Bộ tộc kayan: truyền thuyết người cổ dài - Kay Dee Wong
Rời biên giới Miến Điện-Thailand tại thành phố Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, tôi đến thăm một ngôi làng tập thể gồm các bộ tộc Akha, Yao, Lahu, Palong và Kayan. Khu này chính phủ Thailand dựng lên, gôm các bộ tộc lại sống với nhau làm điểm đến cho khách du lịch. Ngôi làng nằm trong thung lũng, xung quanh trồng nhiều tre xanh, ruộng rẫy, khoai bắp. Nhà làm theo kiểu nhà sàn phòng tránh lụt lội mùa đông. Vách phên tre, mái lợp rơm hoặc lá bằng bàn tay, bên dưới chăn nuôi gia súc. Trong các bộ tộc trên, văn hóa của người Kayan hay gọi là người Padaung gây được nhiều sự chú ý cho khách du lịch. Người ta gọi họ là người cổ dài. Lẽ dĩ nhiên, người Kayan không thích được gọi theo kiểu này.
Kayan là một bộ tộc thiểu số Tạng-Miến thuộc dân tộc Karenni tại Miến Điện. Vào những năm 1990, dân tộc Karenni xung đột với chính quyền Miến sau đó lưu vong sang miền bắc Thailand mang theo bộ tộc Kayan. Trải qua 20 năm, dân số Kayan lên đến 520 người. Họ sống tại các buôn làng Baan Thaton, Piang Din, Nam Piang Din từ Mae Hong Sorn đến Chiang Rai, sát biên giới Miến Điện, theo sự sắp xếp của chính phủ Thailand. Thế kỷ 17 bộ tộc người Kayan đã di cư sang bắc Thailand và lưu lại trong rừng sâu. Họ hiện giờ vẫn tồn tại nhưng ít ai có thể liên lạc.
Các công ty du lịch Thailand tổ chức những chuyến tham quan đến Chiang Mai, Chiang Rai hoặc Mae Hong Sorn không thể không ghé thăm bộ tộc Kayan. Điểm nổi bậc của người Kayan là những chiếc vòng đồng quấn tròn quanh cổ trông thật lạ lẫm. Trên thế giới, có lẽ đây là bộ tộc duy nhất sống ở rừng núi còn giữ tục lệ lạ lùng hiếm thấy này. Ngoài vòng đeo cổ, người Kayan đeo vòng ở chân từ đầu gối đến mắt cá. Họ còn đeo vòng nhôm hay vòng bạc ở cổ tay. Những chiếc vòng ở cổ vẫn là sự thu hút mạnh mẽ nhất cho khách du lịch khi đến bắc Thailand.
Trẻ em Kayan (photo: Kaydee)
Hầu như bất kỳ phụ nữ Kayan nào cũng đều mang cho mình những chiếc vòng trên người. Họ coi đây là thứ trang sức quý giá để tôn vinh vẻ đẹp nữ giới trong bản làng. Sự sang trọng và quý phái của phụ nữ Kayan được đánh giá ở số vòng đeo trên cổ chứ không phải ở sự giàu có của mỗi gia đình. Người đeo càng nhiều vòng, càng được nhiều sự ngưỡng mộ và trọng vọng trong bộ tộc. Điều này chứng tỏ sự quan trọng của chiếc vòng trong nét văn hóa của bộ tộc họ. Ngoài nét đẹp trang sức, rõ ràng họ còn thể hiện phong tục, tập quán từ xưa do tổ tiên lưu truyền lại cho con cháu. Ngày nay bộ tộc Kayan sở dĩ tồn tại với thời gian là họ biết tôn trọng và giữ gìn văn hóa truyền thống của ông bà, tổ tiên.
Điều được coi là hạnh phúc khi gia đình sanh con gái. Đây là để dịp bà con, bạn bè tặng những món quà bằng đồng. Đến bốn, năm tuổi, cha mẹ đúc những chiếc vòng đồng quấn quanh cổ cho con gái. Hằng năm cha mẹ quấn cho em một hoặc hai vòng có khi lên năm vòng. Mỗi vòng như vậy là vòng đặc, lớn bằng chiếc đũa con, trơn láng chứ không phải vòng rỗng bên trong và cũng không phải là vòng đơn mà là một cuộn dây đồng dài quấn thành vòng trôn ốc. Khi tháo vòng cũ quấn thêm vòng mới vào thời gian mất hai đến ba giờ đồng hồ. Phụ nữ lớn tuổi đeo 20 đến 25 vòng. Một người tại bản Plam Piang Din đeo đến 37 vòng. Một bộ vòng nặng 5kg đến 8kg, con số kỷ lục nặng 10kg. Quả là sức chịu đựng ở người đàn bà có khác. Vòng đeo ở cổ có ba ba lớp. Lớp đầu có sáu vòng chiếm 1/3 từ vai vào cổ. Lớp thứ hai có chừng 16 vòng thẳng đứng, 90 độ. Lớp thứ ba có bốn đến năm vòng chiếm nửa cằm dưới.
Nhìn vào phụ nữ Kayan, mọi người nghĩ cổ của họ có vẻ dài hơn bình thường. Tuy nhiên, theo giới khoa học Thailand phân tích từ những tấm hình quang tuyến(x-rays) chụp được, cho là do sức nặng lâu ngày của bộ vòng đè lên vai làm xương đòn gánh và xương vai sụp xuống chứ không phải những chiếc vòng làm cho cổ dài hơn. Nhiều người cho rằng khi tháo ra sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển động của cổ. Không hẳn như vậy vì khi tháo vòng ra, cổ họ vẫn hoạt động như mọi người. Khi đeo vòng sự trở ngại ở cổ không nhiều, các em nhỏ vẫn chạy nhảy chơi đùa bình thường và còn đánh bóng chuyền và chơi các trò thể thao khác.
Tục lệ đeo vòng trên cổ của họ vẫn còn tranh cãi. Theo truyền thuyết người Kayan, ngày xưa họ gặp thảm nạn hổ ăn thịt phụ nữ trong làng. Để tránh thảm họa này, tổ tiên họ yêu cầu mọi người phải mang vòng vào cổ để khỏi bị hổ cắn. Ngoài ra, theo tục lệ người Kayan là họ không muốn kết hôn với người ngoài bộ tộc nên phụ nữ đeo vòng trên cổ nhằm không tạo sự quyến rũ, lôi cuốn cho bộ tộc khác và họ còn tránh được nạn làm nô lệ. Tuy nhiên người lớn tuổi trong bản cho biết đây là truyền thống đã có từ xa xưa. Đó là câu trả lời mà họ tự tin nhất khi được hỏi đến. Mọi cách giải thích chỉ mang tính cách truyền thuyết. Ngày nay người Kayan không bắt buộc con cháu đeo vòng nhưng đối với một người con gái, cô ta coi đó là sự hãnh diện và niềm tự hào trong bản làng khi đeo những chiếc vòng lấp lánh trên cổ.
Với lời giới thiệu của cô hướng dẫn, đến đây du khách dễ dàng nhận ra rằng qua cách ăn mặt của phụ nữ sẽ nói lên trình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường mặt áo quần màu đen hoặc màu đỏ là những người đã lập gia đình và đeo bông tai ngà voi. Ngược lại những cô gái chưa lập gia đình thường mặt áo quần màu trắng. Trước sàn nhà, họ bày những tấm thổ cẩm, khăn choàng cổ, xà-rông hoặc bày những bức phù điêu, vòng tay bằng đồng, tượng gỗ do chồng chạm trổ. Thường ngày, phụ nữ ngồi trước khung cữi quay tơ dệt vải. Hình ảnh đó thật đẹp, yên bình và lạ mắt với du khách. Ngày nay thu nhập chính của họ là những món hàng bày trên sàn bán cho khách du lịch. Vào thăm làng người Kayan mỗi du khách trả gần $10 Mỹ kim. Số tiền này không đến họ bao nhiêu.
Mỗi một sắc tộc trên thế giới có nền văn hóa, tập quán khác nhau. Riêng người Tây phương với lối sống tự do qua lời nói hành động, thoải mái ở tư tưởng và phóng khoáng về cơ thể, họ sẵn sàng cởi truồng chạy quanh sân vận động giữa vài chục nghìn khán giả để phản đối sự bất bình trong lòng. Với tư tưởng phóng khoáng như vậy nên khi đến Thailand gặp những phụ nữ Kayan đeo vòng trên cổ nặng nề, bất tiện, họ coi đó là một sự ràng buộc về thân xác. Ít nhiều họ cảm thấy xót xa, xao xuyến cho phụ nữ của bộ tộc này.
Một số trang nhật ký mạng(blog) du khách Tây nghĩ rằng chính phủ Thailand tập trung bộ tộc người Kayan trong trại Ban Mai Nai Soi tại Mae Hong Sorn không ngoài mục đích thu hút khách du lịch qua những chiếc vòng đeo cổ.
Bộ tộc người Kayan không được hưởng quy chế/đặc quyền là người tỵ nạn chiến tranh để sang nước thứ ba như người Karenni. Chỉ có hai gia đình được định cư đến Finland & New Zealand năm 2008. Tất cả còn lại, chính quyền Thailand cầm chân họ vì bộ tộc Kayan được cho là một bộ tộc thiểu số của Thailand.
Sau này người ta phát hiện việc giữ bộ tộc Kayan với lý do kinh tế du lịch hơn bất cứ lý do nào. Để bộ tộc này sống tự do các nơi sẽ giảm đi sự hấp dẫn khách du lịch đến đây, thay vì tập trung lại. Khi đến Chiang Mai, đâu đâu cũng thấy quảng cáo cho những chuyến viếng thăm người cổ dài(Long Neck people) trên tờ rơi tại văn phòng các công ty du lịch. Năm 2006, nhiều phụ nữ Kayan tháo bỏ vòng đeo cổ để phản đối họ bị lạm dụng văn hóa vào việc kinh doanh du lịch. Năm 2008, các cô gái trẻ cũng tháo bỏ vòng đeo cổ trước khi vào trại tỵ nạn tại Mae Hong Sorn. Cùng năm đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ Thailand hãy để bộ tộc này sống tự do theo điều kiện tự nhiên hơn là đưa họ vào trại tỵ nạn hoặc sống trong các ngôi làng tập thể. Họ yêu cầu du khách không nên viếng thăm người Kayan. Đây cũng là một hình thức phản đối.
Qua các trang mạng điện tử nhiều du khách Tây phương nhất định không đến thăm người Kayan, nghĩ rằng sự có mặt của họ sẽ ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của bộ tộc này. Điều đó không sai đối với các dân tộc thiểu số vùng cao. Nơi đâu có dấu chân du khách băng qua, bản sắc văn hóa nơi đó sẽ mất đi một phần nào. Có thể đời sống văn hóa, phong tục tập quán vốn có từ nghìn xưa lần lần phai mờ, xa rời bản làng.
Ánh sáng đô thành ắt hẳn làm vơi đi vẻ đẹp lung linh ánh trăng trong rừng khuya.
Chiang Mai, Thailand
April 2010 Kay Dee Wong
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.07.2010 04:20:01 bởi Ct.Ly >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: