Tiên nữ núi Linh sơn
Bạch nguyệt lan 14.06.2010 18:44:44 (permalink)
  Info

Fic:
Tiên nữ núi Linh Sơn
Author:  Yue lan (Bạch Nguyệt Lan), hay Tử Nguyệt.
Disclaimers: Một số nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam
Genres: cổ trang, xuyên thời không, lịch sử
Rating: 16+

Warning: Tiên nữ núi Linh Sơn là fic dựa trên lịch sử nhưng đã hư cấu nhiều trong đó, mong mọi người đừng so sánh hình mẫu trong fic với lịch sử.

Summary: Trong lúc cùng bố- vốn là giáo sư khảo cổ du lịch đến Thanh Hóa, Ngọc Cát vô tình phát hiện ra một ngôi mộ cổ ẩn sâu trong rừng. Điều đặc biệt nhất là thi thể bên trong ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn như đang sống, với rất nhiều kim ngân châu báu. Tin tức về ngôi mộ vàng quý giá nhanh chóng lan ra khắp nơi, Yên Nhi- vốn là một kẻ trộm mộ siêu cấp quyết định cùng ông nội và phụ tá là Trúc Khuê đột nhập vào viện bảo tàng, khoắng gọn số kim ngân ấy trước khi những kẻ trộm mộ khác tìm đến. Để canh giữ chiếc quan tài- kho báu của quốc gia, viện khảo cổ học phối hợp với cục cảnh sát thay phiên nhau trấn giữ. Là con gái của cảnh sát, Mật Nha cũng theo cha đến bảo tàng để canh mộ. Đụng độ với thần mộ Yên Nhi, Mật Nha và Ngọc Cát đã phối hợp với nhau để bắt giữ. Trớ trêu làm sao khi thần mộ không bắt được, kho báu lại chưa khoắng hết, họ đã bị một luồng sáng lạ mang về quá khứ thời Lam Sơn.  Một kẻ trộm mộ, một người khảo cổ, một cô cảnh sát, bộ ba ấy sẽ tồn tại như thế nào ở quá khứ? Liệu đó là duyên hay là nợ? Họ có quay trở về được không? Lịch sử vẫn theo đúng guồng quay hay rẽ sang một cung đường mới? Câu trả lời chỉ có trong Tiên nữ núi Linh sơn.

Vì Tiên nữ núi Linh Sơn là tâm huyết của tôi, cho nên nếu các bạn muốn trích dẫn hay lấy toàn bộ fic post nơi khác, xin hãy thông báo với tôi một tiếng, ghi rõ nguồn “Tiên nữ núi Linh Sơn- by Bạch nguyệt lan” đồng thời dẫn link để tôi kiểm tra, cám ơn các bạn nhiều.
                                                                           oOo
 
                                                            
Thiên đức thụ mệnh
Tuế trung tứ thập
Số chi dĩ định,
Tích tai vị cập(*)

           “Đức trời chịu mệnh
           “Tuổi giữa bốn mươi!
           “ Số kia đã định,
           “ Chưa tới…. tiếc thay!”

Khi thấy những dòng chữ đề trên chiếc thẻ tre ấy, Lê Lợi vội đuổi theo vị sư già, hỏi rõ nguồn cơn. Vị sư già chỉ mỉm cười và bảo rằng “ Tiếc thay chưa tới, ấy là vì ngài chưa gặp được tiên nữ núi Linh Sơn”

 (*) Lam sơn thực lục
                                                               
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.07.2010 16:27:09 bởi Bạch nguyệt lan >
#1
    Bạch nguyệt lan 14.06.2010 18:46:44 (permalink)
     
                                                               Prologue
     
                                     Tìm tình yêu trong khói lửa như biển sóng xô cát
                            Gặp được nàng ấy như giọt sương mùa xuân trong hoa lê(*)
     
                                                        ------------------
     
    Tháng bảy.
     
    Hà Nội vào hè nắng nóng như thiêu đốt. Bầu trời xanh găng gắt. Những đám mây trên cao biếng nhác chẳng buồn trôi. Mặc cho cơn gió mùa hạ đưa đẩy, chúng cứ dồn tụ lại một chỗ, lớp này xếp lớp kia, tạo thành một lớp kem mây tơ trên nền bánh màu xanh của bầu trời.
     
    Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, những bóng cây lộc vừng ngả rợp chẳng đủ ngăn tia nắng hanh hao soi xuống mặt đất. Cái nóng hầm hập của mùa hè khiến đội trưởng Hải mệt lả người. Ngồi xuống chiếc ghế đá nứt nẻ, đội trưởng Hải quệt ống tay áo sờn rách lên những giọt mồ hôi cay nồng trên trán. Đảo mắt nhìn chiếc ống hút bùn dưới đáy hồ dẫn thẳng lên bờ, đội trưởng Hải mong sao công việc nạo vét chóng hoàn thành, để ông có thể kịp giờ dùng cơm trưa với cô con gái bé bỏng của ông.
     
    Thủ đô rục rịch chào mừng ngàn năm Thăng Long Hà Nội, ủy ban nhân dân thành phố giao cho sở khoa học và công nghệ thực hiện dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm”, cho hồ Hoàn Kiếm ngày càng trong xanh, ngày càng tươi đẹp trong mắt du khách và nhân dân.
     
    Trước khi tiến hành công việc nạo vét, đội ngũ công nhân đã lặn xuống hồ để đánh động cụ rùa di chuyển sang nơi khác, tránh sự cố cụ rùa nằm đúng tại khu vực nạo vét. Trước đó một ngày, khu vực nạo vét bùn đều được quây kín rào thép để đảm bảo sinh thái môi trường. Để chuẩn bị chu đáo đại lễ ngàn năm Thăng Long, dự án nạo vét bùn được triển khai giữa bộ khoa học- công nghệ Việt Nam với bộ giáo dục và nghiên cứu cộng hòa liên bang Đức. Việc nạo hút bùn được thực hiện thí điểm ở khu vực từ đền Ngọc Sơn đến giáp đường Lê Thái Tổ. Chính ở hồ Gươm, Lê Thái Tổ đã trao trả lại Thuận Thiên kiếm cho rùa thần Kim Quy. Tích xưa vẫn còn đó, cảnh cũ vẫn còn đây, nhưng bóng dáng người xưa lại không còn. Đội trưởng Hải bỗng buồn man mác. Ông buột miệng ngâm nga bài thơ, khiến cho các đồng nghiệp đang xem xét số bùn được hút lên bờ cũng phải mỉm cười vì tính thi sĩ trong ông.
     
                                      “Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
                                    Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
                                   Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
                                     Bao giờ mang trả kiếm dân ta"
     
    Đang ngâm nga bài thơ "nhớ Bắc" của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, đội trưởng Hải thôi ngâm khi thấy các nhân công trong sở vây quanh chiếc thùng chứa bùn trong lòng hồ. Mọi người dường như đang tranh cãi xung quanh cái vật mà ống dẫn vừa mới hút lên. Đội trưởng Hải gãi mũi, ông đứng lên, phủi đáy quần rồi lò dò lại gần đám đông đang xúm xít. Vạch đám đông bước vào trong, đội trưởng Hải há hốc miệng khi mắt thấy vật nằm trong chiếc thùng sắt. Ngoài những khối bùn khi hút lên, thì nằm chễm chệ trên những khối bùn đó là một thanh kiếm sắt bám đầy rong rêu.
     
    Dưới ánh mặt trời chói chang, thanh kiếm sắt lạnh lẽo dường như nóng bừng lên khi đội trưởng Hải nhẹ chạm tay vào. Âm thanh ngàn xưa vọng về, truyền tích rùa thần ngậm kiếm đầy màu sắc dường như tái hiện sống động trong ông…
     
    Chẳng lẽ đây là…
     
                                                  -------------------------
     
    (*) Thiên hạ- Trương Kiệt
    Translate by K400201 from yeuamnhac.com
     
     
                                        
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.07.2010 20:14:19 bởi Bạch nguyệt lan >
    #2
      Bạch nguyệt lan 14.06.2010 18:50:25 (permalink)
      01.

      Bia đá

      _ Kính thưa qu‎ý khách, chuyến xe Hà Nội- Thanh Hóa chuẩn bị cập bến, xin quý khách kiểm tra hành lý cẩn thận trước khi xuống xe. Chân thành cám ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ của công ty Mai Linh chúng tôi, chúc quý khách một ngày vui vẻ và tốt lành.

      Ngọc Cát choàng tỉnh khi giọng nói dịu dàng của cô nhân viên trên xe cất lên qua một chiếc loa phát thanh cầm tay. Cô vén rèm nhìn ra cửa sổ. Khung cảnh bên ngoài vô cùng náo nhiệt. Từng chiếc xe bus cao lớn chậm chạp nối đuôi nhau vào bến. Những người bán hàng rong đầu đội thúng lạc, tay lủng lẳng hai ba bịch trứng cút tấp nập chào mời khi khách xuống xe.

      “Vậy là đến Thanh Hóa”, Ngọc Cát nghĩ thầm. Sau hai tiếng đồng hồ ngủ vùi trên xe, khi Ngọc Cát mở mắt ra là đã thấy những rặng núi xanh xanh của Thanh Hóa ẩn hiển trong những dải mây. Ngọc Cát khoan khoái, cô quay sang đánh thức bố dậy. Lúc này ông vẫn còn ngủ, gọng kiếng xanh rời khỏi mắt, trễ xuống, đầu nghẹo sang một bên và hai tay khoanh lại với nhau. Ngọc Cát mỉm cười, cô lay vai ông, tay ôm chiếc balô đỏ và khoác chiếc giỏ xách màu hồng lên người.

      Được con gái đánh thức, Hùng Ân bừng tỉnh. Nhác thấy xe đã cập bến, ông vươn vai khiến các khớp xương trong người kêu răng rắc, rồi thu dọn hành lý cùng Ngọc Cát bước xuống xe. Vừa đặt chân xuống, hai cha con đã bị một nhóm xe ôm vây quanh, kẻ chèo người kéo lao nhao với giọng xứ Thanh khó nghe. Quá quen với kiểu lôi kéo, giành giật khách của cánh xe ôm, Hùng Ân ngoắt một chiếc taxi đậu gần đó rồi cùng Ngọc Cát chui vào trong, bỏ mặc những cái nhìn thất vọng, xen lẫn tiếng chửi rủa của cánh xe ôm khi gặp phải khách cứng tay.

      Sau khi nói tên khách sạn công đoàn cho người tài xế, Hùng Ân ngả người vào chiếc ghế bọc da êm ái, mắt lim dim. Ngồi bên cạnh ông, Ngọc Cát thích thú ngắm phố phường Thanh Hóa. Nhìn sự háo hức trong đôi mắt con gái, ông mỉm cười. Là một giáo sư khảo cổ, suốt mấy năm qua, Hùng Ân chỉ mải miết lên non xuống biển tìm kiếm di tích, khai quật những ngôi mộ cổ. Bạn thân ông là cuốc đất, cái xẻng. Mối quan tâm duy nhất của ông là khảo cổ, nên ông quên mất mình đã có gia đình, có một người vợ xinh đẹp và một đứa con ngoan. Đến khi nhớ ra, tất cả đối với Hùng Ân đã quá muộn. Người vợ xinh đẹp đã ngả vào vòng tay một người đàn ông khác, kết quả cuối cùng cho mười năm tay ấp gối kề là một lá đơn ly hôn.

      Hùng Ân lặng lẽ thở dài, tiếng thở dài sâu trong tâm thức. Ông không trách vợ mà chỉ trách bản thân. Mái ấm tan vỡ, giờ đây, niềm an ủi lớn nhất của ông là Ngọc Cát, đứa con gái mà ông yêu thương.

      Giống như ông, Ngọc Cát rất yêu thích khảo cổ, yêu thích đến mức đến mức cô đã quyết định năm sau sẽ thi vào đại học khoa học xã hội và nhân văn ngành lịch sử học, với ý muốn sẽ nối nghiệp cha tìm theo dấu vết tiền nhân. Ngọc Cát có một niềm say mê kỳ lạ với khảo cổ, dường như cô sinh ra để nối lại hiện tại với cổ xưa. Ngọc Cát đọc rất nhiều sách báo, cũng như đào sâu về thuật phong thủy để tìm ra các mộ huyệt chôn sâu dưới lòng đất cách đây hàng trăm năm. Đối với Ngọc Cát, những mảnh vỡ lọ, sành sứ hay chỉ đơn giản là một mũi tên, cũng có thể hé mở được sinh hoạt ngày xưa của tiền nhân thế nào.Theo chân Hùng Ân đi khai quật di tích, Ngọc Cát đã khiến các đồng nghiệp của cha khen ngợi vì kiến thức tích lũy, cũng như hiểu biết về lịch sử phong phú của cô, làm ông rất mực tự hào.

      Vì hai cha con có cùng sở thích, cùng niềm đam mê, nên hai cha con tối ngày bàn luận không ngớt mỗi khi viện khảo cổ tìm thấy một cổ vật nào đó. Chuyến đi Thanh Hóa lần này theo lời ông Hùng Ân nói là để nghỉ xả hơi, nhưng Ngọc Cát biết ông lại hướng sự chú ý đến hàng nghìn tấm bia đá ở bãi đá cổ rộng, hay còn gọi là khu mộ cổ, nơi chôn cất nghĩa quân của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam sơn.

      Đối với mọi người, những tấm bia đá vô danh ấy có lẽ không tạo được sự quan tâm nhất định, nhưng đối với người say mê khảo cổ như Ngọc Cát, thì dưới một tất đất chính là cuộc sống thưở xưa của cha ông, dù là một phiến đá nhỏ hay một cái bát sành đã mẻ cô cũng không bỏ qua. Chính vì sự đam mê ấy, nên sau giờ nghỉ ngơi ăn uống lấy lại sức ở khách sạn, hai cha con Ngọc Cát không đi thăm thú động Từ Thức, núi Nga Mi hay suối cá thần Cẩm Lương, mà lại khăn gói đến thế miếu ở Lam kinh. Sau đó, cả hai lại lên đường đến xã Ngọc Phụng, huyện miền núi Thường Xuân để đến bãi đá cổ, với hy vọng sẽ tìm được một cổ vật nào đó qua những tấm bia đá bị bào mòn bởi thời gian.

      oOo

      Ngọc Cát đứng trên một phiến đá cao, ở đây, cô có thể nhìn bao quát xuống phong cảnh phía dưới. Trải dài trong mắt Ngọc Cát là đồng ruộng mênh mông, núi non bạt ngàn, con sông bạc lấp lánh trong tàn cây xanh, những dãy núi kề vai nhau ôm ấp, tạo thành một bức tranh thiên nhiên hoang sơ mà tuyệt đẹp. Cách đó không xa, ông Hùng Ân đang đi dọc theo bãi đá cổ để xem xét những tấm bia đá. Cách đây không lâu, dân ở xã Ngọc Phụng tìm thấy rất nhiều hiện vật cổ như kiếm, dao, ống trúc thư bằng gỗ, tương truyền còn sót lại từ thời Lam sơn dấy binh. Hùng Ân nở một nụ cười, khiến gương mặt ông như giãn rộng, dưới những lớp đất này có thật là xương cốt của những nghĩa binh Lam sơn khi xưa hay không, hay chỉ là một mối bùn đất, đến ngay cả một khúc xương cũng chẳng còn.

      Có thể nói, đối với Hùng Ân, ông thích tìm thấy một ngôi mộ cổ hơn là những tấm bia đá vô danh này. Mang tiếng là giáo sư khảo cổ, nhưng thường lại chính người dân địa phương tìm thấy mộ rồi đánh tiếng lên viện, sau đó họ mới cử các ông xuống để tiến hành khai quật. Mơ ước của Hùng Ân là đích thân tìm thấy một ngôi mộ cổ xưa, thi thể bên trong vẫn còn nguyên vẹn như đang sống cùng bí ẩn thân thế của họ, đó mới là quả chín của cuộc đời làm khảo cổ như ông.

      _ Bố ơi, bố nhìn xem con vừa tìm được cái gì nè!

      Tiếng gọi lanh lảnh của Ngọc Cát khiến Hùng Ân dứt suy nghĩ. Sải những bước chân dài tiến về phía Ngọc Cát, Hùng Ân sửng sốt với những gì ông vừa nhìn thấy. Ngọc Cát đang ngồi xổm trên một đám cỏ, hai tay và chiếc áo thun trắng dính đầy đất cát, dưới chân là một phiến đá xanh. Do ngôi mộ nằm khuất trong rừng lại bị dây leo phủ kín, lẫn trong những bụi cây rậm rạp nên bình thường rất khó phát hiện ra.

      Ban nãy, sau khi đi xem xét hết những bia đá trong bãi đá cổ, Ngọc Cát đã dấn sâu vào tận khu rừng phía sau bởi bản tích thích những nơi hoang dã, trong lành tự nhiên. Càng vào sâu, cảnh đẹp như càng trải dài ngút mắt, bóng cây xanh, luồn gió mát lành, tiếng chim hót ríu rít, tất cả khiến Ngọc Cát khoan khoái. Vì mải mê ngắm cảnh đẹp, Ngọc Cát không để ý dưới chân, kết quả là cô ngã uỵch xuống đất đau điếng, nhưng cũng vì thế mà phát hiện ra tấm bia đá này.

      _ Tấm bia này tại sao lại lạc lõng ở đây? Sao nó không được chôn cùng với những tấm bia đá kia?

      Vừa dùng tay nhổ những sợi dây leo bám trên tấm bia, Hùng Ân vừa thắc mắc. Cũng có suy nghĩ như cha, nhưng Ngọc Cát không lên tiếng vội. Lấy chiếc khăn ướt mang theo, Ngọc Cát lau chùi phiến đá một cách cẩn thận. Cô hy vọng đọc được những dòng chữ khắc trên phiến đá, qua đó sẽ hiểu rõ được nguồn gốc của nó, hoặc chí ít ra cũng biết sự kiện viết trên tấm bia là gì.

      Hùng Ân như nằm rạp xuống mặt đất, ông chăm chú quan sát hình dạng tấm bia. Tấm bia này một nửa chôn sâu xuống dưới đất, một nửa lộ thiên, hai góc vuông vức, mỗi đầu chạm trổ hai cánh hoa mai, xung quanh viền hai con rồng đang ở thế chầu lưỡng long. Hùng Ân nhíu mày, ông sờ tay vào hình khắc đôi lưỡng long, cảm thấy nó thô ráp và sắc cạnh. Khác với hình tượng con rồng tròn lẳn thời Lý, thêm cặp sừng và đôi tay là rồng thời Trần, con rồng trên tấm bia này đầu to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần thẳng ra, bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá, thông qua một số đặc điểm đó, Hùng Ân có thể xác định đây là con rồng từ thời hậu Lê.

      Càng quan sát phiến đá, Hùng Ân càng cảm thấy lạ. Đây là một phiến đá xanh rất quý hiếm, là loại đá không có đường vân, không có màu sắc pha tạp. Những khối đá này phải khai thác bằng sức người, phải đục đẽo tách ra khỏi núi, sau đó cẩn thận vận chuyển nhẹ nhàng xuống chân núi. Trái ngược với những tấm bia bên ngoài bãi đá cổ, những nét chữ khắc trên tấm bia này không bị thời gian bào mòn, ông vẫn còn có thể xem rõ. Dò dẫm những chữ khải chân khắc trên tấm bia, Hùng Ân càng đọc càng ngạc nhiên, đây không phải là một tấm bia khai báo danh tính hay công trạng của người đã khuất, mà nội dung của nó lại liên quan đến tâm tư tình cảm của người đã khắc phiến đá này hơn.

      “ Thuận Thiên năm thứ nhất, đất nước thanh bình, giặc Minh rút về nước, giang sơn thu về một mối, nhưng không có nụ cười của nàng thì ta có lấy cả giang sơn này cũng có được trọn vẹn đâu.

      Nàng là người ta yêu nhất trên thế gian này, nàng là người luôn ở bên cạnh ta trong suốt bao năm nằm gai nếm mật, nàng là người ta luôn an giấc mỗi khi kề bên. Không có nụ cười của nàng, ta không thể tìm thấy niềm vui. Không có đôi mắt nàng, ta không biết hình dáng của ta ra sao. Không có bàn tay của nàng, giấc ngủ ta không thể tròn đêm. Nàng đã đi, nàng đã rời khỏi ta. Nàng biết rằng nàng rất quan trọng với ta, vô cùng quan trọng với ta, nhưng nàng vẫn đi, nàng vẫn muốn ra đi…”

      Nội dung của tấm bia đá chỉ có như thế, nhưng Ngọc Cát chợt thấy cay nơi khóe mắt. Lời lẽ của người khắc những chữ này vô cùng tha thiết, tình cảm của người ấy đối với người con gái anh ta yêu vô cùng sâu nặng. Nó khiến Ngọc Cát cảm động, khiến Ngọc Cát cảm thấy ai mà được người này yêu, quả là một điều hạnh phúc nhất trên đời.

      Trong khi Ngọc Cát đang ngẫm nghĩ, Hùng Ân tiếp tục đọc lại một lần nữa những chữ khắc trên tấm bia đá. Khi đọc hết những chữ cuối cùng, quai hàm ông trễ xuống vì sửng sốt. Cuối những dòng chữ khắc là một dấu khắc hình ấn triện. Cái ấn triện này Hùng Ân đã từng thấy trên văn bản thư tịch cổ khi tham dự những buổi thuyết giảng về hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ thời hậu Lê. Nếu ông nhớ không lầm, cái ấn triện trên phiến đá này chính là ấn triện Thuận Thiên, và thêm ba chữ Lê thái tổ ngay bên cạnh dấu triện, khiến ông Hùng Ân càng không thể tin vào được những gì ông vừa khám phá ra

      _ Ngọc Cát, con có nghĩ dưới tấm bia đá này là một ngôi mộ không?

      _ Con nghĩ có đấy bố ạ!!

      Tiếng Ngọc Cát từ xa vọng tới, Hùng Ân ngoảnh lại thì thấy con gái ông đang đứng trên một tảng đá lớn, mắt nhìn xung quanh, miệng lẩm bẩm, dường như đang suy tính một chuyện gì đó. Tụt xuống khỏi tảng đá, Ngọc Cát hăm hở tiến lại chỗ cha. Mắt cô lấp lánh, gương mặt rạng rỡ khác thường

      _ Dưới tấm bia này chắc chắn có mộ bố ạ!

      _ Sao con biết?- Hùng Ân đẩy gọng kính lên nằm ngay ngắn trên sóng mũi

      _ Bố nhìn xem! Con đã quan sát kỹ càng hết xung quanh, đây chính là thế đất để đặt mộ. Dựa vào thuật phong thủy, hai yếu tố quan trọng để đặt một huyệt mộ chính là long mạch và đắc thủy. Bố thấy đấy, sau lưng tấm bia đá là một ngọn núi cao gọi là Huyền Vũ. Bên tả, hữu đều có hai ngọn núi, tả gọi là Thanh Long, hữu là Bạch Hổ, hai ngọn núi này đứng chầu huyệt mộ, tạo thành vòng tay ngai che chống những luồng ác phong, bảo vệ sinh khí không bị gió xua tan. Phía trước mặt huyệt mộ có một hòn núi nhỏ án ngữ gọi là Chu Tước, như người đứng khoanh tay, vái chào huyệt mộ. Trước mặt tấm bia này là một dòng sông, dòng nước chảy êm đềm quanh co, uốn khúc, bao bọc âm trạch. Tấm bia đá này vừa kết hợp được long mạch và đắc thủy, nếu không dùng làm mộ huyệt thì dùng để làm gì?

      Hùng Ân nhìn Ngọc Cát, kiến thức của con gái ông cũng khiến ông phải ngạc nhiên. Chỉ mới mười bảy tuổi mà đã không thua kém một nhà khảo cổ học lâu năm nào, con gái ông sau này phải lấy người có chân mạng đế vương, hay một vị tướng dưới một người trên vạn người mới không uổng tài nó. Ý nghĩ lạ lùng ấy làm Hùng Ân cười phì, thời đại tự do dân chủ này làm gì có vua chúa cho con gái của ông.

      Không biết được cha đang nghĩ về mình, Ngọc Cát lại tiếp tục quan sát tấm bia đá, theo như thuật phong thủy, phía dưới tấm bia đá chắc chắn có mộ cổ. Cô rất muốn khám phá xem chủ nhân của ngôi mộ là ai, nhưng ngặt nỗi trong tay lại không có xẻng hay cuốc để đào khối đất này lên. Cùng tâm trạng với Ngọc Cát, Hùng Ân cũng tò mò không kém. Hai cha con quyết định ra chợ mua những thứ cần thiết cho một cuộc khai quật. Lựa chọn đầu tiên của họ là hai chiếc xẻng bộ binh chuyên dụng, được làm theo nguyên bản của Liên xô trong những năm chiến tranh. Ba cạnh của xẻng đều sắc như dao, có thể dễ dàng gọt đẽo bất cứ khối đất nào. Có nó trong tay cộng thêm với lòng kiên trì nếu chẳng may đào trúng đá, Ngọc Cát và ông có hy vọng khám phá được bí ẩn của tấm bia đá bị người đời lãng quên.

      Trong rừng sâu Thanh Hóa, huyện miền núi Thường Xuân, có hai bóng người không ngừng đào đất. Những khối đất nâu sẫm bay rào rào trên nền cỏ xanh thẫm, những giọt mồ hôi trắng đục thi nhau rơi xuống, thấm qua những khối đất, nhưng hai chiếc xẻng lấm đất vẫn nhịp nhàng lên xuống đều đặn không ngừng.

      Hoàng hôn buông dần, mặt trời treo lưng chừng núi. Cùng lúc đó, một tiếng reo phấn khích vang lên, hai chiếc xẻng cắm phập xuống khối đất vun cao thành gò. Dưới ánh nắng sẫm vàng, một cánh cửa hầm bằng gỗ hiện ra trước sự mừng rỡ của Ngọc Cát và Hùng Ân. Quệt giọt mồ hôi chực rơi vào mắt, Hùng Ân loạng choạng ngồi phệt xuống thảm cỏ, hơi thở ông gấp rút, đứt đoạn do đã phải khổ lao suốt mấy tiếng đồng hồ.

      Ngồi bên cạnh ông, Ngọc Cát lại xé thêm một bao khăn ướt để đắp lên mặt. Hai lòng bàn tay cô chai cứng, đỏ ửng do cầm xẻng quá lâu. Nhìn những chiếc móng tay cắt ngắn, Ngọc Cát mỉm cười. Cô không bao giờ để móng tay dài, cô luôn cắt sát chúng, tiện cho công việc đào bới, tìm tòi. Trên trường, Ngọc Cát luôn vùi đầu vào sách lịch sử, nghệ thuật. Phàm bất cứ tìm ra món cổ vật nào, người làm khảo cổ bao giờ cũng phải có những thẩm định sơ bộ trước khi tiến hành qua máy móc, thế nên Ngọc Cát phải năng đọc thật nhiều sách để nâng cao khả năng giám định của mình.

      Trong lớp, Ngọc Cát có rất ít bạn, phần vì cô như một con mọt sách, phần vì cô là người sống nội tâm, ít ồn ào náo nhiệt như bạn bè đồng trang lứa. Bạn thân của cô suốt hai năm nay là Mật Nha, với lý lịch khá chuẩn mực cho một cô gái Hà thành, cha là cảnh sát, mẹ là giáo viên.

      Ngoại hình của Mật Nha khá lạ, cô có làn da trắng đến bất thường, mái tóc dài đen nhánh và làn môi đỏ tươi, đỏ như quả bimbosota (*) huyền thoại của nước Ấn. Trái ngược với Ngọc Cát, bản tính Mật Nha thẳng thắn, rõ ràng. Mật Nha không phải người xã giao rộng rãi, nhưng khi đã kết bạn với ai thì cô sẽ hết lòng vì người đó.

      Trong khi bạn bè trong lớp không hứng thú với khảo cổ, thì Mật Nha lại có vẻ thích thú với công việc của Ngọc Cát. Không dễ gì có bạn tri kỷ, Ngọc Cát dốc hết ruột gan truyền đạt lại kiến thức cho Mật Nha, cũng như những câu chuyện l‎ý thú trong ngành khảo cổ. Bí mật các xác ướp Việt, những lời nguyền mộ cổ lạ lùng trong lịch sử và những kẻ trộm mộ- kẻ thù không đội trời chung của giới khảo cổ, Mật Nha nghe mà quai hàm trễ xuống, đủ hiểu rằng những câu chuyện Ngọc Cát bao giờ cũng là một sự hấp dẫn lớn đối với Mật Nha. Chuyến đi Thanh Hóa lần này vô tình Ngọc Cát phát hiện được một tấm bia đá cổ, và rất có thể dưới tấm bia là một ngôi mộ, lần này về, Mật Nha sẽ nghe được khối chuyện thú vị, cũng như những món quà nhỏ xinh mà Ngọc Cát mang từ xứ thanh về.

      Trong khi Ngọc Cát hồi tưởng về Mật Nha, thì ông Hùng Ân cũng đang miên man suy nghĩ. Thủ đô Hà Nội đang tất bật đón chào ngàn năm Thăng Long, suốt tuần qua, báo chí một phen tốn giấy mực khi sở khoa học và công nghệ vớt được một thanh kiếm sắt nằm trên những khối bùn dưới lòng hồ Hoàn Kiếm. Nhân dân quanh vùng truyền miệng đó chính là kiếm thần Thuận Thiên mà vua Lê thái tổ đã trao trả cho rùa vàng. Nhận được chỉ thị của ủy ban nhân dân thành phố, viện khảo cổ học của ông vào cuộc. Sau bao ngày tốn công khảo cứu, căn cứ vào những hoa văn tinh xảo trên thanh gươm sắt, chất liệu sắt trên thanh kiếm tương tự như những vũ khí cổ được tìm thấy ở xã Ngọc Phụng, viện khảo cổ đã công bố kết quả, xác định thanh kiếm ấy có niên định cách đây năm trăm năm, tương đương với thời khởi nghĩa Lam sơn.

      Kết quả vừa được công bố, thủ đô dậy lên một làn sóng phấn khích. Truyền thuyết gươm thần Thuận Thiên ngày càng lan rộng và trở nên sống động hơn bao giờ hết. Thanh kiếm hiện đang nằm trang trọng trong viện bảo tàng dưới sự giám sát chặt chẽ của hai viên bảo vệ, và sẽ xuất hiện trước hàng vạn ánh mắt chiêm ngưỡng, thần kính của dân chúng trong đại lễ Thăng Long.

      Thanh kiếm thần năm nào Lê thái tổ trao trả cho rùa vàng bây giờ rất có đất dụng võ, với tốc độ phủ sóng chóng mặt của các phương tiện truyền thông, đâu đâu người ta cũng bàn tán về thanh kiếm ấy. Khách du lịch đổ đến Hà Nội đông hơn, người buôn bán tha hồ chặt chém, bảo tàng ngày nào cũng đông nghịt khách đến nỗi cháy vé, quả thật trăm năm mới có một lần.

      Hùng Ân lại miên man suy nghĩ, chuyến đi Thanh Hóa lần này quả thật không uổng công, ông luôn mong muốn sẽ có một ngày chính tay khám phá môt hầm mộ chưa ai tìm thấy, mong muốn sẽ khai quật một ngôi mộ hợp chất(*) chứa thi hài người đã khuất bao năm, để tiếp cận gần hơn đời sống của người xưa, với hàng thiên niên kỷ đã lặng lẽ trôi qua. Nếu đây thực sự là một ngôi mộ cổ như con gái ông nói, thì mong ước của ông đã thực hiện được 50%, nhưng nếu đó chỉ đơn thuần là một tấm bia đá, bên dưới chỉ là một cái hố chôn rác bình thường mà không phải là một hầm mộ, thì ông thật sự sẽ rất thất vọng, và lại tiếp thục theo đuổi ước mơ của mình.

      Hùng Ân thở phì một hơi, ông nắm chặt cái xẻng trong tay và bật dậy như một con rối bị giật dây, bao sức lực như hồi phục hoàn toàn. Nhìn nắp hầm rêu phong, xám xỉn đang đóng chặt, chứa đựng biết bao bí mật mà ông muốn khám phá, Hùng Ân phấn khích nói nhanh.

      _ Nghỉ ngơi thế đủ rồi, bố con ta bắt đầu khám phá hầm mộ thôi!

      -o-

      (*) Bimbosota: Một loại quả chín, vỏ đỏ tươi, có hai ba hạt nhân đen ở trong. Người Ấn Độ cho rằng môi đỏ như quả bimbosota là rất đẹp.

      (*) Mộ hợp chất: Theo giới khảo cổ học, là dành riêng cho một loại hình mộ táng rất đặc thù và “phải theo trong tục lệ triều đình” của vua quan phong kiến Việt của vài thế kỷ.
      #3
        Bạch nguyệt lan 15.06.2010 16:56:26 (permalink)
                                                                         02.
                                                                                      Địa đạo

         
        Cũng háo hức không kém gì Hùng Ân, Ngọc Cát không đợi cha thúc giục lần thứ hai đã bật dậy. Mở balô chứa những vật dụng cần thiết trong khảo cổ, Ngọc Cát nhẹ nhàng lôi ra hai chiếc bán mặt nạ phòng độc đa năng. Loại bán mặt nạ này được các nhà nghiên cứu thuộc viện hoá học vật liệu và trung tâm công nghệ  xử lý môi trường thiết kế, dùng để phòng các loại khí độc vô cùng hữu hiệu. Có nó, Ngọc Cát có thể an tâm đối với những khí độc tích tụ lâu năm trong mộ hầm.
         
        Ban nãy, do công việc đào đất đã rút cạn sức lực của Hùng Ân, nên ông không để ý đến nắp hầm bằng gỗ nằm lặng lẽ bên dưới tấm bia. Bây giờ đã gạt hết đất đá ra, Hùng Ân mới có dịp sát kỹ chiếc nắm hầm để rồi phải há hốc miệng kinh ngạc. Thấy cha yên lặng nhìn đăm đăm cái nắp gỗ mà chưa chịu mở, Ngọc Cát hỏi, giọng cô đượm vẻ ngạc nhiên.
         
        _ Ba, ba sao vậy? Sao chưa mở nắp hầm ra?
         
        _ Thật không thể tin được...
         
        Hùng Ân nói, giọng trầm trồ. Có vẻ ông vẫn chưa thực sự tin vào mắt mình nên tích cực chà xát tròng kiếng vào chiếc áo sơ mi đã ngả màu rồi cẩn thận đeo lại trên mắt. Đã theo chân cha đi khắp nơi, cùng ông tham gia giám định văn vật, chưa bao giờ Ngọc Cát thấy cha có biểu hiện xúc động đến thế, làm cha cô phải ngơ ngẩn, chắc hẳn nắp hầm này có chứa đựng một bí mật nào đó. Ngọc Cát nghiêng đầu, cô ngồi xổm xuống và bắt đầu quan sát tỉ mỉ. Mắt nhìn đến đâu, quai hàm Ngọc Cát càng trễ ra đến đó. Nếu muốn biết tuổi thọ của cây, cách đơn giản nhất là đếm số vòng tròn trong thân cây khi cắt ngang. Trong một thân cây, chất gỗ và màu sắc mỗi vòng sẽ khác nhau. Thớ gỗ thô, màu nhạt chính là gỗ xuân, còn thớ mịn, màu thẫm chính là gỗ thu. Trong đó, một vòng tròn gồm màu nhạt và thẫm chính là một vòng tuổi do cây tạo ra trong một năm, điều khiến Ngọc Cát kinh ngạc, chính là chiếc nắp hầm này dường như được tạo thành từ một thân cây cực lớn, những vòng tròn trong thân cây đan xen lẫn nhau nhiều không đếm xuể, ước tính tuổi thọ của nó lên tới một nghìn năm.
         
        Niên đại cũng như sự to lớn của chiếc nắp hầm khiến Ngọc Cát xuýt xoa. Trước đây, Ngọc Cát được biết ở đền Voi Phục đường Thụy Khê, quân Tây Hồ có những cây muổm với tuổi đời khoảng bảy trăm đến một ngàn năm, ngoài ra còn có cây dã hương trên ngàn năm tuổi ở xã Tiên Lục huyện Lạng Giang được Vua Lê Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”. Với nạn phá rừng không kiểm soát của lâm tặc hiện nay, cùng với những quả đồi trọc trơ khấc, thế mới biết các giống cây có tuổi thọ ngàn năm quý hiếm đến nhường nào.
         
        _ Thật không thể tin nổi,chiếc nắm hầm ngàn năm ấy được làm từ gỗ huê mộc vàng
         
        Ngọc Cát ngước nhìn cha, cô thấy rõ nắng rơi trong đôi mắt ông lấp lánh, tựa hồ như rưng rưng xúc động trước giống cây quý hiếm vạn niên mà lại bị vùi sâu dưới những lớp đất. Phủi sạch đất cát bám trên bề mặt gỗ, Ngọc Cát cắn môi hỏi.
         
        _ Làm sao ba biết chiếc nắp này được làm từ gỗ huê mộc vàng?
         
        _ Con không ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng như hương trầm từ chiếc nắp hầm này sao? Gỗ huê mộc vàng còn được gọi là trắc thối vì khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi hơi khó chịu. Gỗ trắc thối chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ huê mộc vàng thớ mịn, nó vừa cứng vừa dẻo đồng thời có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ huê mộc vàng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình, do nó vừa có mùi thơm lại có tác dụng chữa bệnh rất hữu hiệu. Người ta nói rằng gỗ huê làm quan tài có tác dụng bảo quản thi thể rất cao. Do nạn trộm gỗ ngày càng hoàn hoành nên nó đã được nhà nước liệt vào sách đỏ, thật không ngờ ngày hôm nay bố con ta lại tìm thấy một thân gỗ huê mộc vàng lớn đến thế này.
         
        Ngọc Cát tròn mắt, cô lặng lẽ miết tay lên từng thớ gỗ, dù đã vùi sâu dưới những lớp đất, dù đã trải qua bao nắng mưa, chiếc nắp hầm này vẫn thoang thoảng hương thơm khi cô cúi xuống ngửi.  Mùi đất bùn âm ẩm, hăng hắc quện với hương thơm nhè nhẹ của gỗ xộc vào mũi khiến Ngọc Cát hơi choáng. Cô ngồi thẳng dậy, miệng khô khốc hệt như có miếng băng salonpas dán sâu trong cổ họng. Gõ nhẹ tay vào trán cho đỡ nhức đầu, đôi mày Ngọc Cát nhíu lại, khít rịt vì hít quá nhiều mùi trộn lẫn vào nhau.
         
        Để con gái ngồi nghỉ mệt, Hùng Ân không thể lãng phí thêm bất cứ giây phút nào nữa, ông nhanh nhẹn xắn tay áo, xoạc chân, lưng khom xuống, hai tay bấu chặt mép nắp hầm để gỡ lên. Thấy những mạch máu ẩn hiện trên vầng trán xanh đổ mồ hôi vì dùng quá sức của Hùng Ân, Ngọc Cát vội giúp cha một tay. Sau một tiếng đánh vật, kết quả vẫn là con số không, chiếc nắm hầm vẫn trơ lì như đá tảng còn hai cha con đã ngồi tựa lưng vào nhau thở dốc vì quá mệt. Dán mắt vào đôi bàn tay mảnh mai hằn vết đỏ sưng tấy, bầm ụ, Ngọc Cát lắc đầu ngán ngẩm, cô nhìn về phía cha đang lau mồ hôi trên gương mặt xương xẩu đỏ ửng, nói nhỏ nhẹ.
         
        _ Con nghĩ với sức lực của hai người thì không thể nào nâng nổi nắp hầm này, hay để con vào trong làng kêu người đến giúp, mình trả cho họ ít tiền công thì chắc họ cũng bằng lòng .
         
        Hùng Ân cau mày, ông không muốn ai ngoài ông phát hiện chiếc nắp hầm này, nhưng nếu chỉ dựa vào sức hai bố con thì muốn tháo gỡ nắp hầm ra quả là bất khả thi. Sau phút do dự, Hùng Ân gật đầu, cái gật đầu của ông nặng như đeo đá. Chỉ chờ có thế, Ngọc Cát đứng vụt dậy rồi băng nhanh xuống làng, phút chốc chỉ còn là một chấm nhỏ thấp thoáng. Còn lại một mình, Hùng Ân ngả người trên bãi cỏ, hai  tay ông dang rộng, mắt lim dim, lắng nghe núi rừng xôn xao gọi hè về.
         
        Hùng Ân không phải đợi lâu, sau thời gian hút một điếu thuốc, Ngọc Cát đã quay trở lại cùng năm người thanh niên da nâu khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc. Đảo mắt nhìn từng người, Hùng Ân gật đầu, ông chỉ tay vào chiếc nắp hầm phổ biến công việc.
         
        _ Các cậu đã nghe con bé Ngọc Cát nhà tôi nói rồi, đúng không! Chỉ cần các cậu nâng chiếc nắp hầm này lên, mỗi người sẽ được năm mươi ngàn tiền công.
         
        Thấy chỉ cần nâng một chiếc nắp hầm cũ kỹ lên là đã được năm mươi ngàn, năm người thanh niên sốt sắng gật đầu. Vuốt lọn tóc rủ xuống trán, Hùng Ân ra hiệu cho năm người thanh niên cùng ghè tay vào nắp hầm, sau đó ông lấy hơi đếm từ một đến ba, tiếng thứ ba vừa thoát ra khỏi cổ họng ông, tắc tị, thì chiếc nắp hầm vững chắc dưới sự tác động của sáu người đã nặng nề dịch chuyển. Nuốt nước bọt khi chiếc nắp hầm nhích thân, để lộ ra một khoảng vuông bằng bốn bàn tay chụm lại dưới mặt đất, gió thổi u u, Hùng Ân thở mạnh rồi tiếp tục ra hiệu cho năm người thanh niên hỗ trợ mình nhấc chiếc nắp hầm lên. Cứ nhấc một ít, ngừng một ít, cuối cùng, chiếc nắp hầm đã ngoan ngoãn rời khỏi vị trí cũ đáp xuống bãi cỏ, để lộ ra một địa đạo tối tăm sâu hun hút nằm câm lặng dưới ánh mặt trời.
         
        Trông thấy địa đạo ấy, khỏi phải nói hai cha con mừng rỡ đến thế nào. Hùng Ân nhanh chóng rút chiếc ví da màu đen từ túi sau ra trả tiền cho năm người thanh niên như lời hứa. Cầm tiền công trong tay, năm người thanh niên chưa đi vội vì tò mò với công việc của hai người khách lạ. Chẳng buồn để tâm đến năm người họ nghiêng ngó phía sau, Hùng Ân đeo mặt nạ phòng độc, ông cuối xuống, mặt song song với địa đạo, cố căng mắt nhìn vào bên trong. Do địa đạo sâu hun hút, Hùng Ân nghiêng ngó rã cổ mà vẫn không thể nhìn thấy được gì ngoài mùi đất nồng ngai ngái. Lấy một cục đá ném nhẹ vào trong, ông nghiêng tai nghe ngóng, có tiếng lốp cốp của đá rơi, tiếng lốp cốp ấy xa dần, xa xần rồi hoàn toàn im lặng chứng tỏ địa đạo này có bậc thang xuống dưới và nó rất sâu. Hùng ân thích thú, cảm giác rạo rực hồi hộp như những đợt sóng ngầm truyền đến dây thần kinh mạo hiểm của ông. Quay sang Ngọc Cát đang nhón chân phía sau, Hùng Ân ngoác miệng cười
         
        _ Con gái, mau cắt cho ba một cành cây nhiều lá, mau lên!
         
        Không cần Hùng Ân giải thích, Ngọc Cát hiểu ngay ba cô muốn kiểm tra khí độc trong hầm mộ bằng cách của người xưa. Nhanh chóng cắt lấy một cánh cây nhiều lá, Ngọc Cát rút một cuộn dây thừng trong ba lô ra, cột vào cành cây và đưa cho Hùng Ân. Mỉm cười  tán thưởng con gái, Hùng Ân từ từ thả sợi dây thừng có cột cành cây xuống dưới địa đạo.  Khi chạm được đến đáy, sợi dây thừng vốn  rất dài nhưng bây giờ chỉ còn lại một đầu ngắn nằm trong tay ông, Hùng Ân liếm môi, ông thở nhẹ một hơi rồi từ từ rút dây thừng lên, cành cây lá vẫn xanh tốt không có dấu hiệu héo úa. Hùng Ân cứ thả xuống rút lên đến ba bốn lần thì mới yên tâm rằng phía dưới địa đạo không có khí độc đáng kể nào, Hùng Ân rạng nét mặt, ông quay sang Ngọc Cát, nói bông đùa
         
        _ Con gái, bố sẽ là Indiana Jones(*)  còn con sẽ là cô thủ thư kiêm nhà khảo cổ xinh đẹp Evelyn Carnavon (*) chứ?
         
        _ Một sự kết hợp rất thú vị!
         
        Ngọc Cát bật cười, cô giơ ngón tay cái lên tán thành ý kiến thám hiểm hầm mộ của cha cho dù không biết trước chuyến viếng thăm này sẽ mang lại điều gì. Lục trong ba lô ra một chiếc đèn pin bóng halogen chống nước siêu sáng mà hai cha con đã tậu khi siêu thị điện máy giảm giá, Ngọc Cát đưa lên ngắm nghía, cô chĩa cây đèn pin xuống dưới đường hầm và bật công tắc. Với độ sáng tương đương một triệu ngọn nến, những bậc thang bằng đá rêu phong ngái ngủ dần hiện ra dưới đôi mắt háo hức của Ngọc Cát. “Quả nhiên đây là một hầm mộ” Ngọc Cát reo thầm, cô nép sang một bên để Hùng Ân nhìn thấy. Tay xoay xoay đèn pin để soi rõ những vị  trí khác, Ngọc Cát thì thầm
         
        _ Ba để con xuống trước hen.
         
        _ Không được, để ba xuống trước, có gì nguy hiểm thì con còn biết đường mà chạy. Đeo mặt nạ phòng độc vào!!
         
        Hùng Ân lắc đầu, ông đưa cho Ngọc Cát chiếc mặt nạ phòng độc rồi cầm lấy đèn pin từ tay cô. Ngọc Cát tặc lưỡi, bản thân cô không muốn cha gặp nguy hiểm nhưng lại chẳng thể ngăn được ông. Đeo mặt nạ phòng độc lên mặt, Ngọc Cát rút trong ba lô ra một cây nến, phần để giữ sáng, phần để biết được trong hầm mộ có khí oxy. Không để mắt đến năm người thanh niên hiếu kỳ quan sát phía sau, Ngọc Cát chăm chú nhìn Hùng Ân cẩn thận nhích người chui vào địa đạo. Ngọc Cát nín thở, theo sau cha, cô rón rén đặt chân lên một bậc thang bằng đá trơn trợt, lòng hồi hộp, hơi thở ngày một nặng nhọc khi gió nhẹ mơn man trên mu bàn tay cô, lạnh ngắt.
         
        Một giọt mồ hôi lăn trên má Ngọc Cát, cây nến trên tay cô vẫn cháy leo lét như lửa ma trơi, vùng sáng tỏa rộng từ cây đèn pin trên tay cha cô cũng chẳng thể soi dược gì ngoài những bậc đá xám xịt kéo dài vô tận xuống khoảng không hun hút phía bên dưới. Ban đầu, Ngọc Cát vừa đi vừa đếm, nhưng cô đã bỏ cuộc nửa chừng khi đếm được bậc thang thứ sáu mươi. Bậc thang thứ sáu mươi, Ngọc Cát rùn mình, cô tự hỏi ẩn dưới không gian đen như mực ấy là những gì, liệu trong hầm mộ này có cạm bẫy hoặc những khí độc mà trước nay cô chưa hề biết tới hay không? Ngọc Cát bứt rứt, lẽ ra cô nên khuyên cha mình kêu thêm người trong viện khảo cổ xuống, đông người ít ra còn cảm thấy an tâm hơn. Ngọc Cát suy nghĩ, nhưng ngay sau đó, cô tự trấn áp nỗi sợ hãi mơ hồ dâng lên trong lòng bằng cách tự đấm nhẹ vào tim mình. Khảo cổ không chào đón những người sợ hãi, và cô thì lại không muốn tỏ ra lo lắng trước mặt cha mình.
         
        Cuối cùng, cầu thang dẫn xuống ngôi mộ cũng đã chấm dứt. Đặt chân xuống mặt đất, Hùng Ân thở phào nhẹ nhõm, ông giơ cao cây đèn pin ngang mặt hướng ánh sáng về phía trước và nhận thấy đây là một lối vào hầm mộ dài 2m, khá rộng. Xếp dọc theo lối vào là những bước tượng lính cao khoảng 1m7 đứng cầm giáo, bên cạnh là một con ngựa bằng tượng xếp hàng chỉnh chu, trật tự, nét mặt trang nghiêm như đang canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho chủ nhân. Nhìn những bức tượng màu sắc rực rỡ, Hùng Ân lại nhớ đến đội quân bằng tượng đất trong lăng mộ Tần thủy hoàng. Kết quả khai quật ở lăng mộ vị bạo chúa ấy cho thấy chủ yếu tượng được đúc kết hợp giữa mô hình thật với phương pháp nặn tượng. Nguyên liệu nặn tượng là đất sét ở địa phương. Phần đầu làm trước nhất, sau đó đến phần thân và chân tay, bên trong tượng đúc rỗng, kế tiếp lắp ghép từng bộ phận lại với nhau, đợi đến sắp khô mới bắt đầu chạm khắc các chi tiết khác. Những bức tượng trong hầm mộ này tuy không hùng hậu như của Tần thủy hoàng, nhưng căn cứ vào nét mặt phong phú và sinh động trên các bức tượng, Hùng Ân cũng nhận ra rằng các nghệ nhân của nước Việt thưở xưa hoa tay chạm khắc cũng bay lượn chẳng kém gì ai.
         
        Dò dẫm đi phía sau Hùng Ân, Ngọc Cát quên hết những nổi lo trước đó, cô mê mẩn dán mắt vào những bức tượng oai nghiêm sinh động, sự thắc mắc thân phận của vị chủ nhân ngôi mộ lại càng thêm tăng. Nếu chủ nhân của ngôi mộ này là người trong tấm bia mà Lê thái tổ nói tới, được thái tổ thương yêu đến thế, thì ắt hẳn thân phận của người này chắc chắn không phải tầm thường, có lẽ là quý phi hay hoàng hậu gì đó cũng không biết chừng. Ngọc Cát tủm tỉm cười, cô bắt đầu cảm thấy chất dopamine  (*) thấm qua từng tế bào, tim cô đập rộn rã khi hình dung đến một ngôi mộ hợp chất nguyên vẹn nhất từ trước đến nay trong giới khảo cổ Việt Nam, đặc biệt là chiêm ngưỡng dung nhan của người con gái đã làm Lê thái tổ phải xót xa đến độ khắc sâu từng lời từng chữ trên tấm bia.
         
        Cứ thế, hai cha con vừa đi vừa lặng lẽ ngắm những bức tượng người ngựa sinh động. Họ không dám lên tiếng vì sợ sẽ phá mất sự tĩnh lặng linh thiêng trong ngôi mộ mà những người lính đã gìn giữ ngàn đời. Do chỉ dán mắt vào những bức tượng rực rỡ, Hùng Ân không để ý đến dưới đất, kết quả là ông giật mình khi chân trái vừa vấp phải một vật gì đó. Đôi đồng tử đông cứng lại, Hùng Ân nhanh như cắt ôm lấy Ngọc Cát nhoài người ra đất. Ngay lúc đó, sáu mũi tên bằng đồng từ hai bên bức tường bắn vụt ra, cắm phập xuống mặt đất đúng ngay chỗ Ngọc Cát và Hùng Ân đã đứng vừa rồi.
         
        Chết tiệt, Hùng Ân rủa thầm hai tiếng, ông và Ngọc Cát sợ hãi, nằm như dán chặt vào mặt đất để đề phòng có chuyện bất trắc xảy ra. Mãi một lúc sau không thấy động tĩnh gì, Hùng Ân mới từ từ hé mắt và ngẩng đầu lên...
         
        Bốn bề hoàn toãn tĩnh lặng,  không một tiếng động ngoài nhịp thở hổn hển và tiếng trái tim dội trong lồng ngực vì sợ của hai cha con. Hùng Ân nhổm dậy, ông vội quay đầu về phía sau, mặt tái lại khi nhìn thấy sáu mũi tên lạnh lẽo nằm trơ dưới đất. Nếu ông không nhanh tay, thì rất có thể Ngọc Cát và ông sẽ bị những mũi tên ấy ghim vào người như những con nhím rồi.
         
        Hùng Ân vuốt mồ hôi tuôn ròng rã trên trán, ông đỡ Ngọc Cát ngồi dậy, mười ngón tay to bè chà xát lên mặt con gái để phủi bụi. Ngọc Cát đưa mắt nhìn sáu mũi tên xong rồi nhìn cha, cười như mếu vì không ngờ bên trong ngôi mộ lại bố trí cạm bẫy. Chỉ sơ sẩy một chút đã xém mất mạng, hai cha con ông bây giờ cần phải nhìn ngó, quan sát cẩn thận trước sau hơn chứ không còn đi phăm phăm như lúc ban đầu.
         
        Ngoài những chỗ xây xát ngoài da khi nằm rạp xuống dưới đất, còn lại hai cha con ông  không bị thương tích nào đáng kể. May thật, Hùng Ân  lẩm bẩm, làm khảo cổ bao nhiêu năm nay đây là lần đầu tiên ông bị một phen hú vía. Hùng Ân cuối xuống nhặt lại cây đèn pin nằm lăn lóc trên mặt đất, đôi đồng tử của ông teo nhỏ lại khi quầng sáng rộng từ cây đèn pin soi thẳng vào các bức tượng người ngưa xếp dọc theo lối vào hầm mộ...
         
        Tất cả các bức tượng vẫn trang ngiêm như cũ, không có gì thay đổi, nhưng đôi mắt của chúng không nhìn thẳng về phía trước mà lại đang chuyển sang nhìn ông và Ngọc Cát. Cái nhìn tượng đá lạnh lùng, ma quái, đầy đe dọa ấy khiến Hùng Ân và Ngọc Cát lùi lại phía sau hai ba bước. Cả hai nuốt nước bọt một cách khó khăn.
         
        “Khỉ thật! vướng phải độ lạ rồi”
         
                                                            -0-
         
        (*) Indiana jones: một nhà khảo cổ học ưa phiêu lưu trong bộ phim cùng tên
         
        (*)Evelyn Carnavon: Nữ thư ký kiêm nhà khảo cổ học trong bộ phim xác ướp ai cập
         
        (*)Dopamine : chất truyền dẫn thần kinh có chức năng tạo cảm giác hưng phấn trong não.
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.06.2010 14:05:47 bởi Bạch nguyệt lan >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9