Các cường quốc và sách lược Thái Bình Dương - Vũ Tiến Phúc
huytran 11.06.2010 15:26:41 (permalink)
Nguồn: http://phamthientho.wordpress.com

TỦ SÁCH QUÂN CHÍNH
               SÀIGÒN 1972
  
 
                                MỤC LỤC
                                   * * *
 
           Tựa  
I-       Những hành trình di dân ở Thái-Bình-Dương
 
II-     Trung Hoa: Đông-Nam Chí-Mỹ

 III-   Hoa Kỳ: Định hướng Thái Bình Dương
 IV-    Đại Nga và đường ra biển tự do
 V-      Âm mưu gây sóng gío Mỹ-Nhật
 VI-    Nhật Bản: mơ vào đại lục, nhớ về Hạ-Uy-Di
 VII-  Chiến sự Thái-Bình-Dương
 VIII- Úc-Châu và Tân-Tây-Lan
 IX-   Thái Lan, Miến Điện trong hải vực Đông-Ấn
 X-     Đế-quốc thương mại Hải-dương
 XI-   Từ một cuộc qua phân…đến một tuyên ngôn trung-
         lập…hóa
         · Lược kê sách tham khảo
         · PHỤ BẢN: Bản đồ Đông-Nam-Á Chánh trị
                           Bản đồ Thái-Bình-Dương


    TỰA
Làm dân nước Nhược tiểu khó hơn làm dân một nước Đại cường. Làm chính khách một nước nhược tiểu cũng khó hơn làm chính khách một nước đại cường vì cái lý thế của cuộc diện chính trị muôn đời xui khiến ra như thế.
Bất luận việc gì ở nước nhược tiểu cũng đòi hỏi nhiều phấn đấu nỗ lực. Cứ xem lịch sử hiện đại thì đủ rõ, lọ là phải nói nhiều.
Lúc cuộc thế chiến xãy ra, nước Pháp phải đánh nhau với nước Đức. Nước Pháp đâu có thua trận nhiều bằng nước Nga, nhưng nước Pháp qụy luôn còn nước Nga thì có đất rộng mênh mông để rút lui, thực hiện kế thanh dã, nhử quân Đức vào trọng địa. Nếu cứ chạy dài như vậy thì đã mât đến 3 nước Pháp rồi!
Phiêu linh ở hải ngoại để mưu cuộc phục quốc, phục thù, đối với đại cuờng Mỹ, tướng De Gaulle thường có thái độ ương ngạnh, bất nhân nhuợng, tranh chấp một cách cứng rắn. Thủ tướng Winston Churchill đã có lần khuyên tướng De Gaulle nên hòa dịu hơn, khiêm tốn hơn một chút, De Gaulle đáp lại rằng:
- Ông khác, tôi khác, tôi theo gương ông thế nào được! Ông ở thế mạnh, tôi ở thế yếu. Ông có hải lục không quân, cả một đế quốc rộng lớn. Tôi chỉ có niềm tin và sự kiêu hãnh mà thôi!
Lấy địa vị nưóc Pháp chỉ mới vừa bại trận và vẫn còn nhiều thuộc địa ở hải ngoại mà De Gaulle dã cảm thấy tất cả sự gian nan, tủi nhục của một sự hợp tác bất bình đẳng nơi nước đồng minh thế thì đối với những nước Á-Phi mất chủ quyền hàng mấy thế kỷ, công cuộc tranh thủ độc lập hẳn phải khó khăn gấp bội. Tranh thủ được độc lập rồi thì phải dùng đủ thứ mưu trí khôn ngoan để đối phó với những thủ đoạn quấy phá, thao túng của các cường quốc. Và các cường quốc vì bản chất là cường quốc có nhiều thực lực nên một hành động nào, một mưu lược nào dù vụng về đi nữa cũng có thể đem lại ít nhiều kết qủa tốt đẹp về phía họ và gieo rắc ít nhiều nguy hại cho những nước vừa yếu vừa nghèo.
Làm việc với phương tiện dồi dào thì vừa dễ thành công vừa ít tốn sức. Người buôn thúng bán bưng kiếm lời chừng vài ba trăm cần phải tính toán suy nghĩ nhiều hơn một nhà xuất nhập cảng kiếm lời năm, bảy chục ngàn đồng!
Sự thực chua chát thương tâm cùa cuộc đời là thế.
Người dân nhược tiểu cần phải có nhiều kiến thức hơn người dân đại cường – Nghe có vẽ nghịch lý nhưng cái nghịch lý đó lại là sự thực. Nhất là trong lãnh vực chính trị, người dân nhược tiểu lại càng không có quyền khờ khạo, ngây thơ. Hiểu biết sự thực thì có nhiều khi phải đau buồn vì sự thực nhưng thà như vậy còn hơn là cứ mơ mơ màng màng ru ngủ tâm hồn nhược tiểu bằng những bản tình ca lãng mạng để rồi một khi va chạm với thực tế thì thất vọng, tuyệt vọng não nùng!
Một người tiềm hiểu sự thực, đó chưa phải là hiện tượng có sức mạnh. Một nghìn người tiềm biết sự thực, đó là sự bắt đầu của một sức mạnh có ít nhiều tác dụng rồi. Người dân nhựợc tiểu muốn khỏi thất vọng cũng như muốn tránh sự chìm đắm trong vũng lầy nhược tiểu lâu ngày, cần phải có sức mạnh trong rất nhiều lãnh vực…
Với tư cách một người dân nhược tiểu ở trong địa vực Đông Nam Á nơi mà các thế lực cường quốc dùng làm diễn trường tranh chấp, tôi may mắn được hấp thụ tư tưởng bảo quốc, kiến quốc của các nhà cách mạng quốc gia chân chính và đọc thêm được một số sách báo nói về những điều mình đang suy tư để tiếp tục đi trên con đường tìm sự hiểu biết cho chính mình cũng như cho những người đồng cảnh. Người đồng cảnh thì đông lắm, đó là đại chúng Việt-Nam đang cần thấy rõ những thế lực nào chi phối thân phận… Trong cuộc mưu sinh vất vả hiện tại, không phải ai cũng có đủ thì giờ đi tìm sự hiểu biết cần thiết đâu!
Nghĩ rằng mình đã làm được một chút gì hữu ích cho người đồng cảnh (dù là một chút xíu đi nữa), đó cũng là một ý nghĩ đem lại sự phấn khởi cho những người cầm bút đã trót sinh vào địa vực Á Phi.
Tự thấy mình có bổn phận phải khởi thảo tập sách nhỏ này vì đây là một tia sáng về đại thế thiên-hạ.
SÀI-GÒN – VIỆT-NAM
Ngày Giổ Tổ Hùng-Vương, năm 4.851 Việt-lịch
VŨ – TIẾN – PHÚC
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.06.2010 15:42:50 bởi huytran >
#1
    huytran 11.06.2010 15:28:21 (permalink)
    CHƯƠNG MỘT
    *********************************************************
      
     
    1. NHỮNG HÀNH TRÌNH DI DÂN Ở THÁI-BÌNH-DƯƠNG.
     
    -Đất Mỹ-Châu: hấp lực quyến rũ đối với người Á-Châu.
    -Những người đi theo Thần Tiki. Người Indonésien vượt biển.
    -Việt Nam và Nam-Hải


    I
    địa thế và thủy thế

     
    Tên cũ của Thái Bình Dương chỉ gồm có hai chữ giản dị mà rất đúng sự thật. Đó là Đại Dương (Grand Océan). Tất cả các biển trên thế giới cộng chung lại được 361 triệu cây số vuông diện tích, 1.370 triệu cây số khối nước, một mình Thái Bình Dương đã chiếm được 180 triệu cây số vuông diện tích và 724 triệu cây số khối nước rồi. Hơn môt nửa nước của thế giới đều dồn về đây, tĩnh từ Đại thật xứng với Thái Bình Dương hùng vỹ! còn cái danh từ Thái Bình là do nhà thám hiểm Magellan đặt ra. Lần đầu vượt Thái Bình Dương, nhà hàng hải Tây Phương may mắn không gặp bão tố. Tuy nhiên, đến quần đảo Phi Luật Tân mặc dầu được dân địa phương tiếp đãi rất tử tế, y cậy mình có súng và có áo giáp, gây sự với vua chư hầu Silapulapu và bị thổ dân giết chết tại trận. Sóng gío dấy lên từ tánh tham bạo, dâm ngược của đoàn thủy thủ Tây Ban Nha…!
    Thái Bình Dương rộng bao la và nhiều sóng gío. Đại Dương mở rộng về phía Nam, thu hẹp về phía Bắc. Quần đảo Aléoutiennes là những nhịp cầu thiên tạo để du khách tìm đường từng đợt, tuần tự tiến lên Mỹ Châu. Eo biển Béring lại hẹp, trước thời kỳ Đệ tứ băng hà chấm dứt, hai đầu Á-Mỹ còn dính liền nhau. Có lẽ người Á châu sơ thủy (Asiates) tổ tiên của người Da đỏ đã do đường này đến lập nghiệp ở Mỹ.
    Theo thuyết của Clifford Evans, cách đây 5.000 năm, người Nhật đã đến làm ăn, dựng một thị trấn ở Valdivia, trên đường xích đạo Nam-Mỹ. Chứng cớ là người ta đã khai quật được ở đây những mảnh đồ sứ xa xưa của người Nhật, sự phát kiến những di tích Nhật ở Nam-Mỹ làm cho các nhà nhân chủng học kinh ngạc, bàng hoàng…
    Theo thuyết của John Fryer ở Đại học California, năm 458, năm vị thiền sư (một là người Trung Hoa, bốn là người dân Á Phú Hãn) đã đến Mỹ châu để truyền bá Phật giáo. Sự việc này được chứng minh băng những tài liệu lịch sử xác thực, rõ ràng. Thêm nữa cách kiến trúc đền đài của dân Maya ở Trung Mỹ có nhiều điểm giống với nghệ thuật Chu-Tần.
    Người Polynésien như người Maori ở Tân Tây Lan là những nhà hàng hải có đủ tài năng và can đảm để thực hiện những cuộc hành trình xa xôi giữa muôn trùng sóng gío. Đâu có phải vì một sự tình cờ mà củ khoai lang ngọt ở vùng Đa Đảo giữa Thái Bình Dương và ở Pérou (góc Tây-Bắc Nam Mỹ, đều gọi là Kumara). Chính những nhà hàng hải Polynésien đã đem ra Hải Dương Châu con heo, con chó, con gà. Về thảo mộc, họ đem đến cây dừa, cây bành (arbre à pain), cây chuối, khoai môn, khoai hoàng tinh, khoai lang ngọt. Tất cả những thứ ấy trừ con chó và củ khoai lang ngọt đều là sản vật của miền Nam Dương quần đảo và Mã Lai.
    Lại cũng không phải là sự tình cờ mà tiếng Mérina ở Mã Đảo “Đông Phi“ lại bà con với tiếng Mã Lai ở Đông Nam Á. Người Thượng ở Mã Đảo giống như người Thượng ở Trường sơn Việt Nam.
    Những cuộc di dân tấp nập và thành công của người Polynésien về thời Thượng Cổ chứng tỏ rằng họ đã có kỹ thuật hàng hải rất cao, biết rõ các giòng hải lưu và các mùa gío.
    Cách bờ biển Chili 3.200 cây số về phía tây có quần đảo Tượng đá (người Pháp gọi là đảo Pâques vì người Tây phương đổ bộ lên đảo vào ngày lễ Phục Sinh năm 1722), thổ dân còn nhắc đến việc dựng nước của vua Hotu Matua. Mặc dầu đã trải qua nhiều biến cố, các lái buôn nô lệ Tây Phương bắt bớt dần, đốt phá sách sử của dân đảo, nhưng những tài liệu còn sót lại chứng tỏ họ đã có trình độ văn minh cao, có thứ chữ tượng hình, biết chép sử sách. Những tượng đá vỹ đại nặng hàng 20-30 tấn là những công trình điêu khắc huyền bí có ý nghĩa sâu xa.
    Ở quần đảo Tiki (người Pháp gọi là Les Marquises, quần đảo của Hầu tước phu nhân) thổ dân có dấu được trong hang đá những di tích lịch sử về đạo thờ Thần Thái-Dương. Thổ dân là con cháu của những người đã dùng bè gỗ lalsa vượt 8.000 cây số trùng dương, tiến mãi về phuơng Tây, đi tìm thử nơi nào Thần Thái-Dương lặn nghĩ. (Sau thế chiến, một nhà hàng hải Na Uy là Ther Heyerdahl đã diễn thử cuộc hành trình truy tầm Mặt Trời bằng bè gỗ từ bờ biển Pérou (Nam Mỹ) đến giữa Thái Bình Dương. Cuộc thực nghiệm kiểm chứng thành công và trên hải trình đi qua nhiều quần đảo Ther Hayerdahl đã có dịp đau lòng nhận xét rằng từ thế kỷ thứ XVI với sự thám hiểm của Magellan, các nhà hàng hải, các lái buôn Tây Phương đã hủy diệt, tàn phá các nền văn minh hải đảo, di hận rất nhiều cho những con người còn có một chút liêm sỉ và có nhân cách đủ để làm người…!).
    Thủy thế và đại thế không thể ngăn trở đuợc sự giao thân giữa Á Châu và Mỹ Châu qua trung gian Hải Dương Châu với 3 nhóm quần đảo Polynésien, Micronésie, Mélanésie. Những quần đảo ấy, kể cả Úc Châu và Tân Tây Lan vào đầu Đệ tứ nguyên đại đã có vài lần dính liền với Á Châu. Đến khi đất sụt, thu hẹp diện tích, biển lan rộng thêm, những người muôn năm cũ còn ghi nhớ bờ cỏi, phong cương, đã náo nức đi tìm dấu vết quốc thổ. Có lẽ đó cũng là một lý do mà người Polynésien, người Indonésien thời đó đã không ngại những cuộc viễn trình, Vì lý do tôn giáo hay vì tình cảm hoài hương, những người Á Châu đã lập được những thành tích hàng hải oai hùng trước khi người Tây Phương đổ đến…
    NAM-HẢI: Đia-Trung-Hải Đông Nam…
    Từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, ba vùng biển có liên quan mật thiết đến vận mạng các dân tộc Á Châu, có sự giao thông đều đặn từ hải đảo vào và từ đại lục ra hải đảo là Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải.
    Nam Hải là một Địa Trung Hải quan trọng bởi vì quần đảo Nam Dương – Mã Lai là trạm khởi hành cho những cuộc thám sát viễn dương. Các nhà hàng hải Tây Phương gọi dân Polynésien như thổ dân Hạ Uy Di, Tân Tây Lan, Samoa là những ngưòi Viking ở Đông phương, bởi vì trong lịch sử nhân loại ở Âu châu và dân Ponynésien ở Á châu là những thứ dân có nghệ thuật tiến bộ sớm nhất và có những thành tích vượt biển đáng khâm phục nhất.
    Dân Polynésien phát tích ở Hawaiki, lưu vực sông Hằng, đến quần đảo Nam Dương – Mã Lai hòa đồng với người cổ Mã Lai rồi sau đó mới giong thuyền đi khắp các hải đảo Á Châu và Đại Dương Châu. Những thành tích gần nhất còn ghi trong trí nhớ mọi người như vị anh hùng dân tộc của dân Maori ở Tân Tây Lan là Kupé đến hải đảo này vào thế kỷ thứ X. Hai thế kỷ sau. một nhà hàng hải khác là Toi lại đe dân đến từ đảo Tahiki đến đảo Bắc của quần đảo Tân Tây Lan, đảo Mây trắng Ngàn Dặm.
    Riêng trong vùng Nam Hải, nguời Indonésien cũng lập được nhiều thành tích khả quan. Coi Nam Hải là Địa Trung Hải, đảo Đài Loan trấn giữ giới hạn ở phía Bắc, quần đảo Phi Luật Tân hơn 7000 đảo làm giới hạn phương Đông, quần đảo Nam Dương hơn 3000 đảo làm trạm tiếp cư ở phương Nam, bờ đại lục Á Châu ở phía Tây là nơi dân Indonésien xuất phát. Nam Hải có giòng hải lưu đi lên từ phía Phi Luật Tân đến hải phận Quảng Đông rồi uốn quanh xuống trong hải phận nước Việt. Người Indonésien, người Chiêm thành đều biết lợi dụng hải du này trong những cuộc hải trình xa xôi. Người Chiêm thành có đến Sa Na trong đảo Hải Nam, người Indonésien đến Phi Luật Tân và đi xa đến tận đảo Bornéo. Người Dayak ở Bornéo và người Djarai ở Trường sơn Việt Nam có huyết thống và ngôn ngữ rất gần nhau.
    Từ căn cứ Nam Dương, Mã Lai, người Indonésien còn đi xa về phía Ấn Độ Dương, đến tận Mã Đảo và Đông Phi nữa. Trong cuộc di dân khoảng 1500 năm trước Tây lịch, người Indonésien đến đảo Sumatra. Những đồ đá tìm thấy ở tây bộ Java giống như đồ đá tìm thấy ở Đông Sơn. Dân Mã Đảo gọi quê hương mình là Nyarrivun´ny riaka, nghĩa là đất ở giữa các giòng sông, biển, nơi mà các hải lưu dồn về từ phương Đông. Chỉ cần tránh mùa gío bão là các sõng, thuyền độc mộc, bè gỗ từ phương Đông có thể đến Mã Đảo dễ dàng. Khoai mì (sắn, tiếng Bắc), khoai mài (Huỳnh tinh, tiếng Trung, Nam) là những thực phẩm do người Indonésien đem tới.
    Bờ cỏi Đại Việt và Chiêm Thành là những cứ điểm tốt, phía Bắc thông lên Hoa Nam, phía Nam xuống Phù Nam – Chân Lạp, Mã Lai, phía Đông nhìn ra Lữ Tống. Chính vì lợi thế này mà giặc biển Đồ Bà trong thế kỷ thư VIII đã chiếm cứ quần đảo Côn Lôn, tiến đánh Châu Tân Đồng Long (Khánh Thuận) của nước Hoàn Vương (Chiêm Thành) và Châu Hoan, Châu Ái của An Nam đô hộ phủ. Người Đồ Bà muốn làm được công việc như Cri Mara, vua sáng lập ra nước Lâm Ấp, tiền thân của Chiêm Thành. Định chiếm giữ mà không xong thì cướp bóc rồi rút ra căn cứ hải đảo. Điều mà giặc Đồ Bà đã làm vào thế kỷ thứ VIII thì 9 thế kỷ sau, thuyền trưởng Hòa Lan là Flatvoet cũng cố gắng mà làm. Flatvoet nhận được mệnh lệnh của phủ toàn quyền Hòa Lan ở Batavia phải thuê đầm Mang Rang. Việc thuê mướn không thành, người Hòa Lan quay sang nghề cướp giật, gieo rắc kinh hoàng từ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho đến quần đảo Côn Lôn.
    Sự hiện diện của giặc biển chứng tỏ Nam Hải là một biển giao thông tấp nập…mặc dầu nếu gặp cướp hoành hành mạnh qúa thì thương nghiệp phải đình trệ, tiêu vong. Nói cho đúng thì giặc cướp biển, tùy theo trường hợp mà biến thành thượng khách có thể mua bán sòng phẳng. Có khi họ là giặc cướp đối với nước này mà là thượng khách đối với nước kia.
    Nam Hải là biển giao thương trọng yếu của các nước Đông Nam Á, chính vì lẽ đó mà nhà Nguyên muốn đặt quyền thiên tử của mình trên đảo Java. Năm 1293, thủy quân nhà Nguyên đánh Java (đảo lớn trong Nam Dương quần đảo). Năm 1294, đánh Lữ Tống, đảo Bắc của quần đảo Phi Luật Tân.
    Nhà Nguyên chuyên dùng oai võ chứ thế lực kinh tế không có bao nhiêu. Chính sách Nam Hải của nhà Minh thành công hơn. Khởi đầu từ năm 1405, Trịnh Hòa đem 62 tàu lớn, thủy binh đông đến 27.800 người xuống Nam Dương. Cùng đi với Trịnh Hòa còn có Vương Cảnh Hoằng và về sau còn có Thạch Hiển. Dân chúng các tỉnh Mân (Phúc Kiến) Việt (Quảng Đông) theo chân Tam Bảo Thái Giám đến lập nghiệp ở Đông Nam Á rất đông. Thế lực kinh tế thực dân của nhà Minh rất lớn đến nổi về sau có Trịnh Chiêu làm vua ở Xiêm La, Lương Đạo Minh làm vua ở Tam Phật Tề (bán đảo Malacca). Vương Cơ làm vua nước Thuận Pháp trên đảo Java, Trần Tổ Nghĩa làm vua ở Cựu Cảng v.v…
    Nam Hải, các nước bên bờ đại lục cũng như các đảo quốc bao quanh là một miền xung yếu của Á Châu, một nơi mà xưa nay các thế lực cường quốc thường tìm cách thu phục, dàn trải ảnh hưởng. Xung yếu ngay từ vị trí then chốt, chế ngự đường hàng hải Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Càng đến gần thời đại hiện kim, vị trí then chốt càng tăng thêm giá trị.
    VIỆT NAM: Những nỗi ưu tư của các bậc quốc sĩ.
    Người hiểu biết gía trị các hải đảo và sức mạnh của chiến thuyền trong công việc quốc phòng, hiểu một cách thấu triệt và có thiện chí tối tân hóa thủy quân Việt Nam là vua Minh Mạng. Nhà vua sai người đi thám sát chính trị để hiểu rõ đại thế thiên hạ. Như năm 1835, sai Thân Văn Quyền đi Lữ Tống (Phi Luật Tân). Năm 1836, sai Nguyễn Tri Phuơng đi Hạ Châu (Tân Gia Ba), vừa hộ tống tàu bạt gío của Anh Cát Lợi, vừa dò xét sự thông thương của người Tân Phương. Năm 1839, việc chế hỏa thuyền, tàu chạy bằng hơi nước thành công. Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh có công giám đốc thợ thuyền được trọng thưởng. Vua ngự xem máy chạy và phán rằng:
    - Tàu này mua bên Tây cũng được nhưng ta sai chế tạo, không ngại tốn kém là muốn cho thợ thuyền trong nước quen với máy móc, tập nghề cho khéo, cho tinh.
    Các nơi hiểm yếu trong nước đều có đồn bảo giữ gìn, nhất là các đảo trấn hải thì lại càng được nhà vua chú ý. Như đảo Kim Dự ở Hà Tiên, đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi Đà Nẳng. Vũng biển và quần đảo Hoàng Sa, sách Tinh đà Thắng lãm của người Tàu gọi là Thất châu dương (biển bảy bãi, đảo lớn) chế ngự đường hàng hải đi Hải Nam về phía bắc, đi Dà Nẳng về phía Tây, nhà vua đã cho lập Đội Hoàng Sa để phòng giữ thường xuyên, lấy dân ở đảo Lý Sơn (cù lao Ré, Quảng Ngãi) sung vào.
    Vua Minh Mạng băng rồi, 4 năm sau phái bộ Đào Trí Phú đi Tân Gia Ba về còn dâng lên vua một chiếc hỏa thuyền. Đây là hỏa thuyền kiểi mới, máy móc tinh xảo hơn những chiếc tàu do người Pháp chế tạo từ đời Gia Long.
    Gỉa sử vua Thiệu Trị biết noi theo gương tiên đế, lập ra công binh xưởng cho thợ thuyền trong nước tập quen nghề máy móc. Nếu những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia thời Tự Đức hiểu được cái xu thế tiến hóa của các cường quốc Tây Phương và những tham vọng của họ…
    Nhưng thôi! sống là phải huớng về tương lai. Sự hoài niệm dĩ vãng chỉ có ích lợi khi làm tăng thêm ý chí sinh tồn, nhuệ khí tiến thủ của dân tộc. Hải phận nước ta từ Mang Nhai (Móng Cái) vào đến Lộc Trĩ (Hà Tiên) dài đến 2300 cây số lại có các đảo trấn hải như Cát Bà, Cái Bầu trong vịnh Bắc Việt, Hoàng Sa, Phú Qúi dọc theo bờ biển miền Trung, Thổ Châu, Côn Lôn, Phú Quốc, canh chừng viễn dương… thực là có cái thế hùng cứ trong một miền Nam Hải rộng lớn. Bờ biển Khánh Thuận theo lời Marcel Monier trong sách Vòng quanh Á Châu (Le tour d´Asia) là một đoạn bờ biển mây trời, đá núi, sóng nước phối hợp màu sắc xinh đẹp nhất hoàn cầu. Hải sản của chúng ta cũng nhiều vì dân tộc chúng ta ăn cá mắm nhiều hơn ăn thịt. Có địa thế và hải thế tốt, có tài sản thiên nhiên phong phú mà không biết khai thác cho đúng phương pháp để đem lại sinh kế dồi dào cho quốc dân… việc thất cơ di hận vô cùng trong thế kỷ XIX quyết không nên để cho tái diễn.
    Cơ sở kinh tế của ta là nông ngư nghiệp. Công tác sơn phòng và công tác hải phòng đều trọng yếu như nhau.
    Chiến sĩ Cần-Vương tiên phong của miền Trung là Phan-Trung khi đi qua những hải cảng tốt ở vùng Khánh Thuận đã phải than thở:
                        Bi ngã hải tần vô chiến hạm…
                        Tàn đăng sổ điểm hữu ngư châu.
               dịch:
                        Trông vời chiến hạm ta đâu…
                        Đèn tàn le lói thuyền câu giữa giòng.
    Chúng ta không khỏi phải than thở não nùng nhưng chúng ta vẫn phải lo.
    Sinh kế của ngư dân, an ninh trên mặt biển phải hữu hiệu. Các tàu đánh cá của ta vẫn còn lẩn quẩn trong hải phận nước nhà. Kỹ nghệ cá hộp của ta còn ấu trĩ.
    Biết bao vấn đề làm cho những người hữu tâm với đất nước phải buồn lo. Chúng ta thừa kế phần đất Chiêm Thành, người Chiêm xưa kia là những thủy thủ dũng cảm. Chúng ta lại thừa kế bình nguyên Cửu Long của đế quốc Phù Nam. Đế quốc này có một nền ngoại thương trên mặt biển rất phát đạt. Chúng ta đã có kế hoạch gì để mạnh về hải quân, giàu về ngoại thương khi chúng ta đã tranh thủ được nền hoà bình cần thiết?
    Ở miền đất và miền biển xung yếu, chúng ta phải có những sách lược hưng quốc để có một ngày nhìn muôn trùng sóng biếc Nam Hải, chúng ta nói được chữ “Mare nostrum“, Biển của chúng ta…


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/4245/D9FE9F5AF1DD485D8D30D3F3352D84EE.jpg[/image]
    Attached Image(s)
    #2
      huytran 11.06.2010 15:30:01 (permalink)
      CHƯƠNG HAI
       ****************************************************************            
       
       2. TRUNG HOA: ĐÔNG NAM CHÍ MỸ. 
       
    • Cõi bờ hải nội. Đài Loan, một cục nợ cho hai triều đại Minh, Thanh.
       
    •  Trịnh Hoà xuất xứ viễn dương, một hành động vô tiền tuyệt-hậu.
       
    •  Đông-Nam: chính sách viễn giao cận công.
      II
      tư tưởng đại lục
       
      TRUNG-HOA; trong ý thức thiên địa định vị giao hòa, tự coi mình là trung tâm thế giới. Tự cao, tự đại nhưng vẫn đúng một phần. Từ đời Tần Hán đến giờ, ít nhất Trung Hoa cũng đã là trung tâm văn hóa cho toàn cõi Á Đông, có ảnh huởng chính trị, văn hóa thấm nhuần các nước từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Ảnh huởng chính trị vượt qua Hoàng Hải mà vào đất Nhật chứ binh thuyền Trung Hoa chưa xâm phạm Nhật bao giờ. (Những trận thủy chiến năm 1274 và 1281 là do nhà Nguyên chủ trương với sự trợ lực và cố vấn kỹ thuật của người Triều-tiên, chứ hồi đó nhà Tống đã diệt vong từ mấy năm trước).
      Ba triều đại gọi là Tam vương, Hạ, Thương, Chu, chỉ lo kinh doanh lưu vực Hoàng Hà. Vua nhà Chu phong cho Thái Công Vọng ở đất Tề, trong bán đảo Sơn Đông tiếp giáp với biển. Tài nguyên sau này giúp cho Hoàn Công và Quảng Trọng dựng nên nghiệp bá, một phần lớn nhờ ở muối biển. Tuy biết rằng trùng dương đem lại nhiều nguồn lợi, song người Trung Hoa ít muốn vượt biển ra khơi.
      Bắc nhân kỵ mã, Nam nhân thừa thuyền.
      Người phương Bắc cỡi ngựa, người phương Nam cỡi thuyền, đó là phân biệt về khả năng và cách sinh hoạt của Hoa Bắc, Hoa Nam. Người Hoa Bắc thuần chủng hơn người Hoa Nam. Trong huyết thống Hoa Nam có giòng Sở, Việt, Thái. Hoa Nam nhiều mưa, nhiều sông ngòi hơn Hoa Bắc, con người sinh trưởng phải thích ứng với hoàn cảnh, phải biết chèo thuyền. Họ chèo thuyền rất tài, có thể kẹp mái chèo vào giữa ngón chân cái và các ngón khác, tay cầm lái, thuyền lướt trên sông rạch phăng phăng.
      Vua chúa các triều đại Tần, Hán, Đường đều là người Hoa Bắc, bảo thủ tư tưởng đại lục, không thích chuyện thám hiểm viễn dương. Cứ xem Hán văn dùng chữ “hải nội“ đồng nghĩa với chữ “quốc nội“ thì đủ biết người Hán không có tham vọng xa xôi về những miền đất ngoài khơi Đông Hải. Đức minh trị của nhà vua mà sáng chói thì người phương xa tìm đến xin vào chầu. Không lo mình không thống trị được cõi xa, chỉ lo mình thiếu ân đức. Nếu mình có ân đức thì:
      Tọa pháp cung trung triều Tứ Di.
      Cứ ngồi yên ở trong cung mà Di, Địch bốn phương nghe tiếng chính trị nhân ái, tìm đến xin thần phục. Như vậy gọi là đức hóa.
      Vua Hán Cao Tổ không ưa vượt biển cho nên di thần của nước Tề là Điền Hoành chỉ chiếm giữ vài hòn đảo hoang ngoài tỉnh Sơn Đông mà nhà vua không hề nghĩ đến việc dụng võ. Nhà vua rất lo ngại Điền Hoành nuôi dưỡng sĩ tốt, tạo thành thế lực lớn nên vội sai Lục Gỉa đi thuyết hàng càng sớm càng hay. Nếu Điền Hoành không tự sát nửa đường thì chắc vua Hán sẽ phong cho một chức quan,  một tước hầu mà lưu giữ Điền Hoành trong nội địa. Thả về ngoài đó, ai dám theo mà kiểm soát những hành động khuấy nước, chọc trời?
      Võ công như Hán Vũ Đế mà cũng chỉ đến đào ao Côn Minh để luyện tập thủy sư chứ không dám xuống sông Trường Giang hay đến Hồ Động Đình mà thao diễn quân sự. Thích việc sông nước như Tùy Dượng Đế thì cũng chỉ đến đào vận hà nối liền Nam Hoa, Hoa Bắc và ngao du trong sông mà thôi. Kỵ biển.
      Vua Thái Tông nhà Đường thân chinh đi đánh Cao Ly. Truyện kể lại rằng quân sư Từ Mậu Công phải cho kết nhiều thuyền lại rồi cho cất nhà lầu lên trên để nhà vua khỏi sợ sóng. Không cần luận rằng việc ấy có đúng trăm phần hay không, chỉ cần biết răng người kể và người nghe đều có cái mặc cảm như nhau là e ngại sóng gío. (Sóng gío là chuyện tối kỵ, cho nên để diễn tả một tai nạn lớn, người Trung Hoa dùng chữ bình địa khởi phong ba). Tự mình có sẵn cái tâm lý sợ biển, sợ sóng cho nên khi thấy có người phương xa vượt biển, đến triều kiến thì mình sẵn sàng đãi ngộ một cách đặc biệt để đền đáp lại tấm lòng mến nghĩa tìm về.
      Năm 631, vua Chiêm là Phạm Đầu Lê (Kandapadharma) tiến cống các đồ trân bảo hải ngoại, trầm hương, kỳ nam, pha lê lưu ly, ké trắng, ké ngũ sắc, sừng tê, ngà voi. Vua Thái Tôn nhà Đường thích qúa, truyền chỉ đến khi vua “thiên thu vạn tuế hậu“ thì đặt tượng Phạm Đầu Lê ở sơn lăng để nhà vua có một bầy tôi trung nghĩa.
      Ngoài biển là thế giới của thần tiên. Vượt biển đi buôn bán phương xa là sáng kiến tự động của nhân dân, chính phủ không hề khuyến khích bảo trợ. Thế kỷ VI, ghe thuyền Trung Hoa đã đến buôn bán ở Virapura, thủ phủ Châu Tân Đồng Long (Panduranga, Khánh Hòa, Bình Thuận). Ghe thuyền La Mã đến buôn bán với Phù Nam, nhờ Phù Nam là một trung tâm thương mại lớn ở Á Đông mà Trung Quốc biết đến nước Đại-Tần (La Mã). Những kinh nghiệm hành trình đều do lái buôn Hoa-Nam thu thập, hoặc do bản thân kinh lịch, hoặc do người khác truyền dạy, trình bày.
      Vào thời oai võ cực thịnh, giữa thế kỷ VIII, nhà Đường có 6 phủ đô hộ (An Đông, An Bắc, Bắc Đình, Thiền Vu, An Tây, An Nam), nhà Đường cũng không dám vượt biển đi xâm chiếm một đảo nhỏ nào ở hải ngoại. Nhật Bản là nước ở gần, du học sinh Nhật Bản có đến trọ học ở Trường An, nhà Đường sẵn sàng dung nạp. Nhưng mở mang thế lực quân sự mà phải vượt biển thì nhà Đường nhất thiết không làm, không muốn mạo hiểm. Trường hợp thân chinh Cao Ly của vua Thái Tôn chỉ là một hành động lẻ loi, thêm nữa bán đảo Triều Tiên dính liền với đại lục. Người Hoa Bắc kỵ mã chứ không chịu thừa thuyền. Có người giải thích sự việc này bằng thuyết dân Hoa Bắc có pha giống với các thứ rợ Hồ du mục ở miền sa thảo. Việc phối hợp giữa người Hoa Bắc và các chủng tộc Di Địch là một việc có từ đời nhà Chu hay trước hơn nữa cũng nên. Người Trung Hoa không quan niệm tinh thần dân tộc bằng huyết thống như các dân tộc khác. Dù là Di Địch mà theo văn hóa Trung Quốc thì Trung Quốc sẵn sàng coi là ruột thịt, anh em. Có thêm huyết thống dân du mục sa thảo trong mình, dân Hoa Bắc lại càng kỵ biển.
      Điều đáng chú ý tức cười là dân Trung Hoa hay nói đến long xà. Long là biểu hiệu tuợng trưng cho nhà vua mà không một ông vua Hán, Đường nào ngự thuyền ra ngắm biển khơi một chuyến. Con long của Trung Quốc cũng không cần ở biển mà có thể ở trong giếng, trong sông, trong ruộng nước. Hữu thủy tất hữu long, hể có nước là có rồng, sông Hoàng cuồn cuộn đủ có long xà, ra biển tìm long chi nữa? Kinh dịch có câu:
                                -  Long chiến vu dã, ký huyết huyền hoàng.
      Một cánh đồng ruộng đủ làm chiến trường cho bầy rồng, không cần phải ra biển khơi. Một cơn mưa giông, sấm sét đầy trời là thừa đủ điều kiện cho long xà biến hóa. Cá chép vượt đủ ba cấp Vũ-Môn có thể hóa thành long. Vũ-Môn là thác nước trong đại lục.
      Tư tưởng đại lục ăn sâu vào tiềm thức dân Hoa Bắc. Những câu thơ tả cảnh biển khơi trong Đường thi rất hiếm, rất khó tìm. Những bức danh họa đời Đường không có bức nào vẽ sóng biển.
      Chính trị Trung Quốc thời Hán, Đường thiếu hằn cái việc thám hiểm, tìm đất mới nơi hải ngoại.
      HẢI ĐẢO: Những món nợ ưu phiền.
      Những tay thảo khấu, giang hồ vong mạng, ở trong đại lục bị truy nã, chạy ra hải đảo, tụ tập thuyền bè, ngày thường sống nhờ hải sản, đón cướp thuyền buôn. Khi có quân số đông, bọn chúnh xông vào cướp phá các làng xốm trù phú ở đại lục, vây hảm huyện thành, tỉnh thành. Trên các hải đảo, chúng cũng thường khẩn hoang, trồng trọt hoa màu để tính kế tự túc lương thực. Những kho lương thực chôn dấu giúp chúng cố thủ trong hải đảo những ngày bị các lực lượng an ninh đại lục bao vây. Nếu chúng thất trận, lực lượng hao mòn, chúng im hơi lặng tiếng một thời gian rồi lần hồi khôi phục nếp sinh hoạt cũ. Các hải đảo là những căn cứ quân sự của các hải khấu thường xuyên đe dọa đại lục, hải khấu có thể đến tự phương  xa như Oa Khấu chiếm cứ Đài Loan, giặc Đồ Bà qui tụ về Côn Lôn trong Nam Hải… Từ Đài Loan, hải khấu đổ quân lên Phúc Kiến, xông vào Triết Giang. Từ Côn Lôn giặc có thể cướp phá miền Khánh Thuận hay tiến xa hơn nữa, ập xuống Trung châu Bắc Việt…
      Từ Hải trong đời Gia Tỉnh triều Minh là một tên tướng cướp, có quân Oa Khấu hợp lực, làm cho khói lửa bừng lên ở các thị trấn trù phú các tỉnh Mân, Triết, báo hại quân triều phải ứng chiến rất gian nan. Truyện Kiều ghi về binh uy của Từ Hải bằng câu. 
                                        Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
                                Binh uy từ đó sấm vang trong ngoài.
      Các tướng giặc về sau bị Hồ Tôn Hiến dụ hàng rồi giết đi nhưng tình thế cũng chỉ tạm yên đuợc một lúc. Không phải triều đình không đủ sức trấn giữ những đảo ngoài khơi. Nhưng quan lại thường tham ô, những tay hào kiệt trong đám dân gian bất bình cứ vịn vào cớ đó mà khởi loại. Dân hải đảo lại quen thói dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi, bất đắc dĩ mới phải chấp nhận sự hiện diện của quan triều, nên hễ cứ thấy có người xướng xuất phản đối là đua nhau hưởng ứng. Có khi bị bắt ép phải hưởng ứng vì tướng giặc cũng như quan triều đều ra lệnh trưng binh. Lương tiền phía bên tướng giặc thường được chi một cách rất hào hiệp. Ai mạnh, ai xài bảnh thì dân theo.
      Sự việc cứ như thế mà phát sinh, diễn tiến, tái phát, tái diễn, thành ra hải đảo với vua quan trong đại lục là những cục nợ ưu phiền. Hải khấu tuy không đủ sức làm khuynh đảo triều đại, không phải là thứ bệnh nguy trong thế phủ, hải khấu chỉ là những thú bệnh ghẻ ngoài da nhưng nhiều khi cũng gây ra lắm nỗi xót xa, đau nhức. Hải khấu hoạt động của giặc biển Đồ Bà là Nam Hải, hải vực của Oa Khấu là Đông Hải, Đài Loan. Sự việc cứ diễn tiến như thế từ thuở Hán, Đường xa xưa cho đến cuối thế kỷ XIX, khi mà trong phần Nam Hải thuộc hải phận Việt Nam, Bùi Viện tổ chức được các đoàn quân tuần dương tinh nhuệ, và ở Đông Hải, Nhật Bản làm chủ Đài Loan, dùng những phép sắc máu, chấm dứt nạn hải khấu ngay tự gốc rễ. Năm 1895, Thanh triều phải cắt nhượng Đài Loan cho Nhật, xén bỏ một cục nợ ưu phiền nhưng lại phải mang mối sỉ nhục, tổn thương thể diện.
      Đã có một lần Đài Loan suýt gân thành nạn lớn và chỉ có một lần đó mà thôi. Số là khỏng giữa thế kỷ XVII, Thanh triều hạ lệnh gọt tóc thắt bím rất nghiêm ngặt. “Lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu!“. Còn tóc thì mất đầu, còn đầu thì phải gọt tóc, sĩ dân miền Hoa Nam phẩn nộ, Ngô Tam Quế bất bình vì ngôi Vương Bình Tây của mình sắp bị triệt bỏ, bèn truyền hịch khởi nghĩa, dân chúng xa gần đều nô nức hưởng ứng, tưởng đâu ngày quang phục của dân tộc đã đến gần rồi. Đài Loan lúc bấy giờ là giang sơn của Trịnh Thành Công, một bậc di thần của nhà Minh chưa nguội tấm lòng báo quốc. Trịnh Thành Công, mẹ là người Nhật nên có tên Nhật là Koxinga. Qui tụ được nhiều Oa Khấu ở dưới cờ, Trịnh Thành Công có một lực lượng thủy quân khá mạnh. Nhờ vậy mà đã đánh đuổi được Hòa Lan để độc quyền chiếm giữ Đài Loan, mưu tính việc đồ báo trung nghĩa. Thừa lúc có loạn Tam Phiên mà Ngô Tam Quế là kẻ cầm đầu, Trịnh Thành Công đổ quân đại lục, tiến vào chiếm giữ Kim Lăng (Nam Kinh), làm lễ yết kiến tôn lăng Minh Thái Tổ, sĩ dân rất cảm động, nhiều người tình nguyện chạy theo chân ngựa, lo việc khôi phục sơn hà. Nhưng rồi Tam Phiên không có hành động nhất trí, Ngô Tam Quế tự xưng là Chu Đế, đòi chia nước nghị hòa với Thanh Triều, trước đó thì Thượng Chí Tín, con của Bình Nam Vương Thượng Khả Hỷ, đã về hàng nhà Thanh, trước tình thế nội bộ phân ly đó, Trịnh Thành công đành phải lui binh về Đài Loan. Quân Thanh đâu có dám truy kích. Sau khi Ngô Tam Quế thất bại, vua Khang Hy cũng không dám nghĩ đến việc trực đảo sào huyệt, đánh thẳng ra Đài Loan để diệt trừ tận gốc mối lo về sau. Mãi cho đến năm 1683, sau khi Trịnh Thành Công qua đời, nhà Thanh thừa lúc Trịnh Kính thơ ấu, sai Thi Ngân đem binh đánh dẹp.
      Dẹp được họ Trịnh ở đảo Đài loan, vua tôi nhà Mãn Thanh chỉ yên tâm được it lâu rồi đâu lại váo đấy. Tình hình Đài Loan lại sội động. Đời vua Càn Long, nhà vua lại phải dùng đại binh phong tỏa và tiến đánh Đài Loan vì những người trong các hội kín hưng Hán bài Mãn, cứ lấy hải đảo này làm cơ sở khởi nghĩa. Việc đánh dẹp Dài Loan vào năm 1787 đuợc Thanh triều ghi vào hàng Thập toàn võ công. Đủ biết nỗi bận tâm của các vua quan đại lục.
      Giữ các hải đảo thì giữ không yên, chính thức bỏ đi thì luyến tiếc, cắt nhượng cho người ngoại quốc thì ô nhục, rõ ràng là cái nợ của truyền kiếp bỏ thì thương, vương thì tội, các vua quan đại lục thiếu hẳn cái chí khí trấn hải nên không có phuơng lược giải quyết vấn đề hải đảo cho êm đẹp để giữ gìn quyền lực và thể diện Thiên triều.
      Chính sách viễn giao cận công và 7 lần xuất xứ tây dương của Trịnh Hòa
      Các vua Hán Đường không có chính sánh viễn dương. Nhà Tống suy nhược không đủ năng lực thực hiện chính sách đại lục của Hán Đuờng, đối với các nước Tây Hạ, Liêu Kim chỉ lo nộp vàng, bạc, trà, lụa để cầu hòa, mong sao cho khỏi mất nước là may, còn hơi sức đâu mà lo đến chuyện hải ngoại.
      Trong các triều đại Trung Quốc, chỉ có một triều đại là có viễn lược hải dương. Đó là triều Minh. Và trong triều Minh cũng chi có một ông vua lo chuyện ấy: vua Minh Thành Tổ.
      Năm 1405, Trịnh Hòa (nguyên là thái giám) đem 62 binh thuyền, 27.000 thủy thủ, xuất phát từ Lưu Gia Cảng ở Tô Châu, đi xuống Nam Dương quần đảo, sang đến Ấn Độ.
      Năm 1407-09, xuất xứ lần thứ 2, lúc về có ghé vào đất Xiêm.
      Năm 1413, Trịnh Hòa sang đến bờ biển Somalia ở Phi Châu, có ghé vào Aden.
      Năm 1430-33 trong chuyến đi cuối cùng, Trịnh Hòa đến quần đảo Zanzibar, các nước Đông phi, lại đến viếng thánh địa La Mecque của Hồi giáo nữa.
      Việc xuất xứ này làm lợi cho uy thế của nhà Minh vô cùng. Nhà Nguyên dùng binh lực tiến đánh các nước ở đảo Java trong Nam Dương quần đảo, chỉ gây được cái kết qủa mua thù chuốc oán, bất đắc dĩ các vua chư hầu ở Nam Dương mới dâng lễ cống tượng trưng, khi có khi không, viện cớ đại dương nhiều sóng gío, sứ trình muôn dặm gian nan. Trịnh hòa chỉ dùng binh lực thị uy, còn thì đem đạo đức, chính trị mà thuyết phục. Nhiều vua chư hầu ở tận Đông Phi sai người sang cống Thiên triều. (Cho đến ngày nay, Trung Cộng nhờ dư âm của các cuộc viễn sứ Trịnh Hòa mà chiếm đoạt được cảm tình của nhiều nước Đông Phi, đặc biệt là ở quần đảo Zanzibar trong nước Tanzanie, mặc dầu Trung Cộng không có đủ phương tiện để thi đua viện trợ với các nước Âu Mỹ).
      Sử Tây Phương gọi Trịnh Hòa bằng danh hiệu Amiral Ennuque (Đô Đốc – Thái giám) và rất lấy làm kinh ngạc, không hiểu vì sao năm 1433, các hoạt động viễn dương của Trung Quốc lại ngưng hẳn trên đà thắng lợi vinh quang. Có gì là khó hiểu đâu! Phàm một chính sách muốn thi hành thì phải có người chủ trương cho kiện toàn, có người thực hành cho đủ năng lực. Vua Tuyện Tông kế vị vua Thành Tổ, không có cái hùng tài đại lược như phụ hoàng. Sau Trịnh Hòa cũng không còn người có chí lớn, hoặc có mà không được nhà vua tin dùng. Trung Quốc lại trở về với truyền thống chính trị đại lục.
      Chính trị đại lục được kết tinh trong chính sách Viễn giao cận công.
      Viễn giao là kết giao thân hữu với các nước ở xa. Họ ở xa mình, mình không tử tế thì chỉ gây ra oán thù vô ích.
      Cận công là đánh các nước gần. Tùy theo tình thế mà sát nhập hẳn vào bản chương hay là bắt phải giữ lễ triều cống.
      Chính sách này đã giúp cho nước Tần dựng nên đế nghiệp, đúng như lời Phạm Thư trình bày với Tần Chiêu Vương. Đánh các nươc gần thì đánh Hàn, Triệu, Ngụy, kết giao với các nước xa thì giao thân với các nước Tề, Sở. Đợi khi các nước gần đã bị thôn tính thì lúc bấy giờ sẽ tính kế nuốt luôn các nước ở xa. Hàn, Triệu, Ngụy mất rồi thì Tề, Sở cũng không còn được. Nhà Tần diệt 6 nước, thống nhất bờ cỏi Trung Quốc váo năm 221 trước Tây lịch.
      “Lục quốc diệt, hải nội nhất“ Tần Thủy Hoàng vẫn cứ tiếp tục chính sách Viễn giao cận công, sai Nhâm Ngao, Triệu Đà lấn đất của các bộ tộc Việt.
      Nhà Tần mất, nhà Hán xưng đế ở Trung hoa. Hán Vũ Đế lại dùng chính sách này, sai Trương Khiện đi giao hảo với rợ Nhục Chi ở phương xa, đánh đuổi Hung Nô ở gần, đánh chiếm Triều Tiên và Nam Việt.
      Bờ cõi nhà Đường cũng gần như bờ cõi nhà Hán, phía tây đi xa hơn, uy thế chính trị vượt Thông Lĩnh sang đến tận Ba Tư.
      Chính sách này đã làm cho Trung Hoa lớn mạnh một cách từ từ và chắc chắn. Đất Bách Việt ở Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây bị nuốt hết, dân Việt đồng hóa với người Hoa. Vua Tuyên Tông nhà Minh có đình chỉ việc xuất sứ viễn dương để chuyên tâm kế tiếp cái truyền thống đại lục thì cũng không phải là một sự lỗi lầm đáng chỉ trích.
      Sự thật ý của nhà Minh ở Đại Việt (năm 1428 Lê Lợi công bố bài đại cáo Bình Ngô) có hiệu lực làm vua Tuyên tông nhụt chí một phần nào. Nhưng sự việc này chưa đủ làm cho vua tôi nhà Nguyên khiếp đảm. Nhà Nguyên từ khi bỏ đất Trung Hoa chạy lên Hòa Lâm vẫn còn cái tham vọng quyển thổ trùng lai. Kỵ binh Mông Cổ vẫn là thứ kỵ binh thiện chiến. Vua tôi nhà Minh lo ngại, sợ tận lực nhìn ra trước mặt, mưu đồ công việc viễn dương, e khi quân Mông Cổ ập đến sau lưng thì trở tay không kịp. Vả lại, ngoài cái hãnh diện, (thần thánh tứ vũ, khiến cho ngoài bốn phương, trong sáu cõi, không đâu là không thần phục), nhà Minh có mong gì mở đất ở Đông Phi. Vậy thì tạm ngưng ngay cái viễn lược hải dương hay ngưng hẵn cũng được.
      Nhưng còn Đông Nam Á là đất xung yếu mà có nước lại tiếp liên cõi bờ với Trung Quốc thì Trung Quốc vẫn cứ theo đuổi chính sách viễn giao cận công.
      Viễn giao như đối xử tử tế có ân nghĩa vói các nước Chiêm Thành, Xiêm La, các nước ở bán đảo Mã Lai, các nước ở Phi Luật Tân (Lữ Tống), Nam Dương Quần Đảo.
      Cận công thì như các nước Đại Việt, Miến Điện, tiếp giáp bờ cỏi với Trung Hoa. Mình muốn công nhưng cũng phải nén lòng, chờ đợi cơ hội tốt. Trong thế kỷ thứ XV, Đại Việt là một cường quốc, uy thế lừng lẫy, nhà Minh không làm gì được thì không tấn công. Đại Việt lấn chiếm 2 đại châu của Chiêm Thành là Amaravati và Vijaya, nhà Minh vỗ về thương xót nước Chiêm Thành, bảo phải trả đất lại cho dân Chiêm, vua Đại việt không trả, nhà Minh cũng phải đành chịu. Đối với Chiêm Thành, vua nhà Minh tỏ ý ưu đãi và bênh vực rõ rệt, song các vua Chiêm Thành thấy không nhờ cậy gì được nơi uy thế của Thiên triều nên đến khoảng gần giữa thế kỷ XVI thì bỏ không vào cống nữa.
      Nhà Minh cũng chỉ có một lần dụng võ, ăn hiếp nhà Mạc (coi như ngụy triều) mà chiếm được một chút đất, 5 động biên thùy cho rộng Khiêm Châu. Kết qủa của việc huy động đại binh thật là ít oi, thảm não. Thế mà khi hưng binh động chúng thì vua Gia Tĩnh (Minh Thế Tông) tặng quân sư Mao Bá Ôn những lời thơ tin tưởng vào thắng lợi một cách rất huênh hoang!                         
                                  Huyệt trung lâu nghị dã nan đào!                       
                               (Trong hang sâu kiến chạy đàng nào).
      Lấn được 5 động ở biên thùy rồi bãi binh ngay, lớ dớ sợ mang cái nạn Liễu Thăng, Lương Minh thì mệt lắm.
      Tuy vậy, không phải là chính sách viễn giao cận công thu hẹp trong phạm vi Đông Nam Á không có kết qủa trường cửu đâu. Trịnh Hòa đã làm cho uy thé nhà Minh vang lừng ở hải ngoại. Hoa dân đến lập nghiệp ở các nước Đông Nam Á, tại các đảo Nam Dương, Phi Luật Tân cũng như như trên bờ cõi đại lục Xiêm La, Miến Điện, Việt Nam, ngày càng nhiều. Lực lượng kiều dân Trung Hoa ở Đông Nam Á đông đảo đến 12 triệu người (tính đến năm 1972 khi tài liệu tham khảo này cho phát hành) là một lực lượng rất hùng hậu, thâm căn cố đế từ lâu đời, bắt các nước Âu-Mỹ ngày nay phải kiêng nể.
      Đó là một lực lượng trong tương lai rất cần thiết và chắc chắn rất đắc lực cho viễn lược hải dương của Hoa tộc vậy.
    • #3
        huytran 11.06.2010 15:31:27 (permalink)
        CHƯƠNG 3
        ***************************************************************** 
         
         3.  HOA KỲ: ĐỊNH HƯỚNG THÁI BÌNH DƯƠNG 
         
        • Định hướng kiến quốc của Hoa-Kỳ: liên lục, liên dương
        • Trường hận của hải đảo Đài Loan. 
        • Đông Dương trong gío lốc… Hòa bình.

        III
        Hướng tiến nhất định: phương tây
         
        Không cần phải nhọc công biểu tình “chống Mỹ cứu nước“ làm chi, đến lúc cần rút lui thì Mỹ cứ rút lui dầu cho những nhà thầu rác Mỹ, đồ phế thải (và thường có hàng P.X. dấu phía dưới) có thiết hương án, ái mộ xin lưu, Mỹ cũng không thèm lưu lại. Nhưng Mỹ cần hiện diện ở Đông Nam Á. Đi mà vẫn như ở, ở mà có sự ra đi, thực thực hư hư, biếnđổi theo cái điệu vô trung sinh hữu. Ôi! Đâu có phải chỉ mấy vị thiền sư mới biết chuyện sắc tức thị không, khộng tức thị sắc, thân như điện ảnh hữu hoàn vô… Mỹ rút quân mau hơn chương trình dự liệu. Tình hình thế giới biến chuyển dồn dập, mau hơn người ta tưởng rất nhiều.
        Trong khoảng thời gian trên 200 năm kiến quốc, hướng tiến nhất định của người Mỹ là phương Tây. Vùng Đại-thảo-nguyên mặc sức cho người Mỹ trường khu đại tiến. Cung tên của người Á châu sơ thủy (Asiates, Da Đỏ) địch sao nổi súng trường, súng liên thanh. Vừa đến bờ Thái Bình Dương là người Mỹ phóng một cái nhìn thật xa, từ đông ngạn vút sang tây ngạn. Người Mỹ sẵn sàng coi những đảo quốc Hạ Uy Di, Nhật Bản, Phi Luật Tân như những trạm đường dừng thuyền, những nhịp cầu để dựa vào đó nhảy lên đại lục. Tuy quốc sách Tây tiến có khi bị chiết tỏa, bị đình trệ (Mỹ cần củng cố nội bộ, nắm cho vững Bắc Mỹ, kềm chế Gia Nã Đại, tước nhược Mễ Tây Cơ…) nhưng hễ chuyện nội cố êm xuôi là Mỹ dốc hết toàn lực vào con đường Tây Tiến. Trên con đường liên dương đi từ Đông ngạn sang Tây ngạn Thái Bình Dương, gặp một đối thủ đáng kể là Nhật Bản. Trong thế kỷ thứ XIX, Mỹ không dám khai chiến với Nhật bởi vì Mỹ rất không muốn Nga thừa cơ hội tốt vô song là cuộc chiến tranh Mỹ-Nhật mà nắm quyền bá chủ ở Đông Bắc Á và phần đại dương duyên hải.
        Năm 1867, Mỹ đã khôn ngoan mua đất Alaska của Nga với gía 7.200.000 Mỹ kim (số lẻ là để cho các quan nhậm xà, quan Nga cũng như quan Mỹ) dồn Nga về Á châu, khuyên Nga cứ từ Hải Sâm Uy đi xuống để Nga đụng đầu với Nhật. Trong lúc người Nhật lo ngay ngáy, sợ Nga bám vào Mãn Châu, sinh gốc mọc rễ, khó bứng về sau thì Mỹ dùng Quốc Hội Hạ Uy Di ép Quốc Vương Kala Kana cho Mỹ thuê Trân Châu Cảng. Hạ Uy Di mà Nhật sẵn sàng coi như thuộc quốc của mình, Hạ Uy Di đã bị Mỹ phỗng tay trên. Dân đa số ở quần đảo Hạ Uy Di là dân Nhật đành phải miễm cưỡng làm công dân Mỹ… gốc Nhật! Đâu phải đợi đến năm 1960, Hạ Uy Di mới vong quốc. Sự thực thì quần đảo của Quốc Vương Kala Kana đã thành một tiểu bang Mỹ từ khoảng cuối thế kỷ thứ XIX rồi!
        Thừa thắng xông lên, Mỹ bợ luôn quần đảo Phi Luật Tân của đế quốc Tây Ban Nha cho tiện sổ sách. Lãnh tụ của nghĩa quân Aguinaldo (Tàu lai) đã xướng xuất ra việc đánh Tây cứu nước, cầu viện với Mỹ, được Mỹ tận tình giúp đỡ, nhưng Tây đi thì Mỹ đến rồi cứ ở lì. Bất đắc dĩ Aguinaldo phải phát động chiến tranh du kích chống Mỹ, nhưng “sự khứ anh hùng ẩm hận da“  Aguinaldo bị Mỹ bắt và hành quyết mau lẹ. Phi Luật Tân bèn thành thuộc địa Mỹ. Ngặt vì đường mía Phi Luật Tân rẻ qúa, tràn ngật thị trường Mỹ khiến Mỹ cảm thấy cần phải có chương trình trao trả độc lập cho Phi Luật Tân để cho hợp… nhân đạo và hợp với gía biểu quan thuế phong tỏa của Mỹ về đường. Phi Luật Tân có độc lập thì Mỹ mới có thể đánh thuế nhập cảng đường Phi theo gía cao chứ Phi là thuộc địa thì luật lệ không cho phép Mỹ dựng hàng rào quan thuế! Vậy là chương trình trao trả độc lập từ từ được công bố vào năm Bính Tý (1936) khiến nhà thi sĩ Tản Đà nước Việt làm thơ cho báo Tết mà cảm khoái ngâm rằng: 
                   Quân bất kiến: Phi Luật Tân nhi kim độc lập quốc,
                   Hựu bất kiến: Mãn Châu, Hoa Bắc hà bi thương!
                   Thời hưng vong, bỉ thái là thường,
                   So chữ nhược, chữ cường không hạn lệ…
        Sau thế chiến, Phi Luật Tân được độc lập thực sự nhưng đến khoảng năm 1970-1971 thì một chính khách Phi là Antonio đề xứng việc Phi Luật Tân xin làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Phong trào xin nội thuộc đã có 1.250.000 đoàn viên… Rất có hy vọng phát triển mạnh mẽ. Vậy là Mỹ tuy viễn khứ mà vẫn nhưng lưu…
        Lấy đó mà suy thì sự hiện diện không nhất thiết phải có lực lượng quân sự tại chổ. Kiểm điểm thành tích Tây tiến kiến quốc của Mỹ, chúng ta thấy có 4 bước tiến quan trọng: 
           - Bước I   :   Chiếm cứ Đại thảo nguyên, chạy thẳng ra Đông ngạn Thái
                              Bình Dương.
           – Bước II  :   Tranh hùng với Nhật, tiên hạ thủ ở quần đảo Hạ Uy Di.
           - Bước III :   Khuynh đảo Tây Ban Nha, thu phục Phi Luật Tân. 
           – Bước IV  :  Đánh bại Nhật, nhảy lên bờ đại lục ở Trung Hoa và Đông  
                              Nam Á.
        Trong từng bước lớn ấy, thỉnh thoảng Mỹ cũng bị chiết tỏa, hoặc vì tình hình nội bộ, hoặc vì ngoại địch đánh cho Mỹ những cú bất ngờ. Như năm 1865, Mỹ tính can thiệp vào Việt Nam, nhưng vì Abraham Lincoln bị ám sát mà chương trình Tây tiến bị gác lại. Lại như sau thế chiến, thế lực Mỹ ở Trung Hoa Dân Quốc rất vững, bất ngờ bị Trung Cọng đẩy ra hải đảo Đài Loan.
        Đường kiến quốc đã nhất định là liên lục liên dương cho nên khởi thủy từ 13 tiểu bang ở duyên ngạn Đại Tây Dương mà sau thành 48 tiểu bang tiếp với Thái Bình Dương rồi sau thành 50 tiểu bang ra giữa Thái Bình Dương và thế lực chính trị thì dàn trải khắp cõi Á Đông, từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Nam Hàn) đến Đông Nam Á (Indonésien, Việt, Thái, Miên, Lào…). Gặp thứ địch thủ mạnh không bóp chết được thì tìm cách lôi cuốn, thỏa hiệp. Nhượng bộ Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc là một sự “hy sinh“ lớn, chắc sẽ được báo đáp xứng đáng. Nhường cho Pháp can thiệp ở Lào để thêm bạn đồng minh chí thiết, có quyền lợi thì mới có tâm tình chí thiết, đồng vinh đồng nhục với nhau. (Nếu quyền lợi to hơn nữa thì sự chí thiết có thể đồng sinh đồng tử trừ phi bạn đồng minh đi kiếm ăn lẻ được miếng to hơn miếng đã được nhường…) Pháp nhảy vào Lào, đường ra biển của Lào đều thuộc vào khu vực ảnh hưởng Mỹ. Mỹ có thể kềm chế Pháp, Pháp không thể lộng hành.
        Việc kiến quốc của một nước phải theo một chân lý lớn. Chân lý đó, các nhà chính trị cổ điển gọi là quốc thị. Quốc thị của Mỹ là đường Tây tiến. Tiến mãi cho đến khi gặp một thế lực có sức mạnh tương đương cản lại mình. Việc thành lập những căn cứ quan trọng ở Guam, Majuro, Cam Ranh, Stattahip, (đông nam Vọng Các) v.v… đều cần thiết để phục vụ cho quốc thị tây tiến.
        Mỹ không thể xa lìa quốc thị. Cho nên, dầu có triệt thoái khỏi mấy căn cứ đó thì Mỹ nhất định cũng phải có những phương lược phi thường nào đó để được hiện diện…
        SÓNG GÍO DỒN DẬP, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU LO GẤP TỪ GIỜ…
        Thủ thân vi đại! Có thân thì phải biết lo. Nếu không, tai hại giáng xuống trên đầu, bấy giờ chỉ còn có nước kêu Trời mà Trời thì ở xa lắm.
        Để thực hiện quốc thị. Mỹ đã từng gây ra sóng gío Thái Bình Dương. Như năm 1941, Mỹ quyết khai chiến với Nhật nhưng muốn cho Nhật đánh mình trước. Chi vậy? Tổng thống Roosevelt khiêu khích Nhật bằng cách thương thuyết, đưa ra những đề nghị mà nếu Nhật chấp nhận thì coi như Nhật đã bại trận hoàn toàn. Điều kiện khiến Nhật nổi giận, tập kích Trân Châu Cảng vì đã buộc Nhật phải triệt thoái ra khỏi Hoa Lục và cả Đông Dương nữa. Chiến tranh Mỹ-Nhật đã không thể tránh được thì Nhật phải đánh trước để tranh quyền chủ động chiến trường. Mỹ thí cho Nhật một số lớn phi cơ và chiến hạm lỗi thời ở Trân Châu Cảng để tạo ra chính nghĩa mà huy động nhân tài, vật lực trong nước khỏi bị Quốc Hội chống đối lôi thôi. Sau trận Trân Châu Cảng khả năng và tiềm năng kỹ nghệ của Mỹ được huy động đúng mức nên đã gia tăng gấp bội. Thua năm 1941, Mỹ gỡ lại trong năm 1943 rồi cứ đà chiến thắng mà xông tới…
        Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Đông Dương nếu Cộng Sản Bắc Việt biết nghĩ xa thì chắc không nên huênh hoang khoe tài, khoe giỏi. Coi chừng Mỹ xúi Trung Cộng bóp cho nghẹt thở đến nơi…
        Chính vì sợ đàn em mình kẹt cứng trong cái trục liên hoàn Mỹ-Hoa mà Nga Sô phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cắn răng đại chi viện cho Bắc Việt. Bất đắc dĩ mà đại chi viện chứ Nga cũng cần tiền để mua lúa mì Gia Nã Đại (Hiệp ước mua 91 triệu tấn lúa mì của Gia Nã Đại mới ký từ năm 1966, còn có hiệu lực trong nhiều năm). Để Bắc Việt bị Trung Cộng đè bẹp thì biết đến bao giờ Nga mới lại gây dựng được chút ảnh hưởng ở Đông Nam Á Châu?
        Đáng lý thì Trung Cộng không chịu để Nga duy trì ảnh hưởng tại Bắc Việt song vì nhiều lý do rất phức tạp mà Trung Cộng tạm chấp nhận cái cảnh hai thiên tử một chư hầu. Trong thâm tâm, lúc nào cũng thấy rằng mình có lợi thế vô song ở Bắc Việt, muốn ra tay uy hiếp lức nào cũng được, thôi thì nể Mỹ mà nới tay cho Bắc Việt một chút để hòa hoãn với Nga. Nhất cử lưỡng tiện! Trung Cộng còn nhiều việc trọng đại đáng lo hơn. Ví dụ như trận đánh Trân Đảo (tiếng Nga là Damansky) mùa xuân năm 1969 sau hơn 4.180 vụ xung đột giữa lính tuần biên của 2 bên. Việc trọng đại nhất là tăng cường lực lượng võ trang nguyên tử. Bận tâm làm gì đến một chú lỏi con. Vả chăng, hiện thời, chú nhỏ bị lụt lội tàn phá mùa màng, ngăn cản không cho Nga đại chi viện thì mình phải gánh lấy trách nhiệm nuôi ăn và cấp súng. Có ai nhịn đói trường kỳ mà ra trận được đâu?
        Thái Bình Dương – cái tên bất xứng với cái thực, do Magellan mù tịt hình thế sơn hải đặt ra–vốn có rất nhiều sóng gío, từ sóng ngầm đến sóng thần, hiểu theo đủ hai thứ nghĩa đen, nghĩa bóng. Khi mà Tam Cường Mỹ, Hoa, Nga thỏa thuận, sắp xếp mọi việc cho quyền lợi của họ được ổn định, thì thân phận các nước nhược tiểu coi như chiếc bách sóng dồi.
        Bi đát nhất là Đài Loan, có lẽ các chính khách hải đảo nên mượn hai câu thơ của vua Lê Chiêu Thống, ông vua đã bị hoàng đế Càn-Long nhà Mãn Thanh bỏ rơi một cách thảm hại, mà ngâm nga cho vơi bớt tâm tình sầu hận mang mang. 
                                 Tảo thức đại bang vô tín nghĩa,
                                 Bội thành nhất chiến tử do vinh.
                        Dịch:
                                 Sớm hay nước lớn lừa ta,
                                 Dựa thành quyết chiến chết mà còn vinh! 
        Bỏ cố quốc mà đi là mong có ngày quang phục. Ai ngờ bị bạn đồng minh lật gạt, bỏ rơi. Nếu sớm biết sẽ cứ tử chiến dưới thành, dẫu chết cũng còn vinh dự.
        Trục liên hoàn Mỹ Hoa thực hiện, cứ bề ngoài mà xét thì Hoa Lục huởng đủ mọi hình thức vinh dự, uy thế thiên triều, sứ giả Mỹ phải đến chầu kim thuyết Bắc Kinh chứ sứ thần Hoa không phải đợi lệnh ở Hoa Thịnh Đốn. Chính Nixon cũng phải đích thân đến Bắc Kinh. Cứ theo phép chép sử đời Chiến Quốc thì phải dùng những chữ “lai triều, đãi lệnh“ (đến chầu, đợi lệnh) chứ không thể dùng chữ gì khác. Trung Cộng lại vừa mới được thu nhận vào Liên Hiệp Quốc, uy thế lãnh đạo khối thứ ba – Khối Á Phi – càng gia tăng. Ngoại giao của Trung Cộng thắng lợi, thật là vẻ vang.
        Chịu khuất phục như thế, Hoa Kỳ phải hưởng được những cái lợi to lớn để bù vào. Cái lợi to lớn vô cùng, không thể uớc tính đưọc bao nhiêu tỷ đô la, cái lợi hiển nhiên của Hoa Kỳ là thấy Trung Cộng chính diện đối đầu với Nga Sô để Hoa Kỳ rảnh tay đối phó với những phong trào xã hội, du kích chiến ở Trung Nam Mỹ. Nếu những phong trào tả khuynh, phiếm loạn hay cách mạng xã hội, bình phân địa quyền, quốc hữu hóa xí nghiệp đắc thắng ở Trung Nam Mỹ thì vốn liếng dầu tư của hoa Kỳ gần hai trăm năm nay sẽ tiêu tan như những giọt sương mai. Đồng tiền liền khúc ruột, tư bản mà mất vốn thì thà chết còn hơn. Mất sao được? Phải làm sao giữ cho được một vốn bốn lời hay tệ lắm thì cũng nhất bản nhất tức chứ! Nếu Trung Cộng giở chứng không lo đối đầu với Nga mà cứ muốn chọi tay đôi với Mỹ thì Mỹ sẽ để cho Nhật tái võ trang thả cửa, lúc đó thì Trung Cộng phải liệu hồn. Lực lượng nhân dân tự vệ của Nhật tuy mới khoảng 250.000 người nhưng võ khí vô cùng tối tân, cũng là một lực lượng đáng kinh! Nếu cần thì sữa đổi hiến pháp, gia tăng quân số chứ khó khăn gì. Nhật là đồng minh đắc lực của Mỹ ở Viễn Đông sẽ giúp Mỹ rất nhiều, kể cả những việc làm cho Đông Nam Á phú thịnh. Gỉa sử có một ngày tốt trời nào đó. Nhật cũng giở chứng… kháng Mỹ thì Mỹ tung cái đòn phong tỏa kinh tế ra. Nhật tuy là cường quốc kỹ nghệ và thương mại nhưng phải nhập cảng rất nhiều nguyên liệu từ các quốc gia bên ngoài. Triệt cái nguồn nguyên liệu thì Nhật xính vính, không cần giao phong ở chiến trường, chỉ cần lui một cái ở thị trường nguyên liệu là đủ khiến cho Nhật phải… vào khuôn, vào phép. Cái gì chứ làm mưa làm gío chơi ở thị trường thì dẫu đồng đô la có sụt gía, tài phiệt Mỹ vẫn còn đủ khả năng.
        Với Mỹ, sóng gío Thái Bình Dương coi như tạm yên rồi đó. Nhưng thân phận nhược tiểu như các nước ở Đông Dương thì biết tính sao đây?
        Ngưòi dân bản địa từ thời lập quốc đến trước cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn do Cộng Sản Bắc Viẹt phát động từ năm 1960 vẫn quen với nếp sống tự lực, tự cường mà nét cụ thể nhất là tự túc về lương thực. Bom đạn đã cày nát quê hương làm cho thôn xốm điêu tàn, người dân quê ly hương làm sao tiếp tục sản xuất được? Trở về làng cũ, an ninh chưa bảo đảm hay dù có bảo đảm được ban ngày thì cũng rất ngại những bóng đen võ trang xuất hiện ban đêm. Vấn đề cấp bách nhất của Đông Dương và của Việt Nam nói riêng là sản xuất lúa gạo, cung ứng nhu cầu ăn no của toàn dân. Tất cả những chính sách, những biện pháp an ninh, v.v… tất cả đều phải nhắm tới cái đích túc thực. Đó là việc làm đầu tiên của những người lãnh đạo thực tâm yêu nước. Hễ túc thực thực được thì chủ quyền chính trị được người ngoài kính nể ngay.
        Túc thực là điểm quy tụ tất cả những nỗ lực nội trị, ngoại giao. Hể túc thực được thì là ta đã đủ mạnh, có thể đứng để tính chuyện tương lai. Việc nước, việc dân không gì lớn bằng chuyện đó. Chính chuyện đó lại đẻ ra rất nhiều vấn đề quan trọng:
        - Quân sự: làm thế nào để bảo đảm an ninh cho người dân sản xuất lúa gạo? Làm thế nào để người dân hợp tác vói chính quyền bảo vệ lúa gạo đã sản xuất, tránh cái nạn sưu sách lương thực của giặc thù.
        - Hành chánh: làn thế nào để có một bộ máy chính quyền trong sạch, phục vụ hữu hiệu cho quốc kế túc thực?
        Tự lực, tự cường, tự quản… (thêm bao nhiêu tự nữa cũng được) phải khởi đầu bằng quốc kế túc thực đã. Có được như vậy mới mong đối phó với bao nhiêu bảo tố, sóng gío sắp trút xuống trên đầu chúng ta. Phải lo ngày, lo đêm, lo tự bây giờ kẻo vướng vào những trò ma giáo mà những nước giàu có tung ra để khai thác sự ốm đói của chúng ta, thu phần lợi tối đa về phần họ.
        Đã là thân phận nhược tiểu, nghèo khó từ lâu, không nuôi nổi miệng (đã thế mà còn cứ phớt tỉnh… muôn việc trông chờ độ lượng hào hiệp của người ngoài), không chịu nghĩ tới việc thiết thực cấp bách thì đừng trách gì người bạc tình, bất nghĩa.
        #4
          huytran 11.06.2010 15:32:44 (permalink)
          CHƯƠNG BỐN
          ******************************************************************** 
           
          4.  ĐẠI NGA VÀ ĐƯỜNG RA BIỂN TỰ DO.
           
          • Đông tiến: ngược chiều đường hãn quốc Khâm Sát… 
          • Điểm cuối cùng của mũi tên mạnh không xuyên thủng vải thưa. 
          • Hải-Sâm-Uy: tranh hùng với Mỹ, đe Nhật, dọa Hoa Lục. Trục xuyên dương.

          IV
          Ngược đường hung-nô,
           băng miền sa-thảo
           
          Từ phía Đông thành Vienne nưóc Áo đi xa về phương Đông, tiến ra bắc ngạn Hắc Hải rồi Lý Hải và chạy tuốt ra cho đến Thái Bình Dương cỏ xanh dàn trải kín nẻo chân trời, đồng cỏ mênh mông, càng đi xa càng cảm thấy trời dài đất rộng. Vào thời oai võ cực thịnh, quân Hung Nô đã lên đường Tây tiến, chiếm các miền cỏ xanh đất tốt bên biển Aral (năm 320), thừa thắng xông lên, đến khoảng đất giữa Lý Hải và Hắc Hải (năm 370), chia quân làm hai cánh như thế gọng kìm, uy hiếp, bao vây đế quốc Đông La Mã. Chưa vừa lòng, năm 451 chúa Hung Nô Attila còn tiến sang tận đất Pháp. Tung hoành thiên hạ, vó ngựa du mục có ước vọng thành vó ngựa liên đại dương. Đường Tây tiến của Attila xa hơn đường Tây tiến của Bạt Đô, tướng Mông Cổ thế kỷ thứ XIII, chỉ đến nước Ý.
          Hàn Quốc Khâm Sát bao gồm các thảo nguyên Sibir, nam bộ nước Nga, vua Nga đành phải nạp cống xưng thần, thời lệ thuộc kéo dài ba thế kỷ. Đến giữa thế kỷ thứ XVI, tình thế đảo ngược, hãn quốc Khâm Sát phải công nhận chủ quyền thiên tử của vua Nga, vua Ivan IV.
          Hung Nô, Mông Cổ Tây tiến, Nga Đông tiến, hai hướng Tây, Đông trái ngược nhưng cùng ở trong một lãnh vực dụng võ, ở trên một con đường. Xuất phát từ phương Đông thì đi về phía Tây, xuất phát từ phuơng Tây thì Iđ về phía Đông, chính sách Đông tiến của Nga thực ra là dõi theo truyền thống Mông Cổ.
          Miền Bắc Sibir gía lạnh, chỉ có đài nguyên với các loại rêu nấm, dân cư rất là thưa thớt, không cần đánh chiếm cho mất công. Chỉ cần chiếm vùng đất đen, vùng sa thảo ở miền Nam là coi như thu phục đuợc miền Bắc. Giữa thế kỷ thứ XVI, lúc các nông dân Nga vượt qua núi Oural vào miền Nam thì thời oai võ thống trị của Mông Cổ coi như đã vĩnh viễn cáo chung. Dặm trường nào có ai ngăn, các bộ lạc du mục tuy có tài thiện xạ nhưng chỉ có cung tên, không thể thắng được các đoàn quân Nga trang bị súng đạn. Chỉ có một thế kỷ bành trướng là Nga đến được bờ Thái Bình Dương. Đụng độ với quân Thanh ở lưu vực Hắc Long Giang, lần này Nga mới gặp một địch thủ mạnh. Tìm cửa biển âm áp chưa được, rẽ xuống phương Nam thì bị quân Thanh ngăn đón nhưng cứ thẳng ra phương Đông, giữa bờ Á Châu và Mỹ Châu thì Nga không gặp trở ngại gì. Nga khai thác việc buôn bán da thú, cung cấp nguyên liệu cho thị truờng kỹ nghệ khăn áo ngự hàn, lợi tức cũng tạm đủ nuôi nuôi sống những người thám hiểm. Khí hậu càng lạnh, càng có nhiều loại thú lông trắng muốt xinh xinh. Người Nga đi thật xa và nhảy lên Alaska, miền Viễn Bắc của Châu Mỹ. Những bộ lạc Eskimos không phản đối, trong ngôn ngữ dân Eskimos không có danh từ nào chỉ về chiến tranh. Sang đến bên kia bờ Thái Bình Dương là việc mà người Mông Cổ chưa bao giờ làm được và cũng thấy không cần thiết phải làm. Chưa hẳn người Nga đã có viễn kiến chính trị hơn người Mông Cổ. Nhưng hể gặp đất thì cứ xí phần, mặc dầu lúc đó, ngoài việc săn thú lấy da, săn hải cẩu lấy mở, thịt, thận, người Nga cũng chưa biết dùng Alaska vào việc gì. Nếu chỉ cần săn thú là lưới cá thì Alaska qủa thật không cần thiết gì cho kế hoạch kiến quốc của Nga. Điều Nga cần nhất là một cửa biển nắng ấm, một của biển không bị trở ngại băng tuyết, một “Cửa Biển Tự Do“. Chính băng tuyết đã ngăn trở sự giao thông thủy vận.
          Nga cần rẽ xuống phía Nam, nhưng năm 1654 các tướng Nga là Khabarov, Stepanov thám hiểm Hắc Long Giang, xâm phạm vào mục trường của dân Hậu Kim (Mãn Thanh), bị quân nhà Thanh đánh đuổi. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Họ đánh đuổi thì mình xé ra một chút, họ đi rồi mình lại mon men tìm đến, quyết thực hiện cho được chương trình. Năm 1657, Khabarov đến lưu vực sông Ô Tô Lý (Oussouri) trên bờ biển Thái Bình Dương.
          Nhà Thanh đương hồi hưng thịnh, Nga không lấn áp gì được, bất đắc dĩ phải ký hòa ước Nê Bố Sở (Nerchinsk) vào năm 1689 và tuân thủ các đìều khoản ký kết, thi hành cho đến năm 1858 mới thôi. Lái buôn Nga được phép đến buôn bán ở Bắc Kinh, cư trú hàng năm không qúa ba tháng, buôn bán xong là phải ra đi, không được đem theo đàn bà trong thời gian cư trú.
          Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thừa lúc nhà Thanh suy nhược, lúc bấy giờ Nga mới thiết lập tỉnh Hải Dương (Khabarowsky) và quân cảng Vladivostock có nghĩa là người Thống Trị Phương Đông. Thế kỷ XX nhờ nhiệt độ cao của địa cầu gia tăng đều đều, từ đầu thế kỷ đến giờ nhiệt độ trung bình đã tăng lên 2 độ, Hải Sâm Uy ít khi bị băng tuyết bít kín, “tự do“ gần suốt năm nhưng thời đó Hải Sâm Uy trong những tháng tàn đông, đầu xuân, tàu bè không ra vào được.
          Từ khi vượt qua núi Oural, con đường tiến thủ của Nga đã vạch rõ rồi. Lập được quân cảng Hải Sâm Uy, Nga đã có thế mạnh hiện diện ở Thái Bình Dương, đạt được mục đích ra biển.
          Nga cần có thế mạnh ở biển Baltique (Bắc Âu), ở Địa Trung Hải (Nam Âu), ở Ấn Độ Dương (Nam Á), mục đích nào cũng to lớn, Nga đã đang và sẽ thực hiện lần hồi. Giữa thế kỷ XIX lập được Hải Sâm Uy, một thành công đủ khiến cho Mỹ lo ngại. Những chi tiết nhất thời trong kế hoạch lớn; những quyền mưu và thủ đoạn làm việc có thể thay đổi nhưng những mục tiêu lớn của quốc gia thì vẫn bất di, bất dịch. Đạt được là thành công, không đạt được là thất bại. Hải Sâm Uy là căn cứ quan trọng để Nga còn mưu tính việc tiến xuống phương Nam. Không có quyền lực nào buộc Nga phải rời bỏ căn cứ này bởi vì cả một chính sách Đông Tiến liên hệ vào đó.
          NHỮNG BƯỚC THỤT LÙI, NHỮNG MỐI HẬN LUYẾN TIẾC
          Bên kia Thái Bình Dương cũng có một chàng khổng lồ có tham vọng không kém gì mình, cứng rắn trong việc thực hiện tham vọng như mình mà lại giàu có hơn mình; đó là Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu, thường gọi là Hoa Kỳ, gọi tắt là nước Mỹ.
          Mỹ là đối thủ xứng đáng nhất của Nga trong thế kỷ XIX. Xứng đáng về nhiều phương diện: kích thước địa hình, tham vọng chính trị, thủ đoạn thực hiện, lẹ bước mau chân.
          Cứ xem việc Đô đốc Mỹ Perry và Đô đốc Nga Pontiakine cùng hè nhau phá tan chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ Hideyoshi thì đủ biết. Phương pháp của các cường quốc Tây Phương là vừa thương thuyết vừa biểu diễn quân sự. Trò biểu diễn vui nhất là đậu tầu ngoài khơi, nã đạn đại pháo vào bờ, súng địch không bắn đến tàu mình mà đạn đại bác của mình nổ tung trên thành địch.
          Mito Ariaki dàn quân trên bờ biển mà làm gì? Perry có thể đánh tan đoàn quân phòng thủ duyên hải, nhưng vì lý do “kỷ nguyên thương thuyết“, nên Perry chỉ pháo kích để đe dọa, ra oai mà chơi chứ không muốn tác chiến thực sự, không cần phải gây thương vong cho võ sĩ Nhật để mua thù chuốc oán làm gì.
          Trong việc tranh nhau ép Nhật mở cửa thông thương, Mỹ đã đi trước Nga một bước. Cùng năm 1854 ấy, nhưng đến hạ tuần tháng 12, tàu Nga mới đến Nhật và gặp rủi ro. Trước ngày lễ Giáng Sinh, Nhật có nạn động đất. Tàu Nga bị sóng biển nhận chìm. Nhưng không sao, Pontiakine cũng đòi được quyền thông thương ở 3 cửa biển, chạy theo kip Mỹ.
          Hoạt động ở hải ngoại mà Mỹ còn muốn chiếm thượng phong đối với Nga thì đời nào trên lục địa Mỹ châu, Mỹ chịu để cho Nga hiện diện. Phưong chi từ sơ diệp thượng bán thế kỷ XIX, Monroe đã xứng ra thuyết liên Mỹ với khẩu hiệu “Châu Mỹ của người Mỹ“ và hiểu ngầm… dưới thế lực bảo trợ kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ, Mỹ đã không chấp nhận người Anh ở Venezuela, người Pháp ở Mễ Tây Cơ thì đời nào Mỹ để cho Nga hiện diện ở Alaska được.
          Mỹ là nước có tư tưởng “toàn lục lên dương“. Toàn lục là giữ trọn lục địa Mỹ châu làm phạm vi hoạt độnf của mình, không để nước nào xía vào thủ lợi. Liên dương là từ Đại Tây Dương đến bờ biển Thái Bình Dương. Đối với Thái Bình Dương thì từ Đông ngạn đến tây ngạn, nơi nào Mỹ cũng muốn hiện diện. Từ bắc phần đến nam phần Thái Bình Dương, nơi nào Mỹ cũng muốn có thương phụ, có căn cứ trú quán.
          Với tư tưởng “toàn lục liên dương“ mà để cho Nga hùng cứ Alaska thì mọi tai biến bất trắc về sau, ai lường trước cho được. Cần phải dồn Nga về Á Châu. Năm 1867, Mỹ mua lại quần đảo Pribiloff và đất Alaska với gía 7.200.000 Mỹ him. Chính phủ giải thích với dân chúng: Giữa Mỹ và Nga có tình hữu nghị sâu xa lâu đời nên Mỹ mua giúp cho Nga đỡ cơn túng ngặt! Người dân ngoài phố đâu có muốn hiểu về quốc kế lâu dài, cần phải giao hoàn Nga về Á Châu, đừng cho lảng vảng ở Mỹ Châu e về sau sinh ra những chuyện bất tường, bất lợi.
          Tư tưởng toàn lục đẩy Nga ra khỏi Mỹ Châu. Tư tưởng liên dương giúp cho Mỹ kinh doanh việc hải ngoại.
          Nga đã thua trí Mỹ một keo rất nặng về việc bán đất Alaska năm 1867.
          Rồi Nga còn bán quần đảo Kouriles tí hon cho Nhật nữa. Đảo thì tí hon, nhưng gía trị chiến lược lại lớn. Nhật không để cho Nga lập căn cứ quân sự  ở phía trên đầu mình. Nga không hề có ý định đô hộ Nhật, thôi thì bán quần đảo Kouriles cũng được đi. Vả lại Nga còn có đảo Sakhaline đáng gía hơn nhiều lắm.
          Mục tiêu của Nga là Đại Liên, Lữ Thuận cửa biển không vướng tuyết băng. Đường sắt Nam-Mãn giúp Nga cũng cố thế lực của mình ở Mãn Châu để dòm ngó thị trường Hoa Bắc. Kịp đến khi trận Trung Nhật chiến tranh bùng nổ, Trung Hoa chiến bại, phải nhường cho Nhật bán đảo Liêu Đông. Nhật nhảy lên bờ Thái Bình Dương, nguy hiển cho địa bàn Mãn Châu mà Nga đã kín đáo tự để dành cho mình biết mấy. Vậy thì phải chơi trò nhân nghĩa, rũ rê bạn Đức, bạn Pháp xúm lại, khuyên Nhật không nên có tham vọng lãnh thổ, chỉ nên nhận số tiền bồi thường rồi trả Liêu Đông lại cho Trung Hoa. Nhật là nước nhỏ vừa mới hưng thịnh chống sao cho lại áp lực 3 đại cường. Thâm ý của Nga là bắt Trung Hoa xuất tiền ra chuộc đất để rồi sau đó Nga sẽ tìm cớ đoạt đi.
          Bất ngờ, Nga thảm bại năm 1905. Trên bộ dưới biển đều thua, hạm đội Rodjetvensky đi nạp mạng ở eo biển Đối Mã. Bao nhiêu mưu cơ đều hư hỏng, may mà đất Sybir rộng rãi, quân của tướng Kouropalkine có đất chạy dài!
          Vì Nga là nước lớn, “ đất vòng quanh Âu-Á“ phải ứng trực ở nhiều địa khu xung yếu, ở bán đảo Ba Nhĩ Cán (Đông Âu) ở phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư (hướng ra Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương) nên không thể dồn hết lực lượng ra vùng Đông Bắc Á được. Huống chi trong những lúc tranh hùng với Mỹ, Nga phải lo thôn tính miền Trung Á Hồi Gíao, tranh hùng với Nhật, Nga phải đối phó với Đức, Áo lăm le Đông tiến và thực sự đã ví Nga lúng túng trong Hắc Hải không có lối thoát ra ngoài. Phải đối phó nhiều mặt, Nga đành chịu lép ở Đông Bắc Á.
          Tuy nhiên, sau hơn 3 trăm năm Đông tiến, Nga đã đạt được những thành tích phi thường. Trừ đế quốc Mông Cổ ra, đế quốc đã thuộc về dĩ vãng. Trên chính trường thế giới hiện đại, không có một nước có một khối lãnh thổ liên lạc chiếm tỷ lệ 1/6 trong tổng số đất nổi ở địa cầu. Những sự thất bại của Nga ở Đông Bắc Á, nói theo tiếng Gia Cát Lượng là: Mũi tên mạnh đi đến đường cùng không xuyên thủng vải thưa. (Cường nổ chi mạt bất năng xuyên lổ cảo).
          Nhưng mũi tên của Nga đã chịu rằng mình đã đi đến đường cùng hay chưa? Kiên trì trong ý định, đi quanh đi quẹo vẫn cứ ngó đến mục tiêu, không nhảy được thì bò tới, quân sự không thắng thì cố thắng bằng thương thuyết ngoại giao, Nga đã chịu tỏa chiết ở đầu thế kỷ XX tại Đông Bắc Á nhưng Nga chưa nản chí…
          HẢI SÂM UY: HỔ THỊ TAM CƯỜNG
          Tam cường là Trung Cộng, Mỹ và Nhật Bản. Hổ thị là nhìn như cọp rình mồi. Sau thế chiến, uy thế của Nga lại trỗi dậy mạnh mẽ ở Bắc Phần Thái Bình Dương.
          Nhờ có sự thất sách của Tổng Thống Rơsevelt nước Mỹ. Nga đã thu hồi lại hoàn toàn đảo Khố Diệp và quần đảo Kouriles. Ở đảo Khố Diệp có mỏ dầu hỏa, Nhật đã mất một nguồn nhiên liệu quan trọng khi mất thành qủa chiến thắng năm 1905 là nam phần quần đảo này. Trước kia chiến thắng thì được đất, 40 năm sau chiến bại thì mất đất, chuyện đó rất thường.
          Có điều ức lòng là quần đảo Kouriles, Nhật xuất tiền ra mua của Nga chứ không hề chiếm đoạt không thế mà vẫn cứ bị Mỹ chơi cái trò “lấy của làng làm ơn cho ông xã“. Mỹ đã không có viễn kiến chính trị về thời hậu chiến một chút nào. Lúc đó, ở Âu Châu lính Mỹ chỉ mong sao cho mau chiến thắng để chạy về nhà, ở Á Châu lính Mỹ muốn được bạn đồng minh gánh bớt dùm nỗi gian lao chiến đấu. Chính phủ Mỹ mong dàn thế trận lưỡng hạ giáp công. Quân Nga từ phía tây và phía bắc đánh xuống, quân Mỹ từ phía nam đánh lên, kẹp Nhật vào giữa hai gọng kìm quân sự khổng lồ, sức mấy mà Nhật trường kỳ kháng chiến.
          Vậy Hải Sâm Uy khởi sắc từ Hội Nghị Yalta. Có dảo Khố Diệp và quần đảo Kouriles làm bình phong viễn ứng, với một quân số túc trực lên đến 25 sư đoàn, 6 hầm bí mật chứa những phản lực tối tân, Hải Sâm Uy là một căn cứ hải lực không quân lớn nhất của Nga ở Đông Bắc Á, một thứ Trân Châu Cảng của Nga vậy.
          Từ năm 1963 đến nay, Trung Cộng vẫn thường nhắc cho dân Hoa Lục cái hận mất đất từ hơn trăm năm về trước. Miền Đại Đông Bắc mà Trung Cộng đòi hỏi chính là tỉnh Hải Dương của Nga, tỉnh Khabarowsky vậy. Quân tuần biên của hai bên Nga, Trung đụng độ nhau có hơn 4000 trận, kể cả trận lưu huyết ở Trân Đảo (Damansky) hồi đầu năm 69. Theo lời Nga tố cáo, có đến 3000 quân Trung Cộng vượt biên giới, nhưng dầu có đến 300.000 đi nữa thì Hải Sâm Uy cũng có đủ ưu thế đối phó dễ dàng.
          Điều làm cho Mỹ ân hận nhất là đã tước nhược Nhật Bản thái qúa. Hiến pháp Nhật là thứ hiến pháp phi võ trang. Dẫu hiện thời, người ta đã khôn khéo tránh né hiến pháp mà tái võ trang dưới hình thức “Nhân Dân Tự Vệ“ nhưng đã gọi là “Nhân Dân Tự Vệ“ thì quân số hiện thời cho cả hải lục không quân 250.000 người đã là đông đảo lắm. Quân lực toàn quốc chỉ có chừng ấy thì đã đủ nói chuyện với ai? “Qúi hồ tinh, bất qúi hồ đa“ ít mà tinh nhuệ còn hơn nhiều mà ô hợp. Đúng thế, nhưng mà qúa ít thì dầu cho tinh nhuệ cách mấy cũng không làm được trò trống gì. Phục hưng võ lực bằng quân số đã là chuyện khó khăn, còn làm sao lấy lại các vị trí hình thắng ở quần đảo Kouriles và đảo Khố Diệp. Mỹ muốn có một người bạn để làm thanh viện ở Á ngặt vì trước kia Mỹ đã vụng tính nông nổi làm cho người bạn ấy què quặt mất rồi!
          Mỹ muốn giao thân với Hoa Lục, dùng Trung Cộng để kềm chế Nga Mỹ, lại sợ Trung Cộng vùng vẫy qúa chừng nên muốn dùng Nhật Bản kềm chế Trung Cộng. Toàn là cái thuật mượn tay người. Anh nhà giàu làm vậy là anh nhà giàu khôn nhưng những anh nhà nghèo cũng không dại đến nỗi ăn cơm nhà đi vác ngà voi. Phàm việc đời, ân oán giang hồ, có ân thì phải báo ân, có oán thì phải báo oán. Mỹ đã tạo những điều kiện thuận tiện cho kinh tế Nhật phục hưng, tạo cái chính trị thuận lợi cho Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Và còn nhiều quyền lợi thương mại với nhau. Nếu người khôn biết áp dụng châm ngôn “America First“ (Mỹ quốc trước tiên) trong bất cứ trường hợp nào thì Trung Cộng và Nhật Bản cũng biết thủ thân vi đại. Mặc dầu Trung Cộng và Nhật Bản đối với Nga đều có mối thù thổ địa, mối thù bất cộng đái thiên, nhưng Trung Cộng và Nhật Bản đều có đủ kiên nhẫn để chờ một cơ hội khôi phục it tốn xương máu nhất.
          Và trong khi chờ đợi thì Hải Sâm Uy vẫn cứ đủ uy thế để hổ thị tam cường. Bắc phần Thái Bình Dương lại hẹp không mở rộng như Nam phần. Với những hỏa tiễn liên lục địa ngày nay Nga, Mỹ nhìn nhau ái ngại. Nếu hỏa tiễn từ Hải Sâm Uy bay sang đất Mỹ thì chắc là tác động của nó không phải chỉ gây vài đám cháy rừng như những trái cầu bí mật của Nhật Bản năm 1944 đâu!
          LIÊN MINH NGA-ẤN  
          Từ miền Trung Á Hồi Giáo, Nga trông về phương Nam, muốn có đường thông tới Ấn Độ Dương, Nga đã không ngần ngại xâm lăng Ba Tư. Huyết chiến với dân A Phú Hãn để mở đuờng song có lần bị cá nước ấy đánh cho Nga nhiều trận thua đau, có lần bị người Anh cản mũi nên Nga phải lùi lại. Dân A Phú Hãn dũng cảm, đâu có chịu ngồi nhìn thiên hạ bá chiếm non sông. Như năm 1842, Anh muốn chiếm A Phú Hãn, phổng tay trên Nga nên hưng binh, rốt cuộc quân Anh đại bại.
          Đường Ấn Độ Dương coi vậy mà khó thực hiện. Năm 1892, Anh chiếm được cao nguyên Pamir. Nhưng mà lúc này Ấn Độ đã thuộc về Anh, Nga đứng trên cao nguyên nhìn xuống mà chơi cho đỡ buồn, con đường ra biển thì phải tính nẻo khác.
          Hướng về Ba Tư, Nga cũng bị Anh chận đường. Năm 1907, Nga phải thỏa thuận với Anh chia Ba Tư làm hai khu vực ảnh hưởng. Cố nhiên là Nga phải nhận khu vực phía bắc có nhiều rừng núi còn phía đông nam có hải thế thuận tiện thì phải thuộc phần Anh. Trong thế chiến, Anh và Nga thỏa thuận cùng chiếm Ba Tư để bảo vệ đường tiếp tế cho Nga, nhưng phần hải thế có những vị trí hình thắng vẫn do Anh chiếm giữ.
          Ở Ấn Độ Dương, Nga chưa bao giờ đắc ý kể cả sau Thế Chiến trong việc thi đua viện trợ Á Phú Hãn. Người Mỹ đã thay chân người Anh cản đuờng ra biển của Nga ở Ấn Độ Dương. Vì người Mỹ đã nắm hết ưu thế ở Nam Phần Thái Bình Dương với liên minh ANZUS (Úc – Tân Tây Lan – Mỹ) người Nga nhất thiết phải có một cái gì ở phía Nam Á và Ấn Độ Dương để giữ thế quân bình: Anh quốc đã dần dần trao gánh nặng quân sự ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương cho Mỹ, Trung Cộng chiếm được cảm tình thân hữu của Hồi Quốc, Nga cần phải có sự liên minh với Ấn Độ để giữ thế quân bình.
          Với liên minh Nam Á, Nga có thể bao vây, uy hiếp Trung Cộng về phía Tây Tạng, Ấn Độ cũng mong muốn như vậy cho nhẹ bớt áp lực Trung Cộng ở biên thùy phương Bắc nơi mà trong một trận cường tập năm 1962, Trung Cộng đã tiêu diệt sư đoàn thiện chiến nhất của Ấn.
          Nếu xét hải thế từ Đông Bắc Á sang Ấn Độ Dương thì Nga ở hai đầu còn Mỹ và các lực lượng thân hữu với Mỹ chiếm trọn phần giữa rộng lớn. Cam Ranh ở Việt Nam, Stattahip ở đông nam Vọng Các, là những căn cứ đủ chứng tỏ ưu thế mạnh mẽ của Mỹ, Nga không hy vọng gì cạnh tranh chút đỉnh ở vùng này. Có một chư hầu là Bắc Việt thì Bắc Việt phải đi nước đôi, không dám tận tình theo Nga vì sợ oai Trung Cộng. Cho dẫu Nga có tranh được ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bắc Việt thì Bắc Việt là một cô thành bơ vơ giữa hai thế lực Hoa Lục – Hoa Kỳ. Chiếm giữ cô thành, tự đặt mình vào vòng vây của địch thủ mà nói chuyện tranh hùng thì qủa thật là thiên nan vạn nan.
          Nga thoát khỏi vòng vây đó bằng cách liên minh với Ấn Độ. Ấn Độ tọa trấn giữa Ấn Độ Dương. Từ bờ biển phía đông, Nga có thể ập đến sau lưng Mỹ ở Đông Nam Á.
          Liên minh Nga Ấn là một thành công rạng rỡ và trong tương lai nếu Thái Bình Dương có sóng gió thì chắc chắn sẽ có những tiếng ứng điệu nổi lên từ phía Ấn Độ Dương.
          Biển Đông rạng ánh mặt trời. Biển Đông là biển lớn. Vị trí và vị thế của các cường quốc đã phân định rồi. Biển Nam là Ấn Độ Dương, tại đây, các cường quốc đã và đang dùng những đòn phép ngoại giao để tạo lập một thế quân bình võ lực.  
          Như vậy là để phụng sự hòa bình. Một khi mà các phe, các khối đều đủ sức canh chừng nhau thì sự thù nghịch gầm gừ bất qúa chỉ đứng trong khuôn khổ chiến tranh lạnh cung cấp đề tài bình luận cho báo chí thế giới… khiến độc giả năm châu bốn biển hồi hộp, lo âu, ít khi có chiến tranh nóng vì người khởi chiến nếu không tin mình nắm đủ yếu tố quyết thắng và tất thắng thì đâu có dám ra tay.
          Ở Ấn Độ Dương, Nga cũng đi theo con đường Mông Cổ. Từ các sa thảo Trung Á, Nga vào Ấn Độ y như Mông Ngột Nhi đế quốc ngày xưa. Phía bắc từ Bắc Băng Dương, phía Nam đến Ấn Độ Dương, phía Đông đến Bắc phần Thái Bình Dương, địa bàn dụng võ của Nga thật là vĩ đại, bao gồm lãnh vực hoạt động của hãn quốc Khâm Sát và đế quốc Mông Ngột Nhi, một biệt tộc Mông Cổ.
          Vậy thì Nga là Mông Cổ ở thế kỷ XX chăng?.

          #5
            huytran 09.09.2010 05:34:32 (permalink)
            CHƯƠNG NĂM
            ********************************************************************
               
             5.  ÂM MƯU GÂY SÓNG GÍO MỸ – NHẬT
              
            • Nhường cho nước Nhật khai hỏa. 
            • Roosevelt: Sau Nhật phải có Nga. 
            • Công đức của các nước nhược tiểu đối với Nga Sô vĩ đại

            V
            Đòn kinh tế khiêu khích quân sự 
             
            Monroe là một người hùng. Với khẩu hiệu “Châu mỹ của người Mỹ’’ ông đã ngăn chặn thế lực quân sự và kinh tế, chính trị của các nước thực dân Tây Âu, dành Trung, Nam Mỹ làm địa bàn hoạt động tối huệ cho Hiệp Chủng Quốc. Roosevelt cũng là một người hùng. Ông đã làm cho Mỹ nắm quyền bá chủ Thái Bình Dương sau thế chiến. 
            Muốn nắm quyền bá chủ Thái Bình Dương thì phải đánh đổ nước Nhật. Nhưng Hiến pháp Mỹ không để cho Tổng Thống có quyền tuyên chiến theo ý muốn của mình. Đợi Quốc Hội thảo luận, biểu quyết thì mệt lắm, lâu lắm. Tốt hơn hết là ép nước Nhật phải động binh hạ thủ trước. Mỹ trên thế tự vệ, như vậy công luận quốc tế không ai buộc tội Mỹ là thủ phạm chiến tranh. Có thể, các sử gia cũng bị mắc lừa nữa! 
            Năm 1941 quân Nhật từ Bắc Đông Dương tràn xuống Nam Đông Dương. Cuộc chiến tranh dai dẳng với nước Trung Hoa đã làm cho Nhật vô cùng khốn quẫn về nguyên liệu. Mỹ thừa biết nhược điểm của Nhật. Khi ép buộc nước Anh phải đóng cửa đường Miến Điện không được tiếp tế cho Quốc Quân Trung Hoa, Mỹ bèn phản ứng bằng cách cấm xuất cảng sang Nhật các loại động cơ phi thuyền và các loại máy bay, dụng cụ. Roosevelt tố cáo hiệp ước giao thương Mỹ – Nhật là lỗi thời. Rồi được trớn cấm luôn dầu hỏa, cao su, chì, đồng, kẽm, v.v… 
            Nhật tìm cách thương thuyết hòa hoãn, năn nỉ Mỹ bỏ lệnh cấm đi. Nhật đề nghị chấm dứt chiến tranh ở Trung Hoa, chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch và chính phủ Nam Kinh của Uông Tinh Vệ hợp nhất, tất cả quyền lợi của Mỹ ở Trung Hoa đều được Nhật cam kết tôn trọng. Mãn châu Quốc được coi như chư hầu của Nhật vì Mãn châu là của người Kim, đâu phải là của Trung Hoa. 
            Mỹ đòi Nhật phải hạn chế bớt những bổn phận đối với Trục Sắt Tam Cường Đức, Ý, Nhật, hạn chế đến mức làm cho những điều kiện liên minh trở thành vô hiệu. Trục Sắt còn cái danh mà cái thực thì phải tiêu tan. Mãn châu không thể là thuộc quốc của Nhật được. Lệnh cấm xuất cảng dầu hỏa, kim loại, những nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Nhật vẫn cứ được duy trì, cho đến khi nào tình hình quốc tế thật sự lắng dịu!
            Yêu sách kiểu đó thì ai chẳng giận sôi gan! Chiến tranh Trung Hoa – Nhật có kết liễu đi nữa mà Mỹ viện cớ chiến tranh Anh – Đức vẫn còn hay tình hình thế giới vì một lý do vì đó vẫn còn nghiêm trọng thì Mỹ vẫn có quyền cấm xuất cảng các nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Nhật như thường! 
            Đó là quan điểm bất di bất dịch của Mỹ từ tháng 6 năm 1941. Mỹ – Anh lại phối hợp hoạt động quân sự phòng vệ Đông Nam Á.  Thủ tướng Konoye năn nỉ xin gặp Roosevelt ở Alaska hay ở Hạ Uy Di để thảo luận. Roosevelt nhất định chối từ. Đó là cách buộc Nhật phải đi đến chiến tranh với Mỹ. 
            Người ta cứ hay trách Nhật gây chiến vì Nhật tập kích Trân Châu Cảng thành cộng. Nhật có tuyên chiến hẳn hoi nhưng dầu không tuyên chiến thì Tổng Thống Mỹ cũng biết rõ là Nhật đánh Trân Châu Cảng. Ông biết luôn cả cái mật khẩu tấn công của Bộ Tham Mưu Nhật “Gío đông: Mưa“. Tình báo Mỹ nắm được chìa khóa mật mã của Nhật từ lâu. Khi nghe tin quân Nhật đánh phá Trân Châu Cảng tan tành rồi (đô đốc, đại tướng Mỹ còn bận du hí cuối tuần), Tổng Thống Roosevelt nói một cách rất bình tỉnh: 
            - This it is! (Thôi được rồi!)
            Nghĩa là nước Nhật đã vào tròng rồi, đã mắc mưu rồi. 6 chiếc thiết giáp hạm bị đánh hư hao (2 chiếc chìm), 2362 người Mỹ tử trận, đó là một duyên cớ rất tốt để cho Tổng Thống Mỹ tuyên chiến với Nhật. Khả năng kỹ nghệ của Mỹ không hao tổn, làm ra tàu mới tốt hơn tàu cũ mấy hồi! Trong khi dư luận báo chí mỉa mai quân Mỹ yếu, bất tài, chính phủ Mỹ bất lực, ca ngợi quân đội Phù Tang anh dũng, bách chiến bách thắng, cơ mưu xuất nhập như thần thì Roosevelt và các cố vấn của ông khúc khích cười riêng với nhau, đắc ý lắm. 
            Kỹ nghệ chiến tranh phát triển sẽ đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người. Tuy gọi là Thế chiến nhưng chiến tranh đâu có lan đến đất Mỹ mà lo. 3 châu Âu, Á, Phi, bị  tàn phá, nhất là Châu Âu địch thủ của Mỹ mà bị tàn phá cho thật nặng thì Mỹ lại càng có cơ hội làm chủ nợ thế giới, tha hồ hốt bạc! 
            Nhờ trận đại bại ở Trân Châu Cảng mà Mỹ đã hưởng được những quyền lợi to lớn vô cùng. Nước cờ bỏ thí Trân Châu Cảng để tối tân hóa kỹ nghệ chiến tranh là một nước cờ cao tuyệt diệu vậy. 
            TRÍ HỮU SỞ CÙNG: CÁO GÌA BỆNH HOẠN ĐẤU TRÍ SAO LẠI CÁO GIÀ KHANG KIỆN 
            Để uy hiếp nươc Nhật, Tổng Thống Roosevelt đã tuyên bố rằng: 
            Hoa Kỳ cần phải có một nước Đại Nga thân hữu để kèm sau lưng nước Nhật. 
            Luật cho vay-thuê (Prêt-bail) cho phép chính quyền Mỹ tiếp tế lương thực khí giới dồi dào cho Nga. Không phải Mỹ thương yêu vì Nga đâu. Nếu không có Nhật là đối thủ của Mỹ tại Thái Bình Dương thì Mỹ sẳn sàng bỏ Nga cho Đức đập chết. Đức là nước ở Trung Âu chỉ tiếp giáp với biển ở Bắc Hải, không nguy hiểm gì cho sự nghiệp bá chủ của Mỹ ở Đại Tây Dương, Hitler lại sợ Mỹ tung quân và tung tiền can thiệp vào Âu châu như họ đã làm từ năm 1917 nên hết sức thận trọng trong việc đương đầu với các tàu áp tải của Mỹ. Chính các tàu Mỹ lại tấn công các tầu lặn của Đức trước. Như vụ diệt ngư lôi hạm Mỹ Greer bắn thủy lôi vào tiềm thủy đĩnh Đức đương lặn. Bực qúa tiềm thủy đĩnh Đức phải nổi lên mặt nước, bắn trả. Thế là Roosevelt nổi giận, coi việc bán lại để tự vệ là hành động côn đồ và ra lệnh đánh chìm bất cứ loại tàu nào của phe trục. Đức đánh Nga, Mỹ cứu Nga bằng tiếp vận chiến, thế mà Đức chưa dám trả đũa Mỹ ngay. Uy thế của tỷ phú Sam lớn thật. Mỹ muốn đánh thắng Nhật nhưng biết rằng lính Nhật có tinh thần cảm tử rất cao. Trái lại lính Mỹ ra trận với tác phong công tử. Anh nhà giàu nào lại không úy tử tham sinh? Sợ bom đạn, sợ thương vong mà lại muốn thắng trận thì chỉ còn có cách chi tiền để người khác phải đánh giặc thế cho mình. Ý nghĩa cao qúi trong việc ban hành, “luật vay-thuê’’ là như vậy. Đất Nhật hẹp, được gọi một cách hết sức tượng hình là Phù Tang tam đảo mà lại bị hai anh chàng khổng lồ vây đánh hai đầu thì sức mấy mà chẳng thua tan? 
            Mỹ lại muốn Nhật rút chân ra khỏi lục địa Á Châu. Bán đảo Triều Tiên, về phương diện quân sự, được coi là một chiếc cầu nối liền Hoa Lục và đảo quốc Phù Tang. Mãn Châu vùng kỹ nghệ trù phú do sức kinh doanh của Nhật là một địa bàn tốt để Nhật tùy cơ tiến xuống Hoa Bắc hay lấn lên đất Sibir. Nhật ở Mãn Châu khác nào một lưỡi gươm thọc vào lưng Nga, Nga chịu thế nào được? Sớm muộn gì thì Nga cũng nhổ thanh gươm ấy đi. Cho khỏi đau khổ và để rửa luôn cái nhục chiến bại năm 1905 nữa. Dầu Mỹ không yêu cầu hễ có dịp thuận tiện là Nga can thiệp quân sự vào Mãn Châu ngay. Chiến thắng thì tha hồ đoạt của! 
            Thế là tại Hội nghị Yalta trên bờ Hắc Hải, mùa xuân năm 1945, Roosevelt lại hứa cho Nga quần đảo Kouriles là quần đảo mà Nhật đã mua lại của Nga chứ đâu có phải chiếm cứ ngang xương. Nhưng mà thôi được, lấy của làng làm ơn cho ông xã có sao đâu? Đất đảo gì của mình mà tiếc! Thêm nữa, bọn Nhật đáng ghét lắm. Ai đời chỉ có một quần đảo Bonin dài 8 cây số, rộng 4 cây số mà quân Nhật phòng thủ rất là gắt gao. 22.000 lính tử trận gần hết, chỉ có 212 thương binh trầm trọng là bị bắt mà thôi. Quân Mỹ tử trận cũng bộn! Đánh giặc cái kiểu này thì chán lắm. Đây chỉ là một quần đảo nhỏ mọn mà Thủy quân Lục chiến đã khó lòng đắc ý… nói gì đến khi lên các đảo chính của Nhật thì mới sao nữa, hở Trời? 
            Averell Harriman (sau này còn phó hội Balê mùa hạ năm Mậu Thân 1968) lúc đó làm cố vấn cho Tổng Thống Roosevelt có ý tiếc về những nhượng bộ của Mỹ đối với Nga ở miền Đông Bắc Á. Nhưng mà ông đã không tận lực can ngăn. Nói cho đúng sự thật, hồi đó bom nguyên tử chưa hoàn thành. Roosevelt thì đương đau yếu, bệnh hoạn. Trái lại Stalin sức khỏe rất dồi dào, chỉ có một mình Winston Churchill là hiểu một cách thấu triệt những tham vọng của Nga ở Đông Âu và ở Đông Bắc Á. Nhưng nuớc Anh đương nhờ vả nước Mỹ mới có phương tiện chiến đấu, tiếng nói của con nợ đối với chủ nợ đâu có được nặng cân. 
            Chẳng những Nga đã chiếm thượng phong với Mỹ ở Đông Bắc Á và Đông Âu, Nga lại còn tự coi như chỉ có mình mới đủ sức đánh tan quân Nhật, Đến khi Mỹ đã hoàn thành bom nguyên tử, Mỹ muốn can ngăn Nga đừng có hành binh ở Mãn Châu nữa nhưng Nga đâu có chịu nghe lời. sau khi bom nguyên tử đã trút xuống Trường Kỳ và Quảng Đảo rồi, Nga mới chịu ra quân. Rốt cuộc trong một cuộc biểu dương lực lượng, dạo mát quân sự kéo dài một tuần, Nga đã tước đoạt cơ sở kỹ nghệ của Nhật ở Mãn Châu một số vốn đến 2 tỷ Mỹ kim hồi đó. 
            Phần thưởng quần đảo Kouriles mà Mỹ đã hứa hẹn và đảo Khố Diệp làm tăng gía trị phòng ngự cho quân cảng Hải Sâm Uy. Khi không mà Mỹ rước cọp đến gần các căn cứ của mình ở đất Nhật để thêm phần lo sợ… 
            Hội Nghị Yalta đã di hại rất nhiều cho sách luợc Mỹ ở Thái Bình Dương. Mỹ không nhìn rộng thấy xa, chỉ chăm chăm một việc làm cho nước Nhật suy yếu, thất thế hoàn toàn về quân sự. Đến khi thời thế biến chuyển, Mỹ cần Nhật làm một hải đài, phía tây canh chừng Hoa Lục, phía bắc ngăn đón tham vọng bành trướng của Nga thì Nhật đã bị tước đoạt các đảo chiến lược trọng yếu. 
            Làm chính trị, tranh bá đồ vương trong thiên hạ mà nhãn quan cận thị thì dẫu có tiền rừng bạc biển, khí giới lương thực như trường sơn điệp điệp cũng khó lòng tránh khỏi những bước thất ý ngỡ ngàng. 
            SỰ HẢNH DIỆN ĐAU KHỔ CỦA CÁC NƯỚC NHƯỢC TIỂU ĐÔNG NAM Á 
            Đông Nam Á, ngay từ đời Tần Hán đã nổi tiếng là Kim Địa (Chersonèse d’Or) vang lừng đến Tây Phương. Nhiều miền ở đây được đặt tên có chữ kim như Kim Lân là Miến Điện, Kim Đảo (Poulo Mas) là Sumatra, quế gừng, riềng, hồ tiêu, gỗ mun, gỗ teck, sừng tê, ngà voi, đủ thứ kỳ trân dị bảo. Trầm hương, kỳ nam là những hương liệu qúi gía hấp dẫn, khiến cho người Á Rập phải lặn lội đi tìm, bất chấp ba đào nguy hiểm. 
            Các cường quốc ở thế kỷ XX tuy vẫn qúi những món đó nhưng họ muốn chiếm đoạt những nguyên liệu cần thiết và có lợi hơn nhiều. Cao su, dầu hỏa, thiết, đồng, sắt, lúa gạo, kỹ nghệ và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ rất lợi cho các nước viễn chinh Anh, Pháp, Hòa Lan đã hưởng nhiều lợi lộc đáng kể. Nhật là nước mới trở thành cường quốc đầu thế kỷ XX, những đất giàu đã bị thiên hạ chiếm đoạt mất hết. Mình không còn một chổ chen chân. 
            Đã thế mà gã tỷ phú Mỹ còn bày ra trò cấm nhập cảng nguyên liệu. Nguy cho Nhật biết đường nào! Những quân đội phòng thủ thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan, đều không thể địch nổi quân Nhật. Yếu tố quan trọng là tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Người lính Nhật sinh trưởng trong truyền thống trung quân ái quốc, hiểu rằng đây là cuộc chiến đấu sinh tử tồn vong, họ phải thắng để cho Tổ Quốc trường tồn, lui bước nhường quân địch là dẫn mình vào cõi chết ô nhục, không chết tức khắc thì cũng chết mòn trong cuộc đời vong quốc nô. Trái lại, lính Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan sống ở thuộc địa lâu ngày, quen dùng cặp mắt người thượng quốc xem khinh dân bản xứ, tự cao tự đại, cứ tưởng rằng mình vô địch trên cõi trần gian. Ăn sung mặc sướng, quen nết mất rồi, chịu gian khổ chiến trường sao nổi? Dân bản xứ có nổi loạn, họ chỉ bắng vài phát súng là xong. Cần gì phải luyện tập kỹ thuật chiến đấu học tập chiến lược, chiến thuật? 
            Một yếu tố thứ hai nữa là quân anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan bị dân bản xứ thù ghét, dân bản xứ chưa biết nhận diện thực dân da vàng nhưng tổ tiên, cha con họ có thừa kinh nghiệm trực tiếp bản thân về các quan lớn thực dân da trắng. Ở thuộc địa, một tên lính da trắng mạt hạng cũng bắt dân bản xứ đối với mình như một vị quan lớn thì mới thỏa lòng. Người Nhật với cái chủ thuyết Đại Đông Á mưu cầu thịnh vượng chung đã tranh thủ được cảm tình của dân bản xứ náo nức một sự thay đổi mà chưa biết sự khổ nhục đổi chủ thay thầy.
            Quân Nhật từ Đông Dương đổ bộ lên Mã Lai, xông vào rừng rậm, vượt qua 640 cây số “ địa ngục xanh’’ bất chấp đỉa, vắt, muỗi mòng, sơn lam chướng khí, tiến về Tân Gia Ba. Ở Miến Điện, Phi Luật Tân, Nam Dương quần đảo, nơi nào quân Nhật cũng chỉ gặp một sự chống cự yếu ớt. Liên quân ABDA (Mỹ, Anh, Hòa, Úc) bại tẩu liền liền. Ở Tân Gia Ba 70.000 quân Anh thiếu nước uống phải treo cờ trắng.
            Quân Nhật có thực hiện chương trình Nam tiến thì quân Nga ở đất Sibir mới dám triệt thoái, di chuyển sang mặt trận Đông Âu, cứu vãn nguy cơ đang đè nặng lên thủ đô Mạc Tư Khoa  của Hồng quân. 
            Giả sử năm 1941, quân Nhật không dồn về Đông Nam Á mà lại nhảy lên tỉnh Hải Dương (Khaborowsky) của Nga ở Sibir thì sao? Chắc chắn là Mạc Tư Khoa thất thủ. Giòng lịch sử chuyển sang hướng khác mất rồi. Kho tài nguyên phong phú của Đông Nam Á đã cứu mạng Nga Sô, “thành trì của cách mạng thế giới’’. Để rồi các lãnh tụ Cộng quân được huấn luyện ở Nga hay ở Hoa Lục về đây quấy rối, đem lại rất nhiều đau khổ tang tóc của đám dân bản xứ hâm mộ hòa bình. 
            Lão tử nói “tài đa lụy thân’’. Của cải nhiều làm cho mình khổ sở. Đúng qúa chừng đi. 
            Muốn khỏi khổ thì nên liên kết với nhau để tạo thành một sức mạnh bảo vệ hữu hiệu. Bằng không thì kho tài nguyên dồi dào đó làm cho thiên hạ thèm muốn, bâu lại xâu xé, mình ở giữa tha hồ chịu trận và chết oan! 
            Nhất là từ lúc khám phá ra dầu hỏa dưới thềm lục địa thì lại càng nên coi chừng cái họa “tài đa lụy thân’’ to lớn hơn trước. Tài nguyên Đông Nam Á đã cứu mạng cho một siêu cường quốc nhưng không cưú nổi dân địa phương thoát khỏi sự loạn lạc, sự xâu xé tơi bời. 
            Chừng nào người Đông Nam Á mới có đủ sức mạnh để nói một câu hợp với quyền lợi chính đáng của mình. 
            Tài nguyên Đông Nam Á phải đem lại quyền lợi cho người Đông Nam Á trước đã.

            #6
              huytran 09.09.2010 05:36:24 (permalink)
              6.  NHẬT: MƠ VÀO ĐẠI LỤC,
                              NHỚ VỀ HẠ-UY-DI  
                
              • Đảo quốc và những Địa-trung-hải địa phương. 
              • Đi về đâu giữa muôn trùng sóng gío? - Đài Loan và Hạ-Uy-Di… 
              • Những mối thù bất cộng đái thiên… 

              VI
              một sức hấp dẫn tất nhiên,
              bất khả kháng
                
              Nếu eo biển Pas De Calais giữa Anh và Pháp rộng hơn, nếu đảo quốc Anh Cát Lợi có được diện tích của đảo Tân Guinée hay đảo Bornéo thì chắc giữa Anh và Pháp đã không có cuộc chiến tranh Trăm Năm mà thực sự kéo dài đến 116 năm với nhiều phen huyết chiến (1337-1453). 
              Nhật Bản cũng là một đảo quốc như Anh và cũng ở gần Đại Lục, Hoàng Hải, Đông Hải với những quần đảo bên bờ Đại Lục đều có thủy thế và địa thế làm những Địa Trung Hải thu hẹp lại để cho dân Nhật xông pha sóng gío một cách dễ dàng. Nói về tài đi biển, người Nhật chưa hẳn đã hơn được người Maori ở Tân Tây Lan nhưng vì đất Nhật giống như những trường lũy ở ngoài chiến hào canh chừng cho hoàng thành là Đại Lục nên người Nhật luôn luôn hướng về Đại Lục để tìm đất sống rộng rãi hơn. Vượt qua hàng rào nước mặn để đến hoàng thành, người hải đảo nào lại không muốn biến những địa trung hải địa phương thành những “ao nhà’’ để cho mình tha hồ nắm quyền bá chủ? 
              Giữa là một vùng biển, ngoài này là những đảo eo hẹp, trong kia là Đại Lục mênh mông… sức hấp dẫn của Đại Lục thật là mê ly, bất khả kháng. Chiếm giữ vị trí chiến lược hai bên, canh giữ, “ao nhà’’ thì có gì đáng gọi là hiếu chiến? Người lập nước ở Đại Lục có rộng đường dụng võ, miễn là biết chiến đấu thì có thể giong ruổi con đường vạn dặm, tìm hạnh phúc trong tiếng vó ngựa tung hoành. Còn như dân hải đảo có giỏi dụng võ thì cũng chỉ chiếm lĩnh cho hết mấy ngàn hòn đảo lớn nhỏ thôi, đất ở đâu mà chiếm thêm được nữa? Không lẽ giục ngựa xuống biển, tranh giành Thủy Phủ với Diêm Vương, Long Vương? Vậy thì, bằng bất cứ mọi gía, phải tìm đường vào Đại Lục. Cuộc chiến tranh Trăm Năm giữa Anh và Pháp vì Anh đương lâm vào cảnh nội chiến giữa 2 phe Bạch tường vi, Hồng tường vi. Nội chiến chấm dứt thì Anh Quốc có hy vọng đi chiếm đất phương xa, ở Phi Châu hay ở Tân Thế Giới.
              Nước Nhật không có cái may mắn ấy cho nên Nhật phải nhìn chăm chăm vào bán đảo Triều Tiên, Liêu Đông, hải đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hổ, Phúc Kiến. Chiếm giữ được đất ở hai bên bờ địa trung hải, cái lợi nhất định phải là cái lợi đa diện, đa phương:
              Không sợ người đại lục xâm lăng vì họ rục rịch đóng binh thì mình đánh ngay họ ở trên bờ đại lục. Dẫu cho mình chiến bại, họ cũng chưa dễ dàng gì vượt qua biển để xâm phạm đến đất mình. Cho dẫu họ có vượt biển khơi thì mình cũng có thể nghênh chiến ở ngoài khơi, nhận chìm họ xuống biển. Cho dẫu họ có đổ bộ được lên bờ biển, chiếm được vài biên thành đi nữa, chắc gì họ đã giữ được lâu? Không cần mình phải huy động dân đông đảo bao vây họ bốn mặt mà họ vẫn phải chịu cái nguy tuyệt lương, tuyệt viện. 
              Nếu dân đảo chiếm giữ được bờ đại lục thì dân đảo có hy vọng vào sâu. Lo gì cái nạn tuyệt lương! Đại lục rộng mênh mông, ta có thể cướp lương của địch mà nuôi dưỡng quân ta. Nơi này họ nghiêm việc đề phòng thì ta xuất kỳ bất ý, đánh cướp nơi khác. Bộ đâu nơi nào họ cũng nghiêm cẩn được hết hay sao? Họ chia quân phòng giữ lung tung thì nơi nào họ cũng thưa hở. Mình tiến lên thì có hy vọng chiến thắng. Gặp lúc không xứng ý thì lui về căn cứ chờ đợi thời cơ. Cùng lắm là lại ra biển, họ dễ gì truy kích mình được? Tạm lui ra biển rồi mình lại tràn vào, quyền chủ động là ở nơi mình chứ dân đại lục thường phải giữ thế phòng ngự, dẫu không hoàn toàn bị động thì cũng khó chơi cái trò tiến thoái cút bắt với mình. Biển khơi đối với dân hải đảo là một đường giao thông thuận lợi dễ dàng, một nơi mưu sinh cung cấp tài nguyên dồi dào, có cả minh châu, san hô, kỳ trân dị bảo. Đối với dân đại lục thì lại là một cõi huyền bí đầy những thứ kình ngao quái dị, sóng gío bất trắc, hãi hùng. Đó mới thật là thiên hiểm, trời bầy ra nơi hiểm trở, dân đại lục ra đến bờ biển là đứng khựng lại, chùn bước không dám đi xa.
              Nhờ có biển khơi nuôi dưỡng và bảo vệ, dân hải đảo ít lo bị nạn xâm lược. Chỉ có dân hải đảo chinh phục dân hải đảo mà thôi. Dân Nhật mạnh hơn dân Ainou (Oải Nô) từ quần đảo Kiou Siou (Cửu Châu) tiến lên chiếm lĩnh hết Tam Đảo. Năm 365, Nhật đánh nước Tân La ở bán đảo Triều Tiên, bắt phải triều cống. Nhật đã có một căn cứ trên bờ đại lục để tính kế lâu dài… Dân đại lục phải lo lấy lòng dân hải đảo. Năm 479, vua Nam Triều ở Trung Hoa phải phong cho Hùng Lược Thiên Hoàng làm Trấn Đông đại tướng quân. 
              Trong lịch sử kiến quốc, dân Nhật ít khi phải tiếp nhận cái nguy cơ xâm lược đến từ đại lục. Lấy binh uy của quân Mông Cổ làm rúng động cả hai châu Âu – Á, lại được dân Triều Tiên làm cố vấn thủy sư, tổ chức cuộc xâm lăng có phương pháp, trước hết chiếm vùng eo biển Đối Mã để vững cái thế vọng hải rồi sau mới huy động đại binh thế mà rốt cuộc cũng phải chịu thảm bại năm 1281 ở Hoàng Hải. Cả một hạm đội hùng mạnh 4000 chiến thuyền và 100.000 quân kiêu dũng đều chìm lỉm trước ngọn Thần Phong và sức nghênh chiến nương theo oai sóng gío của dân Tam Đảo (Trận chiến gợi cho người đọc sử liên tưởng đến việc quân Anh đại phá “Đạo Binh Vạn Thắng’’ (Invincible Armada) của Tây Ban Nha xâm lăng Anh Cát Lợi sau này). Nếu phải nghênh chiến để bảo toàn hải đảo, dân hải đảo thường hưởng được cái lợi lấy khỏe đợi mệt đến mức tối đa. Thuận tiện cho họ về cả hai mặt chiến, thủ. 
              Người đánh mình thì khó, mình đánh người thì dễ. Bởi thế, dù không xâm lược chiếm đất, đặt quan cai trị, lập căn cứ thuộc địa ở bên bờ đại lục được đi nữa thì dân hải đảo cũng còn có cách làm nghề hải khấu, thủy khấu, quấy nhiễu đại lục liên miên. Người Viking, người Normand ở Bắc Âu, người Đồ Bà ở Nam Dương quần đảo đều dùng chiến thuyền để thực hiện những việc xâm chiếm đại lục, trách gì dân Nhật không để cho Triều Tiên, Liêu Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, toàn những mồi béo bở trên bờ đại lục được lạc nghiệp an cư. Ai mà thờ ơ được trước những kho gạo, kho vàng bạc gấm lụa, kho nô lệ mỹ nữ bày sẵn trên bờ đại lục? 
              Thời Trung cổ dã man thì cuớp bóc thả giàn, trong thời đại văn minh thì việc tranh đoạt tài nguyên phải diễn ra dưới những hình thức khác cho hợp với… nhân đạo, nhân quyền mà lại di hại rộng rãi, sâu xa, dai dẳng hơn. 
              ĐẠI TRƯỢNG PHU TỨ HẢI VI GIA 
              Câu đối phổ thông, dán chỗ ngồi chơi của những người học thức sơ sài mà có hoài bão suông suông rằng đời mình sẽ là cuộc đời Từ Hải: 
              Chí quân tử cửu châu lập nghiệp,
              Đại trượng phu tứ hải vi gia! 
              Sức mấy mà anh dám đi lập một túp liều bên đảo Cửu châu của Nhật? Vừa mới thấy bóng khách lạ lảng vảng gần bờ biển, họ nghĩ anh là do thám thì đời anh bị dũ sổ Nam Tào ngay. Cũng khó lập nghiệp ở 9 châu trong bản đồ Vũ Cống. Thiện chiến như những đoàn quân chinh phục của Phong Thần Tú Cát, Đại nguyên soái Nhật Bản mà gây chiến suốt 5 năm, rốt cuộc đến năm 1592 vẫn bị dân đại lục đẩy lui ra biển.
              Trời sinh ra muôn vật, đã cho phi cầm tẩu thú, du ngư, tiềm long, mỗi loài một chỗ ở riêng. Anh là dân đại lục thì anh cứ chịu khó làm bạn với non xanh, đừng có láng cháng ra làm chi xa đến các đảo viễn duyên, nhất là khi những đảo ấy lại ở gần một nước hải đảo hùng mạnh. Nếu anh được thác sinh làm dân hải đảo thì anh đừng mạo hiểm đi lập nghiệp ở các bán đảo làm chi. Dân đại lục sẽ tìm đủ mọi cách khử trừ, trả anh về với biển cả. Dầu anh có thiện chí, hòa bình đến mấy, họ cũng sợ về sau anh sẽ đổi dạ thay lòng. Biết đâu lúc ban đầu anh cu xử tử tế dễ thương nhưng đến khi làm ăn có cơ sở rồi, đủ vây cánh anh sẽ chơi cái trò phản khách vi chủ, đoạt luôn đất sống của người ta thì nguy lắm. Cái trò tu hú xí ổ cưởng là việc xẫy ra một cách rất nhàm đến nỗi người nghe không cần luận bàn lẽ phải về đâu, mà cứ quay lại trách cái bất trí của con cưởng. Sao lại để cho tu hú đến đẻ nhờ?  Nó có thừa dịp mình đi vắng mà gởi một cái trứng nội tuyến vào thì mình cũng phải đủ thông minh để làm một sự phân biệt của người, của ta chứ? Hiếu khách như thổ dân đảo Cuba và đế quốc Aztèque hồi cuối thế kỷ XV thấy bọn người mặt trắng, râu ria xồm xoàm giông buồn đến đất mình thì vội vàng ra đón, đem biếu đủ các thức ăn thức uống giải lao. Thế rồi chỉ 50 năm sau ngày Christophe Colomb đổ bộ lên Cuba, thổ dân ở đó không còn mạng nào sống sót. Đế quốc Aztèque tiêu diệt, vị hoàng đế cuối cùng bị người ta nướng trên than hồng để khảo cho ra hầm bạc, hầm vàng. 
              Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, dân hải đảo có thừa kinh nghiệm để không chấp nhận sự hiện diện của đại lục. và dân đại lục cũng đáp lễ tương tự, chứ ai dại gì chứa chấp cái nguy cơ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Dân Nhật đã nhiều lần nhảy lên cầu bán đảo Triều Tiên nhưng rồi cứ bị đẩy xuống. Vì là một đảo quốc, họ chỉ thành công trong việc lập nghiệp tại các hải đảo mà thôi. Khí hậu hải đảo cố nhiên là thích hợp với dân hải đảo. Vì họ là đảo quốc nên không có định hướng phát triển lãnh thổ, hể nơi nào có hải đảo chiếm lĩnh được là họ di dân đến ngay. Đâu có cần bàn luận Nam, Bắc, Đông, Tây. Miễn là có hải đảo mà trong đó có nước ngọt là cư trú được. Nhật đã từng xuống Đài Loan trong thế kỷ XVII, đến Hạ Uy Di trong thế kỷ XVIII, thám hiểm quần đảo Kouriles năm 1976, khi thấy người Nga lập công ty bán da thú, thận hải cẩu ở đây. Năm 1800, Nhật đã chính thức dùng cờ trắng mặt trời đỏ để làm huy hiệu quôc gia, thượng quốc kỳ trên các thuyền bè chạy đường Kouriles-Edo. 
              Thật là một viễn kiến chính trị vô địch khi hơn một thế kỷ về trước, năm 1654, lúc tướng Nga là Khabaraff, Stepannoff đến giang khẩu sông Hắc Long, những người Nhật đã lo ngại người Nga vượt biển. Rồi người Nga vượt biển, do những nhiệp cầu quần đảo Kouriles, họ mon nen đến gần Nhật. Nga là dân đại lục mà đến chi đây? Họ đến được đây, thế tất là trên hành trình muôn dặm, họ đã chinh phục được nhiều dân tộc, nhiều sắc tộc. Bằng bất cứ mọi gía, phải đẩy người Nga lên bờ đại lục mới xong…
              Năm 1875, Nhật Nga ký hiệp ước, thỏa thuận chia nhau các hải đảo. Quần đảo Kouriles thuộc về Nhật, đảo Sakhaline thuộc về Nga. Nhật phải bù cho Nga một số tiền và được quyền đánh cá trong biển Okhostk ở duyên biên Sibir (Tây Bá Lợi Á). Như vậy cả Nga lẫn Nhật, ai cũng có cảm tưởng mình đã đạt được ít thành công. Nga vẫn còn gần Nhật vì còn đảo Sakhaline, Nhật đã đẩy lui được một mũi trường kiếm của Nga chĩa vào lưng mình, chỉ còn lại một mũi. Cố nhiên là chịu một mũi kiếm đỡ nguy hiểm hơn là bị thọc mũi dùi ở cả hai đường. Nhưng an ninh quốc gia hoàn toàn chưa có. Thật là chuyện nam giải mà hiện thời chưa có thể giải quyết dứt khoát bằng võ lực cho xong xuôi, dứt khoát khỏi bận lòng lo nghĩ về sau. 
              Từ những đợt sóng gío lạnh ở các biển phương Bắc đến những hải lưu ấm áp ở các biển phương Nam, nơi nào có hải đảo là nơi ấy thích hợp với sự bành trướng cúa Nhật. Tiến thêm một bước thì trong cuộc chiến tranh đầu thế kỷ, Nhật đã tranh được một nửa đảo Sakhaline. Ngày ký hòa ước với Nga, chính phủ Nhật không dám công bố kết quả. Vì sợ dân chúng phẫn nộ mà ác hại thay, sự phẫn nộ ấy lại có lý qúa chừng. Tại sao chiến thắng lẫy lừng ở Lữ Thuận, Phung Thiên mà các nhà ngoại giao lại chỉ dám đòi có nửa đảo? Mà đảo ấy đâu có phải là đảo của Nga? Thổ dân là người Ainou, sắc tộc này đã lệ thuộc và đồng hóa vào dân Nhật một phần lớn. Sao các nhà ngoại giao Nhật lại khiếp nhược và bất tài đến nỗi không dám nhân danh dân Ainou mà đòi trọn đảo cho rồi? Nga không chịu nhường thì bất qúa đánh nhau thêm vài trận nữa. Quân dân sẵn sàng xông trận để đẩy Nga lên bờ đại lục cho yên.
              Từ lúc Hayasky Sihei viết sách tố cáo trước dư luận quốc nội nguy cơ của Nga đối với an ninh lãnh thổ Nhật đến nay đã 141 năm, dân Nhật đã thấm nhuần ý thức phải đánh bại Nga để mưu cuộc sinh tồn, tại sao chính phủ lại không dựa vào ý dân, dân tâm mà cương quyết thì đòi chiếm lĩnh trọn đảo Khố Diệp cho kỳ được? Lưỡi guơm Nga đã bị bẻ gãy một nửa nhưng địch thủ vẫn còn giữ được một phần cán để rồi có dịp sẽ múa gươm gẫy mà đánh rấn tới, đoạt lại phần đất đã nhường… 
              Dân chúng thất vọng xót xa phải có chỉ dụ trấn tĩnh của Thiên Hoàng Minh Trị họ mới không bạo động.
              Đảo quốc không bao giờ muốn thấy một cường quốc đại lục đến gần mình. Cường quốc đại lục nào lại không sẵn sàng coi đảo quốc như những mảnh vỡ thuộc về đại lục? Có quan niện như thế mới huy động được dân chúng tác chiến khi cần. 
              Hải lục chia đôi đường, có sự cách biệt phân minh thì mới đỡ tranh chấp và tranh chiến.
              QUỐC KẾ TỔN THƯƠNG – TRỜI CHUNG KHÓ ĐỢI  
              Bom nguyên tử rớt xuống Trường Kỳ, Quảng Đảo vài trăm ngàn người thương vong. Hơn một phần tư thế kỷ sau vẫn có người tử nạn vì vết thương phóng xạ tuyến. Sự việc tuy đau lòng và khủng khiếp, song nếu số nạn nhân lên đến một triệu đi nữa thì sự thực cũng chưa tổn hại gì đối với số dân trăm triệu của Nhật Bản hiện giờ. Dân Nhật không có cái tâm lý bồn chồn vì một vài ngàn tù binh như dân Mỹ. Vậy mà sao quân Mỹ trú phòng ở căn cứ Xung Thăng (Okinawa) thì bị dân Nhật biểu tình phản đối, xua đuổi như đuổi tà ma? Dân Nhật cũng thừa biết rằng lính Mỹ ở trên đất mình, mình có những dịch vụ để thu ngoại tệ. Tích trữ Mỹ kim thì cũng như tích trữ vàng. Cho dẫu rằng năm 1971, đồng Mỹ kim có xuống gía chút đỉnh thì đó cũng chưa phải là duyên cớ chính đáng va sâu xa để dân Nhật tận tình tống khứ lính Mỹ, tự mình cắt đứt mất của mình một nguồn ngoại tệ. 
              Kẻ thù là kẻ thù mà tiền của kẻ thù thì vẫn cứ là tiền có thể xài được lắm. Tưởng niện những người tử nạn bom nguyên tử mà chê tiền chẳng hóa ra thất sách lắm hay sao? Sống với tiền, vì tiền chứ ai lại sống sướng, sống đủ tiện nghi với hoài niệm lịch sử? 
              Sau thế chiến, Nhật bị đẩy ra biển, bỏ lại hết công trình kinh doanh ở Triều Tiên và Mãn Châu. Mãn Châu là một vùng trang bị kỹ nghệ nặng rất quy mô, được cái mỹ danh là Rhur Asiatique, Rhur là vùng kỹ nghệ trọng yếu của Đức, Đức phục hưng mau chóng cũng nhờ sắt thép, than đá của vùng Rhur. Nhưng mất Mãn Châu rồi Nhật cũng cứ phục hưng nhanh chóng như thường, ngang hàng rồi vượt hàng Tây Đức về kỹ nghệ. 
              Cố gắng ngoi lên bờ dại lục rồi lại bị người ta đẩy rơi xuống biển. Nhật đã bị đẩy rơi xuống biển nhiều lần. Yi Soon Si, thủa sư đô đốc Đại Hàn, sáng chế tàu rùa, tầu lặn đầu tiên trên thế giới, đánh cho quân xâm lược của Phong Thần Tú Cát tan tành. Đã quen nếm mùi thất bại kiểu này, Nhật không coi đó là mối thù trời chung chẳng đội… Biết đâu, thời thế vần xoay, biển dâu thay đổi, ngụp lặn ngoài biển rồi cũng có dịp bò lên.
              Nhật lại bị dồn lên phương bắc, giao hoàn Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc sau 50 năm khó nhọc kinh doanh. Tiếc thì có tiếc nhưng ở Đài Loan, dân Tàu nhiều, dân Nhật ít, cho dẫu còn giữ được Đài Loan đi nữa thì lẽ tự nhiên dân Tàu vẫn là kẻ hưởng lợi nhiều hơn. 
              Điều làm cho Nhật đau lòng nát dạ không thể nguôi quên là quần đảo Hạ Uy Di biến thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ. Tại đây, kiều dân Nhật đến sinh cư lập nghiệp đã vài trăm năm, thâm căn cố đế, còn hơn người Mỹ ở Hiệp Chủng Quốc nữa. Miền Viễn Tây (Far West) người Mỹ tạp chủng mới bá chiếm từ thế kỷ XIX chứ nào phải năm tháng đã xa với gì. So với người Nhật ở Hạ Uy Di thì chủ quyền lịch sử của Nhật có nguồn gốc sâu xa, dân Nhật chiếm gần 2/3 tổng số dân chúng. Người Mỹ chìm trong số người da trắng mà người da trắng thì chỉ chiếm 10%, một tỉ lệ còn thua cả người Tàu. Mỹ đã khôn khéo viện cớ thực thi dân chủ cho hợp với trào lưu tiến bộ văn minh của nhân loại, ép vua Kala Kana phải tổ chức bầu cử, triệu tập Quốc Hội. Bọn dân biểu tay sai của tài phiệt, đắc cử nhờ những thủ đoạn gian manh, nhem nhuốc, báo ơn thí chủ bằng cách biểu quyết cho Mỹ thuê Trân Châu Cảng để lo việc phòng thủ chung. (Năm 1887) Quốc Vương Hạ Uy Di là Kala Kana nuốt hận mà băng hà và ngày nay người Polynésien chỉ chiếm được tỉ lệ 3% dân số. Họ là dân thiểu số ngay trên lãnh thổ tổ tiên. 
              Sau thế chiến, người Nhật bị bứng đi ở các quần đảo Mariannes, Marshall mà Nhật đã giành được trong tay Đức từ thời Âu chiến. Kiều dân Nhật đến các đảo ấy trồng dừa, trồng chuối, khai hoang, lập ấp, sinh con đẻ cháu đã vài đời. Nhật đáng bị đuổi đi, nỗi oan khổ bơ vơ nói sao cho xiết! 
              Thế là hy vọng Nam Tiến của Nhật tiêu tan thành mây khói. Cho dẫu có ngày khôi phục được oai võ thì cũng không còn đâu căn cứ để dụng võ tranh hùng ở Nam phần Thái Bình Dương. Đảo Guam, căn cứ hải không quân trọng yếu của Mỹ chính ở trong quần đảo Mariannes vậy. Á Châu của người Châu Á, nhưng đảo Guam là căn cứ Mỹ muôn năm! Quần đảo Mariannes bất qúa chỉ nuôi nổi vài trăm ngàn dân, gía trị kinh tế không lấy gì làm to nhưng gía trị chiến lược lại vô cùng trọng yếu. Phi cơ phản lực Mỹ từ đảo Guam có thể can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam và đã can thiệp nhiều phen rồi.
              Nhật mất tuốt những tiền đồn dụng võ ở phương Nam. Một sự mất mát ngăn trở rất nhiều cho những mưu tính tương lai của Nhật. Phe Đồng Minh thắng trận đổ cho Nhật cái lỗi gây ra chiến cuộc Thái Bình Dương. Sự thực lịch sử thì chính Mỹ gây ra, nhưng cái lý của kẻ chiến thắng đạp phăng lên trên sự thực để mà thành một cái ly rất mạnh.
              Nhật có thể thực hiện Nam Tiến bằng sách lược kinh tế, những thương thuyền đi về Đông Nam Á thiếu những nơi đình bạc thuận tiện, gặp trường hợp chiến tranh thì những đoàn thương thuyền ấy chỉ dùng làm mồi cho đối phương triệt kích bằng tiềm thủy đĩnh mà thôi. Muốn có sự bảo vệ hữu hiệu, Nhật phải cầu cứu với Mỹ. Gỉa sử Mỹ chần chờ một chút là nền thương mại viễn dương của Nhật bị tổn thương ngay. 
              Mỹ nâng đỡ cho Nhật tổ chức những đoàn Nhân dân Tự vệ trang bị võ khí hết sức tối tân nhưng lực lượng ấy chỉ dùng để dọa nạt, kềm hãm Hoa Lục chứ không dùng để bảo vệ các cuộc hải trình thương mãi của Nhật được. Có sức mạnh mà thiếu căn cứ, giương mắt trao trảo nhìn quyền lợi thương mại, nguồn sống chính của quốc gia bị người ngoài uy hiếp, lúc nào họ muốn ra oai là ta phải khép nép tuân phục, tình cảnh này mà không gọi là bi đát thì không còn biết dùng 2 chữ “bi đát’’ để chỉ những trường hợp nào? 
              Sự phú thịnh của Nhật ở trong tay Mỹ, dây da siết cổ do Mỹ nắm hết các mối, hể ương ngạnh thì sớm liệu hồn…
              Có thể nào dân Nhật không phẩn nộ khi gợi nhớ những hải đảo mà ngày trước mình xuất nhập dễ dàng, những hải đảo mà các tay hảo hán giang hồ đã khai cơ lập nghiệp. 
              Phẩn nộ mà vẫn phải tùng phục, hận thù mang xuống tuyền đài chưa tan.
              #7
                huytran 14.09.2010 07:36:00 (permalink)
                7. CHIẾN SỰ THÁI BÌNH DƯƠNG
                  
                • Đế quốc 3 vòng. Kế hoạch Nam Tiến của Tanaka (Điền Trung) năm 1927.
                • Tốc chiến tốc thắng – Thắng mau hơn dự định đến 2, 3 tháng.
                • Chiến thuật nhảy qua lưng cừu của Đồng Minh. Nhảy tới Xung Thằng Okinawa.

                VII
                lý thế về việc thiết lập 3 vòng 
                 
                Bị Mỹ phong tỏa nguồn tiếp liệu, bất đắc dĩ Nhật phải khai chiến trên Thái Bình Dương với kế hoạch thiết lập một đại khu thịnh vượng chung ở Đông Á gồm có 3 vòng: 
                     - Vòng trung tâm gồm có Nhật, Cao ly, Mãn Châu, Đài Loan, Trung Hoa (không kể các đất phiên thuộc Thiên Triều ngày trước). 
                     - Vòng tiếp tế gồm có Phi Luật Tân, Đông Dương, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. 
                     - Vòng đai phòng thủ gồm có Miến Điện, Tân Guinée, quần đảo bismarck, Mariannes, Carolines, Marshall. 

                Nhật chưa hề nghĩ đến việc xâm chiếm Alaska ở Bắc Mỹ và Úc Châu, một đảo lục địa ở Nam phần Thái Bình Dương. Vòng đai phòng thủ ấy theo các nhà quân sự đủ để ngăn cản cuộc tấn công của Đồng Minh. Nhật cũng đặt tin tưởng vào các hoạt động của tàu ngầm Đức khiến Đồng Minh Anh Mỹ thiếu phương tiện mở những cuộc phản công trên Thái Bình Dương. 
                Trái lại, về phía Đức ở Âu Châu, Hitler có cái ảo vọng đánh chiếm miền Caucase ở Nam Nga mở đường vào Tây Á trong khi quân Nhật đánh Ấn Độ rồi quân Trục hội kiến nhau ở Ba Tư. Hitler gởi đến cho người Nhật một nhân tài cách mạng của Ấn Độ là Chandra Bose hăng say với việc giải phóng Ấn Độ bằng võ lực.
                Để tiến hành kế hoạch dự định, tháng 7 năm 1941, 40.000 quân Nhật tràn xuống phía Nam Đông Dương. Tổng Thống Roosevelt lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động đó uy hiếp nền an ninh quốc gia của Mỹ, và như vậy thì chính sách hòa dịu, thân hữu của Mỹ đối với Nhật phải cáo chung từ đây. 
                Nhật sửa soạn gấp việc Nam tiến, quyền Tổng chỉ huy phương Nam thuộc về hoàng thân Terauchi, căn cứ xuất phát là Hoa Nam, Đài Loan, Đông Dương cho mặt Thái Bình Dương, Thái Lan cho mặt Miến Điện. 
                Chủ trương Đại Đông Á có hiệu lực xúc động phấn khởi đối với các dân tộc Đông Nam Á thống khổ dưới ách thống trị của thực dân da trắng từ bấy nhiêu lâu. Nhiều người tin tưởng ngây thơ vào những lời tuyên bố tình thương trong chủng tộc da vàng. Cố nhiên là việc thiết lập khu Đại Đông Á phải phục vụ quyền lợi Nhật Bản trước đã. Dân Nhật phải sống khắc khổ, thắt lưng buộc bụng từ khi chiến cuộc Hoa Lục sa lầy, vụ xung đột Lư Cầu Kiều kéo dài đã 4 năm dư mà chưa đem lại kết qủa dứt khoát. Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, 3 nước xuất cảng nhiều gạo nhất thế giới hồi đó, đủ sức nuôi quân đội Nhật tung hoành ở Thái Bình Dương. Dầu hỏa Nam Dương đủ cung ứng cho nhu cầu nhiên liệu của kỹ nghệ và các tàu bè Nhật Bản. Chiếm được vùng tiếp tế nguyên liệu, Nhật có đủ phương tiện để theo đuổi chiến tranh cho đến ngày toàn thắng. Vùng tiếp tế là máu, là sữa, nguồn sống của đế quốc Nhật vậy. Làm chủ được vùng tiếp tế thì Nhật thoát khỏi cái nạn khắc khoải mong chờ nguyên liệu đến từ thuộc địa các nước Tây Phương, đến từ Mỹ, cường quốc lúc nào cũng sẵn sàng bắt chẹt Nhật, gây đủ thứ rắc rối khó khăn. Nhật mưu tính một khu Đại Đông Á thịnh vượng (điều này thì thực tâm) với điều kiện sự thịnh vượng chung ấy phải phục vụ cho sự thịnh vượng riêng của Nhật… 
                CHIẾN LƯỢC THẦN TỐC 
                Trong sách Quân Sử Thế Chiến (Histoire militaire de la seconde guerre mondiale), tác giả là tướng Chassin chê Nhật không biết tấn công Đông Minh ở Thái Bình Dương vào tháng 5 năm 1940, lúc quân Anh hốt hoảng bôn đào ở Dunkerque. Thực ra cuối năm 1941, đầu năm 1942, quân Nhật vẫn chiến thắng thần tốc, khiến cho thế giới nghe tin mà thán phục, kinh hoàng. Nhật không dùng cơ hội Dunkerque thì dùng cơ hội Bắc Phi vì lúc đó quân Trục dưới quyền tướng Rommel đang đánh đuổi quân Anh chạy dài về Ai Cập.
                Thái Bình Dương rộng mênh mông, muốn làm chủ chiến trường, cần phải làm chủ những phi trường trên các hải đảo. Những đảo vòng tròn bằng san hô như quần đảo Marshall rất thuận tiện cho việc lập căn cứ, đường vòng tròn trên đảo dùng làm đường bay, vũng nước trong đảo tiếp nhận tàu bè và thủy phi cơ, vùng trú ẩn kín đáo. 
                Quần đảo Salomon, đảo lớn Tân Guinée có nhiều núi cao, chỉ có vùng duyên hải là có ít nhiều đường giao thông, những sân bay ở đây thật là qúi gía. Bên phòng ngự cố giữ, bên tấn công cố chiếm, chiến sự ác liệt liên tiếp xãy ra. 
                Phòng tuyến Nhật có vị thế một chữ L, chiều dọc chạy từ quần đảo Kouriles xuống đến quần đảo Mariannes, Carolines. Trên đường này đảo Saipan là căn cứ chính. Chiều ngang chạy từ quần đảo Palau qua quần đảo Carolines đến quần đảo Marshall. 
                Ngoài ra còn có căn cứ Cam Ranh; Saigon ở Đông Dương, địa bàn thuận lợi để tiến sang Mã Lai, xuống Nam Dương Quần Đảo.
                Phe Đồng Minh Anh, Mỹ, Hòa Lan, Úc có nhiều căn cứ hơn. Mỹ có đảo Guam ở sát phòng tuyến. Trân Châu Cảng với lực lượng hùng hậu về hải không quân. Anh có Hương Cảng và nhất là Tân Gia Ba (Singapour) pháo đài kiên cố nhất ở Đông Nam Á. Hòa Lan làm chủ Nam Dương Quần Đảo 2 triệu cây số vuông đất nhiều nguyên liệu. Phía Nam bán cầu, Úc và Tân Tây Lan là những hậu cứ bất khả xâm phạm vì Nhật không hề nghĩ đến việc chiếm lãnh Úc Châu, chiếm lãnh rồi làm sao trấn giữ?
                Chỉ nói riêng về Phi Luật Tân với hơn 7000 đảo, nếu quân Mỹ thiện chiến hơn và được dân địa phương giúp sức thì cũng đũ khiến cho Nhật sa lầy. 
                Trước lực lượng hùng hậu của Đồng Minh, sau trận tập kích Trân Châu Cảng, hủy diệt cái nguy cơ trước mắt, Nhật chỉ dùng có 200.000 binh sĩ, dưới 1.000 phi cơ, 10 hàng không mẫu hạm, 13 thiết giáp hạm, mà trong vòng 20 ngày loại trừ 2 hạm đội Đồng Minh trong Thái Bình Dương, chiếm đảo Guam của Mỹ, Hương Cảng của Anh, nhảy lên Phi Luật Tân, Mã Lai và đảo Bornéo. 
                Ngày 15 tháng 2 năm 1942, toàn thể nước Anh, 70.000 quân Anh trấn thủ Tân Gia Ba phải thượng cờ hàng… quân Nhật tiến sang đảo Java với khí thế triều dâng gío cuốn.
                Blitz Krieg. Chiến tranh chớp nhoáng, quân Nhật đã thắng những trận sấm sét vang lừng. 
                ĐỒNG MINH PHẢN CÔNG
                Chiến thuật, chiến lược của Mỹ căn cứ vào sự phòng thủ phương tiện vật chất. Tiềm lực kỹ nghệ nhờ chiến tranh mà phát triển mạnh thêm. Ngân sách năm 1942 của Mỹ có những khoảng chi tiêu khổng lồ về chiến cụ. Mỹ trù liệu 60.000 phi cơ, 45.000 chiến xa, 10 triệu tấn tàu bè. Năm 1943, trù liệu 125.000 phi cơ, 75.000 chiến xa, 10 triệu tấn tàu bè. Cuối năm 1942 Mỹ động viên đến 4 triệu người trong quân đội về các ngành kỹ nghệ. 
                Thượng tuần tháng 5 năm 1942 trận đánh ở biển San Hô, quân Nhật muốn nới rộng vòng đai phòng ngự bị quân Mỹ chận lại. Thượng tuần tháng 6, quân Nhật muốn chiếm đảo Midway (Trung Lộ) ở 1300 hải lý phía bắc Hạ Uy Di bị quân Mỹ đẩy lui và Nhật bị tổn thất rất nặng. 4 hàng không mẫu hạm Nhật bị chìm, 2 thiết giáp hạm bị tổn thương, 1 tuần dương hạm bị chìm, 250 phi cơ bị hạ. 
                Từ đây, Đồng Minh Anh Mỹ chuyển sang thế phản công với những phương tiện rất là phong phú. Nhờ có những pháo đài bay B.29, phi cơ Mỹ từ Hoa Lục trút bom xuống đất Nhật và ở Thái Bình Dương, căn cứ Truk của Nhật bị Mỹ tập kích, tương tự như trận Trân Châu Cảng mà Nhật đã thực hiện hơn hai năm về trước. Trong trận Truk, Nhật bị mất 12 chiến hạm, 11 thương thuyền, 200 phi cơ bị phá hủy. 
                Cũng nhờ có lực lượng phi cơ rất hùng hậu, Mỹ không cần tiến dọc theo đường phòng tuyến, đánh lấy tuần tự từng căn cứ một cho mất thì giờ. Mỹ dùng chiến thuật nhãy lưng cừu, đánh thẳng vào những căn cứ trọng yếu của Nhật, bỏ rơi những căn cứ trọng yếu khác mà không sợ bị Nhật đánh ép lại. Phi cơ Mỹ có nhiệm vụ ngăn cản diệt trừ những cuộc hành quân của Nhật xuất phát từ những đồn con nhím mà Mỹ bỏ rơi lại đàng sau. Nhờ chiến thuật này mà năm 1944 chỉ trong vòng 3 tháng, Mỹ tiến xa 1.500 cây số đến gần quần đảo Phi Luật Tân. 
                Trận đánh ở Guadalcanal (căn cứ Nhật uy hiếp Úc châu) Mỹ cũng thắng nhờ có hải lục không quân hùng hậu. Mỹ bại, Mỹ tổn thất, nhưng nhờ có nhiều chiến hạm, nhiều phi cơ qúa nên cứ phản công và đánh rấn tới, đến chừng thắng thì bày trận khác lớn hơn.
                Trận đánh đảo Saipan (tháng 6, tháng 7 năm 1944) chỉ còn cách xa Tokyo 2.300 cây số, mưa bom, mưa đạn của Mỹ phá tan được tinh thần quyết chiến cảm tử của quân Nhật thà chết chứ không chịu đầu hàng. 
                Trận  IWOSHIMA, một bước nhãy dài của Mỹ cũng diễn ra trong những điều kiện tương tự . Iwoshima, đảo ở cách Tokyo 1150 cây số diện tích đảo chỉ có 24 cây số vuông mà đầu năm 1945, Mỹ phải đánh tới một tháng. 
                Tháng 4, trận Okinawa lại càng quan trọng hơn. Okinawa cách Tokyo 1450 cây số, Nagasaki 450 cây số, Cao Ly 950 cây số, Thượng Hải 800 cây số, Đài Loan 600 cây số. Chiếm được Okinawa là Mỹ đã nhãy lên giữa trung tâm đế quốc Nhật rồi. Nhật dùng phi cơ Thần Phong, phi công liều mạng đâm xuống tàu Mỹ. Sau 52 ngày tận lực kháng chiến, đảo Okinawa thất thủ, nhiều lương dân trung nghĩa nhãy xuống sông tự vận, quyết không đội trời chung với quân thù.
                Kỹ nghệ chiến tranh của Mỹ đã chiến thắng, Mỹ chỉ thắng nhờ có vậy mà thôi. 
                MỘT YẾU TỐ THẤT BẠI CỦA NHẬT  
                Để đối phó với vòng vây hải dương của đồng minh càng ngày càng thắt chặt lại trên Thái Bình Dương. Nhật cũng tổ chức Pháo đài Á châu với một đường tiếp vận từ Tân Gia Ba lên đến Mãn Châu, đem nguyên liệu Đông Nam Á về cung ứng nhu cầu Kỹ nghệ chính quốc. Mỹ có nhãy lên bờ đại lục mà tranh hùng thì còn lâu. Quan niệm Pháo Đài Á Châu cũng chỉ là một quan niệm phòng ngự như Chiến Lũy Đại Tây Dương của Hitler bên Âu châu, chứng tỏ Nhật không còn nắm thế chủ động chiến trường được nữa. Mình phải lùi về thế phòng thủ trong khi người ta hăm hở mở trận phản công, đánh thẳng vào những căn cứ trọng yếu giữa đế quốc của mình, chỉ cần nghe danh từ Pháo Đài Á Châu cũng đủ biết cán cân chiến thắng đã nghiêng về phía địch. 
                Tuy nhiên vì tinh thần chiến đấu của quân dân Nhật rất cao nên Mỹ phải dùng đến bom nguyên tử. Đây không phải là độc quyền phát minh của Mỹ. Đức đã có thể chế tạo nổi thứ khí giới này trước Mỹ nếu chiếc tàu chở nước nặng của Đức từ Na Uy trở về không bị đánh chìm. Nhật cũng đã có thể chế tạo nổi thứ khí giới này nếu 5 ký uranium mà Nhật thu vét được ở Đông Dương chuyển về Nhật trên một chuyến tàu chở thương binh không bị Đồng Minh truy kích ở Nam Hải.
                Nhật thua vì kỹ nghệ chiến tranh Nhật không đủ tiềm năng ganh đua với kỹ nghệ chiến tranh Mỹ. Sự lý thật hiển nhiên. 
                Nhưng truy nguyên sâu xa hơn… 
                Nhật yếu vì kỹ nghệ chiến tranh chưa phát triển đúng mức cho kịp thời, cho sớm. Thử hỏi vì sao? 
                Nhật phải ứng chiến trên một chiến trường rất rộng, không còn đủ người xung vào các ngành kỹ nghệ, và bận tâm vì quân vụ, Nhật không huấn luyện được cho đủ số thợ chuyên môn. Nguyên liệu tuy sẵn mà thiếu thợ chuyên môn thì ai cũng biết kỹ nghệ rất khó lòng phát triển.
                Nhật phải ứng chiến ở nhiều mặt trận là vì Nhật không muốn để cho người khác thay mình chiến đấu. Lại càng không muốn cho các dân tộc nhược tiểu thực sự được giải phóng. Chính sách Đại Đông Á chẳng qua chỉ là việc thay thầy đổi chủ, thực dân da vàng hưởng thụ, đặc lợi, đặc quyền thay cho thực dân da trắng mà thôi. Lòng dân nhược tiểu phấn khởi lúc đầu đã nguội lạnh dần dần và chính gì vậy mà ở Phi Luật Tân, Fertig đã dựa vào dân Hồi Giáo Moros ở Mindanao phát động chiến tranh du kích rất vất vả, gian nan. Lại ở Miến Điện, Thiếu tướng Wingare, người Anh dám hành quân quấy rối sau phòng tuyến Nhật. 
                Dẫu không bị bom nguyên tử làm rúng động tinh thần thì Nhật cũng đã thua từ ngày những dân tộc nhược tiểu nhìn rõ chân tướng của Nhật. Gỉa sử tại các vùng đất chiếm được, Nhật cho thành lập ngay những chính phủ quốc gia cho người bản xứ, trao trả thực quyền cho họ, nâng đỡ những phần tử cách mạng thì quân vụ của Nhật giảm bớt rất nhiều. Nhật không bận tâm nhiều về việc phòng thủ phong cương, có đủ nhân lực và thì giờ mà phát triển kỹ nghệ chiến tranh tại chỗ. 
                Và nếu như vậy thì vụ Ấn Độ quật khởi đã nổ tung từ năm 1942 lúc Chandra Bose lảng vảng gần biên giới. Quân Nhật đâu có cần vào Assam làm chi. Cứ để Chandra bose chuyên lo việc ấy. Lại như ở Đông Dương, nếu Nhật không thỏa hiệp với Pháp thì quân Phục Quốc của tướng Trần Trung Lập đã khôi phục chủ quyền cho nước Việt và chế độ thực dân của Pháp đã sụp đổ ngay từ năm 1940. 
                Khi mà khối dân nhược tiểu cộng tác chân thành với Nhật thì chắc chắn giòng lịch sử thế giới đã rẽ sang một nẻo khác, cuộc diện năm châu đã biến đổi, khác hẳn tình trạng ngày nay. 
                Có thể Anh đã bại trận ở Ấn Độ từ năm 1942 chứ không phải chỉ có một pháo đài Tân Gia Ba thất thủ. Như Anh bại trận, Mỹ cô lập, sức mấy mà đổ bộ Bắc Phi? Và Thái Bình Dương Nhật có thể làm ân nhân cho nhiều dân tộc chứ không phải như hiện thời, ở trong tình trạng phi võ trang, chỉ có một lực lương Nhân Dân Tự Vệ mà vẫn bị các dân nhược tiểu nghi ngờ…
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.09.2010 07:45:33 bởi huytran >
                #8
                  huytran 27.05.2011 04:41:32 (permalink)
                  CHƯƠNG TÁM
                  **************************************************
                   
                   8. ÚC CHÂU VÀ TÂN TÂY LAN 
                • Úc Châu, cơ sở hậu cần
                  và cứ điểm xuất phát phục thù của Mỹ ở Thái Bình Dương.
                • Tài nguyên Úc Châu và
                  giao thương Nhật-Úc.
                • Tân Tây Lan và Úc Châu:
                  sự thịnh vượng ở Nam Bán cầu.
                  Viễn vọng Nam-cực-châu.  
                      

                  VIII
                  mở rộng vòng đai, 2 trận thủy chiến
                   ở đảo midway và biển san-hô
                    
                  Nếu đầu năm 1942, Nhật dám phát động chiến tranh ở Ấn Độ thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nguy hại, uy hiếp đường tiếp tế của Nga ở Ba Tư. Năm 1941, Anh phải đồng ý để cho quân Nga cùng chiếm Ba Tư với mình là vì nếu Nga thiếu tiếp tế, Nga bại trận, Anh sẽ lâm nguy. Nhật sợ mất lòng Nga không dám Tây tiến sau ngày chiến thắng ở Miến Điện. 
                  Tháng 7 năm 1942, Nhật đã từ tạ, không đặt kế hoạch phối hợp quân sự với Đức Ý. Nhật còn nơm nớp sợ Mỹ phản công ở Thái Bình Dương. Một sự việc nhỏ mà có ảnh hưởng lớn lao đến chương trình tiến quân của Nhật. Ngày 18 tháng 4 năm 1942, hai hàng không mẫu hạm Enterprise và Hornet chở phi cơ đến gần đất Nhật, 16 chiếc B.52 thả bom xuống Tokyo. Sự thiệt hại không có gì đáng kể, nhưng sự việc này làm cho các nhà thao lược Nhật ăn ngủ không yên. Họ không thể tin rằng phi cơ B.52 lại có thể cất cánh từ các sân bay trên hàng không mẫu hạm. Chắc chúng phải đến từ đảo Midway. Đảo này ở giữa đường Nhật và Hạ Uy Di, Nhật cần phải đánh chiếm để dứt mối lo thị trấn hứng mưa bom đạn.
                  Vậy cần phải nới rộng vòng đai phòng thủ và uy hiếp đường giao thương tiếp tế của Mỹ từ Hạ Uy Di đi Úc châu. Tại đây, tàn quân của tướng MacArthur đương chỉnh bị lực lượng. Trong chương trình vòng đai mở rộng, Nhật cần phải đánh chiếm những cứ điểm hình thắng:
                  1)    Hải cảng Moresby trên bờ biển Tây Nam đảo Tân Guinée.
                  2)    Đảo Tulagi trong quần đảo Salomon.
                  3)    Midway và các đảo quanh vùng.
                  4)    Các đảo Addak, Attu, Kisbat trong quần đảo Aléoutiennes.
                  Các cứ điểm ở quần đảo Kouriles thêm mạnh thanh thế. Chiếm Midway là ngăn trở được Mỹ không tập Tokyo. Chiếm Tulagi và cảng Moresby là uy hiếp miền Đông Bắc Úc. Từ 2 căn cứ này, Nhật có thể chiếm thêm các quần đảo Samoa, Fidji, đảo Tân Calédonie nữa.
                  Nhật gọi đô đốc Nagumo từ Ấn Độ Dương để lo việc chương trình hải phòng nới rộng. Mỹ cầm cự được và cuối cùng thắng trận Midway vì mật điện của Nhật lọt vào tai Mỹ mà Mỹ lại biết chìa khóa của mật điện Nhật. Cơ mưu bại lộ, Nhật vẫn không nghi ngờ gì cả… Nhật còn chiến thắng làm sao? Tuy không thắng trận ở đảo Midway song ở phía Đông Bắc Thái Bình Dương, quân Nhật chiếm cứ quần đảo Aléoutiennes một cách dễ dàng. Không gặp sức kháng cự đáng kể.
                  Nhật vẫn chiếm được đảo Tulagi và vì đảo này nhỏ, Nhật muốn thiết lập một phi trường lớn ở Guadalcanal. Mỹ đem lực lượng hải không quân tấn công đảo này. Trận đánh với nhiều keo thắng bại kéo dài từ tháng 8 năm 1942 đến cuối tháng 2 năm 1943 đô đốc Tanaka phải triệt thoái Guadalcanal với 12.000 tàn binh sau khi 25.000 chiến sĩ Nhật đã tử thương trên mặt biển và trên hải đảo.
                  Ở phía quần đảo Aléoutiennes, Mỹ cũng phản công kịch liệt, nhưng quân Nhật thừa lúc trời sương, rút lui êm thắm, Mỹ cứ lo vãi đạn, đến chừng biết là mình bắn phí đạn vào đất trống thì quân Nhật đã đi xa tự lúc nào rồi.
                  Kế hoạch nối rộng vòng đai phòng thủ của Nhật bị thất bại, Úc châu nhờ đó mà được an toàn, Úc châu và Tân Tây Lan tận lực giúp Anh Mỹ trong việc phục thù rửa hận.
                  GÍA TRỊ ÚC CHÂU TRONG CUỘC DIỆN THÁI BÌNH DƯƠNG
                  Hải quân Nhật không thắng được trận Guadalcanal, nhuệ khí quân Mỹ lên cao, Mỹ đặt kế hoạch đánh bạt Nhật ra khỏi căn cứ Rabaul ở phía bờ biển đảo Tân Bretagne để bảo vệ cho đường liên lạc Úc Mỹ. Binh bộ của Nhật đã vượt núi đến gần Moresby, không có quân từ biển đổ bộ lên hô ứng với mình nên phải rút quân vào rừng núi. Quân Nhật vẫn giữ được 3 cứ điểm ở bờ biển đông bắc đảo Tân Guinée, đảo có diện tích rộng rãi bậc nhì thế giới sau Thanh Đảo.
                  Quân Úc phối hợp với quân Mỹ, dưới quyền tướng Mỹ, trong các trận đánh ở Thái Bình Dương. Năm 1943, Úc huy động 11 sư đoàn. Chưa cần nói đến quân số, chỉ một việc Úc châu để cho Mỹ dùng đất Úc làm căn cứ cũng đã là một sự trợ lực qúi báu lắm rồi.
                  Rủi cho Nhật là cũng vì mật mã bại lộ mà tháng 4 năm 1943, thủy sư đô đốc Yamamoto bị phi cơ Mỹ triệt kích trên đường thị sát mặt trận.
                  Được Úc châu làm cơ sở hậu cấn, Mỹ đã có sẵn một yếu tố thắng lợi quyết định. Có nhiều nhà thao lược tỏ ý trách Nhật không khai thác mạnh những chiến thắng đầu năm 1942 để chiếm phứt Úc châu cho rồi, để Úc châu an toàn làm chi cho sinh thêm hậu hoạn. Lời trách này chỉ có lý khi Nhật thực tâm trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho các dân tộc nhược tiểu ở Á châu. Có làm được như vậy, Nhật mới tránh được cái lo hậu cố mà dồn hết tinh lực ra tiền tuyến. Nhưng Nhật đã không làm được như vậy về chính trị thì về mặt quân sự, Nhật chỉ có thể nghĩ đến việc nới rộng vòng đai phòng thủ mà thôi. Cho dẫu Nhật thắng trong trận thủy chiến biển San Hô ở Đông Bắc Úc và đổ bộ lên đất liền, Nhật cũng không chiếm lĩnh được Úc châu mà lại còn sợ bị sa lầy khốn đốn.
                  Cho dẫu Nhật có làm chủ được Úc châu thì Anh Mỹ vẫn có đất gần để mưu việc phản công.
                  Tân Tây Lan ở phía đông nam Úc châu 1.200 hải lý. Dân Tân Tây Lan đông khoảng 2 triệu rưởi người, đa số là gốc người Anh, còn dân Maori sở hữu chủ quần đảo thì chỉ còn độ 185.000 người Tân Tây Lan đã làm một cố gắng quân sự phi thường để giúp người Anh. Họ đã huy động đến 1/3 tráng đinh để sung vào quân đội. Như vậy liên minh chặt chẽ với Úc châu và Tân Tây Lan, Mỹ đã nắm quyền bá chủ ở Nam phần Thái Bình Dương, điều kiện cần thiết để chiến thắng ở Hải Dương Châu. Ưu thế lừng lẫy, Nhật cũng không thể có được. Cái hình thế thắng bại đã hiện rõ ở Úc châu Và Tân Tây Lan.
                  Sau thế chiến, đối với Nhật, cường quốc kinh tế, giá trị của Úc châu càng thêm phần quan trọng. Nhật tuy là cường quốc kỹ nghệ thứ hai trên thế giới nhưng tiềm năng và cơ sở kinh tế rất mỏng manh. Có đủ số thợ chuyên môn, có những nhà phát minh, sáng chế tài giỏi, nhưng Nhật thiếu nguyên liệu và phải trông chờ nơi sự cung cấp nguyên liệu ở các nước ngoài. Nếu nguồn tiếp tế ấy vì một duyên cớ gì mà bị đình trệ (đình trệ thôi, chớ đừng nói là cạn khô, đứt tuyệt) nhiều hậu qủa nghiêm trọng cũng tức khắc xảy ra. Mua nguyên liệu ở Đông Nam Á và Úc châu là nơi gần, phí tổn chuyên chở nhẹ, hàng hóa, chế phẩm Nhật mới có thể hy vọng cạnh tranh với các cường quốc kỹ nghệ khác. Sau thế chiến, Úc châu lại khám phá thêm nhiều tài nguyên như:
                  -      Năm 1949, tình cờ khám phá mỏ Uranium ở tiểu bang Bắc Địa.
                  -      Năm 1955, phát kiến mỏ bauxite lọc ra nhôm ở vịnh Hải Âu, mỏ phong phú lắm, sức dự trữ về nhôm có đến 3 tỷ tấn. Úc nhảy lên bậc nhất thế giới về sản xuất nhôm. (Hoa Kỳ lật đật chen vào, nắm 52% cổ phần khai thác, Gia Nã Đại 20%, Pháp 20% còn ConZinc Riotino của Úc châu chỉ có 8%).
                  -      Ở miền sa mạc Tây Úc, mỏ sắt lồi lên mặt đất. Sức sản xuất có thể đến 8 tỷ tấn, Úc đã sửa sang một hải cảng trong Ấn Độ Dương để tiện việc xuất cảng sang Nhật.
                  Giao thương Nhật Úc càng ngày càng phát triển, quan trọng cho cả hai bên. Úc cần bán nguyên liệu mà Nhật cần mua, Mỹ tuy là nước đồng minh quân sự với Úc nhưng Mỹ đã đâu có cần mua nguyên liệu của Úc. Vì hiểu lẽ sinh tồn tương quan nên Úc đãi Nhật bằng cảm tình thân hữu. Dẫu thân hữu nhưng vẫn cấm tuyệt không dung nạp người Nhật di dân. Úc châu và Tân Tây Lan đương thiếu nhân lực để phát triển kinh tế, Nhật có nhiều thợ giỏi, ngặt vì là giống da vàng, Úc châu và Tân Tây Lan chỉ cho nhập cảnh kiều dân da trắng. Được biệt đãi nhất là người di cư gốc Anh.
                  Tuy chưa bị đặt dưới quyền quân phiệt Nhật ngày nào nhưng Úc và Tân Tây Lan cẩn thận đề phòng, sợ có ngày mang họa. Gác vấn đề di dân ra, chúng ta có thể nói rằng những phát kiến tài nguyên mới ở Úc cũng góp một phần quyết định hữu hiệu vào việc hưng khởi kỹ nghệ của Tam Đảo Phù Tang.
                  THẾ LỰC ÚC – TÂN TÂY LAN Ở NAM BÁN CẦU
                  Úc châu, đảo lục địa, diện tích 7.700.000 csv mà dân số chỉ có 11 triệu người. tài nguyên lại phong phú. Thổ dân trước là người Pitjanjara còn ở thời đại thạch khí dồn vào sa mạc, sống nhờ ốc đảo Aranda. Cùng với Tân Tây Lan, Úc châu đặt vinh dự trong việc phát huy tính chất Anh Cát Lợi của đất nước mình.
                  Từ Âu chiến đến Thế chiến, Úc châu đứng về phe thắng trận. Sau mỗi lần chiến thắng lại phát triển quốc lực bằng cách chiếm thêm những đảo căn cứ chiến lược trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Úc châu là đảo lục địa giáp Thái Bình Dương về phía bắc và phía đông, giáp Ấn Độ Dương ở phía tây và phía nam.
                  Những đất thuộc quyền quản trị Úc châu phần lớn đều thuộc về Đức trước thời Âu chiến. Quan trọng nhất là Đông phần đảo Tân Guinée, quần đảo Bismarck, quần đảo Nauru. Quần đảo Nauru ở phía nam xích đạo 32 dặm, đông kinh tuyến 166°55 Anh, Úc, Tân Tây Lan cùng quản trị chung.
                  Anh cũng giao luôn quần đảo Coco-Keeling gồm 27 đảo nhỏ ở đông bắc Úc châu 1.300 dặm (trước kia thuộc về Tân gia Ba) cho Úc châu trông coi luôn. Như vậy, đảo vẫn cứ còn là của Anh để xử dụng khi hữu sự mà Anh nhẹ bớt gánh chi phí quân sự. Đây là một căn cứ không quân quan trọng canh chừng biển San Hô một cách hữu hiệu.
                  Cùng với Úc châu, Tân Tây Lan là nước quan trọng ở Nam bán cầu. Nếu chữ Hải Dương châu là danh tự riêng, dùng để chỉ các quần đảo từ Nhật Bản Á Đông, đến Chí Lợi (Nam Mỹ), từ biển San Hô đến ngoài khơi Californie thì Tân Tây Lan là nước quan trọng nhất vì một mình Tân Tây Lan đã được diện tích bằng ¼ tổng số của diện tích tất cả các đảo cộng lại rồi. Truớc năm 1962 Tân Tây Lan còn nắm quyền thống trị quần đảo Tây Samoa, một vị trí chiến lược mà Hoa Kỳ, Đức, Anh chịu nhường cho Đức rồi Âu chiến xảy ra, Tân Tây Lan chiếm lĩnh đảo này. Ngày 1 tháng 1 năm 62, Tây Samoa đã được độc lập nhưng dân Mau thuộc chủng tộc Polynésien như người Maori ở Tân Tây Lan vẫn đón nhận viện trợ của Tân Tây Lan và vẫn ở trong khối Liên Hiệp Anh.
                  Hội đồng Thái Bình Dương gồm đại biểu 3 nước Mỹ, Úc, Tân Tây Lan họp ở Đàn Hương Sơn (Honolulu), thủ phủ Hạ Uy Di vào tháng 8 và 9 năm 1951 đã thành lập khối ANZUS để lo việc phòng thủ chung. Khối được tăng cường bằng 2 hiệp ước song phương Mỹ-Phi, Mỹ-Nhật.
                  Anh Quốc ngoài sự việc có đàn em tham dự việc phòng thủ Thái Bình Dương, còn lập ra một Ủy Hội Thái Bình Dương và thống trị chung với Pháp quần đảo Hébrides, trọn quyền riêng về quần đảo Salomons (Quần đảo Tân Hébrides sản xuất nhiều manganèse mà Nhật đặt mua trước hết tổng số). 
                  Về phía Nam Cực Châu. Úc châu và Tân Tây Lan cũng có nhiều lợi thế tranh đất hơn các quốc gia khác. Úc châu tranh phần đất Nam cực châu giáp với Thái Bình Dương, phần đất từ 60 Nam vỹ giữa 45-160 đông kinh tuyến, trừ một phần nhỏ dành cho Pháp. Hiện thời Nam cực châu chưa khai quật được than đá và các loại kim khoáng vì băng tuyết chồng chất từ hàng triệu năm qua dày đến 2000-3000 thước, gió thổi mạnh thường đến 200 cây số một giờ và khí lạnh thường là 70 độ dưới số không. Nhưng… biết đâu với kỹ thuật khai mỏ tiến bộ của thời đại nguyên tử…! Úc châu là quốc gia nhiều tính chất Anh Cát Lợi, người Anh vốn có viễn kiến chính trị và biết lo xa.
                  Dẫu chưa có tài nguyên Nam Cực châu nhưng không ai chối cãi được sự trọng yếu của Úc châu và Tân Tây Lan ở Nam phần Thái Bình Dương và đó là một lý do mà Mỹ đã quan tâm khi thành lập Khối ANZUS.
                  Có điều đáng nói là Trung Cộng ở Hoa lục cũng gây được chút ảnh hưởng chính trị ở Nam Bán cầu trong đảng Cộng sản Tân Tây Lan. Đảng này theo thầy Mao, Mỹ có thể phớt tỉnh nhưng Nga thì căm giận.
                  Nhìn chung Úc và Tân Tây Lan đều có những vị trí chiến lược quan trọng trên các hải đảo, mạnh về thế phòng ngự, bảo tồn uy thế chính trị của người Anh. Anh Quốc tuy không còn địa vị đại cường nhưng vẫn là một lực lượng mạnh làm cho Mỹ phải kiêng nể. 
                  Vai trò kín đáo của Anh vẫn còn gía trị quyết định trong diễn tiến thời cuộc Thái Bình Dương.
                  Thường thường sóng gío Thái Bình Dương vẫn có ảnh hưởng giao động Ấn Độ Dương vì đất Á châu tiếp giáp với hai đại dương ấy. Úc châu và Tân Tây Lan quan trọng vì có vai trò pháo đài trấn thủ liên dương. Mỹ quốc tuy là siêu cường mà quyết định nào quan trọng cũng thường yêu cầu được Anh tán trợ và làm hậu thuẫn. Anh không ra mặt chỉ để cho hai hội viên trong khối Liên Hiệp Anh lên vũ đài trình diện với dư luận quốc tế còn mình thì đứng ở phía trong giúp đỡ ý kiến, phương lược hành động, và như thế đở phần hao tổn, đỡ mang tiếng thị phi!
                  Không còn mạnh về oai võ thì phải khôn khéo làm nghề quân sư giàu mạnh kinh nghiệm. Như thế cũng đủ bảo vệ lợi quyền.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2011 15:12:41 bởi huytran >
                • #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9