Tên họ người Việt có nhất thiết phải đặt hoàn toàn bằng từ gốc Hán không?
uyen_giang 28.06.2010 23:20:35 (permalink)
NÔM NA PHẢI CHĂNG LÀ... CHA MÁCH QUÉ?

Mấy hôm trước đọc một bài viết bên
www.viethoc.org
tình cờ ngĩ ra cái ý tưởng này. Đại để tóm tắt như thế này:

Ngày xưa, các sắc dân “cầm đũa” đều dùng chữ Hán cho văn tự hành chính và chiếm một phần quan trọng trong thơ ca. Tên họ cũng vì vậy đều được ghi bằng chữ Hán. Chẳng hạn người Hàn có tên 金 正 男 : Kim Jong Nam thì tức thị là "Kim Chính Nam" theo giọng đọc Hán Việt nhà mình.

Người Nhật cũng vậy. Những cái tên như:

川島芳子 Kawashima Yoshiko – Mình đọc đúng theo âm Hán Việt là “Xuyên Đảo Phương Tử”.

本田美奈子 Honda Minako – Mình đọc theo âm Hán Việt là “Bản Điền Mỹ Nại Tử”

豊田 明香 Toyota Asuka – Mình đọc theo âm Hán Việt là “Phong Điền Minh Hương”

Tuy nhiên mình đọc như thế đã ổn chưa? Chắc chắn là chưa ổn rồi.

Lấy ví dụ như cái tên 豊田 明香 trên. Nếu đọc theo âm Onyomi (tương đương âm Hán Việt nhà mình) thì phải là “Hou Tei Mei Kou”. Còn âm Toyota Minako thì chẳng liên quan gì đến Hán cả. Người Nhật chỉ mượn chữ Hán để ghi những chữ thuộc “Kunyomi” (tương đương với âm thuần Việt nhà mình). Vì vậy, đúng ra Toyota Asuka phải được “diễn Nôm” thành “Giàu Ruộng Sáng Thơm” mới hợp lí. Phải không “Giàu Ruộng Sáng Thơm Tiểu Thư” kính mến?

Nói như vậy. Nhưng nge qua cái tên “Giàu Ruộng Sáng Thơm” nó “quê một cục” không sang bằng “Phong Điền Minh Hương” và Toyota Asuka.

1. Phải chăng mình “vọng ngoại”?

2. Hay là tiếng Nôm nhà mình đúng là “mách qué”?

Ngày xưa các cụ nhà quê mình đặt tên cho con theo tiếng Nôm đều mang ý ngĩa xách mé: Cu, Hĩm, Đĩ, , Bờm, Cuội, Tèo, Đực… Hoặc có thanh tao thì cũng rất là... quê (Giàu, Sang, Lúa, Thắm, Xoan, Ngần, Nhài, Mơ, Mận…)

Tuy nhiên tôi lại ngi ngờ điều này. Dân Á Đông đặt tên người đa số đều lấy điển tích trong thơ văn cổ (chẳng hạn như Quỳnh Dao). “Dân tộc ta đánh giặc và làm thơ”, cả mấy thế kỉ thơ Nôm cộng với gần cả trăm năm cãi lộn ì xèo thơ mới/thơ cũ không lẽ chỉ “rặn” ra toàn Tèo với Đĩ…


Vì nỗi ngi ngờ đó, nên tôi thử rỗi hơi ngồi “tổ hợp” lại một số họ phổ biến của người Việt với một số từ kép “nôm na” được coi là có tính thơ ca. Kết quả là được những cái tên rất đẹp mà không hề… quê tí nào. Tôi không hiểu tại sao người Việt (kể cả tôi) lại ít đặt tên con theo kiểu này.


Một số tên Việt phổ biến (Xuân, Hồng, Việt…) gép với những tên lót “nôm na”:

Trần Ngọc Nắng Xuân.

Phạm Viết Bến Xuân.

Nguyễn Mưa Xuân.

Lê Huỳnh Gió Xuân.

Lý Vườn Xuân.

Trịnh Men Xuân

(Người Nhật có họ là Sakai, tức là “rượu” thì tại sao mình không thể đặt tên cho “con gái rượu” là “Men Xuân” được nhỉ?)


Vũ Đóa Xuân

Ngô Nụ Xuân

Dương Chồi Xuân

Đặng Mầm Xuân

Phan Chớm Xuân

Võ Cành Xuân

Đàm Quang Nét Xuân

(“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn” - Kiều)


Cù Trọng Tin Xuân

(“Tin xuân luống những rày trông mai chờ” - Kiều)

Đỗ Quang Sao Mai.

Huỳnh Sương Mai.

Nguyễn Ngọc Nắng Mai.

Hồ Minh Ban Mai.

Lê Nguyễn Sớm Mai.


Bùi Sao Mai.

Vũ Rừng Mai

Lương Thế Sân Mai.

Phùng Nét Mai.

Tôn Mạnh Chồi Mai.


Hoàng Thanh Nắng Hạ.

Vương Hồng Mưa Hạ.

Phạm Vũ Lửa Hạ.

(Cái này có rồi. Tên một nhà văn)

Trương Kim Vào Hạ.


Trịnh Xuân Nắng Hồng.

Đinh Mây Hồng.

Nguyễn Hữu Sông Hồng.

Đặng Xuân Sóng Hồng

(Tên cụ là Đặng Xuân Khu. Dù "thuần Hán" thế nhưng có vẻ không "sang" bằng cái tên nôm na này nhỉ?).


Lê Cờ Hồng

(Nghe có vẻ… Cách mạng quá nhỉ?)

Trần Đêm Hồng

Huỳnh Nụ Hồng

Phạm Xuân Vườn Hồng

Triệu Minh Đuốc Hồng.


Doãn Thuý Vầng Hồng

Nguyễn Vũ Khăn Hồng

("Khăn hồng" Chỉ sự thề nguyền).


Mai Đăng Lụa Hồng

Phạm Đình Gấm Hồng

Nguyễn Thu Giọt Hồng

(“Lã chã giọt hồng” - Kiều. Lấy theo tích nàng Tiết Linh Vân. Người ta đặt tên con là Lệ Thu, Lệ Liễu… được thì tại sao không đặt là Giọt Hồng được nhỉ?)


Đoàn Ngọc Cánh Hồng.

Trịnh Khắc Sen Hồng.

Lê Công Giấc Hồng.

Nguyễn Khắc Son Hồng.


Phan Sông Thu.

Vũ Gió Thu.

Đặng Vân Trăng Thu.

Bùi Giọt Thu.

Đỗ Chớm Thu.

Hà Đức Làn Thu

(“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn” - Kiều)


Nguyễn Hoàng Lầu Thu

Hồ Quê Hương.

Võ Sông Hương
(Hì hì! Tên diễn viên điện ảnh đấy)

Dương Ngát Hương.

Nguyễn Ngọc Lửa Hương

(“Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi” - Kiều. Ngày xưa trai gái thề nguyền hay dùng lửa để thề).


Võ Đăng Mùa Hoa.

Huỳnh Thu Gấm Hoa

Lưu Nét Hoa

Châu Nụ Hoa

Nguyễn Đình Sân Hoa.

Mạc Thềm Hoa.

Nguyễn Phạm Thêm Hoa

(“Xin một vài lời thêm hoa” - Kiều)


Lê Hồng Mưa Hoa

(“Gió Trúc Mưa Hoa” - Bích Câu Kỳ Ngộ).

Nguyễn Đuốc Hoa

(Tây Tiến)

Phạm Khắc Lụa Hoa.

Lê Công Ngõ Trúc

Nguyễn Hữu Gió Trúc,

Lý Tơ Trúc

(Tức là đàn và sáo. “Xôn xao tơ trúc” - Kiều).


Phạm Thơ Trúc.

Nguyễn Khoa Tóc Tiên

(Ca sĩ đang nổi đấy nhé)

Lương Hồng Gót Tiên.

(“Gót tiên thoắt đã thoát vòng trần ai” - Kiều)


Cao Hoàng Tay Tiên

(“Tay tiên gió táp mưa sa” - Kiều)

Triệu Vũ Cờ Đào.

(Nghe rất chi là… Nguyễn Huệ)

Trương Ngọc Thơ Đào

Trần Khắc Nắng Đào.

Nguyễn Minh Sân Đào.

(“Sân đào bước ra” - Kiều)

Nguyễn Thuý Sóng Đào

(“Đưa tình một nét sóng đào” - Bích Câu Kỳ Ngộ).


Mắt Ngọc

(Nhóm ca sĩ teen. Hi hi)

Nguyễn Xuân Dáng Ngọc

(Không phải “Giáng Ngọc” nhé)

Lâm Đình Nét Ngọc.

Huỳnh Thu Vầng Ngọc.

(tức là “Vầng Ngọc Thỏ” trong thơ cổ)


Đặng Thái Rạng Đông.

Nguyễn Hữu Chớm Đông

Trần Hùng Vầng Đông.

Lý Hừng Đông.


Nguyễn Xuân Giọt Đàn

Trần Hữu Phím Đàn.

Lý Gươm Đàn

(“Gươm đàn nửa gánh” - Kiều)


Tạ Bích Ngón Đàn.

Lê Hùng Trai Việt

Nguyễn Trọng Đất Việt

Trần Tuấn Nước Việt

Lê Công Non Việt

Triệu Khắc Sông Việt


Phạm Tuấn Núi Việt

Lê Xuân Gió Việt

Lý Hồng Chim Việt

Đặng Thế Rồng Việt

Triệu Gương Nguyệt

Trương Vừng Nguyệt.


Nguyễn Thu Rằm Nguyệt.

Phạm Trấn Nước Nam

Lê Hồng Gió Nam

Phạm Đình Sân Hoè

(“Sân hoè đôi chút thơ ngây” - Kiều. Theo tích Vương Hựu, ý nói nhà có đông anh em hiển đạt.)


Một số tên Việt gốc “nôm na” phổ biến có trong điển tích thơ ca.


Hồng Thắm, Đào Thắm, Nguyệt Thắm, Tươi Thắm, Dây Thắm

(“Pháo đỏ giăng dây thắm trước lầu” - Nguyễn Bính)

Hoa Thắm, Xuân Thắm, Lá Thắm

(“Dẫu khi lá thắm chỉ hồng” - Kiều. Thư từ qua lại của những người yêu nhau lúc họ còn thơ ấu).

Tình Thắm,

Hoa Ngần, Tuyết Ngần, Vô Ngần, Ngọc Ngần.

Xuân Tươi


Ngoài ra còn một số tên kép khác hoàn toàn có thể ghép với tên họ người Việt để ra những cái tên rất “lịch sự” xin liệt kê ra đây.

Sao Khuê, Buồng Khuê, Lá Liễu, Giọt Liễu

(“Rụng rời giọt liễu” - Kiều)

Tơ Liễu, Mày Liễu

Sao Biển.

(Trời! Tên của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đây mà)


Hương Bưởi, Biển Mặn, Phím Ngà, Cát Biển, Hương Thơm, Sóng Triều, Lá Phong, Ngoan Hiền, Mưa Ngâu, Thơm Thảo, Oanh Vàng, Cành Sương, Gót Sen, Đồng Nội, Xa Khơi, Hoa Xoan, Lầu Oanh, Xuân Riêng

(Ý trong Kinh Thi “Hữu nữ hoài xuân. Cát sĩ dụ chi”)..

Đóa Lê

(“Đóa lê ngon mắt cửu trùng” – Cung oán ngâm khúc).

Vẻ Son, Nét Son, Vầng Son

(“Ngày xanh còn thẹn với vầng son” – thơ của ai… quên rồi)

Dặm Trường, Phím Loan, Đàn Tranh, Ngàn Khơi, (Vầng) Vừng Dương, Hừng Sáng, Vầng (Vừng) Quế, Chồi Lan, Vẹn Toàn, Vẹn Nghĩa, Vẹn Tình, Vẹn Tuyền, Lầu Trang.


Sông Tương

(Điển tích vua Thuấn)

Tranh Tùng, Mưa Sa, Rèm The, Đài Sen,

Thềm Quế,

Nhà Lan

(gốc từ chữ Lan Thất có nghĩa là nhà tao nhã)

Tiếng Sen

(Kiều - Tiếng bước chân của người đẹp)

Hoa Cau, Trân Biển,Trân Ngọt.

(“Trân cam ai kẻ đỡ thay cho mình” - tức là món ăn ngon ngọt, chỉ sự hiếu thảo)


Giọt Châu

(Ở bên Tàu ngày xưa có truyền thuyết rằng ở Nam Hải có người Giao Nhân hay lên bờ buôn bán. Khi chia tay thì khóc thành hạt châu).

Dặm Khơi, Vàng Cúc

(“vàng cúc… tiền sen” trong Bích Câu Kỳ Ngộ)

Sân Tuyết

(Bích Câu Kỳ Ngộ - Tương đương với “cửa khổng sân trình” Du Tạc – Dương Thời quyết lòng cầu đạo).

Ngàn Sương

(Bích câu Kỳ ngộ).


Tơ Vương, Mưa khơi, Cành Trúc, Gương Nga, Mây Tần

(Truyện Kiều “Mây Tần khép kín song the” có nguồn gốc từ Tấn Thư “Tần Vân như Mỹ Nhân”).

Phan Thị Vàng Anh

(Chị Thảo Hảo đây mà! Lại còn "Nhật ký ... Vành Khuyên" nữa chứ. Hì hì! Đừng vì "Vành Khuyên" mà nản lòng)

Kết luận cuối cùng: Kho tàng thơ ca Việt còn chứa rất nhiều từ ngữ “nôm na” nhưng cũng không kém phần sang trọng. Và hoàn toàn có thể ghép với họ của người Việt để thành những cái tên rất đẹp. Dĩ nhiên hầu hết ai cũng biết rằng những từ "nôm na" đó chẳng phải là "thuần Việt 100%", nhưng từ ngữ khi đã được Việt hoá cái đẹp đó nó đến một cách trực tiếp chứ không phải qua diễn dịch như từ Hán Việt. Chỉ đáng tiếc là tôi đã đặt tên cho con tôi xong rồi. Rất mong bài viết này được nhiều người “phát hiện” và “phát huy”.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9