra trường rồi, không về lại thăm thầy.
       - Hổng sao, thầy hiểu hoàn cảnh của của em - Tôi đỡ cho Tuyến.
 
***
         Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Tai như nghe rõ, từ con rạch sau khu nội trú tiếng bóng nước của lũ cá ăn đêm. Con rạch nhỏ, nhưng tự bao năm rồi vẫn nước ròng, nước nổi. Xa lắm, từ ngoài bưng, tiếng con quốc lẻ bạn cứ khắc mãi tiếng kêu buồn trong đêm vắng. Trong căn nhà này, chỉ cách một bức vách lá dừa nước thôi, bên kia là gia đình người vợ già, chồng trẻ; còn bên này vợ trẻ, chồng già. Có điều gì đó ngồ ngộ trong tình yêu. Mà không, có gì ngồ ngộ đâu. Bởi bao nhiêu ngàn năm rồi, người ta vẫn nói câu: Tình yêu không có giới hạn về tuổi tác đó sao!

                                                                                                   Hà Tĩnh, tháng tư/2010
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.06.2010 18:39:06 bởi levancon >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9