TRUYỆN NGẮN
Đào Phong Lưu 03.07.2010 00:04:58 (permalink)
1. Chuyện cổ tích thời @
 
     Ngày nảy ngày nay, ở thành phố nọ, có gia đình ông giám đốc kia rất giầu có, nhưng hiềm nỗi chỉ sinh được một cô con gái, lại bị thong manh từ thủa nhỏ. Cô gái tuy không nhìn được rõ vật gì, nhưng bù lại cô xinh đẹp vô cùng, tính tình thật đoan trang hiền thục, đặc biệt trí tuệ thông minh tuyệt vời. Chỉ cần người khác dạy cô làm gì là cô đều học làm được việc ấy. Cô không những đến trường học chữ được như các bạn lành lặn khác mà còn học giỏi tất cả các môn. Cô còn rất có năng khiếu về âm nhạc và hội hoạ và hát rất hay, nên vừa học hết cấp II, cô đã được tuyển vào học hệ năng khiếu, Viện âm nhạc Quốc gia. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc môn Piano hệ trung cấp, cô được cấp học bổng đi du học Đại học chuyên ngành piano ở nước ngoài, nhưng cô đã từ chối mà xin về dạy nhạc ở Trường khiếm thị thành phố, phần không muốn để bố mẹ già ở nhà buồn vì vắng vẻ, phần vì cô muốn mang kiến thức học được của mình chia sẻ cùng đàn em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh như mình.
     Hàng ngày cô bé ô sin xấp xỉ tuổi cô đèo cô đến trường dạy học. Trên đường từ nhà đến trường, phải đi qua một cây cầu bắc ngang con sông chảy trong thành phố. Một hôm đang đi trên cầu gió thổi mạnh làm chiếc mũ rất đẹp cô đang đội trên đầu bay xuống giữa dòng sông. Hai cô dừng đỗ xe máy, rồi cô ô sin chạy dọc theo bờ sông tìm cách vớt chiếc mũ, nhưng gió mạnh làm chiếc mũ cứ trôi dọc giữa dòng, không sao vớt được. Cạnh bờ sông có công trường đang xây dựng, một anh thợ hồ đang mình trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại đánh vữa, thấy vậy liền nhảy ào xuống giữa dòng nước thải đen ngòm để vớt chiếc mũ. Anh chàng chỉ mặc mỗi cái quần đùi khi bị ướt nó bó sát lấy người, làm hằn rõ “sterio” lên từng bộ phận của cơ thể, anh chàng đưa vội chiếc mũ cho cô gái, rồi xấu hổ chạy biến đi mất. Cô gái nhận lại mũ chưa kịp cảm ơn, nhìn theo anh chàng đen trũi chạy như ma đuổi mà mỉm cười, rồi cầm mũ đưa cho cô chủ kể lại anh chảng phu hồ vớt mũ giúp vì người ướt như chuột lột nên  đã bỏ chạy đi rồi.
     Hôm sau, lúc tan trường về, hai cô vòng xe từ cầu ra chỗ công trường xây dựng có ý tìm anh chàng đã vớt mũ giúp hôm trước, nhưng công trường đã hoàn công, chuyển đi  nơi khác. Cô cứ ân hận chưa được gặp để cảm ơn anh ta, một người không quen biết, chỉ vì giúp cô vớt chiếc mũ mà đã không nề hà nước bẩn nhảy vội xuống sông, rồi chẳng cần nhận cảm ơn lại chạy biến đi mất. Chắc anh từ một miền quê nào ra đây làm phu hồ, có thể là chuyển đi làm nơi khác hoặc về quê rồi. Cô cứ thương những người tốt bụng như anh ta, còn trẻ thế mà chẳng được học hành lại phải đi làm phu hồ vất vả dầm mưa dãi nắng. Trở về nhà, cô lại ước ao giá ta cũng biết được số điện thoại  mà nói chuyện và cảm ơn anh ta thì hay biết mấy, nhưng chắc anh ta đi làm phu hồ như thế chẳng có điện thoại đâu. Ngay việc đến trường học chữ, cũng chắc gì đã có điều kiện. Cô thấy đời sao bất công quá, sự chênh lệch về hoàn cảnh sống giữa nông thôn và thành thị trong thời đại mở cửa này vẫn còn một khoảng trống lớn, quá cách biệt. Là một người tật nguyền như cô, nhưng ở thành phố thì chẳng thiếu thứ gì, có điều kiện để học tập, phấn đấu bằng người. Trái lại như anh thanh niên kia, lành lặn, khoẻ mạnh, tốt bụng  nhưng ở nông thôn phải làm lụng vất vả để kiếm sống, không có điều kiện học hành thì dù có ý chí phấn đấu vươn lên nhưng cũng khó mà thoát khỏi số phận đói nghèo vất vả. Từ ý nghĩ ấy, cô nảy ra cảm hứng muốn viết một bản nhạc tình khúc cho đàn violon với tựa đề “Gặp gỡ qua cầu gió bay”. Cô lấy cây vĩ cầm ra đưa lên cổ kéo thử mấy nốt nhạc, rồi vừa sờ bàn phím chữ nổi vừa sáng tác nhạc và ca từ, vừa kéo đàn đệm theo để chỉnh sửa từng đoạn. Chỉ trong vòng hơn tiếng đồng hồ bản tình ca đã được sáng tác xong. Cô lại sờ vào những nốt nhạc vừa viết trên bàn phím chữ nổi mà kéo đàn, tập đi tập lại mấy lần, rồi cô mỉm cười sung sướng vì bản nhạc thật mượt mà sâu lắng, nói lên hết được tình cảm của cô với chàng trai chưa quen biết kia. Ca từ của bản nhạc như sau:
Một ngày nắng đẹp trời trong
Qua cầu, bay mũ xuống dòng sông sâu.
Gặp người tốt vớt giúp nhau,
Ra đi để nhớ, để sầu, để thương…
Phải chăng duyên số vấn vương,
Mong ngày gặp lại tỏ tường lòng nhau.
Qua cầu, rơi mũ sông sâu
Như câu chuyện cổ gieo cầu kén duyên?
Chuyện đời đẹp tựa chuyện tiên
Đẹp tựa chuyện tiên…
Ngày hôn sau cô mang bản nhạc mình sáng tác bằng chữ nổi đến trường, nhờ chị thư ký văn phòng đánh máy tính chuyển sang thành bản nhạc ký âm bình thường, rồi nhờ in ra thành mấy bản liền. Cô hí hửng đút vào túi áo, định bụng khi nào gặp cô giáo cũ ở Viện âm nhạc Quốc gia đưa để nhờ cô góp ý và chỉnh sửa thêm cho. Nào ngờ cô bé ô sin thấy cô thay áo treo trên tường mang đi ngâm để giặt không đã ngâm cả mấy tờ giấy chép nhạc vào chậu giặt, khi sát xà phòng mới phát hiện ra, liền vội lén mang phơi trên gác thượng. Khi cô ô sin lên thu về thì đã bay đâu mất mấy bản, chỉ còn sót lại duy nhất một bản.
     Lại nói về anh chàng phu hồ, sau khi nhảy ào xuống dòng sông vớt được chiếc mũ lên đưa cho cô gái, anh chạy biến vào dãy nhà phía trong mới xây xong, tắm gội qua loa cho sạch mùi nước bẩn của sông, rồi thay quần áo, chạy vội ra bến, nhảy xe buýt tới trường cho kịp giờ học buổi chiều. Anh là sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng. Để có thêm thu nhập và làm quen với thực tế, anh đã nhận vừa thiết kế vừa giám sát thi công kiêm luôn cả bảo vệ công trình cho một đội xây dựng dân dụng của mấy người quen. Đôi khi thiếu người ở bộ phận nào là anh xông vào làm luôn một chốc một lát ỏ bộ phận đó. Hôm ấy lúc gần đến giờ đi học rồi, anh đang đốc thúc đám thợ xây trát hoàn tất nốt mấy hạng mục cuối cùng để kịp bàn giao công trình vào cuối ngày, nhưng thiếu thợ hồ, anh liền xoay trần ra xông vào đánh vữa. Khi cối vữa sắp được đánh xong, thì thấy hai cô gái đèo nhau xe máy trên cầu bị gió thổi bay chiếc mũ xuống sông. Nhìn bộ điệu hai cô tiểu thư liễu yếu tơ đào làm sao mà vớt được chiếc mũ giữa dòng sông, nhân tiện đằng nào cũng phải tắm gội trước khi đi học, anh liền nhảy ào xuống sông vớt mũ cho cô. Ngay hôm sau, đám thợ mà anh làm hợp đồng với họ lại chuyển đi xây một ngôi nhà khác, nên anh cũng quên luôn chuyện đã vớt mũ giúp các cô.
      Đội xây dựng của anh chuyển đến địa điểm mới để xây một ngôi nhà ngay sát ngôi biệt thự của ông giám đốc, nhưng anh không hề biết đấy là nhà cô gái rơi mũ hôm trước. Tối tối đi học về, anh lại đến ngủ tại công trường để trông coi vật liệu. Tối đó vừa đi học về, anh phát hiện ra một tờ giấy trăng trắng nằm ngay cạnh lán, khi châm đèn lên soi tỏ thì ra là một bản nhạc có kèm lời hát, mà không thấy đề tên tác giả. Nhưng đọc ca từ của bản nhạc, anh biết đây chắc là của hai cô gái hôm trước qua cầu làm rơi mũ xuống sông mà anh đã vớt giúp, nên viết bài hát này thay cho lời cảm ơn mình đây. Chắc hai cô đã hỏi dò tìm  được đến chỗ này để gặp mình, nhưng không gặp được nên đã để lại bài hát. Anh mỉm cười sung sướng vì cách cảm ơn rất lãng mạn và văn hoá của hai cô gái, rồi rút cây sáo trúc tự tạo đang gài trên mái lán xuống thổi tập theo từng nốt nhạc của bài hát. Vì bài hát được sáng tác dựa trên nền của làn điệu dân ca quan họ, nên chỉ tập qua vài lần là tiếng sáo của anh đã vang lên ngân nga trong đêm vắng như một khúc tình ca được thể hiện bởi một nghệ sỹ điêu luyện vậy.
          Lúc đó đã khuya, cô gái vừa định đi ngủ thì nghe thấy tiếng sáo thổi đúng bản nhạc mình vừa sáng tác. Cô lấy làm ngạc nhiên lắm vì cô chưa đưa cho ai bản nhạc của mình. Cô liền hỏi ô sin:
- Hôm nay em giặt áo, có thấy mấy tờ giấy gấp để trong túi áo của chị không?
- Có ạ - Cô ô sin trả lời – nhưng em sơ ý làm ướt cả, mang phơi trên gác thượng bị gió bay mất chỉ còn một tờ thôi ạ.
- Ra thế! – Cô gái bảo ô sin:
- Vì em làm bay sang hàng xóm, nên người ta đang thổi sáo bài hát của chị đó biết không?
- Để enm sang đòi lại ạ.
- Không cần, hơn nữa sáng tác bài hát mà được công chúng đón nhận một cách tự nhiên thế này ta vui lắm em biết không! Đây vẫn còn một tờ phải giữ
lại để khi nào em tìm được người vớt mũ giúp thì tặng cho anh ta nhé!
Nhưng tối hôm sau, rồi tối hôm sau nữa, cứ đến giờ khuya ấy, khi chàng sinh viên học bài xong lại mang cây sáo trúc ra thổi bài hát vài lần trước khi đi ngủ. Đến tối hôm thứ tư, khi tiếng sáo của chàng vừa cất lên, thì cửa sổ tầng ba của ngôi biệt thự liền kề mở tung, theo luồng ánh sáng điện quang hắt ra từ ô cửa sổ là tiếng dương cầm âm vang hoà quện với giọng nữ cao trong trẻo cất lên hoà theo tiếng sáo bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay”. Bản hoà tấu không hẹn trước mà rất mượt mà, uyển chuyển, nhịp nhàng…
 Ngay buổi sáng hôm sau, khi chàng sinh viên vừa đi học, thì hai cô gái trong ngôi biệt thự đến hỏi  những người công nhân đanh hì hục đào móng rằng cho gặp người nghệ sĩ thổi sáo. Những người công nhân đều nói ở đó chỉ có thợ xây, thợ vữa chứ không có nghệ sĩ nào cả. Hai cô gái bảo nhau chắc anh ta vẫn không muốn gặp mình.
Ngay tối hôm sau đó, trong buổi dạ hội giao lưu kết nghĩa giữa Đoàn thanh niên Trường Đại học Xây Dựng và Trường phổ thông khuyết tật Thành phố, cô gái xung phong lên hát bài hát của mình mới sáng tác. Cô vừa đánh đàn dương cầm vừa hát, khi bài hát đến giữa chừng bỗng thấy có tiếng sáo trúc hoà theo. Cả hội trường hàng ngàn khán giả im phăng phắc lắng nghe như uống từng lời ca, nốt nhạc của bản hoà tấu trữ tình của họ. Khi lời ca, tiếng nhạc vừa dứt cả hội trường dậy lên những tràng vỗ tay như sấm dậy kèm theo lời hô đồng thanh “Hát lại đi! hát lại đi!”. .. làm cho cô giáo ca sĩ và chàng sinh viên thổi sáo ngẫu hứng kia không thể bước xuống sân khâu được. Họ đành vui vẻ biểu diễn lại bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay” một lần nữa. Khi bài hát vừa dứt và những tràng vỗ tay lại rộ lên thì chàng sinh viên thổi sáo đã nhanh nhẹn chủ động rút một bông hồng trong lọ hoa trên bàn sân khấu bước lại tặng cô và nói nói “cảm ơn bài hát của em!”. Thấy vậy cả hội trường lại rộ lên tiếng hô đồng thanh “Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!...” và rất nhiều những em học sinh, những anh chị sinh viên từ dưới khán đài cầm hoa chạy lên sân khấu dúi vào tay họ… Hai người ôm chật vòng tay những bó hoa rực rỡ trước những chùm ánh sáng flash của rất nhiều máy ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp thi nhau ghi hình ảnh họ. Rồi cũng những phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư ấy lại vây lấy hai người, chõ micrô vào tận mặt họ để thi nhau phỏng vấn về sự ra đời của bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay” và hai người “nghệ sĩ” đã phối hợp tập luyện ra sao mà bài ca được trình bầy đạt trình độ hay đến như vậy?
Ngày hôm sau trên trang nhất tờ báo “Thanh niên Sinh Viên Thành phố” và cả báo mạng của hai trường đều đăng bài “Chuyện cổ tích thời @” kèm theo những bức ảnh biểu diễn và tặng hoa nhau của hai “nghệ sĩ” trong đêm giao lưu.
Từ đấy họ quen nhau và yêu nhau. Cô gái sau đó được “Đoàn phẫu thuật ánh mắt và nụ cười” của Hoa Kỳ phối hợp với Viện Mắt Trung ương Việt Nam áp dụng kỹ thuật la de tiên tiến đã chữa cho đôi mắt thong manh của cô nhìn được bình thường. Khi ngôi biệt thự mới cạnh ngôi biệt thự của nhà cô gái được xây xong và bàn giao, cũng là lúc anh sinh viên xây dựng kiêm thiết kế và giám sát thi công ngôi biệt thự đó nhận bằng tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng, cũng là ngày họ tổ chức lễ cưới “xây dựng” với nhau.
Không lâu sau khi cô dâu mang bầu, thì ông Giám đốc đến tuổi nghỉ hưu, ông bàn giao lại toàn bộ cổ phần và sở hữu tài sản của ông tại công ty cho chàng rể. Hội nghị cổ đông đã nhất trí bầu anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, mọi người ai cũng nâng cốc chúc mừng ông chủ mới năm nay sinh quí tử và sống hạnh phúc bên người vợ, cô giáo xinh đẹp, thảo hiền.
 
                                                                            Bắc Ninh ngày 01.05.2010
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2. DUYÊN GƯỢNG
 
        Trong cuộc họp Lãnh đạo Tổng công ty với các trưởng, phó Phòng, Ban, Tổng giám đốc đang hùng hồn diễn thuyết thì tiếng chuông từ chiếc điện thoại di động đặt trước mặt réo inh ỏi, ông không muốn nghe mà thò tay tắt chuông một cách bực dọc, rồi lại tiếp tục nói. Tiếng điện thoại lại réo lên như giục giã khẩn cấp hơn, buộc ông phải cầm máy lên xẵng giọng:
- Alô, tôi đang bận họp, ai đấy?- Rồi ngay lập tức ông hạ giọng nhỏ nhẹ - Dạ, dạ… Xin lỗi chị, em cứ tưởng… Vâng, chị cứ nói đi, không sao ạ…Vâng, vâng… Xin chị yên tâm, chúng em sẽ xử lý nghiêm đợt này ạ….Dạ, chào chị ạ! – Ông bỏ máy xuống, thở dài nhìn mọi người đang hau háu hướng về mình như muốn biết người gọi kia là ai mà làm ông phải có thái độ khúm núm vậy, ông chậm rãi nói:
 – Bà Bình yêu cầu phải kiểm điểm và kỷ luật thật nặng cậu Minh, hôm qua lại đánh vợ!
   Nghe vậy, mỗi người một câu ai cũng tỏ ra bất bình:
- Bí thư tỉnh uỷ, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh uy quyền thét ra lửa chẳng dạy nổi con lại đẩy cho cơ quan người ta dạy là nghĩa làm sao?
- Trông cái mã đẹp trai lại có học thức thế mà vũ phu, không thể tưởng tượng nổi!
- Dào ơi, cũng tại cái con nặc nô Phòng Kỹ thuật kia kìa!
- Thôi thôi, đề nghị mọi người im lặng! - Tổng giám đốc gõ gõ xuống bàn ra lệnh - Việc này tôi đề nghị giao cho Đoàn Thanh niên họp kiểm điểm, đề xuất mức kỷ luật, rồi gửi biên bản báo cáo lên Đảng uỷ và Lãnh đạo Tổng công ty xem xét...
                                                            *
       Đã hơn 6 giờ tối mà Bình Minh vẫn chưa đi làm về, bà Bình ngồi trước mâm cơm đang chờ con. K’so Thít, con dâu bà đã bế con vào phòng khách xem “bông hoa nhỏ”. Sốt ruột bà nhắc điện thoại định gọi xem con trai đã sắp về chưa, thì Bình Minh đẩy cửa bước vào. Với nét mặt hầm hầm giận dữ, thay cho câu chào thì hắn liền chất vấn mẹ:
 - Hôm nay mẹ lại gọi xuống lệnh cho mấy lão Lãnh đạo Tổng công ty “hành” con phải không?
Bà hỏi lại Bình Minh:
- Thế người ta đã “hành”con những gì? Đúng hay sai?
- Chẳng đúng hay sai gì hết, nếu mẹ còn làm thế, con sẽ còn đánh cho bao giờ nó tự nguyện viết đơn xin li dị mới thôi.
- Con nói thế mà cũng nói được à? Thử hỏi nó có lỗi gì mà con đánh nó? Hay lỗi của con mà con tìm cách sửa bằng cách đánh vợ, thử hỏi như thế có xứng đáng là thằng đàn ông có học thức, có xứng đáng là ông thạc sĩ Tây học nữa không?
       Nghe mẹ sỉ vả mắng mỏ như vậy Bình Minh không cãi được câu nào nữa, gieo mình ngồi phệt xuống chiếc ghế tựa giữa nhà. K’so Thít bế con từ trong đi ra, đon đả nói với con:
-  Kìa bố đã về, ra với bố đi con! - Vừa nói cô vừa thả đứa bé trai bụ bẫm khoảng hơn một tuổi xuống cho nó lẫn chẫn tự đi về phía Bình Minh đang ngồi, rồi nhao vào lòng bố, mồm bật bẹ:
- Ba, ba…
Bình Minh bế xốc thằng bé đứng dậy đi vào gian trong. Thấy vậy K’so Thít lại nhẹ nhàng nhắc chồng:
- Kìa anh, để con đấy, ra ăn cơm đi, mẹ chờ anh về cùng ăn lâu lắm  rồi đấy!
Bình Minh từ gian trong quát vọng ra:
- Tức đầy ruột rồi, không ăn nữa!
Thấy vậy bà Bình bảo con dâu:
- Thôi kệ cho hai bố con nhà nó chơi với nhau rồi ăn sau, mẹ con mình ăn cho xong bữa đi con!
                                                         *
       Thạc sỹ kinh tế Trần Bình Minh, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng công ty X (Nói “nguyên” vì những chức vị ấy đã lần lượt bị cách tuột, chỉ vì cái tội hay đánh vợ) là con trai của vị quan đầu tỉnh, cũng là giọt máu duy nhất của anh hùng liệt sỹ phi công Trần Văn. Bình Minh vốn là chàng trai hiền lành, thông minh và đẹp trai vào bậc nhất cơ quan. Hồi còn là học sinh Trường năng khiếu của tỉnh, -khi đó cô giáo Bình còn làm Hiệu trưởng - mới đang học lớp 11 mà Bình Minh đã giật giải ba cuộc thi toán Quốc tế, nên mặc dù chưa tốt nghiệp phổ thông, Bình Minh đã đặc cách giành xuất học bổng toàn phần của khoa Toán Trường Đại học Lô-mô-lô-sốp, Mat-xcơ-va. Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng đỏ, vừa về nước Bình Minh đã được phân công làm trợ giảng ở Khoa Toán-Lý Đại học Quốc gia. Nhưng vì nhà chỉ có hai mẹ con, cô giáo Bình lại vừa trúng cử Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nên bà đã xin cho Bình Minh về công tác tại Tổng công ty xuất nhập khẩu tỉnh nhà cho mẹ con đỡ phải xa nhau.
      Là cán bộ Phòng Kế hoạch phụ trách ngành hàng may mặc, Bình Minh luôn phải lo công việc tổ chức triển lãm, hội chợ, biểu diễn thời trang, nên  có quan hệ mật thiết với các Công ty thiết kế thời trang, các câu lạc bộ người mẫu. Thấy Bình Minh cao to, đẹp trai lại là cán bộ phụ trách ngành may mặc của Tổng công ty Xuất Nhập khẩu, nên Câu Lạc bộ Thời trang của Nhà Thiết kế Minh Hồng đã mời Bình Minh làm người mẫu không chuyên cho công ty bà. Trong những dịp tham gia làm người mẫu biểu diễn thời trang, Bình Minh đã làm quen và yêu say đắm cô bạn diễn người mẫu kiêm ca sĩ Thuý Ngọc. Lúc đầu, bà Bình, mẹ Bình Minh không ưng cô người mẫu kiêm ca sĩ này lắm, vì cô xinh đẹp thì xinh đẹp thật đấy nhưng trình độ văn hoá chưa hết phổ thông trung học, lại làm nghề biểu diễn thời trang, đối với người lãnh đạo cấp tỉnh lại xuất thân từ một cô giáo dạy văn như bà thực lòng không muốn có một nàng dâu như vậy. Nhưng rồi qua mấy lần tiếp xúc, thấy Thuý Ngọc cũng nết na, lại biết Thuý Ngọc là con gái một thương binh phi công, bạn chiến đấu cũ của chồng bà, nên bà đã chấp nhận để Bình Minh và Thuý Ngọc yêu nhau. Không những thế, bà còn tính việc ổn định cuộc sống sau này cho chúng, nên lại xin cho Thuý Ngọc cùng về làm việc tại Tổng công ty Xuất Nhập khẩu của tỉnh với Bình Minh.
        Năm đầu tiên về làm việc ở Tổng công ty, ai cũng khen ngợi đôi tình nhân “thanh mai trúc mã” này vừa đẹp người lại đẹp đôi đến thế. Cứ như trời đất sinh ra để cho họ đến với nhau và yêu nhau vậy. Cô cán bộ văn thể của Công đoàn lúc nào cũng như dính lấy chàng Bí thư thanh niên, cán bộ Phòng Kế hoạch. Sáng sáng người ta thấy chàng đèo nàng bằng chiếc xe máy Hacley 250 phân khối đến cơ quan làm việc, tối lại đưa về, còn buổi trưa thì thấy họ ngồi ăn chung với nhau cùng một bàn ở nhà ăn tập thể cơ quan. Cứ nhìn cách họ gắp thức ăn cho nhau, lấy giấy ăn lau cho nhau hạt cơm dính trên má… mà nhiều người phải phát ghen lên vì hạnh phúc của họ. Rồi họ cùng nhau đi tham gia biểu diễn thời trang mãi tận Hà Nội, Sài Gòn hàng tuần lễ, có khi cùng đi tham gia hội chợ triển lãm thương mại quốc tế ở nước ngoài cả tháng trời. Tất nhiên tham gia những hoạt động này đều là Tổng công ty cử họ đi theo hợp đồng đã ký với các công ty thời trang hoặc hội chợ triển lãm. Những dịp như thế họ càng có cơ hội ở bên nhau mà Tổng công ty thì vừa thu về một khoản thù lao lớn do họ biểu diễn vừa quảng bá được sản phẩm của mình.
      Họ cũng là những người  không những làm việc có hiệu quả mà còn rất nghiêm túc về giờ giấc, nhiệt tình tham gia công việc đoàn thể xã hội, luôn sống hoà nhã, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ khi ai có khó khăn, nên đều được mọi người trong cơ quan yêu mến và tín nhiệm. Vừa hết tập sự, chàng Bí thư Đoàn thanh niên đã được kết nạp Đảng, được đề bạt làm Phó phòng Kế hoạch, còn cô nhân viên Văn phòng Công đoàn thì được cử đi học Đại học ngành thiết kế thời trang ở Seoul, theo thoả thuận ký kết giữa Tổng công ty với một công ty thời trang Hàn Quốc để sang đó vừa học vừa kiêm biểu diễn thời trang và ca hát giới thiệu sản phẩm cho họ. Hai năm sau, nghĩa là thời gian Thuý Ngọc vừa hoàn thành chương trình đại học năm thứ 2 tại Seoul, thì không biết do nhu cầu công việc của cơ quan đòi hỏi, hay có tác động nào đó từ Văn phòng tỉnh uỷ, mà chàng Phó phòng Kế hoạch, nguyên sinh viên chuyên toán Đại học Lô-mô-lô-sốp, lại nhận xuất học bổng của Tổng công công ty sang tận Đại học Kinh tế Sydney, Autralia nghiên cứu 2 năm chương trình Master ngành Kinh tế thị trường.
       Trong thời giam Bình Minh đi học vắng nhà, bà Bình được chỉ định làm Bí thư tỉnh uỷ giữa khoá, thay cho đồng chí Bí thư đang nhiệm chuyển công tác lên Trung ương, rồi chỉ mấy tháng sau bà lại nhận quyết định kiêm luôn Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh. Giữa năm đó có trận bão bất ngờ đổ vào Tây Nguyên gây lở núi đất truồi vùi lấp nhiều làng bản, thiệt hại về người và của nghiêm trọng. Bà Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch tỉnh dẫn đầu đoàn công tác liên ngành của tỉnh vào thăm hỏi và chuyển quà cứu trợ cho đồng bào gặp nạn. Trong đợt công tác đó bà đã nhận một bé gái mồ côi 14, 15 tuổi, tên K’so Thít về nuôi vì bố mẹ và các em K’so Thít đã bị vùi lấp trong tai hoạ đất truồi, chỉ còn mình nó sống sót vì lúc cả làng bị vùi lấp thì nó đang đi học ở trường. K’so Thít dáng người thấp lùn, gầy guộc, xấu xí lại thêm nước da “cà phê Trung Nguyên” được “phơi sấy” từ nắng gió Lào. Tiếng nói thì líu lô líu lường pha lẫn cả tiếng Kinh và tiếng Bana, người chưa nghe quen cứ tưởng nó nói tiếng nước ngoài. Ngày đầu mới đến, ngay cả bà Bình nhiều khi cũng phải vừa căng tai ra nghe vừa đoán mới hiểu được nó nói gì. Có hôm đi làm về thấy có túi quà ai đó đến biếu, hỏi nó thì nói kể chẳng hiểu là ai cả, nên bà Bình mới phải mua cho nó một cái máy ghi âm nhỏ xíu bỏ túi, bảo nó có ai đến hỏi gì thì cháu cứ lặng lẽ bấm máy đừng để khách biết, khi nào về ta sẽ nghe để biết là ai. Bù lại con bé cũng cần cù hay lam hay làm và sáng dạ. Bà dạy nó lau dọn nhà cửa, nấu nướng thức ăn, thu xếp đồ đạc, bấm nút điều khiển đồ điện trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, là gấp áo quần, chăn màn, giường chiếu… chỉ trong chưa đầy một tuần nó đã làm thạo mọi việc. Chỉ phải cái tội tính nết cũng như hầu hết các bé gái mới lớn là đểnh đoảng, hay quên. Nó không những ăn rất khoẻ, mà ngủ cũng khoẻ. Nằm đâu ngủ đấy. Nhiều hôm vừa bật tivi xem, quanh ra quanh vào đã thấy nó ngủ  lăn ngủ lóc  trên ghế, lay mãi không tỉnh, bà lại phải bế nó lên giường, mắc màn, đắp chăn cho nó. Từ ngày có nó bà Bình cũng thấy vui, đỡ cô quạnh. Đi làm về không còn phải vừa lau dọn nhà cửa vừa nấu ăn như trước nữa, mà chỉ việc ngồi vào mâm đã có cơm nóng canh ngọt con bé dọn sẵn ra chờ rồi. Thấy nó thông minh, ngoan ngoãn nên bà xin cho nó theo học văn hoá buổi tối ở Trung tâm giáo dục thường xuyên cạnh nhà. Lúc đầu bà cũng lo nó không theo kịp bọn trẻ thành phố, nhưng các cô giáo bạn bà bảo nó học tập chăm chỉ và học khá ra phết, nên bà rất mừng. Mới ở với bà được hai năm mà nó lớn phổng hẳn lên, da dẻ cũng bớt đen đi nhiều, mái tóc đen nhánh buông xoã ngang lưng, cái mặt bầu bĩnh, nụ cười tươi có lúm đồng tiền, lại hay mặc bộ váy đầm, chân đi dép da, tiếng nói cũng bớt đi những từ thổ ngữ Tây Nguyên mà đã là tiếng Kinh thành thạo… không ai còn nhận ra dáng điệu con bé còm nhom mới theo bà về hai năm trước nữa.
        Ngày Bình Minh mới đi học ở Úc về, nó gọi là cậu chủ, xưng em. Lúc nào nó cũng nen nét sợ cậu chủ. Bình Minh thấy có nó trong nhà cũng hay hay, bao nhiêu việc nhà nó làm hết. Trước đây khi chưa đi học, hai mẹ con ở với nhau, mẹ đi làm rồi họp hành, tiếp khách suốt ngày, suốt tối. Việc gì Bình Minh cũng phải tự làm lấy tất. Từ hôm ở nước ngoài về, được cơ quan cho nghỉ một tháng, Bình Minh chỉ có ăn, ngủ rồi đi chơi. Ngay cả quần áo Bình Minh vừa thay ra là nó đã tự động lấy mang đi giặt, rồi phơi khô, là gấp phẳng phiu, xếp gọn gàng vào tủ. Bạn bè Bình Minh vừa đến chơi, nó đã đon đả pha nước, lễ phép bưng ra mời. Còn nấu ăn, không biết mẹ đã huấn luyện thế nào, mà con bé làm khéo ra phết, món gì nó nấu, Bình Minh cũng thấy rất ngon. Từ hôm về, nó chưa để cậu chủ phải chê điều gì cả.
     Bình Minh còn được nghỉ mấy tuần nữa mới phải đi làm, thì bà Bình bảo:
-         Mai mẹ phải đi họp Quốc hội một tháng liền ngoài Hà Nội, may quá kỳ
này có con về, không phải nhờ dì Thanh ở nhà quê lên trông nhà nữa. Tiền mẹ đã đưa cho con K’so Thít đủ chi dùng cả tháng rồi, còn tiền tiêu vặt thì mẹ  mới chuyển vào thẻ tín dụng cho con 10 triệu rồi đấy. Ở nhà anh em nhắc nhở nhau mà trông nom nhà cửa, tối đi ngủ phải khoá cửa giả cẩn thận đấy.
-          Mẹ yên tâm đi, con đã 30 tuổi đầu mà lúc nào mẹ cũng coi như con nít
ấy là sao?
       Mẹ mới đi được mấy ngày thì một hôm Bình Minh bảo K’so Thít:
- Hôm nay tao đi ăn uống với mấy người bạn cơ quan, mày ở nhà ăn cơm một mình, tối thì khoá cửa vào rồi hãy đi ngủ, tao về muộn đã có chìa khoá rồi.
- Có phải để phần cơm cho cậu không ạ?
- Mày điên à, người ta đã đi ăn tiệc còn để phần cơm làm gì?
   Hôm mới về, Bình Minh đã mang quà đến cơ quan chào hỏi mọi người rồi về nhà ngay, chưa gặp ai chuyện trò lâu cả nên cũng muốn biết tình hình cơ quan mấy năm qua làm ăn ra sao. Tối hôm đó Bình Minh gọi điện mời Chị Trưởng phòng và mấy người bạn thanh niên đi nhà hàng. Lúc nâng cốc, chị Trưởng phòng vui vẻ chúc:
- Chúc cậu năm nay tìm được “ý trung nhân” mới!
   Bình Minh mồn vẫn cười tươi nói “Thank you”, nhưng hơi chột dạ vì sao chị ấy lại chúc vậy nhỉ? Uống cạn “100%” cốc bia, lần lượt bắt tay mọi người xong, ngồi xuống, liền hỏi lại:
- Chị dùng cái từ Hán “ý trung nhân” là cái gì em chẳng hiểu?
Mọi người nhìn nhau, rồi lại nhìn Bình Minh như thương hại chàng trai thật thà chất phác. Một lát sau chị Trưởng phòng mới hỏi lại Bình Minh:
- Cậu không hiểu hay chưa biết cái gì thật?
- Em không hiểu và cũng không biết gì thật mà!
Chị Trưởng phòng bảo:
- “Ý trung nhân” là người yêu, cậu phải đi tìm người yêu mới đi! - Gắp một miếng thức ăn bỏ vào mồn, nhấm một ngụm bia rồi  chị mới thong thả nói tiếp - Chị nói cậu đừng buồn, tuần trước chị sang dự hội chợ ở Seoul có gặp Thuý Ngọc.  Bụng nó chửa vượt lên thế này này rồi! - Vừa nói chị vừa lấy hai tay chập vào nhau thành một vòng trước bụng.
Nghe vậy Bình Minh tủm tỉm cười bảo chị:
-         Mới xa Phòng hai năm, không ngờ trình độ  hài hước chọc quấy của bà
chị được “nâng cấp”  đáng nể đấy!
     Nghe vậy mọi người lại nhìn nhau và thương hại cho anh chàng “cả tẩm”. Cậu Phó Bí thư Đoàn (chiến hữu thân cận của Bình Minh) liền nói tẹt ra:
- Chị ấy nói thật đấy, hài hước gì! Chuyện con Ngọc chửa với thằng giám đốc Park, đối tác của Tổng mình, đang bị vợ nó ghen lồng lên thì cả Tổng công ty ai chẳng biết, chỉ có anh đi xa mới về nên chưa biết đấy thôi!
   Lời nói của cậu Phó Bí thư Đoàn như một đòn chí mạng bất ngờ phang đúng huyệt Bình Minh làm cậu ta choáng váng, chỉ lắp bắp nói được câu:
-         Đúng là sự thật thế ư? Sao đời khốn nạn vậy hả trời!
-         Thôi, quên mẹ nó loại người như thế đi, buồn làm quái gì, uống đi anh! -
Cậu Phó Bí thư Đoàn vừa nói, vừa rót thêm bia đầy cốc cho Bình Minh.
Từ lúc đó Bình Minh không nói gì nữa, mà cũng chẳng ăn gì nữa, cứ tì tì uống hết cốc này, lại rót tiếp cốc khác cho đến khi gục hẳn xuống bàn mới thôi. Tiếng là hôm đó Bình Minh mời mọi người, nhưnmg khi cậu ta say chẳng còn biết trời đất gì nữa. Mọi người phải trả tiền, rồi đưa cậu ta về nhà.
 
                                                         *
   K’so Thít đang say sưa theo dõi bộ phim dài tập trên tivi, nghe tiếng đập cửa loạn xạ, nó vội ra mở cửa thì thấy mấy người lạ dắt chiếc xe máy của cậu chủ vào, rồi từ chiếc taxi đang đỗ trước cửa nhà hai người thanh niên vực cậu chủ như một cái xác không hồn đưa vào nhà. Một chị hỏi nó:
- Em là người nhà bà Bình phải không?- Thấy nó gập đầu - Người đàn bà nói tiếp- Anh Minh bị say, nhưng không sao, cứ để anh ấy ngủ một giấc, sáng mai sẽ tỉnh lại thôi. Bọn chị về nhé!
Nó chưa kịp hỏi gì, chỉ mới thò tay vào túi bấm nút chiếc máy ghi âm, thì mấy người đã quay ra, đi rồi. Nó khoá cửa quay vào nhà thấy cậu chủ nằm gục ngay trên nền đất. Nó giục cậu dậy thay quần áo rồi đi ngủ nhưng cậu không nói gì cứ nằm lì ở đó. Nó phải lấy hết sức nâng cậu dậy rồi quàng tay cậu lên vai để dìu cậu lên giường, thì bỗng cậu nôn thốc nôn tháo làm ướt hết cả quần áo của cậu và quần áo của nó. Gớm cậu ăn cái gì mà nôn ra cái mùi chua chua khó chịu quá đi mất. Nó vừa đặt được cậu lên giường, cố nâng nhấc từng phần người cậu lên mới cởi được bộ quần áo ngoài ướt đẫm cơm rượu vất xuống đất, định đứng lên mở tủ lấy quần áo khác thay cho cậu thì bỗng cậu ôm chầm lấy nó và lè nhè nói:
- Em có chửa với thằng giám đốc Park đúng không? Em tự nguyện hiến thân cho nó, hay nó cưỡng hiếp em, hả?
K’so Thít thấy vậy thì co rúm người lại sợ hãi, nói:
-         Cậu nói gì em không hiểu?
-         Không hiểu hả? Thì anh sẽ cho em hiểu thế nào là cuộc đời chó má ngay
bây giờ đây!
   Vừa nói, Bình Minh vừa túm ngực áo K’so Thít giựt tung ra, như con thú đói mồi, anh ta lột cả quần của cô gái rồi đè sấn lên. K’so Thít sợ hãi kêu lên:
-         Cậu bỏ enm ra, em sợ lắm!
-         Sợ cái gì? Em không phải sợ gì cả.
-         Em sợ… có chửa?
-         Có chửa ư? Có chửa thì đẻ chứ sợ cái gì?....
     K’so Thít cố vùng vẫy, nhưng không sao cưỡng lại được cơn cuồng say của Bình Minh đã lên đến cao độ. Ngoài trời bỗng mưa đổ xuống rào rào, sau tia chớp sáng nhoáng là tiếng sét nổ “đình, đoàng” dữ dội, điện trong nhà, ngoài phố đều vụt tắt.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9